Ý nghĩa của phim the danish girl

Ý nghĩa của phim the danish girl

Một bộ phim cho những ai cần nhiều dũng cảm hơn, để được trở thành chính mình…

—> Đọc thêm về nam diễn viên Eddie Redmayne ở đây

[Spoilers ahead!!!]

Trước khi review chính thức cho bộ phim đang “sốt xình xịch” này, mình muốn kể một câu chuyện nhỏ của bản thân. Số là tầm một tháng trước, khi vừa xem xong Imitation Game, mình hào hứng đến nỗi có chia sẻ cảm xúc với một chị đồng nghiệp khá thân. Giữa hai chị em đã nổ ra một cuộc tranh cãi, đúng hơn là tranh luận nhỏ về cộng đồng LGBT. Đọc và xem về số phận của Alan Turing, mình thực sự rất thương ông, và mình nghĩ, để đấu tranh cho quyền tự do giới tính dần đã cởi mở như ngày nay, rất nhiều con người đã phải đổ biết bao nhiêu máu và nước mắt, phải chịu nhiều oan khiên, miệt thị và trừng phạt về một điều họ không được lựa chọn ngay từ lúc sinh ra. Tại sao chúng ta – những con người luôn tự nhận mình- cao- cả-khoan-từ-vô -bờ-bến, lại không chấp nhận cho những người như vậy cái quyền để sống như một người bình thường, được làm tất cả những nghề bình thường trong xã hội?Tại sao chúng ta luôn mặc định một người có xu hướng gay, trans chỉ có thể làm các nghề mua vui tạp kỹ, “cao cấp” hơn một chút là làm thiết kế, ca sĩ, diễn viên, trang điểm… Tại sao chúng ta vẫn thấy trái khoáy nếu họ (công khai) khi làm bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo hay những nghề mà chúng ta cho là “đạo mạo” trong xã hội? Chị đồng nghiệp ấy không lên án nhưng cũng không coi đó là một điều bình thường, và bày tỏ thái độ khá gay gắt rằng chúng ta nên nghĩ ra cách để “điều chỉnh” việc ngày càng có nhiều người có xu hướng giới tính “lệch lạc” như vậy, nhiều từ sở làm ra ngoài đường phố, từ gia đình ra ngoài xã hội xóm. Còn mình lại chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu đó là một xu hướng không thể né tránh được của thế giới, tại sao lại phải cứ chống lại nó, khinh thị nó, dè bỉu nó? Nếu một người không làm hại đến ai, không làm gì trái với đạo đức, lương tri xã hội tại sao không cho họ cơ hội để sống với hết khả năng và đam mê của họ trong xu hướng giới tính mà họ tin họ là như vậy? Để họ có cơ hội bộc lộ hết tinh hoa và tiềm năng của bản thân để làm thế giới này cùng tốt đẹp hơn lên? Không có con thì đã sao? Không phải là một gia đình có chồng- vợ dị tính thì đã sao? Thế giới vẫn cứ đông đúc ào ạt với đủ đầy hỉ nộ ái ố đấy thôi!

Thế rồi, những tranh cãi rơi vào khoảng lặng vì cả hai không hướng đến những mục tiêu chung. Mình cũng quên khuấy câu chuyện cho đến khi bắt tay viết bài này. Vài lời dông dài như vậy, cốt yếu nói rõ mình đến với bộ phim không mang màu sắc kỳ thị cộng đồng LGBT, thậm chí rất có cảm tình vì mình biết rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp như vậy. Và đa phần họ đều rất quái, một số nổi bật và một số ít giỏi-xuất-sắc trong lĩnh vực của họ.

