Công tác quản lý quản trị trường học

Tại các nước phát triển, Quản trị trường học – School Administration là thuật ngữ khá phổ biến trong Giáo dục, đặc biệt là trong Giáo dục thời đại tri thức. Từ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm triển khai trong nước và trên thế giới, năm 2018, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai tuyển sinh đào tạo CỬ NHÂN CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC. Đây là một hướng đi mới tại Việt Nam nhưng cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung của Giáo dục Thế giới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ 9 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp về đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục: “... Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo”. “Phát triển quản trị nhà trường - con đường lên phía trước”, là một cách tiếp cận mới trong phát triển quản lý, trong đó tập trung sự chú ý vào việc hỗ trợ bên trong và hỗ trợ từ những lực lượng liên đới gần với nhà trường. Quan điểm này nhìn nhận sự phát triển quản lý như một quá trình quyết định trong việc giúp đỡ các tổ chức đạt được mục đích của họ và như là “một cách tiếp cận hỗ trợ, thúc đẩy, và liên hệ một cách hài hoà với sự phát triển của tổ chức”. Một số cơ sở giáo dục hoạt động có hiệu quả và thành công do Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý đã học được cách quản trị một cách có hệ thống.

Trong cuốn “Giáo dục trong thời đại tri thức” - một cuốn sách chuyên khảo có giá trị của Nhà xuất bản lao động và Tập đoàn EDX xuất bản năm 2016 do GS. John Vũ viết có đoạn: “Trong hệ thống giáo dục mới [tức hệ thống giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0], trường học là đối tác với ngành công nghiệp để tạo ra giáo trình đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp… Nếu trường học có thể cung cấp kĩ năng và tri thức đúng để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp thì việc cộng tác sẽ có lợi vì trường học là nơi kinh doanh về đào tạo còn công nghiệp là kinh doanh thuê nhân lực có chất lượng. Bên cạnh đó, nếu trường học có thể làm cho sinh viên thành người học cả đời thì công nghệp sẽ không phải đầu tư vào việc đào tạo lại công nhân và giáo dục có thể là việc đào tạo và học tập cho mọi công nhân. Do đó, sự cộng tác đem sinh viên, giáo viên, cha mẹ và công nghiệp lại cùng nhau là nền tảng của xã hội tri thức” [Sách GDTTĐTri thức – tr19]. Và để điều khiển được sự cộng tác này một cách hài hòa và mang lại hiệu quả cao nhất đòi hỏi người thực hiện cần có kiến thức chuyên sâu về Quản lý giáo dục nói chung và Quản trị Nhà trường nói riêng.

Đào tạo về quản trị hiện đang được thực hiện nhiều tại các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới về các lĩnh vực như kinh doanh, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học,…. Quản trị trường học là một trong những chương trình đào tạo quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Đại học Bắc Carolina Charlotte [Hoa Kì] công bố mục tiêu “Chương trình được thiết kế để chuẩn bị cho học viên năng lực quản lý và điều hành, đặc biệt là cho các vị trí như hiệu trưởng và hiệu phó”. Đại học Bang Mississipi- “Chương trình chào đón các học viên mong muốn có khả năng tạo cảm hứng, sáng tạo, các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa cho trường học thế kỷ 21”. Không chỉ có vậy, Trường Giáo dục - Đại học Campbell còn nêu rõ chương trình đào tạo dành cho “những người coi trong sự phát triển chuyên nghiệp trong mỗi tiêu chuẩn cho cán bộ trường học”.

Hiện nay, ở nước ta mới chỉ triển khai chương trình đào tạo Quản lý giáo dục. Đây là chương trình được thiết kế chung cho tất cả cán bộ quản lí đang làm việc trong ngành giáo dục và được triển khai tại khoảng 15 cơ sở đào tạo, trong đó có Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Tuy nhiên, chương trình chưa thể đi sâu hết các hoạt động của một cơ sở giáo dục, cũng như chưa thể hiện rõ yếu tố “quản trị” mà cán bộ quản lý và chuyên viên cần triển khai cho phù hợp với xu thế phát triển chung.

Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cán bộ lãnh đạo và quản lí nhà trường cần được trang bị những kiến thức về quản trị nhà trường, hướng đến sự hội nhập trong nước và quốc tế. Trường ĐHGD- ĐHQGHN đã thực hiện khảo sát nhu cầu với các đối tượng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường từ bậc học mầm non trở lên; trưởng khoa, phó trưởng khoa, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường phổ thông; cán bộ quản lý công tác Đoàn, Đảng, Công đoàn trong các cơ sở giáo dục đào tạo; lãnh đạo, cán bộ quản lý và chuyên viên làm công tác quản lý giáo dục của phòng, ban chức năng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết cán bộ lãnh đạo quản lý được phỏng vấn đều mong muốn được học bổ sung các kiến thức về quản trị, về giáo dục học và nâng cao năng lực quản trị trường học.

Từ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm triển khai trong nước và trên thế giới, năm 2018, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN triển khai tuyển sinh đào tạo CỬ NHÂN CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC. Đây là một điểm nhấn mới trong lĩnh vực Khoa học Giáo dục của Trường Đại học Giáo dục nói riêng và của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Chuyên ngành Quản trị Trường học là một hướng đi mới tại Việt Nam nhưng cần thiết và đáp ứng yêu cầu với xu thế phát triển chung của Thế giới.

Khoa QLGD

Ngày đăng: 10-06-2020

CÔNG TÁC QUẢN LÝ CỦA HIỆU TRƯỞNG: QUẢN LÝ NHÂN SỰ TRONG NHÀ TRƯỜNG

                                                                                                         ThS. Trần Ngọc Lâm

            Trên cơ sở lý luận và thực tế quản lý, giúp các hiệu trưởng, các nhà quản lý, nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của quản lý nhân sự, có thái độ tích cực đổi mới, cải tiến hoạt động quản lý nhân sự trong nhà trường ngày càng tốt hơn nhằm đạt được mục tiêu quản lý.

           1. Khái niệm về quản lý nhân sự

           Ngày nay, khi nhân loại bước vào nền kinh tế tri thức, người ta bắt đầu nói nhiều đến nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế thì đối với các nhà quản lý ở mọi lĩnh vực, vấn đề quản lý nhân sự được đặt lên hàng đầu. Khi người ta nói đến một tổ chức, một đơn vị làm ăn thất bại, thua lỗ, không phải vì thiếu vốn, thiếu trang thiết bị, thiếu cơ sở vật chất, mặt bằng … mà người ta nghĩ ngay đến người lãnh đạo, thủ trưởng của đơn vị đó không đủ năng lực điều hành công việc, thiếu trang bị về kiến thức quản lý nhân sự hoặc thiếu kinh nghiệm trong chiến lược con người.

            Vậy quản lý nhân sự là gì? Ta hiểu thế nào về quản lý nhân sự?

            Một nhà quản lý kinh tế từng nói “ Học vấn kinh doanh cơ bản của tôi không ngoài ba điều: đó là về con người, tài chính và công việc”. Qua đó mới thấy ngày nay muốn làm được việc vĩ đại hay thành đạt thì cần phải biết sử dụng nhân tài, phải biết khai thác các nguồn nhân lực và phối hợp sự hoạt động của con người trong sản xuất, kinh doanh, trong nhà trường, trong tổ chức. Có thể nói quản lý nhân sự trong nhà trường là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp, bởi vì nó đụng chạm đến những con người cụ thể với những hoàn cảnh, nguyện vọng, sở thích, cảm xúc và văn hóa riêng biệt. Vì vậy khái niệm quản lý nhân sự được đề cập ở nhiều góc độ khác nhau: Quản lý nhân sự [Personnel Management]. Là khái niệm được sử dụng phổ biến những năm 1950 - 1960. Khái niệm này chỉ một số hoạt động liên quan đến việc bố trí, theo dõi, thực hiện các thủ tục qui định, các chế độ chính sách, các sự vụ liên quan đến nhân viên như tuyển dụng, lương, thưởng phạt, hưu trí… - “Nhân sự là việc bố trí, sắp xếp, quản lý con người trong một cơ quan, tổ chức” [Từ điển Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội, 2001, trang 502]. - Giáo sư người Mỹ Dinoch cho rằng: “Quản trị nhân sự bao gồm toàn bộ những biện pháp và thủ tục áp dụng cho nhân viên của một tổ chức và giải quyết tất cả các trường hợp xảy ra có liên quan đến một loại công việc nào đó”. - Giáo sư Felix Migro [Mỹ] thì cho rằng: “Quản lý nhân sự là nghệ thuật lựa chọn những nhân viên mới và sử dụng những nhân viên cũ sao cho năng suất và chất lượng công việc của mỗi người đều đạt tới mức tối đa có thể được”. - Tác giả Nguyễn Tấn Phước định nghĩa: “Bố trí nhân sự là tiến trình tìm người phù hợp để giao phó một chức vụ hay một công việc đang trống, hoặc đang cần được thay thế. Hoặc ngắn gọn: bố trí nhân sự là đặt đúng người vào đúng chỗ và đúng lúc” Nhân sự phải gắn với tố chức, với việc sắp xếp con người vào những vị trí nhất định trong bộ máy tổ chức để bảo đảm khả năng quản lý, điều hành được đơn vị cả hiện tại lẫn tương lai. Xét vai trò chức năng của quản lý nhân sự có thể định nghĩa: Quản lý nhân sự trong nhà trường là hoạt động gồm tuyển chọn, sử dụng, phát triển, động viên, tạo những điều kiện thuận lợi để các cá nhân và nhóm hoạt động có hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức cao nhất và sự bất mãn ít nhất của cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường.

