Chế độ dân chủ càng hoàn bị bao nhiêu thì nó càng gần đến lúc trở thành thừa bấy nhiêu

Tập trung dân chủ là nguyên tắc xây dựng Đảng được V.I Lê-nin hết sức đề cao. Khi Đảng Cộng sản cầm quyền thì nguyên tắc này được vận dụng cả vào trong quá trình tổ chức và vận hành của nhà nước, của cả hệ thống chính trị và trong quản lý các quá trình kinh tế - xã hội. Vì vậy, tìm hiểu quan điểm của V.I. Lê-nin về chế độ dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ là hết sức cần thiết trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Chế độ tập trung dân chủ được V.I. Lê-nin vận dụng và phát triển thành nguyên tắc tập trung dân chủ [демократический централизм], nhằm xây dựng một đảng cách mạng kiểu mới trước hết là Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga [Sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô].Ảnh internet

Chế độ dân chủ

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, V.I. Lê-nin cho rằng: "Giai cấp vô sản không thể giành được thắng lợi bằng cách nào tốt hơn là thông qua chế độ dân chủ, nghĩa là bằng cách thực hiện chế độ dân chủ triệt để và đem những yêu sách dân chủ được đề ra một cách kiên quyết nhất mà gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh của họ"[1]. Trong tư tưởng của V.I. Lê-nin, phạm trù dân chủ được triển khai dưới rất nhiều cấp độ và rất cụ thể.

V.I. Lê-nin cũng như bất kỳ nhà mác-xít nào đều quan niệm quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử chứ không phải những cá nhân anh hùng hoặc thần thánh nào. Trong các xã hội trước đây, vai trò này bị xuyên tạc. Từ trong tư tưởng của các nhà Khai sáng, trong mục tiêu của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, "dân chủ" vừa là các khẩu hiệu chiến đấu vừa là mục tiêu cách mạng. Về lô-gic, mục tiêu đó phải được thực hiện triệt để nhất dưới chủ nghĩa xã hội [CNXH], và CNXH cần phải làm tất cả để trả lại vị trí và danh hiệu người quyết định lịch sử, tức là người chủ của tiến trình lịch sử cho quần chúng nhân dân, người chiếm đa số, so với người chiếm thiểu số là giai cấp thống trị. Từ góc độ này, V.I.Lê-nin cho rằng: "dân chủ là sự thống trị của đa số"[2]. Cũng cần nhấn mạnh rằng, "sự thống trị của đa số" theo cách nói của V.I. Lênin là một "chế độ". Không nên hiểu như là "sự cai trị, sự áp bức, sự áp đặt..." một cách thô thiển và đơn giản, mà cần hiểu rằng đó là sự quyết định của đa số mà thiểu số phải phục tùng các quyết định đó.

Trong Mười đề cương về chính quyền Xô-viết, V.I. Lê-nin coi dân chủ là tự do. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: "Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa"[3]. Dân chủ nói một cách cụ thể, là: 1] Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; 2] Tự do chính trị cho mọi công dân; 3] Quyết định theo đa số của mọi công dân; 4] Quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy v.v[4]..

Quan niệm về dân chủ trên đây của V.I. Lê-nin không những không mâu thuẫn với các quan niệm tiến bộ về dân chủ trong lịch sử tư tưởng nhân loại mà còn là bước kế thừa và phát triển trong điều kiện mới, tức là trong điều kiện cần phải giáo dục cho giai cấp công nhân và đảng của nó hiểu được bản chất của dân chủ và nhiệm vụ của mình trong quá trình thiết lập một nền dân chủ mới, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa [XHCN]. Để có nền dân chủ XHCN, giai cấp công nhân và đảng của nó không chỉ giác ngộ về "dân chủ" mà phải xây dựng một "chế độ dân chủ". Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn, v.v.. Đó là một trong những nhiệm vụ cấu thành của cuộc đấu tranh vì cách mạng xã hội.

Phát triển tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin nhiều lần khẳng định rằng "chế độ dân chủ" là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Chế độ dân chủ cũng là nhà nước, do đó nhà nước mà mất đi thì chế độ dân chủ cũng mất theo.

