Cuộc cách mạng nào ở Tây Âu được mác gọi là cuộc cách mạng quy mô toàn Châu Âu

Trân trọng kính mời quý vị tới tham dự buổi thảo luận “Karl Marx và Sự giải phóng con người” Vào lúc 17h ngày 21.9.2018

Đăng kí tham dự qua email:

  Và buổi chiếu bộ phim truyện “Tuổi trẻ Karl Marx” Vào lúc 19h ngày 21.9.2018. Vào cửa tự do

Chúng tôi đề xuất 4 đề tài thảo luận có liên quan đến Karl Marx có thể làm chúng ta quan tâm và trao đổi ý kiến.

  1. Mác và tôn giáo
  2. Mác và sự tiêu dùng hàng loạt 
  3. Mác và sự toàn cầu hoá 
  4. Mác và sự giải phóng con người 

Marx là một trong những nhà tư tưởng và nhà khoa học có ảnh hưởng mạnh nhất mà thế giới phương Tây sản sinh ra. Ông ra đời cách đây 200 năm ở Đức. Cuộc đời ông mang dấu ấn tác động của Cách mạng Pháp và hy vọng ngày càng lan toả trong quần chúng khao khát được giải phóng khỏi sự thống trị của giới quý tộc. Những yếu tố đó năm 1848 dẫn đến một cuộc cách mạng – sau này thất bại. 1848 là năm mà Karl Marx viết bản Tuyên Ngôn Cộng Sản. Nó được coi là cơ sở cho viễn cảnh một xã hội cộng sản chủ nghĩa. Năm 1859 tập 1 TƯ BẢN LUẬN ra đời.   Bản thân Karl Marx và gia đình, bạn bè ông đã chịu gánh nặng của kiểm duyệt và truy bức chính trị. Ông và vợ và bảy đứa con phải lánh nạn sang Pháp, Bỉ và cuối cùng sang Anh. London là nơi ông sống 11 năm cuối đời [đến 1883].   Cho đến hôm nay Tuyên Ngôn Cộng Sản và Kinh Tế Chính Trị Học là những tác phẩm cơ bản đi liền với tên tuổi và ảnh hưởng toàn thế giới của ông. Ở phương Tây người ta đọc các tác phẩm ấy cho đến hôm nay cả các tác phẩm trước đó đặt nền móng cho Tuyên Ngôn Cộng Sản, và tôn vinh các tác phẩm của ông như di sản quan trọng của tư tưởng Karl Marx.   Karl Marx nằm trong truyền thống Triết học Đức, nhất là Triết học luật pháp của F. Hegel [*1770, †1831] và Chủ nghĩa nhân văn Kitô hữu Do Thái. Marx học Luật, Sử và Triết. Ngày nay các luận văn của ông vẫn gây ảnh hưởng đến Khoa học xã hội, Kinh tế học và Chính trị học.  

Viện Goethe tôn vinh Karl Marx nhân dịp sinh nhật [1818] thứ 200 của ông, thời điểm này cũng đánh dấu 170 năm kể từ khi Tuyên Ngôn Cộng Sản được xuất bản lần đầu [21-2-1848]. Viện Goethe nhắc đến Marx trên trang mạng www.goethe.de/Vietnam/Marx200.


Ở đó chúng tôi giao lưu với dư luận theo bốn chủ đề mà chúng tôi cho rằng phù hợp với ngữ cảnh Việt Nam và truyền thống xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi đặt câu hỏi về
  • Toàn cầu hoá
  • Xã hội tiêu dùng
  • Tự do tôn giáo
  • Hành vi chính trị tự do 
Chúng tôi nỗ lực cộng tác với những người có tư tưởng tiên phong và một tổ chức thanh niên quan trọng. Chúng tôi rộng đường với dư luận. Chúng tôi nhận được hàng chục thư từ các trường đại học và cá nhân. Xin cảm ơn tất cả. Chúng tôi tổ chức buổi lễ nho nhỏ này cho họ.   Không có giải thưởng cho những người thắng cuộc. Vì chúng tôi không muốn ngạo mạn tự cho mình quyền trao giải cho suy tư về Marx. Ước gì chúng tôi nhận được sự hưởng ứng lớn hơn, lúc đó chúng tôi sẽ mời hai, ba chuyên gia tham gia, như Jürgen Habermas [*1929], Saskia Sassen [*1947], William J. Talbott [*1949], Slavoi Zizek [*1949], Vladimir Tismaneanu [*1951], Heinz Bude [*1954]. Ước vọng đó không thành. Nhưng không sao, điều đó cũng không ảnh hưởng đến nỗ lực tưởng nhớ đến Marx của chúng tôi. Ở VIệt Nam, chúng tôi là một trong hai Viện văn hoá châu Âu. Việc tốt nhất mà chúng tôi có thể làm được là mời tham dự một cuộc đối thoại. Và không có giải nhất hay giải nhì cho tham gia đối thoại. Cuộc họp mặt của chúng ta hôm nay cũng chỉ là một cuộc đối thoại, và ở đây không có sự tưởng thưởng cho suy tư về Marx. Chúng tôi tạo ra một cơ hội trao đổi.   Cảm ơn các quý vị đã nhận lời mời đó. 
Wilfried Eckstein - Viện trưởng, viện Goethe Hà Nội

© Goethe-Institut Hanoi

"Tôn giáo là tiếng thở dài của quần chúng bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là chất gây nghiện của nhân dân."

...quyền được tin và theo một tôn giáo bất luận thế nào, được thực hành tôn giáo riêng của mình, rõ ràng là một quyền của con người. Quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người."

Một trong những điểm trọng tâm trong tư tưởng của Mác là phê phán tôn giáo. Song sự phê phán của Mác ở đây không như những gì mà người đời sau thường khẳng định. Một mặt, Mác chỉ trích tôn giáo là chất gây nghiện, giúp con người thoát khỏi sự đối đầu với thực tế. Song, mặt khác, ông nhận thấy tôn giáo là một bộ phận quan trọng của văn hoá nhân loại và hành đạo là một quyền không thể thiếu của con người. Liệu đó có phải là mâu thuẫn hay không và mâu thuẫn đó có hay không trong xã hội Việt nam ngày nay? Trong 30 năm qua, nhiều đền,chùa và nhà thờ được tu bổ và xây mới ở khắp nơi. Và việc tưởng niệm đến vị lãnh tụ khai quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của ông cũng thay đổi rất nhiều: từ việc xây dựng tượng đài theo kiểu xô viết sang xây dựng những đền chùa... khiến cho chúng ta liên tưởng đến sự thờ cúng các thánh nhân của các tín đồ Nho giáo hay Phật giáo. Những sự thay đổi về tôn giáo hiện nay sẽ gây ra những tác động gì ở Việt Nam? Bên cạnh đó, liệu có còn sự phê phán tôn giáo hay không? Và những  sự phê phán đó dựa trên quan điểm nào? Sự đa dạng của các tín hữu cũng như những người không theo tôn giáo ở Việt nam nên được đánh giá như ra sao?

