Bạn nghĩ gì về việc đánh giá con người qua vẻ bề ngoài

Đây là bức ảnh trong một thực nghiệm xã hội: trong rạp chiếu phim chỉ còn 2 ghế trống, 148 ghế còn lại được lấp đầy bởi những người đàn ông xăm trổ hung hãn và bặm trợn. Bạn nghĩ sao về bức ảnh này? Nếu bạn là cặp đôi trong bức ảnh, bạn có đủ can đảm ở lại xem phim không?

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một người đàn ông xăm trổ đầy mình? Lo sợ, cảnh giác, phòng thủ, nghĩ anh ta là lưu manh? Có khi nào bạn cố gắng tránh xa những người xăm trổ không?

Vẻ bề ngoài tạo ra ấn tượng ban đầu rất quan trọng, chính vì vậy chúng ta thường có xu hướng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Khi thấy ai đó trong một bộ vest đạo mạo, với những cử chỉ lịch thiệp, chúng ta có xu hướng kết luận đó là người tốt. Khi thấy một người xăm trổ, chúng ta cho rằng đó là người xấu. Tuy biết rằng kết luận như vậy quá vội vã, và ai cũng biết rằng đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên làm như vậy. Tại sao lại thế, nguyên nhân gốc rễ của hành vi này là gì?

Trong tâm lý học, có một cơ chế gọi là hiệu ứng hào quang [Halo effect], chúng ta có thể sử dụng nó để lý giải hành vi này. Sau đây là một ví dụ minh họa:

“Bạn nghĩ thế nào về Alan và Ben:

Alan: thông minh – chăm chỉ - bốc đồng – khó tính – cứng đầu – đố kỵ

Ben: đố kỵ – cứng đầu – khó tính – bốc đồng – chăm chỉ - thông minh”

[Tư duy nhanh và chậm, Daniel Kahneman]

Hầu hết mọi người sẽ thấy Alan đáng mến hơn Ben. Mặc dù 2 người có tính cách y hệt nhau, nhưng những nét tính cách xuất hiện đầu tiên đã quyết định cảm nhận của chúng ta về Alan và Ben. Alan xuất hiện với những tính cách tốt trước, xấu sau, những tính cách tốt đã gây ấn tượng, làm lu mờ tính cách xấu, còn Ben thì ngược lại. Đó chính là hiệu ứng hào quang, khi chúng ta quyết định đánh giá những đặc điểm khác của một người dựa trên những ấn tượng đầu tiên về họ. Hiệu ứng này vẫn luôn xảy ra mà chúng ta không hề hay biết, nó là nguyên nhân khiến chúng ta nhận định sai lệch về con người.

Những định kiến của bản thân mỗi người cũng là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá một người. Khi nhìn thấy một người da màu, ngay lập tức, từ xuất hiện trong đầu của người da trắng đối diện là “hung hăng”, “giận dữ”, “man rợ”,… Nạn phân biệt chủng tộc cũng là một bằng chứng đắt giá cho thông điệp: đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài của họ.

Ngoài định kiến của mỗi cá nhân, định kiến của cả xã hội được hình thành từ những quan niệm cũ, cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Quan niệm đàn bà gò má cao sẽ sát chồng là một trong những định kiến rất phổ biến trong xã hội cũ. Ngay cả trong xã hội hiện đại bây giờ, rất nhiều người trẻ vẫn nghĩ quan niệm đó là đúng và khi gặp ai đó có gò má cao, trong suy nghĩ của họ lại bật lên định kiến này. Để giúp bạn có cái nhìn chuẩn xác nhất, SEE đã biên soạn một bài phân tích tướng phụ nữ gò má cao rất chi tiết, mời bạn tham khảo bài viết trong link dưới đây:

Phụ nữ gò má cao - sao phải sợ!

Xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh, gấp gáp đang cuốn chúng ta vào vòng xoáy không có điểm dừng. Nhịp sống vội vã buộc chúng ta phải đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng. Sống vội, yêu vội, đánh giá con người cũng vội. Chỉ cần một vài câu nói hay hành động ta đã quyết định tính cách của người đối diện. Mặc dù thừa nhận trực giác là có thật, nhưng đừng vì thế mà đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài.

Mức độ sai sót của việc kết luận vội vã đó tỷ lệ thuận với tốc độ chúng ta đưa ra đánh giá, và hậu quả nó gây ra đôi lúc sẽ khiến chúng ta hối hận. Hối hận vì bị vẻ bề ngoài đánh lừa mà tin nhầm người, hợp tác với nhầm người, mà chọn sai người yêu, chọn sai bạn đời,... Chúng ta sẽ bị mất mát không chỉ về tiền bạc, thời gian, mà mất mát lớn nhất chính là mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Thậm chí, tình huống tệ nhất là mất niềm tin vào chính mình vì đã không nhìn ra bản chất của con người. Vì vậy, chúng ta hãy thận trọng hơn trong việc nhìn người, đặc biệt, cần luôn luôn ghi nhớ: đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài.

