Văn miếu quốc tử giám hiện nay còn bao nhiêu bia tiến sĩ?

Phóng to
Bia tiến sĩ - Ảnh tư liệu

Sau mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ 2 của Việt Nam được đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới [Memory of the World] của UNESCO. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa với thủ đô trước thềm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Pho “sử đá” đồ sộ

Bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn [bài ký] bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442-1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.

Có thể tìm thấy ở đây tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc nhiều trong các sách sử Việt Nam như nhà sử học Ngô Sĩ Liên - tiến sĩ năm 1442 đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ tiến sĩ khoa 1775 đã giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử…

Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.

Ngay ở tấm bia đầu tiên [khoa 1442] đã chỉ rõ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”. Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý “nhân tài là nguyên khí quốc gia”; bia các năm 1556, 1604, 1703, 1763, 1772 nhấn thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”.

Từ những tấm bia tiến sĩ, người đời sau lĩnh hội được nguồn tư liệu có giá trị để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các sứ thần Việt Nam, cùng mối quan hệ bang giao giữa các nước vùng Đông Bắc Á. Trong số 1.304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh [1368-1644], triều Thanh [1644-1911].

Mặt khác, trong các nước có ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam thì chỉ có Việt Nam có bia tiến sĩ mang nội dung phản ánh tư tưởng chính trị, triết học, giáo dục khoa cử của triều đại, nhờ đó có thể nghiên cứu sự phát triển, thay đổi của Nho giáo trong việc quản lý đất nước của các triều đại ở khu vực thông qua bài văn khắc trên bia.

Xứng tầm di sản thế giới

Giá trị và nét độc đáo của 82 bia tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới nhiều nước dựng bia, nhưng chỉ duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Những bài ký trên bia tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp.

Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản là những tác phẩm vô giá, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam. Có thể kể đến bài ký đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất [1442] do Thân Nhân Trung [từng giữ chức thượng thư bộ lại, Đông các đại học sĩ kiêm tế tửu Quốc Thử Giám] soạn.

Trong đó có đoạn “Kính nghĩ: việc dựng bia đá là cốt để làm cho thịnh ý mưu trị cầu hiền của các bậc thánh đế thần tông được lưu truyền mãi mãi. Đó chính là phép lớn để rèn giũa người đời và là điều rất may cho Nho học”. Đoạn khác lại nêu luận điểm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, rồi lại đặt câu hỏi “ Kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, danh phận thật là nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế thì người mang danh kẻ sĩ phải trọng thân mình mà lo báo đáp, đáng phải như thế nào?”.

Mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết tinh trí tuệ, bàn tay của những nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam các thời kỳ và là loại hình văn bản đặc biệt của di sản tư liệu, làm phong phú thêm cho thể loại của ký ức thế giới. Tất cả 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia dẹp, trán cong, hình vòm.

Các tấm bia được đặt trên lưng rùa, rùa cũng được tạo dáng theo một phong cách chung: to, đậm và chắc khỏe. Trang trí trên bia rất đa dạng, phản ánh sự phát triển hình tượng nghệ thuật theo thời gian, nhờ đó hiểu được lịch sử phát triển mỹ thuật của Việt Nam từ thế kỷ 15-18. Đây được coi là những bằng chứng sống động của trí tuệ và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Việt Nam .

Cho đến nay bia tiến sĩ Văn Miếu vẫn là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi được dựng; phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, có khả năng đọc được. Các bài văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu - những tiêu chí quan trọng mà chương trình Ký ức thế giới đặt ra.

Ngày nay bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước. Hằng ngày có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về chế độ tuyển chọn và đào tạo nhân tài, sử dụng hiền tài, quan điểm về giáo dục của người Việt Nam xưa. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách quan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia đá.

TTXVN

[PLO] – “Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đổ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước…”

[PLO] – ““Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đổ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước…”

Theo trang disanthegioi.info, 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc [1442-1779] tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội gồm: 13 bia khắc các khoa tiến sĩ triều đại nhà Lê sơ, 1 bia khắc khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Mạc, 68 bia khắc các khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Lê trung hưng; được dựng từ năm 1484 đến năm 1780 khắc các bài văn bia đề danh cùng thứ bậc và quê quán của 1304 vị tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê trung hưng [1442-1779].