Phải xây dựng một hình thái nhà nước như thế nào mới bảo đảm dân chủ? So sánh với các hình thức nhà nước trong lịch sử, kể cả nhà nước của giai cấp tư sản, so sánh các chế độ nhà nước khác nhau, kể cả chế độ đại nghị mà V.I. Lê-nin đánh giá cao tính chất tiến bộ của nó về mặt lịch sử, V.I. Lê-nin cũng như C.Mác cho rằng Công xã Pa-ri là hình thức nhà nước dân chủ nhất "cuối cùng cũng đã được tìm ra". Mô hình nhà nước đó sau này được áp dụng trong Cách mạng 1905 - 1907 và Cách mạng Tháng Mười Nga, gọi là các Xô-viết công - nông - binh. V.I. Lê-nin cho rằng, Xô-viết, tựu trung là một hình thức và một kiểu chế độ dân chủ vô cùng cao hơn, chính là vì do chỗ nó tập hợp được quần chúng công nông và lôi cuốn họ tham gia sinh hoạt chính trị, nên đó là cơ quan gần dân nhất[5].

Theo những phác thảo ban đầu về một nhà nước Cộng hòa Xô-viết, nhân dân trực tiếp tham gia vào công việc của nhà nước thông qua các Xô-viết. Ở trong các Xô-viết nhân dân tự quyết định luật lệ, tự thi hành các luật lệ đó và tự xét xử những ai vi phạm luật lệ của Xô-viết. Để có một nhà nước như vậy, V.I.Lê-nin cho rằng: "Cần xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước, không có "sự giám sát" từ trên, không có quan lại"[6]. Các cấp trên của cơ sở sẽ là đại biểu các Xô-viết cho đến Xô-viết tối cao. Mô hình này được xây dựng trong thực tiễn sau thắng lợi của Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917. Để cho hệ thống các Xô-viết hoạt động được phải thực hiện một số nguyên tắc như: Bầu cử và bãi miễn các cơ quan lãnh đạo các Xô viết [các đại biểu]; thiểu số phục tùng đa số, nguyên tắc tập trung dân chủ...

Những giá trị dân chủ, theo V.I. Lê-nin, cần được giai cấp công nhân vận dụng để thực hiện sứ mệnh của mình, mà trước hết là để xây dựng một chính đảng của giai cấp công nhân. "Sự cần thiết phải xây dựng đảng cộng sản theo nguyên tắc dân chủ bắt nguồn trước hết từ vai trò quyết định của giai cấp công nhân và quần chúng lao động trong sự sáng tạo lịch sử"[7]. Điều này cũng có nghĩa là thừa nhận về mặt lý luận cũng như thực tiễn vai trò của tuyệt đại đa số đảng viên của đảng với tư cách là người gắn bó, tổ chức các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong việc xác định các mục tiêu, chiến lược, sách lược, các hình thức tổ chức của đảng, trong việc hình thành các cơ quan lãnh đạo các cấp của đảng từ chi bộ cơ sở đến Ban Chấp hành Trung ương. Vì thế nó cũng thừa nhận vai trò quyết định của tất cả đảng viên trong công tác tổ chức và cán bộ của đảng. Chính đội ngũ đảng viên, thông qua phong trào quần chúng và những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực hiện cương lĩnh của đảng mà phát hiện, giới thiệu cho đảng những đảng viên ưu tú, có năng lực, vào các cơ quan lãnh đạo của đảng. Nguyên tắc dân chủ còn bao hàm việc hình thành các cơ quan lãnh đạo của đảng phải thông qua bầu cử dân chủ trong đảng; quyền bãi miễn các chức vụ do bầu cử lập ra, hệ thống các cơ quan lãnh đạo phải được bầu từ dưới lên trên; quyền quyết định tối cao là quyền của đại hội đảng; các cơ quan lãnh đạo của đảng phải thường xuyên báo cáo công tác trước đảng viên, các đảng viên bình đẳng trước điều lệ đảng.

Như vậy, nguyên tắc dân chủ, được hình thành trên cơ sở những giá trị dân chủ mà nhân loại đã đạt được trong lịch sử phát triển của mình. Nhưng được vận dụng trong điều kiện mới, điều kiện mà sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trở thành một tất yếu lịch sử và trong điều kiện mà cách mạng XHCN đã trở thành trực tiếp.

Xác định mối quan hệ giữa chế độ dân chủ và nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, V.I. Lê-nin viết: "Chế độ dân chủ và nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số không phải là những chuyện giống hệt như nhau. Việc bầu cử, cũng chỉ được coi là dân chủ chân chính "khi nào quyền bãi miễn cử tri đối với người trúng cử được thừa nhận và được áp dụng"[8]. V.I. Lê-nin luôn nói đến tính hình thức của dân chủ tư sản, và luôn nhấn mạnh, dân chủ XHCN là thực chất, ít hình thức hơn.

