Cách học của sinh viên Bách khoa

Sau 5 năm khám phá vẻ đẹp của Toán, Dinh và Dương đều lựa chọn tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Toán Tin tại Bách khoa để theo đuổi chuyên sâu đam mê Toán của mình.

Bí quyết học giỏi: Tự học

"Trong những năm học cấp 3, tôi đã đem lòng yêu thích môn Toán, đặc biệt, tôi thích tìm hiểu những ứng dụng của môn toán trong thực tế." Nguyễn Thị Dinh chia sẻ khi được hỏi về lý do chọn viện Toán ứng dụng và Tin học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để theo học đại học.

Nguyễn Thị Dinh.

Cô gái lớp Toán Tin K61 cho biết không gặp phải quá nhiều khó khăn trong quá trình học tập tại Bách khoa. Với Dinh, khó khăn lớn nhất là việc phải làm quen với cuộc sống xa gia đình và tự chăm sóc bản thân.

Con gái học kĩ thuật nói chung hay chuyên ngành Toán Tin nói riêng sẽ vất vả hơn so với con gái học các ngành kinh tế hay xã hội, đặc biệt là sự mất cân bằng nam - nữ khiến các cô gái chọn ngành kĩ thuật thường cảm thấy lạc lõng.

Tuy nhiên Dinh được bạn bè nhận xét là một người hài hước, dễ nói chuyện, thông minh và luôn sẵn sàng trong mọi cuộc chơi. Vì vậy nên Dinh không gặp khó khăn mấy trong việc hòa nhập với môi trường đại học có nhiều nam sinh.

"Thực ra lớp tôi cũng có rất nhiều bạn nữ, chiếm đến 1/3 sĩ số của lớp. Các bạn nam trong lớp rất tình cảm và ga lăng, thường tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm tặng quà cho các bạn nữ vào những ngày lễ như 8-3, 20-10,…" - Dinh cảm thấy vui và tự hào khi là thành viên của lớp có các bạn trai cực kỳ tâm lý.

Khi chia sẻ về bí quyết để đạt được kết quả học tập, Dinh khiêm tốn: "Đối với tôi, tự học chính là bí quyết quan trọng nhất. Tôi luôn cố gắng đi học đầy đủ và nghe giảng, vì hiểu bài ngay trên giảng đường giúp tôi rút ngắn thời gian tự học."

Bên cạnh đó, Dinh có một nhóm bạn thân luôn cùng nhau làm các bài tập lớn, làm việc nhóm, gắn bó nhau không chỉ trong quá trình học tập mà còn rất nhiều các hoạt động tập thể.

Điều này khiến cho cô gái làm việc nhóm hiệu quả hơn và kết quả đạt được cũng cao hơn. Dinh cho biết, nhóm bạn của Dinh gồm 12 người, hầu hết đều ra trường bằng giỏi và tìm cho mình được một công việc như mong ước.

"Điểm tôi yêu thích nhất ở Bách khoa Hà Nội là các thầy cô ở trường, đặc biệt là các thầy cô ở Viện Toán ứng dụng và Tin học. Các thầy cô không những giỏi chuyên môn mà còn rất yêu quý và gần gũi với sinh viên. Khoảng thời gian học tập tại trường giúp tôi từ một cô gái yếu đuối cảm thấy ngày một mạnh mẽ, chịu được nhiều áp lực hơn trong công việc và cuộc sống." - Dinh tự hào kể.

Trong các thầy cô Dinh đã được học, cô gái gửi lời cảm ơn và biết ơn nhiều nhất tới PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - cô giáo hướng dẫn đồ án cho Dinh trong suốt quá trình học tập. "Cô rất ân cần, luôn kiên nhẫn và nhiệt tình cho dù tôi còn có nhiều thiếu sót."

Sau khi kết thúc chương trình học, Dinh đã tiếp tục đăng ký chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: "Tôi tin Bách khoa sẽ là môi trường rèn luyện tốt, là cái nôi để tôi tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình."

Dấu ấn "Góc học tập Sami"

Bách khoa Hà Nội là cái đích mà chàng trai Hà Nội Lương Tùng Dương, lớp Toán Tin K61 hướng đến từ hồi học cấp 3.

