Văn học kỳ lạ thế nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau

Đăng ngày: 22/03/2021 - 15:11

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Expolangues, Paris, Pháp, ngày 07/02/2008. © RFI/Tiếng Việt

Để tưởng nhớ tác giả của Tướng Về Hưu vừa từ trần ngày 20/03/2021 tại Hà Nội, RFI phát lại một phần cuộc nói chuyện của Nguyễn Huy Thiệp dành cho nhà báo Bảo Thạch qua hai chương trình đã được phát vào ngày 28/01/2008 và 02/02/2008 nhân dịp ông vừa nhận giải thưởng Văn Học Ý Nonino.

Cuối tháng Giêng 2008 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ Việt Nam sang Ý nhận giải thưởng văn học Nonino Risit d'Aur Prize. Đó cũng là thời điểm ông cho ra mắt độc giả Paris tập truyện Chú Hoạt tôi được dịch ra tiếng Pháp, rồi một tác phẩm khác của ông được dịch sang tiếng Ý.  Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dành cho RFI tiếng Việt hai buổi nói chuyện. Dưới đây là một phần nội dung cuộc trao đổi giữa nhà báo Bảo Thạch với tác giả của rất nhiều truyện ngắn, của những tiểu thuyết như Tuổi 20 Yêu Dấu, Gạ Tình Lấy Điểm hay Tiểu Long Nữ.

Trước hết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu qua về giải thưởng Nonino của văn đàn Ý mà ông được trao tặng năm 2008. Chủ tịch ban giám khảo năm đó là giải Nobel Văn Học Vidia Naipaul và thành phần ban giáo khảo gồm với những tên tuổi lớn trên văn đàn quốc tế.

Nguyễn Huy Thiệp : Ở Ý hàng năm có 1.500 giải thưởng khác nhau, nhưng Nonino là giải rất có uy tín. Tiếp xúc với các tác giả danh tiếng tại châu Âu tôi đã nhận ra được rất nhiều điều. Chúng tôi luôn luôn thống nhất và gặp gỡ nhau ở những điểm rất chung về văn học, về những suy nghĩ về văn học. Trong thâm tâm, tôi rất mừng rỡ vì cảm thấy mình đã chọn con đường đi đúng đắn. Không có gì phải mặc cảm. Không có gì phải lo ngại nếu như cứ tiếp tục con đường văn học với những tinh thần nhân đạo hay với những tư tưởng mà mình đã xác định ngay từ đầu. Văn học là một sự chiêm nghiệm nỗi đau khổ của con người và nó đi tìm những tư tưởng nhân đạo, những tinh thần nhân đạo. Đó là cái chức năng duy nhất của văn học chứ nó không phải là những thứ khác […] Đó là một khía cạnh và là khía cạnh cơ bản nhất. Chính trải qua những sự chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người đấy, nó tìm đến cái tư tưởng, đến tinh thần nhân đạo, nó khiến con người trở nên con người hơn. Tức là sống với nhau một cách tử tế hơn, lương thiện hơn, văn hóa hơn. Và tôi nghĩ đấy chính là một trong những điều rất quan trọng mà nhà văn phải vươn tới chứ không phải là ở một cái danh vị hão huyền, chứ không phải ở những cái đồng tiền bạc vớ vẩn hay những chuyện a dua theo các tinh thần chính trị khác nhau.

Bảo Thạch : Gần đây trong nước có xuất bản một tập truyện của anh vào giữa năm 2007 và trong lời tựa anh viết đại ý là trong cuộc đời viết văn của anh, sau truyện ngắn Sang Sông, thì đã có một thay đổi lớn trong quan niệm của anh, cũng như phong cách viết của anh ?