Nguyên tắc tập trung dân chủ

V.I. Lê-nin phát triển những quan điểm dân chủ của chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể nước Nga để giác ngộ giai cấp vô sản Nga. Trong điều kiện nước Nga, nơi mà những tàn tích nông nô, tình trạng sản xuất nhỏ phổ biến, ảnh hưởng của CNXH vô chính phủ khá nặng nề, trong điều kiện đấu tranh trực tiếp giành chính quyền… V.I. Lê-nin, một mặt, chỉ rõ tầm quan trong của những giá trị dân chủ tư sản; mặt khác, phát triển về lý luận và thực tiễn để khắc phục nạn vô chính phủ và nêu lên nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.

Vận dụng kết hợp chế độ tập trung và dân chủ và đề ra thành một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng đảng kiểu mới, nguyên tắc tập trung dân chủ được V.I. Lê-nin nêu ra trong Hội nghị I của những người Bôn-sê-vich [Hội nghị Tam-mec-pho, năm 1905], sau đó là tại Đại hội IV [Đại hội thống nhất] của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga, năm 1906. Nguyên tắc này được thừa nhận là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô, được ghi trong Điều lệ của Đảng và Điều lệ của Quốc tế cộng sản.

Bản chất của chế độ tập trung dân chủ là kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa sự thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tính nhất quán về mục tiêu với tính phong phú, đa dạng muôn hình muôn vẻ các hình thức, phương thức, bước đi để thực hiện sự lãnh đạo thống nhất và nhằm thực hiện những mục tiêu chung. Càng thống nhất về mục tiêu và sự lãnh đạo bao nhiêu càng có điều kiện để phát huy tính năng động sáng tạo của quần chúng cách mạng, của các tổ chức các cấp, của các địa phương bấy nhiêu, càng đòi hỏi phải có sự tham gia đông đảo, tích cực và sáng tạo của quần chúng và cơ sở bấy nhiêu. Ngược lại, sự năng động sáng tạo, sự tham gia rộng rãi của quần chúng, của các địa phương cơ sở càng nhiều, càng cần phải xác định rõ mục tiêu thống nhất, cần phải có sự lãnh đạo chỉ huy thống nhất, cần phải có một hệ thống nguyên tắc kỷ luật để duy trì các mối quan hệ đa dạng phong phú đó. Như vậy, chế độ tập trung dân chủ với tư cách là sự kết hợp trong mình nó mối quan hệ biện chứng của hai chế độ tập trung và dân chủ phản ánh quy luật khách quan của các quá trình thực hiện những mục tiêu chung trong đời sống xã hội.

Chế độ tập trung dân chủ được V.I. Lê-nin vận dụng và phát triển thành nguyên tắc tập trung dân chủ [демократический централизм], nhằm xây dựng một đảng cách mạng kiểu mới trước hết là Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga [Sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô] và sau đó là các đảng trong Quốc tế III, mà Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1930 của thế kỷ XX đã là một chi bộ của Quốc tế này.

Cần lưu ý rằng nguyên tắc Демократический централизм [tập trung dân chủ] trong tiếng Nga chỉ là một từ, trong đó tập trung là danh từ, dân chủ là tính từ. Dịch nguyên nghĩa là nguyên tắc tập trung mang tính dân chủ. Như vậy không thể bỏ đi danh từ “tập trung” hoặc tính từ “dân chủ”, hoặc không chỉ dùng riêng lẻ danh từ “tập trung” hoặc tính từ “dân chủ” trong nguyên tắc này. Trong tiếng Nga nguyên tắc này còn có thể hiểu là “dân chủ được tập trung lại”, “tập trung của dân chủ” [централизм демократии]. Dù sao sự cắt nghĩa trên đây cũng chỉ mang tính “chiết tự”, quan trọng hơn là nội hàm của nguyên tắc này.

Những nội dung chủ yếu của nguyên tắc "tập trung dân chủ" được V.I. Lê-nin nêu lên trong những luận cương trình bày tại Đại hội II Quốc tế cộng sản, khi nói về điều kiện để kết nạp vào Quốc tế cộng sản: "Các đảng gia nhập Quốc tế cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Nguyên tắc này đã trở thành điều lệ của Quốc tế cộng sản [Đại hội II năm 1920].