"Bách khoa Hà Nội là một thương hiệu lâu đời, là ngôi trường kỹ thuật thuộc TOP đầu cả nước. Và tôi biết rằng muốn nắm lấy tương lai, thì đây chính là ngôi trường mình cần phải đến học."

Lương Tùng Dương.

Với Dương, Viện Toán Ứng dụng và Tin học không chỉ có mỗi "Toán" mà còn có cả "ứng dụng". Dương chọn trước cho mình "ứng dụng" rồi mới áp dụng vào "Toán". Đây chính là cách học tập mà Dương vô cùng tâm đắc để đạt được kết quả học tập cao.

Trong suốt quá trình học tập, Dương gặp phải khá nhiều stress, từ việc chậm báo cáo, không hiểu bài, đến thi điểm kém,… Mỗi lúc gặp phải các vấn đề căng thẳng, áp lực, gia đình và bạn bè luôn là những chỗ dựa vững chắc cho cậu.

Khi kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chặng đường là sinh viên, Dương hào hứng kể về câu chuyện thành lập nhóm "Góc học tập Sami" - tổ chức phát triển từ Ban học tập và NCKH của Liên chi Đoàn viện.

Sami chính là viết tắt của Viện Toán ứng dụng và Tin học, nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ những hiểu biết về học tập cũng như đời sống sinh viên cho các em tân sinh viên của viện, giúp các em đỡ bỡ ngỡ trong những ngày đầu bước vào cánh cửa đại học.

Nhắc đến "Góc học tập Sami ", chàng trai kể về những ngày đầu tiên thành lập, những buổi học mà gần 20 con người cùng chen lấn vào một phòng học chưa đến 20m2. Thậm chí, có những ngày 37-38 độ và không điều hòa, nhưng mọi người vẫn có mặt rất đông đủ. "Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính cũng như nhân lực, nhưng chúng tôi rất vui vì được các bạn tân sinh viên đón nhận.", Dương tự hào.

Trong quá trình học tập, với Dương, cô Nguyễn Thị Bạch Kim là người truyền cảm hứng, hướng dẫn các kiến thức, cũng như cách thức nghiên cứu khoa học cho cậu. "Tôi đã chọn và đi theo định hướng tối ưu sau khi học môn "Các phương pháp tối ưu" do cô giảng dạy." - Dương chia sẻ.

"Kỷ niệm mình nhớ nhất về cô Bạch Kim là về một lần họp báo cáo đồ án của hai cô trò. Là một buổi chiều đẹp trời, khi lịch hẹn là 18h nhưng 17h59 mình vẫn đang xếp hàng chờ gửi xe vì nhà xe giờ tan tầm rất đông." Dương kể lại, lần báo cáo đó đã diễn ra muộn gần 10 phút so với lịch hẹn và cũng lần đầu tiên cô giúp mình hiểu về việc chuyên nghiệp trong tác phong làm việc.

Nhờ sự chỉ bảo và hướng dẫn của cô Bạch Kim, Dương ngày càng trưởng thành và chững chạc hơn. Hiện tại, Dương đang đăng ký theo học chương trình Thạc sĩ Toán Tin tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời thực tập tại công ty để có thể tích lũy những kinh nghiệm làm việc thực tế.

*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại

Lê Doãn Thục Anh [dantri.com.vn]

Phải tự học

Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói “Đại học là tự học”. Đó là khác biệt lớn nhất giữa phương pháp học của THPT với phương pháp tiếp cận kiến thức của bậc đại học. Ngày đầu bước chân vào giảng đường, nhiều SV hết sức ngỡ ngàng vì giảng đường quá lớn và SV thì quá đông. Nhiều người tự hỏi làm thế nào để nghe được lời thầy giảng và ghi chép được toàn bộ lời thầy nói?

Thạc sĩ Võ Tấn Thông - Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lưu ý: “Thực ra lớp học đông hay vắng không quan trọng bằng việc phương pháp giảng dạy của bậc ĐH thay đổi hoàn toàn so với thời phổ thông. Thầy cô chỉ giảng mà không đọc, những cái gì cần thiết thầy mới nhắc SV ghi lại. Các em cần phải xác định là bắt đầu từ thời điểm này, các em phải tự học là chính, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn chứ không làm thay”. Theo thạc sĩ Thông, nếu trên lớp phải học 2 tiết lý thuyết thì khi về nhà, các em phải tự học khoảng thời gian gấp đôi là 4 tiết.

