Đo độ mắt ở đâu chính xác

Đo độ mắt ở đâu chính xác
Phóng to
Khám mắt tại Bệnh viện Mắt TP.HCM- Ảnh: T.T.D.

Mỗi cửa hàng kính là một kiểu đo khác nhau. Thời gian đo khám có chỗ chưa tới hai phút nhưng cũng có nơi phải 10 phút. Và cuối cùng là kết quả khác nhau.

Từ không cận hóa thành cận

Có nơi chúng tôi chỉ cần đưa mắt vào máy là có kết quả, như ở cửa hiệu mắt kính V (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), cửa hiệu mắt kính P (Nguyễn Thông, Q.3).

Còn tại mắt kính S (quốc lộ 13, Q.Thủ Đức), mặc dù đã được đo mắt bằng máy, chúng tôi vẫn tiếp tục thử với các tròng kính đủ độ. Anh nhân viên cứ lắp tròng cận từ 0-4 độ, rồi hỏi liên tục “thấy hàng số mấy”. Khi chúng tôi phàn nàn nhức mắt, anh nhân viên ậm ừ giây lát rồi trả lời tầm gần 4 độ.

Khi khám lại tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, chúng tôi được đo khúc xạ rất kỹ lưỡng. Bên cạnh việc đo mắt bằng máy, chuyên viên khúc xạ liên tục thay đổi lần lượt các bảng chữ trên hộp chữ, bắt chúng tôi đọc. Sau đó các chuyên viên lần lượt lắp các tròng kính khác nhau để thử mắt, rồi bắt người khám thử đeo tròng đi lại xem có đau đầu, chóng mặt, nhức mắt...

Chị Trần Thanh Ngọc (nhà ở Q.Thủ Đức) cho biết: “Khi tôi đo ở cửa hàng mắt kính P (Nguyễn Thông, Q.3) thì mắt phải cận 3,25 độ, mắt trái 2,5 độ. Hai ngày sau tôi đo tại cửa hiệu mắt kính V (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) lại có kết quả khác: mắt phải cận 3 độ, mắt trái 2,75 độ. Bực mình, tôi vào Bệnh viện Mắt TP.HCM thì chuyên viên khúc xạ Lê Thị Thu Thủy ở đây sau khi khám cho tôi đã kết luận: mắt phải cận 2,5 độ; mắt trái cận 2 độ... Kết quả đo mắt chênh lệch đến gần 1 độ, nếu đeo kính sai độ không biết mắt tôi sẽ ra sao”.

Chị Phan Khánh Hồng dẫn con trai là Nguyễn Chí Hùng (12 tuổi) đi khám mắt ở Bệnh viện Mắt TP.HCM. Chị Hồng nói: “Tôi dẫn con đến cửa hiệu mắt kính S chỗ ngã tư Thủ Đức khám mắt rồi lắp kính cận 0,5 độ. Không biết đo khám thế nào mà thằng bé cứ la nhức mắt, chóng mặt, đi cứ như sợ bị sụp hố. Kết quả khám mắt em Nguyễn Chí Hùng tại Bệnh viện Mắt là “rối loạn nhẹ do dùng vi tính nhiều giờ”. Theo chuyên viên khúc xạ Lê Thị Thu Thủy: “Em Hùng chỉ cần giữ mắt ít tiếp xúc nhiều với vi tính trong một thời gian, uống nước nhiều, không nhất thiết phải đeo kính”.

Bé Phan Đình Liêm (13 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cũng vừa nhận kết quả “không cần thiết phải đeo kính” tại Bệnh viện Mắt. Chị Lý, mẹ Liêm, cho biết cách đây một tháng Liêm đi khám tại cửa hiệu mắt kính N (quốc lộ 13, Q.Thủ Đức) với kết quả “mắt trái cận 0,25; mắt phải cận 0,5”. Nhưng theo kết quả vừa khám, bé Liêm chỉ bị khô mắt do sử dụng vi tính nhiều. Cũng theo chị Lý, trong lớp của Liêm hơn quá nửa học sinh đeo kính cận thị. Hầu hết phụ huynh đều đưa con ra tiệm kính khám cho tiện vì khám bệnh viện phải đợi chờ lâu, kiểu dáng kính cũng không phong phú bằng ở ngoài...

