Có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh

Khi có đứa con đầu lòng là sự thay đổi rất lớn, là bước ngoặc của cả gia đình. Việc chăm sóc sức khỏe và hồi phục thể lực, tinh thần của mẹ sau cuộc “vượt cạn” như thế nào? Chăm sóc sinh linh bé bỏng ấy trong giai đoạn sơ sinh cần những gì? 

Bài viết này nhắc đến hai khía cạnh không xa lạ gì trong cuộc sống hằng ngày đó là việc vệ sinh và tắm rửa. Vệ sinh cho mẹ như thế nào? Kiêng cử những gì và có nên hay không cho mẹ sau khi sinh? Tắm và chăm sóc trẻ như thế nào? Hãy cùng tìm đáp án trong bài viết bên dưới.

Nội dung bài viết

  • Chủ đề 1: Mẹ kiêng tắm sau sinh: có nên hay không?
  • 1. Các quan điểm
  • 3. Vệ sinh, tắm rửa sau sinh vào thời điểm và cách nào là đúng?
  • Chủ đề 2: Sai lầm khi tắm lá cho trẻ sơ sinh
  • 1. Thông tin chung
  • 2. Quan điểm dân gian
  • 3. Về phương diện khoa học
  • 4. Vệ sinh, tắm trẻ sơ sinh đúng cách

Chủ đề 1: Mẹ kiêng tắm sau sinh: có nên hay không?

1. Các quan điểm

1.1. Quan điểm của các bậc “trưởng lão” trong gia đình

Các cụ thường quan niệm rằng, sau khi sinh, cơ thể sản phụ đang ở trạng thái tăng nhiệt độ. Do đó, nếu tắm sớm, sản phụ dễ bị hao hụt một lượng nhiệt lớn, dễ bị lạnh, cảm…

Để tránh những điều đó, họ đề ra giải pháp gọi là ở cữ. Ở cữ là việc kiêng nước, kiêng tắm gội, chỉ nghĩ đến thôi cũng đã khiến không ít mẹ bầu hãi hùng.

1.2. Phương diện khoa học trong vấn đề ở cữ: kiêng tắm rửa cho mẹ sau sinh

Có thể lý giải như sau: Ngày xưa không sinh mổ mà chỉ có sinh đẻ thuận tự nhiên. Các vết rách ở tầng sinh môn thường không được kiểm soát. Bên cạnh đó, khả năng nhiễm trùng và biến chứng rách tầng sinh môn khá nặng nề.

Vì điều kiện sinh hoạt ngày xưa không được tốt nên nguồn nước có thể bị nhiễm khuẩn. Khi vệ sinh sai cách, nhiều khả năng người mẹ sẽ bị nhiễm trùng nên họ cử nước, nằm than, không được tắm, cử ra gió…

Các bác sĩ cho rằng, “vượt cạn” là một hành trình gian nan khiến người phụ nữ tiêu hao năng lượng và ra nhiều mồ hôi. Do đó, sau sinh, người mẹ càng nên vệ sinh cơ thể để giữ gìn sức khỏe.

Có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh
Mẹ và bé nên vệ sinh sạch sẽ sau cuộc “vượt cạn”

Đặc biệt là trong thời tiết mùa hè nóng bức, việc tắm gội cho sản phụ càng cần thiết. Việc giữ vệ sinh, tắm rửa có thể tránh những chứng bệnh viêm nhiễm ngoài da và giúp người mẹ thoải mái tinh thần để chăm nuôi con nhỏ.

2. Hai khái niệm: tầng sinh môn và sản dịch

2.1. Vậy tầng sinh môn là gì?

  • Tầng sinh môn là một hệ thống sinh lý trong cơ thể nữ giới có chiều dài khoảng 4 – 5 cm.
  • Tầng sinh môn có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang trong quá trình sinh nở của phụ nữ.
  • Khi chuẩn bị lâm bồn, tầng sinh môn sẽ giãn nở để đưa thai nhi ra ngoài.
  • Khi sinh nở, tầng sinh môn có thể không giãn nở đủ, dẫn đến bị tổn thương. Thậm chí nếu đường rách ở mặt dưới, có thể rách luôn trực tràng, dẫn đến hệ quả xấu. Chính vì tránh biến chứng đó, đôi khi người hộ sinh cắt tầng sinh môn và khâu lại chủ động.

