Tín niệm là gì

Tâm không nằm ở đâu cụ thể trên thân.

Nếu vậy mọi người sẽ nghĩ tâm là tâm hồn. Bạn cũng có thể nghĩ như vậy, nhưng bạn chỉ cần phân biệt một chút rằng tâm đây không phải là ‘tâm hồn’ hay ‘linh hồn’ theo như định nghĩa các tôn giáo khác. Vì tâm, theo Phật giáo, là một tiến-trình, một dòng chảy, và luôn luôn biến đổi; chứ không phải là một cái gì đó cố định theo kiểu một ‘linh hồn’ cố định, bất biến và truyền kiếp. Phật giáo không công nhận có một ‘linh hồn cố định, bất biến và truyền kiếp’.

Bạn có thể hiểu nôm na như vầy: tâm là phần không dính líu đến thân, nhưng nó ở đâu đó trong thân. Và chính tâm là cái ghi nhận, nhận thức, chịu, hưởng, và thay đổi không ngừng theo mọi cảm giác sướng-khổ của sự sống.

Phật giáo định nghĩa rõ hơn về tâm với những đặc tính, như sau:

Tâm là một hiện tượng phi-vật-chất, nó nhận thức, nghĩ, nhận biết, nếm trải, và phản ứng với đối tượng bên ngoài thông qua sự tiếp-xúc của giác quan và thức sinh ra từ các giác quan đó.

Theo kinh điển, tâm có hai đặc tínhcơ bản: trong suốt và sáng tỏ.

  • Trong-suốt: có nghĩa là trong suốt, không hình dạng, không màu sắc; không vết, trong sạch; và vì vậy, đặc biệt, có nghĩa là "những ý nghĩ và những đối tượng khác của tâm có thể khởi sinh bên trong nó". [Giống như kiểu một không gian chân không trong suốt, và bụi bặm hay thứ khác có thể xuất hiện và hiện lên bên trong đó].
  • Sáng-tỏ: có nghĩa là sáng và có thể tự chiếu sáng; và vì vậy, đặc biệt, có nghĩa là có thể "thấy-biết" mọi sự vật hiện tượng đúng-như-chúng-là. [Giống như sự sáng tỏ của đèn chiếu có thể chiếu rọi vào chỗ tối để nhìn-thấy mọi thứ một cách rõ rệt].“Trong suốt và sáng tỏ” chính là cách miêu tả cái chân-tâm, cái tâm nguyên thủy, cái tâm gốc của con người. Chân-tâm vốn là thanh tịnh và trí tuệ.

Nhiều người cho rằng tâm ở chỗ trái tim [Điều này trùng hợp trong tiếng Pali, Thái Lan, Hán, Hán Việt: tâm có nghĩa là tim. Tuy nhiên trong nhà Phật, khi các sư thầy nói trái tim là họ chỉ về tâm, còn khi họi nói tâm là chỉ về tâm chú không phải chỉ về trái tim hữu hình đang đập].Có người nghĩ rằng tâm ở trong bộ não, theo nghĩa tâm trí. Điều đó cũng sai, vì não và tim đều là hữu hình, là có thể nhìn thấy được, chụp hình được, giải phẩu được, cắt được, đụng được. Chúng đều là những bộ phận vật chất, không phải là thứ phi-vật-chất như định nghĩa của tâm.

Tuy nhiên, Đức Phật cũng không nói là tâm nằm ở chỗ nào cụ thể trong thân. Phật chỉ gọi tâm như là một cái "hang" bên trong thân.

