Cách mạng nông nghiệp đã

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

1.1. Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì ?

Khái niệm: Cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới đang diễn ra tại nhiều nước phát triển.

Cách mạng công nghiệp là khoảng thời gian đánh dấu một bước ngoặt lớn của con người trong toàn xã hội, nhờ áp dụng các thành tựu công nghệ mới vào đời sống, từ đó thay đổi bức tranh toàn cảnh về xã hội [theo hướng tích cực].

Không thể phủ nhận một điều đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho nhân loại rất nhiều cơ hội để thay đổi nền kinh tế nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khôn lường. Chưa bao giờ trong lịch sử con người lại đứng trước cùng một lúc nhiều cơ hội và rủi ro đến vậy. Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế, công ăn việc làm của từng người dân Việt Nam ?

1.2. Các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới đã và đang diễn ra

Nếu không tính việc phát minh ra lửa, biến vượn trở thành người, thì thế giới đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp [ hình 1]:

- Cách mạng công nghiệp 1.0 [1787]: Phát minh ra động cơ hơi nước, động cơ đốt trong là cuộc cách mạng công nghiệp 1.0. Nhờ phát minh ra động cơ hơi nước và động cơ đốt trong đã làm tăng năng suất lao động cho tất cả các lĩnh vực. Xã hội ngày càng trở nên phồn thịnh hơn;

- Cách mạng công nghiệp 2.0:Phát mnh ra điện, động cớ điện, từ đó tạo ra các dây chuyền sản xuất hàng loạt sản phẩm là cuộc cách mạng công nghiệp 2.0. Cuộc sống của con người ngày càng văn minh hơn;

- Cách mạng công nghiệp 3.0: Phát minh ra: Bán dẫn – Điện tử - Internet, Máy tính và Tự động hóa. Hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp 3.0. Nhờ những phát minh mới này mà các dây chuyền sản xuất hàng loạt sản phẩm được tự động hóa hoàn toàn, thay thế con người bằng máy móc.

- Cách mạng công nghiệp 4.0: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 [CMCN 4.0] phát triển dựa vào 3 trụ cột chính: Kỹ thuật số; Công nghệ sinh học; Vật lý . Nó đã xóa nhòa các danh giới và kết nối vạn vật lại với nhau. Tạo ra một thế giới phẳng. Cuộc CMCN 4.0 được mô tả là khoảng thời gian đánh dấu sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trên các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học, .v.v. Nó ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp

Trọng tâm của các ngành công nghiệp này bao gồm sự đột phá công nghệ trong

lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Trí tuệ nhân tạo [AI], người máy [Robots], Vạn vật kết nối [IoT], xe tự lái, công nghệ in 3D, công nghệ Nano, .v.v.

1.3. Các trụ cột chính của nền công nghiệp 4.0

Nền công nghiệp 4.0 có 3 trụ cột chính: Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học và Vật lý.

1.3.1 Kỹ thuật số:

Kỹ thuật số trong cuộc CMCN 4.0 có các yếu tố cốt lõi là Trí tuệ nhân tạo [Artificial Intelligence - AI], Vạn vật kết nối  [Internet of Thing - IoT] và dữ liệu lớn [Big Data]:

- Trí tuệ nhân tạo [AI]:

Được hiểu như một ngành khoa học máy tính liên quan đến tự động hóa các hành vi thông minh. Trí tuệ nhân tạo là do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy [machine learning] để mô phỏng trí tuệ con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tín có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết đọc và tự thích nghi, v.v.

- Internet of Thing [IoT]

IoT là mạng lưới vạn vật kết nối internet hoặ mạng lưới thiết bị kết nối internet. IoT là một kịch bản của thế giới, khi mà mội đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet. IoT là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.

- Dữ liệu lớn [Big Data]:

 Theo định ngĩa của Gartner: “ Big Data là tài sản thông tin mà những thông tin này có khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao và dữ liệu đa dạng, đòi hỏi phải có công nghệ mới xử lý hiệu quả, nhằm đưa ra được các quyết định hiệu quả, khám phá được các yếu tố ẩn sâu trong dữ liệu và tối ưu hóa được qua trình xử lý dữ liệu. 

1.3.2. Lĩnh vực công nghệ sinh học:

Tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

1.3.3. Lĩnh vực vật lý:

Chế tạo robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới [grapheme, skyrmions,.v.v.] và công nghệ nano, v.v.

II. CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TRONG NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI

2.1. Các cuộc cách mạng trong nông nghiệp trên thế giới đã và đang diễn ra

Loài người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Nếu không kể việc con người biết trồng trọt, chăn nuôi, không còn dựa vào hái lượm và săn bắn, đã làm thay đổi căn bản trong tư duy của loài người, thì các cuộc cách mạng trong nông nghiệp cũng song hành với 4 cuộc cách mạng trong công nghiệp trên thế giới. .

- Cách mạng nông nghiệp 1.0

Cuộc cách mạng nông nghiệp [CMNN] 1.0 xuất hiện mạnh vào khoảng năm 1910, ở giai đoạn này chủ yếu dựa vào sức lao động và phụ thuộc thiên nhiên, do đó năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quá trình trao đổi thương mại chưa sôi động, chủ yếu tự cung, tự cấp nông sản giữa các quốc gia.

- Cách mạng nông nghiệp 2.0

CMNN 2.0, đó là Cuộc cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, mà điển hình là Ấn Độ sử dụng các giống lúa mì lùn cải tiến; giai đoạn mà canh tác kết hợp sử dụng hóa học hóa trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; cơ khí phục vụ nông nghiệp phát triển, máy cày làm đất và máy móc phục vụ công nghệ sau thu hoạch, quá trình trao đổi nông sản toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, từng bước hình thành rõ phân vùng nông nghiệp thế giới.

- Cách mạng nông nghiệp 3.0

CMNN 3.0 diễn ra vào khoảng năm 1990 đã tạo bước đột phá về công nghệ nhờ áp dụng các thành tựu khoa học về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, thiết bị định vị toàn cầu [GPS], các công nghệ làm đất, công nghệ sau thu hoạch sử dụng rộng rãi trên toàn cầu và từng bước áp dụng các công nghệ điều khiển tự động và cảm biến, giao dịch nông sản thương mại điện tử, từ đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; căn cứ vào lợi thế so sánh các quốc gia đã chủ động tham gia chuỗi nông sản toàn cầu; đây là giai đoạn xuất hiện nhanh và nhiều công ty đa quốc gia kinh doanh về nông nghiệp.

- Cách mạng nông nghiệp 4.0

CMNN 4.0, sự phát triển diễn ra đồng thời với phát triển của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là giai đoạn ứng dụng mạnh mẽ các thiết bị cảm biến kết nối internet [IoT], công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh... Thuật ngữ nông nghiệp 4.0 được phân tích và sử dụng đầu tiên tại Đức vào năm 2011.

2.2 Những ứng dụng các kết quả của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp trên thế giới:

Theo tổng kết của các tổ chức quốc tế, đến nay, các thành tựu khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng 4.0 đã và đang được ứng dụng vào nông nghiệp chủ yếu tập trung các nội hàm sau:

- Ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật hầu hết các trang trại nông nghiệp [IoT Sensors]; các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện vi khí hậu trong nhà kính;

- Công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, ứng dụng ở các quốc gia có quỹ đất nông nghiệp ít hoặc nông nghiệp đô thị ;

 - Canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh, nhằm cách ly môi trường tự nhiên, chủ động ứng dụng đồng bộ công nghệ;

 - Tế bào quang điện [Solar cells] nhằm sử dụng hiệu quả không gian, giảm chi phí năng lượng, hầu hết các thiết bị trong trang trại/ doanh nghiệp được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời;

- Sử dụng người máy [Robot- hình 2] thay cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi ngày càng trở nên phổ biến, được ứng dụng tại các quốc gia già hóa dân số và quy mô sản xuất lớn;

- Sử dụng các thiết bị bay không người lái [Drones] và các vệ tinh [satellites] để khảo sát thực trạng thu thập dữ liệu của các trang trại, từ đó phân tích khuyến nghị trên sơ sở dữ liệu cập nhật được để quản lý trang trại chính xác;

- Công nghệ tài chính phục vụ trang trại trong tất cả các hoạt động từ trang trại được kết nối bên ngoài, nhằm đưa ra công thức quản trị trang trại có hiệu quả cáo nhất.

