Vì sao nhà tù phú quốc được xây dựng

Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc [còn có tên gọi khác: Địa điểm Nhà tù Phú Quốc, Trại giam tù binh Phú Quốc, Nhà tù Phú Quốc, Nhà lao Cây Dừa,…] nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian” là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy. Trong thời gian tồn tại chưa đầy 6 năm [từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973], địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường. Số lượng tù binh bị nhồi nhét trong các phòng giam lúc cao điểm từ 120 - 180 người; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sỹ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân...

Diện tích Trại giam Phú Quốc lên đến 400 hecta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu, trong đó có 02 khu đôi [mỗi khu có 02 phân khu] và 10 khu [mỗi khu có 04 phân khu gọi là Khu A, B, C, D], mỗi phân khu cách nhau 100m. Phân khu có chiều dài 150m, rộng 50m, gồm 11 ngôi nhà trong đó có 09 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam 20m x 5m. Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 04 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 04 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại. Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp; vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, các tù binh tại Trại giam Phú Quốc đã tổ chức thành công 45 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm…

Hiện nay, di tích chỉ còn lại một số hạng mục sau:

- Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh: được làm bằng lõi trụ sắt và gạch đặc, tạo thành 02 trụ vuông hai bên.

- Nghĩa địa tù binh: diện tích 20.427,8m2, nằm ở khu vực đồi 100, bốn mặt đều giáp với đất của Hải quân vùng 5, cách điểm Trại giam - phân khu B2 khoảng 1km. Sau năm 1975, toàn bộ công trình được xây bằng bê tông cốt thép, có hàng rào bao quanh. Khu trung tâm nghĩa địa được thiết kế hình tròn, chính giữa có một khối hình chữ nhật, bên trên là tượng đài hình nắm tay [nắm đấm] thể hiện lòng căm thù, tinh thần kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ… Ở các vách tường phía bên trong của hình chữ nhật, cách mặt đất khoảng 1m, được dùng làm bia ghi danh liệt sĩ.

- Nhà thờ Kiến Văn: có diện tích 4.837,6m2, hiện là phế tích, tại đây chỉ còn lại vài mảnh tường, cùng nền xi măng và các cột góc tường.

- Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng bằng bê tông cốt thép, chia thành 02 phòng với 43 hiện vật và hơn 100 hình ảnh tư liệu: phòng chiếu phim giới thiệu sơ lược về Phú Quốc và phòng giới thiệu về tổng thể trại giam với 03 phần: Phần I, sa bàn và toàn cảnh trại giam [quá trình hình thành và tồn tại], phần II, những hình thức tra của địch và phần III, những hình thức đấu tranh và các kỷ vật của tù binh.

Phân khu B2: được phục dựng lại với diện tích 17.693 m2, gồm các hạng mục như sau:

+ Vọng gác [chòi canh]: nằm ở bốn góc của phân khu giam B2, được làm bằng cột thép, cao khoảng 5m, rộng khoảng 1,5m, mái che bằng tôn.

+ Hàng rào: là hệ thống dây kẽm gai, sắc nhọn, bùng nhùng được quấn thành 8 đến 10 lớp, cách khoảng 2 - 3m dọc hàng rào có các cột sắt dùng để treo bóng đèn.

+ Cổng trại giam của phân khu B2: được quấn nhiều lớp rào kẽm gai để bao bọc, có quân cảnh bảo vệ.

+ Chuồng cọp kẽm gai: nằm bên phải cổng phân khu là các chuồng cọp nằm, chuồng cọp ngồi, chuồng cọp nửa thấp nửa cao. Chuồng cọp dài khoảng 2m, rộng khoảng 0,5m, cao khoảng 0,5m, được để ngoài trời, nằm ngay sát mặt đất, làm bằng kẽm gai, bên trong là các mô hình tù binh bị giam giữ.