Một số diễn dịch ẩn dụ khác về tâm được tìm thấy trong kinh điển và luận giảng:

  • Tâm giống như người khách trọ, thân là căn nhà. Khi căn nhà ‘thân’ chết đi hay tan rã, tâm sẽ đi chỗ khác [tái sinh vào sự sống mới];
  • Tâm là không thể nhìn thấy được, mà chúng ta chỉ có thể khái-niệm hay nhìn-thấy tâm thông qua những gì chứa đựng [xuất hiện, hiện lên, có mặt] bên trong nó. Ví dụ, ta chỉ nhìn thấy hay biết những ý nghĩ, ô nhiễm, tham, sân...đang có mặt trong tâm. [Như đã nói, tâm là trong-suốt, có nghĩa là những thứ khác có thể xuất hiện, hiện lên, có mặt bên trong chân không trong suốt đó.]
  • Kinh điển cũng thường ví rằng: Tâm giống như một tấm gương sáng. Nhưng bụi bặm sẽ bám vào càng lúc càng nhiều. Nếu không có biện pháp ngăn chặn bụi bặm hoặc lau chùi bụi bặm, thì cái gương sẽ càng lúc càng dính bẩn và không còn trong-sáng để mà soi.
  • Hoặc, tâm giống như nước trong suốt, tĩnh- lặng và sáng-tỏ. Tâm tham dục giống như nước trong bị trộn với những màu sơn; Tâm đang sân giận giống như nước đang sôi. Tâm đang ngu si, hay buồn ngủ, hay đờ đẫn thì giống như mặt nước bị tảo rong che khuất. Tâm đang bất an [động] và lăng xăng thì giống như mặt nước trong gió động; Tâm của chúng ta thì bị ô-nhiễm và bất-tịnh giống như nước bùn. Càng khuấy động, thì bùn càng vẫn đục thêm, chỉ có giữ nó yên-lặng và tĩnh-tại thì bùn mới lắng lặng xuống, và nước trở thành trong.
  • Hoặc, tâm của chúng ta si-mê và vô-minh giống bầu trời u ám mây đen. Khi nào xua tan được đám mây vô minh đó, tâm sẽ trở lại trạng thái vốn có của nó là cái tâm "trong sáng như bầu trời xanh" . . .
  • Trong một quyển sách dạy rất hay về tu thiền, thiền sư Bhante Gunaratana nói như vầy:

"Vì chúng ta không thể thấy được tâm, nên chúng ta không thể nào chánh niệm [chú tâm] vào một mình tâm. Thay vì vậy, chúng ta chú tâm vào những thứ chứa trong nó...Ví dụ, làm sao để thấy hay biết những tâm tham, sân, si?. Bạn có thể khéo léo so sánh với những lúc mình không [ít] tham, sân, si.".

Ví dụ, đó là cái tâm tức giận [sân] và ngu mờ [si] khi bạn uống rượu, thì bạn có thể nhận ra nó, vì bạn có thể so sánh nó với trạng thái tâm lúc bạn tỉnh táo, không uống rượu. Tuy nhiên, có những trạng thái tâm rất là tinh-vi mà bạn khó nhận biết để mà đối trị nó. Những loại này cần nhiều thời gian tu tập, rồi bạn sẽ thấy được chúng và đối trị được chúng.

- Khi định nghĩa về tâm và sự tu hành, Đức Phật đã nói như vầy :

"Này các Tỳ kheo, tâm này là sáng tỏ, nhưng nó bị làm hư hỏng bởi những ô nhiễm ngẫu nhiên từ bên ngoài. Một kẻ phàm phu không được chỉ dạy không hiểu được điều này đúng như nó là. Vì vậy, đối với người ấy, không có sự tu dưỡng tâm.

"Này các Tỳ kheo, tâm này là sáng tỏ, nhưng nó không bị dính những ô nhiễm ngẫu nhiên từ bên ngoài. Một đệ tử thánh thiện được chỉ dạy hiểu được điều này đúng như nó là. Vì vậy, đối với người ấy, có sự tu dưỡng tâm."

Những câu kinh này có nghĩa là: Tâm vốn có hai trạng thái. Trạng thái vốn có của nó [chân-tâm] là trong-suốt và sáng-tỏ. Trạng thái thứ hai là bị làm hư hỏng bởi những ô nhiễm từ bên ngoài, tức bị lu-mờ và dơ-bẩn. Người không có trí [không học hiểu giáo pháp] thì không hiểu được, nên không thực hành việc tu dưỡng tâm. Người có trí [có học hiểu giáo pháp] thì hiểu được và nỗ lực tu dưỡng tâm, làm trong sạch tâm.