Ai đo mắt cũng được?

Theo quy định của Bộ Y tế, với các cơ sở dịch vụ kính thuốc, người hành nghề phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y trở lên và đã có thời gian làm việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ hai năm trở lên. Hoặc là họ phải có chứng chỉ đào tạo về trang thiết bị y tế (vận hành, sử dụng các thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt, mài lắp kính) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp.

Thế nhưng trên thực tế tại các cửa hiệu đo mắt kính chúng tôi đến, rất ít nhân viên đo mắt kính đeo bảng tên, hoặc để các chứng chỉ giấy phép hành nghề tại cửa hiệu.

Ông Trần Hoài Long(cử nhân khúc xạ khoa điều trị khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM):

Có thể đo chưa chính xác

Hiện tại ở VN chưa có trường đào tạo về khúc xạ (ở nước ngoài chuyên viên khúc xạ phải học 4-5 năm, còn kỹ thuật viên khúc xạ mắt kính 2-3 năm).

Hiện chỉ có Bệnh viện Mắt TP.HCM có khóa đào tạo kỹ thuật viên khúc xạ sáu tháng và tại Bệnh viện Mắt trung ương, Hà Nội là có khóa đào tạo về khúc xạ. Nếu các tiệm kính chưa có nhân viên phụ trách khâu đo mắt đã qua đào tạo và chỉ dựa hoàn toàn vào máy đo khúc xạ điện tử thì kết quả đo có thể không chính xác. Mặt khác nếu cửa hàng kính chưa có người đã qua đào tạo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng toa kính kê ra cho bệnh nhân do họ chưa đủ trình độ và đưa ra những quyết định cho đeo kính đúng đắn.

Việc đeo kính sai (ví dụ: cận thị ít bị đeo nhiều, hoặc không cận bị đeo kính cận...) có thể dẫn tới các rối loạn chức năng như nhức đầu, mỏi mắt, nhìn mờ...

Đối với trẻ nhỏ có tật khúc xạ nặng, loạn thị trung bình đến nặng, hoặc bất đồng khúc xạ trung bình đến nặng nếu không đeo kính đúng có thể gây nhược thị, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến lé, ảnh hưởng không tốt lên chức năng thị giác của các em sau này.

KIM TUYẾN

Cắt kính cận ở cửa hàng luôn kèm theo những rủi ro khó tránh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đôi mắt. Vì thế bạn cần hiểu về những lý do không nên cắt kính ở cửa hàng để lựa chọn được nơi khám mắt và cắt kính uy tín.

Theo ước tính của các chuyên gia nhãn khoa, khoảng 20% người bị cận thị đeo kính không đúng độ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc đeo kính sai độ. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính đó là do cắt kính cận tại các cửa hàng bán kính.

Theo các bác sĩ nhãn khoa, bạn không nên cắt kính ở cửa hàng bán kính vì: “Việc khám và quyết định ra đơn kính cho một bệnh nhân là rất quan trọng, đặc biệt ở những bé nhỏ do khả năng điều tiết của trẻ rất cao lên tới 5-7 diop.

Xem thêm: Cách chọn kính cho người cận thị

Có những bệnh nhân mất 3-4 lần khám trong 2-3 tuần mới có thể quyết định ra được một đơn kính chính xác. Vì nếu đeo kính với số kính ban đầu không đúng sẽ dẫn tới hiện tượng điều tiết sai số, thậm chí nhược thị với những bệnh nhân có độ khúc xạ cao, gây giảm hoặc mất thị lực.

Nhưng rất đơn giản đôi khi chỉ mất 5-10 phút đo để cắt được một cặp kính phù hợp tại các cửa hàng kính điều này rất dễ có thể gặp những trường hợp đeo kính chưa thực sự chuẩn. Việc đeo kính thấp hơn độ cận sẽ làm mắt phải “cố gắng” điều tiết lâu sẽ mệt mỏi sinh ra nhược thị do đeo kính không đúng”.

Cùng tìm hiểu thêm những lý do thuyết phục để bạn có thể cân nhắc để cùng người thân lựa chọn nơi khám mắt uy tín, tránh những rủi ro không đáng có khi bị cận thị.

