Cơ hội và thách thức của ngân hàng số

Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Visa, phần lớn người tham gia khảo sát [77%] biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất [72%] và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè [67%].

Người Việt ngày càng chuộng thanh toán số cho các khoản chi tiêu nhỏ [ảnh: Visa]

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết: “Khảo sát của chúng tôi về thái độ thanh toán của người tiêu dùng đã chỉ ra rằng người dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng đặt niềm tin vào các dịch vụ thanh toán mới do doanh nghiệp có tên tuổi mà họ tin tưởng cung cấp. Ngoài sự an toàn và bảo mật mà các phương thức thanh toán này mang lại, chúng cũng được đánh giá cao vì khả năng tăng cường kiểm soát và giám sát tài chính cá nhân". 

Cũng theo khảo sát này, ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường. Thanh toán sinh trắc học [chẳng hạn như quét vân tay, nhận dạng giọng nói/khuôn mặt hoặc quét võng mạc] được quan tâm đặc biệt với 83% người tiêu dùng trong nước hiện đã biết đến các phương thức thanh toán này và đa số cũng quan tâm trải nghiệm chúng. Thẻ không số cũng dần được nhận biết bởi 62% người tiêu dùng và có tới 77% người tiêu dùng sẽ sử dụng chúng cho các giao dịch trong tương lai. Theo đó, có thể thấy việc ứng dụng đưa eKYC vào nhận diện và xác thực tài khoản, định danh điện tử khách hàng của hàng loạt ngân hàng thời gian qua là rất kịp thời. Có thể điểm danh một loạt các ngân hàng đã tiên phong sử dụng eKYC trong định danh khách hàng như VPBank, TienphongBank, MBank, HDBank, VietCapital, ... đã thông qua đó, vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nhân lực cho công tác xác thực tài khoản người dùng, vừa giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn với dịch vụ, công nghệ tiên tiến, thu hút được thêm khách hàng mới. 

Kết quả này đang phản ánh một xu thế chuộng sử dụng thanh toán không tiền mặt ngày càng rõ ràng hơn trong nền kinh tế. Và nó cũng là sự thích ứng của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch COVID-19, đặc biệt khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và vẫn đang gây ra giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành địa phương, khiến mọi hoạt động thương mại, mua sắm trực tiếp bị đình trệ, các phương thức thanh toán điện tử, giao dịch online trở thành chủ đạo. 

Ngay cả dưới "xúc tác" COVID-19, sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm, sử dụng các phương thức thanh toán trong đó chủ chốt là ngân hàng số của người dùng cũng cho thấy khía cạnh tích cực đáng kể. Bởi điều này nếu quan sát và so sánh với hành vi, lựa chọn sử dụng các phương thức cũng thanh toán của người dùng trong đại dịch ở năm 2020, đã có thay đổi nhất định. Theo đó, năm 2020, theo mức độ căng thẳng và ảnh hưởng của đại dịch chưa lớn, các hoạt động mua sắm, đi chợ hộ qua các ứng dụng gắn kèm phương thức thanh toán ví điện tử hoặc liên kết ngân hàng đã được người dùng ưa chuộng hơn. 

Trong một khảo sát của được thực hiện bởi Cimigo, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập và đã triển khai tại 2 địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào đầu 2020, người Việt cũng chỉ mới sử dụng ví điện tử để thanh toán các hóa đơn định kỳ như điện nước, nạp cước điện thoại... Nay, khi dịch chuyển sang sử dụng ngân hàng số, nhu cầu thanh toán của họ sẽ được cung cấp đa dạng hóa và phù hợp hơn với bối cảnh dịch mới, khi phương thức thanh toán không còn "ghép" với hệ sinh thái sử dụng dịch vụ cố định của một app hay siêu app. Đây chính là kết quả cũng phần nào cho thấy nỗ lực chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số của các nhà băng, đưa ngân hàng số gần hơn với người dân.

Chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số mang đến những trải nghiệm "ngoại tuyến" tối ưu cho người dùng [ảnh: VietCapital Bank]

Về mặt lợi ích trực tiếp, qua nhu cầu sử dụng ngân hàng số của người dùng, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn thu phí lẫn các khoản vốn giá rẻ dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn [CASA] được để sẵn trong các tài khoản nhằm phục vụ cho giao dịch, một chuyên gia đánh giá. 

Về lợi ích dài hơi hớn, cũng theo chuyên gia, sự chuyển dịch này có thể mang tính nhất thời nhưng sẽ tạo thói quen, từ thói quen đến "gặt" kết quả gắn bó với ngân hàng số của người dùng. Đây vừa là lợi ích cơ hội, vừa là thách thức của ngân hàng, nếu ngân hàng làm tốt thì sẽ thúc đẩy được sự dịch chuyển hành vi thành thói quen, giữ được người dùng; nếu không, sau "môi trường" dịch bệnh và nhu cầu sử dụng tại thời điểm có tính nhất thời, người dùng sẽ lại dịch chuyển trở về các phương thức thanh toán đơn giản, gắn với các hệ sinh thái dịch vụ phổ thông như Momo, Grab, Be...