Tại Đại hội IV [còn gọi là Đại hội thống nhất] của Đảng công nhân dân chủ xã hội Nga, V.I. Lê-nin không chỉ đề cập mà trình bày rõ nguyên tắc tập trung dân chủ và coi đây là "một nhiệm vụ quan trọng, nghiêm túc và vô cùng trọng đại"[9]. Nội dung của nguyên tắc đó như sau:

1- Tổ chức cơ sở đảng trở thành hạt nhân tổ chức cơ bản của Đảng;

2- Tất cả các cơ quan cấp trên đều thực sự được bầu ra, có trách nhiệm báo cáo công tác và có thể bị bãi miễn;

3- Tổ chức đảng là tổ chức của những công nhân dân chủ - xã hội giác ngộ và sinh hoạt độc lập;

4- Phải thực hiện bằng được chế độ tự trị của mọi tổ chức đảng;

5- Cần xóa bỏ và xóa bỏ bằng được sự tranh giành địa bàn, sự lo sợ "phái" khác;

6- Thống nhất về tổ chức, đồng thời có sự đấu tranh thuần túy về tư tưởng giữa các trào lưu tư tưởng dân chủ - xã hội khác nhau trong nội bộ các tổ chức đảng;

7- Xác định rõ rệt nguyên nhân tranh luận giữa các trào lưu tư tưởng trong đảng là điều kiện cần thiết để phát triển đảng một cách lành mạnh, để giáo dục giai cấp công nhân và tránh được sự sai lầm về đường lối;

8- Trong sinh hoạt tư tưởng, phải chỉ ra vấn đề nào là đã thống nhất, vấn đề nào còn bất đồng và còn bất đồng đến mức nào. Bỏ thói quen sinh hoạt theo lối tiểu tổ cũ [tức là thích kêu gào, thích buộc tội mà không phân tích một cách thực sự cầu thị những ý kiến bất đồng];

9- Cung cấp cho đảng viên đầy đủ tài liệu về sinh hoạt của đảng, để đảng viên có thể độc lập nghiên cứu những sự bất đồng trong quá trình ra các nghị quyết của đảng;

10- Thảo luận hết sức rộng rãi những quyết định của đại hội đảng, đảng viên phải có thái độ hoàn toàn tự giác và có tính chất phê phán đối với những nghị quyết của đảng. Thông qua thảo luận, báo chí, sinh hoạt ở tiểu tổ…tạo điều kiện cho đảng viên và các tổ chức công nhân hiểu mọi tình hình và nói lên sự đồng tình hay phản đối của mình đối với vấn đề này hay vấn đề kia.

Tự do thảo luận, thống nhất hành động. Trong một đảng thống nhất, cuộc đấu tranh tư tưởng không được chia rẽ về tổ chức, không được phá hoại sự thống nhất hành động của giai cấp vô sản.

Ở đây có vấn đề giới hạn của "thống nhất hành động" và "tự do thảo luận". Chính V.I.Lê-nin đã dùng khái niệm "giới hạn". Người nói: "Ngoài những giới hạn của sự thống nhất hành động thì có thể thảo luận và lên án một cách rộng rãi và tự do nhất về những biện pháp, quyết định, khuynh hướng mà chúng ta cho là có hại. Chỉ trong những cuộc thảo luận, những nghị quyết và kháng nghị như thế mới có thể hình thành được dư luận thật sự của đảng ta. Chỉ trong điều kiện như thế mới có được một chính đảng thật sự biết luôn luôn nói lên ý kiến của mình và tìm ra những con đường đúng đắn để biến ý kiến đã được xác định thành quyết định của một đại hội mới"[10]. Còn "thống nhất hành động", V.I. Lê-nin nêu ví dụ về thời kỳ khởi nghĩa. Trong thời kỳ ấy, thì thống nhất hành động là tuyệt đối cần thiết. Ông khẳng định: trong thời gian đấu tranh kịch liệt như thế thì không thể dung thứ bất cứ một sự phê bình nào. Ông giải thích rằng: trong thời kỳ nội chiến gay gắt hiện nay, đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong đảng có một kỷ luật sắt, gần giống với kỷ luật quân sự, và nếu Trung ương đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi, được toàn thể đảng viên tin cậy.

Khi đảng cộng sản đã cầm quyền, thì nguyên tắc tập trung dân chủ được vận dụng cả vào trong quá trình tổ chức và vận hành của nhà nước XHCN, của hệ thống chính trị và trong quản lý các quá trình kinh tế - xã hội.

