Tai nạn giao thông đường bộ là gì

[Last Updated On: 18/05/2022 By Lytuong.net]

[Lytuong.net] – Tai nạn giao thông đường bộ đang được coi là một thảm họa trên toàn cầu. Ở Việt Nam những năm gần đây các phương tiện tham gia giao thông đường bộ có tốc độ phát triển nhanh. Trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa phát triển tương xứng, kết hợp với ý thức chấp hành Luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn thấp, dẫn đến tình hình tai nạn giao thông đường bộ trong những năm qua có diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông đường bộ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trên tổng số vụ tai nạn giao thông. Trong những năm gần đây: Do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và siết chặt quản lý vận tải nên vận đề đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tăng cường, ý thức của người tham gia giao thông có chuyển biến vì vậy số vụ tai nạn giao thông [kể cả số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng] có xu hướng giảm, song vẫn còn ở mức cao và thiếu bền vững.

1. Diễn biến tình hình tai nạn giao thông trong những năm gần đây

Trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, số vụ tai nạn giao thông do phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách gây ra chiếm tỷ lệ không lớn so với các loại phương tiện cơ giới đường bộ khác, nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hầu hết do phương tiện kinh doanh vận tải hành khách gây ra.

Trong đó đáng lưu ý là xe của hộ kinh doanh, có tới 70% số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách của hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, của các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ.

2. Hậu quả của tai nạn giao thông

Mỗi năm Việt Nam có trên dưới 8.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trung bình mỗi tháng có khoảng 700 người chết và hàng ngàn người bị thương. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn gia đình chịu cảnh tang tóc, bởi mất đi những người thân yêu, gây thiệt hại lớn về tinh thần và vật chất.

Số người chết vì tai nạn giao thông cao hơn nhiều lần một cuộc chiến và đớn đau là xương máu đó đổ ra trong thời bình chỉ vì chuyện đi lại. Điều đáng quan tâm là những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây tổn thất nhiều tài sản của nhân dân và xã hội lại là những vụ tai nạn do xe ôtô gây ra.

Tổn thất do các vụ tai nạn giao thông từ chết người, bị thương hoặc thương tật vĩnh viễn để lại cho gia đình và xã hội là vô cùng lớn, cụ thể:

– Nhiều người là lao động chính trong gia đình đã bị chết do tai nạn giao thông; cha, mẹ họ không còn nơi nương tựa; nhiều đứa trẻ mồ côi cha, mẹ; không còn người nuôi nấng, dạy dỗ v.v…

– Những người bị thương nặng thì chất lượng cuộc sống bị giảm sút, họ không thể làm được những việc mà mình muốn làm hoặc có thể làm được trước khi bị tai nạn, không kiếm được tiền nuôi gia định, bản thân… thậm chí là không tự chăm sóc được.

– Chi phí về tiền bạc và nhân lực cho việc chăm sóc dài hạn người bị thương tật là một gánh nặng lớn cho gia đình và cộng đồng.

3. Nguyên nhân của tai nạn giao thông đường bộ.

Theo thống kê diễn biến tình hình tai nạn giao thông đường bộ trong những năm gần đây, mặc dù tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước giảm cả 03 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vận còn ở mức cao, đặc biệt là những vụ tai nạn do xe khách, xe công ten nơ gây ra khiến nhiều người chết, bị thương….Nguyên nhân chủ yếu gây ra thường do những lỗi sau:

1. Chủ quan của người lái xe:

Cố gắng lái xe trong khi mệt mỏi, buồn ngủ; phóng nhanh vượt ẩu tin tưởng vào khả năng điều khiển phương tiện của mình; trong quá trình điều khiển phương tiện làm việc riêng như nghe điện thoại, nghe nhạc; nhầm lẫn chân ga, chân phanh hoặc xử lý tình huống không tốt, chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn đường….Đặc biệt là những lỗi này thường do lái xe có kinh nghiệm gây ra và tai nạn thường xảy ra vào khoảng thời gian chiều tối đến rạng sáng, thời điểm có ít lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường. Mặt khác khi cầm lái họ thường thao tác theo bản năng, kinh nghiệm lái xe của mình mà lơ là mất cảnh giác, gây tai nạn giao thông cho người dân và xã hội.

2. Công tác quản lý hoạt động vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ: 

Với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, loại hình đa dạng, mô hình tổ chức quản lý và phương pháp quản lý thủ công, lạc hậu; chưa có nhiều đơn vị chú trọng đến xây dựng thương hiệu nên các đơn vị vận tải hiện nay nhìn chung có sức cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ thấp, nguy cơ tai nạn giao thông cao, được thể hiện qua các nội dung sau:

– Công tác quản lý phương tiện tại các đơn vị vận tải còn nhiều khiếm khuyết. Tồn tại một số lượng lớn đơn vị vận tải không quản lý được tình trạng kỹ thuật của phương tiện, hầu hết các đơn vị không có hồ sơ lý lịch phương tiện hoặc có nhưng sơ sài mang tính chất chống đối, không theo dõi tổng km xe chạy, không tổ chức thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra ATKT của phương tiện trước khi hoạt động.

