Chế độ luyện tập cho người ung thư

Tập thể dục vừa phải, thường xuyên mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bị ung thư. Những chương trình tập thể dục của mỗi người bệnh nên dựa vào sự an toàn và những gì tốt nhất cho họ. Một số vấn đề ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục của bạn, ví dụ:

  • Loại và giai đoạn ung thư của bạn
  • Phương pháp điều trị ung thư của bạn
  • Sức chịu đựng của bạn, sức mạnh và mức độ thể dục

Trong quá trình điều trị, bạn cần tập thể dục ít hơn bình thường hoặc ở cường độ thấp. Mục tiêu là duy trì hoạt động và phù hợp nhất có thể. Những người rất ít vận động [không hoạt động] trước khi điều trị ung thư có thể cần bắt đầu với hoạt động ngắn, cường độ thấp, chẳng hạn như đi bộ ngắn. Đối với người già, những người mắc bệnh ung thư đã di căn sang xương hoặc loãng xương hoặc các vấn đề như viêm khớp, bệnh thần kinh ngoại biên [tê ở tay hoặc chân], sự an toàn và cân bằng là rất quan trọng để giảm nguy cơ té ngã và chấn thương. 

Một số người có thể bắt đầu hoặc duy trì chương trình tập thể dục của mình một cách an toàn, nhưng nhiều người sẽ có kết quả tốt hơn với sự giúp đỡ của một chuyên gia y tế, vật lý trị liệu hoặc nhà sinh lý học tập thể dục. Những chuyên gia này có thể giúp bạn tìm ra loại bài tập phù hợp và an toàn cho bạn. Họ cũng có thể giúp bạn tìm ra tần suất và thời gian bạn nên tập thể dục.

Sau điều trị

Khi bạn đang hồi phục sau điều trị

Nhiều tác dụng phụ sẽ được cải thiện trong vòng một vài tuần sau khi quá trình điều trị ung thư kết thúc. Tuy nhiên, một số có thể kéo dài lâu hơn hoặc thậm chí xuất hiện muộn hơn. Hầu hết mọi người có thể từ từ tăng thời gian và cường độ luyện tập lên. Hãy nhớ rằng tập thể dục vừa phải được định nghĩa là hoạt động tốn nhiều công sức như đi bộ nhanh.

Khi bạn sống không bệnh hoặc bệnh ổn định

Trong giai đoạn này, hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nó thậm chí có thể giúp một số người sống lâu hơn. Có một số bằng chứng cho thấy việc có và giữ một mức cân nặng ổn định, ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ hai cũng như các bệnh mãn tính nghiêm trọng khác. 

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo những người sống sót sau ung thư nên thực hiện những hành động sau:

  • Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Tránh tình trạng thiếu hoạt động và trở lại hoạt động hàng ngày bình thường càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán.
  • Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Tập thể dục ít nhất 2 ngày mỗi tuần.

Ngày càng nhiều nghiên cứu đã xem xét tác động của hoạt động thể chất đối với sự tái phát ung thư và sự sống còn của người bệnh.  Tập thể dục đã được chứng minh là cải thiện thể lực, tim mạch, sức mạnh cơ bắp, thành phần cơ thể, mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, lòng tự trọng, hạnh phúc, và một số yếu tố chất lượng cuộc sống ở những người sống sót sau ung thư. Ít nhất 20 nghiên cứu về những người bị ung thư vú , đại trực tràng , tuyến tiền liệt và buồng trứng đã gợi ý rằng những người sống sót sau ung thư có thực hiện các hoạt động thể chất sẽ có nguy cơ tái phát ung thư thấp hơn và khả năng sống sót được cải thiện so với những người không hoạt động. 

Những người thừa cân hoặc béo phì sau khi điều trị nên hạn chế thực phẩm, đồ uống có hàm lượng calo cao và tăng cường các hoạt động thể chất nhằm thúc đẩy việc giảm cân. Những người đã được điều trị ung thư tiêu hóa hoặc phổi có thể bị thiếu cân. Cả hai nhóm nên nhấn mạnh rau, trái cây và ngũ cốc. Béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn. Nó cũng liên quan đến sự tái phát ung thư vú và nó cũng có thể liên quan đến sự tái phát của các loại ung thư khác. Tập thể dục có thể giúp bạn có và giữ được cân nặng khỏe mạnh.

Sống với căn bệnh ung thư tiến triển.

Một số mức độ hoạt động thể chất có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc một số loại ung thư, ngay cả khi bệnh đã tiến triển [đã lan rộng ra nhiều nơi và / hoặc không còn đáp ứng với điều trị]. Nhưng điều này thay đổi tùy theo loại ung thư, khả năng thể chất, các vấn đề sức khỏe liên quan đến ung thư hoặc điều trị ung thư và các bệnh khác. Tình hình cũng có thể thay đổi nhanh chóng đối với người bị ung thư tiến triển và hoạt động thể chất nên dựa trên mục tiêu, khả năng và sở thích của người đó.

Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ ung thư, trong khi hoạt động thể chất – thậm chí tập thể dục vừa phải – có thể làm giảm nguy cơ không chỉ phát triển ung thư mà còn tái phát sau khi điều trị.  Kế hoạch điều trị chống lại bệnh ung thư của một bệnh nhân không chỉ dừng lại ở việc điều trị tại bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Thực hiện một lối sống lành mạnh, về mặt chế độ ăn uống và tập thể dục, đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân ung thư vú và phần phụ trong việc giảm căng thẳng, giảm thiểu tác dụng phụ, tăng cường mức năng lượng thông qua điều trị và phục hồi.

Tập thể dục cũng có thể làm giảm viêm, một phản ứng miễn dịch cấp tính hoặc mãn tính có thể góp phần vào nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu khám phá các mối liên hệ phức tạp giữa tập thể dục, hệ miễn dịch và ung thư. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy những phụ nữ có lối sống lành mạnh có nguy cơ phát triển ung thư vú và các bệnh ung thư khác thấp hơn. Điều này không có nghĩa là những người tập thể dục thường xuyên không bao giờ bị ung thư vú và các bệnh ung thư khác.

Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2019 trên 17,213 đối tượng tuổi từ 25 đến 64 tại 64 tỉnh/thành phố Việt Nam đại diện cho 8 vùng sinh thái toàn quốc cho thấy tỷ lệ thừa cân/béo phì [BMI > 23] là 16,3%, trong đó tỷ lệ tiền béo phì là 9,7% và tỷ lệ béo phì độ I và II là 6,2% và 0,4%. Tỷ lệ thừa cân/ béo phì đang gia tăng theo tuổi, cao hơn ở nữ giới cao hơn so với nam giới, cao hơn ở thành thị so với ở nông thôn [32,5% và 13,8%]. Tỷ lệ béo bụng [ tỷ số vòng bụng/ vòng mông cao] là 39,75% và tăng theo tuổi trên cả nam và nữ. Một số yếu tố liên quan đối với thừa cân/ béo phì là khẩu phần ăn giàu thức ăn động vật, thói quen ăn ngoài gia đình, tăng sử dụng thức ăn nhanh, lạm dụng rượu bia và ít vận động. Tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa [HCCH] là 13,1% tăng theo tuổi. Yếu tố liên quan đến HCCH ở cả khu vực nội và ngoại thành là hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động, % mỡ cơ thể cao, và tiêu thụ nhiều thịt, dầu, mỡ. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, nó cũng làm tăng nguy cơ biến chứng ở những bệnh nhân được chẩn đoán.

Ngoài ra, trong một số bệnh ung thư phổ biến, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, nhiều bệnh nhân hiện có xu hướng tăng – hơn là giảm – cân trong quá trình điều trị.

Điều đó mâu thuẫn với một nhận thức sai lầm phổ biến mà mọi người đã có trong nhiều năm. Một số bệnh nhân nghĩ, ‘Tôi bị ung thư. Tôi phải chắc chắn rằng mình không giảm cân “ vì vậy đã để cân nặng tăng quá mức. Nhưng hiện tại đã có nhiều loại thuốc tốt hơn để giúp bệnh nhân tránh buồn nôn và giảm cân trong quá trình điều trị. Nhiều người trở nên ít hoạt động hơn trong thời gian điều trị ung thư và thậm chí sau đó. Tập thể dục rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân kiểm soát cân nặng và cũng mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng khác.

Tập thể dục đã được chứng minh là làm giảm các tác dụng phụ như mệt mỏi và đau khớp do điều trị ung thư. Bệnh nhân cũng cảm thấy tốt hơn khi tập thể dục và bớt lo lắng, trầm cảm.

Tập thể dục cũng giúp bảo tồn cơ bắp khi tình trạng mất cơ thường xảy ra trong quá trình điều trị ung thư và có thể gây khó khăn cho việc phục hồi.

Những tác dụng phụ đặc biệt là mệt mỏi – có thể khiến bệnh nhân khó cảm thấy có động lực để tập thể dục ngay từ đầu. Điều quan trọng là bắt đầu tập thể dục ngay từ bây giờ, dù bệnh nhân đang ở đâu trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân không phải đến phòng tập thể dục, bắt đầu tập luyện chạy marathon hay mua thiết bị đắt tiền. Tất cả những gì người bệnh cần là đi bộ ra khỏi cửa hoặc xung quanh nhà để bắt đầu quá trình tập luyện của mình.Hoạt động thể chất có thể được kết hợp vào thói quen hàng ngày của mọi người. Ví dụ, các bác sĩ có thể tư vấn cho một bệnh nhân đi cầu thang thay vì thang máy, đi bộ hay xe đạp thay vì lái xe. Mỗi một bệnh nhân bước chân vào khoa Nội IV – Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An điều được tư vấn và lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch chăm sóc các nhu cầu về sức khỏe như vận động, nghỉ ngơi, về dinh dưỡng, giấc ngủ…

Tập thể dục điều đặn đã được chứng minh là có những lợi ích đáng kể cho bệnh nhân ung thư trong việc giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chỉ cần làm một chút điều gì đó có thể giúp người bệnh giảm bớt cảm giác buồn nôn và mệt mỏi, cải thiện tâm trạng và giúp tâm trí bệnh nhân thoát khỏi các vấn đề trong điều trị và phục hồi.

Chủ Đề