Học sinh Mỹ học gì về chiến tranh Việt Nam

Dưới đây là đoạn trích từ bài viết của Bill Bigelow, tác giả sách về cải cách giáo dục và phương pháp sư phạm, giảng dạy tại trường trung học Franklin, bang Oregon, về cách dạy lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Phương pháp là thầy trò cũng đóng kịch để hồi tưởng sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam [Role Playing the Origins of U.S. Involvement in Vietnam]. Bài đăng trên tạp chí Rethinking Schools [Xét lại tư duy dạy và học] nơi Bill Bigelow làm biên tập. Tác giả khuyên dùng cách mô tả [description] thay cho giảng giải [explanation] để dạy sử...

Liên Hiệp quốc từng tuyên bố 10 năm đang qua là thập niên của hòa bình. Nhưng điều trớ trêu đầy phiền muộn, là việc dạy sử vì hòa bình lại bắt đầu với việc học sử về chiến tranh. Nếu chúng ta không xem xét cẩn thận các động lực gây chiến, để thấu hiểu những nguồn gốc của các cuộc xung đột trên toàn cầu, chúng ta sẽ không thể đề cập các giải pháp [hòa hoãn] có sức thuyết phục, do không có được cơ sở để hình dung thế nào là hòa bình.

 

 Việt Nam 1945. Nguồn ảnh: Tạp chí Rethinking schools.

Tiếc thay, khi tìm căn nguyên của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, không một giáo khoa lịch sử nào của Mỹ nhìn lại được xa hơn những năm 1950. Vì sao Hoa Kỳ dính líu vào Việt Nam? Như James Loewen chỉ ra trong ‘Những điều dối trá mà thày dạy tôi’ [Lies My Teacher Told Me] – phê bình 12 cuốn giáo khoa sử bán chạy nhất, “Hầu hết các giáo khoa sử đều lẩn tránh chủ đề này. Một phép phân tích có tính tiêu biểu từ sách ‘Những cuộc phiêu lưu của Mỹ’ [American Adventures]: “cuối những năm 1950, chiến tranh bùng nổ ở Nam Việt Nam. Lúc này Hoa Kỳ đang viện trợ cho chính phủ Nam Việt Nam”.

“Chiến tranh bùng nổ” [!] – không lẽ môn sử lại được dạy đơn giản như thế?

… Khi lập giáo án với những lời giải thích, mà không giảng giải, như vậy, giáo viên thần bí hóa không chỉ các căn nguyên không chỉ của cuộc chiến ở Việt Nam, mà của mọi thứ chúng ta đang dạy. Học sinh phải học cách phân biệt giảng giải thích với mô tả, các khái niệm như “chiến tranh bùng nổ”, hay “hỗn loạn bùng phát”.

Trong tư duy về các sự kiện xã hội để nhận biết các nguyên do căn bản, việc luôn đặt các câu hỏi: “Vì sao?”, “Vì lợi ích của ai?” cần trở thành tập quán chủ đạo trong đầu của cả người dạy và người học. Chỉ bằng cách phát triển các công cụ nghi vấn sâu, mới làm cho học sinh tìm cách hiểu rành mạch về các cuộc xung đột trên toàn cầu hôm nay.

 

 Một ấn phẩm về cải thiện chất lượng trường công lập ở Mỹ.

Đặc biệt là khi dạy các vấn đề như lịch sử Việt Nam, việc mô tả, mà không giảng giải, gây được sự say mê. Xét cho cùng, đã có biết bao phụ liệu [stuff – chất độn] cho vấn đề Việt Nam: không biết bao nhiêu phim, vô số tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, rồi những cựu binh tới các lớp để nói chuyện… Tất cả những tài nguyên đó đều tuyệt, và sống động, nhưng nếu một nền tảng là những nguyên nhân gây ra chiến tranh không được kiến thiết sẵn, thì việc sử dụng những chất độn kê ở trên sẽ chỉ gây ra sự tọc mạch [voyeuristic], mà không có được hiệu quả giáo dục.

