Danh sách di tích văn hóa tỉnh hà tĩnh năm 2024

Danh y Lê Hữu Trác xưa sống và làm việc ở khu Vườn Đào, về sau là nơi xây nhà thờ ông, thuộc xóm 8, xã Sơn Quang bây giờ.

Tương truyền, khi sắp mất, ông dặn con cháu đưa diều giấy ra thả, diều rơi ở đâu thì đặt mộ ông ở đó. Mộ được đặt đúng vị trí diều rơi trên một mái núi, sau gọi là núi Cánh Diều, tên chữ Minh Tự sơn, thuộc xóm 7, xã Sơn Trung.

Khu nhà thờ - Vườn Đào và khu mộ - Núi Cánh Diều là hai điểm của Khu lưu niệm Lê Hữu Trác , nối với nhau bằng con đường nhựa 8km dài, mang tên Đường Hải Thượng Lãn Ông .

Khu mộ rộng 4200m 2 có hai công trình lớn: Mộ và Tượng Đài.

Mộ trước kia ghép đá, năm 1989 xây xi-măng, nay được ốp đá thanh xanh. Dưới núi là nhà bia.

Phía sau mộ, trên nền cây rừng là Tượng đài. Tượng Lãn Ông cao 16,91m, nặng 350 tấn, tay phải cầm cuốn sách để ngang trước ngực, đặt trên bệ cao. Mặt trước bệ có dòng chữ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - 1720-1791” . Một tảng đá lớn phía sau khắc dòng chữ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” và Mười điều răn của Lãn Ông. Đàng trước là bức bình phong bằng đá cẩm thạch nguyên khối nặng 17 tấn, khắc ba chữ “Đức lưu quang” .

Đường từ mộ lên tượng đài dài 629m, rộng 2,50m, có 231 bậc ghép đá thanh, có 51 chỗ nghỉ. Hai bên lối lên là cây xanh bắt đầu tỏa bóng.

Khu Từ đường đặt trên vùng đất Vườn Đào xưa, rộng 13.500m 2 , mặt ngoảnh hướng nam. Tòa thượng đường nguyên là nhà thờ họ Lê Hữu làm năm Thành Thái thứ nhất (1889) ở xã Sơn Hòa, chuyển về đây năm 1972. Nhà vẫn giữ nguyên trạng xưa, ba giàn gỗ mít kiểu “tam oai tứ trụ”, cầu phong gỗ lim, ba cửa bức bàn, cửa giữa bốn cánh, các cửa bên ba cánh, đều chạm hoa lá, dây leo. Nền nhà được tôn cao để cân xứng với tòa tiền đường năm gian mới dựng, bộ khung lim vững chãi đã lên nước đen bóng.

Bàn thờ đặt gian giữa Thượng đường, có pho tượng bán thân của Lãn Ông bằng thạch cao. Gian phải và gian trái treo bản “Niên biểu” của Lãn Ông. Tiền đường là nhà khách.

Khác với khu Mộ - Tượng đài nguy nga, hiện đại, khu Từ đường với hai ngôi nhà thiết kế kiểu truyền thống dựng trong Vườn Đào xưa, tạo nên quang cảnh mát mẻ, yên tĩnh. Giữa màu xanh của vườn thuốc, vườn cây cảnh, vườn cây bóng mát do nhân dân và quan khách trồng lưu niệm chuyến đến thăm, có ngôi nhà bia, đặt tấm bia đá ghi tiểu sử, sự nghiệp và công đức của Hải Thượng Lãn Ông. Tất cả gợi lên cảnh “Vườn Đào” với những “đình Nghinh phong”, “lầu Tị huyên”, “đình Tối Quảng”, “nhà Di Chân” nơi xưa kia Lãn Ông ngồi câu cá, gảy đàn, đọc sách, di dưỡng tinh thần...

Khu lưu niệm Đại danh y Lê Hữu Trác trải dài trên 8km giữa một vùng núi sông hùng vĩ, xứng là một Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia .

2 - CHÙA TƯỢNG SƠN

DI TÍCH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CẤP QUỐC GIA

Chùa Tượng Sơn ở xóm Vĩnh Tuy (xóm Chùa), làng Yên Hạ (làng Quát), xã Tình Diệm, nay là xã Sơn Giang. Chùa nằm sát bờ bắc sông Phố, sau lưng có núi Seo Voi – Tượng Sơn, nên có tên Tượng Sơn tự. Phía tây, đầu núi Voi có khe Hầm Hầm, do đó dân gian gọi chùa Hầm Hầm.

Chùa Tượng Sơn liên quan mật thiết với cuộc đời Đại danh y Lê Hữu Trác. Chùa dựng đầu thế kỷ XVIII, do bà Tham đốc – mẹ bà Bùi Thị Thường, thân mẫu anh em Lê Hưu Tán, Lê Hữu Trác, lập lên. Hai ông cùng mẹ trông coi việc xây cất.

Trước sau bảy nhà sư trụ trì – đều người họ Lê – đã có công tu bổ, tôn tạo, mở mang thêm để ngôi chùa có quang cảnh như bây giờ. Hai vị có công lao và có tiếng tăm nhất là Thích Phổ Quang và Thích Quảng Vận. Thích Phổ Quang thế danh Lê Hữu Ân, là cháu gọi Lê Hữu Trác bằng ông chú. Khởi đầu ông tu ở chùa Hoàng Chung, làng Hoành Sơn - Thanh Chương (nay là Nam Hoành – Nam Đàn). Tháng bảy năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua mở khoa thi Tam giáo, cả nước có 174 nhà sư dự thi, triều đình chấm đỗ 44 vị, trong đó 4 vị đỗ loại ưu, 40 vị đỗ loại bình. Thích Phổ Quang đỗ thứ 7. Các vị thi đỗ được vua ban yến tại Chùa Thiên Mụ và tặng thưởng. Thích Phổ Quang được ban một long đao, một đạo long điệp, 8 lạng bạc và lương tiền làm lộ phí. Đặc biệt vua ban cho một quả ấn khắc 5 chữ “Lê từ quang chi ấn”. Sau đó, Thích Phổ Quang về trụ trì chùa Tượng Sơn. Ông đã cho làm lại chùa thượng, dựng gác chuông tám mái, đúc quả đại hồng chung có khắc bài ký và 4 chữ nổi “Tượng Sơn tự chung”.

Thích Quảng Vận, thế danh là Lê Khả Cơ. Năm Tự Đức thứ 23 (1870) ông trùng tu chùa Thượng, kiến thiết nhà tổ, làm nhà khách, nhà thập bát, xây bể cạn, bồn hoa cây cảnh. Đặc biệt ông trồng được một vườn cây ăn quả rộng một mẫu, có đủ loại trầu cau, cam, bưởi, mơ, mận, hồng, na... Vườn cây vừa tăng thu nhập cho nhà chùa vừa làm cho cảnh chùa thêm đẹp.

Chùa hiện nay có ba ngôi, chùa Thượng gồm chính điện thờ Phật Thích Ca, bên phải thờ ông bà Tham Đốc, bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu. Hai bên phía bên ngoài chính điện thờ các tiên vong quy y kỳ tiến. Chùa Hạ là lầu chuông tám mái, chạm trổ tinh xảo. Tầng trên là gác chuông, tầng dưới là nơi hành lễ. Sát bên cạnh chùa Thượng là nhà tổ, thờ Tổ Đạt Ma và lịch đại tổ sư. Trong chùa có nhiều pho tượng Phật với nhiều dáng vẻ khác nhau, rất đẹp, trình độ nghệ thuật tạc tượng cao, nhất là pho tượng lớn Bồ tát Chuẩn đề 18 tay. Đó là những pho tượng cổ được bảo quản lâu đời cùng nhiều đồ thờ tự khác. Ngoài ra, chùa mới có một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá hoa cương trắng nguyên khối cao 3,2m đặt trong lầu Quan Âm. Trước sân nhà tổ là cổng tò vò xây theo kiểu chồng diêm. Bên phải là 3 nhà khách rộng rãi, phía sau là tăng xá phương trượng. Về phía góc trái vườn chùa có 7 am mộ của các nhà sư trụ trì. Mộ bà Tham Đốc trước ở trên núi Tượng Sơn, cũng đã đưa về đây.

