Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa

Được mùa rớt giá, do phá quy hoạch

Đầu năm 2018, câu chuyện “giải cứu” nông sản lại nóng khi hàng ngàn tấn củ cải trắng, su hào, bắp cải và nhiều loại rau xanh khác… không tiêu thụ được, rớt giá. Nguyên nhân của tình trạng được mùa rớt giá, trồng - chặt, theo TS Đỗ Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển nông nghiệp nông thôn, là do bà con nông dân phá vỡ quy hoạch của từng loại nông sản, ngành hàng mà Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương đã đưa ra, chứ không phải do “chưa có quy hoạch”. Các chuyên gia về nông nghiệp cũng cho biết rất nhiều loại nông sản hiện đã vượt diện tích so với định hướng đề ra. 2 năm nay, ở tỉnh Gia Lai, diện tích trồng hồ tiêu đã lên tới 15.500ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ là 6.000ha. 

Nói về bài học cây hồ tiêu, theo ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ vượt quy hoạch dẫn tới tình trạng rớt giá thảm như hiện nay (có thời điểm chỉ còn 80.000 đồng/kg) là do vào năm 2015, khi giá hồ tiêu tăng cao (200.000 đồng/kg), các hộ nông dân đã mở rộng diện tích ngoài quy hoạch hoặc trồng xen canh (khoảng 15% diện tích). Thậm chí có nơi còn chặt cà phê để chuyển sang hồ tiêu. Tình trạng “được giá là phá quy hoạch” đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, trong khi đặc thù sản xuất nông sản ở nước ta là mùa vụ và phụ thuộc vào thời tiết, kém khâu thu hoạch - chế biến - bảo quản nên dẫn đến “điệp khúc” được mùa rớt giá, dư cung. Theo Bộ NN-PTNT, sau 15 năm, chăn nuôi heo của Việt Nam tăng 3 lần, sản xuất sữa tăng 15 lần, nhiều loại rau củ quả tăng 3-4 lần nhưng năng lực chế biến, dự trữ với rau chỉ khoảng 5%, thịt chỉ 1%.

Có nên tiếp tục giải cứu?

Từ vụ thịt heo ế ẩm, chuối rớt giá đến củ cải trắng, su hào… dư thừa cứ lặp đi lặp lại nên doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng không còn quá nhiệt tình với việc giải cứu nữa. Bởi bài toán của doanh nghiệp là lợi nhuận, họ không thể mua giá cao, người tiêu dùng cũng không chịu chọn sản phẩm giá đắt khi thị trường đang dư thừa. Trong cuộc họp bàn cách giải cứu củ cải trắng ở Mê Linh (Hà Nội) cũng như sau vụ thịt heo năm 2017, nhiều doanh nghiệp không ngại bày tỏ rằng không thể tiếp tục giải cứu nông sản bởi sẽ tạo điều kiện để nông dân phá vỡ quy hoạch, sản xuất theo kiểu được giá là đua nhau làm. 

Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, cốt lõi cho vấn đề tiêu thụ nông sản ở nước ta là các cơ quan chức năng phải tập trung nghiên cứu và dự báo về thị trường để cung cấp cho nông dân lẫn doanh nghiệp. Phải có dữ liệu thì mới biết trồng cây gì, nuôi con gì và ở mức độ bao nhiêu là phù hợp. Đối với định hướng quy hoạch, ông Ngô Trí Long đề nghị cần phải linh hoạt theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường, còn như hiện nay quy hoạch hình thức và máy móc, không xuất phát từ cầu. 

Vậy còn vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng nông dân phá quy hoạch? Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước không thể kiểm soát được việc nông dân trồng cây gì, nuôi con gì mà nên trao quyền tự quyết này cho nông dân. Bởi khi nông sản nào được giá, nông dân sẽ ồ ạt đầu tư vì đó là quy luật kinh tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng vẫn cần phải có vai trò quy hoạch và định hướng của cơ quan chức năng. Để tránh lặp lại tình trạng nông sản dư thừa, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, nắm được thông tin để có điều chỉnh ngay từ đầu năm và hướng dẫn sát sao hơn, tránh rủi ro cho nông dân. 