– Công tác quản lý lái xe, nhân viên phục vụ còn nhiều bất cập, tại nhiều đơn vị vận tải không quản lý hồ sơ quản lý lái xe, không tổ chức tuyển dụng theo quy trình, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, không ký hợp đồng lao động hoặc có thì cũng chỉ mang tính hình thức, thường ký hợp đồng thời vụ để đối phó khi có kiểm tra.

– Đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành vận tải tại các đơn vị rất thiếu, số lượng đơn vị vận tải có cán bộ được đào tạo chuyên ngành vận tải là rất ít.

– Bộ phận theo dõi, quản lý các điều kiện về an toàn giao thông ở nhiều đơn vị vận tải vẫn mang tính hình thức, chưa hoạt động thực chất, chỉ thành lập trên giấy tờ để làm hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh.

– Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, hầu như chưa được các đơn vị vận tải chú trọng, quan tâm đầu tư đúng mức – Đa số các đơn vị thực hiện cơ chế khoán doanh thu – thậm chí là “khoán trắng”. Người nhận khoán chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận, ít quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ. Vấn đề quản lý hoạt động vận tải đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và đang bị buông lỏng. Sức ép về lợi nhuận khiến nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã vi phạm các quy định về giao thông vận tải liên tục gây áp lực lên lái xe yêu cầu điều khiển phương tiện tranh giành khách, quay vòng phương tiện nhanh…. Các đơn vị không quan tâm đúng mức đến các biện pháp phòng ngừa tai nạn, khi xảy ra tai nạn chỉ tập trung giải quyết sự việc, không đi sâu phân tích nguyên nhân tai nạn để đề ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

– Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải và tuyền truyền quy định của pháp luật về an toàn giao thông chưa được các đơn vị vận tải quan tâm đúng mức.

c. Ý thức của người tham gia giao thông:

Trên thực tế hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trên cả nước còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác chấp hành Luật GTĐB. Theo thống kê có tới 85,5% số vụ TNGT do lỗi của người tham gia giao thông gây ra. Những lỗi vi phạm chủ yếu như vi phạm tốc độ quy định; đi không đúng làn đường, phần đường; chở quá số người quy định; điều khiển phương tiện khi đã uống bia, rượu; vượt đèn đỏ; ra, vào đường ngang; vượt qua đường sắt sai quy định….

d. Các nguyên nhân khác:

– Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng phong cách người lái xe có văn hoá, giỏi tay nghề, lái xe an toàn, chủ động phòng tránh tai nạn giao thông, tuy đã được chú trọng nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.

– Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuy đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông. – Chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm thường xuyên đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo, điều hành thiếu kiên quyết, chưa xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

– Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

- Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

- Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, dải phân cách và công trình, thiết bị phụ trợ khác.

- Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng.

- Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đường để bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

- Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông qua lại.

- Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.

- Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, hầm trên đường bộ để các xe kể cả hàng hoá xếp trên xe đi qua được an toàn.

- Đường phố là đường bộ trong đô thị gồm lòng đường và hè phố.

- Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ. Dải phân cách gồm loại cố định và loại di động.

- Đường cao tốc là đường chỉ dành cho xe cơ giới chạy với tốc độ cao, có dải phân cách chia đường cho xe chạy theo hai chiều ngược nhau riêng biệt và không giao cắt cùng mức với đường khác.

- Bảo trì đường bộ là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác.

- Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ [sau đây gọi là xe cơ giới] gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.

- Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ [sau đây gọi là xe thô sơ] gồm các loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

- Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp có tham gia giao thông đường bộ.

- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.

- Người tham gia giao thông đường bộ gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật và người đi bộ trên đường bộ.

- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia GTĐB.

- Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới.

- Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông hoặc người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.

- Hàng nguy hiểm là hàng khi chở trên đường có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

 - Tai nạn giao thông [TNGT] là sự việc bất ngờ xảy ra khi đối tượng tham gia giao thông đang hoạt động trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không hoặc ở các địa bàn giao thông công cộng khác do vi phạm các quy định về an toàn giao thông hoặc do gặp phải các tình huống, sự cố đột xuất không kịp phòng tránh gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người, đến tài sản và phương tiện.

Theo mức độ thiệt hại trong các vụ tai nạn, người ta chia TNGT thành các loại: va chạm giao thông; tai nạn giao thông ít nghiêm trọng, tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

- Điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến đường bộ là những vị trí nguy hiểm [có thể là nút giao thông cùng mức hoặc đoạn đường bộ có chiều dài dưới 500m] thường xảy ra tai nạn giao thông cao hơn mức bình thường và có tính chất tương đối giống nhau trong khoảng thời gian nhất định.

Video liên quan

Chủ Đề