Amazon khởi nghiệp như thế nào

[BĐT] - Tỷ phú Jeff Bezos vừa lập thêm một kỷ lục khi sở hữu khối tài sản lên tới 171 tỷ USD hôm 1/7. Tuy nhiên, để đạt tới thành công như ngày nay, ông đã trải qua không ít khó khăn, vất vả.

Từ nhỏ, Jeff Bezos đã thể hiện là một cậu bé thông minh. Khi mới chập chững biết đi, ông đã có thể "tháo tung" chiếc cũi bằng một chiếc tuốc nơ vít chỉ vì muốn được ngủ trên giường cùng mẹ. Từ 4 đến 16 tuổi, ông thường dành thời gian nghỉ hè tại trang trại của ông bà ở Texas, làm những công việc như sửa chữa cối xay gió.

Ông của Jeff Bezos, Preston Gise, là người truyền cảm hứng giúp khơi dậy niềm đam mê trong vị tỷ phú này. Năm 2010, Jeff Bezos từng chia sẻ rằng ông Gise đã dạy ông rằng “trở thành người tử tế khó hơn là người khôn ngoan”.

Thời còn đi học, ông Bezos từng nói với các giáo viên của mình rằng “tương lai của nhân loại không phải trên hành tinh này”. Câu nói này giờ đây được vị CEO của Amazon cụ thể hóa thông qua việc sở hữu công ty thám hiểm vũ trụ mang tên Blue Origin.

Jeff Bezos tốt nghiệp 2 trường đại học, là Dream Institute và Princeton đều là khoa công nghệ máy tính. Sau khi ra trường, ông từ chối lời mời từ Intel và Bell Labs để làm cho một dự án khởi nghiệp mang tên Fitel. Sau khi rời Fitel, Bezos cân nhắc việc hợp tác với Halsey Minor - người sau này sáng lập ra CNET - để lập một startup cung cấp tin tức bằng fax. Tuy nhiên, cuối cùng ông về làm việc cho quỹ đầu tư D.E.Shaw và trở thành Phó chủ tịch cấp cao chỉ sau 4 năm.

Năm 1994, Jeff Bezos đọc được thông tin rằng website cùng các dịch vụ trực tuyến đã tăng trưởng tới hơn 2.300% chỉ trong vòng có 1 năm. Con số này thực sự khiến ông phải kinh ngạc, và quyết định rằng đã đến lúc phải làm một điều gì đó nhằm tận dụng lợi thế từ sự phát triển của Internet. Ông lập danh sách 20 sản phẩm có thể bán trực tuyến và quyết định sách là lựa chọn tốt nhất.

Ông Bezos quyết định rời D.E. Shaw dù đang có một công việc tuyệt vời. Ông chủ của Bezos, David E. Shaw, cố gắng thuyết phục ông ở lại nhưng Bezos từ chối để thành lập công ty riêng. Ông cho rằng thà thử khởi nghiệp và thất bại còn hơn không bao giờ thử.

Từ đó, Amazon chính thức ra đời. Amazon bắt đầu tại gara để xe và những cuộc họp thường diễn ra tại nhà sách Barnes & Noble - đối thủ đáng gờm của Công ty. Tháng đầu tiên sau khi được thành lập, Amazon đã bán sách được cho hàng nghìn độc giả từ hơn 50 bang của Mỹ, và hơn 45 quốc gia khác nhau. Năm 1997, Amazon chính thức bước chân lên sàn chứng khoán.

Năm 2000, sự kiện "bong bóng Dotcom" khiến thị trường chứng khoán "bốc hơi" gần 1 nghìn tỷ USD trong vòng chưa đầy một tháng. Nhiều doanh nghiệp đã mất từ 10 triệu đến 30 triệu USD trong chỉ một quý, dẫn đến sự kết thúc của nhiều trang thương mại điện tử nổi tiếng thời bấy giờ. Mặc dù vậy, Amazon là một trong số ít các startup vượt qua được thời kỳ khủng hoảng này.

Ngoài sách, Amazon dần mở rộng danh mục sản phẩm. Hiện nay, “gã khổng lồ” thương mại điện tử bán hầu hết những thứ bạn có thể tưởng tượng, từ thiết bị công nghệ, quần áo đến dịch vụ điện toán đám mây.

Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Bezos được biết đến là một ông chủ khó tính và dễ nổi giận với nhân viên. Vị CEO nổi tiếng được biết đến với việc cấm thuyết trình PowerPoint tại Amazon. Thay vào đó, ông yêu cầu nhân viên rút gọn vài trang giấy thuyết trình bằng những gạch đầu dòng đơn giản, súc tích mà vẫn bao quát được vấn đề. Ngoài ra, ông Bezos cũng nổi tiếng trong việc tạo ra môi trường làm việc "tiết kiệm", không cung cấp những chế độ như đồ ăn miễn phí hay massage giống nhiều công ty công nghệ khác.

Tháng 7/2017, ông Bezos lần đầu tiên vượt qua Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản hơn 90 tỷ USD. Năm 2018, ông chính thức được Forbes công nhận là tỷ phú giàu nhất thế giới và tiếp tục giữ vững danh hiệu này trên bảng xếp hạng năm 2019 và 2020.

Năm 2019, vụ ly hôn đình đám xảy ra giữa Jeff Bezos và người vợ MacKenzie Bezos sau 25 năm chung sống. Đây chính thức trở thành vụ ly hôn đắt nhất lịch sử, với thỏa thuận 38 tỷ USD dành cho bà MacKenzie, biến bà trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới. Dù vậy, Jeff Bezos vẫn là người giàu nhất thế giới khi đó, với số tài sản trị giá 112 tỷ USD.

Dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhưng lại là khoảng thời gian Amazon phát triển mạnh nhất do đa số mọi người đều chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến.

Ngày 1/7 vừa qua, Jeff Bezos thiết lập một kỷ lục mới khi tài sản của ông vượt mốc 171 tỷ USD, cao hơn cả thời điểm giàu có nhất trước khi ly hôn, theo Bloomberg.

Tài sản của Jeff Bezos - ông chủ Amazon, đã vượt mốc 150 tỷ USD sau phiên giao dịch vào giữa tháng 7/2018 trên sàn chứng khoán New York. Điều này có nghĩa là ông chủ Amazon giàu hơn bất kỳ ai trên thế giới, kể từ khi Forbes bắt đầu công bố xếp hạng tỷ phú.

Điều gì đã khiến Amazon phát triển bền vững với tốc độ thần kỳ như vậy? Đó là tinh thần không ngừng khởi nghiệp luôn được đặt ở vị trí cao đối với nhà lãnh đạo của công ty này. Tinh thần không ngừng khởi nghiệp không chỉ mở ra cho Amazon nhiều cơ hội phát triển mà còn tạo nên môi trường khởi nghiệp cho các cá nhân và doanh nghiệp khác trong xã hội.

Jeff Bezos, CEO Amazon

Amazon - thời kỳ đầu khởi nghiệp

Amazon là tên con sông dài nhất thế giới với vô số điều bí ẩn chưa được khám phá. Đó là lý do mà Jeff Bezos chọn cái tên Amazon đặt cho công ty của mình. Trước khi đi đến khởi nghiệp này, Jeff Bezos là Phó chủ tịch của một công ty tài chính ở New York. Năm 1994, ông đọc được thông tin hệ thống các website đã tăng trưởng 2.300% chỉ trong một năm. Con số này đã khiến ông quyết định cần phải tìm cách tận dụng sự tăng trưởng chóng mặt này. Bezos quyết định rời bỏ công việc đang làm để lập công ty của riêng mình. Thà thử sức và thất bại còn hơn là không bao giờ thử, đó là quyết tâm của vị tỷ phú giàu nhất thế giới hôm nay trong thời kỳ đầu khởi nghiệp.

Amazon của Jeff Bezos ra đời năm 1994 trong một cái gara ở Seattle. Ông chỉ có số vốn ban đầu rất khiêm tốn cùng sự tin tưởng ủng hộ tuyệt đối của gia đình, đặc biệt là của người vợ, bà MacKenzie Tuttle, một nhà viết sách. Ông lập một danh sách 20 sản phẩm có thể bán trực tuyến [online] và không có gì lạ khi quyết định sách là lựa chọn tốt nhất trong kế hoạch kinh doanh đầu tiên này. Kế hoạch kinh doanh ban đầu của Amazon được phác thảo trong hành trình hai vợ chồng Bezos chuyển từ New York về Seattle.

