Văn nghị luận xã hội đừng đánh giá người khác năm 2024

Có một câu nói rất hay mà tôi nghĩ bất kỳ ai cũng đã từng được nghe qua: “Don’t judge a book by its cover” – “ Đừng bao giờ đánh giá quyển sách qua vẻ ngoài của nó”. Đây là câu nói nổi tiếng và được lưu truyền rất rộng hiện nay, tất cả mọi người đều hiểu ý nghĩa của nó nhưng điều đáng nói là không một ai lại có thể làm được điều đó. Trên đời này có nhiều người lạ lắm, họ đánh giá người khác chỉ thông qua một ánh mắt đầu tiên sau đó liền nhãn dán cho người kia đủ loại danh hiệu rồi đi truyền bá khắp nơi mà không cần biết những điều mình nói hay nghĩ có đúng sự thật hay không. Người ngoài không biết có lẽ đều tưởng rằng họ là những người cực kì thân thiết với người kia mà không nghĩ rằng họ thậm chí còn không hiểu chút gì về nội tình của người bị hại.

Việc đánh giá người khác thông qua ngoại hình kỳ thật là một hiện tượng rất phổ biến hiện nay. Điều này đương nhiên không sai vì con người bản thân đều là người yêu thích cái đẹp. Thậm chí ngay cả thời xưa, trong các kỳ thi khoa cử cũng đã có nhiều triều đại ra quy định thí sinh tham gia không được có vết sẹo hoặc thương tích trên mặt, nếu có sẽ không được làm quan. Ở hiện đại, khi đứng giữa đám đông xa lạ. mọi người thường có xu hướng giao tiếp, nói chuyện, tiếp cận và tìm hiểu những người có vẻ ngoài tốt hoặc ít nhất bộ dáng bên ngoài cần phải sạch sẽ, không lôi thôi. Đây kỳ thật chỉ là một hành vi theo bản năng của con người vì chẳng có ai mà lại thích một người có bên ngoài lôi thôi, lếch thêch hết. Tuy nhiên, điều sai ở đây là nhiều người đã coi đây ngoại hình là một tiêu chuẩn để đánh giá người khác là tốt hay xấu. Khu chung cư tôi từng sống trước kia có một người phụ nữ rất xinh đẹp chuyển đến cùng tầng với tôi. Cô có một hình xăm rất đẹp hình hoa hồng kéo dài từ cổ tay cho đến hết cánh tay. Trong hôm chuyển đến, chỉ thấy có bóng dáng của cô mà không thấy chồng đâu cả. Những ngày sau đó, mọi người cũng rất ít thấy cô ra khỏi nhà mà mỗi lần ra, cô đều sẽ mua rất nhiều đồ về nhà. Thế là chi trong chưa đến một tuần, cả toàn chung cư liền bay đầy những câu chuyện của người phụ nữ mới chuyển tới này. Nào là chồng mất rồi tinh thần thất thường không thể ra khỏi nhà thường xuyên hoặc là cô là người thứ ba chen chân cuộc sống người khác nên bây giờ phải đi lảnh trốn, hoặc là cô trước kia từng là côn đồ nên mới có hình xăm trên tay cùng với hàng tỉ các câu chuyện khác nhau. Những mỗi lần tôi hỏi mọi người nghe được câu chuyện này ở đâu hay đã xác thực nó chưa thì chỉ nhận được những câu nói bâng quơ như: “Cô ấy đẹp vậy thì chắc chắn là người đi phá hoại tình cảm người khác rồi” hay “Con gái mà có hình xăm như vậy thì không phỉa dạng vừa đâu”. Mãi đến hai tuần sau đó, chồng cô trở về, mọi người mới biết hóa ra cô chỉ là một người bình thường như bao người khác. Hôm chuyển nhà không thấy anh chồng là vì anh ta đang bận đi công tác, còn cô lâu lâu mới ra khỏi nhà là vì cô là một họa sĩ, hiện đang hợp tác làm một dự án nên thường dành thời gian để suy nghĩ về tác phẩm trong nhà. Về phần hình xăm của mình, đó chỉ là vì sở thích nên cô mới xăm chứ không có lý do gì đặc biệt cả. Thế là mọi người lại ngay lập tức thay đổi, bắt đầu những lời khen có cánh nào là vợ chồng đẹp đôi, rất hợp với nhau hay như phụ nữ làm nghệ thuật quả là khí chất hơn người. Nhưng, trong hơn một trăm lời khen ngợi ấy, tôi lại không nhận thấy được một lời xin lỗi vì những tin đồn vô căn cứ mà họ tạo ra. Sau này ra đời, tôi mới biết điều này không hiếm trong xã hội. Nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp ăn mặc hơi chút hở hang liền nhận định họ là người không đứng đắn, con gái hay trai xăm hình thì là người bặm trợn, giang hồ; đàn ông lớn lên cao to, có nhiều cơ bắp thì lại sợ anh ta có khuynh hướng bạo lực gia đình.