Thạc sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng nhận định: “Nếu những năm phổ thông học theo cách học thụ động: viết vào tập những điều thầy cô ghi trên bảng, đợi thầy cô đọc cho chép, học các kiến thức trong chương trình ở nhà trường... thì ở bậc ĐH, SV phải học một cách chủ động. SV phải đọc trước tài liệu để nắm kiến thức mà giảng viên hôm sau sẽ dạy, ghi chép những ý chính từ bài giảng, có thể tranh luận, phản biện với những vấn đề giảng viên đưa ra...”.

Nỗ lực ngay từ đầu

Đa số SV đều cho rằng học kỳ đầu cứ từ từ làm quen với cách học mới, không việc gì phải vội. Thế nhưng, theo thạc sĩ Võ Tấn Thông, đây là suy nghĩ lệch lạc, gây hậu quả cho quá trình  học tập tiếp theo. “Học kỳ 1 và 2 chính là khoảng thời gian quan trọng tạo đà cho những học kỳ sau. SV nào lơ là, chểnh mảng rất dễ bị rớt. Chỉ cần học lại 1, 2 môn sẽ gây ức chế dẫn đến hoang mang, lo lắng và nếu tiếp tục rớt thêm ở học kỳ 2 sẽ khiến các em chán nản, buông xuôi. Do đó, ngay từ đầu phải nỗ lực mà không được chủ quan” -  thạc sĩ Võ Tấn Thông nhắc nhở.

Theo cách phân bổ chương trình bậc ĐH, CĐ, 3-4 học kỳ đầu là các kiến thức cơ bản, cơ sở, các học kỳ còn lại đi sâu vào chuyên ngành. Thạc sĩ Trần Đình Lý cũng đưa ra lời khuyên: “Càng cơ bản thì mức độ khó sẽ cao hơn vì đó là cơ sở cho các kiến thức chuyên ngành các năm sau. Do đó, SV phải nắm vững các kiến thức cơ bản, cơ sở ngành, nếu để hổng ban đầu thì sẽ càng hổng về sau, dẫn đến chán học và bỏ học”.

Đặc biệt, với phương thức đào tạo theo tín chỉ, SV phải xây dựng cho mình một thời khóa biểu khoa học hợp lý; lên thời gian biểu cho cả ngày bao gồm cả giờ trên lớp và ở nhà. Thạc sĩ Võ Tấn Thông còn lưu ý: “Khi đăng ký tín chỉ, SV cần biết lượng sức mình, chọn số lượng môn học phù hợp với sức khỏe, năng lực học tập và điều kiện kinh tế. Không phải cứ đăng ký nhiều là tốt”. Thạc sĩ Trần Đình Lý cũng cho rằng: “Học đến đâu, quyết chí vượt qua đến đó, thậm chí tính toán để có thể đạt điểm giỏi hay xuất sắc. Vì thế, nên chọn vừa đủ số môn học, khoảng 6-8 môn/học kỳ”.

Theo các giảng viên, điều quan trọng là SV cố gắng áp dụng lý thuyết vào thực tế càng nhiều càng tốt. “Ở học kỳ cuối, SV phải đi thực tập ở các cơ sở sản xuất, đơn vị hành chính, các tổ chức, doanh nghiệp... Đây là dịp cọ xát thực tế, cũng có thể là cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường, các em không được lơ là, xem nhẹ. Đây còn là cơ hội học hỏi tác phong cách làm việc, kỷ luật của một đơn vị”, thạc sĩ Lý nhấn mạnh.

Mỹ Quyên 

>> Nhiều hoạt động dành cho tân sinh viên
>> Chỗ ở dành cho tân sinh viên
>> Nhiều hoạt động bổ ích cho tân sinh viên
>> Học bổng cho tân sinh viên
>> Tân sinh viên “mắc bẫy” tờ rơi

Video liên quan

Chủ Đề