Ý nghĩa ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hành chính về an ninh trật tự

"Xuất phát từ chủ đề của Hội thảo, trong tham luận, các đại biểu đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cần có sự “chấm điểm”, đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với các sản phẩm Viện Khoa học & Công nghệ [KH&CN] đã nghiên cứu, sản xuất và trang bị cho Công an các đơn vị địa phương thời gian qua, từ đó xác định được phương hướng đặt ra đối với công tác nghiên cứu KH&CN trong CAND thời gian tới…” - Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn tại Hội thảo  “Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, chủ động đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới” được Bộ Công an tổ chức chiều 16-12 tại Hà Nội.


Toàn cảnh buổi hội thảo.

Qua nghe Báo cáo tham luận của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an địa phương tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đánh giá: Hội thảo “Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ  [KHKT &CN] chủ động đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới” đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

“Những ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí là cơ sở quan trọng, làm sáng tỏ và thống nhất nhận thức một số vấn đề về lý luận, thực tiễn trong công tác ứng dụng KHKT& CN chủ động đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Với phương thức tiếp cận trực quan một số sản phẩm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ [ KTNV] và công cụ hỗ trợ [CCHT] tiêu biểu đã được nghiên cứu, chế tạo thành công, các đại biểu đánh giá cao công tác tổ chức của Viện KH&CN, đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm chú trọng công tác nghiên cứu khoa học Công an, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác chiến đấu.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.


Thiếu tướng, TS Lê Minh Quý, Viện trưởng Viện KH&CN báo cáo tại Hội thảo 

Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu, biểu dương Viện KH&CN, các đơn vị chức năng đã nỗ lực, tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học ý nghĩa này. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Trong thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó dự báo.

Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ làm thay đổi căn bản mọi mặt đời sống xã hội, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng thích nghi.

Để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phục vụ đất nước hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi công tác nghiên cứu, chế tạo, quản lý trang thiết bị kỹ thuật phục vụ các lực lượng nghiệp vụ CAND phải chủ động đi trước một bước. Nòng cốt là lực lượng chuyên trách nghiên cứu, chế tạo, quản lý trang thiết bị kỹ thuật cần chủ động đổi mới, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển ứng dụng KHCN trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN, chế tạo, quản lý trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai một số công tác trọng tâm.

Trong đó, Thứ trưởng khẳng định, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối hoàn thành thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm  [2016 – 2020], là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và hàng loạt các sự kiện quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021..bởi vậy, Viện KH&CN cần nâng cao hơn nữa tinh thần chủ động, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch đảm bảo, cung cấp trang thiết bị KTNV, CCHT kiểm tra an ninh, an toàn phục vụ các Hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên toàn quốc thời gian tới.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn thăm quan các sản phẩm kỹ thuật nghiệp vụ do Viện KH&CN nghiên cứu, chế tạo.

Công an các đơn vị, địa phương quán triệt sâu sắc phương châm và phát huy cao độ tinh thần an ninh chủ động trong quá trình chuẩn bị, phân tích, đánh giá, sát hợp tình hình để nhận diện chính xác những nguy cơ tác động đến công tác đảm bảo ANTT. Đồng thời, xác định đúng những mục tiêu, đối tượng trọng tâm cần tổ chức công tác bảo vệ để triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị KTNV, CCHT phù hợp, hiệu quả.

 Viện KH&CN phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất về chế độ, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở các lĩnh vực nghiên cứu mới vào công tác trong lực lượng Công an, kết hợp với đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị. Đây là nguyên tắc và cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong CAND đi trước một bước, đạt hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, Viện KH&CN phối hợp chặt chẽ với Viện Chiến lược Khoa học & lịch sử Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương tham mưu các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đối với hoạt động nghiên cứu khoa học tại đơn vị. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành và tư duy, phương thức tổ chức hoạt động khoa học công nghệ.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, chế tạo với đơn vị sử dụng các phương tiện KTNV & CCHT để nắm bắt nhu cầu, tiếp thu ý kiến và hiệu chỉnh thiết bị sao cho phát huy hiệu quả cao nhất các phương tiện KTNV và CCHT. Đồng thời, chủ động tham mưu mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu chuyển giao những công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ lõi từ các nước có nền công nghệ tiên tiến, hiện đại ứng dụng vào công tác nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới, sản phẩm thông minh, có hiệu quả sử dụng cao, chất lượng tương đương khu vực và quốc tế.

Từ ý kiến tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đề nghị Viện KH&CN khẩn trương tiếp thu, kịp thời biên tập, chỉnh lý và phối hợp các đơn vị liên quan tích cực, chủ động tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác KHKT&CN chủ động đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới.

“Camera an ninh” góp phần đảm bảo trật tự xã hội

[ĐCSVN] - Việc “camera an ninh” phủ sóng tại các tuyến đường, khu dân cư tại nhiều địa phương trên cả nước không chỉ giúp người dân chấp hành tốt quy định pháp luật mà còn phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

“Cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng

Nằm trong đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2021, đến nay, mô hình “camera an ninh” đã và đang mang lại hiệu quả cao, ý nghĩa quan trọng và tiếp tục có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Hệ thống các “camera an ninh” được kết nối máy chủ giúp thuận tiện quan sát. [Ảnh: HN]

Thực tế, việc lắp “camera an ninh” đã được triển khai những năm trước đó nhưng khoảng hơn 1 năm trở lại đây mới trở nên phổ biến và phát huy tác dụng.

