Các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống sông Đồng Nai

Chuyện “ồn ào” về thủy điện 6 và 6A “ăn” vào Vườn quốc gia Cát Tiên chỉ là một trong nhiều vấn đề cần xem xét khi làm thủy điện mà dư luận đã nêu lên. Sự thật những thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã mang lại hiệu quả kinh tế hay lãng phí?

Lưu vực sông Đồng Nai có nhiều dự án thủy điện trên 3 sông chính: sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Bé. Theo khảo sát của tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công, có 20 dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai với tổng công suất 2.766 MW.

Cụ thể, trên sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Ngà 5 thủy điện và trên sông Bé 6 thủy điện. Đó là chưa tính hàng loạt thủy điện có công suất nhỏ do các địa phương tự duyệt quy hoạch.

Ngần ấy thủy điện hết bao nhiêu tiền đầu tư? Mới đây, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết: Vốn đầu tư của tập đoàn vào thủy điện 6 và 6A trung bình 26 tỷ đồng/MW. Khảo sát từ một số thủy điện khác, cũng từ 28 - 32 tỷ đồng/MW. Như vậy, nếu tính trung bình một MW có vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, tổng cộng 2.766 MW của 20 thủy điện trên ngốn hết gần 3,5 tỷ USD. Nếu tính luôn các dự án thủy điện nhỏ khác, chắc chắn số tiền đầu tư vào thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai không nhỏ chút nào.

  • Tốn tiền nhiều, phát điện ít

Câu hỏi đặt ra, với ngần ấy vốn đầu tư vào thủy điện, hiệu quả về kinh tế có tương xứng? Ông Hoàng Văn Thống, Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cung cấp thông tin khá quan trọng: Tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do thiếu mưa và việc thủy điện tích nước.

Thực tế khoa học đã chứng minh, trên cùng một dòng sông chỉ làm một thủy điện thì điện sẽ phát quanh năm; làm 2 hồ thủy điện, thời gian phát điện ngắn lại vài tháng, tức thời gian phát điện tỷ lệ nghịch với số nhà máy thủy điện xây trên một dòng sông. Điều này đã minh chứng qua đợt khảo sát các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cuối năm 2010, hàng loạt thủy điện phải ngưng hoạt động do thiếu nước.

Hồ thủy điện Trị An nằm gần cuối sông Đồng Nai không tích đủ nước để vận hành; ngược lên thượng nguồn, tại Di Linh, Lâm Đồng, thủy điện Đồng Nai 2 đang trong giai đoạn tích nước để chuẩn bị khởi động các tổ máy; thủy điện Đồng Nai 3 cũng đang tích nước nhưng lượng nước về hồ rất ít, không đủ để vận hành các tổ máy phát điện.

Khảo sát của phóng viên Báo SGGP vào thời điểm đó, nhiều thủy điện khác thuộc lưu vực sông Đồng Nai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thủy điện Hàm Thuận với công suất 300 MW, từ đầu mùa hè đã trơ đáy dù mùa mưa chưa kết thúc. Cao trình tại hồ Hàm Thuận chỉ ở mức 584m, thiếu hơn 21m mới tích đủ nước theo kế hoạch cho lòng hồ chạy máy năm sau.

Cách Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận 10km về phía hạ lưu sông La Ngà, 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Đa Mi với công suất gần 200 MW cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian chạy máy của thủy điện Hàm Thuận. Nghĩa là thủy điện Hàm Thuận ngừng chạy máy để tích nước bao lâu thì Đa Mi cũng “trùm mền” bấy lâu! Ngược lên phía thượng nguồn nhánh sông Đồng Nai, sông Bé, các nhà máy thủy điện Thác Mơ, Sông Pha, Suối Vàng… với công suất hơn 150 MW, nước về hồ hụt khá lớn so với các năm.Sự thật thủy điện thiếu nước phát điện không chỉ mới “nảy sinh” trong năm 2010 mà đã xảy ra trước đó, dẫn tới nghịch lý: vào mùa nắng nhu cầu sử dụng điện nhiều thì thủy điện không đáp ứng được, đến mùa mưa nhu cầu dùng điện ít thì thủy điện lại đủ nước phát điện thoải mái!

