Làm sao để bồi đắp lòng yêu nước cho bản thân và động đối

Ảnh: internet

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là một giá trị bền vững, nhân tố quan trọng hàng đầu tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần và đã trở thành truyền thống, bản lĩnh Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; là cơ sở vững chắc gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1].

Chính sức mạnh truyền thống yêu nước của dân tộc đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đó cũng là cơ sở dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin ánh sáng soi rọi con đường cứu nước. Như vậy, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân văn của dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nội dung của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh không chỉ chứa đựng những giá trị của chủ nghĩa yêu nước của dân tộc mà còn được mở rộng, có quan hệ chặt chẽ với tinh thần quốc tế bao la, tinh thần cách mạng và tiến bộ của nhân loại. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là nét đặc sắc và biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Ngay từ khi hình thành, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, tạo nên những chiến thắng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí đặc biệt của thanh niên đối với tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Người thường xuyên quan tâm đến giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện để thanh niên tích cực tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, giáo dục là phương tiện chủ yếu nhất để hình thành và phát triển nhân cách con người nói chung và thanh niên nói riêng. Do đó, trước lúc đi xa, Người đã ân cần căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và cần thiết”[2].

Quán triệt và vận dụng sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ Việt Nam. Công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao, đa số thanh niên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước, tích cực hăng hái thi đua học tập, lao động, công tác, sống có lý tưởng, hoài bão, luôn có ý chí vươn lên… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớp trẻ thờ ơ với thời cuộc, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, non kém về nhận thức chính trị. Bên cạnh đó, sự biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do tôn giáo”, lợi dụng chủ nghĩa yêu nước để tổ chức các hoạt động mang tính cực đoan, kích động, gây rối, âm mưu bạo loạn ở một số vùng như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ... cũng là những nguy cơ đe dọa tới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trước bối cảnh hợp tác và đấu tranh đan xen như hiện nay, công tác giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, lòng tự hào dân tộc cho thanh niên là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng.

Nâng cao hiệu quả giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên trong thời kỳ mới

Để phát huy những kết quả đã đạt được nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó có các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, nội dung của công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Khi nhận thức xã hội được nâng lên, cũng là lúc chúng ta đã tạo ra được một môi trường xã hội thuận lợi và là động lực to lớn thúc đẩy công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên đạt hiệu quả cao.

Công cuộc đổi mới ở nước ta trong những năm qua cho thấy, trước sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, của sự mở cửa hội nhập đã xuất hiện không ít tư tưởng coi thường, xem nhẹ các giá trị truyền thống của dân tộc. Trên phạm vi toàn xã hội, vấn đề giáo dục truyền thống, đặc biệt là giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên đôi lúc chưa được nhận thức một cách hoàn toàn đúng đắn. Do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên là hết sức cần thiết, bởi đây chính là một nội dung quan trọng của cuộc cách mạng tư tưởng, đấu tranh tư tưởng nhằm xây dựng nên một thế hệ trẻ Việt Nam năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một điều hết sức quan trọng có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên, đó là chúng ta cần phải tạo ra sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tiêu cực, làm lành mạnh môi trường xã hội. Chúng ta không thể giáo dục chủ nghĩa yêu nước, xây dựng niềm tin, lý tưởng cho thanh niên khi mà tình hình chính trị không ổn định, đời sống kinh tế không từng bước được cải thiện, những vấn đề xã hội không được giải quyết, các hiện tượng tiêu cực ngày càng nảy sinh và phát triển. Vì vậy, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên và tạo lập môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội lành mạnh là một trong những giải pháp cơ bản mang lại hiệu quả trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên.

Hai là, kết hợp giữa gia đình, nhà trường, đoàn thể xã hội trong quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “trồng người” là sự nghiệp vẻ vang nhưng rất công phu, bền bỉ, khó khăn, phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng mới đạt kết quả tốt. Trong đó, Người luôn đánh giá cao vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh niên. Tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 19-01-1955, Người nói: “Trường đại học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”[3].

Để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên thì một trong những giải pháp cơ bản không thể thiếu đó là kết hợp giữa gia đình, nhà trường, đoàn thể và xã hội thành một quá trình thống nhất, liên tục và hoàn chỉnh. Với vị trí chức năng riêng của mình, mỗi lực lượng, mỗi môi trường đều có vai trò, vị trí quan trọng riêng. Nếu ta buông lỏng hay xem nhẹ bất kỳ một yếu tố nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên.

Gia đình là nơi đem đến cho con người những bài học đầu tiên và thường xuyên, liên tục từ lúc sinh ra đến tuổi trưởng thành. Giáo dục gia đình giữ một vị trí đặc biệt đối với sự hình thành và phát triển nhân cách, nhất là giáo dục tính người từ tuổi ấu thơ. Hoạt động giáo dục, bồi dưỡng của gia đình có tác dụng góp phần củng cố những nội dung giáo dục, bồi dưỡng của nhà trường, đặc biệt là đối với nội dung giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước, đạo lý làm người. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”[4].

Bên cạnh gia đình, vai trò quản lý, giáo dục của nhà trường đối với thanh niên cũng không kém phần quan trọng. Bởi nhà trường là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, có nền nếp kỷ cương, kỷ luật, là nơi trang bị cho sinh viên, học sinh những kiến thức cơ bản, chính thống và cũng là nơi giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống, rèn luyện cho thanh niên những phẩm chất đạo đức cần thiết của công dân, tạo dựng cho họ những ước mơ hoài bão lớn lao.

