Đánh giá chất lượng bản dịch newmark năm 2024

Lý thuyết chiến lược thực hiện nhiệm vụ dịch thuật có phạm vi rất rộng. M. Ordudari (2007) mô tả hai cấp độ chiến lược:

i) Chiến lược liên quan đến sản phẩm

Xoay quanh “các nhiệm vụ cơ bản bao gồm lựa chọn văn bản trong ngôn ngữ nguồn và xây dựng phương pháp dịch”,

ii) Chiến lược liên quan đến quá trình

Bộ quy tắc hoặc nguyên tắc (không chặt chẽ) được người dịch áp dụng nhằm đạt mục tiêu đề ra trong tình huống dịch”. Có thể được chia nhỏ thành chiến lược tổng quát và chiến lược cục bộ: chiến lược tổng quát đề cập đến “các nguyên tắc chung và phương thức hành động”, chiến lược cục bộ đề cập đến “các hoạt động cụ thể của người dịch liên quan đến giải quyết vấn đề và ra quyết định”.

Mặt khác, Cragie và cộng sự (2015:7) xác định ba cấp chiến lược:

  1. “Chiến lược là “kế hoạch” tổng thể của người dịch, một tập hợp các quyết định mang tính chiến lược được thực hiện sau khi đọc qua văn bản nguồn và trước khi bắt đầu quá trình dịch chi tiết”.

ii) “Quyết định mang tính chiến lược là nhóm quyết định hợp lý đầu tiên được người dịch thực hiện trước khi bắt đầu quá trình chuyển ngữ” dựa trên câu trả lời của người dịch cho bộ câu hỏi về văn bản nguồn, bao gồm: thông điệp; các đặc điểm ngôn ngữ đáng chú ý; tác dụng chính; thể loại; độc giả mục tiêu; chức năng; hàm ý của các yếu tố này; và lựa chọn ưu tiên.

iii) Quyết định chi tiết là “quyết định hợp lý liên quan đến các vấn đề cụ thể về cú pháp, từ vựng, v.v. gặp phải trong quá trình dịch các biểu thức cụ thể đặt trong ngữ cảnh cụ thể”.

Vào những năm 1980, Peter Newmark xác định ra 15 chiến lược dịch thuật riêng lẻ, tương đương với các chiến lược cục bộ hoặc quyết định chi tiết nêu trên.

Nhằm đơn giản hóa quá trình phân loại chiến lược, hai cấp chiến lược đã được đề xuất: chiến lược vĩ mô và chiến lược vi mô.

Chiến lược vĩ mô trong nhiệm vụ dịch thuật là gì?

Chiến lược vĩ mô liên quan đến các quyết định tiếp cận quá trình dịch, thiết lập ban đầu và các đặc điểm đặc trưng, dựa vào:

  • Bản chỉ dẫn dịch, trong trường hợp không có chỉ dẫn dịch, người dịch đưa ra giả định về mục đích, cách sử dụng và ngữ cảnh của văn bản nguồn cũng như văn bản đích thu được từ đối tượng độc giả của văn bản và/hoặc thông qua đọc và nghiên cứu văn bản nguồn;
  • Chủ đề, ngôn ngữ, phong cách và nội dung văn hóa của văn bản nguồn;
  • Các nguồn tài liệu nghiên cứu sẵn có hoặc vẫn cần được xác định;
  • Kinh nghiệm dịch nói chung và kinh nghiệm tiếp xúc với các văn bản thuộc loại/chủ đề tương tự nói riêng.

Có thể gọi đây là giai đoạn định hướng trong quy trình, bao gồm các hoạt động đọc qua văn bản nguồn, phân tích trước khi dịch và có thể dịch thử vài dòng để kiểm tra tính khả thi của phương pháp tiếp cận, phong cách, thiên kiến ngôn ngữ nguồn/đích, v.v.

Chiến lược vi mô trong nhiệm vụ dịch thuật là gì?

Chiến lược vi mô – đúng như tên gọi của nó – cho biết quyết định bản địa hóa, chẳng hạn như cách dịch một từ, cụm từ hoặc một đơn vị riêng lẻ khác (ví dụ: chữ viết tắt hoặc cảm thán).

