Nguyên nhân của quy tắc tứ bất

… Các vua nhà Nguyễn muốn thâu tóm vào tay tất cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát… không muốn cho một ai chia sẻ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình. Vì mục đích đó, Gia Long đặt ra hệ thống “bốn không” là không đặt Tể tướng, không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc (mà đối với người trong hoàng tộc cũng chỉ phong tước danh dự mà thôi) (1).

- Việt Nam thế kỷ XIX:

… Nhằm tập trung quyền lực và đề phòng mọi lấn át uy quyền của nhà vua, Gia Long đặt ra lệ “bốn không” (tức bất): trong triều không đặt chức Tể tướng, thi Đình không lấy Trạng nguyên, trong cung không lập Hoàng hậu, không phong tước vương cho người khác (2).

- Tiến trình lịch sử Việt Nam :

... Sợ quyền thần lấn át hoàng đế, từ thời Gia Long nhà Nguyễn đã đặt ra lệ “bất tứ”: không đặt Tể tướng, không lấy Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu, và không phong tước vương (3).

Trên đây, tôi chỉ chọn những tác phẩm chính thống có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nghiên cứu lịch sử Việt Nam . Vậy vấn đề “tam bất khả” hay “tứ bất lập” có hay không, đặc biệt là dưới triều Gia Long, vị vua khai sáng triều Nguyễn?

Căn cứ vào tài liệu của triều Nguyễn còn lưu lại, chúng ta biết chính xác các sự kiện sau:

Hoàng hậu:

Vua Gia Long (1802 - 1819) sau khi thống nhất đất nước, đến mùa hè năm Bính Dần (1806) mới chính thức cử hành lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hoà. Tiếp đến vua làm lễ và truy tôn huy hiệu cho tổ tiên (các đời chúa Nguyễn). Mùa thu tấn tôn mẹ (Nguyễn Thị Hoàn) lên ngôi Hoàng thái hậu và sách lập vợ chính Tống Thị Lan làm Hoàng hậu. Sách văn viết: “… Nay trẫm mới theo lời tâu xin của đình thần đã lên ngôi đế, nghĩ ngôi hậu ở trong cùng với trẫm, chức việc trong cung, cũng gốc ở triều đình, nên trẫm đã tâu xin ý chỉ Hoàng thái hậu, đặc biệt sai chưởng Thần võ quân kiêm giám Thần sách quân Khiêm quận công Phạm Văn Nhơn cầm cờ tiết. Hộ bộ Thượng thư Tích thiện hầu Nguyễn Kỳ Kế làm phó, đem sách vàng, ấn vàng tấn phong làm Hoàng hậu để tôn vị hiệu. Hậu nên nhận lấy danh hiệu vẻ vang này, gắng sức sửa sang việc nhà, kính thờ tôn miếu, tỏ khuôn phép làm mẹ thần dân. Siêng năng việc đức, hằng nhớ nghĩa mà sáng tươi, để hưởng phúc lành mãi mãi không cùng”.

Năm 1814, Hoàng hậu mất vua Gia Long vô cùng thương tiếc, ban thuỵ hiệu: “Giản cung Tề hiếu Dực chính Thuận Nguyên Hoàng hậu”. Vua Minh Mạng truy tôn: “Thừa Thiên Tá thánh Hậu đức, Từ nhân, Giản cung Tề hiếu Dực chính Thuận Nguyên Cao Hoàng hậu (đời sau thường gọi tắt là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu).

Trường hợp bà Trần Thị Đang (sinh mẫu của vua Minh Mạng) dưới triều Gia Long không được sách lập Hoàng hậu. Năm 1841, vua Thiệu Trị tôn bà làm Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái hậu, Năm 1846 bà mất, vua và triều thần tôn thuỵ hiệu là: Thuận Thiên, Hưng Thánh, Quang Dũ, Hoá Cơ, Nhân Tuyên, Từ Khánh, Đức Trạch, Nguyên Công Cao Hoàng hậu (thường gọi tắt là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu).