Chỉ 2 tháng sau khi thành lập, Amazon đã có khách hàng ở 50 bang và 45 nước. Amazon tăng trưởng rất nhanh. Vào cuối năm 1995, doanh số của Amazon là 511.000 USD và có 2.200 lượng truy cập mỗi ngày. Đến tháng 6/1996, công ty nhận được khoản đầu tư đầu tiên là 8 triệu USD. Đến tháng 3/1997, mỗi ngày website công ty có 80.000 lượt viếng thăm. Và vào ngày 15/5/1997, Amazon niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với mức giá 18 USD/cổ phiếu.

Khi cơn khủng hoảng dot-com diễn ra, các chuyên gia gọi công ty này là quả bom Amazon. Nhưng họ đã xoay xở được và trở thành một trong số rất ít các startup còn hoạt động sau cuộc khủng hoảng này. Cổ phiếu của Amazon tiếp tục tăng kể từ đó. Không chỉ bán sách, công ty này hiện bán gần như mọi thứ bạn có thể tưởng tượng được, gồm cả đồ gia dụng, quần áo và thậm chí cả dịch vụ điện toán đám mây.

Không ngừng khởi nghiệp

Amazon liên tục phát triển thêm các sản phẩm mới. Công ty bắt đầu bán đĩa CD ca nhạc vào năm 1998 - sự việc đánh dấu việc mở rộng ra ngoài sách và khởi đầu cho hành trình trở thành "Everything Store" - Cửa hàng mọi thứ.

Năm 1998, Bezos trở thành một nhà đầu tư sớm vào Google. Ông đầu tư 250.000 USD tương đương 3,3 triệu cổ phiếu khi Google phát hành cổ phiếu vào năm 2004. Ngày nay, số cổ phiếu đó có giá khoảng 2,2 tỷ USD.

Năm 1999, Bezos được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của Năm. Hình ảnh của nhà sáng lập Amazon xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí Time cùng với dòng chữ "Thương mại điện tử đang thay đổi cách mua hàng của thế giới".

Vào tháng 8/2013, Bezos mua Tạp chí Washington Post với giá 250 triệu USD.

Một thống kê năm 2016 cho thấy Amazon chiếm 43% các hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới.

Cuối tháng 5/2017, cổ phiếu Amazon vượt mốc 1.000 USD. Tổng số nhân viên của công ty là 300.000 người. Tờ Business Insider cho biết giá trị thị trường 356 tỷ USD [7/2017] của Amazon là lớn hơn cả 12 nhà bán lẻ truyền thống Mỹ cộng lại. Tháng 12/2017, Amazon đã có cuộc gặp với hai tập đoàn lớn trong ngành thuốc kê đơn của Mỹ nhằm tham gia và thị trường phân phối thuốc. Cửa hàng không nhân viên đầu tiên Amazon Go đã được mở tại Seattle vào tháng 1/2018 đã đánh dấu sự ra đời của kiểu cửa hàng nhiều tiện lợi cho tương lai.

Mùa hè năm 2018, tài sản của Bezos tăng mạnh khi Amazon tổ chức Prime Day - ngày hội mua sắm kéo dài 36 giờ. Jeff Bezos hiện nay có nhiều hơn 55 tỷ USD so với người giàu thứ 2 thế giới - Bill Gates. Tài sản của ông chủ Amazon cũng xấp xỉ bằng tổng tài sản gia đình Walton sở hữu Walmart - 151,1 tỷ USD. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, Jeff Bezos đã có thêm 52 tỷ USD, bằng tổng tài sản của Jack Ma, ông chủ Alibaba.

Amazon còn được cho là một thế lực mới của ngành quảng cáo, sau Google và Facebook. Là một công ty bán hàng trực tuyến nên Amazon có hệ thống dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng, đó là một lợi thế hết sức quan trọng trong quảng cáo thương mại.

Ngoài ra, Amazon cũng đang tăng tốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo [AI]. Trong lĩnh vực nhà thông minh, với Amazon Echo Dot và Alexa, Amazon cũng đang dẫn trước cả Apple và Google, theo tờ Reuters và Fortune.

Ngày nay Amazon kinh doanh hầu như mọi thứ từ đồ công nghệ cao cho đến thực phẩm, quần áo và cả giấy vệ sinh. Amazon đã thực sự trở thành Cửa hàng mọi thứ lớn nhất thế giới như những gì Bezos đã kỳ vọng. Nhưng Bezos và Amazon không dừng lại. Công ty này vẫn luôn giữ tinh thần mới mẻ, không ngừng tiến về phía trước.