Và, dễ hiểu, những người đó, họ đã và đang tung hô The Danish Girl rất dữ dội. Họ cũng không tiếc lời mỉa mai đầy xéo xắt cho những ai khinh thị hay lỡ có không thích bộ phim. Ngược lại, một số khác bàn luận về nó bằng những ngôn từ thô bỉ và dơ dáy của những kẻ bần nông đích thực mà luôn tự phong mình là “dáo xư”. Bọn người này cực kỳ thích rao giảng và “khai hóa” cho đám trẻ thế nào là một người bình thường không bệnh hoạn bằng cách chê bôi phim theo một kiểu rất tởm và bầy đàn không thể nuốt nổi.

Thế rồi hôm qua, tự mình đi xem The Danish Girl. Và trong luồng cảm xúc còn dạt dào, mình dạo quanh FB thì thấy mọi người cũng có những luồng suy nghĩ trái chiều, thậm chí chõi nhau chan chát. Ngay cả người đi xem với mình cũng tỏ ra không mấy hào hứng với bộ phim. Nên dù có rất nhiều điều muốn kể (bằng lời) nhưng rõ ràng mình bất lực để tìm được ai đó thực sự đồng cảm. Tốt nhất là viết lên đây, nếu may mắn có ai đó đọc được và cảm thông, thì ít ra đó là sự chọn lựa của họ ngay từ đầu vì mình đã bày tỏ quan điểm trước ngay đoạn “intro” này. Bởi mình không hề giỏi thuyết phục. Bởi mình không giỏi vuốt ve bằng mỹ từ. Thế nên mình cũng nói trước tất cả mọi thứ mình viết trong bài review này dù có là chê thì chỉ là những cảm nhận cá nhân và nó không lên án, phản bác hay chỉ trích bất kỳ cá nhân nào. Và nhất là, các quan điểm này không xuất phát từ định kiến cố hữu nào khác ngoài góc nhìn khách quan của một kẻ mê phim ảnh.

Với The Danish Girl, mình không đi xem vì đây đang là một bộ phim đang “hot” hay đang “được bàn tán”. Mình đến với nó như một thể tài tâm lý ưa thích. Bởi đã rất tâm đắc với The King’s Speech lẫn Les Misérables của bác Tom Hooper. Mình cũng đã tránh không tìm hiểu trước về nhân vật mà phim lấy cảm hứng ngoài đời thực vì sợ ảnh hưởng đến cảm nhận về bộ phim- một tác phẩm độc lập- đang tranh giải Oscar ở nhiều hạng mục.

Ý nghĩa của phim the danish girl
Bạn có thể vừa đọc review vừa thưởng thức soundtrack quá cảm xúc của phim do nhà soạn nhạc Alexandre Desplate sáng tác->>> Ở đây

Đầu tiên phải có một lời khen vì sự choáng ngợp. Phim đẹp. Quá đẹp. Đẹp từ khung hình đầu tiên cho đến cuối cùng. Đẹp từ trang điểm, làm tóc cho đến từng chi tiết trang phục đẹp đi. Đẹp từ những chi tiết đời thường cho đến những phép ẩn dụ rải đều suốt mạch phim. Tưởng như chỉ cần chụp lại bất kỳ cảnh nào trong phim cũng có thể đóng khung và treo nó ngay lên tường được ấy! Đặc biệt, cũng không thể không kể đến soundtrack phim như một “nhân vật” có linh hồn – khi tươi vui, nhí nhảnh, lúc trầm bổng, thiết tha, lắm đoạn tự sự lại đau cắt ruột gan. Chính thứ âm thanh đẹp đến từng nốt của nhà soạn nhạc Alexandre Desplate đã khiến khán giả cười và khóc cùng nhân vật, giúp bộ phim thêm thăng hoa hơn nhiều lần ngay cả khi ngôn ngữ câm lặng! ❤