+ Liền kề với các chuồng cọp kẽm gai là kiểu giam giữ tù binh bằng thùng cat xô, thực tế đây là một công ten nơ nhỏ. Trên đỉnh có đục một lỗ thông hơi, trên thành đục một cửa sổ nhỏ dùng để đưa cơm, nước vào cho người tù.

+ Dãy nhà bếp và nhà ăn: nằm bên phải của cổng vào, có 04 nhà [loại nhà tiền chế, sườn là khung thép lắp sẵn, vách, mái, cửa sổ đều bằng tôn thiếc], bên trong cũng có mô hình tù binh đang nấu ăn.

+ Dãy nhà dùng làm nơi ở, giam giữ và tra tấn tù binh: được đánh số từ 1 đến 18 theo thứ tự từ phải sang trái, là loại nhà tiền chế giống nhà bếp, bên trong mỗi nhà có 02 dãy sàn lát ván gỗ làm chỗ nằm nghỉ cho tù binh. Sau khi phục dựng, bên trong có mô hình tù binh, tái hiện các nội dung: phòng 1, cuộc đấu tranh chống địch đàn áp tù binh vào ban đêm; phòng 2, cuộc sống và sinh hoạt của tù binh vào những lúc địch không tổ chức đàn áp, khủng bố; phòng 3, cuộc đấu tranh biểu tình của tù binh phản đối địch; phòng 4, cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù binh; phòng 6, cuộc đấu tranh của tù binh và sự đàn áp đẫm máu của địch ở Phân khu B8; phòng 13, 15, 16, một số hình thức tra tấn tù binh điển hình của địch ở trại giam; các phòng 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 18, cảnh tù binh bị giam giữ; phòng 14, đường hầm của tù binh đào để vượt ngục [đoạn hầm dài khoảng 25m, đường kính khoảng 50 cm]; phòng 17, cảnh tù binh đào hầm và vượt ngục.

+ Phòng biệt giam B2: diện tích 9 x 3m, vách được dựng bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, dưới mái gần đỉnh đầu là lưới rào dây kẽm gai sắc nhọn, nền đất tráng xi măng. Phòng biệt giam tái hiện cảnh tượng địch tra tấn tù binh bằng chày vồ, bằng giày đinh, cho tù binh “đi tàu bay”, bị chôn sống…

+ Dãy nhà vệ sinh: nằm phía sau phòng giam 14 và 16, giáp với hàng rào phía sau khu trại giam. Ở các dãy nhà vệ sinh đều có mô hình mô phỏng cảnh địch bắt tù binh dọn dẹp, khiêng thùng phân đi đổ…

- Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim: diện tích 12.420,5m2, giáp với đất của dân và tỉnh lộ 47, được xây bằng bê tông cốt thép. Đài tưởng niệm được thiết kế với hai bên là biểu tượng hình ngọn sóng được sơn màu xanh da trời, cao khoảng 5m và chính giữa là hình khối nhọn, được khoét rỗng khoảng 2m tạo biểu tượng hình người mang ý nghĩa “những con người ra đi từ nơi ấy”.

- Cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh: sau giải phóng năm 1975, cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh được di dời vào trong, cách địa điểm cũ 15m. Cổng được làm lại bằng lõi trụ sắt và gạch chỉ đặc, tạo thành 02 trụ vuông hai bên, cao 4,1m, rộng 0,85m. Khoảng cách giữa 02 trụ cổng là 5,9m. Bao quanh cổng là tường rào cao 0,8m. Sát với trụ cổng bên trái [hướng từ ngoài vào] là bảng trích giới thiệu sơ lược về Tiểu đoàn 7 quân cảnh.

- Cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam: hiện nay ở điểm này chỉ còn lại cổng và 04 nhà mới được phục dựng lại trên nền cũ, có diện tích 20m x 5,68m đều được phục dựng bằng bê tông cốt thép, tường gạch, nền tráng xi măng, mái lợp tôn, cửa ra vào và cửa sổ làm bằng gỗ. Cổng mới tôn tạo lại được di dời vào bên trong cách vị trí cũ 21,5m, được làm bằng trụ sắt và đổ bê tông. Cánh cửa cổng chính làm bằng các thanh sắt ấp chiến lược và dây kẽm gai. Bao quanh cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam là tường rào. Mặt tường rào phía trước - giáp tỉnh lộ 47, làm bằng dây kẽm gai, còn các mặt tường khác xây bằng bê tông.