2.2. Sản dịch là gì?

  • Trước khi sinh, tử cung cần được mở rộng giúp em bé có thể chui ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, sau khi sinh cũng chính là lúc tử cung hoàn thành một nhiệm quan trọng và bắt đầu quá trình hồi phục.
  • Cũng chính vào thời điểm này, niêm mạc tử cung sẽ kết thúc vai trò và hoại tử dần, bị xơ hóa dần. Theo đó, phần niêm mạc cũng bong ra lẫn với những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám. Những phần đó hòa chung vào chất nhầy tử cung và thoát ra ngoài. Đây chính là sản dịch.

3. Vệ sinh, tắm rửa sau sinh vào thời điểm và cách nào là đúng?

Đối với quan điểm hiện đại, chúng ta phân rõ hai trường hợp.

3.1. Về sinh thường

Ta cần lưu ý: tầng sinh môn. Sau sinh thường, cơ thể sẽ tự điều hòa tự nhiên. Tử cung sẽ co nhỏ lại dần dần và tống sản dịch còn tồn đọng trong lòng tử cung ra ngoài.

Do đó, đối với sinh thường, việc vệ sinh mỗi ngày là cần thiết. Việc vệ sinh nhằm làm sạch sản dịch và dịch tiết ở tầng sinh môn. Ngoài ra, việc tắm rửa và gội đầu giúp cơ thể mẹ sảng khoái, dễ chịu. Mẹ có giây phút thư giãn, giải tỏa căng thẳng trong suốt thời gian qua.

Có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh
Việc tắm gội giúp mẹ cảm thấy thoải mái

Khi tắm, mẹ cũng cần chú ý vệ sinh hai bầu vú vì đây là nơi cung cấp sữa cho bé và tiếp xúc trực tiếp với hệ tiêu hóa của trẻ.

Khi sinh thường, bạn không nên thụt rửa âm đạo. Lý do: cổ tử cung vẫn chưa đóng vì vẫn còn sản dịch tống xuất thường xuyên. Việc thụt rửa âm đạo không những không sạch sẽ mà đôi khi còn đưa vi khuẩn từ âm đạo vào tử cung, gây viêm tử cung. Bạn chỉ cần đơn giản dùng nước sạch rửa bên ngoài là được.

>> Thói quen thụt rửa âm đạo cũng không tốt vì có thể dẫn đến nhiều bệnh vùng kín như viêm âm đạo. Xem thêm: Viêm âm đạo: Tất cả những gì bạn cần biết.

Bên cạnh đó, khi tầng sinh môn được may, nó cần thời gian để nghỉ ngơi và lành lặn. Việc thụt rửa có thể gây nhiễm trùng nơi đây.

Vì vậy, sau khoảng 2 – 3 ngày sau sinh, bạn cũng nên tắm rửa lại bình thường.

3.3. Đối với sinh mổ

Bác sĩ chủ động tạo vết mổ ở bụng để đưa bé ra ngoài.

Khi sinh mổ, quá trình co bóp và hồi phục của tử cung chậm hơn. Do đó, sản dịch được đào thải chậm hơn. Bên cạnh đó, vết mổ cũng cần được thay băng, vệ sinh mỗi ngày cho đến khi cắt chỉ hoàn toàn.

Bạn vẫn tắm rửa như trên. Tuy nhiên đối với sinh mổ, bạn nên đến cơ sở y tế để được thay băng mỗi ngày. Do sinh mổ nên tầng sinh môn rất sạch sẽ, không có tổn thương. Do đó, bạn cũng không cần thụt rửa tầng sinh môn.

Đối với sinh mổ, bạn có thể tắm lại sau 4 – 5 ngày khi vết mổ giảm đau. Khi tắm nếu để vết mổ bị ướt, có thể tiến hành rửa, vệ sinh, sát khuẩn lại vết mổ và thay băng. Tránh nhiễm trùng vết mổ.