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện Bộ NN-PTNT đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi theo tinh thần chăn nuôi sẽ là ngành có điều kiện về môi trường và thị trường. Ngoài đảm bảo môi trường, muốn mở trang trại chăn nuôi phải có thêm giải pháp về thị trường. Trước khi bắt đầu chăn nuôi, người dân phải biết sản lượng làm ra bao nhiêu và sẽ tiêu thụ ở đâu… Luật Chăn nuôi sẽ là công cụ để Nhà nước kiểm soát tình trạng chăn nuôi tràn lan không theo định hướng quy hoạch. Liên quan vấn đề “đầu ra” nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho rằng mấu chốt hiện nay là phải phát triển được chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua việc liên kết, ký hợp đồng bao tiêu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng nông dân đổ xô trồng - chặt, cần hình thành các HTX để nhóm vào các mặt hàng, không để nông dân tự phát. Bên cạnh đó, nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tăng cường chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, sẽ không còn cảnh được mùa rớt giá, trông đợi giải cứu.

PHÚC HẬU

Liên tục giải cứu nông sản giải cứu nông sản được mùa mất giá

Các cuộc giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn, như giải cứu heo đến dưa hấu, hành tím, mía đường, khoai lang, chuối, thanh long, và gần đây là củ cải, ớt, dưa chuột, hoa ly...

Trong 1,5 ngày thảo luận về kinh tế xã hội, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm, yêu cầu Chính phủ giải trình rõ và tìm nguyên nhân khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng nông dân làm nông nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo, đó là chưa tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa hoạt động sản xuất và nhu cầu thị trường.

“Công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Thương hiệu nông sản xây dựng quá chậm. Các nước nhập khẩu luôn áp đặt các hàng rào kỹ thuật để gây khó cho sản phẩm của nước ta”, ông nói.

Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa
Năm nào tình trạng giải cứu nông sản cũng diễn ra. Ảnh: Vietnamnet.

Tất cả những yếu kém này làm người sản xuất nông nghiệp luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng. Ông Xuân đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp nhanh chóng có giải pháp đúng, mạnh, đột phá về dự báo thị trường, liên kết trong chuỗi sản xuất và nhanh chóng xây dựng thương hiệu, để thực trạng này không còn lặp lại trong thời gian sắp tới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói rằng các cuộc giải cứu nông sản gần như năm nào cũng tái diễn, như giải cứu heo hơi đến dưa hấu, mía đường, khoai lang, thanh long và gần đây là củ cải, ớt, dưa chuột, hoa ly… khiến hàng vạn nông dân lao đao, thậm chí phá sản.

“Tôi tự hỏi tại sao chúng ta có nhiều hội nghị, hội thảo bàn cách giải quyết đầu ra cho nông sản mà chưa có bàn cách không giải cứu nông sản. Đó mới chính là giải pháp căn cơ lâu dài trong tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp”, ông nói tại nghị trường.

Theo đại biểu, để không còn câu chuyện nông nghiệp giải cứu, nông nghiệp từ thiện, thì cần phải thực hiện hóa chỉ đạo của Thủ tướng. Từ chuyện chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản.

“Để chuyển được tư duy như vậy không phải một hai mùa vụ, mà có thể triển khai được hoặc tự phát ở nơi riêng lẻ, ở từng địa phương, từng ngành hàng nông sản, mà rất cần một hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa
Sinh viên Nghệ An giải cứu dưa chuột cho nông dân đầu tháng 5/2018. Ảnh: Thế Sơn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta hiện nay tiếp tục gia tăng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn trên 40%, dân số nông thôn là trên 65%.