Hiện nay, hang năm di tích Trại giam Phú Quốc đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước [trong đó có nhiều cựu tù binh là chứng nhân sống về lịch sử di tích], góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc [huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang] đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt [theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ]./.

Khắc Đoài [Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa]

Nhà tù Phú Quốc [Kiên Giang] là di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng năm 1993. Từ một nhà tù với quy mô gần 500 nhà giam, đến nay chỉ còn lại 4 nhà nguyên gốc cùng một số cổng chào, bộ khung cửa nhà thờ và các nền đá… Nhiều khách tham quan đã đến thăm khu di tích lịch sử này – nơi một thời từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

Nhà tù Phú Quốc thời thực dân Pháp:

Tháng 9/1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Phú Quốc. Địch chọn Phú Quốc để lập nhà tù lớn nhất Đông Nam Á, giam cầm các chiến sĩ cách mạng, vì hòn đảo này có vị trí quân sự chiến lược, xa đất liền, xa các cơ quan báo chí ngôn luận để chúng dễ bề đàn áp tù nhân. Giữa năm 1953, Pháp dùng doanh trại của đám tàn quân Quốc Dân đảng để xây dựng nhà tù, gọi là Căng Cây Dừa. Nhà tù có diện tích khoảng 40 ha, hình chữ nhật, chia làm bốn trại A, B, C, D. Toàn Căng có hàng rào thép gai dày bao quanh, phía trên mắc dây điện trần và đèn bảo vệ. Chòi canh thường xuyên có lính gác. Mỗi cổng lại có một tiểu đội lính tuần tiễu được trang bị tiểu liên và súng trường. Vành ngoài có công sự chiến đấu. Số lượng tù binh thời kỳ này có khoảng 6.000 người. Đến tháng 4/1954 thì có khoảng 14 nghìn tù nhân đều là nam giới.
Chi bộ trong Nhà lao Cây Dừa đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh, viết nội san bí mật, tổ chức nhiều cuộc vượt ngục thành công. Chỉ tính từ tháng 7/1953 - 9/1953 đã có 5 cuộc vượt ngục lớn. Hiệp định Giơnevơ được ký kết [7/1954] Pháp trao trả cho ta số tù binh ở Nhà tù Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc thời Mỹ_Ngụy:

Cuối năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn lập lại Nhà lao Cây Dừa mà chúng gọi là Trại Huấn chính Cây Dừa. Trại chiếm diện tích khoảng hơn 20.000 m2. Xung quanh có ba lớp rào dây kẽm gai cao 2,6m. Ngoài ra có 14 tháp canh. Nhà tù Phú Quốc trong thời kỳ này cũng có tổ chức Đảng hoạt động bí mật và lãnh đạo anh em tù đấu tranh. Ta còn bắt mối được ba nội tuyến nằm sâu trong hàng ngũ địch, nhờ đó mà ta có thể thường xuyên đưa thuốc men, tin tức vào trong tù. Từ năm 1957 địch đưa tù chính trị ra Côn Đảo, còn Phú Quốc chỉ giam giữ tù binh. Sau Đồng khởi 1960, mức độ chiến tranh ngày càng ác liệt, Nhà lao Cây Dừa được Mỹ-ngụy chuyển đến xây dựng tại thung lũng An Thới kéo dài 5 cây số.

