Võ điện biên là ai

Biên phòng - “Từ bé, chúng tôi được ba kể cho nghe những câu chuyện về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Ông kể nhiều về đồng bào các dân tộc đã kề vai, sát cánh, nuôi nấng cách mạng trong những năm kháng chiến gian khổ nhất và những tấm gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam. Với ba tôi, ông luôn thương bộ đội như con, tin yêu đồng bào các dân tộc thiểu số như người thân ruột thịt” - Đó là những chia sẻ của anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phóng viên Báo Biên phòng khi nhắc đến người cha kính yêu của mình.

Anh Võ Hồng Nam [ngoài cùng bên trái], chụp ảnh cùng cha mình - cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ban công số nhà 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong khuôn viên tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội trong những ngày đầu tháng 8, những giỏ phong lan vẫn xanh tốt, y nguyên như thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống. Anh Võ Hồng Nam nói với chúng tôi: “Cha tôi rất yêu phong lan, yêu thiên nhiên và luôn muốn hòa mình vào thiên nhiên”. Những giỏ phong lan này là món quà giản dị được gửi về từ những vùng quê Tây Bắc, vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa, nơi mà Đại tướng đã gắn bó trong những năm tháng hoạt động cách mạng.

Anh Võ Hồng Nam chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, tôi thường thắc mắc, tại sao nhà mình nhiều người đến nói chuyện với ba thế. Không chỉ các tướng lĩnh trong Quân đội, mà còn có cả bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau này khi lớn lên, có dịp đi với ba tới các vùng như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn..., nghe ba kể về những ký ức khi hoạt động cách mạng, tôi mới thấy, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn yêu thương, trân trọng ba tôi như người nhà”.

Ba thường nói với chúng tôi: "Trước khi định làm điều gì thì phải cố gắng làm cho thật tốt, phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống cho Tổ quốc, giúp đỡ con cháu của họ, giúp đỡ đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Được nuôi dạy và lớn lên như vậy, tôi luôn tâm niệm phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước, giúp được đồng bào các dân tộc càng nhiều càng tốt. Khi sắp xếp được công việc, tôi lại cùng những người bạn tổ chức những chương trình thiện nguyện như tặng quần áo, các nhu yếu phẩm cho các cháu học sinh tại Cao Bằng, Thái Nguyên - những vùng quê cách mạng mà ba tôi gắn bó. Sau những chuyến đi, tôi thường chụp ảnh rồi cho ba xem, ông rất vui!”.

Trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua, gia đình anh Võ Hồng Nam cũng đã gửi những phần quà nhỏ bé như đèn năng lượng mặt trời tặng cho các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Anh Võ Hồng Nam cho biết, đó là những món quà nhỏ mà gia đình Đại tướng muốn gửi gắm để chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra” [trích Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất bản năm 2006], Đại tướng không chỉ nói đến Quân đội, mà còn nói đến những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, trong số 34 chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân [tiền thân của QĐND Việt Nam] thì có tới 29 người là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong cuốn hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, Quân đội từ nhân dân mà ra, khi chiến tranh, đói khổ được đồng bào nuôi giấu, bao bọc. Khi hoạt động cách mạng tại chiến khu Việt Bắc, địch nhiều lần khủng bố, nhưng đồng bào vẫn bao bọc mình, thậm chí còn chọn cái chết để bảo vệ mình, xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, thì phải lo giúp đồng bào.

Nghe những câu chuyện về sự giản dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với đồng bào các dân tộc thiểu số mà anh Võ Hồng Nam chia sẻ, bỗng tôi chợt nhớ lần bản thân mình được chứng kiến cảnh gia đình Đại tướng đón bà Bàn Thị Chủ, ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng về Hà Nội chữa bệnh vào tháng 12-2020. Khi tới cổng số 30 Hoàng Diệu, bà Bàn Thị Chủ đã ôm anh Võ Hồng Nam khóc nức nở.

Sau cuộc trò chuyện với gia đình Đại tướng, tôi mới biết, bà Bàn Thị Chủ là người dân tộc Dao, bà là người nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Cũng chính bà đã cùng người dân tiếp tế đạn dược và nấu cơm cho bộ đội đánh trận Phay Khắt, Nà Ngần, làm nên chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào năm 1944. Bà Bàn Thị Chủ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là Kim Sơn, tên mà bà lấy làm bí danh khi hoạt động cách mạng tại Cao Bằng những năm kháng chiến chống Pháp.

