Atiga la gi

Là một thành viên của ASEAN, việc tham gia Hiệp định ATIGA có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Vậy, Hiệp định ATIGA là gì và đề cập đến những nội dung gì?

Hiệp định ATIGA (ASEAN Trade in Goods Agreement) là cách gọi tắt của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.

ASEAN là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, được thành lập vào năm 1967, tính đến thời điểm hiện tại bao gồm 10 nước là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Tiền thân của Hiệp định ATIGA là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) vào năm 1992. Sau đó vào tháng 2 năm 2009, thành viên ASEAN ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa, hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2010.

Đây được xem là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ quan hệ thương mại hàng hóa trong nội khối với cơ sở của việc tổng hợp các cam kết về việc cắt giảm/loại bỏ thuế quan từ hiệp định CEPT/AFTA và các hiệp định, nghị định thư khác có liên quan.

Atiga la gi

Hiện nay Hiệp định ATIGA có sự tham gia của 10 nước Đông Nam Á

Tinh thần chung của hiệp định ATIGA

Mục tiêu của Hiệp định ATIGA là tạo cơ sở phát triển quan hệ hàng hóa trong khối ASEAN, cụ thể là lưu chuyển tự do hàng hóa, từ đó củng cố thêm mối quan hệ giữa các thành viên và tiến tới hội nhập kinh tế.

Để đạt được mục tiêu đó, tại Hiệp định ATIGA, các quốc gia thống nhất dành cho nhau những ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN ký kết (FTA ASEAN+).

Ngoài cam kết quan trọng nhất là thuế quan, ATIGA còn đề cập đến nhiều cam kết khác như:

  • Cam kết về xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan
  • Cam kết về quy tắc xuất xứ
  • Cam kết về các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại
  • Cam kết về hải quan
  • Cam kết về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp
  • Cam kết về các biện pháp đền bù thương mại
  • Cam kết về các biện pháp vệ sinh dịch tễ

Các cam kết chính của các thành viên

Hai cam kết quan trọng nhất của Hiệp định ATIGA là cam kết cắt giảm thuế quan và cam kết về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ.

Cam kết về cắt giảm thuế quan

Để tạo ra môi trường tự do về hàng hóa và quan hệ kinh tế, việc cắt giảm thuế quan được xem là một trong những biện pháp quan trọng.

Việc cắt giảm thuế quan được thực hiện theo nguyên tắc sau: Tất cả các sản phẩm thuộc Danh mục hài hòa thuế quan của ASEAN đều thuộc biểu cam kết thuế quan của từng nước trong Hiệp định ATIGA, bao gồm cả những sản phẩm được cắt giảm thuế và cả những sản phẩm không phải cắt giảm thuế.

Cắt giảm thuế được thực hiện theo từng lộ trình nhất định, trong đó lộ trình cắt giảm thuế của 6 nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore thường ngắn hơn với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Hầu hết các sản phẩm thuộc biểu thuế quan sẽ được xóa bỏ hoặc giảm thuế xuống còn dưới 5%, trừ một số sản phẩm nhạy cảm như nông sản chưa chế biến, thuốc nổ, súng đạn hay rác thải.

Cam kết về quy tắc xuất xứ, thủ tục chứng nhận xuất xứ

* Đối với quy tắc xuất xứ

Chỉ có hàng hóa thuộc khu vực ASEAN mới được hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ATIGA. Hàng hóa được coi là có xuất xứ từ ASEAN nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của quốc gia là thành viên ASEAN
  • Hàng hóa đáp ứng được yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong phụ lục 3 của Hiệp định:
    • Có hàm lượng nguyên liệu xuất xứ nội khối (RVC) ít nhất là 40%
    • Trải qua chuyển đổi HS 4 số, hoặc quy trình sản xuất nhất định. Các quy tắc này sẽ được áp dụng riêng hoặc kết hợp. Trên thực tế hầu hết các sản phẩm đều có quy tắc xuất xứ kết hợp, cho phép áp dụng đồng thời cả RVC và chuyển đổi HS/quy trình sản xuất.

* Đối với thủ tục chứng nhận xuất xứ

Một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải có chứng nhận xuất xứ theo mẫu D trong Phụ lục 7 do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu cấp.

Dù vậy, trên thực tế hiện nay các quốc gia thành viên đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, khi đó bên xuất khẩu có thể tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, nếu đáp ứng các điều kiện đã đặt ra.