SEE

blogradio.vn - Tôi từng nghe một câu nói rất hay thế này: “Đừng phán xét người khác qua vẻ ngoài của họ. Như hoa hồng có gai, người nào càng cố tỏ ra tử tế bề ngoài, bạn càng phải nghi ngờ về nội tâm của họ.”

***

Có những con người lạ lắm! Họ chỉ cần thoáng mắt nhìn qua một ai đó mà thấy người đó khác biệt liền vội chỉ chỏ, đánh giá cứ như mình đã hiểu về đối phương lâu lắm rồi vậy. Nhưng thực ra họ chẳng hề biết về nội tình bên trong,.

Họ nhìn một cô gái có hình xăm, đeo khuyên tai bạn liền dùng những từ ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhất để gán cho cô gái ấy. Nhiều người còn lắc đầu ngao ngán cho rằng đó không phải là những đứa con gái nhà lành, là những đứa không ra gì, đạo đức có vấn đề. Họ nhìn một chàng trai xăm trổ đầy mình dữ tợn liền sợ hãi, tránh xa. Bảo người ta là thằng vô học, lưu manh, côn đồ, thứ vũ phu,…

Họ nhìn thấy một cô gái ăn mặc hở hang liền vội đánh giá cô ấy là loại con gái rẻ tiền, thiếu tự trọng. Họ nhìn những người chiến sĩ tàn tật, những ông lão mang trên mình những vết sẹo chằng chịt lại cười cợt bảo là xấu xí. Họ nhìn những cô gái phẫu thuật thẩm mĩ thì cười nhạo chế giễu, bảo là phí tiền, hàng giả cũng chỉ là hàng giả.

Họ nhìn vào những người đã tự tử với một ánh mặt lạnh lùng không thương cảm. Buông ra hàng ngàn lời chỉ trích cay đắng trên mạng xã hội. Bảo những người như thế là những kẻ ngốc, bệnh hoạn, không biết trân trọng mạng sống, ích kỉ. Họ nhìn vào những người lao động nghèo khó thì lại bảo là người ta thất học, không có ý chí vươn lên,…

Họ nhìn vào những vị bác sĩ sau mỗi ca phẫu thuật thất bại bảo người đó là vô trách nhiệm, không có chuyên ngành, là kẻ giết người,… Họ nhìn vào những thành công của người khác mà ca ngợi, đố kị, nhìn vào những thất bại của người khác mà ra oai, giễu cợt.

Họ nhìn vào những người ở trong cộng đồng LGBT bằng một ánh mắt miệt thị, buông ra hàng ngàn lời cay đắng xúc phạm tới giới tính của những người ấy. Bảo những người ấy là kẻ bệnh hoạn, rối loạn giới tính, đi ngược lại với luân thường đạo lí.

Còn rất nhiều rất nhiều cảnh khác nữa mà tôi đã từng chứng kiến trong đời sống. Thật sự thấy vô cùng khó chịu với những người ác miệng như thế. Chỉ cần là một trong những người như trên ta liền bị đem ra làm trò cười, làm tiêu điểm. Tại sao? Tại sao giữa con người với con người như nhau thôi mà lại phải buông ra những lời phán xét cay đắng như vậy? Liệu bạn đã từng đặt mình vào người khác để hiểu hay chưa?Bạn biết gì về quá khứ của họ không? Cái bạn nhận xét chỉ là bề ngoài thôi, thực chất thì…là cả một câu chuyện dài đấy.

Bề ngoài có thực sự nói lên hết tất cả hay không?

“Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà biết hết được con người thì cuộc đời chẳng tồn tại hai chữ không ngờ.”

Những cô gái, chàng trai có hình xăm,đeo khuyên mà bạn phán xét ấy họ chả làm gì sai cả. Xăm hình là một nghệ thuật, tuy bây giờ ở Việt Nam chưa thật sự công nhận nghệ thuật này nhưng ở nước ngoài đã công nhận rồi. Nó chỉ đơn giản là thể hiện cá tính, mỗi hình xăm đều mang một ý nghĩa đặc biệt của riêng nó. “Xăm lên da thịt chứ không phải xăm lên nhân cách!” Tôi thấy có rất nhiều người xăm hình nhìn bề ngoài khá dữ nhưng thật chất tính cách của họ rất hiền,rất gần gũi.

Hình xăm chỉ như làm cho họ thêm phần mạnh mẽ để bảo vệ mình và những người xung quanh, khiến cho người khác sợ vậy thôi. Những người bạn cho là ăn mặc kín đáo ấy, tốt đẹp, lịch sự ấy có thật sự tính cách của họ như vẻ bề ngoài không? Rất nhiều người không xăm trổ, bề ngoài rất hiền lành kết quả họ vẫn làm những điều sai trái, tội lỗi đấy thôi. Không ai nói trước được điều gì cả.

Những cô gái ăn mặc hở hang mà bạn cho là thiếu tự trọng ấy thực chất họ cũng chả làm gì sai. Thân thể họ là của họ, ăn mặc sao cũng là quyền của họ. Phong cách thời trang mỗi người là khác nhau cớ gì ta phải phán xét nhân phẩm của người khác chỉ qua vài bộ đồ cơ chứ?

