Cách chế biến củ năng tươi

Củ năng (còn được gọi là củ mã thầy) có tính mát, mọng nước, giúp thanh nhiệt và giải độc cơ thể rất tốt. Đặc biệt, loại củ này chứa ít calo nên bạn không cần quá lo lắng về việc tăng cân nếu chót ăn “thả phanh”. Cùng tìm hiểu một số công thức nấu món ngon từ củ năng dưới đây nhé. 

1. Chè củ năng lá dứa, nước cốt dừa

1.1 Nguyên liệu

  • Củ năng: 300g
  • Lá dứa: 4 - 5 lá
  • Nước cốt dừa: 100ml
  • Mè trắng, đậu phộng: 5g
  • Bột năng: 45g
  • Muối, đường cát, đường phèn
Cách chế biến củ năng tươi
Cách nấu chè củ năng lá dứa, béo thơm, ngọt

1.2 Cách nấu chè củ năng lá dứa, nước cốt dừa

Củ năng gọt vỏ, rửa sạch với nước rồi đem đi ngâm qua với nước muối loãng. Sau khi ngâm xong thì vớt ráo và thái thành hạt lựu. Chia 2 phần củ năng bằng nhau, mỗi phần cỡ 150g.

Bắc chảo lên bếp, cho đường cùng với 1 phần củ năng, 1 ít nước lọc để sên. Đảo đều tay để đường không bị cháy khét, sên tới lúc đường khô lại dính vào củ năng thì tắt bếp.

Bắc nồi nước nhỏ lên bếp, cho 2 - 3 lá dứa vào nấu sôi rồi lọc lại qua rây để lấy nước màu xanh. Tiếp tục bắc chảo lên bếp cho nước lá dứa, phần củ năng còn lại, 15g đường vào để sên. Cứ sên đến khi đường khô lại thì vớt ra tắt bếp.

Tiếp đến thì trộn phần củ năng trắng vào một ít bột năng rồi lọc lại qua rây để loại bỏ những phần bột dư. Cứ thế làm tiếp với phần củ năng lá dứa cho đến khi cả hai đều được tẩm bột năng

Cách luộc củ năng: Bắc nồi nước lên bếp, đợi khi nước sôi thì cho phần củ năng trắng vào trước rồi vớt ra cho vào tô nước đá để củ năng không bị dính vào nhau. Phần củ năng lá dứa cũng làm tương tự như vậy.

Chuẩn bị một nồi nước khác bắc lên bếp, cho 100g đường phèn, 400ml nước vào nồi để nấu. Tiếp theo hòa tan 1 ít bột năng với 1 ít nước lọc và đợi đến khi đường phèn tan hết thì đổ từ từ 1/2 chén bột năng, khuấy đều tay.

Khi nước sôi một lần nữa thì cho phần củ năng vào để nấu thêm 5 phút thì tắt bếp

Nấu nước cốt dừa: Cho 100ml nước cốt dừa, nước lọc vào một cái nồi rồi bắc lên bếp để nấu ở mức lửa to. Cho đường phèn vào để nấu, khuấy đều tay tới khi đường tan hết thì cho 1 ít muối và phần lá dứa còn lại để nấu cùng.

Chén bột năng còn lại thì đổ từ từ vào nồi nước cốt dừa và khuấy đều để tạo độ sệt của nước cốt dừa. Sau đó thì tắt bếp để nguội.

Đậu phộng thì bạn rang nóng, rồi giã nát. 

Múc chè ra chén, thêm đậu phộng, mè trắng lên trên và cuối cùng chế ít nước dừa lên trên để thưởng thức. Chè ăn không hết có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 1 - 2 ngày.

2. Chè củ năng hạt sen 

Vị thơm bùi của hạt sen hòa quyện với vị ngọt mát từ củ năng tạo nên một món chè vừa hấp dẫn vừa có tác dụng an thần. Thử làm ngay nhé. 

2.1 Nguyên liệu

  • Củ năng: 300g
  • Hạt sen: 200g
  • Đường phèn

2.2 Cách làm 

Rửa sạch và gọt vỏ củ năng, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó, ngâm củ năng trong nước lạnh để giữ màu trắng đẹp. 

Nếu dùng hạt sen khô thì cần ngâm nước trong khoảng 2 tiếng, trường hợp dùng hạt sen tươi thì không cần ngâm.