Nguyễn Huy Thiệp : Trong quá trình viết văn thì cũng không có nhiều chặng đường khác nhau. Tôi bắt đầu xuất hiện từ khi có cuộc Đổi Mới trong xã hội Việt Nam, tức cỡ khoảng độ 1986-1987. Đến nay là tôi đã trải qua 20 năm viết lách. Cũng có thể nói là đã có sự khuynh đảo nào đấy ở trong văn đàn ở Việt Nam. Thì cũng có nhiều chặng khác nhau anh ạ. Trong giai đoạn đầu khi tôi viết, có thể là nó mang tính chất bản năng từ những thứ tự nhiên trong lòng mình thôi. Đó là giai đoạn từ khoảng năm 1986 đến 1991. Từ Sang Sông, tức là đến giai đoạn sau này, từ 1991 trở đi cho đến khoảng năm 2000 thì là một giai đoạn khác. Tôi không chỉ viết bằng bản năng nữa mà lúc đó là viết bằng cái vốn văn hóa của mình, bằng kinh nghiệm cuộc sống, rồi với việc tôi gặp gỡ đạo Phật. Lúc đó tinh thần hay những tác phẩm của tôi nó khác. Đến giai đoạn từ năm 2000 trở đi, khi thế giới thay đổi, internet vào Việt Nam, rồi nhiều vấn đề khác đặt ra trong xã hội đối với xã hội cũng như văn học Việt Nam. Trong bản thân tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Đó là giai đoạn mà tôi bắt đầu thể nghiệm một số lối viết khác nhau. Cho đến bây giờ, tôi vẫn kiên trì đi theo một số khuynh hướng hay những lối viết khác nhau của mình. Ngoài việc viết truyện, tôi cũng viết cả kịch, tiểu luận văn học ... Nhân cuốn sách anh vừa nói, năm ngoái, tôi bị tim hẹp động mạch vành, phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tôi cũng chán nản và có ý định thôi, dọn dẹp tất cả sự nghiệp văn học của mình cho nên mới in lại tuyển tập truyện ngắn. Nhưng sau đó tôi nhận ra một điều : trong quá trình sống cũng là quá trình mà chúng ta phải tập chết. Phải tập chấp nhận những điều để tiến tới cái chết. Tôi phải tự chung sống với bệnh tật, phải tự tập luyện, tự phải vượt lên. Gần đây thì cũng có sự thanh thản hơn, nhất là khi mà tác phẩm của mình được quảng bá một cách rộng rãi, được đón nhận một cách rất nhiệt tình ở trong nước cũng như ở ngoài nước, rồi lại được nhận những giải thưởng giá trị như Nonino này nữa.

Bảo Thạch : Tôi vẫn nhớ anh tiết lộ « người viết văn như cầm một thanh kiếm ». Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ tinh thần đó ?

Nguyễn Huy Thiệp : « [Cười]. Đó là trường văn trận bút mà anh ! Đây không chỉ là trường hợp của tôi. Khi tôi nói chuyện với Magris, thậm chí với Naipaul – giải Nobel Văn Học 2001 và chủ tịch ban hội đồng giám khảo Nonino thì cũng vậy thôi. Họ đều có kinh nghiệm riêng ở trường văn trận bút. Không chỉ có ở Việt Nam mới có những chuyện đố kỵ, ghen tị trong văn chương. Chuyện đấu tranh trong văn chương, ở Ý cũng có, ở Ai Cập, Anh, Mỹ, Pháp … cũng vậy. Và một tác giả cũng phải biết bảo vệ tác phẩm của mình. Trong truyện chưởng ở Trung Quốc có câu ‘đa tình kiếm khách vô tình kiếm’ : người cầm bút cũng như một kiếm thủ. Có thể là bản thân con người đó thì rất tình cảm thôi. Nhưng khi cầm kiếm hay cầm bút thì đó là những thứ rất vô tình. Cái kiếm nó rất vô tình. Cái bút nó rất vô tình. Nhiều khi cũng gây sát thương, gây tổn thương nào đấy cho đồng nghiệp của mình, cho người nọ người kia. Nhưng đời nó là như thế.

Bảo Thạch : Được gặp Nguyễn Huy Thiệp tại Paris, tôi không khỏi nhớ đến lần được gặp anh cách nay 20 năm tại Hà Nội. Khi đó văn đàn Hà Nội đang rúng động vì truyện ngắn Tướng Về Hưu.  

