Nguồn vốn trong kế hoạch đấu thầu

Chúng ta đều biết đấu thầu là một trong những phương thức kinh doanh mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung. Đấu thầu góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thông qua hoạt động đấu thầu, công tác quản lý trong lĩnh vực đầu tư của Nhà nước cũng ngày càng được nâng cao, nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả, hạn chế được thất thoát, lãng phí. Trên thực tế, trong những năm gần đây, ở Việt Nam tuy đã có nhiều tiến bộ trong công tác đấu thầu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây khó khăn cho cả bên mời thầu và bên đấu thầu dẫn đến lãng phí, thất thoát vốn. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về xác định nguồn vốn để áp dụng Luật đấu thầu 2013.

Nguồn vốn trong kế hoạch đấu thầu

1. Một số quy định về đấu thầu:

1.1. Đấu thầu là gì?

Theo khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 đã đưa ra định nghĩa về đấu thầu như sau:

“Đấu thầu là một quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư dưới hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, minh bạch,  công bằng và hiệu quả kinh tế.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, đấu thầu là một quá trình được lập ra và phải tuân quy định của pháp luật Việt Nam. Thông qua quá trình đấu thầu chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán cụ thể ở đây là các nhà thầu cạnh tranh nhau để có tư cách tham gia gói thầu đó.

Mục tiêu của bên mua khi tổ chức đấu thầu là có được những hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng, cũng như nguồn chi phí thấp nhất.

Còn mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa và dịch vụ đó với giá đủ bù đắp những chi phí đầu vào, cũng như đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể để mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.

Thông qua đó ta nhận thấy bản chất của đấu thầu đã được xã hội và nhà nước ta nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh để được thực hiện một việc nào đó và một yêu cầu nào đó.

1.2. Hình thức và phương thức đấu thầu:

Hình thức đấu thầu:

Trên thực tế và theo quy định của pháp luật đã đưa ra bảy hình thức đấu thầu cụ thể như sau:

– Đấu thầu rộng rãi : Đây là một hình thức đấu thầu mà không hạn chế về số lượng nhà thầu tham gia.

– Đấu thầu hạn chế : Đây là một hình thức đấu thầu mà bên mời thầu mời một số nhà thầu có đủ năng lực để tham dự đấu thầu. Căn cứ  theo quy định tại mỗi nước mà số nhà thầu tối thiểu được mời là bao nhiêu. Theo quy chế Đấu thầu của Việt nam thì số nhà thầu tối thiểu là năm nhà thầu đối với hình thức đấu thầu hạn chế.

– Chỉ định thầu: Đây là một hình thức chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của gói thầu để thương thảo hợp đồng giao dịch.

– Chào hàng cạnh tranh.

– Mua sắm trực tiếp.

– Tự thực hiện : Hình thức này áp dụng đối với những gói thầu mà chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện.

– Mua sắm đặc biệt.

Phương thức đấu thầu

Trên thực tế và theo quy định của pháp luật đã nêu ra ba phương thức đấu thầu. Phương thức đấu thầu được dựa vào hình thức nộp hồ sơ để phân chia cụ thể như sau:

– Thứ nhất: Phương thức hai túi hồ sơ.

– Thứ hai: Phương thức hai giai đoạn.

– Thứ ba: Phương thức một túi hồ sơ.

Loại hình đấu thầu:

Đấu thầu có bốn loại hình, phụ thuộc vào các đặc điểm của đối tượng mua bán để phân chia cụ thể như sau:

– Thứ nhất: Đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

– Thứ hai: Đấu thầu xây lắp.

– Thứ ba: Đấu thầu mua sắm hàng hóa, các dịch vụ khác.

– Thứ tư: Đấu thầu lựa chọn đối tác để thực hiện dự án.

Hoạt động đấu thầu không còn xa lạ và là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển như hiện nay. Đấu thầu nhằm để lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của chủ đầu tư.

Nhận thấy hoạt động đấu thầu ra đời và tồn tại với mục tiêu chính là nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch để bên mời thầu lựa chọn ra được một nhà thầu phù hợp nhất với các tiêu chí bên mời thầu đưa ra và bảo đảm hiệu quả kinh tế của một dự án đầu tư.

Đấu thầu có hiệu quả có thể về mặt tài chính hoặc về thời gian hay một tiêu chí nào khác tùy thuộc vào mục tiêu của từng doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp có tổng đầu tư lớn, có giá trị về mặt kinh tế hoặc xã hội thì công tác đấu thầu là một khâu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, không thể thiếu và đấu thầu phải được thực hiện và tuân thủ theo quy định của nhà nước hoặc tổ chức tài chính cho vay vốn.

Hoạt động đấu thầu mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế quốc dân nói chung.

Vai trò của đấu thầu đối với chủ đầu tư trong đấu thầu:

– Đấu thầu nhằm thực hiện có hiệu quả yêu cầu về chất lượng công trình, tiết kiệm được vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm tiến độ xây dựng công trình.

– Thông qua đấu thầu xây lắp, tăng cường quản lý vốn đầu tư, tránh thất thoát lãng phí.

– Hoạt động đấu thầu giúp chủ đầu tư đảo đảm quyền chủ động, tránh tình trạng phụ thuộc vào một nhà xây dựng trong xây dựng công trình trong quá trình đấu thầu.

– Hoạt động đấu thầu tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong quá trình đấu thầu.

– Hoạt động đấu thầu cho phép chủ đầu tư nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ kinh tế kỹ thuật của chính các chủ đầu tư trong quá trình đấu thầu.

Vai trò của đấu thầu đối với nhà thầu:

– Để tham dự đấu thầu và hướng tới mục tiêu thắng thầu, các nhà thầu phải tự hoàn thiện mình trên tất cả phương diện.

– Các nhà thầu cạnh tranh bình đẳng trên thương trường, các nhà thầu phải phát huy tối đa tính chủ động trong việc tìm kiếm các cơ hội tham dự đấu thầu và kí kết hợp đồng từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất.

– Nhờ đấu thầu, các nhà thầu phải đầu tư có trọng điểm nhằm nâng cao năng lực công nghệ và kỹ thuật của mình. Thông qua đó giúp các nhà thầu sẽ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong tham gia đấu thầu.

– Để có thể thắng thầu, các công ty xây lắp phải tự hoàn thiện các mặt quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trong tham gia đấu thầu và thực hiện công trình đã thắng thầu.

– Không những thế, khi tham gia đấu thầu các công ty xây lắp sẽ tự nâng cao hiệu quả công tác quản trị chi phí kinh doanh, quản lý tài chính, thúc đẩy nâng cao hiệu quả kinh tế khi giá bỏ thầu thấp nhưng vẫn thu được lợi nhuận cao.

2. Xác định nguồn vốn trong hoạt động đấu thầu:

Việc Nhà nước ta ban hành và đưa ra chế tài trong Luật đấu thầu 2013 là một trong những biện pháp quan trọng, cần thiết để giúp Nhà nước quản lý chặt và có hiệu quả việc sử dụng vốn Nhà nước nói chung và hoạt động quản lý của Nhà nước về đấu thầu nói riêng.

Ngay từ bước lập, trình duyệt kế hoạch để lựa chọn nhà thầu, một trong những căn cứ để lập, trình duyệt lựa chọn nhà thầu là phải xác định rõ nguồn vốn cho dự án.

Theo Khoản 3 Điều 35 Luật đấu thầu 2013 đã quy định nôi dung sau đây:

“Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn, thời gian cấp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước”.

Theo Điểm c khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013 về phạm vi điều chỉnh quy định:

“Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;”

Đây là một trong những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu 2013.

Thông qua đó ta có thể hiểu là một dự án đầu tư phát triển không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập quy định cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu 2013.

– Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; (điểm b khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu 2013) mà có sử dụng vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30 % trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ trở lên trong tổng mức đầu tư tức có nghĩa, nếu trong một dự án đầu tư, cứ có vốn của nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng thì sẽ thuộc trường hợp quy định cụ thể tại điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu 2013. Không liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Xem thêm: Đấu thầu là gì? Đặc điểm, nguyên tắc và các phương thức đấu thầu?

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 44 Điều 4 Luật đấu thầu có nội dung như sau: Vốn nhà nước bao gồm các loại vốn sau đây:

– Vốn ngân sách nhà nước.

– Công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương.

– Vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

– Vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

– Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

– Vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh.

– Vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước.

Xem thêm: Phương pháp, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế

– Vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.

– Giá trị quyền sử dụng đất.

Căn cứ các quy định nêu trên, nếu dự án đầu tư phát triển không sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước hoặc nếu dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước dưới 30% và nhỏ hơn 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư sẽ không bắt buộc áp dụng Luật đấu thầu năm 2013.