Những hàng bia đá trường tồn mãi với thời gian

Trong đó, bảy tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đã được vua Lê Thánh Tông cho dựng vào năm 1484 với mục đích đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa. 7 tấm bia này đề danh tiến sĩ khoa thi các năm 1442, 1448, 1463, 1466, 1475, 1478 và 1481 thời Lê Sơ.

Giá trị và nét độc đáo của 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc [1442-1779] tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới có rất nhiều nước dựng bia, nhưng chỉ duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài.

Ngoài bài văn khắc trên bia đá của khoa thi đầu tiên năm 1442 vốn được trích nhắc thường xuyên cho đến ngày nay: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí hưng thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc Đế vương Thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”, hiện nay, các bài văn khắc trên bia đá khác cũng đã được dịch và trích dẫn cho du khách dễ hiểu.

PLO giới thiệu đến bạn đọc đoạn trích đặc sắc nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và khuyến khích kẻ sĩ trên một số bia Tiến sĩ tại đây. Những lời răn dạy của người xưa vẫn còn nguyên giá trị đến thời nay.

“Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đổ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục”.

[Trích văn bia khoa thi 1478]

“Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, dồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hỗ thẹn với các bậc tu thân toàn mỹ đời trước. Thảng hoặc có kẻ ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng mà lông diều hâu, làm kẻ gian tà hèn nhát, làm kẻ tầm thường a dua nịnh hót không biết hổ thẹn bởi sự chỉ trích chê bai của người đời sau".

Vậy tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả ngàn năm, công luận phải trái vẫn còn đó, há chẳng đáng sợ lắm thay”.

[Trích văn bia khoa thi 1554]

“Một khi đã khắc tên lên tấm đá này người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: người này được, người kia hỏng; người này hay, người kia dở; nhờ đó mà kẻ thiện biêt tự khuyến khích, kẻ sác biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó”.

[Trích văn bia khoa thi năm 1583]

“Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, mà nhân tài thì phải tiến thân do con đường khoa mục”

[Trích văn bia khoa thi năm 1662]

“Kẻ sĩ ở đời này, thấm nhuần ơn huệ, mang đội nhân sâu, vậy báo đáp phải nên thế nào? Ắt phải có chí khí tiết tháo ngọc vàng, tấm lòng trung trinh sắt đá, phải luôn trau chuốt cho trong sạch sáng quang, rèn giữa tiết hạnh, thề giữ đức trong trắng tứ tri, theo đúng đạo thận cần tam pháp, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa phò tá chinh sự, làm đá tảng cột trụ ở chốn miếu đường, đưa quốc gia đến chỗ vững yên, như Thái Sơn bàn thạch, ngõ hầu không phục với sở học, không thẹn với khoa danh, mà họ tên khắc trên đá cứng có thể trường tồn không nát vậy”.

[Trích văn bia khoa thi 1733]

“Kẻ sĩ được ghi tên vào tấm đá này, ắt nên giữ lòng trong sạch, tiết tháo kiên trinh, giúp đời hành đạo, giúp vua ban ơn cho dân, ngõ hầu công danh sự nghiệp được khắc vào chuông đỉnh, thêu lên cờ hiệu, cùng với tấm đá này soi tỏ mới không hổ thẹn với khoa danh. Thảng hoặc có kẻ quỳ gối uốn mình, tô vẽ giả dối, ngọc vết khó giấu, đá vết khó mài, công luận ngàn năm, há chẳng đáng sợ sao! Thế thì dựng bia đá này chẳng phải riêng để bồi đắp Nho phong mà còn để giồi mài sĩ khí, việc đó có quan hệ đến thanh danh giáo hóa thật lớn vậy”.

[Trích văn bia khoa thi năm 1748]

“Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền trí trị được bền vững lâu dài. Cho nên nuôi dưỡng người tài năng ở trường học, dung khoa mục để tuyển chọn, là để cho họ làm rạng rỡ pháp độ của vua, làm mưu lược của vua được tốt đẹp, há chỉ cốt làm vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi đâu! Lớn có thể làm rường cột, nhỏ có thể làm rui mè. Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà”

[Trích văn bia khoa thi năm 1772

TRÍ NHIÊN

Video liên quan

Chủ Đề