Tại sao vua Minh Mạng (1820 - 1840) không lập Hoàng hậu?

Năm 1806, tuân theo ý chỉ của vua cha, Hoàng tử Nguyễn Phước Đảm (NPĐ) cưới con gái công thần Hồ Văn Bôi là Hồ Thị Hoa làm vợ. Năm 1807, bà Hoa sinh con trai đầu lòng được 13 ngày thì bà mất. Năm 1820, Hoàng thái tử Đảm lên nối ngôi lấy niên hiệu Minh Mạng. Năm 1836, định thứ bậc cung giai (xếp hạng các bà vợ vua) bà Hoa được truy tặng “Nhất giai Thuận đức Thần phi”. Vua có dụ: “… Nhân nghĩ: đức hoá trong cung nên thói thuần nhã, đường lối nghi lễ nổi vẻ đáng tin. Ngôi chủ quỹ (vợ cả) trong cung còn trống để đợi bậc có đức hiền mà chính sự và nghi lễ trong cung cũng nên phân biệt thứ bậc để tỏ rõ trật tự. Bấy nay tuy có vị hiệu nhưng cấp bậc chưa được rõ rệt lắm. Nay đặc cách châm chước xưa nay, đặt ra các chức nội quan gồm có cửu giai (9 bậc vợ). Trên nhất giai, đặt một hoàng qúy phi để giúp Hoàng hậu là ngôi chủ quỹ trong cung, giữ nội chính cho được tề chỉnh…”.

Đó là giải thích của vua Minh Mạng đối với thần dân, sở dĩ trong cung chưa lập Hoàng hậu vì đợi “bậc có đức hiền”. Nhưng theo tôi, sở dĩ vua không lập vì sợ gây khó khăn khi quyết định chọn một người nối ngôi về sau bởi vì:

- Nếu lập Hoàng hậu thì con trai của Hoàng hậu ưu tiên được thừa kế ngai vàng.

- Trong khi hoàng trưởng tử Miên Tông con của Thuận Đức thần phi Hồ Thị Hoa được bà nội đem vào cung nuôi dưỡng từ lúc mới lọt lòng mẹ 13 ngày, nay khôn lớn học hành đều tốt. Nếu vua Minh Mạng không chọn con của Hoàng hậu mà quyết định cho Miên Tông nối nghiệp thì sau này có nguy cơ phân hoá nội bộ hoàng gia và triều đình, rất nguy hiểm.

Các vị vua Nguyễn kế tiếp không lập Hoàng hậu, chỉ có hoàng quý phi là bậc cao nhất trong nội cung đều có lý do riêng chính đáng. Nhưng đến Bảo Đại (1926) vị vua cuối cùng triều Nguyễn, ngay sau lễ thành hôn với bà Nguyễn Hữu Thị Lan đã tấn phong ngay làm Hoàng hậu Nam Phương.

Như vậy việc lập Hoàng hậu hay không tuỳ theo hoàn cảnh đất nước, nội tình hoàng gia để nhà vua suy nghĩ lựa chọn quyết định.

Tể tướng

Chỉ vị quan cao cấp đứng đầu triều đình, giúp đỡ quản lý việc nước, tên gọi thay đổi qua các triều đại ở Trung Quốc, Việt Nam . (Đời Lý gọi là Phụ quốc thái uý; đời Trần đặt Tả Hữu tướng quốc; đời Lê gọi là Kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự Thừa tướng, Thượng tể…)