Và chính vì đẹp như vậy, ngay từ những giây phút đầu, người xem đã có cảm tưởng như bước vào một bức tranh trang nhã mang phong cách của những thập niên đầu thế kỷ 20, đặt giữa một Châu Âu đầy hoa lệ với tranh, rượu và khói thuốc. Thế nên, tự dung trong đầu người xem, dẫu vô thức cũng đan cài vào một luồng suy nghĩ “ngầm” rằng, mọi thứ trong bức tranh này đã được thi vị hóa, và cường điệu hóa sao cho không bị “lạc tông” giữa gallery hội họa đầy sắc màu. Tất cả như đều được vẽ nên bằng cọ và sơn dầu, từ những góc phố Copehagen rực rỡ sắc cam, bến tàu tươi vui rộn rịp, những bữa tiệc tùng xa xỉ của tầng lớp nghệ sĩ thượng lưu đến ngôi nhà đẹp như họa của đôi vợ chồng trẻ Einar và Gerda Wegener.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Nửa đầu phim cũng cũng rất gợi tình. Một căn nhà nhỏ xinh, bề bộn song gần như không có món đồ đạc nào là thừa thãi ngoài ý đồ. Một chiếc giường rộng rãi, ấm cúng mà mỗi gấp hằn của gối chăn đều chứa đựng những cảm xúc yêu đương đầy nhục cảm. Một bậu cửa gỗ với mấy ô kính trong veo nhìn ra nền trời xanh và dãy phố rải sỏi dưới chân và mây trắng trên đầu, nơi Gerda ngày ngày ngồi trên ấy, hút thuốc và ký họa gương mặt chồng. Mình đặc biệt yêu thích căn phòng vẽ của cả hai, nơi không hề “bày bừa” như tưởng tượng về các phòng tranh khác mà chỉnh chu, đơn giản với lớp giấy dán tường xám tro cùng một lối thông ra các phòng khác hun hút như địa đạo bí ẩn, che dấu những khao khát bên trong. Song, mọi thứ quá hoàn hảo đến nỗi, có lúc nào đó người xem sẽ gợn cảm giác hơi siêu thực. Và một tác dụng ngược nữa của việc dụng công đầy ý đồ này là lắm lúc khiến phim có vẻ hơi giả, thậm chí khiến cảm xúc của diễn viên như bị kịch hóa. Hệt như khi người mẫu ngồi làm mẫu vẽ, họ không có quyền cử động tự nhiên mà phải tuân theo những quy chuẩn ước lệ mà họa sĩ đã đặt ra ngay từ đầu.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Thế rồi trong cả cái nền gần như hoàn hảo ấy, phim duyên dáng đặt vào hai nhân vật chính: Einar và Gerda. Đôi vợ chồng trẻ đều là những họa sĩ tài danh thời kỳ đó. Họ lấy nhau đã 6 năm và vẫn nỗ lực có một đứa con nhưng bất thành. Khi ấy Gerda vẫn loay hoay với những bức chân dung các cô gái và chưa tìm được một đòn bẩy trong sự nghiệp bằng những người mẫu phù hợp.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Còn Einar thì vẫn mải mê vẽ đi vẽ lại một bức vẽ về vùng vịnh Vejle- nơi có hàng cây trơ trụi giữa mùa đông tuyết trắng mà anh từng chứng kiến khi còn thơ ấu- cho đến khi nó đạt đến mức hoàn hảo mới thôi. Cuộc sống thơ mộng ấy cứ lặng lẽ trôi qua trong mái nhà “tranh” với một người chồng có gương mặt nhợt nhạt đượm buồn và một người vợ đẹp mảnh khảnh, đôi môi ngây thơ dỗi hờn và mái tóc óng ánh vàng tựa nàng thơ. Gerda yêu Einar bằng trái tim mãnh liệt. Einar yêu Gerda bằng một tình yêu dịu dàng và nhẫn nại, luôn tháp tùng vợ đến mọi cuộc vui tiệc tùng và vũ hội, lịch thiệp trả lời mọi câu hỏi đầy hài hước và duyên dáng.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Mọi chuyện nhẽ ra cứ như thế nếu không có một dịp- hay một biến cố xảy ra, đơn giản vào một ngày Gerda cần người mẫu vẽ tranh gấp mà cô nàng kia lại đến muộn. Và thế là cô “mượn” chồng làm mẫu. Chính cái lúc Einar xỏ vào đôi tất chân mỏng dính, ướm vào người chiếc áo ballet, luồn tay vào từng thớ vải chiffon mướt rượt, thì, một chuyển biến nội tâm dữ dội đã diễn ra trong anh. Anh không chỉ cảm thấy thích nó mà còn cảm thấy mình thuộc về nó- một thế giới của váy áo lụa là, của những chiếc đầm trắng muốt, của giày Mary Jane, của mũ quả dưa, khăn choàng của môi son và màu mắt rực rỡ. Và đến khi Gerda nảy ra ý tưởng táo bạo cho chồng ăn vận là nữ đến dạ tiệc và Einar bị một chàng trai tán tỉnh thậm chí…cưỡng hôn, anh chính thức cảm thấy mình tái sinh lần thứ hai.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Một phân cảnh khi Einar mới tìm thấy chính bản thân mình và đi tìm… một chàng trai khác trong danh phận Lili