Nguyễn Huy Thiệp : Tướng Về Hưu là một trong những truyện rất đặc biệt. Nó có thể là một cái mốc trong cuộc đời hoạt động văn học của tôi. Giống như những truyện khác của tôi, nó có phần thực và hư. Cũng có những truyện 7 thực- 3 hư, hay 5 thực-5 hư, hay 9 thực-1 hư. Nhưng gần như là những truyện ngắn của tôi bao giờ cũng có bóng dáng của sự sống, có bóng giáng của đời sống : đời sống của bản thân tôi hay của cái xã hội mà tôi quan sát. Tướng Về Hưu là truyện trong đó có đầy đủ ái ố, hỷ nộ, chuyện vui, chuyện buồn… Qua 20 năm rồi, cho đến bây giờ đọc lại, người ta vẫn thấy là nó có một cái sự tiết chế một cách tối đa, kể cả về ngôn ngữ viết lẫn tinh thần kìm nén của người viết. Xã hội Việt Nam lúc đó nó thế. Đó là một xã hội đang kìm nén, chất chưa trong đó rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn về tinh thần rồi về vật chất khác nhau. Nói thế này thì hơi duy tâm, nhưng tôi cũng như là được thời thế, được trời đất, được tinh thần của xã hội lúc đó mượn mình vào đấy như là để viết ra tác phẩm đấy thôi […] Trong một buổi nói chuyện tại Sài Gòn với nhà văn Nguyễn Khải ông có nói là khi đọc Tướng Về Hưu, đối với ông, nó rất là thảng thốt. Ông cảm thấy như không phải là người viết, mà như là trời xui đất khiến. Thậm chí như là ma quỷ viết …  Tôi không biết. Nhưng tôi là một nhà văn luôn luôn tôn trọng cái hiện thực.

Đặc điểm và vai trò của nhân tố độc giả - trong hoạt động giao tiếp văn học

Mỗi sáng tác nghệ thuật đều là một phát hiện sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ, họ gửi vào đó những cảm nhận, trăn trở và thông điệp về cuộc đời. Văn học cũng là một đứa con tinh thần của nhà văn song phải cùng với bạn đọc thì các từ, ngữ, câu, chữ chết cứng mới thực sự được cựa, quậy, có linh hồn và đi vào cuộc sống. Nhà thơ Mosac từng quan niệm: “Tác phẩm thực ra chỉ được tạo thành bởi những kí hiệu câm lặng, những ngôn ngữ chết, cho nên bản thân nó chưa có giá trị gì, nếu có cũng chỉ là đôi chút. Cái quan trọng là vai trò của người đọc. Chính bạn đọc sẽ tạo nên giá trị cho tác phẩm…”; Ông cũng khẳng định: “không có bạn đọc thì không chỉ có sách của chúng ta mà cả những tác phẩm của Hôme, Đăngtơ, Puskin, Đôxtôiepxki… tất cả chỉ là đống giấy chết”. Bởi vậy nhân tố độc giả có những đặc điểm riêng và có vai trò đặc biệt trong đời sống văn học.

          Văn học có xuất phát điểm là ngôn từ nhưng là nghệ thuật ngôn từ. Theo giáo sư Bùi Minh Toán: “Giao tiếp bằng ngôn ngữ nghệ thuật thông qua tác phẩm văn học chỉ là một trong những hình thức giao tiếp độc đáo mà thôi”. Như vậy giữa văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp và văn bản văn học là kết quả của hoạt động văn học có những điểm tương đồng và khác biệt.

Giống như hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, hoạt động giao tiếp văn học cũng nhằm trao đổi thông tin của con người trong xã hội được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ và nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động…. Mỗi hoạt động giao tiếp văn học đều gồm hai quá trình là tạo lập và lĩnh hội, tính từ khi tác giả bắt đầu sáng tạo văn bản văn học rồi lưu hành và đến được với độc giả để độc giả lĩnh hội biến hệ thống câu chữ của văn bản ấy thành tác phẩm văn học, đó là sự hoàn chỉnh trên cơ sở liên kết nội dung và hình thức từ phương tiện ngôn ngữ. Hoạt động giao tiếp văn học cũng có đầy đủ các nhân tố tham gia là nhân vật, ngữ cảnh, nội dung, mục đích, phương tiện và cách thức giao tiếp. Bên cạnh chức năng thông tin thì hoạt động văn học cũng đảm bảo chức năng văn học là nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Như vậy hoạt động văn học chính là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ song các nhân tố của hoạt động văn học có những nét đặc trưng riêng so với hoạt động giao tiếp thông thường trong đó phải kể đến nhân tố độc giả tức nhân vật giao tiếp.