Ngôi chùa cổ này được tôn tạo nâng cấp mà vẫn giữ được nguyên mẫu, với nhiều cổ vật, là một di tích vô cùng quý giá. Tọa lạc giữa một vùng núi sông, khe suối làng mạc, ruộng đồng xanh tươi, chùa Tượng Sơn là một thắng tích trong quần thể Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

3 – NHÀ THỜ TIẾN SĨ NGUYÊN VĂN LỄ

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA (1)

Nhà thờ Nguyễn Văn Lễ ở xã Sơn Bình, xây dựng năm 1818, thờ ba vị đại khoa:

1. Nguyễn Văn Lễ

2. Nguyễn Thủ Xứng

3. Nguyễn Xuân Vịnh

Nguyễn Văn Lễ là thân sinh Nguyễn Thủ Xứng và là Tổ khảo Nguyễn Xuân Vịnh, dòng dõi công thần khai quốc nhà Lê – Đình thượng hầu, Thượng tướng quân Nguyễn Lỗi (?-1434), quê làng Đề, tổng Yên Thái, huyện Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, theo Bình Định vương Lê Lợi vào Đỗ Gia, có công, được phong lộc điền ở Yên Ấp.

Về sau, khoảng năm Hồng Đức, con trai trường của ông là Thái bảo Nguyễn Đức Lý vào khai khẩn lộc điền, lập lên làng Bảo Thịnh, xã Dương Trai (nay là xã Sơn Bình). Ông là thủy tổ họ Nguyễn Dương Trai, thường gọi họ Bổn (Gốc (?).

Huyền tôn của Nguyễn Đức Lý là Nguyễn Quang Thâm đỗ Hương cống, làm Tri huyện Kim Bảng.

Nguyễn Văn Lễ (1604-?) là con trưởng Nguyễn Quang Thâm, 20 tuổi đỗ Hương cống, 47 tuổi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ khoa Canh Dần (1650), làm đến Tả thị lang bộ Lại, thăng Thượng thư bộ Công, vinh phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Hải văn hầu.

Ông có công giúp dân làng đắp đập Khe Su lấy nước chống hạn, dân gọi là “Đập quan Thị”. Ông vận động cưới chợ Hôm ở Cồn Rò (Rùa) và đắp con đường từ Cồn Rò đến Cửa Ông, nay dấu tích cũ hãy còn...

Nguyễn Thủ Xứng (1642-?) cũng 20 tuổi đỗ Hương cống, 42 tuổi đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1683), làm quan đến Hiến sát sứ Hải Dương.

Nguyễn Xuân Vịnh (1679-1750) là con thứ hai của Nguyễn Thủ Xứng. Ông sinh ở xã Yên Phú, huyện Đường Hào xứ Hải Dương (nay là thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), lúc thân sinh ông làm quan ở đó. Ông là ấm sinh, được vào học trường Quốc tử giám, đỗ Hương cống làm việc ở Quốc tử giám. Khoa Tân Sửu (1721) ông thi đỗ Tam giáp Tiến sĩ, làm quan đến Hiến sát sứ kiêm Đốc đồng xứ Nghệ An.

Do khi đi thi, ông lấy sinh quản xã Yên Phú để kê khai nên Đăng khoa lục chép ông người Đường Hào, Hải Dương. Khi làm quan ở Nghệ An, ông thường về quê Dương Trai, và sau khi mất có nhà thờ ở đây.

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Văn Lễ tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, trên một khu đất rộng 780m 2 , xung quanh là làng mạc sầm uất, ruộng đồng xanh tốt, trước mặt là dòng sông Phố.

Nhà thờ có Thượng đường và Hạ đường, bố trí kiểu chữ nhị (=). Hai tòa nhà tứ trụ ba gian lim mít, mái ngói, tường xây bít đốc. Trên nóc hạ đường đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Trên nóc thượng đường có hổ phù đội mặt trời. Phía trước hạ đường thưng ván, có 3 cửa, cánh then đố có khắc chạm hoa văn. Mặt sau thượng đường xây tường, mặt trước thưng ván có cửa trục xoay đóng mở.

Nhà thờ còn giữ được rất nhiều hiện vật quý giá như bia đá, hoành phi, câu đối, cờ biển và 6 đạo sắc phong. Bức hoành phi treo chính giữa hạ đường có ba đại tự ĐỨC LÝ MÔN.

Đôi câu đối trong thượng điện có nội dung:

Văn chương thiên cổ báu

Hiền hiếu nhất tâm sinh.

Gian giữa thượng đường thờ Tiến sĩ Nguyễn Văn Lễ, gian bên trái (Chiêu) thờ Tiến sĩ Nguyễn Thủ Xứng, gian bên phải (Mục) thờ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vịnh.

Không nguy nga, đồ sộ, hai tòa nhà cổ kính đã đứng vững qua hai thế kỷ đầy biến động, lưu giữ không chỉ là những di vật quý giá của thời xưa mà cả những ký ức lịch sử, soi đường cho con cháu hôm nay.

______________

(1) Quyết định số 53QĐ/ BVHTT ngày 28-12-2001 ghi là “Nhà thờ Nguyễn Lỗi”.

4 – NHÀ THỜ CHƯỞNG VỆ CAO THẮNG

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng dựng trên một ngọn đồi ở xóm Lộc Giang, thôn Yên Đức (nay là xóm Cao Thắng), xã Sơn Lễ.

Thật ra, đây không phải là nhà thờ riêng Cao Thắng mà là nhà thờ họ Cao Sơn Lễ. Theo gia phả, chi họ Cao này gốc từ họ Cao Diễn Châu, Nghệ An. Ông Cao Như Cương (đời thứ 11) di cư vào xã Đỗ Xá, Hương Sơn. Đầu thế kỷ XX, một phần đất Đỗ Xá, nơi họ Cao ở tách ra thành xã Thuần Mỹ, nay là xã Sơn Mỹ. Người con thứ tư của Cao Như Cương dời đến xã Phúc Dương, đến đời Cao Như Niên – con thứ tư của Hiệu sinh Cao Quỳ - mới dời sang xóm Nhà Nàng, sau là thôn Yên Đức.

Cao Thắng (1864-1893) là nhà tổ chức, chỉ huy quân sự tài năng, cánh tay phải của Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo phong trào Cần vương chống Pháp ở Thanh Nghệ Tĩnh Bình cuối thế kỷ XIX. (Xem Tiểu sử Cao Thắng ở phần Phụ lục Chương III – Phần ba).

*

Nhà thờ họ Cao - nơi thờ Chưởng vệ Cao Thắng, không cao to, không chạm trỗ, nhưng tọa lạc trên ngọn đồi cao, xung quanh là làng xóm trù phú, đường làng uốn lượn quanh các triền núi, tạo nên vẻ hoành tráng cho di tích.

Trong ngôi nhà ba gian, chính giữa là bàn thờ vị Tiên tổ, Hiệu sinh Cao Quỳ. Gian bên phải thờ các vị Tiên linh họ Cao theo thứ bậc...