Nhưng liệu người dịch có nhận ra mình đang áp dụng chiến lược nào và ở mức độ nào hay không?

Lý thuyết quan yếu là lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ ứng dụng vào việc xử lý thông tin có ý thức và vô thức trong quá trình dịch, cũng như các quyết định kèm theo. Hãy cùng tìm hiểu xem khía cạnh có ý thức – vô thức đóng vai trò như thế nào trong việc ra quyết định trong quá trình dịch. Ví dụ, theo Axel Cleeremans (Université Libre de Bruxelles, trích “Conscious and unconscious processes in cognition”, viết cho International Encyclopedia of the Social and Behavioral Sciences):

Kinh nghiệm hàng ngày cho thấy, dường như chúng ta hiểu biết nhiều hơn những gì chúng ta tưởng. Chẳng hạn như đạp xe đạp, chơi quần vợt hoặc lái ô tô, tất cả những hoạt động này đều đòi hỏi người thực hiện phải thành thạo một bộ kĩ năng vận động phức tạp, thế nhưng ta lại chẳng thể giải thích cặn kẽ mình thực hiện những hoạt động thể chất ấy như thế nào. Việc thiếu tính liên kết giữa khả năng thuật lại quá trình nhận thức và hành vi liên quan đến quá trình này không chỉ giới hạn ở hành động, mà còn xuất hiện ở quá trình nhận thức cấp cao. Phần lớn người bản ngữ không thể giải thích rõ ràng các quy tắc ngữ pháp mà họ tự động áp dụng khi bật ra một biểu thức ngôn ngữ. Tương tự, ý kiến chuyên môn trong các lĩnh vực như chẩn đoán y tế hay cờ vua, cũng như những nhận xét về thẩm mỹ hay xã hội, đều liên quan đến kiến thức trực giác mà con người sở hữu nhưng dường như hiếm khi tiếp cận.

Cũng theo ông, các thử nghiệm chỉ ra rằng việc tự mô tả hành động của bản thân thường phản ánh quá trình tái cấu trúc và diễn giải, thay vì quá trình nội quan.

Việc tìm hiểu các quá trình nhận thức đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động dịch thuật. Điều đó chỉ ra rằng có rất nhiều cấp độ hoạt động nhận thức khác nhau tham gia tương tác trong quá trình xử lý những thông tin đã đọc, nghe và thấy – một số thuộc về trực giác, thay vì có ý thức. Quan điểm cho rằng chúng ta tái cấu trúc và diễn giải những hiện tượng xảy ra quanh mình – ví dụ như thông qua hoạt động đọc – phản ánh tính phức tạp của phương thức chúng ta tiếp nhận và xử lý các hiện tượng gặp phải. Trên thực tế, quá trình dịch thuật diễn ra ở cấp độ nhận thức cao (Theo trang www.verywell.com, nhận thức được định nghĩa là: “các quá trình trí óc liên quan đến việc thu thập và lĩnh hội kiến thức, bao gồm suy nghĩ, nhận biết, ghi nhớ, nhận định và giải quyết vấn đề. Đây là những chức năng cao cấp của não bộ, giúp hoàn thiện ngôn ngữ, khả năng tưởng tượng, nhận thức và lập kế hoạch”).

Các vị danh từ in nghiêng trên biểu thị những hoạt động khác nhau mà người dịch thực hiện khi truyền tải thông tin từ văn bản nguồn sang văn bản đích. Đây là những quá trình “có ý thức” (nhận biết có thể là ngoại lệ), đòi hỏi nỗ lực xử lý mang tính nhận thức từ phía người dịch; tuy nhiên, tồn tại những yếu tố đầu vào mang tính trực giác ảnh hưởng nhẹ đến lựa chọn của người dịch, qua đó phản ánh kinh nghiệm cá nhân, lập trường đạo đức, sở thích, sở ghét, thái độ, v.v. Nếu giao cùng một văn bản gốc (bài báo về vấn đề thời sự hiện nay chẳng hạn) cho mười dịch giả có trình độ cao, với chuyên môn trong cùng một cặp ngôn ngữ, chắc chắn bản dịch của họ sẽ cho thấy những khác biệt đáng kể ở các mặt sau: cấu trúc; thiên kiến ngôn ngữ/ngữ cảnh nguồn/đích; ngôn liệu và thuật ngữ; cách sử dụng ngôn ngữ, ngữ vực và phong cách; chấm câu. Không nghi ngờ gì hết, ý kiến chủ quan (vô thức) sẽ luôn là một phần trong các lựa chọn dịch thuật, và tính khách quan tuyệt đối không tồn tại trong quá trình ra quyết định dịch thuật.