Những ông lão, chiến sĩ mang trên mình những vết sẹo, tàn tật mà bạn cười cợt là xấu xí ấy. Họ đã anh dũng chiến đấu vì đất nước! Ban đầu họ cũng là những con người rất lành lặn, khỏe mạnh nhưng vì mưa bom bão đạn khốc liệt ở chiến trường mới biến họ thành như thế. Bạn không hiểu nguồn gốc của những vết sẹo xấu xí kia thì xin đừng cười nhạo họ, những vết sẹo ấy đã đổi lại cho bạn bình yên cho đến bây giờ.

Những cô gái phẫu thuật thẩm mĩ mà bạn mỉa mai, chế giễu là hàng giả ấy họ chẳng làm gì sai để đáng bị như vậy cả. Có thể là họ bị một tai nạn nào đó khiến gương mặt xinh đẹp của họ bị hủy nên mới phải nhờ đến dao kéo. Hay chỉ đơn giản là họ muốn bản thân mình tự tin hơn thôi. Con gái mà ai chả muốn bản thân mình thật xinh đẹp cơ chứ.

Những người tự tử mà bạn cho là ngốc, là ích kỉ ấy thật sự họ rất đau khổ. Bạn có biết áp lực cuộc sống của họ như thế nào không? Bạn có biết họ đã bế tắc không tìm được đường thoát nào nữa không? Bạn có biết họ bí bách không thể và không biết chia sẻ với ai không? Bạn có biết trước khi tự tử họ có thể phải trải qua những ngày tháng khổ sở, sống không bằng chết không? Nói như vậy không phải để khuyến khích việc tự tử. Tự tử là con đường không ai mong muốn vì nó không giúp giải quyết vấn đề gì.Nhưng nếu bạn đã không thương cảm,đồng cảm cho những số phận đáng thương ấy thì cũng xin đừng lạnh lùng buông những lời cay đắng.

Những người lao động nghèo khó mà bạn cho là thất học ấy có thể là họ sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên không có đủ điều kiện để đến trường, phải lao động vất vả giúp đỡ gia đình. Họ cũng lao động bằng chính sức lực của mình nên chả việc gì mà phải bị coi thường cả. Họ cũng là những người lao động,làm việc đóng góp cho xã hội cơ mà.

Những vị bác sĩ mà bạn chỉ trích cho là thiếu chuyên nghiệp sau những ca phẫu thuật thất bại ấy. Thực ra họ cũng đã rất cố gắng hết sức làm những điều bản thân mình có thể nhưng vì những yếu tố khác như:cấp cứu muộn, bệnh quá nặng,…họ mới không thể đạt được kết quả như mong đợi. Họ cũng rất bất lực và tự trách sau những lần thất bại ấy.Vậy nên đừng chỉ mãi chỉ trích họ mà hãy nhìn đến sự cố gắng của họ.

Những người thuộc cộng đồng LGBT bị bạn miệt thị thật ra họ chẳng làm gì sai cả, họ thật ra phải chịu rất nhiều nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần mà ta không hề hay biết. Họ sinh ra đâu được quyết định giới tính của mình cơ chứ. Họ bị hàng ngàn người với những quan niệm cổ hủ chỉ trích, bị gia đình chối bỏ,…Họ cũng là con người, cũng có cảm xúc họ yêu ai thích ai là quyền của họ. Họ chẳng hề cướp bóc hay làm việc gì ác để mà phải bị miệt thị coi thường như thế. Tôi thấy rất nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBT nói chuyện rất thân thiện, dễ thương và hòa đồng nữa.

Những con người bề ngoài giàu có, chi tiêu xa xỉ bạn ngưỡng mộ họ, ganh tị với họ. Nhưng bạn đâu biết để có được thành công như thế họ cũng đánh đổi rất nhiều. Họ không hề hạnh phúc như bạn nghĩ!

Vậy nên mong bạn đừng phán xét ai đó qua vẻ bề ngoài khi mà chưa hiểu rõ câu truyện ẩn giấu sâu thẳm bên trong. Nếu đặt mình vào tình cảnh bị như thế bạn có thật sự muốn bản thân mình bị mọi người đối xử như thế hay không? Bạn có thực sự mạnh mẽ được như những con người ấy hay không? Xin hãy đặt mình vào người khác để cảm nhận trước khi làm một việc gì đó hay chỉ trích phán xét một ai đó.

“Xin hãy ngừng phán xét và sống yêu thương, sẻ chia với nhau nhiều hơn. Bạn đang may mắn hơn rất nhiều người có mảnh đời bất hạnh trên thế giới này đấy!” Mỗi lần bạn giày xéo lên thân thể họ là mỗi lần tâm hồn họ bị vết xước hằn sâu hơn. Nỗi đau mà họ gánh chịu còn tăng lên gấp ngàn lần. Nếu bạn không thể giúp được họ trong lúc khó khăn thì xin cũng đừng làm hại họ!”

© Đỗ Quỳnh Di – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Lá thư gửi người đến sau: Hãy thay tôi thương cô ấy thật lòng

Video liên quan

Chủ Đề