Bàn thờ Cao Thắng đặt ở gian bên trái nổi bật là bức tượng bán thân dáng uy nghiêm.

Sau khi nhà thờ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, Nhà nước đã đầu tư tu sửa, tôn tạo ngôi nhà đẹp đẽ hơn: lát sân gạch, đặt bồn hoa cây cảnh, xây cổng ngoài và tường bao xung quanh.

Con cháu họ Cao cũng mua lại ngôi hạ đường đền Thọ Lộc xã Sơn Lễ (phá dỡ hồi hợp tự) đưa về dựng phía trước nhà thờ, làm nhà khách. Ngôi nhà này bằng gỗ thiết mộc, cao rộng hơn, có chạm trỗ tinh xảo, nhưng nền đặt ở bậc thấp theo mái đồi, càng tôn thêm ngôi Thượng đường, tạo nên vẻ hoành tráng, cổ kính của khu Di tích.

Trong tương lai không xa, sẽ có con đường xây giật cấp từ chân đồi lên cổng nhà thờ.

Sơn Lễ là quê hương của nhà tổ chức và chỉ huy quân sự tài ba thời cần vương, cũng là quê hương của Hầu Tạo (Lê Hữu Tạo) nhân vật anh hùng dân dã và của liệt sĩ cách mạng hiện đại Lý Chính Thắng – Nguyễn Đức Huỳnh.

Đến chiêm ngưỡng Di tích lịch sử - Nhà thờ Chưởng vệ Cao Thắng cũng là đến với một trong những vùng quê tươi đẹp, in đậm dấu vết lịch sử...

5 - ĐỀN KHAI QUỐC CÔNG THẦN NGUYỄN TUẤN THIỆN

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

Đền thờ khai quốc công thần Nguyễn Tuấn Thiện dựng trên động Kim Quy, làng Ninh Xá, nay là xã Sơn Ninh.

Nguyễn Tuấn Thiện (1401-1494) quê làng Phúc Đậu, xã Phúc Dương, theo giúp vua Lê đánh giặc Minh, sau ngày thắng lợi, được phong đất ở làng Kẻ Sét (Ninh Xá), tương truyền xưa là nơi ông đóng quân. Ninh Xá trở thành quê thứ hai của ông (Tiểu sử và sự nghiệp, xin xem Phần Phụ lục Danh nhân lịch sử và văn hóa. Chương III, Phần Ba sách này).

Sau khi về nghỉ dưỡng, Nguyễn Tuấn Thiện ở lại Kẻ Sét – Ninh Xá dựng nhà ỏ một khu vườn gần bờ sông Phố, dân gian gọi là “Vườn Hầu” và chọn gò Kim Quy làm sinh phần. Sau khi ông mất, dân địa phương an táng ông tại gò Kim Quy và lập đền thờ ở “Vườn Hầu”.

Theo các cụ già thì thời Cần vương, nghĩa quân lấy đền làm nơi trú quân nên đền bị đốt cháy. Con cháu xây một nền thờ ở xóm 5 để thờ ông. Năm 1911, con cháu và dân làng mới phá nền thờ, dời lên dựng đền thờ trước mộ ông trên gò Kim Quy.

Gò Kim Quy, cũng gọi động Kim Quy, nổi lên giữa cánh đồng Ninh Xá, cao hơn mặt ruộng chừng 1,50m, rộng khoảng 3000m 2 .

Đền và mộ trên gò cao, tuy không thật nguy nga nhưng rất trang nghiêm. Đền thờ công thần Nguyễn Tuấn Thiện, Thành hoàng làng Ninh Xá, cũng là nhà thờ chi họ Nguyễn Phúc Đậu.

Ngày trước, hàng năm vào ngày 18 tháng giêng âm lịch, làng tổ chức lễ rất long trọng.

Trong đền có nhiều hiện vật quý, nhưng nay đều không còn. Chuông khánh và tự khí bằng kim loại được đem hiến cho quỹ kháng chiến hồi 1947-1948. Sau đó, hợp tự, đền bị bỏ phế một thời gian dài, hư hỏng nghiêm trọng, tự khí mất mát dần, 42 đạo sắc phong dưới triều Lê - Nguyễn cũng bị đốt sạch.

Sau ngày thống nhất đất nước, đền được khôi phục, sửa sang lại. Năm 1994, đền và mộ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và được Nhà nước cùng nhân dân tôn tạo như ngày nay.

Đền có hai tòa nhà lớn, xây dựng theo kiểu chữ “Nhị” (=).

Thượng điện ba gian bằng gỗ mít và lim, có tường xây bao quanh, lợp ngói, cửa bàn khóa. Gian giữa là bàn thờ. Thần chủ đặt trên long ngai, hai bên có 2 thanh kiếm sơn son thiếp vàng. Phía trên sau thần chủ là bức trướng gỗ cũng sơn son thiếp vàng, ghi phổ hệ và tước hiệu của vị khai quốc công thần. Trên cao, phía trong treo bức hoành phi ba đại tự “Đại Danh Thùy”, phía trước treo bức hoành “Kim Quy linh từ”. Hai bên bàn thờ là hai hàng long đao, trường kiếm uy nghiêm. Hai gian tả, hữu thờ các vị gia tiên họ Nguyễn. Mỗi gian có một bức hoành phi đề “Sơn Huy Hàm” và “Đức Lưu Quang”. Các cột nhà thượng điện có 3 cặp câu đối liễn khắc gỗ sơn son, có câu:

Khai quốc công thần tiên Thái Bảo, võ ban thế khoán;

Chế khoa tuấn sĩ kế đại phu văn phái gia phong.

Trước bốn cột hiên cũng có hai cặp câu đối.

Bái đường, cột gỗ vuông, lợp ngói hiện đại. Trong nhà treo các tấm biển ghi những bài thơ, sự tích, truyền thuyết liên quan đến vị công thần. Đặc biệt có “Hòn đá buộc voi”, di vật quý hiếm, được con cháu và dân làng giữ gìn như vật thiêng. Tương truyền, vua có ban tặng cho ông một con voi có 2 nịt vàng ở cổ và một hòn đá nặng có khoan lỗ để buộc voi. Khi ông mất, con voi buồn bã bỏ vào rừng...

Trước nhà bái đường là một sân rộng, phía ngoài có tắc môn. Mặt ngoài tắc môn đắp con hổ đang vươn mình hùng dũng. Mặt trong có phù điêu hổ phù, đầu đội biểu tượng âm dương.

Sau đền thờ, ngôi mộ đất hình chóp to, đường kính 7m, cao 2m, phủ kín cỏ xanh. Quanh chân mộ có tường vôi thấp khép kín.

Quanh mộ là vườn cây cao bóng mát. Toàn bộ khu di tích gò Kim Quy rộng khoảng 6 sào Trung bộ, có tường bao quanh. Cổng trước đền mở ra con đường liên hương Trung - Thịnh rải nhựa, đi thẳng đến cổng trường tiểu học của xã.

Hiện nay khu di tích đang tiếp tục được tôn tạo, mở rộng.

6 – NHÀ THỜ LÊ HỮU TẠO

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA

Nhà thờ Lê Hữu Tạo ở làng Thọ Lộc, xã Tuần Lễ, nay là xã Sơn Lễ.

Lê Hữu Tạo, dân gian thường gọi Hầu Tạo, quê làng Tuần Lễ, huyện Hương Sơn. Dưới triều Gia Long, ông cấu kết những người cùng chí hướng trong vùng, nổi dậy chống với quan quân triều đình nhà Nguyễn, sau ra đầu thú và bị giết ở thành Nghệ (Xin xem Truyện Hầu Tạo ở Chương III Phần Ba và Phụ lục cuối Phần Ba).