Khung cảnh trại giam
Mới đầu trại có 6 khu. Sau Mậu Thân 1968, địch mở rộng đến 11 khu, nhưng khu thứ 11 chưa kịp sử dụng. Mỗi khu trại giam lại chia làm 4 phân khu A, B, C, D, mỗi phân khu có từ 9 đến 18 nhà giam, mỗi nhà dài 20m, rộng 5m giam giữ từ 80 đến 120 người. Tổng số có đến 400 nhà, vách dựng bằng tôn thiếc, mái lợp thiếc, cửa cũng bằng tôn thiếc. Trưa nắng nhìn cả trại giam chói rực lên nhức mắt. Hầu hết nền nhà đều bằng đất nhưng sau những vụ đào hầm trốn tù, địch trám xi măng. Từng phân khu có hàng rào kẽm gai bao quanh, chỗ dày có thể từ 10-15 lớp rào, chỗ mỏng cũng 5 -7 lớp rào. Những bãi mìn dày đặc xung quanh nhà tù. Bao quanh nhà tù là một vành đai trắng, rộng hàng cây số, không một bóng nhà dân. Ban đêm trong những lớp rào có thả chó và ngỗng mai phục người tù trốn trại và đèn điện sáng trưng như ban ngày.

Bộ máy đàn áp
Nhà tù chia làm năm ban: Ban điều hành, Ban giám thị, Ban an ninh, Ban chiến tranh chính trị, Ban quân y. Chỉ huy trại giam là cố vấn người Mỹ, với 4 tiểu đoàn quân cảnh. Ngoài ra còn có một trung đội quân khuyển toàn là chó becgiê giống Anh. Riêng lực lượng hải quân tương đương một sư đoàn giăng kín ngoài biển… Tỷ lệ cứ 2 người tù có 1 người lính trông coi. Giám thị điểm danh cả ngày lẫn đêm liên tục để chống tù vượt ngục. Có một tốp trực thăng chiến đấu cũng thay nhau ngày đêm quần đảo trên bầu trời Phú Quốc tạo nên cảm giác ảm đạm ngột ngạt cho tù nhân. Bộ máy đàn áp nhà tù lên tới 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân.

Thành phần tù binh Phú Quốc
Những người bị địch bắt đưa về nhà tù này gồm đủ các miền: Bắc, Trung, Nam. Số tù tăng lên nhiều từ năm 1968, cao nhất vào khoảng 40.000 người, tù nhân được chở từ đất liền ra bằng máy bay. Có người bị bắt khi địch đi càn, bị móc hầm bí mật, bị phục kích, chiến đấu bị thương rồi bị bắt. Một số tù là cán bộ dân chính đảng, là họa sĩ, nhạc sĩ, nhà báo…

Tình trạng ăn ở của tù binh
Nhà biệt giam không có giường sạp gì, một nhà giam 120 người chen chúc sống; không được đi cầu tiêu, chỉ có 2 cái thùng đựng phân trong nhà. Thân thể tù binh cả mấy tháng trời cũng không được tắm rửa lại phải nằm xếp lớp như lớp cá cạnh nhau. Vậy mà phải quen mùi cơm hôi, cá thối, rệp dưới lưng, quen luôn cả mùi phân ở thùng phuy đặt ở đầu nhà. Đêm nằm, dòi bọ từ đó túa ra chui cả vào miệng. Hàng ngày tù binh có lính áp giải vào rừng lấy củi, mây, gỗ hoặc đào công sự, hoặc làm đủ thứ việc nặng nhọc, làm tạp dịch phục vụ cho vợ con lính, người tù phải tự nấu cơm ăn, mỗi phân khu có một bếp ăn. Bữa ăn mỗi người chỉ được hai chén cơm hẩm với mấy miếng cá khô mà anh em tù gọi là cá long hội [nói lái là cá lôi họng] và một ít canh dưa leo. Còn ở khu biệt giam cấm cố thì lại càng tồi tệ, kẻ thù dùng cả bữa ăn để hành hạ tù binh, nước mỗi ngày cũng chỉ được mỗi người một ca vừa uống vừa để rửa. Quần áo thì chúng phát cho loại vải dày, nâu xẫm hoặc là những bộ quần áo cũ của lính Pháp, quần cộc. Trên lưng áo tù đều có đóng dấu hai chữ tù binh [T.B].