           2. Tầm quan trọng của công tác quản lý nhân sự trong nhà trường

         Bác Hồ đã dạy: Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là chân lý. Nghị quyết hội nghị trung ương 3 khoá VIII tiếp tục khẳng định "… Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng”. Có thể nói, công tác cán bộ, nguồn lực con người là mặt quan trọng hàng đầu của một tổ chức, vì thế, việc quản lý nhân sự là yếu tố quyết định đến hiệu quả, hiệu lực của tổ chức.

         - Trong mỗi tổ chức giáo dục, mỗi nhà trường, nhân sự chủ yếu là đội ngũ giáo viên. Đây là lực lượng nòng cốt có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, như tiến sĩ Raja Roy Singh [Ấn Độ] đã đưa ra nhận xét: “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”. [Nền giáo dục cho thế kỷ XXI. Những triển vọng của châu Á – Thái Bình Dương, Viện KHGDVN, Hà Nội 1994, tr 115].

         - Ở nước ta, trong các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục-đào tạo của Đảng, của Nhà nước và của ngành giáo dục đều rất coi trọng vai trò, vị trí của đội ngũ giáo viên. Họ chính là những người quyết định trực tiếp chất lượng của giáo dục. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên được coi là một trong hai giải pháp trọng tâm của chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo Việt Nam.

          - Nhiệm vụ của ngành giáo dục là đào tạo lực lượng lao động có phẩm chất tốt, có trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tay nghề… phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy nhà trường cần phải có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1992 được trao cho GS.TS Gary Backer bởi công trình khoa học mang tính lý thuyết về “Vốn con người” [The Human capital]. Theo ông, nếu đầu tư chi tiền lâu dài vào một cá nhân hay một nhóm thì có thể nâng cao được năng lực hoạt động của đối tượng. Ông đề nghị là: “Các công ty nên tính toán, phân chia hợp lý cho chăm lo sức khỏe, nâng cao trình độ người lao động để đạt năng suất cao nhất. Chi phí cho giáo dục – đào tạo, chăm lo sức khỏe nhân viên phải được xem như một hình thức đầu tư…” Sự thành công của nền kinh tế Nhật Bản thể hiện sự nhạy bén, sớm du nhập những tinh hoa của văn minh phương Tây để kết hợp với những tinh túy của nền văn minh phương Đông và tạo nên những nét đặc thù riêng của dân tộc Nhật Bản. Trên bình diện quản lý học và cụ thể là quản lý nhân sự, người Nhật đã đạt được những bước tiến vượt bậc do họ đã tiếp thu kỹ thuật quản lý phương Tây một cách có chọn lọc và cải tiến cho phù hợp với những nét đặc thù của văn hóa Nhật trong điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt. Họ đã biết đặt “vấn đề con người” vào đúng trung tâm của sự chú ý và bằng các triết lý nhân sự mang tính dân tộc, sau đó là các chính sách, biện pháp cụ thể tác động mạnh mẽ đến đội ngũ những người lao động, tạo nên thái độ tích cực của họ đối với sản xuất, đối với công ty, tạo ra một đội ngũ những người “sống – chết” với công ty, hết lòng vì sự thành công của công ty. Sự thành công trong chiến lược con người của các công ty Nhật Bản là một kinh nghiệm qúi báu về chính sách sử dụng, đối nhân xử thế khéo léo của các nhà quản lý: sử dụng con người đúng khả năng của họ, đúng nơi cần họ; đồng thời quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt nhiều mặt của họ và gia đình họ, tạo sự gắn bó người lao động với đơn vị bằng thực tế. Không ngừng bồi dưỡng vốn con người của đơn vị, tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng, trí sáng tạo phục vụ cho sự phát triển của đơn vị, phục vụ chính bản thân họ, tạo cơ hội cho họ thăng tiến trong nghề nghiệp.