Về mặt tu tập giới hạnh và thiền tập, có một số giảng giải như sau:

Tâm vốn là tinh khiết và trong sạch. Nhưng vì chúng ta bị dính nhiều ô nhiễm và bất tịnh, như: tham, sân, si, và rất nhiều loại thói tâm lâu ngày và lâu đời [tập khí] thuộc ba nhóm tham, sân, si này. Vì có những thứ ô nhiễm đó, con người mới bị khổ đau vì luôn chạy theo khoái lạc nhục dục, chạy theo những niềm tin sai lầm, và tạo ra nghiệp xấu dẫn dắt mình vào vòng sinh-tử liên tục và đầy đau khổ.

Phật giáo đã tìm ra những nguyên-nhân đó của sự khổ và sự luân hồi sinh-tử. Đó chính là dục-vọng và/do những quan niệm sai lầm và si mê [về cái ‘Ta’, bản ngã, linh hồn, về mê tín...].

  1. Những dục vọng và quan niệm sai lầm [tà kiến] đó thể hiện trong chúng ta bằng những thói-tâm [tập khí] thuộc tham, sân, si, dưới những dạng chướng ngại thô-tế và dễ-thấy trong thân tâm.
  2. Những dục vọng và quan niệm sai lầm [tà kiến] đó cũng nằm tàng ẩn bên dưới những lớp sâu của tâm thức [tàng thức] dưới những dạng thói-tâm-nặng [gông cùm] rất vi-tế và khó-thấy, như Đức Phật đã đặt tên.

Muốn hết khổ đau và sinh tử thì phải diệt trừ hết những dục-vọng và những tà-kiến sai lầm và si mê đó. Về mặt thực hành, đó là làm cho tâm trong sạch, loại trừ và tẩy sạch những ô nhiễm đã nói trên. Đó chính là sự tu tập tâm, tu dưỡng tâm. Đó là "thiền". Và những cách thức tu thiền đã được Đức Phật chỉ dạy, và các thầy tổ đã hướng dẫn qua bao đời.

Vì vậy, việc tu hành theo đạo Phật cũng được gọi là "tu tâm", tức là tu sửa tâm: loại bỏ những tâm xấu.

Tiến-trình làm trong sạch tâm nằm trong việc sống giữ giới hạnh, thực hành thiền tập để giúp tâm trong sạch [trong suốt] và trí tuệ [sáng tỏ] như bản chất chân-nguyên của nó.

Khi nào tâm trở nên được trong sạch, tâm được giải thoát, và trạng thái giải thoát hoàn toàn đó được gọi là Niết-bàn: trạng thái cao quý nhất mà các bậc A-la-hán và Phật đã chứng đắc được.

Nguồn:Vấn Đáp Phật Giáo- Lê Kim Kha [biên soạn]

Chính niệm, tà niệm là gì? Niệm thế nào để được Phật độ?

Trong Phật Pháp, một con người có năm căn lành thuộc về tâm, gồm có: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Đây là năm căn lành mà người học Phật cần làm tăng trưởng, sung mãn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về “niệm căn” qua cuộc trò chuyện giữa vua Mi-lan-đà và Tỳ-kheo Na-tiên với bài giảng “Niệm là gì? Cách niệm để được Phật độ?” của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.

Niệm là gì?

Trước khi đi tìm hiểu về niệm căn, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã giải thích về khái niệm của niệm: “Niệm là ghi nhớ, nhớ nghĩ. Niệm Phật là nhớ nghĩ về Phật, nhớ tưởng, nghĩ tới Phật, gọi là niệm. Chúng ta niệm cha, niệm mẹ là ngồi đây mà nhớ về cha, về mẹ. Chữ niệm có nghĩa là nghĩ nhớ, khắc ghi”.