Tài liệu bổ sung:

Như vậy, nhà nước có thể hoàn toàn được giải phóng khỏi tôn giáo ngay cả khi tuyệt đại đa số vẫn còn theo tôn giáo. Còn tuyệt đại đa số thì vẫn tiếp tục theo tôn giáo do chỗ họ chỉ theo tôn giáo privatim [với tư cách là tư nhân]…   Tuy vậy, Bắc Mỹ chủ yếu vẫn là một nước mang tính chất tôn giáo như Bô-mông, Tốc-cơ-vin và người Anh Ha-min-tơn đồng thanh xác nhận. Nhưng chúng ta chỉ lấy những bang Bắc Mỹ làm ví dụ mà thôi. Vấn đề là: sự giải phóng chính trị đã hoàn thành quan hệ như thế nào đối với tôn giáo? Một khi chúng ta thấy rằng, ngay trong một nước mà giải phóng chính trị đã hoàn thành, tôn giáo không những vẫn tồn tại mà còn biểu hiện sức sống và sức mạnh, thì điều đó chứng tỏ rằng tồn tại của tôn giáo không mâu thuẫn với tính chất hoàn thiện của nhà nước. Nhưng vì tồn tại của tôn giáo là tồn tại của sự không hoàn thiện, cho nên chỉ cần tìm nguồn gốc sự không hoàn thiện này trong bản chất của chính nhà nước. Đối với chúng ta, tôn giáo không còn là nguyên nhân của tính chất hạn chế thế tục nữa, mà chỉ là sự biểu hiện của nó. Vì vậy, chúng ta giải thích những xiềng xích tôn giáo trói buộc những công dân tự do của nhà nước bằng những xiềng xích thế tục. Chúng ta không khẳng định rằng công dân của nhà nước phải đoạn tuyệt với tính hạn chế về mặt tôn giáo của mình để thủ tiêu những xiềng xích thế tục của mình. Chúng ta khẳng định rằng họ chỉ đoạn tuyệt với tính hạn chế về mặt tôn giáo của họ khi nào họ thủ tiêu được những xiềng xích thế tục của họ. Chúng ta không biến những vấn đề thế tục thành những vấn đề thần học. Chúng ta biến những vấn đề thần học thành những vấn đề thế tục. Sau khi người ta lấy những sự mê tín để giải thích lịch sử trong một thời gian khá lâu, thì chúng ta lại lấy lịch sự để giải thích những sự mê tín. Vấn đề quan hệ giữa giải phóng chính trị và tôn giáo, đối với chúng ta, sẽ trở thành vấn đề quan hệ giữa giải phóng chính trị với giải phóng con người. Chúng ta phê phán sự bất lực của nhà nước chính trị đối với tôn giáo khi phê phán nhà nước chính trị dưới hình thức thế tục của nó, không kể đến sự bất lực của nó đối với tôn giáo. Trong mâu thuẫn giữa nhà nước với một tôn giáo nhất định, - ví dụ với đạo Do Thái, - chúng ta khám phá ra tính cách con người của mâu thuẫn đó, coi đó là mâu thuẫn giữa nhà nước với những thành phần thế tục nhất định, mâu thuẫn giữa nhà nước với tôn giáo nói chung, mâu thuẫn giữa nhà nước với những tiền đề của nó nói chung.  

Sự giải phóng chính trị của người theo đạo Do Thái, của người theo đạo Cơ Đốc, của người theo tôn giáo nói chung, là sự giải phóng nhà nước khỏi đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc, khỏi tôn giáo nói chung. Theo kiểu của nó bằng phương thức phù hợp với bản chất của nó, nhà nước tự giải phóng khỏi tôn giáo với tư cách là nhà nước, khi mà nó tự giải phóng khỏi quốc giáo, nghĩa là khi nhà nước với tư cách là nhà nước không bảo vệ một tôn giáo nào, mà ngược lại, tự bảo vệ mình với tư cách là nhà nước. 

[C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 1, “Vấn đề Do Thái”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995]

© Goethe-Institut Hanoi

"Chúng ta cần những con người mới. Người vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích. Họ sẽ giành được cả thế giới.

Người công nhân sản xuất càng nhiều của cải, sức mạnh và khối lượng sản phẩm của anh ta càng tăng thì anh ta càng nghèo đi."

Vào năm 1986, lãnh đạo Việt Nam đã quyết định thực hiện những cải cách sâu rộng. Nền kinh tế được phân cấp và giải phóng, kinh tế tư nhân được công nhận và vốn đầu tư nước ngoài được cho phép. Hiện nay Việt Nam đang trải qua làn sóng cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Không còn nghi ngờ gì nữa:Từ khi có Đổi Mới đến nay điều kiện sống ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.  Từ năm 1993 đến 2015 tỉ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58,1% xuống dưới 12%. Trong mười năm qua, kinh tế quốc dân tăng trưởng đều từ 7 đến 10% mỗi năm. Những dấu hiệu của sự thịnh vượng, có thể nói là của một xã hội tiêu dùng đã xuất hiện ở những thành phố lớn: những trung tâm thương mại khổng lồ, ngày càng nhiều xe máy và ô tô trên đường phố, quần áo thời trang, điện thoại di động đắt tiền, - và rất nhiều trẻ em béo phì. Liệu Mác có hài lòng với sự phát triển này? Trong những tác phẩm đầu tiên của mình, Ông đã khẳng định  sự giàu có ngày càng tăng trong xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ mang lại lợi ích cho một tầng lớp rất nhỏ, tầng lớp các nhà tư bản. Còn người lao động sẽ bị tha hoá; họ trở thành hàng hoá. Sau này, Mác đề cập nhiều đến tệ sùng bái hàng hóa: ở đây ông muốn nói chủ nghĩa tư bản đã tạo ra ảo tưởng về giá trị của hàng hoá. Cho đến nay, cả hai điều này vẫn có ảnh hưởng đến những quan điểm phê phán sự tiêu dùng đại chúng quá độ ở Bắc Mỹ và châu Âu. Vậy, ở Việt Nam có hiện tượng này không? Người Việt Nam có thái độ thế nào đối với sự giàu có mới mẻ của họ và sự khác biệt ngày càng rõ ràng giữa thành thị và nông thôn của Việt Nam?

Tài liệu bổ sung:

Bản thảo kinh tế - triết học

C. Mác - Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, Chương 5, Lao động bị tha hóa Người công nhân sản xuất càng nhiều của cải, sức mạnh và khối lượng sản phẩm của anh ta càng tăng thì anh ta càng nghèo. Người công nhân càng tạo ra nhiều hàng hoá, anh ta lại trở thành một hàng hoá càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế giới con người càng mất giá trị. Lao động không chỉ sản xuất ra hàng hoá mà thôi: nó sản xuất ra bản thân nó và sản xuất ra người công nhân với tính cách là hàng hoá, hơn nữa sản xuất theo cùng một tỷ lệ theo đó nó sản xuất ra hàng hoá nói chung.   Sự kiện đó chỉ biểu thị điều sau đây: vật phẩm do lao động sản xuất ra, tức sản phẩm của lao động, đối lập với lao động như một thực thể xa lạ, như một lực lượng không phụ thuộc vào người sản xuất. Sản phẩm của lao động là lao động được cố định, được vật hoá trong một vật phẩm nào đó, đó là sự vật hoá của lao động. Tiến hành lao động là vật hoá lao động. Trong những chế độ mà kinh tế chính trị học giả định thì sự tiến hành đó của lao động, sự thực hiện lao động đó trong thực tế biểu hiện ra là việc công nhân bị loại ra khỏi thực tế, sự vật hoá biểu hiện ra là sự mất vật phẩm và sự bị vật phẩm nô dịch, sự chiếm hữu vật phẩm biểu hiện ra là sự tha hoá, sự nhượng đi.   Sự thực hiện lao động biểu hiện ra là sự bị loại ra khỏi thực tại đến mức người công nhân bị loại ra khỏi thực tại đến mức phải chết đói. Sự vật hoá biểu hiện ra là sự mất vật phẩm đến mức người công nhân bị tước mất những vật phẩm cần thiết nhất, cần thiết không chỉ cho đời sống mà cả cho công việc nữa. Vả lại bản thân công việc cũng trở thành một vật mà anh ta chỉ có thể chiếm được bằng một sự nỗ lực hết sức căng thẳng và một cách thất thường. Việc chiếm hữu vật phẩm biểu hiện ra là một sự tha hoá đến mức người công nhân sản xuất ra càng nhiều vật phẩm thì anh ta có thể chiếm hữu càng ít vật phẩm và anh ta bị sản phẩm của anh ta, tức tư bản, thống trị càng mạnh.   Tất cả những hậu quả đó đã nằm trong sự quy định này; người công nhân quan hệ với sản phẩm lao động của mình như với một vật xa lạ. Vì với giả thiết đó thì rõ ràng là: người công nhân càng làm kiệt sức mình trong công việc thì thế giới vật phẩm xa lạ đối với anh ta do bản thân anh ta tạo ra chống lại chính anh ta, trở nên càng mạnh; bản thân anh ta, thế giới bên trong của anh ta trở nên càng nghèo; của cải thuộc về anh ta càng ít. Trong tôn giáo, tình hình cũng hoàn toàn giống như vậy. Con người hiến cho thần thánh càng nhiều, thì cái còn lại trong bản thân con người càng ít. Người công nhân đặt đời sống của mình vào vật phẩm, nhưng từ nay đời sống đó không thuộc về anh ta nữa, mà thuộc về vật phẩm. Như vậy, hoạt động ấy của công nhân càng lớn thì công nhân càng không có vật phẩm. Cái đã rời vào sản phẩm của anh ta không còn ở bản thân anh ta nữa. Cho nên, sản phẩm đó càng lớn thì anh ta càng ít là anh ta. Sự tha hoá của công nhân trong sản phẩm của anh ta không chỉ có ý nghĩa là lao động của anh ta trở thành một vật phẩm, có được sự tồn tại bên ngoài, mà còn có ý nghĩa là lao động của anh ta tồn tại ở bên ngoài anh ta, không phụ thuộc vào anh ta, xa lạ với anh ta, và lao động ấy trở thành một lực lượng độc lập đối lập với anh ta, có nghĩa là đời sống mà anh ta truyền cho vật phẩm, chống lại anh ta như một đời sống đối địch và xa lạ. 

C. Mác & Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 23, Tư bản, 4. Tính chất bái vật giáo của hàng hóa và bí mật của nó, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995 Thoạt mới nhìn thì hàng hóa có vẻ là một vật rất đơn giản và tầm thường. Sự phân tích hàng hóa lại cho thấy rằng nó là một vật rất rắc rối, đầy những sự tế nhị siêu hình và những sự kỳ quái thần học. Là một giá trị sử dụng thì nó chẳng có gì là bí hiểm cả, dù cho ta có xét nó về mặt là nhờ các thuộc tính của nó, nó thỏa mãn được những nhu cầu của con người, hay là xét về mặt nó có được những thuộc tính đó chỉ vì nó là sản phẩn lao động của con người. Dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng, với hoạt động của mình, con người biến đổi hình thái của các thực thể của tự nhiên theo cách có ích cho họ. Ví dụ, hình thức của gỗ thay đổi nếu ta lấy gỗ làm một cái bàn. Nhưng tuy vậy, cái bàn vẫn là gỗ, một vật thông thường mà người ta có thể biết được thông qua giác quan. Nhưng một khi nó trở thành hàng hóa, thì nó lại biến thành một vật vừa có thể biết được nhờ giác quan, lại vừa không thể biết được qua giác quan. Không những nó đứng trên mặt đất bằng chân, mà còn đứng lộn ngược đầu xuống đất trước mắt tất cả các hàng hóa khác, và cái đầu gỗ đó của nó lại đẻ ra những ý kiến kỳ quái, còn lạ lùng hơn là khi nó tự động đứng lên nhảy múa nữa.   Như vậy là tính thần bí của hàng hóa không phải do giá trị sử dụng của nó sinh ra. Tính thần bí đó cũng không phải do nội dung những tính quy định của giá trị sinh ra. Vì rằng, trước hết, những loại lao động có ích hay những loại hoạt động sản xuất dù có khách nhau đến đâu chăng nữa, thì về mặt sinh lý, nó cũng vẫn là những chức năng của cơ thể con người; và mỗi chức năng như thế, dù nội dung và hình thức của nó thế nào chăng nữa, thì về thực chất, nó cũng vẫn là một sự chi phí về óc, thần kinh, bắp thịt, các giác quan, v.v. của con người. Hai là, cái được dùng làm cơ sở để xác định đại lượng của giá trị, cụ thể là độ dài của những chi phí đó, hay lượng lao động, thì rõ ràng là khác hẳn với chất của lao động. Trong bất kỳ trạng thái xã hội nào, người ta cũng đều phải quan tâm đến thời gian lao động dùng để sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt, tuy rằng với một mức độ không giống nhau trong những giai đoạn phát triển khác nhau. Cuối cùng, từ khi người ta lao động cho nhau bằng cách này hay cách khác thì lao động của họ cũng vì thế mà mang một hình thái xã hội.   Thế thì tính chất bí ẩn của sản phẩm lao động khi sản phẩm ấy bắt đầu mang hình thái hàng hóa, do đâu mà có? Rõ ràng là do chính bản thân hình thái ấy. Tính bình đẳng của các loại lao động khác nhau của con người lại mang hình thái vật có tính vật thể giống nhau của giá trị của những sản phẩm lao động; thước đo các chi phí về sức lao động của con người bằng độ dài của các chi phí ấy lại mang hình thái đại lượng giá trị của các sản phẩm lao động; cuối cùng, những mối quan hệ giữa những người sản phẩm, trong đó những tính quy định xã hội của lao động của họ được thực hiện, lại mang hình thái một quan hệ xã hội giữa các sản phẩm lao động.   Do đó, tính chất bí ẩn của hình thái hàng hóa chỉ là ở chỗ: hình thái đó phản ánh cho người ta thấy tính chất xã hội của lao động của bản thân họ như là một tính chất vật thể của chính ngay những sản phẩm lao động, như là các thuộc tính xã hội của các vật đó, do tự nhiên đem lại; vì vậy, cả mối quan hệ xã hội của những người sản xuất đối với toàn bộ lao động cũng được họ hình dung như là một mối quan hệ xã hội của các vật nằm ở bên ngoài họ. Nhờ quid pro quo [việc lấy cái nọ thay cái kia] đó mà những sản phẩm lao động trở thành hàng hóa, thành những vật mà người ta vừa có thể biết được lại vừa không thể biết được nhờ giác quan, hay là những vật xã hội. Tác động quang học mà một vật gây ra cho thần kinh thị giác thì cũng vậy: người ta không cảm xúc thấy đó là một sự kích thích chủ quan của bản thân thần kinh thị giác mà là một hình thù khách quan của một vật ở ngoài con mắt. Nhưng trong thị giác, ánh sáng đã thực sự được một vật, một vật thể bên ngoài, chiếu vào một vật khác tức là con mắt. Đó là một quan hệ vật lý giữa các vật thể. Nhưng hình thái hàng hóa và quan hệ giá trị giữa các sản phẩm lao động trong đó nó được biểu hiện ra, thì tuyệt nhiên không có gì giống với bản chất vật lý của các vật và những quan hệ của các vật bắt nguồn từ bản chất vật lý đó cả. Đó chỉ là một quan hệ xã hội nhất định của chính con người, nhưng dưới con mắt của họ thì quan hệ ấy lại mang cái hình thái kỳ ảo của mối quan hệ giữa các vật. Muốn tìm được một thí dụ tương tự với hiện tượng đó, chúng ta phải đi vào cõi mù mịt của thế giới tôn giáo. Trong cái cõi ấy, các sản phẩm của bộ óc con người thể hiện ra thành những sinh vật độc lập, có cuộc sống riêng của chúng, có những mối quan hệ nhất định với con người và giữa chúng với nhau. Trong thế giới hàng hóa, các sản phẩm do bàn tay con người làm ra cũng thế. Tôi gọi đó là tính chất bái vật giáo gắn liền với các sản phẩm lao động khi những sản phẩm này được sản xuất ra với tư cách là hàng hóa, và do đó, tính chất bái vật giáo ấy không thể tách rời khỏi phương thức sản xuất hàng hóa được.  