Nguyên nhân của quy tắc tứ bất

Hoàng hậu Nam Phương

Đời Gia Long, sau thời gian dài đất nước bị chia cắt loạn lạc, để thuận tiện việc quản trị hành chính vua cho lập Bắc thành (gồm các địa phương từ Ninh Bình trở ra Bắc) và Gia Định thành (từBiên Hoà trở vào Nam ). Nhà vua chọn lựa các vị khai quốc công thần hàng đầu bổ nhiệm vào chức vụ Tổng trấn, đứng đầu mỗi thành. Tổng trấn có quyền hạn rất lớn để quyết định mọi việc binh, dân có thểxem như hai vị Tả, Hữu tướng quốc (hoặc phó vương). Đến triều Minh Mạng, vua cải cách hành chính bãi bỏ cấp “thành” và chức vụ Tổng trấn. Toàn quốc chia làm 30 tỉnh, trực thuộc triều đình trung ương.Đứng đầu triều đình có “Tứ trụ đại thần” (Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển, Đông các đại học sĩ) phụ tá nhà vua. Tránh tình trạng quyền hành tập trung vào tay một người (tể tướng) hay hai người (Tả - Hữutướng quốc) dễ phát sinh hoạ thao túng, chuyên quyền như các triều đại trước.

Trạng nguyên

Suốt thời Gia Long chỉ tổ chức được 3 khoa thi Hương. Sở dĩ chưa được tổ chức thi Hội vì nước nhà mới thống nhất sau thời gian dài bị phân ly, nội chiến, việc học hành giữa hai miền Bắc Nam khác nhau. Chính quyền đang đặt trong tình trạng “quân quản”, đứng đầu guồng máy cai trị từ địa phương đến trung ương hầu hết là võ sĩ đào tạo từ thời Lê còn nhiều, đa số chịu ra hợp tác với Gia Long, chưa có nhu cầu tuyển thêm Tiến sĩ. Như vậy triều Gia Long chưa tổ chức thi Hội, thi Đình làm sao có Trạng nguyên?

Đến thời Minh Mạng, năm 1822, lần đầu tiên tổ chức thi Hội, thi Đình. Vua Minh Mạng quy định phân thứ hạng nhất giáp, nhị giáp, tam giáp, theo điểm số rõ ràng.

Từ năm 1822 đến năm 1919, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội, thi Đình lấy đỗ 280 Tiến sĩ, trong đó có 8 người đỗ đệ I giáp. Rất tiếc không ai đạt đủ 10 điểm để chiếm học vị “Trạng nguyên”. Người đỗ cao nhất là “Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh Phạm Thanh (Trương Xá – Thanh Hoá) tức Bảng nhãn, khoa Tân Hợi triều Tự Đức (1851).

Tước vương

Các vua triều Nguyễn rất hạn chế việc phong tước trong hoàng gia. Thông thường các hoàng tử, hoàng thân đủ 15 tuổi được xét phong tước Công. Nếu học vấn, hạnh kiểm không đạt tiêu chuẩn thì 5 năm sau mới được xét duyệt lại.

Tước vương chỉ phong cho các hoàng thân lớn tuổi có học thức, đạo đức cao trọng nổi tiếng như Thọ Xuân Vương Miên Định, Tuy Lý Vương Miên Trinh… Điều này nhằm khuyến khích các thành viên trong hoàng tộc phải nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức. Đối với người ngoài hoàng tộc, chỉ dùng 5 tước “Công - Hầu - Bá - Tử - Nam” để phong tặng khi lập được công nghiệp to lớn. Dưới triều Gia Long, rất nhiều võ quan có chiến công được phong tước Quận công (Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức…). Các quan văn phần nhiều chỉ được phong tước Hầu, rất ít người được phong tước Công.

Đối chiếu lịch sử hiện nay với sự việc được ghi chép rõ ràng trong sử sách thời Nguyễn chúng tôi thấy vấn đề “tam bất khả” hay “tứ bất lập” được gán cho vua Gia Long bày đặt ra để nhằm “thâu tóm vào tay tất cả quyền hành” hay “để đảm bảo uy quyền tuyệt đối cho nhà vua và dòng họ cai trị” hoàn toàn không có cơ sở. Điều đáng tiếc là không biết tác giả các công trình nghiên cứu, giáo trình lịch sử căn cứ vào đâu dể lặp đi, lặp lại mãi như trên? Sự việc này đã hướng dẫn sai lạc rất nhiều các thế hệ trẻ khi tìm hiểu về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam .