Tiến độ xây dựng Đại học Việt pháp

Quang cảnh buổi làm việc. [Ảnh: Văn Điệp/TTXVN]

Chiều 16/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thăm và làm việc với đại học Quốc gia Hà Nội, nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc [Thạch Thất, Hà Nội].

Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với đại học Quốc gia Hà Nội ngày 28/11/2021, trong đó tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế của đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là tập trung vào nhiệm vụ quan trọng đẩy mạnh triển khai dự án xây dựng đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc theo mô hình “5 trong 1”: Trung tâm đào tạo tài năng; Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; Đô thị đại học thông minh, hiện đại; Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

[Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 186 bậc trong bảng xếp hạng Webometrics]

Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết tâm rất cao để hiện thực hóa mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân về một đô thị đại học đổi mới, sáng tạo, xanh, thông minh, bền vững hàng đầu khu vực tại Hòa Lạc.

Ngày 19/5/2022 là dấu mốc đặc biệt khi toàn bộ Cơ quan đại học Quốc gia Hà Nội chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội, thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án thành phần.

Theo kế hoạch, năm học 2022-2023, đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc.

Từ tháng 9, 450 sinh viên năm thứ nhất các ngành sư phạm của trường đại học Giáo dục, 550 sinh viên năm thứ nhất và một số học phần năm thứ hai của trường đại học Y Dược, 300 sinh viên trường đại học Việt Nhật, 600 sinh viên trường quốc tế đã được các trường xây dựng kế hoạch đào tạo tại Hòa Lạc.

Ngoài ra, sinh viên trường đại học Công nghệ và một số đơn vị đào tạo khác dự kiến sẽ học tập một số học phần thực hành, thực tập tại Hòa Lạc.

Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cũng chia sẻ dự án đầu tư xây dựng đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2013 bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 60.000 sinh viên; diện tích đất khoảng 1.113,7ha, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025.

Tuy nhiên đến nay, lũy kế giải ngân cho dự án mới đạt khoảng 3.000 tỷ đồng nên tiến độ dự án chậm nhiều so với kế hoạch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. [Ảnh: Văn Điệp/TTXVN]

Dự án “Phát triển các đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án đại học Quốc gia Hà Nội” do Ngân hàng Thế giới cho vay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học của đại học Quốc gia Hà Nội, gồm 3 hợp phần: Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập; Vượt trội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các lĩnh vực trọng điểm; Nâng cao năng lực quản trị và quản lý thực hiện dự án.

Tiểu dự án đại học Quốc gia Hà Nội với tổng kinh phí là 125,18 triệu USD. Trong đó, vốn từ Ngân hàng Thế giới là 100,87 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 24,31 triệu USD.

Với khoản tín dụng này, đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng tại ba khu vực, tổng diện tích đất là 37,5ha trong tổng số 1.000 ha của khuôn viên: Xây dựng 18 tòa nhà từ một đến tám tầng với các lớp học, văn phòng, thư viện, phòng thí nghiệm, khu vực trung tâm thể thao và thí nghiệm để giảng dạy, học tập, nghiên cứu; xây dựng hai trạm xử lý nước thải, sân và đường nội bộ, hệ thống thoát nước. Dự án được thực hiện trong vòng 5 năm, từ năm 2021 đến năm 2025. 

Trong năm 2022, Ban Quản lý dự án Ngân hàng thế giới sẽ tập trung vào gói thầu tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tư vấn đấu thầu liên quan; đồng thời tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công cho 3 gói thầu xây lắp và lựa chọn 2 gói thầu tư vấn giám sát để khởi công trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Dự án đầu tư xây dựng trường đại học Việt Nhật là một trong số 23 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Dự án gồm 2 hợp phần: 51ha tại khu quy hoạch dự án đại học Quốc gia Hà Nội và 24ha thuộc khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. đại học Quốc gia Hà Nội đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng và Ban Quản lý khu Công nghệ cao thẩm định nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành thẩm định đồ án quy hoạch này.

Tại buổi làm việc, đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo Tổ công tác liên ngành để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đồng thời có các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hòa Lạc. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai dự án. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học uy tín hàng đầu của đất nước, một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đó là niềm tự hào nhưng cũng là sự thôi thúc phải làm tốt hơn.

Đánh giá cao việc toàn bộ cơ quan đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở tới Hòa Lạc, Phó Thủ tướng cho rằng trong những năm tới, đại học Quốc gia Hà Nội phải có quyết tâm mới, tầm nhìn dài hạn, cách làm khác hướng tới mục tiêu xây dựng khu đô thị đại học thông minh, hiện đại chứ không phải là xây dựng một trường đại học lớn.

“Trong tương lai, khu đô thị đại học Quốc gia Hà Nội sẽ như thế nào trong ranh giới dự án và trong quy hoạch chung của Hà Nội. Đây là việc đầu tiên đại học Quốc gia Hà Nội phải bàn bạc, thảo luận với thành phố Hà Nội cùng các bộ, ngành liên quan. Quy hoạch của dự án phải có độ mở, linh hoạt thay vì 'đóng cứng' chỉ gồm một số trường đại học như ban đầu,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đại học Quốc gia Hà Nội khẩn trương xây dựng, đưa các giảng đường vào hoạt động để đón sinh viên lên học.

Từ nay đến hết năm 2022, đại học Quốc gia Hà Nội phải hoàn thành việc phân mốc, xác định ranh giới toàn bộ dự án; phối hợp với thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất hoàn thành giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Việt Hà [TTXVN/Vietnam+]

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, triển khai hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương báo cáo gửi Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, các cơ quan đã cơ bản gửi đầy đủ báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, các báo cáo được xây dựng công phu, đầy đủ, đánh giá sâu sắc, bám sát đề cương của Đoàn giám sát.

Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh. Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật và trong thực thi pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập. Tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch như nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; khái niệm “tích hợp quy hoạch”; việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn; quy định về kinh phí trong hoạt động quy hoạch chưa phù hợp; chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập… Một số Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thẩm quyền, chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, thêm thủ tục, trình tự hoặc thêm nội dung ngoài Luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch.

Đoàn giám sát cho rằng, mặc dù việc triển khai các công tác quy hoạch đã cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về quy trình, thủ tục, nội dung theo Luật Quy hoạch, tuy nhiên, đối với chất lượng của các quy hoạch này cần phải có thời gian kiểm nghiệm trên thực tiễn mới có đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, đồng thời chất lượng quy hoạch sẽ khó được bảo đảm nếu cố gắng thực hiện mục tiêu của Chính phủ là phê duyệt toàn bộ các quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Toàn cảnh phiên họp.

Trên cơ sở kết quả giám sát đã được đề cập ở trên, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Trong đó, có các giải pháp cần thiết phải triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 như cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp thúc đẩy công tác lập quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi; nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp trong dài hạn như tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; tiếp tục rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi đã được sửa đổi, bổ sung…

Video liên quan

Chủ Đề