Nội dung này đã được thực hiện thông qua hai dự án thí điểm gồm:

  • Dự án thí điểm số 1: Được ký kết bởi 3 nước Brunei, Malaysia và Singapore vào ngày 30/8/2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/11/2010. Sau đó Thái Lan tham gia dự án này vào tháng 10/2011.
  • Dự án thí điểm số 2: Được ký kết bởi 3 nước Lào, Indonesia và Philippines vào ngày 29/8/2012 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014. Việt Nam cũng tham gia dự án này vào tháng 9/2014.

Quá trình thực thi các cam kết quan trọng của Việt Nam trong hiệp định ATIGA

Đối với các cam kết trên, việc thực thi tại Việt Nam diễn ra như sau:

* Về cam kết cắt giảm thuế quan

Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.706 dòng thuế về 0%, 669 dòng thuế còn lại (chiếm 7% biểu thuế) tiếp tục được cắt giảm về 0% vào năm 2018.

Việt Nam đã tiến hành cam kết cắt giảm thuế quan theo ATIGA trong giai đoạn 2015 - 2018 từng bước theo lộ trình. Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho phù hợp với từng giai đoạn, bao gồm:

  • Thông tư 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015 - 2018 (đã hết hiệu lực)
  • Nghị định 129/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016 - 2018 (đã hết hiệu lực)
  • Nghị định 156/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018 - 2022 (đang áp dụng hiện hành)

* Về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ

Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ban hành Chứng nhận xuất xứ theo mẫu D là 18 Phòng Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương và 37 Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất do Bộ Công thương ủy quyền.

Việt nam đã tham gia vào dự án thí điểm Tự chứng nhận xuất xứ được ký kết với 3 quốc gia Lào, Indonesia và Philippines.

Về mặt pháp lý, Bộ Công thương đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện cho doanh nghiệp để phù hợp theo từng thời kỳ, bao gồm:

Vai trò của Hiệp định ATIGA đối với nền kinh tế Việt Nam

Hiệp định ATIGA tạo ra một thể chế kinh tế tự do, thúc đẩy việc phát triển quan hệ thương mại hàng hóa trong khu vực ASEAN. Điều này giúp ngăn cản các nước tăng cường áp dụng các loại rào cản thương mại và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tính đến thời điểm hiện tại, thành quả được xem là quan trọng nhất của Hiệp định ATIGA là đã giảm hàng rào thuế quan thương mại nội khối ASEAN về mức 0% với hầu hết các loại hàng hóa, đồng thời tạo ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp điều chỉnh quy tắc và hoạt động thương mại. ASEAN cũng là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với Việt Nam nên việc tham gia vào Hiệp định ATIGA cũng đem đến nhiều lợi ích và thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, thương mại cho nước ta.

Các Hiệp định thương mại khu vực nói riêng và Hiệp định thương mại quốc tế nói chung còn giúp khẳng định, từng bước nâng cao vị thế của Việt nam trong các diễn đàn kinh tế thế giới.

Tuy nhiên đây cũng chính là thách thức đối với Việt Nam, rào cản về thương mại bị xóa bỏ cũng là lúc nước ta cần nhìn nhận lại để vừa nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh tế vừa bảo vệ nền thương mại nội địa trước những ảnh hưởng của hàng nước ngoài.

Nâng cấp Hiệp định ATIGA để tiếp tục phát triển

Sau hơn 10 năm thực hiện, có thể thấy các tác động và kết quả tích cực mà Hiệp định ATIGA mang lại đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia thành viên và cả khu vực.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi các thay đổi về kinh tế, ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị ngày càng gia tăng, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid 19 trong giai đoạn vừa qua và vẫn đang tiếp diễn, một trong những nội dung cấp thiết đó là nâng cấp, sửa đổi các nội dung của Hiệp định cho phù hợp.

Atiga la gi

Việc nâng cấp Hiệp định ATIGA là cần thiết trong bối cảnh hiện tại

Bởi vậy mà vào ngày 16/3/2022 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế các nước khu vực ASEAN đã khởi động các cuộc đàm phán chiến lược để nâng cấp Hiệp định ATIGA.

Việc sửa đổi Hiệp định là phù hợp với tình hình phát triển của khu vực, để từ đó bắt kịp sự tiến bộ của kinh tế thế giới.