3.3. Khám sau sinh

  • Sau sinh, mẹ cũng nên tái khám để bác sĩ có thể siêu âm kiểm tra. Việc kiểm tra này nhằm theo dõi lượng sản dịch tồn đọng và việc phục hồi tử cung sau sinh.
  • Khi sinh mổ, bạn cần tái khám theo lịch hẹn. Bác sĩ sẽ xem, khám và đánh lại để đánh giá độ bình phục vết mổ.

Lời kết:

  • Tắm rửa, vệ sinh mẹ sau sinh là cần thiết.
  • Việc tắm bằng nước muối hay chất tẩy trùng, thuốc lá khác cũng không được khuyến cáo.
  • Không có khuyến cáo rõ ràng nên tắm rửa bằng nước lạnh hay nước nóng.
  • Khuyến nghị được đưa ra là tắm phù hợp với sở thích của mỗi người miễn sao cơ thể sạch sẽ, thoải mái là được.

Nếu sợ làm mất lòng mẹ chồng, con dâu nên cùng chồng trao đổi với bà về kiến thức kiêng cữ trước khi sinh nở. Nếu thông tin về việc chăm sóc sản phụ hợp lý thì ít có bà mẹ chồng nào bắt ép con dâu phải kiêng tắm quá lâu. Suy cho cùng, mẹ chồng muốn con dâu tuân thủ chuyện kiêng cữ cũng là vì lo cho sức khỏe của con dâu.

Chủ đề 2: Sai lầm khi tắm lá cho trẻ sơ sinh

1. Thông tin chung

Khi nhắc đến độ tuổi sơ sinh, chúng ta cần biết trẻ sơ sinh là như thế nào. Trẻ sơ sinh được định nghĩa là từ lúc bé lọt lòng cho đến 30 ngày tuổi.

Ở giai đoạn vừa sinh ra, cơ thể bé sẽ được bao phủ bởi một lớp lông măng rất mịn, ngắn, màu nâu. Lớp lông này sẽ giữ ấm cho bé. Có một lớp sáp bảo vệ cơ thể kèm theo như một làn da mỏng vậy.

Ngay sau sinh, nếu không được vệ sinh kỹ, phần lớp sáp sẽ bị vi trùng ở môi trường phân hủy, từ đó hình thành môi trường dễ nhiễm trùng da cho bé. Ngoài ra, nếu không được vệ sinh thì lớp lông măng cũng bết dính và tạo thành các ổ vi trùng.

2. Quan điểm dân gian

  • Lời đồn thổi: Người dân tộc ít người có các bài thuốc tắm sau sinh. Bé sau khi tắm sẽ khỏe và chịu được điều kiện thiên nhiên.
  • Việc tắm bằng lá giúp bé khỏe và sạch sẽ, bảo vệ bé. Nhiều người còn hay sử dụng các loại lá cây để tắm cho trẻ sơ sinh.
  • Các cây được dùng thường là: lá cây chè (trà), diệp hạ châu (cây chó đẻ), kinh giới, dâu tằm, mướp đắng, ngải cứu, tía tô…
  • Các nước được dùng: nước cốt chanh, nước suối, bia, rượu đế (pha loãng),…
  • Cây cỏ có tác dụng trị bệnh với người lớn thì cũng dùng tương tự cho da trẻ sơ sinh.
Có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh
Quan niệm tắm cho bé sơ sinh bằng các loại lá rất phổ biến

3. Về phương diện khoa học

  • Trẻ sơ sinh tức là trẻ chưa rụng cuống rốn. Phải giữ khô ráo và sạch sẽ cuống rốn.
  • Các loại dược liệu dùng cho người lớn sẽ không có tác dụng đối với trẻ sơ sinh. Nên nhớ, trẻ sơ sinh không phải người lớn thu nhỏ!
  • Các loại dược liệu được thu hái vào những thời điểm khác nhau. Điều kiện khác nhau sẽ có dược chất không đồng nhất. Nồng độ các chất trong dược liệu là khác nhau.
  • Dược liệu có thể bị bụi bẩn, vi khuẩn trong quá trình thu hái và chế biến. Thậm chí, chúng có thể mọc ở nơi ô nhiễm, nơi vừa phun thuốc trừ sâu…
  • Nước tắm lá có thể bị lên men nếu để thời gian lâu.
  • Nhóm dược liệu chính thường được dùng có mùi thơm tinh dầu và bay hơi nhanh. Nồng độ và dẫn xuất các chất khi pha nước sẽ không đảm bảo hàm lượng.