2.3 Một số nước trên thế giới tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp hiện nay như thế nào ?

- Nông nghiệp 4.0 ở Đức:[ hay nói chung ở châu Âu ] được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi sử dụng hệ thống điều khiển tự động thông qua việc kết nối mạng các thiết bị máy móc trực tiếp tại nơi sản xuất hoặc gián tiếp tại trung tâm điều khiển. Trong đó, toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm các công đoạn canh tác trên cánh đồng hay chăn nuôi trong các trang trại, kiểm soát chất lượng và giao dịch với các đối tác đều được kiểm soát thông qua thông tin đã được số hóa. Nói cách khác, thông tin ở dạng số hóa được sử dụng cho tất cả các đối tác và các quá trình sản xuất, giao dịch với các nhà cung cấp và khách hàng được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Trên thực tế, một số thuật ngữ khác cũng được dùng và hiểu tương tự như “ Nông nghiệp thông minh ” hay “ Canh tác số hóa ”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị chính xác, điều khiển tự động và kết nối internet. Các thiết bị này được gọi là thiết bị thông minh tích hợp cảm biến, bộ điều tiết tự động, công nghệ xử lý phân tích và hiển thị kỹ thuật số [hình 3]. Theo xu hướng và tiến trình, nông nghiệp 4.0 khởi đầu cho mức phát triển tiếp theo sử dụng các công nghệ trí thông minh nhân tạo hoạt động mà không cần có sự điều khiển trực tiếp của con người và dựa vào hệ thống thu thập số liệu và xử lý thông tin hiệu quả, các thiết bị có thể tự đưa ra quyết định một cách tự động. Nền nông nghiệp của Đức hiện nay vẫn đang phải đối mặt với thách thức về kỹ thuật số hóa. phần lớn các trang trại sản xuất nông nghiệp vẫn

đang sử dụng các thiết bị máy móc tương tự [analog], tỉ lệ này chiếm tới 60-70%

- Nông nghiệp 4.0 ở Anh: là nước dẫn đầu trong các cuộc cách mạng công nghiệp cũng đưa ra định hướng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp tầm nhìn 2030 với các nội dung quan trọng như sau: [1] cơ giới hóa, mở rộng và tăng cường quy mô sản xuất áp dụng nông nghiệp chính xác, đưa robot ứng dụng trong nông nghiệp để cải thiện mức độ chính xác và tăng hiệu quả; [2] ứng dụng di truyền và hướng chọn giống hiện đại để cải thiện chất lượng, tăng tính bền vững, khả năng phục hồi, và tăng năng suất thực thu trong trồng trọt và chăn nuôi; [3] phát triển hướng tiếp cận kết hợp các phương thức quản lý hiệu quả cỏ dại, sâu bệnh hại trong hệ thống các trang trại; [4] ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ phân tích số liệu lớn để phát triển các hướng tiếp cận điều khiển dựa vào số liệu và hình ảnh thực để xác định khả năng và tình trạng của hệ thống canh tác và hệ sinh thái từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; [5] mở rộng và tăng cường đào tạo, tập huấn phát triển nghề và phát triển các kênh giao tiếp kết nối nhà nghiên cứu, người học, và các nhà tư vấn để thúc đẩy các mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp; [vi] kết hợp khoa học xã hội, kinh tế để thúc đẩy nông nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn và tạo sản phẩm chất lượng cao.

- Nông nghiệp 4.0 ở Israel:là một quốc gia với khí hậu khô cằn nguồn nước rất hạn chế nhưng đã tạo được nhiều thành tựu trong nông nghiệp đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tất cả các trang trại hay nhà lưới của Israel đều trang bị hệ thống điều khiển kỹ thuật số với cảm biến và điều khiển tự động. Đây cũng là điểm đặc trưng nhất và cũng là điểm mạnh của quốc gia này trong canh tác nông nghiệp. Các hệ thống tưới nước và dinh dưỡng nhỏ giọt, hệ thống quan trắc và cảm biến của Israel có chất lượng hàng đầu thế giới. Ngoài ra, vật tư trong nông nghiệp, mô hình nhà lưới thông minh điều khiển tự động được chuyển giao và lắp đặt ở hầu hết các nước trên thế giới.

- Nông nghiệp 4.0 ở Trung Quốc:với quan điểm cho rằng tiến bộ của các lĩnh vực công nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực cho phát triển nền nông nghiệp toàn diện, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng phát triển nông nghiệp 4.0 vào thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, các nhà chính sách đã hoạch định tầm nhìn và định hướng tương lai nông thôn Trung Quốc sẽ phải kết nối đa ngành, nông dân mới chuyên nghiệp hơn thay thế nông dân nông hộ nhỏ làm việc bán thời gian hoặc nông dân nghèo đói. Hiện nay ở Trung Quốc, theo hướng nông nghiệp 4.0, nhiều ngành công nghiệp đang được đẩy mạnh như các ngành công nghiệp chế tạo máy kéo công suất cao, máy gặt đập thông minh; ứng dụng thiết bị bay không người lái; trồng cây trong nhà; công nghiệp phục vụ chăn nuôi thông minh 4.0.