Tuy nhiên, năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp chỉ khoảng 35 triệu đồng, tương đương với 38% năng suất lao động cả nước. Ông đề nghị cần có kế hoạch chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp, để giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động.

Các cuộc ‘giải cứu’ nông sản Việt đã diễn ra như thế nào? Một vài năm gần đây, điệp khúc sản lượng tăng, khó khăn đầu ra, giá giảm khiến không ít loại nông sản Việt phải trông chờ “giải cứu”.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng cần sớm tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn là năng suất và chất lượng nông sản. “Chúng ta chưa tối ưu hóa được chi phí sản xuất do năng suất thấp, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường về cả chủng loại và chất lượng”, bà nói.

Trong phần phát biểu giải trình của mình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận thực tế yếu kém trong sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, giúp gắn kết thị trường và dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu. Ông cũng đặt vấn đề sau khi nắm bắt tín hiệu thị trường thì cần làm gì tiếp để giúp người nông dân có kế hoạch sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận còn những tồn tại và nhấn mạnh “với đặc điểm Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ thì đi lên tái cơ cấu thành một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại rất cần thời gian”.


Giải cứu nông sản: Lời giải khó cho bài toán cũ!

VTV.vn - Đầu năm 2021, thị trường đã chứng kiến hàng loạt cuộc "giải cứu" nông sản dư thừa, phải đổ bỏ, người nông dân thì thua lỗ.

"Giải cứu" là câu chuyện đã không còn mới và việc "giải cứu" hàng nông sản ở Việt Nam dường như đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Mới chỉ đầu tháng 3 này, hình ảnh ruộng cà chua và củ cải của bà con nông dân tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội bị ứ đọng, khó tiêu thụ, dù giá bán rất rẻ đã khiến nhiều người thương cảm.

Lời kêu gọi giải cứu ngay lập tức được diễn ra và được người dân Thủ đô đã hưởng ứng nhiệt tình. Thế nhưng điều đáng nói, vào năm 2018, chính những người nông dân tại xã Tráng Việt cũng đã từng đau xót nhìn cảnh củ cải phơi trắng cả cánh đồng trong điệp khúc "được mùa, mất giá". Đúng 3 năm trước, 2.000 tấn củ cải ứ đọng tại ruộng cũng đã phải trông chờ vào những đợt giải cứu như thế này.

Thiếu giải pháp nhất quán trong vùng chuyên canh nông sản

Huyện Mê Linh được coi là vùng nguyên liệu nông sản lớn của thành phố Hà Nội. Những năm qua, địa phương này đã tập trung chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất hoa và rau màu. Thế nhưng hoạt động sản xuất nông sản luôn tồn tại nhiều vấn đề, ví dụ như vẫn còn xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá", tiêu thụ không ổn định.

Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa

Củ cải tại huyện Mê Linh, Hà Nội không có khách hàng mua nên người dân đành phải nhổ bỏ. (Ảnh: PLO)

Năm nay, nhiều người cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng thực phẩm sụp đổ dẫn đến tình trạng nông sản bị đổ bỏ là điều không thể tránh khỏi. Xét vào mỗi thời điểm, sẽ có những cách lý giải khác nhau, nhưng không thể chỉ dựa vào đó mà đổ lỗi hoàn toàn cho những nguyên nhân khách quan.

Ghi nhận tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, thửa ruộng này chưa thu hoạch xong, thửa khác đã bắt tay vào sản xuất. Thay vì 4 vụ thì nay, người dân tại đây đã tăng sản xuất lên 5 - 6 vụ/năm.

"Chúng em phải trồng chứ, làng nghề em là nghề rau nên phải cứ trồng", một người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ.

"Tất cả người dân ở Đông Cao này không nghĩ mình làm ít hay làm nhiều, mà cứ có đất là mình làm", một người dân khác cho biết.

"Mình là nông dân, mình chỉ biết trồng thôi. Thị trường nó tiêu thụ thế nào thì mình không biết.", một người dân khác nói.

