Vì sao đất nước ta mãi nghèo

ĐÔI ĐIỀU PHẢN BIỆN VỚI ĐỖ CAO BẢO

Trần Quang Ninh 

Bài TẠI SAO ĐẤT NƯỚC TA MÃI NGHÈO? của Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo làm nhiều người đánh giá là đã làm "dậy sóng trên mạng".

Bài viết khá dài, tựu trung đề cập đến những "Điểm yếu cố hữu" của dân tộc. 

Trong phạm vi chỉ là một vài ý kiến, xin phản biện đoạn đầu của bài này.

Mở đầu bài viết, tác giả Đỗ Cao Bảo nhận định:



"Tôi biết rất nhiều bạn sẽ đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho chính quyền, các bạn cho rằng thể chế, chính quyền đã kéo đất nước tụt hậu, nhưng các bạn cứ bình tĩnh, bởi trong suốt 4000 năm lịch sử, dù ở bất cứ thể chế nào, chính quyền nào, chưa bao giờ Việt Nam phát triển hơn các dân tộc khác. Đấy là một thực tế. Nếu bất cứ thể chế nào, bất cứ chính quyền nào, trong giai đoạn lịch sử nào Việt Nam cũng thua kém các dân tộc khác thì nguyên nhân hiển nhiên phải từ những điểm yếu cố hữu của dân tộc Việt”.

Chỉ trong một đoạn này, lúc đầu tác giả viết “chưa bao giờ phát triển hơn” nhưng ngay sau đó lại viết “thua kém” các dân tộc khác. Về ngữ nghĩa thì ai cũng biết “chưa bao giờ phát triển hơn” và “thua kém” là khác nhau rất nhiều.

Tác giả đặt ra 2 vế: một vế là Thể chế, 

Chính quyền và vế kia là những Điểm yếu cố hữu của dân tộc. 

Tác giả suy luận: với nhiều Thể chế, Chính quyền khác nhau, Việt Nam đều thua kém; từ đó kết luận rằng nguyên nhân không do “Thể chế, Chính quyền”. Lập luận như vậy không logic. Cùng lắm chỉ có thể dừng ở mức nghi ngờ nguyên nhân không hẳn hoàn toàn do "Thể chế, Chính quyền" chứ không thể kết luận nguyên nhân tuyệt nhiên không do "Thể chế, Chính quyền". Hoặc chỉ có thể nói ngoài "Thể chế, Chính quyền" ra, còn có nguyên nhân từ những "Điểm yếu cố hữu " chứ không thể kết luận hiển nhiên nguyên nhân phải là do những "Điểm yếu cố hữu" đó.Những điểm yếu – như tác giả nói là “cố hữu” thì phải hiểu là ít thay đổi theo thời gian. Thế nhưng cùng những điểm cố hữu như nhau, mà Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông rõ ràng khác hẳn dưới thời Lê Chiêu Thống. Tác giả nghĩ gì về điều đó? Theo cùng kiểu suy luận, lẽ ra tác giả lại phải kết luận ngược lại:  “nguyên nhân hiển nhiên phải từ thể chế, chính quyền” chứ nhỉ?

Tác giả lấy các công trình kiến trúc của người Thailand, Myanmar, Indonesia, Cambodia,...  làm ví dụ so sánh với Việt Nam rồi kết luận về sự thua kém của Việt Nam. Nếu tác giả dùng từ “thua kém” đó theo nghĩa thua kém về kiến trúc thì chắc không nhiều người có ý kiến, nhưng nói theo nghĩa rộng thì lại là một nhận định phiến diện. Người Mông Cổ chắc cũng không có những công trình kiến trúc nào đáng kể nhưng họ đã từng mạnh hơn rất nhiều so với các dân tộc khác.

Tác giả nói đến “suốt 4000 năm lịch sử”, có nghĩa là nói đến cả thời gian trước Bắc thuộc. Như vậy thì danh từ Việt Nam được hiểu theo nghĩa nào? Phải chăng được hiểu là  Xích Quỷ, Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt? nghĩa là bao hàm cộng đồng Bách Việt phía nam sông Dương Tử? Nếu vậy thì không hiểu tác giả có xem qua các nghiên cứu của Stephen Oppenheimer, W. G. Solheim II, Cung Đình Thanh, Nguyễn Quang Trọng . . . , tìm hiểu về các khảo cổ văn hóa Hòa Bình, khảo cổ gần đây ở An Khê,.... để phần nào thay đổi quan điểm về những đóng góp của nền văn minh lúa nước phía nam sông Dương Tử đối với việc  hình thành văn minh Đông Á? Cứ cho là không đồng tình với hầu hết các nghiên cứu đó đi chăng nữa thì tác giả cũng không có cơ sở nào để phủ nhận, đi đến kết luận là trước Bắc thuộc, người Việt luôn thua kém người Hoa Hạ nói riêng và các dân tộc khác nói chung.

Thôi thì cứ cho rằng những gì trước Bắc thuộc không được ghi chép, không có bằng cứ, là những gì mơ hồ, tranh luận sẽ không đi đến đâu. Còn thời Bắc thuộc thì nước Việt thuộc các triều đại phong kiến Phương Bắc nên bàn đến chuyện thua kém hay không thua kém có lẽ không nhiều ý nghĩa lắm. Vậy thì hãy điểm qua vài vấn đề trong các triều đại phong kiến Việt Nam sau Bắc thuộc.

Từ năm 939, sau khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, người Việt  tái lập một quốc gia độc lập với lãnh thổ hẹp hơn rất nhiều so với trước thời Bắc thuộc.