Nhà thờ dựng trên sườn đồi thoai thoải, xung quanh là khu dân cư, nhà cửa đông đúc, vườn tược xanh tốt.

Đây không phải nhà thờ riêng của Lê Hữu Tạo mà là nhà thờ họ Lê. Xưa nhà thờ còn đơn sơ, đến Duy Tân năm đầu (1907) mới được xây dựng lại, quy mô không lớn nhưng vững chãi hơn. Nhưng từ sau Cách mạng, rồi mấy chục năm kháng chiến, ngôi nhà bị bỏ phế trệ, hư hỏng. Sau ngày chiến thắng, con cháu trong họ mới có điều kiện tu sửa lại, nhưng không còn được như trước, chỉ còn ngôi nhà chính ba gian hai hồi gỗ mít, mái lợp ngói mũi và một mái hiên phía trước.

Trong nhà, gian chính và gian trái thờ các vị Tiên linh họ Lê. Gian phải đặt bàn thờ, bài vị Lê Hữu Tạo.

Sau khi nhà thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, con cháu họ Lê được Nhà nước đầu tư kinh phí, đã tôn tạo ngôi nhà khang trang hơn và xây thêm ngôi nhà khách cao rộng phía trước.

7 – ĐỀN BẠCH VÂN VÀ CHÙA THỊNH XÁ

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CẤP QUỐC GIA

Đền Bạch Vân là công trình kiến trúc và điêu khắc đẹp vào bậc nhất ở Hương Sơn.

Đền xây dựng tại Cồn Mai làng Thịnh Xá, nay là Thôn Đức Thịnh, Xã An Hòa Thịnh từ năm Canh Tuất đời Lê Huyền Tông (1670), năm Tân vị, niên hiệu Chính Hòa thứ 12 đời Lê Huy Tông (1691) được tôn tạo với quy mô như ngày nay.

Đền thờ Thành hoàng làng Thịnh Xá (xưa là Chàng Xá), thuộc tổng Yên Ấp.

Về lai lịch vị Thần và ngôi đền, gia phả họ Đinh Nho ở Sơn Hòa chép như sau: Tiến sĩ Đinh Nho Công (1637-?) “lúc 28 tuổi ra Kinh theo học, cùng một người bạn họ Trần sớm tối dồi mài (kinh sử), đến một ngày tháng ba năm Kỷ Dậu (1669) ông chia tay ông Trần về quê đi thi... Đến ngày đi khảo hạch, ông mang lều chiếu đến dưới chân Eo Trèo (có lẽ là Eo Băng, tức Truông Băng chép nhầm (?) bỗng gặp ông Trần, cầm tay trò chuyện. Ông Trần bảo: “Mừng ông năm sau đỗ Tiến sĩ, xin chớ quên tôi là người cũ, xin ông vì tôi mà lập ngôi am để có nơi hương khói, tôi sẽ vì ông mà giúp cho ngọn bút đạt đến “hội rồng mây”. Ông (Đinh) chưa kịp đáp lời thì không thấy ông Trần nữa, chỉ thấy một đám mây lành bay về phía tây nam. Ông bồi hồi một lúc rồi (động lòng) cất tiếng khóc. Đi hạch về, ông lập một am nhỏ ở Xứ Cây Mai, thôn Chàng Xá (sau là Thịnh Xá) để thờ... Đến kỳ thi Hương ông trúng Giải nguyên, rồi năm sau khi thi Hội trúng Tiến sĩ. (Ngôi am (miếu) ấy trở nên linh ứng, sau (vị Thần miếu) được phong “Đại vương”, đời Cảnh Hưng phong “Thượng đẳng phúc thần”).

Ngày nay, truyền ngôn ở địa phương (chắc là theo Thần tích) có thêm một số chi tiết như tên húy vị Thần, tức ông Trần, là Toản, có người lại nói là Văn Thành - có thể Toản là tên húy, Văn Thành là tên tự (?) và: “ông Đinh mộng thấy ông Trần đến chúc mừng ông thi đỗ, và xin một nơi ở, chỗ nào có nhiều mây trắng”. Ông Đình thấy ở Cồn Mai, bên kia cánh đồng, có mây trắng tụ lại rất nhiều, bèn dựng đền ở đó, cho nên đền này gọi là “đền Bạch Vân”.

Đền có ba tòa Hạ, Trung, Thượng điện, dựng liền nhau. Hạ điện và Trung điện rộng rãi, 3 gian, 4 vì, Thượng điện chỉ có 2 gian 3 vì, nằm dọc với Trung điện theo kiểu chữ đinh (T). Hạ điện và Thượng điện là điểm nhấn của toàn bộ công trình, được đầu tư công phu về mặt kỹ thuật và nghệ thuật, từ thượng lương, cánh hạ, đuôi kẻ..., chỗ nào cũng có chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, các đề tài hoa lá, tứ linh đăng đối hài hòa. Trong Hạ điện, nghệ thuật tập trung vào gian giữa. Ở trên cùng có mặt nguyệt với 9 con phượng đang bay, quyện vào nhau, đường nét chạm khắc vô cùng tinh tế. Tám con phượng ngoảnh đầu vào chầu mặt nguyệt, một con ngoảnh đầu ra, tuân theo luật âm dương. Gian phải trang trí tùng bách, cung điện. Gian trái có chim đậu cành trúc, cảnh voi đi thi... Kỹ thuật và nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, uyển chuyển lúc đậm, lúc thoáng, độc đáo và hấp dẫn.

Thượng điện quy mô nhỏ hơn nhưng cũng được chạm trổ rất kỳ công từ ngoài đến trong, từ trên đỉnh nóc đến các đuôi mái, từ khung cửa đến ván cửa... Những bức chạm nổi về các đề tài long mã, hoa lá 4 mùa... Tâm điểm trang trí của thượng điện là vì kèo chính giữa, khắc chạm các đề tài rồng ngậm ngọc chầu nhau...

Đền còn giữ được nhiều hiện vật quý như voi đá, ngựa gỗ, kiệu, đòn rồng, cờ hiệu, nghi trượng, nhiều câu đối hoành phi khắc trên các cột, tường hoặc trên gỗ... Đặc biệt có bức hoành phi sơn son thiếp vàng đề 3 đại tự: “Chí linh thần” (nghĩa là Thần rất thiêng) của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đản cúng. Một bức hoành phi nữa, cũng sơn son thiếp vàng, đề 4 đại tự: “Kỳ thịnh hỹ hồ” (nghĩa là: Đức của Thần lớn vậy thay), với dòng lạc khoản “Long phi Giáp tý đông” (1804).

Trong các câu đối còn lại, có câu đối trước cửa của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn:

Thần bút hà niên hoàng bảng trợ,

Linh từ chung cổ bạch vân lưu.

(Bút thần năm trước nên hoàng bảng,

Đền cổ ngàn năm lưu bạch vân)

Đến thăm đền, ta thấy một tấm tình bạn cao quý bền chặt. Ông Lê Tôn Mưu – tác giả Hương Sơn địa chí (bản thảo) gọi đền Bạch Vân là “Đền Nghĩa Bạn”.

Ngay sau đền Bạch Vân, cũng trên Cồn Mai là chùa Thịnh Xá – một hạng mục trong quần thể di tích đền Bạch Vân.

Chùa bị bỏ phế lâu năm, đổ nát, mới được tu bổ lại thượng đường và làm lại hạ đường. Cổng tam quan có gác chuông tám mái cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đã được tu bổ lại đúng nguyên trạng.