- Nông nghiệp 4.0 ở Ấn Độ:vẫn còn ở một khoảng cách khá xa so với các nước châu Âu và Mỹ. Mặc dù trình độ công nghệ thông tin ở Ấn Độ khá mạnh nhưng mạng lưới internet vẫn chưa phủ kín, thông tin và dữ liệu về hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư đầu vào chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc đầu tư các thiết bị cơ giới hóa, máy móc điều khiển kỹ thuật số gần như chưa được quan tâm. Nhìn chung cũng chưa tiếp cận được nhiều.

III. CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

3.1Các nước châu Á vàViệt Nam tiếp cận nông nghiệp 4.0 như thế nào?

- Các nước ở châu Á [ không kể Trung Quốc] bao gồm Việt Nam, vẫn còn ở một khoảng cách xa để tiếp cận nền nông nghiệp 4.0. Nguyên nhân chính là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập và nền tảng cơ sở hạ tầng tối thiểu để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối internet [IoT].

- Với nhiều nước ASEAN, nông nghiệp 4.0 đang trên đường tiến triển với nhiều khó khăn. Dự kiến trong 10-15 năm tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, canh tác thông minh. Để đạt được điều này cần có sự đầu tư mạnh và trọng điểm của chính phủ, các cơ sở hạ tầng, công nghiệp cơ khí chế tạo máy, công nghệ điều khiển, hệ thống mạng internet và công nghệ thông tin để kết nối. Nếu so sánh với các nước Châu Âu, Mỹ và một số nước trong khu vực phát triển, Việt Nam, Lào và Campuchia khó đề cập đến có được nền nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp 4.0 trong 10 năm tới bởi vì mô hình nông nghiệp công nghệ thông minh phải đáp ứng các tiêu chí trong bốn lĩnh vực: công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường.

- Ở Việt Nam, các ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cần sự tham gia không chỉ của các tổ chức nghiên cứu khoa học và nhà nước mà còn sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp. Mặc dù các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao [chư nói đến công nghệ 4.0] đến năm 2020 được chính phụ tạo điều kiện ưu đãi đặc biệt cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao bao gồm cả đào tạo nhân lực và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhưng tỉ lệ thành công còn thấp.

3.2 Hiện trạng nông nghiệp Việt Nam và khả năng tiếp cận công nghiệp 4.0.

- Tính đến tháng 6/2018, cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ. Bình quân 2,2 lao động và 0,4 - 1,2 ha một hộ, thiếu vốn, kiến thức, sản xuất thủ công và manh mún [69% số hộ có quy mô dưới 0,5 ha đất nông nghiệp]. Tài nguyên đất hạn chế, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% so trung bình của thế giới. Nông nghiệp Việt Nam chủ yếu phát triển theo số lượng, chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí vật tư quá cao [11 triệu tấn phân bón, 600-700 triệu USD thuốc BVTV], sử dụng quá nhiều nước và lao động, nên hiệu quả thấp. Sản xuất nhỏ lẻ, không theo chuỗi, do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc.

Chúng ta mới tiếp cận với nền NN 4.0 trong thời gian gần đây. Từ thành công bước đầu của các mô hình đơn lẻ, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, tạo ra thể chế, chính sách và cơ hội cho việc gắn kết các mô hình thành nền NN 4.0 toàn diện theo suốt chuỗi giá trị. Nhờ chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nên đã có các doanh nghiệp lớn và FDI tạo ra các mô hình NN4.0 rất đáng khích lệ. Nhưng chúng ta lại bỏ qua quy mô nhỏ và vừa, chưa đầu tư thích đáng vào nghiên cứu, ứng

dụng, chuyển giao và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.

- Thị trường vốn là điều kiện cần cho NN 4.0. Doanh nghiệp nước ta [98% là vừa và nhỏ] đầu tư vào nông nghiệp ít và nhỏ bé. Dưới 2% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn đầu tư dưới 1% tổng số vốn đầu tư. Để đầu tư một ha nhà vườn [như của Cầu Đất Farm cần 2,7 tỷ đồng]. Các mô hình hoàn chỉnh cần vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như [như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco…]. 

- Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của mô hình nông nghiệp 4.0. Trình độ lao động nông nghiệp rất phân hóa, cần phải đào tạo chuyên biệt đáp ứng đúng cho mỗi mô hình NN.4.0. Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho NN 4.0. Nếu không nhanh chóng thay đổi trong công tác đào tạo thì nguy cơ bị robot cướp việc làm là hiển nhiên và đã hiện hữu ở nhà máy chế biến bột giặt Long Biên, đồ gỗ Bình Dương, thủy sản Cần Thơ,…chứ không còn xa.  

- Cơ sở hạ tầng: Giao thông tại các vùng sản xuất tập trung kém [ĐBSCL, Tây Nguyên]; hệ thống thủy lợi thiết kế chủ yếu cho tưới lúa mà chưa thể hỗ trợ cho sản xuất các ngành hàng khác. Thương mại điện tử rất kém phát triển. Khu vưc nông thôn là nơi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển nhất, cần được tăng cường và sử dụng cho sản xuất hơn là cho giải trí như hiện nay.

- Mỗi địa phương, tiểu ngành cần tỉnh táo lựa chọn đúng quy mô, ngành hàng, đáp ứng yêu cầu về công nghệ, thị trường và hiệu quả mong đợi. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào hiện trạng thực tế hiện nay mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp, đồng thời với phát triển công nghệ cao là ứng dụng cuộc cách mạng NN 4.0.

- Tuy vậy ở Việt nam cũng đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp, phổ biến nhất là trong lĩnh vực rau và hoa. Đến nay Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao theo hướng NN 4.0:

+ Công ty cổ phần Cầu Đất Đà Lạt [Cầu Đất Farm] khởi đầu từ sản xuất nông sản sạch bằng phương pháp thủy canh. Đến nay, công ty đã sở hữu nông trại có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ. Hệ thống giám sát và điều khiển qua internet có thể tự động kiểm soát độ ẩm, tưới nước, bón phân, giúp chủ nông trại giám sát canh tác từ xa;

+ Vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa [Lasuco] có khoảng 30.000 hộ nông dân trồng mía trên diện tích khoảng 32.000 ha [75% diện tích là đồi núi]. Để giải quyết bài toán vận chuyển với 1.000 xe, Công ty Minerva đã gắn thiết bị giám sát hành trình và đưa lên hệ thống chung. Nhờ vậy, Lasuco biết được hoạt động của từng xe, hệ thống trí tuệ nhân tạo tự động điều phối này thay thế cho 40 kế toán thống kê. Hơn thế còn dự báo tránh thời tiết bất thuận, áp dụng canh tác thông minh, tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt đạt 120 – 130 tấn/ha; góp phần

gia tăng lợi nhuận cho nông hộ;

-Tại Đồng Tháp, mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của HTX Mỹ Đông, phối hợp với công ty Rynan Smart Fertilizers, trồng giống Jasmine ứng dụng Canh tác thông minh: bón phân tan chậm và phun chế phẩm sinh học một lần, sử dụng thiết bị cảm ứng năng lượng mặt trời điều tiết mực nước, nên năng suất đạt 7 tấn /ha, giảm chi phí;

- Tập đoàn FPT phối hợp với Fujitsu và Viện Rau Quả, làm mô hình rau. Các chuyên gia sống tại Nhật cũng vẫn có thể kết nối và điều khiển được các yếu tố của trang trại. Bên trong khu vực nhà kính và nhà trồng rau, toàn bộ không khí, ánh sáng, dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng của các loại cây đều được quản lý và giám sát bằng máy tính. Hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió... và có những điều chỉnh cho phù hợp điều kiện phát triển của cà chua và xà lách ít kali;

- Tại Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc [tại Nghệ An], đang có mô hình ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển canh tác rau thông minh có chức năng giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và tưới nước cho cây, giúp cây phát triển tốt hơn, an toàn hơn, năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Nhiều nông hộ ứng dụng tốt các hợp phần của NN 4.0: Nông hộ Vương Đình Phi [ấp Thành Mâu, TP.Đà Lạt làm vườn bằng... smartphone; ông Phạm Văn Hát gieo hạt bằng robot tự động; ông Đoàn Huỳnh Thông [Giám đốc Cty Chánh Phong] xử lý hạt giống bằng chiếc máy bọc hạt giống của Hà Lan.

- Công ty cổ phần Đại Thành triển khai áp dụng, kinh doanh drone để kiểm soát dịch bệnh đối với sản xuất lúa tại Bắc Ninh. Một số mô hình ứng dụng khá hoàn chỉnh về các thiết bị thông minh như chăn nuôi bò sữa ở TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi TP.HCM, hay các mô hình rau sạch của Tập đoàn Vingroup.