Anh Võ Hồng Nam nhớ lại: “Năm 1994, tôi có dịp cùng ba tôi lên thăm Cao Bằng, lúc đó, đường sá đi lại khó khăn. Thế nhưng, khi biết ba tôi đến thăm, người dân ùa ra đón, người thì mừng, người khóc, có người mang biếu ba tôi chai mật ong, người thì biếu mấy quả trứng. Ba tôi nhận và nói: "Bà con có nuôi được tôi không?". Mọi người đồng thanh đáp: "Nuôi được, bác cứ ở đây với đồng bào đi!". Chứng kiến cảnh đó, tôi thật sự hạnh phúc. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ [7/5/1954-7/5/2004], biết được ba tôi lên thăm Điện Biên, một cụ ông người Dao đã gần 80 tuổi vượt hàng trăm cây số để gặp ba rồi nắm tay ba tôi khóc. Ông là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, quả thật rất xúc động...”.

Nhiều vùng đất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đi qua, mấy chục năm xa cách khi trở lại, đồng bào vẫn nhớ thương Đại tướng, coi Đại tướng như người thân ruột thịt của mình. Chính vì tình cảm của Đại tướng dành cho đồng bào các dân tộc đã trở thành tấm gương sáng để anh Võ Hồng Nam suốt đời phấn đấu, học tập và noi theo. “Có lần, ba nói với tôi: Đồng bào còn nghèo, còn vất vả, nhiều vùng còn khó khăn, Nhà nước không lo hết được, nên mọi người phải cùng nhau chung tay giúp đồng bào. Mình hứa với đồng bào cái gì thì phải làm cho kì được” - anh Nam chia sẻ.

Để giúp nhân dân xã Mường Phăng [thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên] có điều kiện sản xuất, ngày 30-9-2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông. Trong thư, Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn. Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời, góp phần giữ gìn di tích của chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây dựng dự án trên”.

Có lẽ, chính vì tình cảm sâu nặng mà Đại tướng dành cho đồng bào các dân tộc nơi đây nên bà con gọi cánh rừng là “rừng Đại tướng”, hồ cũng là “hồ Đại tướng”, cả xã có 5 trường thì đã có 3 trường mang tên Võ Nguyên Giáp. Để ghi nhớ lời dặn của Đại tướng: “Hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”, bà con các dân tộc xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên đã mang “tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ” ấy nỗ lực trong sản xuất và phát triển kinh tế, đưa đời sống ngày một ấm no hơn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, lỗi lạc đã đi xa sau hơn một thế kỷ cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân với những công lao đã được ghi tạc trong lịch sử. Hình ảnh vị tướng tài ba, người anh Cả của QĐND Việt Nam anh hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn luôn còn mãi trong tâm trí người dân Việt Nam, còn mãi trong tâm trí của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Kim Nhượng

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, cục diện chiến trường Đông Dương có chuyển biến căn bản theo hướng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đặc biệt là với các đòn tiến công chiến lược của quân ta trên các địa bàn trọng điểm: Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Cămpuchia, Tây Nguyên đã buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó và làm phá sản bước đầu mưu đồ tập trung lực lượng của kế hoạch Nava. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, từ chỗ không có kế hoạch Nava, nhưng trước các đòn tiến công của ta buộc thực dân Pháp phải huy động một lực lượng lớn binh lực để tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Nhận định đây là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng, là thời cơ thuận lợi cho ta sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành thắng lợi”.