Xem thêm: Lợi ích sức khỏe từ việc ăn hạt sen tươi, nhất là cải thiện giấc ngủ

Đun hạt sen trước, không đun quá lâu, chỉ cần hạt sen chín bở là được, rồi vớt ra để ướp với đường phèn. Sau khi đường phèn tan hết, đun sôi hỗn hợp khoảng 5 phút. 

Thêm củ năng vào hỗn hợp trên để nấu cùng. Đun củ năng vừa chín tới, tránh đun lâu làm mất độ giòn. 

Khi ăn có thể cho thêm chút đá nếu muốn. 

Cách chế biến củ năng tươi
Chè củ năng hạt sen thanh mát giúp giải nhiệt (Nguồn:  Internet) 

3. Chè củ năng trái dừa 

Nấu chè củ năng trái dừa có lẽ sẽ khiến bạn tốn khá nhiều công sức nhưng hương vị của món ăn này hứa hẹn sẽ “chiếm được” tình cảm của bạn đấy!

3.1 Nguyên liệu 

  • Củ năng: 500g
  • Bột năng: 100g
  • Củ dền: 1 củ 
  • Dừa non: 1 trái 
  • Nước cốt nước: 50g 
  • Bột thạch rau câu dẻo: 3g
  • Lá dứa
  • Đường trắng hoặc đường vàng

3.2 Cách làm 

Rửa sạch và gọt vỏ củ năng, cắt thành hạt lựu (không cần cắt quá nhỏ). 

Rửa lá dứa rồi cắt nhỏ, xay nhuyễn lấy nước màu xanh và bỏ bã. 

Củ dền cũng rửa sạch, gọt vỏ, sau đó cắt miếng nhỏ để cho vào xay nhuyễn, lọc bỏ bã, chỉ lấy nước màu đỏ. 

Xem thêm: Củ dền – loại thực phẩm chứa nhiều công dụng tuyệt vời nhưng không phải ai cũng dùng được

🔴Thạch củ năng

Đun sôi nước củ dền với đường, cho một phần củ năng đã cắt vào đun cùng trong 2 – 3 phút, tới khi thấy củ năng chuyển đỏ thì vớt ra để nguội. Tiếp đó trộn đều từ 1 - 2 thìa bột năng với củ năng, rồi đem đun sôi, tới khi lớp vỏ ngoài chuyển màu thì dừng. 

Nước lá dứa thêm đường rồi đun sôi, sau đó cho phần củ năng còn lại vào, đun cùng tới khi củ năng chuyển xanh thì vớt ra. Trộn đều củ năng màu xanh với 1 – 2 thìa bột năng, đem đun tới khi lớp vỏ ngoài chuyển xanh. 

Cách chế biến củ năng tươi
Thạch củ năng lá dứa (Nguồn: Internet) 

🔴Thạch dừa 

Đun sôi nước dừa (có thể thêm đường vừa ăn), đổ từ từ 3g bột rau câu vào và khuấy đều, sau đó đổ hỗn hộp đã sôi vào khoảng1/4 trái dừa, đợi thạch đông lại. 

Đun sôi khoảng 200ml nước, đổ từ từ 2g bột rau câu cùng 10ml nước cốt dừa vào, tiếp tục đổ hỗn hợp này lên trên lớp thạch trước, chờ đông lại. 

Xem thêm: Bạn sẽ nhận được 9 lợi ích từ nước dừa khi duy trì uống loại thức uống này mỗi ngày

🔴Nước chè

Hòa nước cốt dừa, bột năng và nước lọc rồi đun, vừa đun vừa khuấy đều tới khi sôi thì tắt bếp.

Cuối cùng, bạn hãy cho thạch củ năng và nước chè vào trái dừa để thưởng thức. 

4. Chè củ năng nhãn nhục

4.1 Nguyên liệu

  • Củ năng: 200g
  • Nhãn nhục: 100g
  • Hạt sen: 200g
  • Đường phèn: 300g

4.2 Cách nấu chè củ năng nhãn nhục

Hạt sen rửa sạch rồi cho vào nồi nước để nấu.

Củ năng gọt sạch vỏ, rồi đem ngâm với nước muối loãng. Sau đó vớt ráo và cắt từng củ ra 4 miếng.

Nhãn nhục cắt thành miếng vừa ăn.

Sau khi hạt sen chín mềm thì củ năng, nhãn nhục vào nấu chung. Đợi khi nước sôi lần nữa thì cho đường phèn vào khuấy đều và vặn nhỏ lửa lại tí.