Niệm Phật là thường nhớ nghĩ đến Phật

Trong Hán tự, chữ “niệm” bao gồm bộ “kim” và bộ “tâm”. Sư Phụ giảng giải thêm: “Chữ niệm trên có bộ kim, bên dưới là bộ tâm tức là tâm trong thời hiện tại. Kim tức là hiện tại, là bây giờ. Cái tâm hiện tại đấy gọi là Niệm”.

Nhắc nhở tâm và “cầm nắm” tâm là công dụng của niệm

Trong cuộc trò chuyện với vua Mi-lan-đà về hành tướng của niệm, Đại đức Na-tiên khẳng định, niệm có hai chức năng: “Thứ nhất là nhắc nhở tâm, thứ hai là giúp tâm cầm nắm.” Sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết về hai chức năng này của niệm qua lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh để ứng dụng trong đời sống cũng như trong tu tập.

#1 Niệm có chức năng là nhắc nhở tâm

Về chức năng thứ nhất của niệm, Đại đức Na-tiên chỉ dạy: “Bất cứ một pháp nào phát sanh lên, niệm có bổn phận nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy. Ghi nhận một cách thuần túy, khách quan”.

Niệm là nhắc nhở và ghi nhận những pháp khởi lên trong tâm của mỗi người

Để quý Phật tử dễ hiểu, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Ví dụ ngọn nến cháy bùng to lên, thì đấy là một pháp phát sinh ra, mình ghi nhận điều đó là niệm”. Như vậy, chức năng thứ nhất của niệm là nhắc nhở tâm ghi nhận những pháp ngoại cảnh hoặc trong tâm phát sinh lên.
Sư Phụ cũng dựa trên ví dụ mà Đại đức Na-tiên lấy cho Đức vua về vị quan đứng canh cửa, giám sát ở cổng thành mà giảng rằng: “Ví như người coi cổng, ông ấy theo dõi từng người vào, người ra. Ông ấy biết người này là người thiện, người này là người ác, người này đi vào làm việc, người này đi vào để ăn trộm. Chức năng của niệm giống như người gác cổng. Người gác cổng theo dõi, biết rõ từng người vào ra, từng pháp phát sinh ở ngoại cảnh vào trong tâm chúng ta”.

#2 Giúp tâm “cầm nắm” là chức năng thứ hai của niệm

Khi nói về chức năng “cầm nắm” của niệm, Đại đức Na-tiên giải thích: “Một pháp phát sanh lên, niệm không những nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy mà còn "cầm nắm" trọn vẹn cái thiện, cái ác ấy nữa. Các pháp như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực... nghĩa là ba bảy trợ đạo phẩm, tứ vô lượng tâm cũng phải được hiểu như vậy”.
Tiếp tục ví dụ về người gác cổng, Sư Phụ chia sẻ: “Niệm không chỉ là ghi nhớ mà còn cầm nắm trọn vẹn pháp ấy nữa. Ví dụ ông gác cổng đó, ông ấy không chỉ đứng một chỗ, biết người vào, người ra mà còn bám sát, theo dõi được. Xem người này vào trong thành đi đâu, hành tung thế nào. Chứ không phải chỉ đứng một chỗ theo dõi không. Chức năng của niệm còn phải có chức năng bám sát, nắm được nó, túm được nó”. Như vậy, bên cạnh chức năng nhắc nhở tâm thì niệm còn có chức năng là giúp tâm cầm nắm, bám sát và nắm bắt trọn vẹn các pháp ngoại cảnh hoặc nội tâm phát sinh.

>>> Hướng dẫn cách ngồi thiền đúng phương pháp để giúp tâm an định

Niệm còn có chức năng là giúp tâm nắm bắt trọn vẹn các pháp ngoại cảnh hoặc nội tâm phát sinh [ảnh minh họa]

Thế nào là chính niệm và tà niệm?

Trong đạo Phật thì chia niệm ra làm hai loại: gồm chính niệm và tà niệm. Vậy chính niệm và tà niệm là gì?

Chính niệm là gì?