Đóng vai nhân vật lịch sử

Một ấn phẩm về cải thiện chất lượng trường công lập ở Mỹ

Giáo viên lập ra hai nhóm nhân vật chính cho học sinh đóng: các đại diện của Mặt trận Việt Minh, và các thành viên của chính phủ Pháp/ các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Có thể thêm các vai: các nhà quản trị tập đoàn kinh doanh Mỹ… các địa chủ Việt Nam đứng về phe Pháp. Các em có thể được phát một “kịch bản” [student handout], gợi ý cách nhập vai.

Mỗi nhóm được mời tới gặp “tổng thống Truman” [người mà về sau các học sinh sẽ được học, không bao giờ tiến hành một cuộc gặp như thế], để trình bày lập trường của mình về vấn đề độc lập cho Việt Nam. Giáo viên đóng vai tổng thống Truman, và chủ trì cuộc gặp. Các thành viên của từng nhóm phải giải thích với “tổng thống”:

• Họ chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thế giới II ra sao. • Vì sao Hoa Kỳ phải để tâm đến những gì đang xảy ra ở Việt Nam, và những trách nhiệm nào mà nhóm này cho rằng Mỹ phải cáng đáng… • Liệu Hoa Kỳ có cần phải cảm thấy bị đe dọa bởi chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam… • Tổng thống Truman, theo ý của từng nhóm, cần hành động ra sao với Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: ủng hộ, làm ngơ, hay chống lại bản Tuyên ngôn này;

• Chính phủ Hoa Kỳ [sau thế chiến II] có nên cho người Pháp vay nợ, và nếu định cho vay nợ, thì nên kèm theo những điều kiện nào?

Nguyễn Vy [23 tuổi], cựu học sinh trường cấp ba Hamilton [thành phố Chandler, bang Arizona] cho biết, Lịch sử là môn học yêu thích nhất của em khi chuyển sang định cư ở đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Sách giáo khoa Lịch sử của Mỹ gây hứng thú cho học sinh bởi có nhiều hình ảnh, bản đồ… minh họa in màu sinh động. Tuy vậy, học liệu hấp dẫn nhất của môn nằm ở những bộ phim tài liệu, phim điện ảnh, các bài báo có nội dung liên quan mà học sinh được xem và những câu chuyện giáo viên kể.

"Mỗi ngày chúng em được nghe một câu chuyện mới về các sự kiện lịch sử, như: giả thuyết về những người bị tình nghi đã ám sát Tổng thống John F. Kenedy. Nhiều sự kiện, học sinh được dành nguyên 1-2 tiết để xem phim điện ảnh có liên quan. Sách giáo khoa ít khi cần dùng tới trong giờ học mà kiến thức Lịch sử vẫn được chúng em nhớ nằm lòng", Vy kể lại. Sau khi tiếp cận học liệu, học sinh sẽ đặt câu hỏi, nêu ý kiến cá nhân để cả lớp cùng tranh luận. Bài kiểm tra sau đó sẽ gồm những câu trắc nghiệm đơn giản, như: Tổng thống Mỹ nào đã ra quyết định trong cuộc chiến khi học bài về chiến tranh Việt Nam.

Nhiều vụ bê bối trong lịch sử nước Mỹ được nhắc tới trong sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh. Ảnh người dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Ảnhtư liệu.

Nữ sinh được toàn điểm A trong tất cả môn Lịch sử thế giới, Lịch sử nước Mỹ… cho biết, 10 năm học ở Việt Nam em rất ghét môn học này vì phải học vẹt hàng trăm sự kiện được nêu một cách cứng nhắc trong sách giáo khoa. "Ám ảnh" nhất là việc em phải ghi nhớ cả núi mốc sự kiện, hàng trăm ngày tháng chẳng liên quan đến cuộc sống hiện tại của bản thân.