Như vậy, nội hàm của nguyên tắc tập trung dân chủ về cơ bản, tương đồng với nguyên tắc “dân chủ” trong khoa học chính trị hiện đại. Có điều, nguyên tắc này, trong lúc coi tính dân chủ như là một nguyên tắc, người sáng tạo ra nó - V.I.Lê-nin, đã chú ý đến vấn đề “tập trung” - tính thống nhất, tính tổ chức và tính nguyên tắc…do bối cảnh xã hội nước Nga còn nặng tàn tích văn hóa tiểu nông và bị ảnh hưởng bởi CNXH vô chính phủ của phái Ba-cu-nin.

Khi nói về nguyên tắc tập trung dân chủ trong hình thức tổ chức nhà nước, mà đây là một trong những phương thức cơ bản để thực thi quyền lực chính trị của giai cấp công nhân, V.I.Lê-nin viết "Những kẻ phản đối nguyên tắc tập trung dân chủ đều luôn luôn đưa ra chế độ tự trị và chế độ liên bang, xem đó là những biện pháp chống lại sự bất trắc của chế độ tập trung. Kỳ thực chế độ tập trung dân chủ không mảy may loại trừ chế độ tự trị mà trái lại còn bao hàm sự cần thiết phải có chế độ tự trị"[11].

V.I.Lê-nin cũng khẳng định rằng "ngay cả chế độ liên bang cũng không có chút gì mâu thuẫn với chế độ tập trung dân chủ. Trong một chế độ thực sự dân chủ, và nhất thiết là với hình thức tổ chức nhà nước theo kiểu Xô-viết, thì chế độ liên bang thường chỉ là một bước quá độ để đi tới chế độ tập trung dân chủ chân chính mà thôi"[12]. Ông cho rằng, chế độ tập trung dân chủ đã không mảy may loại trừ chế độ tự trị và chế độ liên bang, thì nó cũng không loại trừ mà trái lại, còn bao hàm khả năng để cho các địa phương và các công xã trong nước có quyền tự do đầy đủ nhất trong việc định ra các hình thức khác nhau về sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, chế độ tập trung dân chủ là " bảo đảm hoạt động tuyệt đối ăn khớp và thống nhất của các ngành kinh tế như đường sắt, bưu điện và các ngành vận tải khác, v.v..; và đồng thời chế độ tập trung, hiểu theo nghĩa thực sự dân chủ, đã bao hàm khả năng - khả năng này do lịch sử tạo ra lần đầu tiên - phát huy một cách đầy đủ và tự do không những các đặc điểm của địa phương mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn hình muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt mục đích chung"[13]. Ông chỉ rõ: tính chất muôn hình muôn vẻ đó càng phong phú,- tất nhiên là với điều kiện nó không biến thành lập dị, - thì chúng ta lại càng thực hiện được chế độ tập trung dân chủ và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách chắc chắn và nhanh chóng hơn.

Thống nhất giữa hai mặt tập trung và dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc, trong các điều kiện khác nhau sẽ được vận dụng khác nhau, mặc dù vậy chỉ nên hiểu rằng đây là một nguyên tắc - nguyên tắc tập trung có tính dân chủ. Không thể có tập trung mà không có dân chủ, không qua dân chủ, không bằng các cách thức dân chủ. Nói cách khác, đây là nguyên tắc “dân chủ được tập trung lại”. Không nên hiểu đây là hai nguyên tắc kết hợp với nhau đi đến tùy tiện tăng cường tính tập trung hoặc hạn chế dân chủ, làm như vậy sẽ tổn hại đến chất lượng hoạt động của đảng cộng sản./.


PGS.TSKH Phan Xuân Sơn

Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh


_________________________________________________________________________________

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nhà xb Chính trị quốc gia, t27, tr 78-79

2] V.I.Lênin: Sđd, t32 tr 515-516

[3] V.I.Lênin: Sđd, t38 tr 414

[4] V.I.Lênin: Sđd, t39, tr 515-517

[5] V.I.Lênin: Sđd, t35, tr 126- 127

[6] V.I.Lênin: Sđd, t31, tr 336-337

[7] Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học, từ điển, Nxb TB, M, Nxb ST, H, 1986, tr 314

[8] V.I.Lênin: Sđd, t35, tr 126 -127

[9] V.I.Lênin: Sđd, t13, tr 77

[10] V.I.Lênin: Sđd, t 31 tr 83

[11] V.I.Lênin: Sđd, t36 tr 186

[12] V.I.Lênin: Sđd, tr 186-187

[13 V.I.Lênin: Sđd, t36 tr 187

Video liên quan

Chủ Đề