Do đó, khi đánh giá “chất lượng” bản dịch, sẽ luôn có sự pha trộn giữa tính chủ quan và khách quan từ phía người hiệu đính hoặc biên tập. Thứ “chính xác” hoặc “phù hợp” với một biên tập viên (hoặc người dịch) có thể sẽ không được biên tập viên khác chấp nhận. Ở một mức độ nào đó, điều này giải thích thực tế rằng trong một số trường hợp, người dịch phải miễn cưỡng chấp nhận những chỉnh sửa trong bản dịch của mình, dù cảm thấy chúng chỉ là thay đổi về hình thức, không cần thiết hoặc thậm chí không phù hợp.

Các chiến lược dịch thuật có thể được phân loại hoặc khái quát hóa và được coi là một “bộ công cụ” hỗ trợ người dịch – tuy nhiên, cách người dịch triển khai chiến lược lại dựa vào các quá trình nhận thức được mô tả ở trên, liên quan đến những yếu tố như kiến thức, văn hóa và kinh nghiệm của người dịch.

Chiến lược vi mô trong thực hiện nhiệm vụ dịch thuật

Có thể mô tả những chiến lược vi mô được đề xuất dưới dạng một bản “danh sách mười điểm” bao gồm các kỹ thuật được sáng tạo dựa trên chiến lược do Peter Newmark xác định (trong Approaches to Translation, 1988, Hertfordshire, Vương quốc Anh, Prentice Hall, trang 82–91). Chúng bao gồm các đơn vị ngôn ngữ trong văn bản nguồn có thể được chuyển giao trực tiếp vào bản dịch, các dạng tương đương một đối một hoặc gần tương đương, các chiến lược nhằm xử lý những đơn vị khó hoặc không thể chuyển ngữ nếu không biến đổi.

Những chiến lược này được liệt kê, giải thích và phát triển dưới đây.

Mười chiến lược vi mô

  1. Chuyển giao trực tiếp một đơn vị ngôn ngữ trong văn bản nguồn vào bản dịch (chiến lược này bao gồm việc bảo toàn hình thái của đơn vị ngôn ngữ, không thực hiện bất cứ biến đổi nào).
  2. Dịch sao phỏng (dịch nguyên văn từ hoặc cụm từ trong ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích).
  3. Dùng từ tương đương trực tiếp (một-đối-một giữa ngôn ngữ nguồn/đích).
  4. Tương đương văn hóa (các từ khác nhau trong ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích để chỉ cùng một khái niệm/quy chiếu).
  5. Dùng từ đồng nghĩa (từ đồng nghĩa hoặc từ gần nghĩa).
  6. Dịch nghĩa (dùng hình thái trung hòa trong ngôn ngữ đích để dịch đơn vị không thể chuyển ngữ hoặc xử lý phương án dịch không khả thi trong ngôn ngữ nguồn).
  7. Khai triển hoặc mô phỏng (giải thích đơn vị ngôn ngữ nguồn trong ngôn ngữ đích).
  8. Giản lược (đơn giản hóa và rút gọn đơn vị ngôn ngữ nguồn trong ngôn ngữ đích).
  9. Thay đổi ngữ pháp/cú pháp (thay đổi hình thái hoặc cấu trúc giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích).
  10. Bù trừ (ý nghĩa mất đi trong quá trình dịch được bù lại ở phần khác trong văn bản đích).

Những chiến lược này được giải thích dưới đây, kèm theo một số ví dụ trong các ngôn ngữ phổ biến ở châu Âu

(1) Chuyển giao trực tiếp một đơn vị ngôn ngữ trong văn bản nguồn vào bản dịch

Các từ tiếng Anh đôi khi được chuyển giao nguyên vẹn vào bản dịch, vì lý do ngôn ngữ hoặc văn hóa.