4. Vệ sinh, tắm trẻ sơ sinh đúng cách

Tắm hằng ngày cho trẻ

  • Phải tắm trẻ mỗi ngày hoặc ít nhất cách ngày, tùy điều kiện nhằm loại bỏ bụi bẩn và các tế bào chết, lông măng rụng.
  • Tắm bé phải đảm bảo nguồn nước sạch, không màu.
  • Tắm nhẹ nhàng, không gây trầy xước da bé.
  • Đối với những ngày thời tiết se lạnh, có thể dùng khăn ấm lau rửa cơ thể bé.
  • Chú ý vệ sinh những khe, nếp gấp của da và bộ phận sinh dục. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm lạnh và khô da nếu tắm quá nhiều. Có thể tắm cho trẻ vào mùa hè nhiều hơn mùa đông. Vì trong điều kiện thời tiết nóng, bé sẽ đổ mồ hôi nhiều, rất dễ mắc các bệnh về da nếu không được vệ sinh cơ thể cẩn thận.

>> Bạn có thể xem thêm: Bạn đã biết cách tắm cho trẻ vào mùa lạnh này?

Vệ sinh rốn bé

Vì rốn là bộ phận nhạy cảm nhất của bé sơ sinh nên cha mẹ cần phải biết cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn.

  • Thông thường, cuống rốn của trẻ sẽ khô trong vòng 3 – 7 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có cuống rốn dày có thể mất tới 21 ngày.
  • Trong thời gian bé chưa rụng rốn, cần phải giữ không được để nước dính vào cuống rốn của trẻ, tránh nhiễm trùng. Phải vệ sinh rốn cho bé bằng tăm bông, nước ấm và dung dịch riêng biệt.
  • Lưu ý các thao tác phải làm thật nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh bởi rất dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
  • Nếu không may rốn của bé bị dính nước thì phải lau kỹ bằng bông hoặc vải sạch.
Có nên tắm lá cho trẻ sơ sinh
Rốn bé phải được giữ khô và vệ sinh đúng cách

Thời gian tắm phù hợp

  • Việc tắm cho bé quá lâu sẽ làm da bị khô hơn, bong tróc và ảnh hưởng đến sự tiết bã nhờn của trẻ.
  • Hợp lý nhất là chỉ nên tắm cho bé sơ sinh trong thời gian 5 phút.

Nhiệt độ nước tắm phù hợp

  • Khi tắm cho trẻ sơ sinh, dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng tới làn da nhạy cảm, mỏng manh của trẻ. Sai lầm của nhiều người là chỉ cảm nhận bằng tay nhiệt độ ở bề mặt chậu trong khi nước ở mặt chậu và đáy chậu có nhiệt độ khác nhau.
  • Cần chú ý thời gian và thời điểm tắm. Không tắm nước lạnh cho bé khi đã khuya, trời lạnh.
  • Để canh nhiệt độ chính xác, mẹ cần sử dụng nhiệt kế. Cách đơn giản là dùng mu bàn tay (không phải lòng bàn tay) chạm vào nước

Dầu tắm cho trẻ sơ sinh

  • Không phải loại dầu tắm nào cũng tốt cho bé. Khi tắm bé với dầu tắm, bạn cần chọn loại dầu tắm chuyên biệt dành riêng cho bé, có nồng độ pH phù hợp với làn da.
  • Nên chọn các loại dầu tắm, sữa tắm cho trẻ sơ sinh có thương hiệu uy tín.

Do đó, để tránh mang lại phiền phức cho bé, thậm chí là những di chứng suốt đời, mẹ nên tắm trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường. Không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện. Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng, nên đưa bé đến khám da liễu nhi để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu