Khái niệm biển đảo là gì

Khái Quát Về Biển, Đảo Việt Nam và 2 Quần Đảo Hoàng Sa, Trường Sa

I.KHÁT QUÁT VỀ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

1. Vị trí địa lý:

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển của đất nước, có chiều dài đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo về sườn phía Đông đất nước; một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

* Nội thủy: Vùng biển ở phía bên trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nội thủy được coi như lãnh thổ trên đất liền của một quốc gia và đặt dưới chủ quyền toàn vẹn đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển.

- Đường cơ sở : Là đường dùng làm căn cứ để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác. Các ranh giới khác trên biển được tính từ đường cơ sở. Có 2 loại đường cơ sở :

+ Đường cơ sở thông thường : Là đường sử dụng ngấn nước triều thấp nhất ven bờ biển hoặc hải đảo.

+ Đường cơ sở thẳng : Là đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo. Đường cơ sở thẳng áp dụng khi bờ biển quốc gia ven biển bị chia cắt hoặc có chuỗi đảo gắn liền và chạy dọc theo bờ biển.

* Lãnh hải: Lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý [1 hải lý = 1.852m]. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ta thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

- Tàu thuyền dân sự và quân sự các nước khác có quyền đi qua lãnh hải của nước chủ với tư cách đi qua không gây hại mà không cần xin phép nước chủ.

* Vùng tiếp giáp lãnh hải: Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý hợp với lãnh hải thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.

* Vùng đặc quyền kinh tế: Là vùng tiếp liền với lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam là một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

- Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đặc quyền khai thác biển như lắp đặt sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển, quyền nghiên cứu khoa học biển, quyền bảo vệ môi trường.

- Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải xin phép và có sự đồng ý của quốc gia ven biển [cứu hộ, diễn tập, quan sát quân sự].

* Thềm lục địa: Bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý tính từ đường cơ sở đó.

- Theo Công ước Luật biển 1982, nếu thềm lục địa của một nước ra biển quá 200 hải lý thì nước đó có quyền khai thác thềm lục địa ra tới tối đa là 350 hải lý, tùy theo địa hình của đáy biển. Trong vùng thềm lục địa, nước chủ có đặc quyền khai thác đáy biển cho mục đích kinh tế.

- Trừ điểm này ra, vùng thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý được coi như biển quốc tế.

2. Tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

a. Về kinh tế, chính trị - xã hội:

- Biển Đông là biển lớn thứ 2 trên thế giới, có diện tích khoảng 3 triệu km², được bao bọc bởi 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines. Biển Đông có nguồn tài nguyên thủy sản, dầu khí và khoáng sản rất lớn. Về giao thông vận tải, Biển Đông là tuyến đường huyết mạch mang tính chiến lược không chỉ với các nước trong khu vực mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Gần 90% dầu lửa nhập khẩu của Nhật Bản, 70% của Trung Quốc từ Trung Đông đều đi qua Biển Đông. Mỗi ngày có 200 - 300 tàu vận tải loại lớn đi qua vùng biển này.

- Đối với Việt Nam, vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Cùng với đất liền, vùng biển nước ta là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một thị trường có sức mua khá lớn, một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động.

- Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ khí đốt. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đặc biệt khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, băng cháy,cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác.

- Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như : tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển... Dọc ven biển còn có hơn 80 vạn hécta bãi triều và các eo vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi nuôi trồng hải sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá song, cá mú, rong câu..

- Dọc bờ biển nước ta đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó có một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải... Hiện nay nước ta có trên 100 cảng biển và 10 khu chuyển tải hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống các cảng biển.

b.Về quốc phòng - an ninh:

- Biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Do đặc điểm lãnh thổ đất liền nước ta có hình chữ S, trải dài ven biển từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp [nơi rộng nhất khoảng 600km, nơi hẹp nhất khoảng 50km], nên chiều sâu phòng thủ đất nước bị hạn chế. Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển không lớn, nên rất dễ bị địch tấn công từ hướng biển. Nếu chiến tranh xảy ra thì mọi mục tiêu trên đất liền đều nằm trong tầm hoạt động, bắn phá của vũ khí trang bị công nghệ cao xuất phát từ hướng biển. Nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng thành những căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của lực lượng Hải quân Việt Nam và sự tham gia của các lưc lượng khác thì biển, đảo có vai trò rất quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.

Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Việt Nam là 1 quốc gia có biển, nhân tố mà thế giới luôn xem như là một yếu tố đặc lợi, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển, chúng ta phải có quyết tâm cao, tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên biển để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các nước địa phương làm ăn trên các vùng biển, đảo nhất là các vùng biển xa.

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA:

1. Khái quát đặc điểm tự nhiên của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

a. Quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm trên vùng biển có diện tích khoảng 16.000 km2, trong phạm vi từ 15º45' - 17º05' vĩ độ Bắc và 111º - 113º kinh độ Đông, cách đảo Lý Sơn [thuộc tỉnh Quảng Ngãi] của ta khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam [Trung Quốc] khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km². Quần đảo Hoàng Sa chia thành hai nhóm An Vĩnh [còn gọi là Nhóm Đông - Bắc] và Trăng Khuyết [còn gọi là nhóm Tây].

- Nhóm An Vĩnh : Nguyên là tên một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm các đảo tương đối lớn, Đảo Phú Lâm, Đảo Cây, Đảo Linh Côn và các bãi ngầm chính, trong đó lớn nhất là đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn [khoảng 1,5 km2].

- Nhóm Trăng Khuyết [hay còn gọi là nhóm Lưỡi Liềm]: Có hình cánh cung hay lưỡi liềm gồm có các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Thủy, Tri Tôn và các bãi ngầm.

b. Quần đảoTrường Sa

Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia.

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo nhỏ, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn, vùng biển rộng khoảng 160.000 -180.000km2, nằm trong phạm vi từ 6º50' - 12º vĩ độ Bắc; 111º30' - 117º20' kinh độ Đông, cách Cam Ranh [Khánh Hòa] khoảng 248 hải lý, cách đảo Phú Quý [Bình Thuận] khoảng 203 hải lý, cách đảo Hải Nam [Trung Quốc] khoảng 595 hải lý.

Diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 10 km², được chia làm 8 cụm [Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên], đảo cao nhất là Song Tử Tây [khoảng 4 - 6m], đảo lớn nhất là đảo Ba Bình [0,44 km2], sau đó là đảo Nam Yết [0,06 km2].

Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa Lớn

Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, một năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 30 - 20 ngày gió mạnh. Chỉ có tháng 4, tháng 5 là ít gió nhất; từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam.

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới [chỉ sau Địa Trung Hải]. Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông, trong đó có 15 đến 20 % tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có đèn biển, có luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh giông bão. Tuy nhiên việc điều động tàu vẫn khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày.

Đài tưởng niệm Liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn

Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước. Với vị trí ở giữa Biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực. Đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực [dự báo khoảng 7% năm], khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần Trường Sa nói riêng có vai trò to lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt sau khi xây dựng xong kênh KRA [ở Thái Lan] sẽ thu hút thêm lượng tàu biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội để chúng ta chia sẻ thị phần vận tải biển quốc tế, khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với đảo các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ đội Trường Sa trồng rau xanh cải thiện bữa ăn và tập luyện sẵn sàng chiến đấu

Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao. Sau khi xâm lược nước ta và đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Singapore, Indonesia.

Sau Hiệp định Genéve năm 1954, Mỹ can thiệp, đưa quân vào miền Nam Việt Nam, đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền Sài Gòn đóng giữ quần đảo Trường Sa, khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Bàn về Biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng: Ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ Biển Đông.

2. Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến nửa đầu thế kỷ 17 Chúa Nguyễn tổ chức đội Hoàng Sa [lấy người phủ Quảng Ngãi] ra Quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa tàu đắm, đánh bắt, đo vẽ, trồng cây, dựng mốc trên quần đảo. Nửa đầu thế kỷ 18: Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm đội Bắc Hải [lấy người phủ Bình Thuận] ra khai thác quần đảo Trường sa như đội Hoàng Sa.

- 1925: Thượng thư Bộ Binh của triều đình Huế khẳng định về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

- 1925 và 7/1927: Toàn quyền Đông Dương khảo sát Hoàng Sa và khẳng định, về địa chất, Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

- 1929: Pháp xây 4 trạm hải đăng ở Hoàng Sa.

- Tháng 9/1930: Pháp thông báo ngoại giao về việc chiếm đóng Trường Sa.

- 1933: Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

- 1938: Toàn quyền Đông Dương thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

- Tháng 9/1951: Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại tuyên bố hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam tại Hội nghị SanFrancisco mà không gặp phải ý kiến phản đối nào.

- Tháng 1/1974: Chính quyền Sài Gòn thông báo Hội đồng Bảo an về việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.

- Tháng 1/1974: Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố 3 điểm phản đối hành động dùng vũ lực của Trung Quốc ở Hoàng Sa.

- Tháng 4/1975: Ta giải phóng 6 đảo ở Trường Sa.

- Hiến Pháp năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ; Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều sâu rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng.

- Năm 1979, 1981 và 1988: Ta công bố Sách trắng khẳng định các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam về hai quần đảo.

- Tháng 12/1982: trong kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh [nay là tỉnh Khánh Hòa].

- Nghị quyết ngày 06/11/1996 kỳ họp thứ X Quốc hội khóa VII sáp nhập huyện đảo Hoàng Sa vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 17 khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.

MỘT SỐ ĐẢO Ở QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

1. Đảo Trường Sa Lớn:

Là một hòn đảo được mệnh danh là Thủ đô của huyện đảo Trường Sa nổi lên như một pháo dài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông, đảo Trường Sa ở vĩ độ 0803830N và kinh độ 11105555E, nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh [Khánh Hòa] khoảng 254 hải lý. Đảo có hình dáng gần như một tam giác vuông, có cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam dài 630m, chiều rộng nhất khoảng 300m, diện tích toàn đảo khoảng 0,15km2; mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim của nhiều loài chim sinh sống như hải âu, hải yến, vịt biển. So với mực nước biển lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 3,4-5m.

Đảo nằm trên nền san hô ngập nước, nền san hô ở phía Đông rộng thoai thoải, phía Tây hẹp, dốc. Trên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng 2m thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây, đây là sự ưu đãi của thiên nhiên cho con người ở đảo.

Đảo Trường Sa lớn nhìn từ trên cao

Điều kiện khí hậu, thủy văn ở đảo Trường Sa mang đặc trưng khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, có mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng, oi bức kéo dài từ 4 giờ 30 phút đến 19 giờ hàng ngày, nhưng đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra kiểm tra, nắm tình hình, thăm hỏi, tham quan, động viên bộ đội và nhân dân trên đảo. Đồng thời cũng là mùa đánh bắt hải sản của ngư dân ở các tỉnh ven biển Trung bộ, Nam Trung bộ và Nam bộ, vì thế, tuy có nắng, nóng, chật chội và thiếu nước ngọt nhưng đây là những tháng mà mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, dân và quân trên đảo trở lên sôi động hơn.

Thủy triều ở khu vực đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, số ngày nắng trên đảo nhiều, trên dưới 300 ngày trong năm. Nằm giữa biển khơi, chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Bắc thường xuyên thay nhau thịnh hành mang hơi nước từ biển thổi vào, gây hư hại cho các trang thiết bị, vũ khí và sự sinh trưởng của cây cối. Những tháng mùa mưa thời tiết mát mẻ hơn nhưng lại hay có giông gió bất thường ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo.

Thực vật ở đảo chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, phi lao, muống biển và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim nhưng sự phát triển, sinh trưởng kém do sự khắc nghiệt của khí hậu. Xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Chim có một số loài, nhiều hơn cả là cò và một số loài chim di cư theo mùa. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên, Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ Lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.

Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn do Chương trình Vì học sinh Trường Sa thân yêu xây tặng, khánh thành ngày 21-4-2013

Đảo Trường Sa [thị trấn Trường Sa] là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa; bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực Biển Đông, nhà khách Thủ đô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, trường học, tượng đài liệt sĩ, chùa

Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió. Trên thực tế, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật phần nhiều đã đến Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh. Với vị trí thuận lợi, Trường Sa hoàn toàn có thể trở thành địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển.

2.Đảo Đá Tây:

Đảo Đá Tây A

Đảo Đá Tây nằm trong quần đảo Trường Sa [huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa], cách Vũng Tàu khoảng hơn 300 hải lý, cách Nha Trang khoảng gần 300 hải lý. Đá Tây là đảo chìm có diện tích khá lớn với chiều dài khoảng 7 hải lý, chiều rộng khoảng 4 hải lý. Đảo Đá Tây được bao bọc xung quanh bởi bãi đá ngầm, san hô nhưng có phần không có đá, san hô với độ sâu lý tưởng, tạo thành một lòng hồ giữa biển. Với địa thế này, Đảo Đá Tây đã trở thành nơi neo đậu, trú ngụ an toàn cho tàu bè khi gặp sóng to, gió lớn và có tiềm năng trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá lớn của Việt Nam.

Đảo Đá Tây B

3. Đảo Đá Lát:

Đảo Đá Lát nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, tọa độ 0804042N và 11104012E, cách đảo Trường Sa khoảng 14 hải lý về phía Tây. Đảo Đá Lát nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 5,9km, rộng khoảng 1,6km, diện tích khoảng 9,9km2. Đá Lát là đảo san hô khép kín, phía trong là hồ nước, khi thủy triều lớn toàn đảo bị ngập nước, thủy triều xuống thấp các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Về thời tiết ở đây cơ bản chỉ có hai mùa: Mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-300C, thấp nhất 150C, cao nhất có khi lên đến 360C. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 76-80%, cao nhất là 97%, thấp nhất là 60%. Độ ẩm mang theo nhiều hơi sương muối làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh chóng xuống cấp và lương thực thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng.

Mỗi năm ở đây có tới hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng 4 là tháng ít có gió mạnh nhất, đây là thời điểm chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực đảo, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo.

Đảo Đá Lát

4.Đảo Đá Núi Le:

Đá Núi Le là bãi cát san hô ngầm, nằm ở vĩ độ 0804236N và kinh độ 11401106E, cách Cam Ranh hơn 300 hải lý, cách đảo Tốc Tan 6,0 hải lý về phía Đông. Đảo trải dài theo hướng Bắc - Nam, chiều dài khoảng 10km, rộng khoảng 5km. Đảo có thềm san hô xung quanh tương đối khép kín, bên trong là hồ, chiều dài 11 hải lý, chiều rộng 2,3 hải lý. Khi thủy triều xuống thấp nhất, rải rác có những điểm nhô lên khỏi mặt nước.

Đảo Đá Núi Le

Thời tiết khí hậu, thủy văn của đảo Núi Le phản ánh đặc trưng thời tiết, khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nắng, nóng, giông gió thất thường. Lượng mưa phân bổ không đều, mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4 không có mưa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 ngày nào cũng có mưa, có ngày lượng mưa hơn 200mm. Thủy triều của đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống.

Đảo có vị trí rất quan trọng, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực III thuộc quần đảo Trường Sa, gần các đảo Tốc Tan, Tiên Nữ, Phan Vinh, tạo thành lá chắn vòng ngoài, phía Đông của quần đảo Trường Sa bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương mỗi khi ra đánh bắt hải sản ở khu vực này. Trong khu vực đảo có nhiều loài tôm cá quý như cá ngừ, cá mú, tôm hùm, rùa biển đang được khai thác phục vụ cho nhu cầu đời sống của nhân dân và xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao.

5. Đảo Đá Lớn:

Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, nằm ở vĩ độ 1000342N và kinh độ 11305106E. Cách đảo Nam Yết khoảng 28 hải lý về phía Tây - Tây Nam. Khí hậu thủy văn ở Đảo Đá Lớn mang đặc trưng khí hậu thủy văn của đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm. Tuy nhiên do vĩ độ thấp nên buổi trưa hơi oi bức. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ sáng sớm đến tối xẩm. Tuy nhiên đây lại là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận tiện cho tàu thuyền đi lại, làm ăn trong khu vực.

Đảo Đá Lớn

Chế độ thủy triều của đảo là nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Số ngày nắng trên đảo thường dao động trên dưới 300 ngày trong năm. Đảo chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam. Mùa gió mạnh và hoạt động dài ngày là gió mùa Đông Bắc về mùa Đông và gió mùa Tây Nam về mùa hè, mang hơi nước mặn từ biển gây hư hại cho vũ khí, trang bị và ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ chiến sĩ trên đảo. Mùa mưa thời tiết mát mẻ hơn, nhưng hay có giông tố, bão, áp thấp. Cùng với các đảo trên quần đảo Trường Sa, Đá Lớn là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Nằm trong cụm đảo Nam Yết, Đá Lớn có thể phối hợp với các đảo trong cụm và trong quần đảo tạo thành thế trận liên hoàn, bảo vệ cho mình và cho các đảo khác chống lại sự xâm chiếm và lấn chiếm của các lực lượng nước ngoài.

Để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từ năm 1988 đến năm 1994, được sự chỉ đạo và đầu tư của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Công binh Hải quân đã xây dựng 3 nhà lâu bền, mở một luồng vào lòng hồ. Tùy thuộc vào sóng gió mà tàu ra đảo có thể vào neo đậu ở gần các nhà lâu bền để làm công tác chuyển tải. Xung quanh Đá Lớn, sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá quý hiếm như: cá chim, cá thu, cá ngừ và một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền của các địa phương ven biển Việt Nam và các nước trong khu vực đến đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông đúc. Từ vị trí địa lý và giá trị kinh tế của đảo Đá Lớn nói riêng cũng như khu vực quần đảo Trường Sa nói chung, càng khẳng định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa có một ý nghĩa chiến lược rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

6. Đảo Sơn Ca:

Đảo Sơn Ca nằm ở vĩ độ 1002236N và kinh độ 11402842E; cách đảo Ba Bình 6,2 hải lý về phía Đông. Đảo hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đảo dài khoảng 450m, rộng chừng 102m, khi thủy triều xuống thấp nhất đảo cao từ 3,5-3,8m. Trên đảo có nhiều cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm lá xum xuê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim sơn ca. Do nhu cầu bản năng, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.

Đảo Sơn Ca

Là đảo nổi, mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô, được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim, không có đất màu nên việc trồng rau xanh khó khăn. Nằm trên nền san hô ngập nước, đảo không có nước ngọt. Địa hình đảo nhô cao ở giữa, thoải dần về thềm san hô bao quanh đảo. Khí hậu, thủy văn ở đảo Sơn Ca mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm. Tuy nhiên do ở vĩ độ thấp nên thời tiết buổi trưa hơi oi bức. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô, thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng kéo dài từ sáng sớm đến xẩm tối.

Thủy triều ở đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Số ngày nắng trên đảo thường dao động trên dưới 300 ngày trong năm. Đảo chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam, mạnh và hoạt động dài ngày là gió mùa Đông Bắc về mùa đông và gió mùa Tây Nam về mùa hè, mang hơi nước từ biển gây hư hại cho vũ khí, trang thiết bị và sinh trưởng của cây cối. Những tháng mùa mưa thời tiết mát mẻ hơn, nhưng hay có giông gió bão ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo. Thực vật ở đảo khá phong phú, đa dạng về chủng loại, song nhiều hơn cả là cây bàng quả vuông, sồi, phi lao, muống biển và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên và do cán bộ, chiến sĩ mang từ đất liền ra đảo, lâu ngày phù hợp với điều kiện thời tiết, thiên nhiên của đảo nên phát triển tốt, xanh mát quanh năm. Có thể nói, cùng với Song Tử Tây, Sơn Ca là một trong hai đảo có thảm thực vật phong phú xanh tốt. Xung quanh đảo, biển có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Chim có một số loài, nhiều hơn cả là chim sơn ca và một số loài chim di cư theo mùa.

7. Đảo Sinh Tồn:


Hình ảnh cụm đảo Sinh Tồn [huyện Trường Sa, Khánh Hòa]

gồm đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.

Tuy nhiên, đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 14/3/1988

Trường Tiểu học trên đảo Sinh Tồn do Chương trình Vì học sinh Trường Sa thân yêu Giai đoạn II xây tặng, khánh thành ngày 19-4-2014

Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 9005312N và kinh độ 11401942E cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 15 hải lý về phía Tây. Đảo chạy dài theo hướng Đông - Tây có chiều dài 0,39km, rộng 0,11km và nằm trên một nền san hô ngập nước. Rìa ngoài của nền san hô ngập nước cách bờ đảo từ 300-600m. Xung quanh đảo có bờ cát rộng từ 5-10m; phía hai đầu đảo theo hướng Đông - Tây có hai doi cát. Doi cát phía Đông dài hơn doi cát phía Tây và có kích thước khoảng 140x45m, cả hai doi cát này thường di chuyển theo mùa sóng gió.

Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông, cây bão táp, cỏ dại, đất qua cải tạo có thể trồng được rau xanh. Đảo không có nước ngọt.

8. Đảo Đá Thị:


Đảo Đá Thị nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, vĩ độ 1002442N và kinh độ 11402212E, cách đảo Sơn Ca khoảng 6 hải lý về phía Đông - Đông Bắc, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Thị có hình hơi tròn và dẹt về hai đầu, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, là đảo đá ngầm dài 1,5-2km, rộng khoảng 1-1,3km. Đảo có độ dốc về hướng Đông Nam, độ sâu của đảo không đều, khi nước thủy triều cao khoảng 1,2m thì toàn bộ đảo nằm dưới mặt nước khoảng 0,6m. Khi mặt đảo nhô lên khỏi mặt nước 0,3m thì ở giữa đảo vẫn còn chỗ có nước.

Về thời tiết ở đây cơ bản có hai mùa: Mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25-290C, thấp nhất 140C, cao nhất 350C.Độ ẩm trung bình hàng năm từ 76-80%, cao nhất là 97%, thấp nhất là 60%. Độ ẩm mang theo nhiều hơi sương muối làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh chóng xuống cấp và lương thực thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng.

Đảo Đá Thị

Mỗi năm ở đấy có tới hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng 4 là tháng ít có gió mạnh nhất, đây là thời điểm chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực đảo, biển động, sóng cao từ 4-5m, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo.

9 .Đảo Đá Cô Lin:

Đảo Đá Cô Lin nằm ở vĩ độ 0904624N và kinh độ 11401512E, nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi đá Gạc Ma [Trung Quốc chiếm giữ] khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía Tây - Tây Nam. Đá Cô Lin có dạng một hình tam giác nhưng cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lý. Khi thủy triều lên, đảo bị ngập chìm trong nước. Khi thủy triều xuống thấp, cả đảo chỉ lộ ra một vài hòn đá mồ côi.

Điều kiện khí hậu, thủy văn ở đá Cô Lin mang đặc trưng khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, có mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhưng tháng mùa khô khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng, oi bức kéo dài từ 4 giờ 30 phút đến 19 giờ hàng ngày. Tuy nhiên đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra kiểm tra nắm tình hình, tham quan, động viên bộ đội trên đảo. Đồng thời cũng là mùa đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển Trung bộ, Nam Trung bộ và Nam bộ. Ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, số ngày nắng trên đảo chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Bắc thường xuyên thay nhau thịnh hành mang hơi nước từ biển thổi vào, gây hư hại cho các trang thiết bị, vũ khí. Những tháng mùa mưa thời tiết mát mẻ hơn nhưng lại hay có giông gió bất thường, ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo.

Đảo Đá Cô Lin

Ở đá Cô Lin và khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều loài chim sinh sống, đặc biệt là cò và một số loài chim di cư theo mùa. Xung quanh đảo, phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá quý như chim, thu, ngừ và một số loài hải sâm có giá trị dinh dưỡng cao. Mùa biển lặng, tàu thuyền tập thể, cá nhân của các cơ sở đánh bắt xa bờ, tàu của các nước trong khu vực đến đánh bắt hải sản tương đối đông đúc.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc, lực lượng Hải quân đã xây dựng ở đây một nhà lâu bền và một nhà cao chân; hai nhà này cách nhau khoảng 100m. Với vị trí tiền tiêu, đá Cô Lin cùng phối hợp với các đảo khác của quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc; là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo; bảo vệ hướng phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ.

10.Đảo Phan Vinh:

Đảo Phan Vinh hay còn gọi là đảo Hòn Sập, nằm ở vĩ độ 0805806N và kinh độ 11304154E, nằm cách bãi đá Tốc Tan khoảng 14 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Châu Viên [Trung Quốc chiếm giữ] khoảng 47 hải lý về phía Đông. Đảo nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài 132m, rộng 72m, ở đầu cuối phía Đông Bắc trên một nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ở phía Tây của vành san hô này có 1 xác tàu đắm luôn nhô cao trên mặt nước biển.

Đảo Phan Vinh

Đảo không có nước ngọt, có cây xanh, lúc thủy triều xuống thấp nhất, người có thể lội bộ từ đảo đến xác tàu đắm. Ở giữa vành đai san hô là một hồ nước sâu. Rìa ngoài của vành san hô ở hướng Bắc và Đông Bắc đến bờ đảo dài khoảng 200m. Hiện nay ta đã xây dựng trên nền san hô đó 1 nhà lâu bền còn gọi là đảo Phan Vinh B. Tại điểm này có một lạch được dọn sạch đá san hô rất tiện cho việc chèo xuồng ra vào đảo; khi thủy triều xuống còn 0,4-0,5m, người có thể lội qua thềm san hô để vào đảo mà nước cũng chỉ sâu đến đầu gối chân. Tại thềm san hô tận cùng phía Tây của vành san hô hình vành khuyên, cách mép sóng khoảng 200m có 1 bãi san hô, khi thủy triều xuống còn 1,7m thì bãi này bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước và khi thủy triều còn khoảng 1,5m thì bãi đá nổi cao thành hình một bãi san hô dài khoảng 50m, rộng từ 5-10m.

Khu trồng rau trên đảo Phan Vinh

11. Nhà Giàn DK1:


DK1 là cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. Trên khu vực Biển Đông, Việt Nam đã xây dựng cụm 7 khu vực nhà giàn, mỗi nhà giàn là một Trạm Dịch vụ Kinh tế-Khoa học kỹ thuật [DVKT-KHKT], giao Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý.

DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ-Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.

Đặc điểm:

Như những cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại vùng thềm lục địa này, các nhà giàn được những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam canh giữ đêm ngày. Điều kiện nhà giàn cực kỳ thiếu thốn, không có điện, thiếu nước ngọt, khả năng liên lạc hạn chế. Khả năng tiếp vận chỉ có thể thực hiện được vào những ngày đẹp trời 6 tháng một lần, vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 8. Điều kiện tiếp vận cũng rất khó khăn cho việc tiếp vận bằng tàu hoặc bằng trực thăng. Những người làm nhiệm vụ trên nhà giàn khu DK1 thường ít nhất phải trải qua 8-9 tháng mới trở về đất liền.

Rau xanh trên nhà giàn DK 1

Đầu năm 2009, báo Tuổi Trẻ phát động chương trình Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1 - lắp đặt pin mặt trời và hệ thống điện gió trên toàn bộ các nhà giàn. Đến ngày 01/01/2011, tất cả các nhà giàn DK1 đã có điện. Cùng thời gian này, Viettel và VNPT cũng thực hiện việc cải tiến và tăng công suất nâng khả năng phát sóng của trạm BTS ở khu vực biển đảo, cùng với việc lắp đặt các trạm thu sóng từ vệ tinh Vinasat-1, trạm tiếp sóng, giúp mở rộng cả khả năng kết nối Internet và liên lạc bằng điện thoại di động thông thường từ các nhà giàn.

Cụm nhà giàn Quế Đường được thành lập chính thức từ ngày 4 tháng 11 năm 1991, xây dựng trên bãi cạn Quế Đường [Grainger Bank] thuộc thềm lục địa phía Nam. Cụm hiện tại có 2 nhà giàn đang sử dụng. Nhà giàn DK1/8: Còn gọi là nhà giàn Quế Đường A, hoàn thành ngày 4 tháng 11 năm 1991. Đây là nhà giàn có ngọn hải đăng Quế Đường.

Nhà giàn DK 1/8 [Quế Đường]

[Nguồn sưu tầm]

Video liên quan

Chủ Đề