Chuyên về bán kính

Thông thường, với nhiều người khi cảm thấy mắt nhìn xa khó chịu, khó khăn khi tham gia giao thông kèm theo các triệu chứng nhìn mờ, nhức mắt… sẽ nghĩ ngay đến việc có thể mắc tật khúc xạ.

Để tiện lợi cho việc sử dụng kính giúp đôi mắt nhìn rõ hơn, sinh hoạt tiện lợi hơn, nhiều người sẽ có tâm lý đến các cửa hàng kính. Tại đây, nhân viên sẽ đo thị lực thông thường thay vì tìm hiểu tiền sử sức khỏe, xác định độ cận dựa trên khám và đo thị lực, chẩn đoán bệnh trước khi kết luận. Kính sẽ được cắt chỉ dựa vào bảng kết quả đo thị lực.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhãn khoa, việc đo thị lực là việc cần nhưng chưa đủ để đảm bảo cắt kính chính xác. Bạn có thể lựa chọn được một cặp kính thời trang, chất lượng tốt, đảm bảo cho mắt ở cửa hàng bán kính nhưng khó có thể chọn được đôi kính đúng độ cũng như lời khuyên về chăm sóc mắt. Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp bị cận thị giả hay chỉ đơn thuần là suy nhược cơ thể, suy nhược đôi mắt dẫn đến việc đo sai độ của mắt.

Trên thực tế, có rất nhiều bệnh  nhân đến khám với tình trạng mắt mờ và khi chụp có độ khúc xạ (cận thị) nhưng sau khi thăm khám và tra liệt điều tiết thì mắt bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường không có cận thị chỉ đơn thuần là tình trạng điều tiết nhìn gần quá mức trong một thời gian dài gây ra tình trạng giả cận thị.

Nếu bệnh nhân không được khám đầy đủ và tra liệt điều tiết thì rất có thể bệnh nhân sẽ cắt một cặp kính cận để đeo và như vậy vô hình chung lại khiến mắt bị cận thị và có thể tăng số do điều tiết mắt bị rối loạn.

Những trường hợp giả cận do điều tiết mắt nhìn gần quá nhiều bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi mắt, điều chỉnh điều tiết và dùng thêm một số thuốc hỗ trợ thị lực bệnh nhân có thể trở lại bình thường.“Cận thị giả” hay gặp ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn vì khả năng điều tiết của trẻ nhỏ lớn hơn rất nhiều so với người trưởng thành.

Xem thêm: Những điều cần biết về kính cận

Không đầy đủ quy trình chuẩn về khám mắt, đo độ cận

Tại các cửa hàng bán kính thường không đầy đủ các máy móc cũng như có sự chẩn đoán của các bác sĩ nhãn khoa. Tự cắt kính tại các cửa tiệm bán kính thuốc nếu chỉ đơn thuần dựa trên kết quả đo khúc xạ của máy chụp khúc xạ tự động mà không được khám và đánh giá theo một quy trình chuẩn rất dễ dẫn tới tình trạng kính không chuẩn đặc biệt ở những trẻ nhỏ khả năng điều tiết lớn hoặc những bạn có độ khúc xạ cận, viện loạn thị cao có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điều tiết hoặc nhược thị ảnh hưởng tới thị lực của trẻ.

Đeo kính không đúng chỉ định trong thời gian ngắn cũng khiến cho bệnh nhân mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, không tập trung, ảnh hưởng tới học tập và công việc…Nếu kéo dài, tình trạng này có thể nặng lên hoặc dẫn đến bệnh khác hoặc nguy hiểm hơn là nhược thị, mất thị lực không thể hồi phục.

Khi trẻ nhỏ và người lớn xuất hiện các biểu hiện như hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách…, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Không nên khám và cắt kính tại các cơ sở không có chuyên khoa tránh hậu quả đáng tiếc đến đôi mắt.

Ngoài việc chăm sóc mắt tốt, người cận thị nên nên đi khám định kỳ 3 – 6 tháng/lần tại các bệnh viện mắt chuyên khoa để kịp thời điều chỉnh số kính.