Nấu thêm cỡ 5 phút để cho hạt sen ngấm đường thì mới tắt bếp. Múc chè ra chén hoặc ly và thêm đá vào là có thể thưởng thức được món chè củ năng nhãn nhục thơm ngọt, bổ dưỡng.

5. Bánh gạo nhân củ năng

Bánh gạo nhân củ năng là món ăn vặt khá lạ miệng và tương đối dễ thực hiện. Cùng xem các bước chuẩn bị, chế biến dưới đây.

5.1 Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 150g
  • Thịt heo nạc: 100g
  • Trứng: 1 trái 
  • Củ năng: 300g
  • Gia vị: Muối, bột ngọt, hạt tiêu, hành lá. 

5.2 Cách làm bánh gạo nhân củ năng

Rửa sạch và gọt vỏ củ năng, cắt nhỏ. 

Rửa thịt heo với nước muối loãng, băm nhỏ và nhuyễn. 

Trộn củ năng, thịt heo và trứng, thêm gia vị vào hỗn hợp, rồi nặn thành từng viên nhỏ. 

Lăn từng viên với gạo nếp sao cho gạo phủ đều. 

Đun nước sôi, rồi cho viên vào hấp trong vòng 20 phút là có thể thưởng thức. 

Cách chế biến củ năng tươi
Lăn đều viên thịt củ năng với gạo nếp (Nguồn: Internet) 

6. Củ năng kho sườn 

Củ năng giòn giòn kho cùng sườn non sẽ tạo nên món ăn đậm đà, thấm vị trong bữa cơm gia đình. 

6.1 Nguyên liệu 

  • Sườn non: 500g
  • Củ năng: 100g
  • Sả: 50g
  • Gia vị: Nước mắm, muối, tiêu, đường, hành tím, hành lá, tỏi

6.2 Cách nấu củ năng kho sườn 

Rửa sạch, gọt vỏ củ năng, rồi cắt làm đôi. 

Sườn non rửa với nước muối loãng, sau đó chặt miếng vừa ăn, ướp gia vị và thêm hành tím băm nhỏ. 

Xem thêm: Thật ‘có lỗi’ cho sức khỏe nếu bạn không biết ăn hành tím

Phi thơm hành, tỏi, cho sườn vào xào qua khoảng 5 phút, thêm nước vào rồi đun lửa nhỏ trong 5 phút. Nước gần cạn thì cho sả thái nhỏ và củ năng vào đảo đều. 

Giữ lửa nhỏ để đun tới khi sườn chín mềm, trước khi tắt bếp cho thêm chút hành lá. 

Cách chế biến củ năng tươi
Sườn kho củ non đậm đà thấm vị (Nguồn: Internet)

7. Cánh gà nhồi củ năng 

Nếu các món gà thường ngày có thể khiến bạn nhanh chán, vậy hãy thử “trổ tài” làm cánh gà nhồi củ năng nào!

7.1 Nguyên liệu 

  • Cánh gà: 5 cái 
  • Củ năng: 100g 
  • Giò sống: 100g
  • Gia vị: Nước mắm, muối, tiêu, gừng, hành lá

7.2 Cách làm cánh gà nhồi củ năng 

Gừng đập dập, sát hỗn hợp muối, gừng và rượu trắng lên cánh gà, rồi rửa sạch để ráo. 

Dùng dao nhỏ cắt xung quanh phần xương cánh, rút bỏ phần xương, chỉ giữ lại phần da thịt bao quanh. 

Cách chế biến củ năng tươi
Rút bỏ xương gà, giữ lại phần da thịt bao quanh (Nguồn: Internet) 

Trộn đều giò sống với củ năng, thêm gia vị, hành lá băm nhỏ. 

Nhồi phần nhân vào phần da thịt cánh gà vừa lọc ra, dùng tăm xiên cố định. 

Chiên với dầu nóng, lửa vừa để chín đều. 

Nếu muốn ăn đơn giản thì chỉ cần luộc củ năng chín là có thể ăn được. Cách luộc củ năng như sau: Bắc nồi lên bếp, thả củ năng nguyên vỏ vào để luộc tầm 30 phút là chín. Bây giờ có thể dùng dao gọt vỏ là có thể thưởng thức được món củ năng luộc.

Mong rằng với chia sẻ trong bài viết, các bà nội trợ đã có thêm cho mình những bí quyết nấu những món ăn vừa lạ miệng vừa thanh mát từ củ năng.