Các đoàn thể xã hội, đặc biệt là đoàn thanh niên, là tổ chức góp phần không nhỏ vào quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên, cũng như giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho họ thông qua các hoạt động khác nhau, như tham quan, du lịch, sinh hoạt chính trị, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hay các phong trào do Trung ương đoàn phát động như: Thanh niên tình nguyện, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đây là những hoạt động bổ ích, giúp thanh niên tự rèn luyện, nâng cao ý thức và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng. Qua đó, chúng ta có thể kết hợp giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên một cách thiết thực nhất.

Trong quá trình kết hợp, gia đình, nhà trường, xã hội phải hợp thành sự thống nhất ở mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục để tạo ra hợp lực cùng một hướng, chứ không phân cực hoặc phản lực triệt tiêu lẫn nhau. Cho nên, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh niên.

Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng thanh niên

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh - nhân tố quan trọng mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, không phải là cái gì xa vời mà rất cụ thể, sinh động. Trong cuộc sống, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh được biểu hiện bằng hành động, việc làm hằng ngày ở gia đình, trong trường học, cơ quan, đơn vị, trên đường phố... Đó là ý thức chấp hành luật pháp, là cần kiệm, liêm chính; là yêu thương con người, không vô cảm trước khó khăn của đồng chí, đồng bào, là tình yêu quê hương, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Đoàn Thanh niên là tổ chức gần gũi và trực tiếp giáo dục thanh niên, do vậy, nội dung giáo dục của Đoàn cần đổi mới và tập trung vào những vấn đề như giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, truyền thống quê hương đất nước, pháp luật. Trong đó, coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, xác định cụ thể những nội dung, yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để thanh niên học tập, rèn luyện và phát triển. Thanh niên không chỉ được sinh hoạt, giáo dục bởi Đoàn Thanh niên mà còn có các hội, tổ chức khác như: Hội Liên hiệp thanh niên, Hội học sinh, sinh viên... Sự phát triển sâu rộng các hình thức tổ chức tập hợp thanh niên, một mặt biểu hiện trình độ văn hóa chính trị cao; mặt khác, sẽ tạo điều kiện để thanh niên tiếp thu nội dung giáo dục được tốt hơn.

Cần đổi mới công tác vận động thanh niên, tạo việc làm, tạo môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh cho thanh niên. Xác định một cách rõ ràng, đúng đắn những nội dung giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong từng thời điểm cụ thể. Làm sao để những nội dung giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi, vùng, miền, tổ chức các phong trào hoạt động phải hợp lý cả về thời gian, không gian, tránh tổ chức quá nhiều hoạt động ảnh hưởng đến thời gian lao động và học tập của thanh niên. Việc tổ chức các hoạt động này còn phải chú ý đến đặc điểm tâm lý của thanh niên, không nên quá nặng nề, khô cứng nhưng cũng không nên quá hời hợt, thiếu sâu sắc... Sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, sâu sắc về ý nghĩa của phong trào, hoạt động được tổ chức phải được coi là mục tiêu hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp hành động giữa Đoàn với các tổ chức thanh niên. Tăng cường công tác của Liên đoàn Lao động với thanh niên công nhân và lao động trẻ, Hội Liên hiệp phụ nữ với nữ thanh niên. Hội Nông dân với thanh niên nông thôn, các hội trí thức với thanh niên trí thức, Hội cựu chiến binh với thanh niên trong nhà trường, thanh niên trong các lực lượng vũ trang. Chắc chắn rằng, nếu các tổ chức thanh niên thật sự quan tâm, chăm lo đến việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên thì trong hoạt động thực tiễn của mình sẽ có được nhiều hình thức giáo dục có ý nghĩa thiết thực hơn, đáp ứng được những yêu cầu mới của tuổi trẻ trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Trong những năm qua, các phong trào lớn như Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…được phát động khắp nơi và gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nổi lên là phong trào thanh niên tình nguyện đã khơi đúng nguồn mạch, nguồn nhiệt huyết, thắp sáng các hoài bão và ước mơ của thanh niên. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đã phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bốn là, chú trọng lấy gương “người tốt, việc tốt” để giáo dục thanh niên, giúp thanh niên tự giáo dục

Hiểu bản tính con người là hướng thiện, muốn vươn tới cái tốt, cái đẹp, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương trong việc giáo dục thanh niên. Người cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng. Xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[5].

Để hiệu quả giáo dục được cao, chúng ta cần phải chú trọng việc nêu gương thông qua các điển hình tiên tiến để khích lệ tinh thần thi đua học tập, thường xuyên giáo dục truyền thống của Đảng, Đoàn và địa phương cho thanh niên. Thế hệ trẻ “giáo dục lẫn nhau” không chỉ bằng những tấm gương sáng chói của các vị anh hùng qua các thời đại mà còn phải chú ý đến gương “người tốt, việc tốt” ở quanh ta. Gương ấy luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc rất gần gũi với cuộc sống đời thường mà ai ai cũng có thể học tập, noi theo, làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[6]. Phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cũng là một biện pháp quan trọng giúp thanh niên nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Đó còn là điều kiện quyết định kết quả rèn luyện của mỗi cá nhân. Hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Vì vậy, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên.

Thế hệ trẻ hiện nay được thừa hưởng một di sản truyền thống quý giá của dân tộc và những tấm gương sáng chói của cha anh, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang tiếp tục cống hiến tài năng và sức lực của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả giáo dục thanh niên trong tình hình mới, cần thực hiện đồng bộ, hệ thống và toàn diện các giải pháp giáo dục nói chung và giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên để đạt được kết quả tốt nhất nhằm tạo ra thế hệ thanh niên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững chủ quyền biên giới, vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc./.

Nguyễn Thị Thu Trang - Học viện An ninh nhân dân

-------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 171

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 622

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 266

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 77

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 669

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 263

Theo: tapchicongsan.org.vn

Video liên quan

Chủ Đề