Bộ phim chuyển biến sang một giai đoạn mới khi nhân vật chính bước vào hành trình đấu tranh giữa làm một người đàn ông tên Einar Wegener hay làm một cô gái có tên là Lili Elbe. Nội dung phim chỉ có vậy, và nhiều người cho rằng nó thiếu cao trào. Nhưng thực ra, cao trào nằm trọn trong cảm xúc của nhân vật chính. Khi họ giãy giụa giữa việc chấp nhận xu hướng giới tính của chính mình và người thân để rồi từng bước tin tưởng rằng đó là một điều tất yếu dẫu không dễ dàng gì để chấp nhận.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Sự giằng xé giữa hai con người, hai mối quan hệ khi chuyển biến thành một con người mới, mối quan hệ mới luôn rất mực đau đớn…

Ý nghĩa của phim the danish girl

Người ta ca ngợi bộ phim và nói nhiều về sự nỗ lực và can đảm của Einar Wegener/Lili Elbe. Nhưng với mình mối quan hệ giữa Einar và Gerda, Lili và Gerda mới chính là điểm sáng nhất của bộ phim, khiến người ta khóc những giọt nước mắt cay đắng và đồng cảm chứ không phải đơn thuần chỉ vì số phận của Lili. Sự chuyển biến nội tâm của Lili do Eddie Redmayne thủ diễn về bản thân nó là không có gì để bàn vì quá xuất sắc, nhưng cách để đạo diễn “giao đất” cho anh thì khá lộ liễu. Câu chuyện chuyển biến quá nhanh, nếu một người bình thường thì khó theo kịp mạch phim. Điều đó dẫn đến chỉ những người vốn dĩ đã mang tâm thế của Einar, những người mà bản thân họ luôn có một “Lili sẵn” từ bên trong luôn chực chờ nhảy xổ ra mới có thể hòa vào nhân vật và đồng cảm với phim chóng vánh. Số đông còn lại thì dù đã biết trước nội dung phim, họ vẫn khá khó khăn khi cảm nhận sự biến chuyển đột ngột này. Họ cảm thấy phim khiên cưỡng, vô lý, hời hợt, thậm chí dị hợm. Họ cũng cho rằng phim quá lý tưởng hóa nhân vật bởi ngoài đời thực khó mà có một người vợ như Gerda. Làm sao một phụ nữ có thể chấp nhận một người đang hương đượm lửa nồng giữa một thế giới đầy nhục cảm lại trở thành một người cùng san sẻ với mình những…bộ váy áo, nằm ngủ chung một giường nhưng lại qua một bức rèm và thậm chí chấp nhận chồng mình phẫu thuật để có những bộ phận… giống mình?

Ý nghĩa của phim the danish girl

Ý nghĩa của phim the danish girl

“Dũng cảm để làm chính mình” thôi chưa đủ, người ta cũng cần sự đỡ nâng tinh thần từ những con người bao dung xung quanh!