Không cần biết thị trường tiêu thụ như thế nào, mà chỉ cần biết có sức thì cứ làm, hệ quả là sản lượng đã vượt quá dự kiến đầu ra.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu phòng kinh tế phối hợp với ủy ban xã, hợp tác xã xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, nghiên cứu thị trường tiêu thụ, đưa ra mức tiêu thụ bình quân năm là bao nhiêu để chỉ sản xuất theo mức tiêu thụ đó thì sẽ ổn định được lâu dài về sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm", ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hà Nội, cho hay.

Điều này đồng nghĩa, từ trước đến nay, việc phối hợp và triển khai của các đơn vị phát triển kinh tế nông nghiệp đã không đồng nhất. Điều dễ thấy là nông sản rớt giá, lượng lớn ùn ứ và không ít trong số đó phải bỏ đi vì chất lượng kém.

Theo quan điểm của lãnh đạo huyện Mê Linh, do tình hình dịch bệnh nên lượng tiêu thụ chậm lại và giá có thấp hơn nhưng không vì thế mà cần phải giải cứu.

Cần xóa bỏ tư tưởng nuôi trồng theo kiểu phó mặc

Trước câu chuyện người nông dân phải tự tay nhổ bỏ thành quả mà mình đã vun trồng, nếu chỉ nhìn bằng ánh mắt thương cảm, đau xót thì chưa đủ để thấu hiểu. Nguyên nhân sâu sa của thực tại này đến từ đâu phải nhìn thẳng và nhìn rõ vào chủ thể của ngành sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ này. Đó mới là cách để chúng ta đánh giá được bản chất của vấn đề.

Chất lượng cà chua đã xuống nhưng thay vì nhổ bỏ, nhiều hộ dân xã Tráng Việt vẫn giữ lấy để tiếp tục thu hoạch, bởi với bà con, kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy.

Vì cố kéo vụ mùa, chất lượng nông sản giảm, giá thành cũng giảm theo, đặc biệt đầu ra sẽ càng hạn chế do dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa

"Giải cứu" là câu chuyện đã không còn mới và việc "giải cứu" hàng nông sản ở Việt Nam dường như đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". (Ảnh: Dân trí)

Trong quá trình sản xuất và thu hoạch, người nông dân không tuân thủ theo quy trình được hợp tác xã đề ra, nhưng khi hàng hóa không tiêu thụ được thì "trăm dâu đổ đầu tằm".

Lúc này, Giám đốc hợp tác xã cũng trở thành người bán hàng bất đắc dĩ. Ngày càng nhiều lượng nông sản đổ về hợp tác xã để nhờ giải cứu. Nhiều hộ trước đây ngại đóng phí hội viên 200.000 đồng/năm, nhưng nay trước thời thế - thế thời đã vội vã xin vào nhằm mong được giải cứu.

"Phải nhờ hợp tác xã giải cứu thôi chứ không thế này người dân đói", một người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, bày tỏ.

Sự nương cậy chỉ mang tính tức thời, điều quan trọng là người nông dân phải biết tuân thủ đúng vùng quy hoạch và lịch thời vụ canh tác. Thấm thía bài học đó, không ít người đã tự tìm đầu ra cho mình.

Người nông dân luôn yếu thế mỗi khi xảy ra những biến động từ thị trường. Nhìn những hình ảnh bà con phải đổ bỏ đi những thứ do mình vun xới, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tuy nhiên, hành động "giải cứu" mà chúng ta đang làm có mang lại ý nghĩa trọn vẹn hay không? Và một nền sản xuất còn dựa vào những giải pháp mang tính tình thế, thì liệu có thể phát triển bền vững được hay không?

"Người ta mới chỉ quan tâm đến cứu, nghĩa là bán được ra và đẩy mạnh ra, còn giải pháp căn cơ như thế nào để cho nông sản được lưu thông, không ùn ứ và giảm giá chúng ta lại chưa coi trọng. Vì vậy, một số nơi hàng hóa chưa đến mức độ thừa người ta cũng dựa vào giải cứu để bán hàng. Tâm lý của giải cứu đang đè nặng lên người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều nước cảm thấy mệt mỏi khi chúng ta đưa ra từ giải cứu", chuyên gia Nông Nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định.