Như sự phân tích trên đây đã chỉ rõ, tính chất bái vật giáo ấy của thế giới hàng hóa là do tính chất xã hội độc đáo của thứ lao động sản xuất ra hàng hóa đẻ ra. 

Định nghĩa khái niệm

„LOHAS“ là từ viết tắt chỉ một nhóm người có lối sống coi trọng sức khỏe và tính bền vững. Năm 2000, hiện tượng này gây chú ý bởi loạt mô tả trong cuốn sách „Những sáng tạo về mặt văn hóa: 50 triệu người đang thay đổi thế giới ra sao“ của nhà xã hội học người Mỹ Paul Ray về phong trào. Các buổi thảo luận về đề tài bảo vệ khí hậu, thiên tai và biến đổi gen đã tạo động lực cho nhóm. Trong nhiều năm vừa qua, nhóm nhỏ hình thành ban đầu từ „những sáng tạo về mặt văn hóa“ đã phát triển ngày một lớn mạnh. Chỉ tính riêng ở Đức, gần 12,5 triệu người đã theo đuổi lối sống này. Thông qua cách thức tiêu thụ có chủ ý các sản phẩm hữu cơ và hàng hóa đạt chuẩn công bằng thương mại, những thành viên LOHAS coi việc cải thiện tình hình thị trường thế giới theo hướng bền vững là nhiệm vụ. Mục tiêu đặt ra là các doanh nghiệp vận hành minh bạch hơn, có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Do vậy, phong trào ít mang tư tưởng chính trị mà thiên về tính chân thực-duy mỹ nhiều hơn.

Tôn chỉ hoạt động

Nhóm LOHAS hoạt động chủ yếu trên các cổng thông tin điện tử như Karmakonsum.de, Konsumguerilla, lohas.de hay Utopia.de. Tôn chỉ hoạt động của LOHAS được công bố như sau ở trang Karmakonsum.de:
 „Chúng tôi sống theo LOHAS – lối sống coi trọng sức khỏe và tính bền vững. Chúng tôi là những người quan tâm đến môi sinh theo kiểu mới mà giới truyền thông thường xuyên nhắc tới. Cách thức tiêu dùng của chúng tôi luôn hướng tới cân bằng sinh thái và công tâm, song không từ bỏ tiện nghi hiện đại. Trái ngược với kiểu cũ, chúng tôi yêu công nghệ và thích thụ hưởng – thụ hưởng dài lâu, thay vì thuộc về một xã hội coi lạc thú và tiêu thụ gấp gáp là động lực phát triển. Chúng tôi hiểu rõ các hệ lụy tiêu dùng và cố gắng giảm thiểu tối đa nhu cầu. Chúng tôi quan tâm đến sức khỏe, tinh thần, tính bền vững và hệ sinh thái. Tập Yoga hoặc Tai-Chi, uống trà xanh hoặc nước giải khát hữu cơ Bionade. Chúng tôi chủ yếu ăn chay.“

Tiếp theo đó

„Mục tiêu của chúng tôi là một cuộc sống ý thức và bền vững, để những thế hệ sau có một môi trường đáng sống. Chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời lên án các doanh nghiệp xem nhẹ trách nhiệm đối với loài người cũng như thiên nhiên, tàn phá tài nguyên thiên nhiên và cắt giảm công ăn việc làm để chạy theo lợi nhuận. Chúng tôi tẩy chay các công ty kiểu đó. Những khẩu hiệu marketing rỗng tuếch của họ chẳng khiến chúng tôi để tâm. Quyết định mua hàng của chúng tôi chủ yếu chịu tác động từ bè bạn.  

Theo chúng tôi, keo kiệt chẳng có gì hay ho. Chúng tôi khuyến khích và thích mua của những doanh nghiệp chuyên cung cấp các mặt hàng có giá trị, sử dụng lâu dài và bền. Tính công bằng trong giao dịch thương mại quan trọng với chúng tôi, để không ai vì thói tiêu dùng của chúng tôi mà bị bóc lột. Chúng tôi có khả năng và sẵn lòng trả thêm chút ít, bởi nhu cầu dành cho xa xỉ phẩm của chúng tôi không nhiều. Thứ xa xỉ đối với chúng tôi chính là thời gian. Chúng tôi sáng tạo và thường đặt ra những ưu tiên trong cuộc sống khác với mặt bằng chung. Với chúng tôi, ĐƯỢC SỐNG quan trọng hơn SỞ HỮU. Chúng tôi coi trọng phát triển nhân cách và trải nghiệm hơn dư thừa vật chất. Chúng tôi tìm về nội tâm và hướng tới những mối quan hệ xã hội để đạt được an lạc. [Nguồn:: www.Karmakonsum.de]

[Nguồn: www.nachhaltigkeit.info]

© Goethe-Institut Hanoi

"Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại! Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử. Vì luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những thị trường tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm chiếm khắp toàn cầu. Nó xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi. Nhờ bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng ở tất cả các quốc gia mang tính chất thế giới.

Nhưng, nói chung, ngày nay hệ thống hàng rào thuế quan là bảo thủ còn hệ thống tự do thương mại là phá bỏ. Nó phá huỷ các dân tộc và đẩy sự đối kháng giữa vô sản và tư sản đến đỉnh điểm. Tóm lại, hệ thống tự do thương mại thúc đẩy cuộc cách mạng xã hội."

C. Mác là một trong những người đầu tiên phê phán toàn cầu hoá. Những phân tích của Mác không chỉ giới hạn ở các quốc gia công nghiệp hoá trong thời đại của ông. Mà từ rất sớm, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, ông đã dự đoán sự lây lan toàn cầu của chủ nghĩa tư bản công nghiệp với tất cả mặt tốt và mặt xấu của nó: Một mặt, đó là sự gia tăng nhanh chóng của sản xuất hàng hoá và năng suất kinh tế [cái mà ông gọi là sự giải phóng sức sản xuất] cũng như sự gia tăng khổng lồ của tư bản; mặt khác, đó là sự tàn phá nguồn sinh kế của hàng triệu người, sự phụ thuộc của họ vào các nhà đầu tư và các chủ nhà máy, hơn thế là sự cướp bóc cả một lục địa.