Và như đã nói trước, không bàn về khía cạnh tâm lý- điều phim làm chưa thực sự thuyết phục, mình chỉ bàn về bản thân cách diễn của nhân vật. Nữ họa sĩ Gerda do diễn viên Alicia Vikander thủ diễn. Cô đã hoàn thành vai trò của mình quá xuất sắc. Một cô gái Đan Mạch đầu thế kỷ 20, sở hữu gout thẩm mỹ tinh tế, một niềm đam mê hội họa tha thiết và tình yêu chồng hơn cuộc sống. Gương mặt của cô đẹp thoát tục như gương mặt Đức Mẹ.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Gout thời trang mang hơi hướm Coco Chanel

 Khi rơi vào bi kịch và phát hiện ra sự thật về chồng, bên ngoài cô như mặt biển êm cùng lúc bên trong cuộc trào những cơn sóng dữ. Đau đớn, không chấp nhận, giúp chồng chữa trị để rồi tình thương lớn hơn tất cả khi cô cùng chồng đi… chuyển giới. Và với mình đây mới thực là nhân vật làm cho Lili trở nên hoàn hảo, một cô gái Đan Mạch đáng được tôn vinh trong tựa phim. Cô như khai sinh ra một con người mới, làm người đó trở nên trọn vẹn và chấp nhận sự trọn vẹn đó như thể nó là một thực thể hoàn hảo và hoàn toàn mới -một điều không phải ai cũng có thể làm được nếu không có một trái tim rất người, rất ích kỷ mà cũng rất bao dung như Gerda?

Ý nghĩa của phim the danish girl

Khi cô đau đớn đi trong màn mưa với đôi mắt đen nhòe nhoẹt mascara, về nhà và gào lên: “Tôi cần chồng tôi. Tôi muốn ôm chồng tôi!” cũng chính là lúc cô nhận ra mình chỉ có thể làm điểm tựa cho bản thân và người từng gọi là chồng kia, chứ không còn là ngược lại.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Người ta tôn vinh Lili đã sống như một biểu tượng tranh đấu cho quyền hạnh phúc của cá nhân và khao khát của những người thiểu sổ (lúc bấy giờ) giống cô. Nhưng sống như Gerda mới đích thực là thái độ sống mà phần lớn chúng ta cần phải học hỏi cho đến tận ngày hôm nay. Nhiều người so sánh với nhân vật Gerda ngoài đời thực và dùng những lời lẽ không hay cho bộ phim, nào là ngoài đời bà ấy cũng tái giá rồi thì lúc chồng mất bà ấy đâu có bên cạnh. Nhưng, tại sao bạn lại cứ thích phá hỏng một tác phẩm độc lập và duy mỹ như thế vì những điều trần tục như vậy? Tại sao không nhìn mọi thứ ở một khía cạnh nhân văn của một tác phẩm độc lập mà cứ phải soi mói và hạ thấp giá trị của bộ phim ngoài những gì diễn ra trên màn ảnh về chính nó?