Điều quan trọng hơn, việc xây dựng nhiều thủy điện dẫn tới nguồn nước cung cấp cho thủy điện sẽ tụt giảm vì diện tích rừng bị mất đi. Theo tính toán của các chuyên gia, bình quân 1 MW điện phải mất 16ha rừng. Như vậy, với tổng công suất các thủy điện đã và đang triển khai trên lưu vực sông Đồng Nai sẽ mất đi gần 50.000ha rừng! Mật độ xây dựng thủy điện dày đặc dẫn tới thiếu nước phát điện; nhiều thủy điện sẽ tàn phá nhiều rừng, rừng không còn nhiều để giữ nước đầu nguồn.

Phải chăng đó là lý do hiệu quả phát điện của các thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai rất thấp trong thời gian qua? Đó là chưa nói, việc làm thủy điện sẽ tác động xấu đến môi sinh, môi trường, xâm nhập mặn của sông Đồng Nai ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an sinh xã hội.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần xem xét khách quan, tính đúng, tính đủ về hiệu quả của các dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, tránh sự đầu tư lãng phí, có thể để lại những hậu họa cho mai sau. 

LƯƠNG THIỆN - QUỐC HÙNG

- Thông tin liên quan:

>> Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - Đánh giá nghiêm túc nếu muốn triển khai

>> Đồng Nai kiến nghị không xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Sông Đồng Nai kêu cứu: “Hung thần” thủy điện

Việc xây dựng và đưa vào vận hành 2 thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 đã tác động xấu đến hệ thống lưu vực sông Đồng Nai

  • Chính phủ yêu cầu đánh giá tác động của dự án lấn sông Đồng Nai

  • Vụ lấp sông Đồng Nai: Không ai lấn và lấp sông bừa như thế

  • SÔNG ĐỒNG NAI KÊU CỨU: Mối họa nguồn nước

  • Dự án lấp sông Đồng Nai: “Lắc lư” từ gốc

Trên sông Đồng Nai có thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 nằm ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng do Công ty Thủy điện Đồng Nai [thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam] làm chủ đầu tư. Việc xây dựng và đưa vào vận hành 2 thủy điện này đã gây nhiều hệ lụy đối với môi trường - xã hội, tác động xấu đến hệ thống lưu vực sông Đồng Nai.

Rừng tan nát

Để xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có hơn 2.600 ha rừng ven sông Đồng Nai bị xóa sổ, tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên.

Đoạn sông phía sau đập thủy điện Đồng Nai 4 khô cạn nước

Theo đánh giá tác động môi trường [ĐTM] của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4, khi xây dựng công trình, một số diện tích rừng bị chặt phá. Đặc biệt, việc lấy gỗ để làm lán trại, củi đốt, bãi để xe máy, vật tư thiết bị và chỗ ở cho hàng ngàn công nhân đã làm giảm diện tích rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khu vực và vùng phụ cận.

Đối với vùng lòng hồ, khi diện tích nước ở cao trình 476 m, 322 ha đất rừng sẽ bị chìm ngập dưới lòng hồ thuộc các huyện Bảo Lâm [Lâm Đồng], Đắk G’long [Đắk Nông]. Ở khu vực hạ du của công trình, do nước sông từ hồ chứa sẽ được chuyển bằng đường hầm dẫn tới nhà máy, tạo nên một đoạn sông khô cạn, đây là sông chạy qua khu vực có hơn 7.000 ha rừng giàu và trung bình cùng hàng chục ngàn hecta rừng các loại.

Để bù đắp diện tích rừng bị thiệt hại, đầu năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Công ty Thủy điện Đồng Nai trồng hơn 1.300 ha rừng, số còn lại trồng hết trong năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đến cuối tháng 3-2015, công ty chỉ mới trồng được 34 ha vì vướng một số vấn đề. Thực ra, số diện tích 34 ha là do Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng trồng từ vốn dịch vụ môi trường rừng nhưng tỉnh đã đồng ý đưa vào chỉ tiêu của Công ty Thủy điện Đồng Nai và doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lại số tiền này.