Không chỉ phong phú về hình thức thể hiện, theo cựu học sinh trường Hamilton, môn Lịch sử của Mỹ còn hấp dẫn bởi không che giấu sự kiện, kể cả vụ bê bối của lãnh đạo. "Trong sách Lịch sử của Mỹ, chưa hẳn mọi thứ đều được kể lại. Nhưng dựa trên những gì em học thì chương trình có nhắc đến cả vụ tai tiếng, bê bối của lãnh đạo. Họ công nhận cái sai quá khứ của mình", Vy chia sẻ.

Nữ sinh dẫn chứng rất nhiều vụ bê bối của Mỹ được nhắc đến trong chương trình học Lịch sử cấp ba như: cuộc nội chiến Nam Bắc, vụ WaterGate của Tổng thống Richard Nixon, khủng hoảng Kinh tế Mỹ 1929-1939, cuộc ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kenedy, chiến tranh Việt Nam… Các sự kiện này, theo Vy đều được kể rất chi tiết trong sách giáo khoa và qua nguồn tài liệu tự sưu tầm của giáo viên. Ví dụ, vụ bê bối của Richard Nixon đã nói rõ sự việc xảy ra như thế nào, Tổng thống đã che đậy thông tin ra sao rồi sau đó phải từ chức.

Nội dung về chiến tranh Việt Nam thì nêu cả lịch sử đất nước hình chữ S bị đô hộ như thế nào qua các thời kỳ, nguyên nhân nước Mỹ tham chiến và những quyết định sai lầm được đưa ra ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, xã hội, chính trị của 2 nước. "Bài giảng có đề cập đến việc rất nhiều công dân Mỹ đã biểu tình chống lại sự tham chiến của chính phủ, rất nhiều binh lính Mỹ đã thiệt mạng khi chiến đấu cho mục đích không rõ ràng… Chất độc da cam cũng được đề cập là sai lầm mà Mỹ", Vy kể.

Tùy mức độ tác động đến lịch sử phát triển đất nước mà mỗi sự kiện được nêu với độ dài ngắn khác nhau trong chương trình học Lịch sử. Nội dung về chiến tranh Việt Nam, các học sinh ở trường Hamilton đã được học kéo dài hơn 3 tuần. Cuộc nội chiến hai miền Nam Bắc về vấn đề nô lệ và phân biệt chủng tộc cũng được dạy trong gần một tháng. "Việc học những sai lầm trong lịch sử giúp chúng em nhận ra ranh giới giữa sai và đúng. Ví dụ học về sai lầm trong quyết định của vị tổng thống nào đó khiến em nhận ra một phần trách nhiệm của bản thân trong bầu chọn vị lãnh đạo tương lai", nữ sinh chia sẻ.

Vy cho biết đã rất trăn trở trước câu hỏi tại sao 2 năm học Lịch sử ở Mỹ lại cho em nhiều kiến thức về đất nước này trong khi có 10 năm học Lịch sử Việt Nam nhưng giờ không nắm rõ. Nhiều sự kiện như: hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới 1979, trận Vị Xuyên 1984, hải chiến Trường Sa 1988… em không hề được học hoặc chỉ biết tên, còn nội dung trận đánh ra sao thì không có thông tin gì nơi sách giáo khoa, các bài giảng của thầy cô.

Nữ sinh viên Đại học bang Arizona [Mỹ] cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam rất nên có những thay đổi về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy để đưa Lịch sử đến gần, đầy đủ hơn với mọi thế hệ học sinh, sinh viên.

Về nội dung đưa các sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa, GSVũ Dương Ninh cho rằng, nhất thiết phải đề cập đầy đủ vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và đòi hỏi của xã hội. Nhiều nhà sử học và độc giả VnExpress cũng đồng tình với ý kiến này.

Ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sẽ xem xét đưa nội dung các cuộc chiến vào sách giáo khoa mới với dung lượng phù hợp. Trong lúc chưa có bộ sách mới, Bộ khuyến khích các trường học, tổ bộ môn Lịch sử đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa, chuyên đề.

Quỳnh Trang

Video liên quan

Chủ Đề