 
Đại tướng thăm hầm tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Ảnh: P.V  

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có lòng chảo Mường Thanh dài gần 18 km, rộng từ 6 - 7 km, nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một đầu mối giao thông quan trọng, có đường đi sang Lào. Thực hiện mưu đồ đối với Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng lớn quân viễn chinh gồm 16.200 lính tinh nhuệ; 48 khẩu pháo, cối các loại từ 75 đến 120 li; xây dựng và mở rộng 2 sân bay với hàng trăm máy bay [trong đó có 43 máy bay ném bom]. Tập đoàn cứ điểm được bố trí thành 3 phân khu: Bắc - Trung - Nam, với 49 cứ điểm liên hoàn, với hệ thống công sự và hàng rào dây thép gai kiên cố. Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đi trước để chuẩn bị chiến trường đã đề nghị phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm tranh thủ địch vừa tăng cường lực lượng, đứng chân chưa vững, ta tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong “3 đêm 2 ngày”. Đại tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng phái đoàn quân sự Trung Quốc khuyên ta: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng cường thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng không còn điều kiện công kích quân địch nữa”. Để chuẩn bị và bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động hàng chục vạn dân công, hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm vượt qua đèo cao, núi dốc, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù để vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội đánh giặc và phá bom nổ chậm của địch, mở đường đến các trận địa. Hàng chục khẩu pháo các loại và hàng vạn bộ đội đã bí mật vào vị trí tập kết, sẵn sàng chờ mệnh lệnh “khai hỏa” vào 17 giờ ngày 25/01/1954.

Cuối tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường ra mặt trận, tại Thủ đô kháng chiến ở Tân Trào, Đại tướng đã đến chào Bác Hồ. Bác Hồ hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường,có gì trở ngại không?”. Đại tướng trả lời: “Các đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn Quốc, kể cả Bộ đội tình nguyện ở Lào và Cămpuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ trở ngại là ở xa có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ chính trị”. Nghe vậy, Bác Hồ nói với Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Chia tay Đại tướng, Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Thực sự đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề của Đại tướng đối với Đảng, nhân dân và quân đội ta.

Mọi công việc chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất. Nhưng trước ngày nổ súng Đại tướng nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, không còn ở thế phòng ngự dã chiến như ban đầu. Về phía ta, Đại tướng cho rằng có 3 khó khăn nổi lên. Một là: Bộ đôi chủ lực của ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là Tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc, nhưng cũng có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Hai là: Trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh - pháo binh với quy mô lớn đầu tiên mà lại chưa qua diễn tập. Ba là: Bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa bàn bằng phẳng với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng, trận đánh lại diễn ra trên bình diện với chiều dài khoảng 18 km và rộng từ 6 -7 km. Mặc dù mấy vạn quân đã dàn trận, đạn dã lên nòng, sẵn sàng “Dội lửa” lên đầu kẻ thù vào 17 giờ ngày 25/01/1954 như kế hoạch đã định. Nhưng Đại tướng quyết định dừng lại cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Trao đổi với Đại tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng phái đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc về quyết định của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Ý định của tôi là hoãn cuộc tấn công ngay buổi chiều nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc””. Với trách nhiệm trước Đảng, trước lời căn dặn của Bác Hồ và nhất là trách nhiệm trước sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường; Sau 11 ngày đêm theo giỏi, suy nghĩ và tính toán, với nhãn quan thiên tài quân sự, với bản lĩnh và kinh nghiệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến kết luận: Đánh theo cách này nhất định thất bại và quyết định chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Với cách đánh này, quân ta sẽ đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận quân địch theo lối “Bóc vỏ”, dồn địch vào tình thế ngày càng bị động, khốn quẩn để tiêu diệt chúng.

Quyết định thay đổi phương châm và kế hoạch đã được triển khai, sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về Trung ương Đảng bằng thư hỏa tốc. Quyết định của Đại tướng được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và tiếp tục động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng. Thay đổi phương châm tác chiến từ phương châm: “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” là một “Quyết định lịch sử” của một vị tướng tài năng quân sự kiệt xuất, giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và đầy bản chất nhân văn. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. Nhưng đây là quyết định sáng suốt và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuộc chiến tranh. Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”. Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Peter MacDonald [người Anh] đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của mọi thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

Thắng lợi của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ là một trong những thắng lợi to lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. “Được ghi vào lịch sử Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất, một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa nô dịch thuộc địa”. Thắng lợi đó bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, sáng tạo của quân đội và nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi và sự đóng góp kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thắng lợi đó buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, miền Bắc được giải phóng, tiến lên cách mạng XHCN và trở thành hậu phương vững chắc để tiếp tục thực hiện thắng lợi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.

Trương Văn Nhỏ

Video liên quan

Chủ Đề