Và nếu có một lời chê duy nhất, mình sẽ dành cho cách đạo diễn tạo ra quá nhiều đất diễn cho Eddie nhưng vô tình làm ra tác dụng ngược khi cho anh diễn biến tâm lý quá nhanh. Bác Tom Hooper có vẻ như hơi “nhầm nhọt” giữa việc phân định xu hướng về giống và giới của Einar. Bác cho rằng trong Einar vốn dĩ đã có sẵn hai giới tính, và khi có cơ hội thuận lợi bản năng nữ đã lớn hơn và trỗi dậy thắng thế, áp đảo phần nam giới. Nhưng rõ ràng phần nam giới trong Einar yếu đuối quá nhanh, trái ngược với phần đầu phim khi ham muốn đàn ông của anh với vợ đang rất cao. Ngay cả lúc anh đến nhà thổ và xem cô gái thoát y múa máy kích thích hòng tìm lại phần nam giới thì đoạn đó vẫn rất…kịch. Nó có vẻ làm bộ phim thêm chiều sâu về khao khát bản năng, nhưng tiếc thay nó vô tình làm giảm sự giằng xé của nhân vật vì đã tách bạch nhân vật của Einar ra làm hai, từ đó khiến mạch phim trở nên rất dễ hiểu đến độ…chưng hửng! Việc Einar vốn dĩ đã là nữ hoàn toàn từ trong bản chất và chỉ cần trở lại là mình mang lại cảm xúc hụt hẫng rất khác với việc giá như Einar biết mình là nữ nhưng vẫn ý thức rằng mình đang có một cơ thể của nam giới.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Nhưng dù sao phải nói là Eddie Redmayne đã diễn rất tuyệt. Không còn ai nhận ra một Ông Hoàng Vật Lý Stephen Hawsking tàn tật trong Theory of Everything- bộ phim giúp anh giành tượng vàng Oscar năm ngoái. Giờ đây, mình phải bất ngờ khi trên màn ảnh hoàn toàn là một cô gái Lili đầy nữ tính và duyên dáng từ cái khép chân bẽn lẽn, cái chớp mắt duyên dáng, nụ cười son đỏ hút hồn với gu thời trang từ đơn điệu đến tinh tế, từ biểu cảm xấu hổ đến điệu đàng, uyển chuyển như anh thực sự là một cô gái ngây thơ, e lẹ, mê…trai trẻ đẹp và cũng biết đẩy đưa, làm duyên làm dáng rất…gái tính^^. Chắc chắn Eddie Redmayne là một ứng cử viên nặng ký cho Nam chính xuất sắc nhất của Oscar năm nay (anh Leo lại phập phồng lo lắng rùi). Hồp hộp chờ đợi xem sao.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Nghe nói anh Eddie Redmayne phải học vợ cách tô son suốt một thời gian dài để vào vai Lili cho thật “ngọt” đấy!:P

Có một tình tiết cao trào trong bộ phim đó là đoạn Lili ăn vận thời trang, nữ tính đi bộ trong công viên tại Paris. Cô bị hai tên giang hồ chòng ghẹo và đánh đập khi sờ soạng biết là nam để rồi mình đầy thương tích nằm cô độc giữa tuyết trắng. Chính ở cái đoạn ngắn ngủi này, chứ không phải bất kỳ một đoạn nào khác, là lúc những con người đẹp đẽ kia thoát khỏi bức tranh hoàn mỹ ấy, bước ra ngoài cuộc sống. Họ bớt “đẹp” đi cũng là khi họ “người” hơn, ôm nỗi đau cay đắng hơn giữa cuộc đời này. Sự dung dị và giản dị lay động trái tim ấy, tiếc thay chỉ là vài phút ngắn ngủi lướt qua màn ảnh.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Đoạn cuối khi Lili kiên quyết được phẫu thuật chuyển giới và rồi mất đi trong vòng tay Gerda là một phân cảnh xúc động và mang tính một hình tượng cao. Một con người mới tái sinh, mất đi trong vòng tay bao dung của một người gián tiếp tái sinh ra mình. Vậy thì Lili là người khổ đau hay may mắn? Đâu phải người nào trước khi chết cũng có thể trở nên “completed” từ tâm hồn đến thể xác như bản thân mong muốn, “completed” vì có những người thực sự là tri kỷ bên cạnh, “completed” vì ước mơ cả đời đã được thành sự thật, tìm thấy chính bản ngã của cá nhân.