Tạo môi trường khởi nghiệp mới

Vận chuyển hàng hoá là khâu hết sức quan trọng, có vai trò quyết định trong kinh doanh thương mại. Flex - dự án giao hàng trong khu vực thành thị của Amazon từ năm 2015 cho phép nhân viên giao hàng sử dụng phương tiện cá nhân. Dự án thu hút hơn 7.000 xe tải và 40 máy bay tham gia. Amazon cho biết năm 2017, khoảng 5 tỷ chuyến hàng được giao thành công, tính riêng đối với các thành viên Amazon Prime. Thu nhập kinh doanh tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Amazon mới đây khởi động chương trình phát triển công ty giao hàng, khuyến khích những ai có hứng thú tự xây dựng mô hình vận chuyển. Cụ thể, các thành viên sẽ được tạo điều kiện để kinh doanh theo mô hình giao hàng của Amazon, lợi nhuận đạt được có thể lên tới 300.000 USD mỗi năm. Chương trình này được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng cao, đồng thời thể hiện tham vọng mở rộng thị trường của nền tảng thương mại điện tử này. 

Để tiếp tục đẩy mạnh quy mô, hãng có kế hoạch tìm kiếm thêm hàng trăm nhà khởi nghiệp mới ở Mỹ trong mảng giao hàng, đồng thời cung cấp giải pháp về nguồn nhân lực cho các startup này với số lượng hàng chục nghìn nhân viên vận chuyển. Các công ty có thể bắt đầu với chi phí ban đầu khoảng 10.000 USD. Những người muốn khởi nghiệp ngay khi không có kinh nghiệm về logistics vẫn có thể ''bắt đầu, gây dựng và điều hành'' một mô hình giao hàng tại địa phương với sự hỗ trợ từ Amazon. Các startup sẽ được cung cấp 20-40 phương tiện giao hàng, nhận hàng tại 75 điểm đầu mối, các khóa đào tạo, quyền tiếp cận công nghệ vận chuyển, chính sách khuyến mại, bảo hiểm, đồng phục, xăng xe và nhiều đặc quyền khác. Chương trình này cũng là giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của Amazon vào các bên trung gian giao hàng như FedEx, UPS và DHL. 

Với mạng lưới phân phối hàng hoá rộng lớn, Amazon cũng tạo nên cầu nối cho các nhà thiết kế, sản xuất và người tiêu dùng. Trang web merch.amazon.com là một địa chỉ cho việc kết nối này và tạo nên lợi ích cho tất cả các bên tham gia.  Amazon cũng gia tăng các mặt hàng tươi mới, thực hiện giao hàng ngay trong ngày, thử nghiệm mô hình "nhấp chuột và nhận hàng" với AmazonFresh.

Sách là mảng kinh doanh truyền thống của Amazon. Amazon không ngừng cập nhật công nghệ mới hỗ trợ các tác giả và các nhà xuất bản trong quá trình thiết kế, biên tập, phát hành và bảo vệ bản quyền. Với những tiện ích mà Amazon đem lại, mua và đọc sách điện tử đã trở thành thói quen của nhiều độc giả. Tuy nhiên sách in giấy truyền thống vẫn tiếp tục phát triển. Amazon ứng dụng công nghệ in theo yêu cầu, giao hàng nhanh chóng chỉ 2 ngày sau khi đặt hàng.

Dòng sông Amazon của Jeff Bozes đã và đang chảy qua rất nhiều những lĩnh vực từ điện toán đám mây, công nghệ cao, sách văn hoá phẩm đến thực phẩm, may mặc, đồ gia dụng... Cũng như dòng sông Amazon chảy trên mặt đất với nhiều bí ẩn, Amazon của Jeff Bozes mang đến cho người tiêu dùng những bất ngờ thú vị. Không chỉ phát triển cho riêng mình, Amazon luôn luôn ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp kinh doanh sáng tạo và chính từ đó tạo nên môi trường khởi nghiệp mới mẻ đầy hấp dẫn cho các cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhiều lĩnh vực. Hợp tác để cùng phát triển là cách thức đúng đắn nhất trong môi trường thương mại toàn cầu.

Video liên quan

Chủ Đề