Trước hết ta cùng xem xét đặc điểm của yếu tố độc giả. Khác với hoạt động giao tiếp thông thường khi người nghe hoặc người đọc có thể xác định được cụ thể về số lượng, giới tính, lứa tuổi, dân tộc… Ta có thể thấy điều đó ngay trong thực tế hàng ngày. Còn độc giả trong hoạt động văn học có thể là một người cũng có thể là một số lượng không giới hạn, họ có thể thuộc về các thế hệ khác nhau, thuộc về những cộng đồng dân tộc khác nhau. Với Dế mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài thì người ta khó thống kê được có bao nhiêu độc giả khi mà cuốn sách đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, ngay tại việt Nam cũng rất nhiều nhà xuất bản ấn hành nếu tính theo nhà xuất bản Kim Đồng thì số lần tái bản tính đến nay cũng đã là trên 10 lần.

Chính bởi lượng độc giả là hết sức đa dạng như trên mà ta cần chú ý đến tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận. Ở đây năng lực, thị hiếu, tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ, sở thích cá nhân đóng vai trò rất quan trọng; tùy theo lứa tuổi già hay trẻ, trình độ học vấn cao hay thấp, kinh nghiệm sống nhiều hay ít mà có kết quả tiếp nhận cụ thể, riêng biệt cho mỗi người. Chính sự chủ động, tích cực của bạn đọc đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm.

Ngoài ra cũng phải kể đến tính đa dạng, không thống nhất trong tiếp nhận của bạn đọc. Đúng vậy cùng một tác phẩm nhưng sự cảm nhận và đánh giá của công chúng có thể rất khác nhau, thậm chí là đối nghịch. Đơn cử như Truyện Kiều – tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam song lịch sử tiếp nhận là hết sức phức tạp, có người thấy ở Kiều là tấm gương hiếu nghĩa, có người coi nàng là hiện thân cho thân phận đau khổ của phận đàn bà trong xã hội phong kiến nhưng lại cũng có người nhìn nhận Kiều như một kĩ nữ thậm chí là tà dâm…. Hay gần đây Đàn ghita của Lorca là một bài thơ đầy màu sắc siêu thực, tượng trưng của tác giả Thanh Thảo, chỉ một khổ thơ ngắn nhưng bao cách hiểu khác nhau:

                                      Không ai chôn cất tiếng đàn

                                       Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

                                      Long lanh trong đáy giếng

Phải công nhận rằng đây là khổ thơ đầy ám ảnh với bao nhiêu sức gợi. Ý thơ dù đa nghĩa song vẫn có cơ sở để hiểu riêng câu thơ thứ ba:  Giọt nước mắt vầng trăng. Hai hình ảnh thơ liền kề, không có quan hệ từ nào, hiểu mối quan hệ giữa hai hình ảnh ấy như thế nào đây? Nếu giọt nước mắt và vầng trăng sẽ tạo nên mối quan hệ đẳng lập, nếu đặt giọt nước mắt của vầng trăng ta lại có quan hệ sở hữu, còn xét giọt nước mắt như vầng trăng ta sẽ có quan hệ so sánh, giả sử giọt nước mắt là vầng trăng đó lại là quan hệ đồng nhất, cũng có thể giọt nước mắt với vầng trăng đó lại là quan hệ song song…. Và tất nhiên mỗi cách đặt quan hệ như trên sẽ đem lại những cách hiểu khác nhau. Sự khác biệt trong cảm nhận, đánh giá hẳn có xuất phát từ tác phẩm khi hình tượng nghệ thuật phức tạp, ngôn từ đa nghĩa và vì thế sự tiếp nhận của bạn đọc càng phong phú, phức tạp. Song dù sao người đọc cũng cần cố gắng để đạt tới cách hiểu đúng từ đấy lĩnh hội được các giá trị đích thực chân – thiện – mĩ của tác phẩm văn học.

Tiếp theo là sự ghi nhận vai trò to lớn của yếu tố độc giả trong hoạt động văn học. Dù chỉ mang tính tiếp nhận thì độc giả cũng có vị thế hết sức chủ động, tích cực, sáng tạo, hướng đến cái hay, cái đẹp, cái đúng chứ không hề thụ động như một số hoạt động giao tiếp thông thường. Vai trò ấy được biểu hiện cụ thể qua một số phương diện sau:

Thứ nhất, trong hoạt động văn học, không đợi đến khi tác phẩm chào đời mới có sự xuất hiện của độc giả. Theo giáo sư Đỗ Hữu Châu lược đồ giao tiếp trong hoạt động giao tiếp văn học nhấn mạnh vai trò của người nghe, người tiếp nhận đối với thông điệp mà người nói phát ra, là sự kiện văn học phải đầy đủ cả tác giả, tác phẩm và độc giả. Theo ông : “Văn học là tác giả - tác phẩm – độc giả, không phải chỉ là tác giả - tác phẩm. Độc giả không chỉ xuất hiện sau khi tác phẩm đã ra đời mà có mặt ngay trong quá trình sáng tác”. Nhìn lại các tác giả lớn trong lịch sử văn học chúng ta không khó để thấy vai trò quan trọng của yếu tố độc giả. Trong quan điểm sáng tác của  tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ta đã biết Bác rất coi trọng đối tượng tiếp nhận, mục đích sáng tác và lấy đó làm xuất phát điểm cho sáng tác văn học, sau đó Bác mới chọn lựa và quyết định nội dung, hình thức sáng tác. Trước khi đặt bút, Bác luôn tự tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Chẳng thế mà trong Tuyên ngôn độc lập ta thấy không đơn thuần Bác hướng bản tuyên ngôn tới nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới mà còn hướng tới những thế lực đen tối đang âm mưu xâm lược lại Việt Nam. Đây là cơ sở để Bác triển khai mục đích sáng tác thông qua nội dung bản tuyên ngôn là cơ sở pháp lí, cơ sở thực tiễn và chọn hình thức là một áng văn chính luận. Qua ví dụ trên ta thấy tư tưởng I. Lalich chỉ dẫn đã trở nên dễ hiểu: “Cái bóng của độc giả đang cúi xuống sau lưng nhà văn khi nhà văn ngồi trước tờ giấy trắng. Nó có mặt ngay cả khi nhà văn không muốn thừa nhận sự có mặt đó. Chính độc giả đã ghi lên trên tờ giấy trắng cái dấu hiệu không thể tấy xóa được của mình”. Ta có thể thấy sự chi phối của độc giả mang tính hai mặt cả về nội dung và hình thức, nhà văn cần lựa chọn nội dung phù hợp và đáp ứng được thị hiếu của độc giả, lựa chọn hình thức nghệ thuật như ngôn ngữ, thể loại, kết cấu…Hồ Chí Minh luôn xác định với đối tượng thuộc quảng đại quần chúng thì có cách viết dễ hiểu về nội dung, dễ tiếp nhận về hình thức còn với tầng lớp trí thức, Bác lại lựa chọn cách viết nâng cao với ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi.

Thứ hai, khi tác phẩm đến với độc giả thì chính độc giả góp phần hoàn thiện tác phẩm vì chính họ đã biến văn bản thành tác phẩm. Theo cách nói của giáo sư Nguyễn Lai thì văn bản cũng là “sản phẩm” được làm ra, khi chưa qua tay người tiêu dùng mới là câu chữ và ở dạng tiềm năng. Vậy, để tín hiệu ngôn ngữ trong văn bản trở thành tín hiệu thẩm mĩ thì nhất định cần có vai trò của độc giả. Độc giả hoàn thiện quá trình sáng tác: “Tác phẩm văn học giống như một con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một hoạt động cụ thể được gọi là sự đọc. Và tác phẩm văn học có thể kéo dài chừng nào khi sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra nó chỉ còn là những vệt đen trên giấy trắng”. Quan niệm của J. Paul Sartre đã khẳng định vai trò quan trọng của độc giả.

Quả đúng vậy, độc giả biến văn bản thành tác phẩm, hiện thực hóa những câu chữ thành hình tượng trong tác phẩm. Bởi vậy cùng một văn bản nghệ thuật tùy thuộc vào độc giả của những thế hệ khác nhau với vốn văn hóa khác nhau tác phẩm văn học có thể tỏa sáng với những sắc thái khác nhau. Đó chính là hoạt động đồng sáng tạo của độc giả bởi họ chính là người phát hiện, lĩnh hội hệ thống cảm xúc, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm văn học qua hệ thống ngôn ngữ và nhờ thế họ có những phát hiện mới về tác phẩm trên tầm cao của kiến thức, của tình yêu dành cho cái đẹp, sự say mê và rung cảm mãnh liệt đối với văn chương.