Ví dụ: i) một từ/cụm từ tiếng Anh mang tính đặc thù văn hóa (ví dụ: golf, cricket, club, cottage) không có từ tương đương trong ngôn ngữ đích; ii) một từ hoặc cụm từ tiếng Anh, theo giả định của người dịch, có thể được hiểu bởi nhóm độc giả mục tiêu (chẳng hạn như từ “TV”), có thể là từ mượn đã được đồng hóa.

  • Dịch sao phỏng

Bản dịch nguyên văn một từ hoặc cụm từ, thể hiện hình ảnh (ẩn dụ) gốc trong ngôn ngữ nguồn và đã trở thành từ thuần quen thuộc, được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ đích.

Ví dụ: cụm từ “flea market” (chợ trời), (có nhiều ngôn ngữ sử dụng bản dịch nguyên văn, như tiếng Pháp marché aux puces (chợ bọ chét)).

  • Dùng từ tương đương trực tiếp

Dịch một-đối-một là phương pháp thường gặp trong các văn bản kỹ thuật, khoa học và văn bản chuyên ngành khác, trong đó ý nghĩa của từ hoặc thuật ngữ được độc giả tiếp nhận trong ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích phải giống hệt nhau để đảm bảo không tối nghĩa. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ nguồn có thể có hai từ dùng để chỉ cùng một khái niệm, và sự khác biệt chỉ nằm ở ngữ vực (ví dụ, influenza/flu (cúm) hoặc hypertension/high blood pressure (tăng huyết áp)).

  • Tương đương văn hóa

Ví dụ điển hình về việc thay thế một đơn vị văn hóa trong ngôn ngữ nguồn bằng một đơn vị khác trong ngôn ngữ đích là từ “laywer” (luật sư). Giả sử, trong tiếng Đức, thuật ngữ chuẩn để chỉ luật sư là Rechtsanwalt hoặc Anwalt, trong khi nhóm ngôn ngữ Rôman sử dụng các từ tương tự như avocat trong tiếng Pháp. Cũng cần nói thêm rằng “laywer” trong tiếng Anh và các hình thái “avocat” có tính chất tổng loại, trong các ngôn ngữ này cũng tồn tại thuật ngữ chuyên ngành chỉ một số chức danh pháp lý nhất định, như Jurist/juriste/giurista (luật gia), v.v. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi, trong hệ thống pháp lý Scotland, thuật ngữ advocate (hay counsel) được sử dụng để chỉ thành viên của cơ quan pháp lý đại diện cho thân chủ trong các vụ kiện, đồng thời tư vấn pháp lý, còn thuật ngữ barrister (luật sư tranh tụng) ở Scotland lại có ý nghĩa không hoàn toàn giống như ở Anh và xứ Wales; rắc rối hơn, thuật ngữ counsel được sử dụng theo hai cách khác nhau trong hai hệ thống. Tình cờ, vào năm 2006, chức danh solicitor-advocate ra đời (ở Anh và xứ Wales) cho phép các công ty luật đại diện cho khách hàng trước Tòa án Đại hình (Crown Court) thay vì phải gọi barrister! Những ví dụ trên cho thấy, như Newmark (1988:83) đã chỉ ra tương đối chính xác, việc chuyển giao những thuật ngữ này từ ngôn ngừ nguồn sang ngôn ngữ đích “là không chính xác”; trên thực tế, chúng được sử dụng theo quy ước thay vì sử dụng tương đương (ví dụ, cặp ngôn ngữ Ý/Anh: avvocato/solicitor hoặc avvocato/barrister).

  • Dùng từ đồng nghĩa

Newmark coi việc dùng từ đồng nghĩa là “tương đương gần nghĩa trong ngôn ngữ đích” (1988:84). Ví dụ, cụm từ tiếng Anh “homesick” (nhớ nhà): trong tiếng Đức có một từ với hình thái tương tự, còn tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Ý biểu đạt khái niệm này bằng từ nostalgia (nỗi nhớ) (trong tiếng Anh, nghĩa của từ này hơi khác so với “homesick”).