Tam quan được cấu trúc theo lối trùng diêm, 2 tầng 8 mái, có kích thước gần vuông (5,6m x 5,4m), có 4 cột cái bằng gỗ lim. Mặt trước có 3 bậc cửa, giữa rộng, hai bên hẹp, đều có chạm trổ, tầng trên cổng là gác chuông. Tiếc rằng quả chuông đồng đã mất lúc nào không rõ.

Đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2007.

8 - ĐÌNH TỨ MỸ

DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CẤP QUỐC GIA

Đình được xây dựng từ năm 1912 ở làng Tứ Mỹ, xưa là ấp Lạc Phố của tổng Đậu Xá (nay là xã Sơn Châu).

Đến nay đình còn giữ được nguyên trạng. Toàn bộ công trình gồm đình, sân đình, nhà bếp, nhà kho, tường bao, cổng chính và cổng phụ trong khuôn viên rộng 3000m 2 . Đình là một nhà tứ trụ năm gian kiên cố bằng gỗ mít, lợp ngói, được bố trí dọc ở chính giữa khuôn viên. Phía trong cùng đình xây tường bít đốc. Hai bên là tường dắt vòng ra phía cửa trước, nền nhà cao 1,2m, rộng 65m 2 , có 5 bậc lên xuống.

Sân đình lát gạch đỏ Cẩm Trang. Cổng chính mở ra con đường làng chạy thẳng từ đường 8B vào.

Cũng như mọi đình làng, đình Tứ Mỹ ngày trước là nơi tế lễ, nơi hội họp của hào mục trong làng.

Làng Tứ Mỹ có truyền thống yêu nước và cách mạng lâu đời. Năm 1927-1928 đã có cơ sở đảng Tân Việt. Tháng 6-1930, chi bộ Đảng cộng sản Tứ Mỹ ra đời, rồi các tổ chức tự vệ đỏ, nông hội đỏ, cứu tế đỏ... được thành lập. Đình làng Tứ Mỹ là nơi hội họp, biểu tình tranh đấu của nhân dân Tứ Mỹ, của dân cả tổng Đậu Xá và vùng hạ Hương Sơn. Có ba sự kiện đánh dấu son ở đình làng Tứ Mỹ:

Một là, Chi bộ cộng sản Tứ Mỹ tập trung dân tại đình, kéo đi tham gia cuộc biểu tình toàn huyện hưởng ứng cuộc tranh đấu của công nhân nhà máy Trường Thi, Thị xã Vinh ngày 27 tháng 7 năm Canh Ngọ (19-9-1930).

Hai là, cuộc tập trung biểu tình đi phá huyện đường ngày 22-9-1930. Cuộc đấu tranh này hết sức quyết liệt, bị địch khủng bố tàn bạo, tám người hy sinh tại chỗ và 20 người về qua sông bị nước cuốn trôi.

Ba là cuộc đấu tranh chống xây đồn Rú Đá.

Sau hai cuộc biểu tình trên, địch tăng cường đàn áp. Chúng định xây đồn Rú Đá ở làng Tứ Mỹ, nơi mà chúng cho là cái nôi của cộng sản Hương Sơn. Chi bộ Đảng Tứ Mỹ đã lãnh đạo nhân dân chống lại viên đồn trưởng Phố Châu đưa lính về, bắt lý trưởng đánh mõ tập trung dân làng để nghe hiểu dụ, bắt đóng vật liệu và công của xây đồn. Dân đồng thanh phản đối, hô to: “Cả làng không đi làm, không nạp tranh tre”.

Cuộc đấu tranh biến thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng ngăn cản các hành động bắt bớ, đốt phá của địch...

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, đình Tứ Mỹ là nơi hội họp của nhân dân, đưa tiễn con em đi bộ đội, dân công... Năm 1948-1950, đình là nơi đặt lớp học – lớp đệ tứ niên của Trường trung học dân lập Hương Sơn – ngôi trường trung học đầu tiên của Hương Sơn trong lịch sử.

Cái mõ của đình vừa to vừa kêu, chứng tích lịch sử vô cùng quý giá đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô-viết Nghệ-Tĩnh.

Đình Tứ Mỹ đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.

9 - KHU LƯU NIỆM SỞ ẤN LOÁT TÀI CHÍNH TRUNG BỘ

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA

Sau ngày Thỏa hiệp Việt Pháp 14-9-1946 ký kết, nhiều cơ quan xí nghiệp Trung bộ được chuyển vào Liên khu 5 hoặc ra bắc Liên khu 4. Đầu năm 1947, Sở Ấn loát tài chính Trung bộ chuyển ra Hà Tĩnh, đóng tại làng Văn Giang, xã Thịnh Văn, nay là xã Sơn Thịnh. Ở đây một thời gian, tháng 12-1947, đơn vị này dời lên An toàn khu Hương Khê, cho đến sau chiến dịch Thu Đông 1950 mới lại trở về địa điểm cũ. Lúc này có thêm một bộ phận ở xóm Mới và một bộ phận in đặc biệt đóng ở đền Gôi Vỵ, xã Mỹ Hòa (nay là xã Sơn Hòa).

Ngày 5-6-1951 Chính phủ ra sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam, rồi tờ bạc Ngân hàng ra đời, thay thế tờ bạc Tài chính.

Sở Ấn loát tài chính Trung bộ cũng kết thúc nhiệm vụ lịch sử, và giải thể vào đầu năm 1952.

Khu lưu niệm Sở Ấn loát tài chính Trung bộ ngày nay đang xây dựng trên đỉnh núi Eo, bên bờ hói Đọng (xóm Đại Thịnh, xã Sơn Thịnh), nơi xưa kia dựng xưởng in và nhà kho bên mái núi.

Từ cái sân gạch rộng 160m 2 cạnh đường cái dưới chân núi nhìn lên, vách núi ốp đá trông như một bức thành. Đường lên cao 100 bậc, hai bên có tường dắt, chia làm ba chặng: Đi hết chặng đầu 36 bậc, thì quặt sang trái lên tiếp 25 bậc đến cái sân nhỏ lại quặt trở lại, lên 37 bậc thì đến khu bia lưu niệm rộng, có hai cấp cách nhau 0,50m, xung quanh đặt bồn cây cảnh.

Tấm bia bê-tông tạo hình tấm đá tự nhiên, hình chóp cao 3m, chân rộng khoảng 2m. Bia đặt trên một bệ tròn đường kính 3m, chồng trên đài bia hình chữ nhật, ngang dọc khoảng 5-6m. Đài và bệ bia đều ốp gạch men đỏ.

Bài văn bia như sau:

“Tại đây cơ sở in bạc tài chính (đồng bạc Cụ Hồ) của Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đã chuyển đến từ thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiệm vụ in tiền cho Chính phủ và các tài liệu khác phục vụ cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân địa phương, trong thời gian từ năm 1947 đến năm 1952, cán bộ, nhân viên cơ sở in tiền tài chính của Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đặt tại xóm Văn Giang, xã Thịnh Văn (nay là xóm Thịnh Đồng, xã Sơn Thịnh), huyện Hương Sơn, với tinh thần tự lực, tự cường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bộ Tài chính

Tháng 5- 2010”

Khu lưu niệm Sở Ấn loát tài chính Trung bộ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 3996/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ngày 12-11-2013.

10 - ĐỀN TRÚC

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền Trúc ở xóm 4, xã Sơn Tân (Nay Thuộc thôn Tân Hồ, xã Tân Mỹ Hà), tọa lạc trên một khu đất rộng bên sông Ngàn Phố, gần bến Tam Soa.