Việc phê phán toàn cầu hoá ngày nay vẫn chịu ảnh hưởng của quan điểm đa chiều này của Mác, song đã xuất hiện thêm những yêu cầu mới: phong trào thế giới thứ Ba, bảo vệ môi trường, quyền bình đẳng của phụ nữ, cải cách xã hội, tất cả những yêu cầu này gắn liền với các tư tưởng cánh tả hay tôn giáo - cánh tả hay những yêu cầu đòi trở lại với việc củng cố quốc gia dân tộc. Do chi phí sản xuất thấp, toàn cầu hoá đã đến Việt Nam từ lâu và đã mang lại cho đất nước này sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao . Mặt khác, người ta cũng thấy những mặt trái của nó tại đây như: thảm hoạ môi trường do vụ bê bối gây nhiễm độc của tập đoàn Đài Loan Formosa-Plastic-Group, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nguồn vốn quốc tế, sự bất an cho nhà nước và các nhà đầu tư do sự thất bại của Hiệp định tự do thương mại xuyên quốc gia [TPP] nhằm điều khiển các các quan hệ thương mại. Vậy, cái giá của toàn cầu hoá là gì và người Việt Nam đánh giá nó ra sao? Có thể rút ra những nhận thức gì từ các tư tưởng của Mác khi nhìn đến tình hình hiện nay của Việt Nam?

Tài liệu bổ sung:

Phần I. Tư sản và vô sản Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại chúng ta, thời đại của giai cấp tư sản, là đã đơn giản hoá những đối kháng giai cấp. Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sả Lexikon der Nachhaltigkeit n.   Từ những nông nô thời trung cổ, đã nảy sinh ra những thị dân tự do của các thành thị đầu tiên; từ dân cư thành thị này, nảy sinh ra những phần tử đầu tiên của giai cấp tư sản.   Việc tìm ra Châu Mỹ và con đường biển vòng Châu Phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông - Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá Châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều tư liệu trao đổi và nói chung tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho ngành hàng hải, cho công nghiệp, một sự phát đạt chưa từng có, và do đấy, đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã.   Tổ chức công nghiệp theo lối phong kiến hay phường hội trước kia không còn có thể thỏa mãn những nhu cầu luôn luôn tăng theo sự mở mang những thị trường mới. Công trường thủ công thay đổi tổ chức cũ ấy. Tầng lớp kinh doanh công nghiệp trung đẳng thay cho thợ cả phường hội; Sự phân công lao động giữa các phường hội khác nhau đã nhường chỗ cho sự phân công lao động bên trong từng xưởng thợ. Nhưng các thị trường cứ lớn lên không ngừng, nhu cầu luôn luôn tăng lên. Ngay cả công trường thủ công cũng không thoả mãn được nhu cầu đó nữa. Lúc ấy, hơi nước và máy móc dẫn đến một cuộc cách mạng trong công nghiệp. Đại công nghiệp hiện đại thay cho công trường thủ công; tầng lớp kinh doanh công nghiệp trung đẳng nhường chỗ cho các nhà công nghiệp triệu phú, cho những kẻ cầm đầu cả hàng loạt đạo quân công nghiệp, những tên tư sản hiện đại.   Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thị trường mà việc tìm ra châu Mỹ đã chuẩn bị sẵn. Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông tiến bộ phát triển mau chóng lạ thường. Sự phát triển này lại tác động trở lại đến việc mở rộng công nghiệp; mà công nghiệp, thương nghiệp, hàng hải, đường sắt càng phát triển thì giai cấp tư sản càng lớn lên, làm tăng những tư bản của họ lên và đẩy các giai cấp do thời trung cổ để lại xuống phía sau. Như vậy, chúng ta thấy rằng bản thân giai cấp tư sản hiện đại cũng là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài, của một loạt các cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất và trao đổi.   Mỗi bước phát triển của giai cấp tư sản đều có một bước tiến bộ chính trị tương ứng. Là đẳng cấp bị chế độ chuyên chế phong kiến áp bức; là đoàn thể vũ trang tự quản trong công xã; ở nơi này, là cộng hoà thành thị độc lập; ở nơi kia, là đẳng cấp thứ ba phải đóng thuế trong chế độ quân chủ; rồi suốt trong thời kỳ công trường thủ công, là lực lượng đối lập với tầng lớp quý tộc trong chế độ quân chủ theo đẳng cấp hay trong chế độ quân chủ chuyên chế; là cơ sở chủ yếu của những nước quân chủ lớn nói chung,- giai cấp tư sản, từ khi đại công nghiệp và thị trường thế giới được thiết lập, đã độc chiếm hẳn được quyền thống trị chính trị trong nước đại nghị hiện đại. Chính quyền nhà nước hiện đại chỉ là một uỷ ban quản lý những công việc chung của toàn thể giai cấp tư sản.   Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử.   Bất cứ ở chỗ nào mà giai cấp tư sản chiếm được chính quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên. Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người phong kiến với "những bề trên tự nhiên" của mình, đều bị giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối "tiền trao cháo múc" không tình không nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Tóm lại, giai cấp tư sản đã đem lại sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị.   Giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó.   Giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ tiền nong đơn thuần.   Giai cấp tư sản đã cho thấy rằng biểu hiện tàn bạo của vũ lực trong thời trung cổ biểu hiện mà phe phản động hết sức ca ngợi, đã được bổ sung một cách tự nhiên bằng thói chây lười và bất động như thế nào. Chính giai cấp tư sản là giai cấp đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của loài người có khả năng làm được những gì. Nó đã tạo ra những kỳ quan khác hẳn những kim tự tháp Ai-cập, những cầu dẫn ở nước La-mã, những nhà thờ kiểu Gô-tích; nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh khác hẳn những cuộc di cư của các dân tộc và những cuộc chiến tranh thập tự.   Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tôn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo.   Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản sâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi.   Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt. Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc thu nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh, những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản sứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong sứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa.  

Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới. 

[Nguồn: de.wikipedia.org]

© Goethe-Institut Hanoi

"Mỗi phong trào giải phóng sẽ thay đổi đặc tính của nó khi chuyển từ viễn tưởng sang thực tế. 

Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng các phương thức khác nhau, nhưng vấn đề là ở chỗ cải tạo thế giới."

Triết lý của Mác là một triết lý xác định việc giải phóng con người qua việc tích cực định hình lịch sử của họ. Marx bị ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa lý tưởng [duy tâm] Đức và những hiểu biết lịch sử có tính chất đại cương của nó. Ban đầu Mác chỉ phát triển những ý tưởng của mình cho những nhà nước đã được công nghiệp hoá trong thời đại của ông và chỉ đòi hỏi sự giải phóng của tầng lớp công nhân bị áp bức khỏi những kẻ thống trị mình, những nhà tư bản, qua đấu tranh giai cấp. Nhưng dần dần, các nước ngoài châu Âu cũng lọt vào tầm nhìn của Mác và những người mác-xít châu Âu như Rosa Luxemburg. Khi ở Nga và châu Á xuất hiện những phong trào cách mạng, tư tưởng đấu tranh giai cấp tiếp tục thay đổi ở đó. Những nhà tư tưởng như Lenin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh ít nhiều đã đưa cuộc đấu tranh giai cấp ra khỏi tâm điểm của chủ nghĩa tư bản, ra khỏi Tây Âu và Bắc Mỹ, đến vùng ngoại biên thời ấy. Hệ thống tư bản thế giới nên phải được lật đổ từ đó, từ những đế chế kém phát triển như nước Nga, từ vùng bán thuộc địa như Trung Quốc và từ các thuộc địa như vùng Đông Dương thuộc Pháp: qua cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức đồng thời là một cuộc cách mạng mang cả tính dân tộc và xã hội. Điều này có thể được hiểu là một sự tiếp tục phát triển hay là một sự suy diễn [lý giải] khác tư tưởng của Mác. Nhưng sự thay đổi này đã diễn ra ở Việt Nam ra sao? Một nhà cách mạng châu Âu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lý tưởng [duy tâm] Đức đã trở thành một chiến sỹ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như thế nào? Có bao nhiêu [tư tưởng của] Mác trong sự lý giải Mác theo phong cách Việt Nam? Và mối quan hệ giữa giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc hiện nay ra sao?