  • Dịch nghĩa

Khi không tìm được đơn vị ngôn ngữ tương đương (hoặc gần tương đương) trong ngôn ngữ đích cho một từ hoặc cụm từ trong ngôn ngữ nguồn, người dịch cần sử dụng hình thái trung hòa chuẩn (ví dụ, từ “custard” (sữa trứng) trong tiếng Anh được dịch thành crema pastelera (kem sữa trứng) hoặc natillas (bánh trứng) trong tiếng Tây Ban Nha, Vanillesauce (Sốt vani) hoặc Eierkrem (kem trứng) trong tiếng Đức, crema inglese (kem kiểu Anh) trong tiếng Ý). Trong trường hợp không thể chuyển giao trực tiếp yếu tố văn hóa, chí ít, người dịch phải truyền tải thông tin được nhắc đến trong đơn vị ngôn ngữ nguồn theo cách hiệu quả và súc tích nhất có thể trong ngôn ngữ đích. Có thể áp dụng phương pháp dịch nghĩa khi cần truyền tải các phép ẩn dụ, nếu bản dịch nguyên văn các bộ phận cấu thành mang lại cảm giác quá “Tây”.

  • Khai triển hoặc mô phỏng

Các giải pháp này thường được sử dụng khi những phương án dịch ngắn gọn hơn không tỏ ra hiệu quả, hoặc khi cần cung cấp thêm thông tin và ngữ cảnh để giúp độc giả nắm rõ vấn đề. Ví dụ, “Ealing Studios” không đơn thuần là những xưởng phim tại Ealing (London); cái danh xưng này chỉ là phần nổi của tảng băng “văn hóa”. Các xưởng phim (không còn tồn tại) này nổi lên vào những năm 1950 nhờ những bộ phim hài và phim về đề tài chiến tranh. Do đó, khi nhắc đến Ealing comedy, cần chú thích (giải thích ngắn gọn trong ngoặc đơn ngay sau khi đề cập) hoặc giải thích cụ thể nếu muốn đối tượng độc giả đích hiểu rằng đây là một giai đoạn điện ảnh và/hoặc một loại phim cụ thể. Nếu phần chú thích quá dài, có thể sử dụng ghi chú chân trang hoặc ghi chú của người dịch, dù những bổ sung này sẽ khiến văn bản đích trở nên “cồng kềnh” hơn. Trong trường hợp chú thích hoặc giải thích ngắn gọn không thể hiện đầy đủ sắc thái văn hóa được cho là quan trọng trong ngữ cảnh, người dịch có lẽ sẽ cần áp dụng phương pháp mô phỏng; ví dụ, “rice pudding” không đơn thuần là một món tráng miệng làm từ gạo, đường, sữa và gia vị, mà còn chỉ món đồ ngọt truyền thống được phục vụ sau bữa tối tại các trường học, khiến nhiều thế hệ học sinh buồn nôn (nhưng lại là món khoái khẩu của nhiều học sinh khác). Quyết định áp dụng chiến lược nào phụ thuộc lớn vào nhận định của người dịch về mức độ tường minh cần thiết trong văn hóa và ngữ cảnh đích.

  • Giản lược

Một số văn bản được viết theo phong cách quá rườm rà, khiến văn bản đích chuyển ngữ theo lối thông thường trở nên tối nghĩa. Đôi khi, tính chất hoa mỹ bóng bẩy của văn bản nguồn là một đặc trưng về phong cách cần được truyền tải trọn vẹn nhất có thể trong bản dịch. Trong một số trường hợp khác, cách hành văn dài dòng của văn bản nguồn xuất phát từ hiện tượng trùng ngôn, hoặc kỹ năng viết và khả năng biểu đạt kém, và do đó có thể cần được “cắt tỉa” lại nếu muốn truyền tải rõ ràng và chính xác thông điệp trong văn bản đích. Khi áp dụng giản lược trong dịch thuật, có thể lược bỏ đơn vị ngôn ngữ trong văn bản nguồn. Đây không hẳn là một chiến lược, và chỉ được chấp nhận trong trường hợp lặp từ hoặc trùng ngôn không cần thiết (ví dụ như hai tính từ cùng nghĩa trong khi chỉ cần một là đủ) hoặc khi từ hoặc cụm từ không có chức năng trong câu. Khi ra quyết định giản lược, cần cân nhắc những hệ quả có thể xảy ra (như câu không hoàn chỉnh và làm mất nghĩa).