Những thủ đoạn hành hạ, tra tấn, giết hại tù binh
Ngay từ khi bước chân vào trong tù, tất cả mọi người bị địch bắt đều bị đánh phủ đầu để lấy cung, để uy hiếp nhằm làm nhụt tinh thần. Sự hành hạ, tra tấn, giết hại tù binh ở Nhà tù Phú Quốc ngày càng khắc nghiệt. Người tù bị phạt phơi nắng trên những dàn thiếc nóng như rang ngoài trời, da thịt ở bụng, ở ngực phỏng rộp lên, nhiều chỗ da non bị cháy xém, người yếu sức thường là ngất xỉu. Nếu cựa quậy chúng phang thẳng cánh dùi cui vào đầu hoặc sẵn sàng bắn bỏ. Người tù bị còn bị phạt leo cây nhum đầy gai nhọn, chúng bắt người tù leo lên ngọn rồi tụt xuống, không leo chúng đánh. Chỉ cần vài ba cái nhoài người là đùi, ngực, tay, chân bị nhòe máu. Phạt bắt ăn cơm trộn cát với nước tiểu: không ăn chúng đánh, đang ăn ói ra chúng cũng đánh và bắt hốt hết lên ăn nữa. Địch còn dùng gậy đập nát các đầu ngón chân, ngón tay, có thằng ác ôn còn bẻ răng tù binh làm bộ sưu tập răng để chơi. Rồi còn dùng dao rạch dương vật người tù cho đỉa trâu vào đó rồi khâu lại. Độc ác hơn nữa là phạt giam vào chuồng cọp. Chuồng cọp là một cái lồng bằng kẽm gai, cao 1m, dài 2m. Vào chuồng cọp thì không nằm, không đứng, cũng không bệt đít xuống được, nếu mỏi quá chỉ cần thay đổi động tác chút xíu là các cọc nhọn sắc cứa nát da thịt ngay. Nóng chúng cho kê lò than gần kề, lạnh chúng hắt thêm nước vô. Đêm đến chúng thường lôi người ra đánh, tiếng la rú, tiếng hét thật hãi hùng. Có người đang đêm cũng bị gọi đi tra tấn, bị đóng đinh vào mắt cá chân, vào đầu gối, thậm chí vào đầu. Rất nhiều bộ hài cốt còn cả những cái đinh 10 phân đóng vào xương chân, xương đầu gối, xương sọ. Những vật chứng này hiện còn bảo quản tại Nhà trưng bày của di tích Nhà tù Phú Quốc. Còn rất nhiều hình thức khác hành hạ, tra tấn tù binh dã man không khác gì hình phạt thời trung cổ.

Tổ chức và lãnh đạo đấu tranh của Đảng trong nhà tù
Các Chi bộ do tù binh tự thành lập theo kiểu du kích. Thường anh em dựa vào sự đã quen biết nhau từ trước, ở cùng quê hoặc cùng đơn vị để xác lập lòng tin, biết nhau là đảng viên rồi mới rỉ tai nhau lập một tổ, đủ 3 đảng viên thì nâng thành Chi bộ hoạt động phải rất bí mật và khôn khéo. Trong một nhà giam có thể có nhiều Chi bộ nhưng Chi bộ nào chỉ có thể biết đảng viên trong Chi bộ đó. Lúc đảng viên họp thực ra là ngồi tụm nhau ở một góc nhà giả đánh cờ hay đi ra ngoài hàng rào giả vờ đi tiểu để hội ý chớp nhoáng. Chỉ có Bí thư Chi bộ mới biết ai là Bí thư Đảng ủy. Người Bí thư Đảng ủy thường không để lộ diện trong các cuộc đấu tranh hay sự kiện nào. Khi kẻ thù phát hiện ra một chút manh mối nào là diệt ngay người đứng đầu, lôi đi tra tấn, truy tìm tổ chức của ta.