Tài liệu bổ sung:

C. Mác - Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ

Nhưng rõ ràng là nỗi đau khổ mà người Anh gây cho người Hin-đu-xtan về thực chất là một đau khổ thuộc loại khác và vô cùng sâu sắc hơn so với tất cả mọi nỗi đau khổ mà Hin-đu-xtan phải chịu trước kia. ở đây tôi không nói đến chế độ chuyên chế châu Âu mà Công ty Đông ấn của Anh đã vun trồng trên cơ sở chế độ chuyên chế châu á, kết quả là đem lại một sự kết hợp còn kỳ quái hơn những quái thần ở đền Xan-xét-ta[4] mà hình thù làm chúng ta hoảng sợ. Sự kết hợp đó không phải là một đặc điểm riêng của chế độ cai trị của Anh đối với các thuộc địa, mà chỉ là sự bắt chước chế độ của Hà Lan, và bắt chước giống đến nỗi là để đánh giá hoạt động của Công ty Đông ấn của Anh thì chỉ cần dẫn nguyên văn những lời mà ông Xtam-pho Ra-phơ-xơ, thống đốc Anh ở Gia-va đã nói về Công ty Đông ấn trước kia của Hà Lan: "Công ty Hà Lan, mà động cơ duy nhất là kiếm lời và ít thương xót những người làm của mình hơn là trước kia tên chủ đồn điền Tây ấn thương xót đám nô lệ làm việc trong đồn điền của hắn, - vì tên chủ đồn điền này đã trả tiền cho những người mà hắn mua làm của riêng, còn Công ty Hà Lan thì không trả gì hết, - Công ty ấy đã sử dụng toàn bộ bộ máy chuyên chế sẵn có để bóp nặn từng đồng xu cuối cùng của nhân dân và bắt buộc nhân dân làm việc cho đến khi hoàn toàn kiệt sức. Như vậy nó đã làm nặng nề thêm tai hoạ mà một chính phủ hay thay đổi và nửa dã man đã gây ra, bằng cách kết hợp trong hoạt động của mình tất cả sự xảo quyệt thực tiễn của một chính khách với toàn bộ tính ích kỷ của một thương nhân độc quyền".   Những cuộc nội chiến, xâm lăng, những cuộc chính biến, chinh phục, những năm đói kém, - tất cả những tai hoạ nối tiếp nhau ấy, dù tác động của chúng với Hin-đu-xtan có vô cùng phức tạp, mạnh mẽ và tàn phá như thế nào đi nữa, thì cũng chỉ động chạm đến bề mặt Hin-đu-xtan mà thôi, còn nước Anh thì phá hoại chính ngay cơ sở của xã hội Ấn Độ, và cho đến nay vẫn không hề có một ý đồ nào định cải tạo xã hội ấy. Mất cái thế giới cũ mà không dành được thế giới mới đã làm cho những tai hoạ hiện nay của người dân Ấn Độ mang một nét hết sức u uất, và cắt đứt mối liên hệ của Hin-đu-xtan bị Anh cai trị với tất cả những truyền thống cổ truyền của nó, với toàn bộ lịch sử quá khứ của nó.  

Ngày nay, ở Đông ấn, người Anh bắt chước những bậc tiền bối của họ, tổ chức ra Bộ tài chính và Bộ chiến tranh, nhưng họ lại hoàn toàn coi thường Bộ công trình công cộng. Do đó, nông nghiệp bị suy đồi, không thể phát triển theo nguyên tắc tự do cạnh tranh của người Anh, - nguyên tắc laissez faire, laissez aller [cho phép tự do hành động]. Nhưng, như điều đó thường xảy ra ở các nước châu Á, nông nghiệp bị suy sụp dưới chính phủ này và lại được phục hồi dưới chính phủ khác. ở đây, thu hoạch phụ thuộc vào một chính phủ tốt hay xấu, cũng như ở châu Âu, nó phụ thuộc vào thời tiết tốt hay xấu. Do đó, dù bản thân sự thiệt hại gây ra cho nông nghiệp, cũng như thái độ coi thường nông nghiệp, là một tai hoạ như thế nào chăng nữa, thì cũng vẫn không thể cho rằng chính do tai hoạ ấy mà kẻ đi chinh phục là Anh đã giáng một đòn cuối cùng vào xã hội Ấn Độ, nếu như tất cả những cái đó không đi đôi với những tình huống quan trọng hơn nhiều những tình huống này là một cái gì mới trong biên niên sử của toàn bộ châu á. Dù những thay đổi về chính trị trong quá khứ của Ấn Độ có lớn lao đến như thế nào chăng nữa thì những điều kiện xã hội của Ấn Độ vẫn không hề thay đổi từ thời cổ đại hết sức xa xôi cho đến mười năm đầu tiên của thế kỷ XIX. Chiếc khung cửi bằng tay và chiếc xa kéo sợi bằng tay đẻ ra một đạo quân đông đảo gồm những người kéo sợi và dệt vải, đã là những cái trục chính trong cơ cấu của xã hội Ấn Độ. Từ những thời kỳ xa xưa, châu Âu đã đổi kim loại quý của mình lấy những tấm vải tuyệt đẹp - sản phẩm lao động của Ấn Độ -, do đó đã cung cấp nguyên liệu cho người thợ kim hoàn ở địa phương, thành viên cần thiết của Ấn Độ, mà lòng yêu thích đồ trang sức của xã hội này lớn đến mức ngay cả những người thuộc giai cấp thấp nhất, những người hầu như không có lấy một mảnh vải che thân cũng thường đeo một đôi hoa tai vàng và một đồ trang sức nào đó bằng vàng ở cổ. Nhẫn đeo tay và vòng đeo chân cũng được lưu hành một cách phổ biến. Đàn bà cũng như trẻ em thường đeo những vòng tay và vòng chân đồ sộ bằng vàng hay bằng bạc; còn những chiếc tượng thần nhỏ bằng vàng hay bằng bạc thường thấy trong số những đồ vật trong nhà. Người Anh xâm lược đã tiêu diệt chiếc khung cửi bằng tay của Ấn Độ và phá huỷ chiếc xa kéo sợi bằng tay. Thoạt đầu Anh gạt bỏ những sản phẩm vải bông Ấn Độ ra khỏi các thị trường châu Âu, sau đó nhập khẩu sợi vào Hin-đu-xtan và cuối cùng làm cho tổ quốc của vải bông tràn ngập những hàng vải bông. Trong thời kỳ từ năm 1818 đến 1836, việc xuất khẩu sợi từ Anh sang Ấn Độ đã tăng theo tỉ lệ 1/5200. Năm 1824, vải sa của Anh nhập vào Ấn Độ không quá 1000000 i-ác-đơ, thế mà đến năm 1837 đã vượt quá 64000000 i-ác-đơ. Nhưng cũng trong thời gian đó, số dân Đác-ca từ 150000 đã giảm xuống còn 20000 người. Tuy nhiên không thể coi sự suy sụp này của các thành phố Ấn Độ trước kia đã từng nổi tiếng về những sản phẩm dệt của mình, là hậu quả xấu nhất của sự thống trị của Anh. Hơi nước của Anh và nền khoa học của Anh đã thủ tiêu mối liên hệ giữa nền sản xuất nông nghiệp và sản xuất thủ công nghiệp trên khắp lãnh thổ Hin-đu-xtan. 