  • Thay đổi ngữ pháp/cú pháp

Mức độ thay đổi được coi là phù hợp (hoặc cần thiết) trong quá trình dịch phụ thuộc vào phạm vi quy ước cấu trúc trong ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Ví dụ, xét một cách chung nhất, nhóm ngôn ngữ Rôman có xu hướng ưa chuộng danh từ, tính từ và mệnh đề chính hơn (phương pháp tiếp cận ngôn ngữ dựa trên khái niệm), còn tiếng Anh có phương pháp tiếp cận diễn ngôn theo hướng dụng pháp và bản năng hơn, đồng thời ưa chuộng dạng động từ và các mệnh đề phụ hơn. Về cơ bản, đây chính là phương pháp khái quát hóa, tuy nhiên, người dịch cặp ngôn ngữ Anh – Rôman (cả hai chiều) sẽ quá chú trọng vào sự khác biệt về đặc điểm diễn ngôn. Do tiếng Anh có rất ít cấu trúc “ngữ pháp” như vậy, trật tự từ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính liên kết và tính mạch lạc, trong khi ở nhóm ngôn ngữ Rôman mang tính biến đổi cao, tính liên kết và tính mạch lạc không quá phụ thuộc vào trật tự từ như vào ngữ pháp và cú pháp. Ở nhóm ngôn ngữ này, một câu có thể bắt đầu bằng chủ ngữ, tân ngữ trực tiếp hoặc tân ngữ gián tiếp, nhưng “đùa” với trật tự từ trong tiếng Anh có thể khiến tính mạch lạc và định hướng nhanh chóng biến mất. Nhìn chung, các văn bản chủ yếu truyền tải thông tin, hướng dẫn hoặc lời khuyên thường được viết bằng các cấu trúc đơn giản hơn so với các văn bản đưa ra ý kiến tranh luận, giải trình, chẳng hạn như các văn bản học thuật. Vì lẽ đó, văn bản chuyên ngành lịch sử nghệ thuật trong tiếng Anh có thể được viết bằng thứ ngôn ngữ không kém phần trang trọng (và phức tạp) so với các văn bản tiếng Rôman.

  • Bù trừ

Kỹ thuật bù trừ được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, với mục đích bảo toàn trọn vẹn nhất có thể ý nghĩa của văn bản nguồn. Trong “Translation Toolkit”, tài liệu được phát cho sinh viên các khóa ngôn ngữ học hiện đại, Đại học Cambridge chỉ ra rằng:

“Thách thức khi dịch thuật nằm ở chỗ chấp nhận rằng việc của người dịch không phải loại bỏ, mà là giảm thiểu tình trạng mất nghĩa bằng những quyết định có ý thức về việc cần tôn trọng, và hy sinh, đặc điểm nào trong văn bản nguồn. Bù trừ là câu chuyện của những lựa chọn và quyết định; là việc giảm thiểu những tình huống mất nghĩa không thể chấp nhận thông qua việc tính toán và đưa ra phương án dễ chấp nhận hơn”.

Cụm từ nổi tiếng (và thường xuyên bị sử dụng sai) “lost in translation” chỉ ra rằng dịch thuật, về bản chất, là một quá trình tự động gây tổn thất về nội dung và tính chính xác, trong đó việc truyền tải thông điệp có thể gây hiểu nhầm, làm xuất hiện những tình huống tối nghĩa và thậm chí hài hước. Cần nhận ra rằng tổn thất là đặc tính cố hữu trong mọi quá trình dịch thuật, cũng như cần thực hiện các bước để giảm thiểu và bù trừ tổn thất.

Cragie và cộng sự (2015:36) chia bù trừ thành ba nhóm: bù trừ theo phương thức (nhóm “thay thế” lớn, bao gồm: khiến cái hàm ẩn trở nên rõ ràng (hoặc ngược lại)); nghĩa nguyên văn thay thế nghĩa liên tưởng (hoặc ngược lại); thay thế cái cụ thể bằng cái trừu tượng (hoặc ngược lại). Những hành động này thường liên quan đến việc sử dụng các bộ phận khác nhau trong lời nói và cấu trúc cú pháp, có thể thay thế chỉ một từ hoặc khai triển thành đơn vị dài hơn.