Đền thờ hai vị Thần là Trần Lê và Trần Đạt, tướng của Bình Định vương Lê Lợi, đóng quân ở Đỗ Gia (Hương Sơn). Tương truyền, trong trận kịch chiến với quân Minh ngày 17 tháng tư năm Ất Tỵ (14-5-1425), hai ông bị thương chạy đến thôn Xa Lang, tổng Đậu Xá (nay là xã Sơn Tân), máu chảy nhiều nên không cứu sống được. Nơi nào có máu hai ông chảy đến, nơi đó trúc mọc thành rừng. Nhân dân lập đền thờ hai ông làm Thành hoàng làng, gọi là Đền Trúc. Về sau triều Lê sắc phong hai ông là “Thượng đẳng tối linh thần”.

Đền có ba tòa hạ, trung và thượng điện bằng gỗ mít. Hạ điện một thời được tháo dỡ đem dựng nơi khác làm nhà mẫu giáo, gần đây mới được đem về dựng lại chỗ cũ.

Ngoài giá trị lịch sử văn hóa, đền Trúc là một công trình nghệ thuật kiến trúc điêu khắc tuyệt tác của làng mộc Xa Lang xưa.

Ba tòa nhà, mỗi tòa một kiểu kiến trúc, tòa nào cũng chạm trổ công phu, tinh xảo. Các đề tài tứ linh, hoa lá cách điệu, rồng ngậm minh châu, rồng chầu nguyệt, rồng lượn trong mây..., con rồng nào cũng uyển chuyển, mềm mại nhưng không con nào giống con nào. Chỉ hai con rồng chầu một mặt nguyệt, con nhìn nghiêng, con nhìn xuống rất sinh động, không nhàm chán. Tám cái kẻ trong trung điện, mặt trước mặt sau đều chạm khắc, nhưng mỗi nơi một đề tài, chạm khắc đặc kín mà không rối. Càng xem càng bị cuốn hút.

Đền Trúc còn giữ được nhiều hiện vật quý. Đáng chú ý là Mộc chủ khắc bài vị Thành hoàng cũng là một tác phẩm nghệ thuật, chạm bốn con cá hóa rồng rất tinh xảo, một chiếc lư hương bằng đá cao 29cm, một chiếc chuông đồng cao 100cm...

Đền Trúc đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2003.

11 - CHÙA CÔN SƠN

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH

Chùa Côn Sơn ở xóm Côn Sơn, thôn Bạch Sơn, sau là xóm 7, nay vẫn gọi xóm Côn Sơn, xã Sơn Tiến.

Sách Khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn (NXB Khoa học xã hội, 1977) chú thích 1 về đồn Rú Rọc (Độc sơn) trang 261, chép: “Đáng lưu ý ở gần núi Rọc tại thôn Bạch Sơn, xã Sơn Tiến có xóm Côn Sơn, chùa Côn Sơn, khe Nhị Khê và đôi câu đối ở chùa có nhắc đến Chí Linh:

Chí Linh cựu tích diệc hà thù,

Thiên Nhẫn thiên niên lưu thắng địa.

(Chí Linh dấu cũ nào đâu khác

Thiên Nhẫn ngàn năm lưu thắng địa)

Ở đây có họ Hồ nay chỉ còn một gia đình (1977-BBS chú). Theo các cụ già địa phương, sau khi Nguyễn Trãi bị án tru di, một số con cháu trốn vào đây và đổi sang họ Hồ. Côn Sơn, Nhị Khê, Chí Linh là những tên đất gắn liền với quê hương và cuộc đời Nguyễn Trãi.

Như vậy, có thể ngôi chùa được con cháu Nguyễn Trãi lập ra thời ấy và lấy tên chùa Côn Sơn, cũng như tên khe Nhị Khê, tên núi Chí Linh để không quên gốc (?).

Chùa Côn Sơn hiện nay, chắc chắn là đã được nhiều lần trùng tu, có ba gian nhà gỗ lợp ngói, ba phía xây tường, bố trí dọc, gian trong cùng là cung thờ, có ba dòng. Dòng giữa thờ Phật có hai cấp, mỗi cấp đặt ba pho tượng Phật cổ bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Dòng bên trái có pho tượng một vị đội mũ cánh chuồn, và dòng bên phải là pho tượng một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu. Theo nhiều người thì hai pho tượng này là tượng cụ Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ (?). Cả tám bức tượng đều đã tróc sơn, chỉ còn lại màu gỗ xám đen.

Hai gian dưới là nơi hành lễ.

Trước sân, một cây đại mấy trăm tuổi tựa trên giá đỡ, đang cố chống chọi với phong sương để tiếp tục chứng kiến những biến thiên của lịch sử.

Chùa Côn Sơn đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

12 - CHÙA NHIỄU LONG

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Chùa Nhiễu Long ở khối 13, Thị trấn Phố Châu – huyện lỵ Hương Sơn.

Chùa xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI (?). Tục truyền, khi xây xong chùa có một đám mây bạc hình rồng lượn trên nóc nên gọi là “Nhiễu Vân tự”, sau đổi là “Nhiễu Long tự”, thường gọi Chùa Cao, vì chùa ở trên đỉnh núi cao nhất giữa làng.

Ngày xưa, chùa gồm hai nhà gỗ mít, đồ thờ cũng bằng gỗ mít. Năm 1885, Đoàn Đức Mậu – một nhà Nho yêu nước quê ở Quảng Bình khởi nghĩa chống quân xâm lược Pháp, đã lấy vùng này làm căn cứ, có trú quân tại chùa. Trong một trận giao tranh, tam quan chùa bị quân Pháp đốt trụi. Đến năm 1927, nhân dân đã tu sửa lại. Nhưng sau này, chùa bị bỏ phế, nhà bái đường và hậu cung bị tháo dỡ, đồ thờ tự mất mát, hư hỏng hầu hết.

Năm 2003, nhân dân xây dựng chùa mới trên dằm đất cũ, to đẹp với nhiều hạng mục. Trước tiên là nhà đặt tượng Quan Âm ở ngoài hết, có hình lục giác dựng trên bệ cao hình hoa sen, có hai tầng mái. Tượng Quan Âm bằng thạch cao, cao 1,8m. Hạ đường và thượng đường xây bê tông. Hạ đường xây theo kiểu nhà chồng diêm, hai tầng 8 mái, góc mái gắn đầu đao hình rồng cách điệu. Trên đỉnh có biểu tượng bánh xe luân hồi và hai con rồng chầu vào. Nhà Thượng đường có bốn cung thờ trên bốn cấp theo thứ tự cao dần.

Chùa Nhiễu Long còn lưu giữ được hai đôi câu đối bằng chữ Hán và một số hiện vật cổ: 15 tượng bằng gỗ, một chiêng đồng, hai chuông đồng.

Ngoài ra, chùa còn có nhà tăng, nhà khách. Chùa Cao hiện nay là trụ sở của ban trị sự Phật giáo Hương Sơn.

Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2007.

13 - ĐỀN KIM CƯƠNG

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền Kim Cương thường gọi đền Đức Ông ở xã Sơn Kim I, ngay sát cạnh đường quốc lộ 8A. Kim Cương là tên cũ của xã Sơn Kim, xã địa đầu của huyện Hương Sơn, giáp với nước bạn Lào.

Đền Kim Cương thờ ba vị Thần:

1. Đức Ba Phong Hạch Trạch Linh Thông Uy Hùng Dũng Đức Huy Quận Đại Vương, được phong sắc là Thượng đẳng thần.