Các hoạt động tiếp cận nền NN 4.0 rất đáng khích lệ như ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất lúa, ngô, rau quả, bò sữa, lợn giống, thủy sản; Công nghệ phần mềm SmartChick của Công ty Microsoft Việt Nam là sản phẩm phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi nhờ SmartChick hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ IoT;  Công ty MimosaTEK chuyên cung cấp giải pháp tưới chính xác cho nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Thành Công…; tiết kiệm lượng nước tưới 30 – 50%, giảm tiêu thụ năng lượng, giải phóng toàn bộ công lao động vận hành hệ thống tưới thủ công.

3.3 Đề xuất các chính sách tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Cần Thơ

Nhìn chung không nên du nhập kinh nghiệm nước ngoài theo kiểu phong trào, cũng như không nhất thiết phải áp dụng tất cả công nghệ của cách mạng NN 4.0, mà phải chọn lựa, hài hòa và phù hợp đặc thù riêng của địa phương mình. Vì vậy muốn tiếp cận nhanh cuộc cách mạng 4.0 vào trong nông nghiệp thành phố Cần Thơ, nhằm thúc đẩy nông nghiệp thành phố phát triển nhanh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung cơ bản như sau:

- Thành phố cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp 4.0 với lộ trình và nguồn lực hợp lý;

- Các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, các cơ quan địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân cần bám vào Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, để làm cơ sở tiếp cận và triển khai sát điều kiện cụ thể của địa phương, của doanh nghiệp và trạng trại của mình;

- Phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo đóng tên địa bàn, ban hành những chính sách khuyến khích trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệc là nguồn nhân lực có chất lượng cao, để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0;

- Mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, song hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ;

 - Tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất;

- Tiếp tục xây dựng và quảng bá các thương hiệu nông sản trở thành thương hiệu quốc gia có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước;

- Tiếp tục ban hành những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào mảng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, làm đầu tàu kéo các doanh nghiệp khác trong thành phố và khu vực ĐBSCL làm theo;

- Ban hành những chính sách sát với thực tiễn sản xuất, nhằm huy động các nguồn lực để tiến quân vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất, để tạo ra một luồng sinh khí mới, Cần Thơ có những mô hình nông nghiệp 4.0 có quy mô lớn, tạo ra nông sản độc đáo, an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh cao vào năm 2020.

- Nền Nông nghiệp 4.0 cũng có mặt trái liên quan đến việc làm, đến thất nghiệp của bộ phận dân số vừa do tự động hóa, do người máy lên ngôi, vừa do hàng triệu người sẽ không thể bắt kịp công nghệ mới. Vì vậy, cũng không thể triển khai nông nghiệp 4.0 trên toàn thành phố. Với hàng vạn hộ làm nông và thủy sản trên địa bàn thành phố, canh tác trên hàng vạn mảnh ruộng nhỏ lẻ thì việc chọn lựa đối tượng và quy mô để đầu tư nông nghiệp 4.0 là đặc biệt quan trọng. Thành phố cần có những quyết sách đúng, phù hợp, sẽ vừa thúc đầy sản xuất đi lên vừa đẩy nhanh việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp.

Đi tắt đón đầu với nền nông nghiệp 4.0, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ trong nền nông nghiệp công nghệ cao, sẽ tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng và độ an toàn thực phẩm được quản lý và giám sát trong phạm vi từ nơi sản xuất đến người phân phối và người tiêu dung, đó chính là mục tiêu trong giai đoạn 2020 – 2030 của thành phố. Hiểu về nền nông nghiệp 4.0 trong cuộc cách mạng lần thứ 4 cũng là góp thêm một gợi ý vào sự chuẩn bị cho nội dung văn kiện của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ mới. 

TS.Hoàng Bắc Quốc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nông nghiệp 4.0 – Thực trạng và Định hướng: Nguyễn Đức Bách,  Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

2. Nông nghiệp Việt Nam bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0:Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 8/2018

6.  Europian Agricultural Machinary, 2017

7.  Hội thảo “Nông nghiệp thông minh: cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam”, Đồng Tháp, 25-1-2018.

8.  Lê Quý Kha. Viện KHKTNN Miền Nam //iasvn.org/homepage/Nong-nghiep-thong-minh---buoc-di-ban-dau-o-Viet-Nam-10204.html

Video liên quan

Chủ Đề