3. Chức năng và trách nhiệm chủ yếu của Hiệu trưởng trong quản lý nhân sự

         3.1. Chức năng chủ yếu của Hiệu trưởng trong quản lý nhân sự

             - Lập kế hoạch sử dụng và phát triển nguồn nhân lực.

            - Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

           - Quản lý duy trì và khuyến khích nguồn nhân lực.

        3.2. Các trách nhiệm chủ yếu của Hiệu trưởng

         - Thiết kế và đưa ra các mục tiêu về nguồn nhân lực trong một kế hoạch tổng thể của nhà trường.

        - Chỉ rõ sự đóng góp của công tác quản lý nhân sự đối với các mục tiêu của nhà trường.

        - Thiết kế và phân tích công việc. Phân công lao động trong nhà trường.

        - Đánh giá thực hiện công việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

        - Thiết kế, gợi ý và thực hiện các biện pháp, chính sách lao động để nâng cao năng suất lao động, thoả mãn yêu cầu công việc đem lại hiệu quả cao.

        - Giúp cho các cán bộ quản lý chức năng khác [khối trưởng, tổ trưởng, trưởng các bộ phận…] nhận thức được trách nhiệm của họ trong việc quản lý nhân sự ở chính bộ phận của mình.

        - Cung cấp các công cụ và các phương tiện, trang thiết bị dạy học cần thiết tạo một môi trường làm việc thuận lợi phù hợp với sự phát triển của giáo viên và các lực lượng lao động khác.

         - Thiết kế ra các thủ tục cần thiết cho công tác tuyển dụng, lựa chọn, sử dụng và đề bạt, phát triển và trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Đảm bảo rằng các thủ tục này cũng được sử dụng trong đánh giá kết quả công việc.

        - Phối hợp với các tổ chức đoàn thể [Công Đoàn, thanh niên…] để khuyến khích tính sáng tạo của người lao động. Quan tâm đến các lợi ích cá nhân của người lao động, quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển, công tác truyền đạt thông tin, phân phối lợi ích cho người lao động, và việc giải quyết các vấn đề tranh chấp của người lao động.

         - Giúp cho người lao động hiểu rõ các chính sách quản lý và và nâng cao hiểu biết của người lao động đối với công tác quản lý. - Giúp đỡ các cá nhân người lao động giải quyết các vấn đề tác động đến tinh thần và hiệu quả làm việc trong nhà trường.

         - Nắm bắt kịp thời các qui định của Chính phủ trong việc bảo đảm lợi ích cho người lao động. Môi trường lao động sư phạm trong cảnh quan tự nhiên tương đối sạch đẹp, môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh. Người giáo viên chủ yếu tiếp xúc với học sinh, các em đang trong độ tuổi rất vô tư, hồn nhiên, trong sáng luôn biểu hiện tình cảm tốt đẹp với thầy cô giáo… Một môi trường tương đối ổn định, bền vững, ít diễn ra cạnh tranh khốc liệt. Một môi trường đòi hỏi từ cán bộ quản lý đến nhân viên nhất là đội ngũ giáo viên phải thể hiện tính mô phạm cao.

          Tóm lại: Quản lý nhân sự trong nhà trường là hoạt động của một tổ chức để thu hút, xây dựng, phát triển, sử dụng, đánh giá bảo toàn và phát triển lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu của nhà trường cả về số lượng và chất lượng. Đối tượng của quản lý nhân sự là người lao động với tư cách là những cá nhân và các vấn đề có liên quan đến họ như công việc, các quyền lợi, nghĩa vụ của họ đối với nhà trường. Mục tiêu của quản lý nhân sự nhằm nâng cao sự đóng góp có hiệu suất của người lao động đối với nhà trường, đáp ứng các yêu cầu trước mắt và trong tương lai của nhà trường cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển cá nhân và giảm thấp nhất sự bất mãn của người lao động. Thực chất của quản lý nhân sự là công tác quản lý con người trong phạm vi nhà trường, là sự đối xử của nhà trường đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên./.

                                                      Trần Ngọc Lâm [HT. Trường THCS THSP Lý Tự Trọng]

Video liên quan

Chủ Đề