C. Mác - Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ

Sự giả dối thậm tệ và tính dã man vốn có của nền văn minh tư sản sẽ lộ ra trần truồng trước mắt chúng ta, khi chúng ta quan sát nền văn minh ấy không phải ngay ở chính quốc, nơi mà nó mang những hình thức đáng kính, mà quan sát nó ở các thuộc địa, nơi mà nó lộ rõ một cách không che đậy. Giai cấp tư sản làm ra vẻ mình là kẻ bảo vệ tài sản, nhưng thử hỏi đã bao giờ có một đảng cách mạng nào thực hiện những cuộc cách mạng ruộng đất như những cuộc cách mạng ruộng đất ở Ben-gan, ở Ma-đrát và ở Bom-bay? Phải chăng ở Ấn Độ giai cấp tư sản ấy – nói theo lời của chính ngay huân tước Clai-vơ, con ác thú lớn ấy,- lại không dùng đến sự cưỡng đoạt tàn nhẫn ở những nơi nào mà sự mua chuộc đơn thuần tỏ ra không đủ để đạt những mục đích ăn cướp của nó, hay sao? Trong lúc mà ở châu Âu, giai cấp tư sản bàn suông về cái tính chất thiêng liêng bất khả xâm phạm của quốc trái, thì giai cấp đó há lại không tịch thu những khoản tiền lãi cổ phần của các rát-gia là những kẻ đã đem tiền tiết kiệm riêng của mình ra mua tín phiếu của chính ngay Công ty Đông Ấn đó sao? Trong lúc mượn cớ bảo vệ "tôn giáo thiêng liêng của chúng ta" để đấu tranh chống cách mạng Pháp, giai cấp tư sản há lại chẳng ngăn cấm việc tuyên truyền đạo Cơ Đốc ở Ấn Độ đó sao? Và vì mục đích bòn rút tiền của những người đi trẩy hội các đền ở Ô-rít-xa và Ben-gan, nó há đã chẳng biến sự giết người và nạn mãi dâm ở đền Gia-ghéc-nô thành một nghề nghiệp đó sao?. Những người bảo vệ "tài sản, trật tự, gia đình và tôn giáo" đúng là như thế đó!   Tác động tàn phá của nền công nghiệp Anh đối với Ấn Độ, một nước xét về quy mô thì không nhỏ hơn châu Âu và có một lãnh thổ 150 triệu a-cơ-rơ, thật là hoàn toàn rõ rệt và đáng ghê sợ. Nhưng chúng ta không được quên rằng tác động ấy chỉ là một kết quả hữu cơ của toàn bộ hệ thống sản xuất đang tồn tại hiện nay. Nền sản xuất đó dựa trên sự thống trị toàn năng của tư bản. Sự tập trung tư bản là tuyệt đối cần thiết để cho tư bản tồn tại với tư cách là một lực lượng độc lập. Ảnh hưởng có tính chất huỷ hoại của sự tập trung đó đối với thị trường của tất cả các nước chỉ biểu lộ với một quy mô to lớn những quy luật nội tại hữu cơ của khoa kinh tế chính trị, những quy luật này hiện đang tác động ở bất kỳ một thành phố văn minh nào. Thời kỳ tư sản của lịch sử có sứ mệnh tạo ra cơ sở vật chất cho một thế giới mới: một mặt, phát triển những sự giao dịch thế giới dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả loài người, cũng như phát triển những phương tiện của sự giao dịch đó; mặt khác, phát triển các lực lượng sản xuất của con người và đảm bảo biến nền sản xuất vật chất thành sự thống trị đối với các lực lượng của thiên nhiên nhờ vào khoa học.  

Công nghiệp và thương nghiệp tư sản đang tạo ra những điều kiện vật chất ấy của thế giới mới, cũng giống như những cuộc đảo lộn về địa chất đã tạo ra bề mặt của trái đất. Chỉ sau khi cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nắm được những thành tựu của thời đại tư sản, nắm được thị trường thế giới và các lực lượng sản xuất hiện đại, và làm cho những cái ấy phải chịu sự kiểm soát chung của những dân tộc tiên tiến nhất, - chỉ khi ấy sự tiến bộ của loài người mới không còn giống như cái tượng thần dị giáo ghê tởm không muốn uống rượu trường sinh bằng cách nào khác ngoài cái cách uống bằng sọ của người bị giết. 

Rosa Luxemburg: Die Akkumulation des Kapitals. Gesammelte Werke

Cho tới nay, chúng ta mới chỉ xem xét quá trình tái sản xuất mở rộng từ một phía, bắt nguồn từ câu hỏi: Làm sao để chuyển đổi giá trị thặng dư trở lại tư bản? Đó cũng chính là khó khăn mà những người theo thuyết hoài nghi đang tập trung giải quyết. Chuyển đổi giá trị thặng dư rõ ràng là một vấn đề sống còn của tích lũy tư bản. Điều kiện đầu tiên cần có [bỏ qua định mức tiêu dùng của các nhà tư bản cho đơn giản vấn đề] là một tiêu trường người mua nằm ngoài xã hội tư bản. Người mua chứ không phải người tiêu thụ, bởi dạng thức vật chất của giá trị thặng dư hoàn toàn không liên quan đến việc chuyển đổi giá trị thặng dư. Nhân tố quyết định ở đây là, giá trị thặng dư không thể được chuyển hóa trở lại tư bản thông qua người lao động hay các nhà tư bản, mà phải thông qua những giai tầng xã hội hay những môi trường sản xuất phi tư bản. Chúng ta có thể phân tách ra hai trường hợp khác nhau để xem xét như sau.   Sản xuất tư bản cung cấp tư liệu tiêu dùng vượt ngưỡng nhu cầu thiết yếu [của người lao động và các nhà tư bản], còn người mua chính là những giai cấp và quốc gia phi tư bản. Chẳng hạn, trong suốt hai phần ba quãng thời gian đầu của thế kỷ 19 [ hiện trạng này phần nào vẫn còn tồn tại đến giờ], ngành công nghiệp dệt vải bông ở Anh đã cung cấp vải bông cho giai cấp nông dân và tiểu tư sản thành thị ở lục địa châu Âu, cũng như nông dân ở Ấn Độ, Mỹ, châu Phi, v.v. Ngành công nghiệp dệt vải bông ở Anh từng lớn mạnh được như vậy chính nhờ sức tiêu thụ của những giai tầng và quốc gia phi tư bản ấy. Còn ngay tại nước Anh, ngành công nghiệp dệt vải bông lại tạo ra sự phát triển quy mô lớn cho ngành công nghiệp cơ khí - chuyên sản xuất suốt chỉ và máy dệt, xa hơn nữa là ngành công nghiệp than đá và luyện kim v.v. Trong trường hợp này, khu vực II [tư liệu tiêu dùng] chuyển hóa thặng dư theo mức độ tăng tiến thông qua việc bán sản phẩm cho những giai tầng xã hội phi tư bản, đồng thời lượng cầu đối với các tư liệu sản xuất ở khu vực I gia tăng dựa theo tích lũy thiết yếu - thông qua đó, việc chuyển hóa thặng dư cũng như tăng tích lũy ở chương mục này được thực thi.