Một khía cạnh có thể nhìn từ khảo sát của Visa, ngoài tổng thể người dùng Việt ưa chuộng chi tiêu nhỏ với ngân hàng số, sự xuất hiện phổ biến của thế hệ người dùng trẻ rất quan trọng. Theo bà Đặng Tuyết Dung cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Dễ nhận thấy tiềm năng của các xu hướng này đối với nhóm người dùng trẻ là rất lớn. Trong đó, người tiêu dùng Thế hệ Z thể hiện sự tin tưởng và hào hứng đáng kể đối với các dịch vụ thanh toán và kênh tiêu dùng mới như thương mại trên mạng xã hội”.

Người tiêu dùng Thế hệ Z là lực lượng tiêu dùng cốt lõi của thương mại trên mạng xã hội, với 85% người được khảo sát thuộc Thế hệ Z đã biết về thương mại mạng xã hội và 68% hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xem tối thiểu ba đánh giá liên quan đến sản phẩm trước khi mua hàng lần đầu tiên, khảo sát của Visa nêu.

Trên thực tế, người dùng thế hệ Z cũng đã và đang là nhóm đối tượng mục tiêu trong hoạt động ngân hàng số của các ngân hàng. Song sự dễ dàng tiếp cận ứng dụng công nghệ số, trải nghiệm sự mới mẻ trong tinh thần và điều kiện của họ, cũng khiến các ngân hàng một mặt dễ "tiếp thị" và cung cấp dịch vụ ngân hàng số cho nhóm đối tượng này "dùng thử"; mặt khác, lại rất khó giữ chân nhóm khách hàng đối tượng này dài lâu. Việc dịch chuyển từ ngân hàng số Yolo qua ngân hàng số Cake của VPBank là một ví dụ. 

Dù thế nào thì các thông tin khảo sát Visa cung cấp, cũng đã là một lát cắt phản chiếu và hứa hẹn một một tương lai không tiền mặt là viễn cảnh khả quan tại Việt Nam khi người tiêu dùng gia tăng tần suất sử dụng thanh toán không tiền mặt để hoàn tất giao dịch cho các khoản chi tiêu hàng ngày, khi thái độ thanh toán của người tiêu dùng đã thể hiện rõ sự quan tâm ngày càng tăng đối với ngân hàng số và các công nghệ thanh toán mới khác, đặt nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam. Đó cũng là viễn cảnh khả quan cho các ngân hàng trong gợi ý phát triển về ngân hàng số từ hôm nay.

Đánh giá của bạn:

Ngày 11-5-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [NHNN] đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa là để NHNN cụ thể hóa và triển khai các nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, song cũng là để xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành trong xu thế chuyển đổi số, giúp ngành Ngân hàng nắm bắt thời cơ, vượt lên thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp [CMCN] 4.0.

Khách hàng giao dịch tại trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Giao Thuỷ.

Trong những năm gần đây, xu thế phát triển ngân hàng số đã trở thành một hướng đi tất yếu của các ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0. Theo các chuyên gia, ngân hàng số có nhiều mức độ. Trong đó, 1.0 là giai đoạn ngân hàng đa kênh cung cấp nhiều dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking; 2.0 là thời kỳ hợp kênh, tung mọi dịch vụ lên một ứng dụng, thuận tiện cho người dùng sử dụng; giai đoạn 3.0 là người dùng có thể thực hiện tất cả dịch vụ tài chính từ xa mà không cần đến ngân hàng; còn giai đoạn 4.0 là tập trung vào trải nghiệm, cá nhân hóa người dùng. Theo số liệu thống kê của NHNN, có đến 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó 39% ngân hàng lên kế hoạch chuyển đổi số riêng và tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ ngân hàng, 42% ngân hàng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số. Đặc biệt, một số dịch vụ ngân hàng [thanh toán, nhận tiền tiết kiệm] gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán [từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán…]. Nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân… giúp đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày. Ngoài ra, một số công nghệ mới như định danh điện tử [eKYC], quét mã QR để rút tiền, máy gửi rút tiền tự động [Autobank] đã được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ứng dụng ngày càng rộng rãi như Agribank, BIDV, Vietinbank, TPBank, MBBank, Techcombank… Hiện tại, Techcombank Chi nhánh Nam Định chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến [Ebanking], giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng với phí dịch vụ 0 đồng. MBBank Chi nhánh Nam Định đã triển khai tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên app MBBank và Biz MBBank. Mới đây, ngân hàng này cũng tiên phong ra mắt hình thức thanh toán mới bằng mã VietQR trên App MBBank, theo đó khách hàng có thể dễ dàng tạo một mã QR kèm linh vật, màu sắc theo sở thích hoặc phong thủy cho tài khoản thanh toán của mình và lưu lại cho mọi giao dịch, rút ngắn thời gian, giản tiện trong thao tác thanh toán. 

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức chính. Đầu tiên là thách thức về sự đồng bộ, giữa thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng phù hợp với các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó là thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Ngoài ra, thách thức từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng; việc đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số cũng là rào cản lớn đối với ngành ngân hàng. 

Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng [trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước]. Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số [kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet]. Kế hoạch cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số [trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước].

Để triển khai được thành công kế hoạch này, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, song vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế những rủi ro, thách thức trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Chú trọng xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính năng tiện tích, trải nghiệm cho khách hàng. Đặc biệt, coi nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi phát triển ngân hàng số; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp lao động ngành Ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Video liên quan

Chủ Đề