Có nhiều cách để độc giả tham gia đồng sáng tạo, có khi là họ chuyển được mã ngôn ngữ sang mã tín hiệu thẩm mĩ, có khi họ có những cách hiểu sâu xa, mở rộng hơn từ tính đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, có khi là họ góp ý, phê bình, đánh giá tác phẩm để từ đấy tác giả có thể sửa chữa, hoàn thiện, nâng cao cách viết, cách sắp đặt kết cấu… Dù theo cách nào cũng là vai trò phản hồi tích cực của độc giả. Lịch sử tìm hiểu văn học ghi nhận nhiều sự tiếp nhận khác hẳn hoặc vượt xa ý đồ sáng tác của nhà văn. Chẳng hạn chữ “buồng” trong câu thơ Đầy buồng lạ màu thâu đêm trong bài Cây chuối của Nguyễn Trãi có nhiều cách hiểu: đa số cho đó là buồng chuối, buồng chuối chín thơm ngào ngạt thâu đêm; một số cho đó là buồng văn của chính thi nhân tràn ngập hương sắc quyến rũ của đêm xuân; còn với Xuân Diệu lại cho đó là buồng the của người con gái. Đa dạng những cách hiểu như vậy mà có những cuộc tranh luận sối nổi.

Thứ ba độc giả trong hoạt động văn học thuộc nhiều thời đại tức là chịu sự chi phối của yếu tố thời gian văn hóa, không gian văn hóa khác nhau. Mỗi độc giả mang kiến thức bách khoa thời đại mình khi lĩnh hội tác phẩm, góp phần bổ sung làm tác phẩm tỏa sáng theo những điểm nhìn, góc độ khác nhau. Có thể kể đến một số trường hợp tiếp nhận tiêu biểu sau: Trong truyện ngắn Anh Hai Đen lấy vợ của Triệu Thụ Lý, nhà văn miêu tả nhân vật Tam Tiên Cô là người đàn bà không còn trẻ nhưng đồng bóng, lẳng lơ, ăn mặc lòe loẹt, lười nhác bị cán bộ khu lên án. Bạn đọc Châu Á hoàn toàn đồng tình nhưng sinh viên Âu, Mỹ lại không nghĩ cô là nhân vật phản diện như vậy mà lại thấy ở đó một người đàn bà khao khát tình cảm rất đáng thương. Việc đồng bóng chẳng qua là phản ứng biến dạng của tâm lí bị ức chế. Người ta thấy tác giả chế giễu cô là không công bằng, thậm chí còn là sự xúc phạm thiếu văn hóa và dã man. Đó quả là sự tiếp nhận hoàn toàn bất ngờ nhưng có cơ sở. Bạn đọc với sự tiếp nhận khác biệt là bởi sự chi phối của hai truyền thống văn hóa, hai cách đánh giá cuộc sống cá nhân con người. Hay trường hợp nghệ sĩ Liên Xô Tônkunôva kể lại là bà đã kể cho con nghe câu chuyện cổ tích Nga Con cá vàng và bà kết luận: Đó, thấy chưa, tham thì thâm. Vậy mà đứa con hình như đã đi xa hơn cả câu chuyện cổ tích khi cho rằng: Giá ông lão xin con cá một người vợ tốt hơn, chắc chắn số phận sẽ tốt hơn. Quả là táo bạo, độc đáo và có lí của tư duy thế hệ mới!

Với những đặc điểm và vai trò của yếu tố độc giả trong hoạt động văn học như trên mà ta hiểu để tiếp nhận văn học thực sự có hiệu quả thì người đọc phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của mình, tích lũy kinh nghiệm tiếp nhận, biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của một ý thức khác, lắng nghe một tiếng nói khác, làm quen với một giá trị văn hóa khác, tìm cách để đọc, hiểu tác phẩm một cách khách quan toàn vẹn từ đó làm phong phú thêm thế giới tâm hồn của mình. Hiểu rõ điều này, người giáo viên dạy Ngữ văn có thêm cơ sở để khơi gợi khả năng lĩnh hội của học sinh ở các tiết giảng dạy văn bản qua tín hiệu ngôn ngữ, dần dần hình thành kĩ năng tiếp nhận văn học và bồi đắp phong phú thế giới quan, nhân sinh quan cho thế hệ trẻ. Làm được như thế hẳn phát huy được nhiều hơn trí thông minh, những suy nghĩ táo bạo, tính tích cực và tư duy sáng tạo trong học tập của học sinh để giờ giảng văn chỉ còn lại những hứng thú, say mê và rung cảm thẩm mĩ.

Video liên quan

Chủ Đề