Nghị quyết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

[HBĐT] - Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phú Lai [Yên Thủy] nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu "xây dựng xã Phú Lai đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu [NTMKM] năm 2022”. Để hoàn thành mục tiêu này, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề và quyết tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mới, mong muốn tạo sự bứt phát trong phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Các tuyến đường thôn, xóm trên địa bàn xã Phú Lai [Yên Thủy] được trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan sạch, đẹp.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngày 1/10/2021, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 11 về "xây dựng xã Phú Lai đạt chuẩn NTMKM năm 2022”. Đồng chí Lã Chí Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Việc xây dựng NTM những năm trước đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền ở một số ngành, lĩnh vực thiếu chủ động, quyết tâm chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để thực hiện chương trình NTM hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vốn theo đề án và lộ trình đặt ra, việc huy động nguồn lực trong Nhân dân còn thấp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này khó khăn. Một số tiêu chí xây dựng NTM đã đạt nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững... Trước thực tế này, Đảng ủy nhận thấy cần xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đồng thời có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp.

Hàng loạt giải pháp đã được Đảng ủy khẩn trương chỉ đạo triển khai như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tích cực vận động nhân dân xây dựng NTM và khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Các chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt Đảng, đưa nội dung xây dựng NTM vào sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề. Chỉ đạo UBND xã tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng tiêu chí, từng chỉ tiêu cụ thể để hoàn thành các tiêu chí bền vững theo Bộ tiêu chí quốc gia từ năm 2021 - 2022 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ về huy động sức dân trong xây dựng NTM, bảo đảm AN-QP. Hướng đến mục tiêu tổng quát là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác mọi tiềm năng, tập trung huy động nguồn lực, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chỉ tiêu của cấp trên giao.          

Triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết, xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có 5/6 xóm thực hiện dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích dồn đổi 258,94 ha. Hình thành các sản phẩm chủ lực của địa phương như hành tăm [99 ha], khoai sọ [6,2 ha], bí xanh [20 ha], lạc [116 ha]. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 48,6 triệu đồng, mục tiêu phấn đấu năm 2022 đạt 54 triệu đồng. Số hộ nghèo còn 31 hộ [15 hộ thuộc đối tượng bảo trợ, 16 hộ không thuộc đối tượng bảo trợ], phấn đấu đến cuối năm 16 hộ không thuộc đối tượng bảo trợ thoát nghèo. Xã cũng đã hoàn thành các tiêu chí về giáo dục, văn hóa. Nổi bật, thực hiện tiêu chí về môi trường, xã có 81 cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ ăn uống thì cả 81/81 cơ sở đủ điều kiện lập hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường; trên 91% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh. Tuyến đường thôn, xóm có rãnh thoát nước, được trồng cây bóng mát hoặc trồng hoa, cây cảnh đạt gần 90%. AN-QP được giữ vững với 32 tổ dân cư tự quản, 6 tổ hòa giải, 6 tổ dân phòng. Hoạt động hành chính công ngày càng được hiện đại hóa, 100% thủ tục hành chính được áp dụng thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định. Xã đã tổ chức triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đạt 100%.

 Dương Liễu

[Số: 06-NQ/TU, ngày 18 tháng 6 năm 2021]

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 [khóa X] về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới [NTM]; ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã giành được nhiều thành tựu nổi bật, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh nông thôn được đảm bảo; diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện.

Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với thành tích đó, Nam Định vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng; thời gian qua, tỉnh Nam Định đã chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm [OCOP] bước đầu đạt kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, Chương trình xây dựng NTM còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa mạnh; chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản chưa cao; kinh tế nông nghiệp chưa phát triển bền vững: các sản phẩm OCOP số lượng còn nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp, song chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác bảo vệ môi trường tại một số nơi chưa thực sự bền vững.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nguyên nhân chủ yếu sau: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp, còn có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của cấp trên; biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường cùng với biến động của thị trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.

Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng nông thôn Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU

1. Quan điểm chỉ đạo

- Xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân.

- Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu phải gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị; phát triển hài hòa kinh tế - xã hội và môi trường; khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Nam Định.

- Phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

2. Mục tiêu đến năm 2025

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thực sự là miền quê thanh bình; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao;

- 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu;

- 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao;

- Huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây

dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, lấy kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là một trong các nội dung để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”, trong đó chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng: kịp thời phát hiện, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và cách làm hay trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để nhân rộng.

2. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: Giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch, môi trường,... Chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu “đô thị mới” ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng... để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.

3. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bên vững.

Tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm đặc thù của tỉnh, đồng thời chia sẻ rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, nhất là hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm [OCOP] theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tập trung phát triển mạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và các kênh bán lẻ.

4. Quan tâm bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn.

Ban hành, triển khai kế hoạch tổng thể quản lý, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đẩy mạnh công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên vùng theo quy hoạch; đồng thời có cơ chế hỗ trợ thu gom rác thải tập trung. Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu chăn nuôi, các vùng nuôi trồng thủy sản. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch.

Kết hợp chặt chẽ giữa việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với việc phát động thường xuyên, liên tục phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”. Nhân rộng các mô hình cộng đồng dân cư làm tốt công tác bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn.

5. Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, các chính sách về việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

6. Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

7. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn bình yên, đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật để người dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết.

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết; chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh có trách nhiệm thường xuyên phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

5. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy theo dõi, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đối với người đứng đầu các cấp, các ngành thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

6. Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ đảng./.

T/M TỈNH ỦY BÍ THƯ

Phạm Gia Túc

Video liên quan

Chủ Đề