2. Nam Sơn Thống Lĩnh Đại Vương.

3. Liễu Hạnh công chúa.

Theo truyền ngôn ở địa phương thì “Đức Ông là Phạm Tân, quê xã Sơn Phúc (Hương Sơn) làm quan dưới triều vua Minh Mệnh. Ông phụng mệnh đi sang nước Ai Lao (Lào) mua voi chiến. Băng núi, băng rừng, vượt ghềnh, vượt thác, đánh thú dữ, diệt thổ phỉ..., ông đã mua được voi. Không may trên đường về, ông bị cướp đánh chết. Triều đình sắc cho dân làng lập đền thờ ông” (?).

Ngôi đền ngày trước chỉ còn hai cột nanh cao 4,5m và các tường dắc hai bên cổng cùng tắc môn. Nhà Thượng điện và Hạ điện mới được xây năm 1994.

Đền Kim Cương được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008.

14 - ĐỀN PHÚC LAI

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền Phúc Lai, còn gọi là đền Tam Lang ở xã Sơn Bằng. Đền cũ do tổ tiên họ Bùi xây dựng.

Họ Bùi gốc Hà Đông, là họ đầu tiên đến khai cơ lập nghiệp ở đây. Lúc đầu họ làm nghề chài lưới, lập nên vạn Nầm ở ven sông Phố.

Vạn Nầm lập am thờ Thần Tam Lang ở trên núi, nên núi ấy có tên núi Am. Dần dà người họ Bùi cùng các họ khác đến khai phá đất đai làm nghề nông. Khu dân cư chuyển dần vào xa bờ sông. Am thờ Tam Lang cũng được chuyển vào thôn Phúc Lai, xây dựng thành một ngôi đền lớn gọi là đền Tam Lang hay đền Phúc Lai.

Về miếu Am ở Sơn Bằng có truyền thuyết:

“Tương truyền một hôm vua (có người kể là vua Lê Thánh tông (!), tuần du Nghệ An ngược dòng sông Phố, qua miếu Tam Lang thì thuyền rồng bị mắc cạn. Vua bèn làm lễ tế Thần Tam Lang trong suốt ba ngày ba đêm. Bỗng nhiên mưa to gió lớn, nước sông dâng cao, thuyền rồng đi được. Hiện nay ở khúc sông này còn có vực đặt tên là Hàm Rồng để ghi lại tích xưa. Và từ đó, dân làng Phúc Lai có tục mở hội cầu mưa vào ngày 6 tháng 6 âm lịch”.

Sau Cách mạng Tháng 8-1945 tất cả các đền, chùa, miếu trong xã đều hợp tự vào đền Phúc Lai, rồi một thời gian dài bị bỏ phế, hư hỏng hết. Năm 2002, các nhà hảo tâm, tài trợ xây dựng lại đền mới trên đất cũ. Đền mới có thượng điện, hạ điển, cổng vào bằng bê tông cốt thép, rất hoành tráng. Gian giữa thượng điện thờ Phật, gian bên phải thờ thần Tam Lang và các vị thiên thần khác, gian bên trái thờ các nhà khoa bảng, các người có công trạng của địa phương.

Trong đền còn giữ được nhiều câu đối, sắc phong, nhiều hiện vật cổ như ba pho tượng Tam Thế và tượng Quan Âm bằng đồng, ba pho tượng Tam Thế bằng gỗ, các long ngai bài vị cổ của các đền, chùa trong xã đưa đến thời hợp tự.

Đền Phúc Lai được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

15 - ĐỀN LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền Liễu Hạnh Công chúa ở thôn Văn Giang - xã An Ấp, nay là xóm Tân Thịnh, xã An Hòa Thịnh. Đền còn có tên là “Thiên Nhẫn Thạch Bàn”, “Tam Tòa Thánh Mẫu điện”, dân gian thường gọi là đền Đức Mẹ.

Đền tọa lạc trên núi Phượng Hoàng ở độ cao khoảng 50m mé tây nam Thiên Nhẫn bên sông Ngàn Phố. Sau đền, qua nhiều đỉnh núi cao, thấp là ngọn Hoàng Tâm.

Khởi thủy chỉ là một hòn đá thiêng có in dấu chân người gọi là Thạch Bàn nằm trên núi Phượng Hoàng, dân làng lên thắp hương cầu khẩn đều thấy linh nghiệm. Đến những năm Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông, một ngôi đền mới được xây dựng, thờ Thạch Bàn Thiên Nhẫn và Liễu Hạnh công chúa. Từ đó về sau đã có nhiều lần tu lý, nhất là vào năm 1919 đời Duy Tân và năm 1928 đời Bảo Đại. Trong lần thứ hai, Hội Kỳ phúc thôn Tiên Bì và thôn Trị Yên (nay là xã Sơn Thủy) cúng bức hoành phi khắc 3 đại tự: “Đức Vô Lượng”.

Vào thập kỷ 50 thế kỷ trước, đền bị xóa sổ. Các bệ đá, bàn thờ đá bị đập nát. Nhà Hạ điện thì xóm Hói đem về làm hội quán. Các đồ tế khí, long ngai, bài vị... được hợp tự vào đền Bạch Vân ở thôn Thịnh Xá. Nhưng dân trong vùng vẫn đến cúng bái ở bãi đá nền đền cũ.

Tháng 6 năm 1986, nhân dân xóm Thịnh Hưng tháo gỡ hội quán đem lên núi Phượng Hoàng, dựng làm nhà khách. Dần dà, nhân dân Sơn Thịnh ở quê cũng như ở xa quê và thiện nam tín nữ khắp nơi đóng góp tiền của, thu gom di vật, xây dựng lại đền gần đúng nguyên mẫu ngày trước. Từ ngoài vào, đầu tiên là miếu trình, một miếu nhỏ cho khách thập phương thắp hương trình Sơn Thần, Thổ Địa trước khi vào đền. Rồi đến cổng đền là hai cột nanh cao to, hai bên có hai ông phổng. Qua cổng, đi lên cao dần theo tam cấp chếch về phía bên tay phải là đến nhà khách. Chính diện từ ngoài vào là Hạ điện và Thượng điện. Hạ điện là một nhà năm gian gỗ mít, có chạm trổ. Gian cuối cùng bên phải có cung quy y, trong cung có tượng Thanh Xà, Bạch Xà và Thần Ngũ Hổ. Bên cạnh cung quy y, sát nhà khách là miếu thờ một hòn đá to, có hình thù kỳ dị. Hòn đá này là hòn đá dân đặt lễ cúng ngày trước (hòn đá Thạch Bàn Thiên Nhẫn không còn nữa). Gian cuối bên trái đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài sân có tượng Bạch Y Bồ Tát đứng trên tòa sen. Chính giữa Hạ điện là nơi lễ bái.

Thượng điện là một ngôi nhà xây bít đốc 2 đầu, rộng gần 22m 2 , chiều dài từ trái qua phải là 5,2m. Trên cao chính giữa Thượng điện treo bức đại tự: “Đức Vô Lượng”. Trên bàn thờ có 3 bức tượng Tam Tòa Thánh Mẫu.

Ở khoảng giữa Thượng điện và Hạ điện là một bàn thờ lộ thiên rộng, bằng gạch, gọi là cung cộng đồng Phật Thánh. Hai bên cung này là Miếu cô, Miếu cậu.

Từ nhà Hạ điện đi lên bậc tam cấp ở phía bên phải là cung Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong cung có tượng Ngọc Hoàng và nhiều tượng Quan Âm Bồ Tát.

Trên cột nanh cổng đền cũng như trên các cột tường trong Thượng điện có khá nhiều câu đối bằng chữ Hán, cùng với ba đạo sắc còn lưu giữ được và cuốn Thiên Nhẫn Thạch Bàn của Nguyễn Xuân Thiên biên soạn.