Có thể thấy, việc dùng bề ngoài đánh giá người khác đã dần trở thành một phần bản năng mà bất kì ai trong chúng ta đều không thể tránh khỏi. Đương nhiên, tôi không có quyền nói việc bạn có những suy nghĩ đánh giá về người khác như vậy là sai vì bản thân tôi cũng thường làm điều này. Tuy nhiên, dù chúng ta không thể điều khiển suy nghĩ của bản thân về người khác nhưng điều tối kị là ta không nên sau khi đánh giá ột người xong liền quay qua thêu dệt câu chuyện về bản thân họ chỉ để chứng minh cho những suy nghĩ của bản thân là đúng dù chưa hiểu hết câu chuyện của họ. Cần phải biết, chúng ta thường có một thói quen rất xấu gọi là “Vào trước làm chủ”, cũng vì thể, khi ta đã nhận định một điều gì rồi, nó rất khó để sửa đổi. Khi bạn thêu dệt câu chuyện xấu về một ai đó và kể cho những người thân thiết của mình nghe, họ cũng sẽ ngay lập tức có suy nghĩ rằng người kia là một người không tốt. Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến người mà bạn đang kể ra những câu chuyện tường tượng kia. Vì vậy, trước khi mang đánh giá của bản thân về người khác đi nói cho ai đó, tôi mong rằng bạn ít nhất hiểu được cách làm người của người kia chứ không phải tạo ra một câu chuyện tưởng tượng mà mãi không bao giờ đi xác thực.

Vậy chúng ta cần làm gì để hạn chế thói quen xấu này? Đầu tiên, ta cần luôn tỉnh táo trước khi đánh giá bất cứ một việc nào. Ngày nay, cùng với sự phát triển của internet, rất dễ để chúng ta phát biểu ý kiến của bản thân đối với bất kì ai, với bất kì vấn đề nào. Tuy nhiên, mạng Internet cũng là nơi thường xuyên xuất hiện những thông tin không bị kiểm soát. Mọi người thường không biết chính xác được những thông tin được đăng trên mạng xã hội có thật hay không nhưng họ luôn lên tiếng mặc kệ thật giả. Đã có rất nhiều các bài báo viết về những vụ tấn công bạo lực mạng. Điều này xảy ra vì chúng ta thường xuyên chỉ nhìn mặt ngoài của câu truyện rồi lên tiếng phán xét mà không quan tâm tới nội tình thực hư. Họ lấy danh sứ giả chính nghĩa và đi chỉ trích những người mà họ cho rằng đã làm sai trên mạng xã hội. Họ sẵn sàng buông ra những lời trách mắng khó nghe đối với những người mà bản thân không quen, không biết chỉ để đổi lấy cảm giác ưu việt hơn mọi người mà không biết rằng những lời nói này có thể gây ra tổn thương bao lớn cho người bị hại. Vì vậy, trước khi buông ra những lời trách mắng với ai đó trên mạng xã hội, cần phải xác nhận rõ điều đó có thật hay không, hãy để cho bản thân một khoảng thời gian để bình tĩnh trong khi chờ đợi thông tin xác thật.

Bên cạnh đó, thay vì dành thời gian quá nhiều để đi soi mói những khuyết điểm của người khác, bạn hãy để thời gian hơn dành cho bản thân. Như tôi đã nói, việc đánh giá ngoại hình là bản năng của con người nên rất khó để loại bỏ hoàn toàn nó. Tuy nhiên, vẻ đẹp bề ngoài có chỉ có thể khiến bạn được chú ý trong chốc lát nhưng một người với ngoại hình bình thường lại có những tài năng nhất định trong một lĩnh vực nào đó mới là yếu tố khiến mọi người tìm hiểu bạn sâu hơn. Cũng có thể nói, mọi người có xu hướng coi trọng tài năng hơn là nhan sắc vì vậy, việc tăng lên bản thân có thể giúp thay đổi suy nghĩ của mọi người về bạn rất nhiều. Cho một ví dụ, nếu bạn chì là một người xinh đẹp nhưng lại không giỏi bất cứ thứ gì, bạn sẽ trở thành một bình hoa đi động, đẹp đấy nhưng chỉ để ngắm chứ không thể thân cận được. Hơn nữa, theo thời gian trôi đi, bạn có thể trở nên lỗi thời, hoặc bị phai màu và dễ dàng bị thay thế bởi hàng trăm, hàng ngàn những bình hoa xinh đẹp khác. Nhưng một người có tài năng thì khác, khi nhắc đến bạn, điều đầu tiên họ nghĩ đến chính là những cống hiến trong cuộc sống của bạn mà không phỉa chỉ có một câu đơn giản như: “Anh ấy/ Cô ấy là một người xinh đẹp”.

Cuộc sống này rất khó khăn, ai cũng có những nỗi khổ riêng cho mình nên tôi mong rằng, mỗi một người trong chúng ta hãy trở nên khoan dung hơn, đừng vội có những suy nghĩ xấu về người khác chỉ vì vẻ bề ngoài của họ, hãy dánh thời gian để tìm hiểu họ kỹ hơn trước khi buông lời độc ác.

Tác Giả: Oanh Nguyễn

----

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.