Khi chính quyền địa phương không kêu gọi giải cứu, đó có phải là sự vô tâm? Khi những người nông dân ế ẩm, lại muốn kêu gọi sự giúp đỡ, đó có phải là sự dựa dẫm? Để phân định rạch ròi là rất khó, nhiều chuyên gia lên tiếng rằng chúng ta không thể điều tiết và phát triển nền kinh tế thị trường dựa vào tình thương. Chúng ta cứ nghĩ việc mình đang làm là cách tốt nhất, nhưng đôi khi không phải như vậy.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã rất kiên quyết: "Cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa như hiện nay. Muốn vậy phải có thông tin minh bạch trong thị trường mua bán nông sản, từ đó mới có thể biết được lĩnh vực nào trồng bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu là đủ. Thị trường nông sản hiện nay rối quá. Không phải chỉ COVID-19 làm cho nông sản ùn ứ mà cứ lâu lâu lại có một đợt ùn ứ dưa hấu, thanh long, hành tím… Rất bất cập!".

Giải cứu người khác nhưng đừng tự làm khó mình

Không thể lên án tình yêu thương, sự tương trợ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn và rất nhiều người trong chúng ta sẽ không ngần ngại khi tiếp tục sử dụng tình yêu thương đó theo cách tự nhiên, tự nguyện. Chúng ta không đứng ngoài cuộc khi đồng bào còn gian nan, nhưng giải cứu người khác cũng đừng tự làm khó bản thân.

Ghi nhận tại một điểm giải cứu nông sản ở Hà Nội, hàng người xếp dài, họ có mặt từ sáng sớm để xếp chỗ, gGắng đợi cho đến lượt mình.

Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa

Hàng chục tấn nông sản mỗi ngày được người dân Hà Nội "giải cứu" tại điểm tập kết số 38 đường Giải Phóng. (Ảnh: NLĐ)

Mua gà giải cứu xuất phát từ sự tương trợ đồng bào vùng dịch lúc khó khăn. Vì lòng tốt nên bản thân mỗi người tự cho phép bỏ qua những thắc mắc về truy xuất nguồn gốc.

"Cô chỉ biết địa điểm này thông báo bán sản phẩm giải cứu cho đồng bào Hải Dương thì mua thôi, còn sạch hay không sạch thì cô không rõ lắm", một người dân cho biết.

Tinh thần tương thân của người dân chưa giảm nhiệt. Họ nhiệt thành mua đồ giải cứu nhưng mang về nhờ hàng xóm giải cứu bớt hộ mình. Mỗi loại nông sản giải cứu thường có túi từ 5 - 10kg.

Cũng để nông dân bớt khổ, nhiều tình nguyện viên đã lặn lội đêm hôm thu gom đơn hàng để phân phối. Bởi không là con buôn nên không chỉ phi lợi nhuận, mà sau mỗi chuyến giải cứu, chính họ còn bị âm nợ hàng chục triệu đồng. Cam kết giá đến tay người tiêu dùng bằng với giá mua tại ruộng, nhưng công thu gom, phí vận chuyển, phân phối, một bài toán đơn giản nhưng lại khó giải, để rồi giải được cho người nhưng lại không giải được cho mình.

Vì sao nông sản Việt Nam luôn dư thừa
Đừng mãi giải cứu nông sản!

VTV.vn - Khắp Hà Nội xuất hiện hàng loạt điểm bán giải cứu rau củ quả từ Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của trên TV Online và VTVGo!

Từ khóa:

nông sản, giải cứu nông sản, giải cứu nông sản vùng dịch, nghịch lý giải cứu nông sản, nông dân, nông sản dư thừa, giá nông sản, nông sản rớt giá