Trên các bàn thờ trưng bày nhiều đồ tế khí, lư hương bằng sứ, bằng đồng, bằng gỗ sơn son thiếp vàng.

Đền Liễu Hạnh công chúa đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

16 - ĐỀN GÔI VỴ

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền Gôi Vỵ hay đền Tiết phụ ở làng Gôi Vỵ, nay là xã An Hòa Thịnh.

Đền thờ bà tiết phụ Phan Thị Viên, vợ thứ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn. Về sau cũng thờ cả Tiến sĩ Đinh Nho Công và Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, được tôn là Thành hoàng làng Gôi Vỵ.

Bà Phan Thị Viên người làng Do Lễ, nay thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, lấy làm vợ thứ ông Đinh Nho Hoàn từ lúc 16 tuổi. Bà là người có học, giỏi văn thơ, thường cùng chồng xướng họa nên được ông Hoàng giáp rất quý trọng.

Năm Ất Mùi (1715) đời Lê Dụ tông, Đinh Nho Hoàn bấy giờ là Tả thị lang bộ Lễ, vâng mệnh đi sứ sang Trung Quốc. Bà Phan Thị Viên tiễn chồng đến tận Lã Côi (Gia Lâm) và làm 10 bài thơ tiễn biệt. Ông cởi chiếc áo choàng khoác lên người bà, tỏ tình quyến luyến.

Không may quan Phó sứ Đinh Nho Hoàn bị bệnh và mất trên đường đi sứ. Được tin dữ báo về, bà Phan Thị Viên không khóc lóc mà bình thàn như thường. Khi quan tài ông về đến nơi, bà làm lễ tế chồng, rồi dùng cái áo khoác của ông ngày nào thắt cổ tự vẫn, để lại một bài thơ tạ từ mẹ đẻ, một bài thơ tạ từ bà vợ cả. Bài văn tế chồng có những câu (dịch nghĩa):

... Chết vì việc nước

Thỏa chí nam nhi

Tử sinh cũng vậy

Than thở làm chi...

Triều đình phong tặng bà là “Á Thận phu nhân”, sắc cho địa phương lập đền thờ, ban cho 20 mẫu tự điền, ban biển vàng “Tiết phụ môn”. Lúc bấy giờ bà mới 21 tuổi.

Đền Gôi Vỵ được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII.

Ngôi đền cổ kính nằm trong khuôn viên rộng 1295m 2 . Từ ngoài vào cổng nhà tả vu, hữu vu, hạ điện và thượng điện có kiểu kiến trúc khác nhau tạo nên một quần thể bề thế và hoành tráng. Tuy đã xuống cấp nhiều, nhưng toàn bộ các công trình vẫn ở vị trí cũ, chỉ khác là ngày xưa vườn cây um tùm, rậm rạp, tạo nên vẻ thâm nghiêm.

Cổng chính là hai cột cửa nanh to, cao gần 7m, cách nhau 4,4m, trên đỉnh gắn 1 con nghê đá. Hai bên cổng chính là 2 cổng phụ cao 3,6m. Nối liền cổng chính với cổng phụ là tường dắc cao 1,3m. (Cổng phụ bên trái đã đổ nát, chưa được khôi phục).

Hạ điện ba gian, hai hồi bằng gỗ mít, lợp ngói mũi, phía trước có mái hiên rộng. Mặt trước hiên xây tường trổ 3 cửa, có nhiều hoa văn điêu khắc tinh xảo. Mái hiên là công trình làm sau, bổ sung cho hạ điện vào năm 1922. Hai cánh hạ bằng gỗ mít, mập, khỏe, chạm trổ các đề tài rồng chầu mặt nguyệt, long mã, đầu rồng đuôi nghê, hoa lá cách điệu v.v... Đầu dư chạm đầu rồng ngậm ngọc.

Thượng điện cách hạ điện một khoảng sân hẹp, cũng ba gian nhưng hẹp hơn hạ điện, cũng chạm rồng lượn trong mây, cá hóa rồng v.v...

Đồ thờ và trang trí trong đền nay chỉ còn một số hiện vật có giá trị như: 2 con voi đá, 1 chiếc khánh đá có khắc bài minh của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, 3 tấm bia đá và một số câu đối v.v...

Đền Gôi Vỵ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

17 - ĐỀN CẢ (ĐỀN ĐÔN MỸ)

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền Cả là tên thường gọi ngôi đền lớn ở xã Liệt Đồn (Làng Bạc), từ đời Thành Thái là xã Đôn Mỹ, tổng Dị Ốc, nay là xã Sơn Trà.

Theo sách Bách thần sự tích thì “đền ở xã Trại Đầu, Thần nguyên là vị tướng đời Lý... bị thương về đến núi Kê Quan thì mất”. Nhưng theo vị hiệu thì rõ ràng đây là đền thờ Thần núi Kê Quan (núi Mồng Gà). Vị hiệu Thần là “Bản xứ Kê Quan sơn Âm Chủ sơn quản lĩnh hiển ứng đại vương” (về sau, các đời vua đều có gia phong thêm một số mỹ tự như “Thắng hành” (đời Minh Mệnh), “Tuấn vọng Nguy danh, Đôn tinh Tú ngưng” (đời Thiệu Trị), “Dực bảo trung hưng” (đời Duy Tân)...

Sau Cách mạng, đền này và các đền trong tổng hợp tự ở chùa Am (nay thuộc xã Đức Hòa), hiện còn các đạo sắc phong: 1/ Đời Lê Cảnh Hưng năm thứ 44, ngày 26-7 ÂL (1783), 2/ Đời Tây Sơn, Cảnh Thịnh thứ 4, ngày 21-5 ÂL (1796), 3/ Đời Nguyễn, Minh Mệnh, năm thứ 5 - 21/8 ÂL (1824), 4/ Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), 5/ Duy Tân năm thứ 3, 11/8 ÂL (1909). (1)

Theo tài liệu của cụ Lê Tôn Mưu trong Hương Sơn địa chí (Bản thảo - Tập II) thì, tương truyền, ông Lễ Hữu Dũng (2) nguyên là quan Bố chánh tỉnh Lạng Sơn nghỉ hưu về quê sinh sống, là người đề xuất việc lập đền, và là người đầu tư cùng dân xây dựng đền này to đẹp hơn tất cả đền miếu trong xã.

Khoảng 1947-1948, hợp tự, đền bị dỡ phá, chỉ còn lại hai cột nanh và mảng tường ở cổng đền, một trong hai con voi đắp bằng vôi vữa, mảng tắc môn và nền hai căn nhà.

Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền xã đề nghị, được ông Nguyễn Việt, một doanh nhân người trong xã, đầu tư trùng tu lại đền. Xã cũng đã cho đưa hai ngôi nhà cũ của ngôi đền trước đây bị dỡ, là di tích cổ, về dựng lại và gia cố, xây dựng khang trang hơn.

Ngôi đền hiện nay tọa lạc trên một khu vườn chữ nhật rộng 10.000m 2 .Cổng xây hai cột nanh to, cao 2,30m, có tường dắc, hai đầu hai cột quyết. Trong cổng, hai con voi đá cao 1,20m quỳ trên bệ cao 0,42m. Qua tắc môn, đi vào, đến ba tòa Hạ, Trung, và Thượng đường bằng gỗ xếp hình chữ “tam” liền sít nhau. Ba nhà đều chạm trỗ ở kèo, rường, hạ, nhưng hạ điện chạm trỗ nhiều và công phu hơn.