Trong bài giảng, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Chính niệm là niệm về Pháp của Phật, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, Tứ niệm xứ, đấy là những chính niệm. Niệm về hơi thở, niệm về thân, niệm về cảm thọ, tứ niệm xứ, đấy là chính niệm. Chúng ta thực hành chính niệm thì sẽ đi đến chính quả”. Tựu chung lại, Sư Phụ cũng giải thích niệm nào có động cơ dẫn đến ly tham, ly sân, ly si thì đó là chính niệm.

Chính niệm là niệm về Pháp của Phật, niệm giới, niệm Phật,... [ảnh minh họa]

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giải thích về tà niệm như sau: “Tà niệm là nhớ nghĩ về những điều tà bậy, không chân chính. Nghĩ những chuyện tà dâm, nghĩ những chuyện lừa đảo, dối trá, nghĩ những chuyện ác hại người. Đấy là tà niệm”. Tựu chung lại, Sư Phụ chỉ dạy niệm nào có động cơ do tham, sân, si chi phối thì niệm đấy là niệm tà.

Tà niệm là nhớ nghĩ về những điều tà bậy, tà dâm không chân chính [ảnh minh họa]

Chính niệm là sợi dây kết nối trong Bát Chính Đạo

Sau khi giảng về chính niệm và tà niệm, để có được lợi ích rốt ráo nhất Sư Phụ khuyên đại chúng nên thực tập tư duy theo chính niệm để cho mình được trang nghiêm, tiến đạo. Người không tư duy theo chính niệm, để tà niệm chi phối thì khó tiến đạo. Sư Phụ chia sẻ: “Chính niệm là một căn lành của chúng ta. Chính niệm là cốt lõi trong Pháp tu tập. Người tu tập phải thực tập chính niệm. Cho nên trong nhà thiền thường hay nói là chính niệm, tỉnh giác. Chúng ta thường bị đánh mất chính niệm chạy theo tà niệm. Chạy theo tà niệm nên mới khởi niệm sân si lên, rồi khởi tất cả những phiền não lên. Cho nên chúng ta phải thực tập chính niệm. Bắt đầu bước đến cổng chùa là nhớ: “À, đến chùa là phải trang nghiêm, phải chính niệm, phải tỉnh giác, phải cẩn thận, từng hành động, từng lời nói, việc làm”. Đến chùa lắng lòng thanh tịnh trang nghiêm thân tâm tỉnh giác là có công đức. Cho nên chính niệm là một chất liệu rất quan trọng trong việc tu tập. Thiếu chính niệm không thể tu tập được. Trong Bát Chính Đạo, chính niệm là sợi dây nối kết tất cả những cái khác lại. Không có chính niệm tức là tà niệm, là tán loạn là chúng ta không thể nào tu tập được. Người thường tà niệm thì không vào được đạo. Cho nên đại chúng nhớ phải thực tập chính niệm. Chính niệm là căn lành, là một trong năm thiện căn chúng ta phải tu tập”.

Chư Tăng chùa Ba Vàng thực hành thiền hành trong chính niệm, tỉnh thức

Sư Phụ cũng chỉ dạy, cả chùa mà thực hành được chính niệm thì ngôi chùa ấy rất trang nghiêm. Ai ai cũng chính niệm tỉnh giác thì không còn sân giận, cãi vã lẫn nhau. Sư Phụ cũng sách tấn đại chúng khi đến chùa cố gắng thực tập chính niệm để tăng trưởng được công đức, tiến tu trên bước đường học Phật.

Niệm thế nào để được Phật độ?

Đối với người đệ tử Phật thì điểm tựa tâm linh vững chắc nhất đó là từ nơi Tam Bảo. Những lúc bế tắc, khó khăn mà được nương tựa vào Tam Bảo, được nghe những lời Phật dạy thì mọi chướng duyên nghịch cảnh đều có thể vượt qua. Trong bài giảng, Sư Phụ chia sẻ về bản chất của việc độ chúng sinh trong mình là: “Lấy niệm chính để độ niệm tà.”