Bù trừ căn bản là “biện pháp hạn chế tổn thất”. Chiến lược này tồn tại đồng nghĩa với việc thừa nhận cần phải thỏa hiệp để có thể truyền tải rõ ràng, chính xác và phù hợp những bộ phận thông điệp không thể dịch từ văn bản nguồn sang văn bản đích. Các tác giả muốn nhấn mạnh rằng đây phải là những quyết định hợp lý tùy vào từng trường hợp, và chiến lược bù trừ không có cơ sở khoa học chính xác.

Trên thực tế, thành công của chiến lược bù trừ phụ thuộc vào khả năng của người dịch:

  1. để xác định tổn thất dịch (tiềm tàng) phát sinh do các yếu tố thuộc văn bản nguồn như: các đơn vị không thể chuyển ngữ, ý nghĩa mơ hồ, chất lượng văn bản nguồn thấp, cấu trúc câu trúc trắc, từ ngữ mới xuất hiện, phương ngữ, tiếng lóng, phép ẩn dụ, không tương đương văn hóa, v.v. và

ii) để tìm cách giải quyết “khoảng trống” mà tổn thất dịch tạo ra, cả trong ngữ cảnh cụ thể và trong phạm vi chiến lược vĩ mô đã xác định và thực hiện từ đầu.

Cần lưu ý rằng, trong quá trình dịch thuật, người dịch thường áp dụng một số hành động cụ thể (thay vì chiến lược), ví dụ như:

Tái cấu trúc: Thay đổi “hình dáng” của câu về cú pháp và trật tự từ, giúp bản dịch phù hợp với các quy tắc diễn ngôn trong ngôn ngữ đích. Hành động này có thể bao gồm giản lược hoặc triển khai câu, tùy thuộc vào sự kết hợp và loại ngôn ngữ.

Đảo lên đầu câu: Đưa thông tin ở vị trí khác trong câu lên đầu câu là hiện tượng thường thấy trong tiếng Anh. Hành động này thường được dùng để mô tả cá nhân (ví dụ: New Tory Prime Minister Theresa May – Tân Thủ tướng thuộc Đảng Bảo Thủ Theresa May), thường trong vai trò chủ ngữ. Đảo thông tin lên đầu câu theo cách này là hiện tượng điển hình trong các ngôn ngữ dễ tạo từ ghép.

Chuyển phủ định thành khẳng định: dùng dạng khẳng định thay vì phủ định có thể giúp câu ngắn gọn, súc tích hơn (ví dụ: “cung cấp không đủ thông tin” > “cung cấp thiếu thông tin”).

Khoảng trống từ vựng: Đơn vị ngôn ngữ nguồn có trường nghĩa rộng hơn đơn vị ngôn ngữ đích là hiện tượng không hiếm gặp (ví dụ: thuật ngữ tiếng Ý “ricerca” vừa mang nghĩa “nghiên cứu”, vừa mang nghĩa “tìm kiếm” trong tiếng Anh). Ngữ cảnh là chìa khóa giúp tìm ra giải pháp trong những tình huống này.

Khái quát hóa và cụ thể hóa: Đôi khi, hoạt động chuyển ngữ từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích trở nên thuận lợi hơn nhờ người dịch trình bày lại văn bản theo hướng khái quát hoặc cụ thể hơn. Hành động này có thể nhằm mục đích “cải thiện” hình thái văn bản gốc giúp tăng mức độ tiếp nhận thông tin, hoặc tăng/giảm mức độ nhấn mạnh. Cần báo trước khi thực hiện hành động này bởi nó có thể gây tổn thất hoặc bổ sung thông tin vào bản dịch (bổ sung thông tin cũng là một dạng tổn thất do ý nghĩa cốt lõi của văn bản gốc có thể bị “thêm thắt”), cũng như cần tránh thực hiện khi dịch các tài liệu pháp lý như hợp đồng hoặc bằng sáng chế.