The Danish Girl là một bộ phim dễ xem nhưng không dễ cảm. Nhưng nếu bạn chẳng đòi hỏi gì nhiều hơn một câu chuyện bình thường của những con người bình thường có những giấc mơ khác biệt, bạn có thể sẽ khóc một lúc nào đó mà không hay. Những giấc mơ như bao giấc mơ khác song nó lại về một ham muốn thầm kín bị coi là trái với luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục, một giấc mơ lặng thầm đau đớn mà chỉ vài người hiếm hoi có thể hiểu được và ủng hộ bạn thực hiện giấc mơ ấy- luôn đau đớn và cái giá phải trả để thực hiện nó, luôn là rất đắt. Mà trong phim, Lili Elbe phải trả bằng chính tính mạng mình.

Ý nghĩa của phim the danish girl

The Danish Girl đã chứng tỏ, một bộ phim có thể không có những tình tiết cao trào, chỉ cần những tuyến nhân vật đơn giản cùng một câu chuyện thú vị được kể theo một cách độc đáo cũng đủ để gieo vào lòng người xem những xúc động đến tận tâm can.

Ngoài ra, phim còn những điểm sáng về diễn xuất của các diễn viên phụ như anh chàng bạn cũ điển trai tên Hans của Matthias Schoenaerts, anh chàng đồng tính tán tỉnh Lili của Ben Whishaw và nhất là cô gái ballet Unla do Amber Heard (người mới của anh Johnny Depp) đóng đã làm mạch phim khá tròn trịa. Còn những chi tiết như tấm khăn choàng bay lên tự do tại Vejle, những hàng cây đứng trơ trụi, mình cho là sáo mòn và cũ kỹ. Vì sau tất cả, sau hàng loạt các chi tiết ước lệ, ẩn dụ… chính diễn xuất của các diễn viên mới làm cho The Danish Girl đọng lại trong lòng khán giả chứ không phải sự dụng công kỹ lưỡng đến ngột ngạt của đạo diễn. Điều này thì, so với sự hàn lâm mà dung dị của The King’s Speech, có lẽ bác Tom Hooper đã làm kém đi một bậc. Mình còn nhớ, mình đã khóc như thế nào ở đoạn cuối, khi Colin Firth tái hiện chân dung một vị vua rất mực khuôn phép, chiến thắng chính cái tôi vừa cô đơn, mặc cảm và tách biệt với thế giới, vừa gánh trên vai vận mệnh của cả dân tộc bằng những cảm xúc sâu kín nhất. Hình ảnh vua George VI phải chiến đấu cho mỗi từ được nói ra để có được một bài diễn văn đầy xúc động và hào sảng có lẽ đáng nhớ hơn là một cô gái – vốn dĩ đã tự coi mình là nữ và không có gì phải “lăn tăn” tranh đấu khi chỉ đơn giản là muốn làm chính mình.

Ý nghĩa của phim the danish girl

Kết lại, mình thấy Danish Girl không hẳn xuất sắc nhưng mình thích nó. Mình cũng chẳng biết rằng liệu bạn sẽ có nhiều suy tư lẫn lộn thậm chí trái ngược khi xem phim này hay không hoặc sẽ quên nó đi mau thôi. Nhưng sau tất cả, xin hãy nhìn nhận mọi thứ dưới góc độ của sự bao dung. Ngay cả nhà kiểm duyệt VN cũng đã rất “thoáng” với bộ phim khi không hề cắt những cảnh khá “nhạy cảm” về thân thể con người. Dù không phải để gợi hứng dung tục, nhưng nếu chỉ cần có bàn tay thiển cận và thô bạo nhúng vào, bộ phim sẽ dễ dàng rơi vào tấm toan của những con người siêu thực. The Danish Girl khi đến với người Việt-vốn dĩ còn nhiều thủ cựu, đã được chuyển tải trọn vẹn và đầy đủ vào một không gian rất mực đẹp đẽ, phần nào giúp khán giả tiệm cận tối đa với những con người mang giấc mơ dị thường. Đau đớn nhưng không còn day dứt.

Và như một người xem, mình cám ơn họ về điều đó.

SG, 22/1/2016

Yun