Để đại chúng dễ hiểu, dễ áp dụng, Sư Phụ lấy ví dụ về việc khởi suy nghĩ nản chí khi đến ngày học Pháp trời mưa rét. Sư Phụ chia sẻ: “Hôm nay, đại chúng khởi niệm đi chùa học: “Rét thế này tôi cũng đi để tinh tấn trừ niệm lười biếng!” Đấy là chính niệm, trừ cái lười biếng. Chứ hôm nay, không đi chùa theo cái niệm là: “Thôi, hôm nay vắng mình không có sao. Rét thế này thôi, mình ở nhà, cho bảo đảm sức khỏe để còn tu lâu dài”. Cái niệm ấy là niệm tà. Nhưng mình nghe lời Phật dạy là tinh tấn, khó khăn, gian khổ phải quyết vượt qua. Y theo lời Phật dạy thì đây chính là Phật độ luôn niệm tà. Phật này là Phật ở trong ta, độ luôn niệm tà đấy. Còn đợi Phật ở phương Tây đến thì có khi xa; hay đợi Phật ở trên chùa về độ mình thì xa, mà phải Phật ngay trong tâm này. Cho nên trong kinh thường dạy là: Thiện tri thức ở xa không độ được, mà phải thiện tri thức ngay trong tâm mình. Làm thế nào để khơi dậy được thiện tri thức trong tâm mình thì phải học Pháp Phật mới độ được”.

>>> Phật độ hữu nhân duyên, người vô nhân, vô duyên, Phật cũng không độ được

Từ lời dạy trên Sư Phụ, chúng ta hiểu rằng, trong tâm ta có chính niệm và tà niệm. Chính niệm được tăng trưởng, thành tựu dựa trên giáo Pháp và những lời dạy của Đức Phật. Nếu chính niệm vững mạnh, kiên cố thì sẽ độ được những niệm bất thiện trong mình.

Thường xuyên tu học Phật Pháp, tư duy về những lời Phật dạy để khơi dậy thiện tri thức trong tâm của mình

Sư Phụ cũng chia sẻ thêm: “Chính niệm trong tâm mình cũng gọi là Phật phân thân. Đức Phật phân thân vào trong tâm mình độ chúng sinh tà mê trong tâm mình. Vậy phải làm sao có Phật phân thân? Phải khơi dậy được cụ Phật trong tâm mình, độ cho mình. Đợi thiện tri thức bên ngoài cứu mình không nổi, không kịp. Trong tâm mình khởi niệm bất thiện rất nhanh, mình dễ theo nó ngay. Không ai chạy đến cứu mình kịp cả, lúc ấy chỉ có Phật trong tâm mình mới cứu được mình thôi. Nếu ngay lúc ấy có ông Phật thường trực ở trong tâm mình xuất hiện bảo: “Không được! Dừng ngay cái niệm này!” Dừng được nó, tức là Phật độ mình trong tâm mình đấy. Cho nên cuộc đấu tranh độ chúng sinh ngay trong tâm mình là như vậy”. Qua lời Sư Phụ giảng chúng ta biết rằng, người tu Phật cần phải khơi dậy vị Phật ngay trong tâm của mình. Nếu vị Phật trong tâm luôn thường trực thì sẽ giúp chúng ta giải quyết những tâm bất thiện trong từng tâm niệm của mình. Nếu những tâm niệm bất thiện được giải quyết thì tâm niệm thiện lành sẽ tăng trưởng. Từ đó hành động lời nói việc làm cũng thiện theo.
Trên đây là bài viết về hành tướng của niệm dựa trên bài giảng của mà Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh. Mong rằng, qua bài viết này, quý Phật tử sẽ hiểu được bản chất của niệm, của chính niệm và tà niệm. Từ đó biết cách làm tăng trưởng chính niệm, kiểm thúc tà niệm, ứng dụng vào trong cuộc sống cũng như trên con đường học Phật.

Hạnh Hòa

Video liên quan

Chủ Đề