Đại bộ phận tù binh bị đẩy vào Nhà lao Phú Quốc vẫn giữ trọn lời thề danh dự thứ ba “Nếu bị địch bắt, dù trong trường hợp nào cũng giữ vững khí tiết là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam … quyết không cung khai phản bội”. Những cuộc đấu tranh và bị đàn áp đẫm máu ở nhà tù xảy ra thường xuyên. Chẳng hạn vào năm 1965, lần ấy chúng bắt anh em tập hợp chào cờ Ngụy và hô đả đảo cộng sản. Anh em không chịu hô thế là chúng dùng dùi cui, báng súng đánh tới tấp, anh em đánh trả lại, chúng xả súng giết chết 78 người. Đầu tháng 9/1969 ở khu A4 biết được tin Bác Hồ mất, sáng hôm sau ngay trước cửa trại xuất hiện một băng vải đen rộng 10cm dài 200 cm viết chữ trắng “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Bọn giám thị bị bất ngờ nhưng chúng cũng chỉ dám lẳng lặng gỡ xuống rồi lặng lẽ đem đi chứ không gầm gào như mọi khi. Ít ngày sau bên khu sĩ quan ném đá sang báo tin, anh em bên ấy đã chích máu vẽ Bác Hồ ngay trên tường thiếc. Sau đó bọn giám thị bắt tù cạo rửa, tưới nước thế nào cũng không sạch, làm cách nào thì đôi mắt và hàm râu Bác vẫn hiện ra.

Vượt ngụcNhiều anh em lúc mới bước chân vào nhà tù đã nung nấu ý định trốn tù. Có những vụ từ trong tự thoát ra. Có những vụ được lực lượng vũ trang bên ngoài hỗ trợ. Các vụ vượt ngục ở Nhà tù Phú Quốc có ba dạng trốn là: Vượt rào, đánh lính khi áp giải để chạy trốn, đào hầm thoát ra ngoài. Dụng cụ đào hầm tự chế bằng nắp cà mèn, cán muỗng. Cách đào phân công ba người một ca không mặc quần áo và đào vào ban đêm. Việc đào hầm không khó, khó nhất là làm sao giữ được bí mật. Vì vậy các đồng chí lên đầy đủ kế hoạch như lượng đất phải ép vào hai bên thành của hầm hoặc lợi dụng trời mưa đem đi đổ để xóa dấu vết, quan sát nếu có chỉ điểm thì trừ khử ngay.

Theo tổng kết có 42 vụ vượt ngục, trong đó có 16 vụ vượt rào, 15 lần đi riêng lẻ, 7 cuộc đánh quân cảnh, 4 lần đào hầm. Hơn 400 người ra đi nhưng chỉ có 239 người về được căn cứ kháng chiến .

Nghĩa địa nhà tù
Nghĩa địa nhà tù đặt ở sườn đồi thấp giáp nhà thờ. Năm 1985, chúng ta đưa được 835 bộ hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ. Khi tìm hài cốt đã thu lượm được nhiều chiếc đinh mười phân còn đóng dính vào xương mu bàn chân, đầu gối và đỉnh đầu. Nghĩa địa này có lúc địch cho xe ủi san lấp đất lên rồi chôn tiếp tù binh lên lớp chết trước. Ngoài ra, kẻ thù còn mang tù binh ra thủ tiêu ngoài biển. Có không dưới 4.000 tù binh bị giết chết tại đây.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nhà tù Phú Quốc bị giải tán. Tù binh được trao trả. Những câu chuyện khủng khiếp về một “địa ngục trần gian” giữa biển khơi vẫn còn trong ký ức không thể nào quên và những gì diễn ra với số phận của hơn 40.000 tù binh nơi đây là không thể kể xiết. Một khúc bi tráng về tù binh Nhà tù Phú Quốc ghi vào lịch sử. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích này là việc làm rất cần thiết và quan trọng.

Video liên quan

Chủ Đề