Ngược lại, sản xuất tư bản cung cấp tư liệu sản xuất vượt ngưỡng nhu cầu thiết yếu rồi bán cho người mua ở những quốc gia phi tư bản. Chẳng hạn, nền công nghiệp Anh nửa đầu thế kỷ 19 phân phối vật liệu xây dựng để xây nên các tuyến đường sắt ở nhiều bang tại Mỹ và Úc. Việc xây dựng những tuyến đường sắt hoàn toàn không phải minh chứng cho sự thống trị của quá trình sản xuất tư bản ở quốc gia đó. Trên thực tế, các tuyến đường sắt trong trường hợp này chỉ là một trong những điều kiện đầu tiên cho việc hấp thụ sản xuất tư bản. Hay như nền công nghiệp hóa chất của Đức cung cấp tư liệu sản xuất, chẳng hạn màu nhuộm khối lượng lớn cho những quốc gia có hệ thống sản xuất phi tư bản ở châu Á, châu Phi, v.v. Tại đây, khu vực I của sản xuất tư bản chuyển hóa thặng dư thông qua việc bán sản phẩm cho những môi trường ngoài tư bản. Hệ quả phát triển liên tục của khu vực I làm dấy lên trong chính quốc gia sản xuất tư bản ấy một sự phát triển tương ứng ở khu vực II - nhằm cung cấp tư liệu tiêu dùng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đội ngũ lao động đang ngày một tăng tiến ở khu vực I. 

Toàn tập, Tập 45, ​trang 456, 457, 458. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2006 Hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay đang ở vào tình trạng khiến cho ở châu Âu, một nước như nước Đức, đang bị các nước chiến thắng nô dịch. Sau nữa, nhiều nước, vả lại những nước cổ nhất ở Tây Âu, do thắng trận, đã ở trong những điều kiện cho phép họ có thể nhân sự thắng trận đó mà cho những giai cấp bị áp bức ở nước họ được hưởng một số nhượng bộ nào đó, những nhượng bộ tuy nhỏ, nhưng cũng làm chậm phong trào cách mạng trong những nước ấy và tạo ra một thứ „hòa bình xã hội“ giả tạo.   Đồng thời, rất nhiều nước – những nước phương Đông, Ấn Độ, Trung Quốc,, v.v. – chính vì cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa vừa rồi mà hoàn toàn bị quẳng ra ngoài con đường cũ. Sự phát triển của các nước này đều hướng hẳn theo con đường chung của chủ nghĩa tư bản châu Âu. Trong các nước đó, đã bắt đầu có một sự sôi động như ở khắp châu Âu. Và bây giờ đây toàn thế giới đều thấy rõ rằng các nước ấy đã leo vào một con đường không thể nào không đưa đến một cuộc khủng hoảng của toàn bộ chủ nghĩa tư bản thế giới.   Cho nên, hiện giờ chúng ta đang đứng trước vấn đề này: với nền sản xuất tiểu nông và tiểu tiểu nông của ta, với tình trạng bị tàn phá của đất nước ta, liệu chúng ta có thể đứng vững được cho đến khi các nước tư bản Tây Âu hoàn thành được bước phát triển của họ lên chủ nghĩa xã hội không? Nhưng các nước này lại không hoàn thành bước phát triển ấy như trước đây chúng ta đã tưởng. Họ hoàn thành bước phát triển đó không phải bằng „sự chín muồi“ đồng đều của chủ nghĩa xã hội trong nước họ, mà bằng cách một số nước này bóc lột một số nước khác, bằng cách bóc lột nước thua trận đầu tiên trong chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, cộng thêm với sự bóc lột toàn thể phương Đông. Mặt khác, chính vì cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa lần thứ nhất đó mà phương Đông đã bước hẳn vào phong trào cách mạng và đã được lôi cuốn hẳn vào cơn lốc của phong trào cách mạng thế giới.   Tình hình đó buộc nước ta phải có sách lược gì? Cố nhiên là sách lược sau đây: chúng ta cần tỏ ra hết sức thận trọng để bảo toàn chính quyền công nhân của ta, để duy trì tầng lớp tiểu nông và tiểu tiểu nông của ta dưới quyền lực và dưới sự lãnh đạo của chính quyền đó. Về phần chúng ta, chúng ta có cái lợi là toàn thế giới hiện đang bước vào một phong trào nhất định sẽ đưa đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới. Song chúng ta cũng có cái bất lợi là bọn đế quốc đã chia thế giới ra làm hai phe; và sự phân chia này trở nên phức tạp vì nước Đức, - một nước thực sự phát triển theo chủ nghĩa tư bản văn minh tiên tiến – ngày nay, chỉ có thể hồi phục một cách hết sức khó khăn. Tất cả các cường quốc tư bản chủ nghĩa của cái mà người ta gọi là phương Tây, đang xâu xé nước Đức và ngăn cản không cho nó phục hồi. Mặt khác, toàn bộ phương Đông với hàng trăm triệu người lao động bị bóc lột, bị bần cùng hóa đến cực điểm đang lâm vào hoàn cảnh là lực lượng thể chất và vật chất của nó không thể nào so sánh được với những lực lượng thể chất, vật chất và quân sự của bất cứ một nước nào ở Tây Âu, dù là nhỏ bé hơn nhiều.   Liệu chúng ta có thể tránh được sự xung đột sau này với các nước đế quốc chủ nghĩa ấy không? Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng những mâu thuẫn và xung đột nội bộ giữa các nước đế quốc chủ nghĩa phồn thịnh ở phương Tây và các nước đế quốc chủ nghĩa phồn thịnh ở phương Đông, sẽ đưa lại cho chúng ta một cuộc ngừng chiến lần thứ hai, như cuộc ngừng chiến mà tất cả các nước ấy đã thực hiện lần thứ nhất, khi những đoàn quân của lực lượng phản cách mạng ở Tây Âu đưa sang giúp lực lượng phản cách mạng Nga, đã thất bại, vì trong phe phản cách mạng ở phương Tây và phương Đông, trong phe những kẻ bóc lột ở phương Đông và phương Tây, trong phe Nhật Bản và Mỹ, đã có những mâu thuẫn?   Theo tôi, có lẽ phải trả lời câu hỏi đó như thế này: cách giải quyết ở đây tùy thuộc vào một số quá nhiều nhân tố, và chúng ta chỉ có thể đoán trước được kết cục của toàn bộ cuộc đấu tranh, căn cứ vào sự việc là tuyệt đại đa số dân cư trên hoàn cầu, rút cục lại, được chính chủ nghĩa tư bản giáo dục và rèn luyện cho biết đấu tranh.   Kết quả của cuộc đấu tranh chung quy là tùy thuộc vào điều này: các nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, v.v. bao gồm tuyệt đại đa số dân cư trên hoàn cầu. Và những năm gần đây, chính đa số dân cư đó đang được lôi cuốn một cách nhanh chóng không thể tưởng tượng được vào cuộc đấu tranh tự giải phóng; cho nên xét về ý nghĩa đó, không thể nghi ngờ một chút nào nữa về kết cục cuối cùng của cuộc đấu tranh trên toàn thế giới. Xét về ý nghĩa đó, thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội được bảo đảm một cách tuyệt đối và hoàn toàn.

[Nguồn: Wladimir I. Lenin: Lieber weniger, aber besser]

Mấy câu hỏi của Tom Strohschneider
Minh họa: Tobias Schrank

Video liên quan

Chủ Đề