Nói về những tác động của việc mất rừng, PGS-TS Bảo Huy [Trường ĐH Tây Nguyên] phân tích: Việc mất một diện tích rừng lớn ở lưu vực sông Đồng Nai có tác động rất lớn đến môi trường - xã hội như: giảm độ che phủ rừng, giá trị về gỗ, điều hòa khí hậu, đa dạng sinh học, sinh kế của người dân... “Đặc biệt, việc mất rừng ở lưu vực sông sẽ làm giảm chức năng điều hòa nguồn nước, giảm khả năng giữ nước vào mùa mưa dẫn đến nguy cơ lũ quét...” - ông Huy nói.

Sông “khát” nước

Ngày 28-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc khảo sát phía sau đập chính của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4, cắt ngang sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 2 xã Quảng Khê [huyện Đắk G’long] và xã Lộc Bảo [huyện Bảo Lâm].

Đập chính của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 chắn ngang sông Đồng Nai, nước từ dòng sông này được dẫn bằng đường hầm về nhà máy nằm ở xã Lộc Bảo phát điện rồi mới được trả lại dòng sông cách vị trí ban đầu khoảng 14 km. Theo quan sát của chúng tôi, đoạn sông phía sau thân đập chỉ có dòng chảy rất nhỏ do nước rò rỉ từ thân đập và khu rừng xung quanh; lòng sông trơ đá, cát, cỏ cây mọc um tùm.

Bà Trần Thị Dung, một người dân địa phương, cho biết mùa mưa, có thời điểm cả 5 cống xả được nâng lên hết cỡ, nước chảy xuống đoạn sông này ầm ầm như thác đổ. Còn mùa khô, sông cạn nước, cỏ mọc nhiều nên người dân thường đưa trâu bò xuống sông chăn thả. Trước đây, đoạn sông phía dưới thân đập có rất nhiều loài cá nhưng giờ thì chỉ trơ đá và cây.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao phía sau Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 khô cạn, một lãnh đạo Phòng Kỹ thuật Công ty Thủy điện Đồng Nai nói: “Anh thấy môi trường chỗ đó thì đổ nước duy trì cái gì?”. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi “như vậy, theo ông thì không cần xả nước để duy trì dòng chảy?”, vị này khẳng định: “Chúng tôi vẫn thực hiện đúng như ĐTM là xả từ 0,6 m3/giây đến 1,4 m3/giây. Hiện nay, vẫn đang duy trì 0,6 m3/giây nhưng do lòng sông rộng nên chỉ chảy thành dòng nhỏ”.

Cũng theo vị này, trước khi xây dựng nhà máy, về mùa khô, đoạn sông có lưu lượng hơn 100 m3/giây, tính toán ban đầu sẽ có 14 km sông khô cạn. Tuy nhiên, sau đó, Nhà máy Thủy điện Đắk R’tíh xây dựng và xả nước với lưu lượng 68 m3/giây, cách thân đập khoảng 7 km nên thực tế chỉ còn 7 km khô cạn.

Tương tự, theo thiết kế kỹ thuật công trình thủy điện Đồng Nai 3, nước sông Đồng Nai được dẫn từ đập dâng tới nhà máy thủy điện nên đoạn sông sau đập có chiều dài 842 m, lưu lượng nước hầu như bằng 0 trong các tháng mùa khô. Tuy nhiên, theo ĐTM, do đoạn sông có độ ẩm phong phú, hẹp lòng, đáy bao gồm các loại trầm tích cát kết, bột kết biến chất che phủ lên đá bazan, các loại thủy sinh kém phát triển và khu vực này cũng không có công trình lấy nước dân sinh nên không cần phải xả nước khống để duy trì sinh thái lòng sông.

Kỳ tới: Quan ngại “đô thị cõi âm”

Tác động đến Bàu Sấu

ĐTM của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 cho thấy việc thay đổi chế độ thủy văn sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại tự nhiên ở Bàu Sấu. Thực hiện chế độ quan trắc, với chế độ thủy văn gồm mẫu nước, lưu lượng dòng chảy, trạng thái tự nhiên của Bàu Sấu theo chế độ định kỳ mùa lũ và mùa cạn kể từ sau khi công trình vận hành để có các giải pháp thích hợp, kịp thời khuyến cáo và xử lý ngay.

Theo ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 đã tác động xấu đến môi trường. “ĐTM thì người ta phê duyệt hết cả rồi nhưng theo tôi thì sau một vài năm, chúng ta phải ĐTM lại để có cơ sở làm giảm tác động môi trường” - ông Luyện nêu quan điểm.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Video liên quan

Chủ Đề