Đơn cử, tháng 3/2021, UBND huyện Ứng Hòa [Hà Nội] đã triển khai lắp đặt 128 camera an ninh với nguồn kinh phí đầu tư và xã hội hóa. Sau thời gian đẩy mạnh triển khai, mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực. Cụ thể, tình hình an ninh, trật tự chuyển biến rõ rệt trên các tuyến đường, khu vực có trang bị hệ thống “camera an ninh”.

Đồng chí Thượng tá Phạm Hồng Phong, Phó trưởng Công an huyện Ứng Hòa [Hà Nội] cho biết, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện có sự ổn định hơn kể từ khi xây dựng hệ thống “camera an ninh”.

“Camera an ninh được xem như là “mắt thần”, “cánh tay nối dài”, bổ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những đối tượng có biểu hiện nghi vấn đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hạn chế xảy ra tệ nạn, tiêu cực. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai nhân rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác bảo đảm an ninh trật tự, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn”, đồng chí Phạm Hồng Phong, Phó trưởng Công an huyện Ứng Hòa [Hà Nội] chia sẻ.

Không chỉ riêng huyện Ứng Hòa, nhiều quận, huyện của Hà Nội đã tiên phong, tích cực mở rộng phạm vi ứng dụng mô hình tại 100% các phường, xã, thị trấn như: quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm…

Trước đó, nhiều tỉnh, thành, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước cũng đã đồng bộ lắp đặt hệ thống “camera an ninh” cùng với xây dựng quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo, các đoàn thể và từng xóm, bản. Dù hầu hết các xã miền núi đều gặp khó khăn về kinh tế, ngân sách hạn chế nhưng chủ trương lắp đặt hệ thống camera an ninh vẫn được triển khai thuận lợi và hoạt động hiệu quả cao.

Đồng chí Thượng úy Nông Tiến Dũng, Trưởng Công an xã Thượng Nung [huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên] đánh giá việc xây dựng hệ thống camera an ninh không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định pháp luật mà còn hỗ trợ lực lượng chức năng trong xử lý các vụ việc khó một cách nhanh chóng, chính xác, công bằng, bảo đảm an ninh an toàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh, vùng sâu vùng xa.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ an ninh an toàn

Nhằm bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thực hiện thành công tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng phường, thị trấn, quận, thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị, giúp xã, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2156/UBND-NC “Về nhân rộng mô hình “Camera an ninh” trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Cụ thể, các tuyến đường trục và khu vực đông dân cư, các điểm đen, an toàn giao thông, vị trí trọng điểm phục vụ công tác bảo đảm an ninh… được ưu tiên lắp đặt hệ thống camera. Chỉ cần thiết bị di động có kết nối mạng, cài đặt ứng dụng là có thể quan sát camera ghi hình ở bất kỳ đâu, thời gian nào một cách thuận tiện và dễ dàng.

Cô Trần Thị Thu Trà, ở đường Nguyễn Trãi [quận Hà Đông, Hà Nội] chia sẻ: “Lắp đặt hệ thống camera không chỉ để theo dõi, xử lý chính xác các hành vi trộm cắp tài sản mà còn giúp bộ phận an ninh kiểm soát tốt các vấn đề xảy ra trên quy mô rộng, phát hiện và kịp thời ngăn chặn sự vụ gây mất an toàn trật tự. Mặt khác, việc lắp đặt camera ở các khu vực như ngã ba đường, đèn đỏ... thì sẽ phần nào giúp người dân chấp hành tốt quy định pháp luật khi tham gia giao thông”.

Qua quá trình rà soát, đánh giá kết quả triển khai tại 121 phường, xã, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã, đến nay, mô hình “camera an ninh” đang từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Việc lắp đặt “camera an ninh” thuận lợi cho theo dõi, phòng ngừa các loại tội phạm. [Ảnh: ML]

Thực tế kể từ khi đưa vào sử dụng hệ thống “camera an ninh”, lực lượng chức năng đã tăng tính chủ động trong công tác nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ, toàn diện, nghiêm túc 24/24 giờ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Để mô hình thực sự mang lại hiệu quả, lực lượng công an phường, xã, thị trấn phải là nòng cốt trong việc tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng. Cán bộ quản lý cần tích cực phổ biến cho người dân nhận biết, góp sức, đồng lòng phục vụ đấu tranh, tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bà.

Hệ thống lắp đặt “Camera an ninh” đang nhận được sự đồng tình hưởng ứng từ đông đảo người dân. Những kết quả mô hình “camera an ninh” mang lại tiếp tục trở thành động lực quan trọng để các địa phương mở rộng phạm vi ứng dụng. Song, chi phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị rất tốn kém nên sự đồng hành của tầng lớp nhân dân, các nguồn lực xã hội có ý nghĩa vô cùng to lớn. Và thực tế, đã có nhiều mạnh thường quân nhiệt tình quyên góp, hộ dân có kinh tế khá giả tự nguyện ủng hộ kinh phí để xây dựng, phát triển mô hình.

Có thể thấy, việc mở rộng phạm vi mô hình “camera an ninh” là chủ trương cần thiết, vừa góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm “thượng tôn pháp luật” cho mỗi người, vừa tạo hiệu quả gián tiếp trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng và phát huy thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, hiện đại, văn minh./.

Ngọc Mai

Video liên quan

Chủ Đề