Về việc bảo vệ và mở mang bờ cõi, chắc không ai có thể phủ nhận võ công hiển hách của cha ông. Điều đó phần nào thể hiện vị thế của Đại Việt. Dù có tự xem chưa mạnh hơn nhưng không thể xem là thua kém hơn Thailand, Myanmar, Indonesia, Cambodia, . .

Không phải chỉ ở thế phòng thủ, có những thời điểm như thời nhà Lý, quân Đại Việt tiến vào lãnh thổ nhà Tống, chiếm Ung Châu, Liêm Châu, Khâm Châu;Thời nhà Lê, uy thế của Đại Việt được các nước lân bang nể phục. Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi do Nguyễn Trãi soạn năm Thuận Thiên thứ 6 [1433] ghi “Xứ Mường Lễ, Ai Lao đều nhập vào bản đồ nước ta. Các nước Chiêm Thành, Xà Bà đều cho tàu thuyền sang cống nạp”. Năm Mậu Ngọ [1438], Lê Thánh Tông đánh hai châu An Bình và Tư Lăng, năm Canh Tý [1480] tấn công Cảm Quả, chiếm ải Thông Quang, Ôn Châu rồi tiến vào xứ Ban Động buộc nhà Minh phải sai sứ sang thương nghị.

Về kỹ thuật, vũ khí quân sự thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc do có các kỹ thuật và sáng chế cùng kĩ năng chế tạo vũ khí tầm xa cực kì tinh xảo ... vượt nhà Minh và có thể xem là vượt so với vũ khí châu Âu cùng thời.

Về ngoại giao và kinh tế, từ thời nhà Lý, Đại Việt đã trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong những tuyến giao thương kinh tế của khu vực, khẳng định dược vị thế của mình với các nước xung quanh.

Giao thương giữa Đại Việt với Trung Hoa khá phát triển thể hiện ngay cả trong những ghi chép của sử sách Nhà Tống [1], [2].

Không chỉ với Trung Hoa, theo John K. Whitmore “Cho đến nay, chúng ta thường thừa nhận rằng Việt Nam ít quan tâm đối với thương mại nhưng gần đây các học giả chú ý hơn về vị trí của Việt Nam, ít nhất từ thế kỷ XI, trên con đường ngang đến sông Mêkông theo đường Nghệ An và xuống dưới Campuchia, kết nối với vương quốc Angkor”[3]. Khu vực Diễn Châu và Hoan Châu là trạm trung chuyển mua bán, nơi tập trung nhiều thương nhân, lái buôn Trung Hoa, Champa và Kh’mer. Năm 1037 nhà Lý đã cho xây dựng 50 nhà kho của triều đình tại Nghệ An. Năm 1149, nhân có việc thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lao, Xiêm La xin cư trú buôn bán, vua Lý Anh Tông cho lập trang Vân Đồn “để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Vân Đồn trở thành nơi đón nhận hàng hoá và các mối giao lưu kinh tế, văn hoá với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Đông Bắc Á.

Thời nhà Trần, trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn viết: "Đời nhà Trần, thuyền buôn thông thương các nước như: Vóc đoạn của các nước Tây dương; vải hoa, trân châu, cánh trả, kim la [thanh la] của Chà Bà; gấm, chim ưng, cá sấu, da tê, ngà voi, trầm hương, bạch đàn của Miên, Lào, không thiếu thứ gì, đều là những thứ đời sau ít có”.

Vào thời Trần, theo Momoki Shiro “làng xã Đại Việt bắt đầu sản xuất gốm sứ và tơ lụa cho xuất khẩu và kỹ thuật cải tiến cuối thời Trần đã làm cho việc sản xuất đồ men nâu chìm mang kiểu dáng Nguyên vốn được giá trên thị trường quốc tế trở thành thực thi”[4]. Theo Li Tana: “gốm màu lục và gốm màu trắng của Đại Việt được sản xuất là nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường Tây Á, với những sản phẩm đẹp mắt được xuất khẩu đến Ba Tư [Persia], Ai Cập, và Thổ Nhĩ Kỳ”[5].

Thời chúa Nguyễn, theo Li Tana “Việc một phần tư của toàn bộ các thuyền có hải trình Châu Á của Nhật Bản đã tới buôn bán với Đàng Trong, và việc 30% số thuyền của người Hoa từ các nước Đông Nam Á đến Nhật từ 1647 đến 1720 xuất phát từ Đàng Trong, chứng tỏ trong thế kỷ 17, khu vực này trở thành đối tác thương mại quan trọng của Nhật, và có vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại tại Châu Á. Sự tồn tại độc lập của Đàng Trong, và quyền lực cũng như của cải của nhà Nguyễn, chủ yếu dựa vào việc ngoại thương này”[6].

Gần đây, theo ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư “Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ XIX, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới” [7].

Những ý như trên không nhằm chứng minh Việt Nam đã từng mạnh hơn các dân tộc khác, nhưng rõ ràng cho thấy nhận định của tác giả Đỗ Cao Bảo rằng “bất cứ thể chế nào, bất cứ chính quyền nào, trong giai đoạn lịch sử nào Việt Nam cũng thua kém các dân tộc khác” là một nhận định sai lầm.

Việc tác giả Đỗ Cao Bảo cho rằng nguyên nhân của sự thua kém của Việt Nam hiển nhiên phải từ những điểm yếu cố hữu của dân tộc Việt;  không phải từ thể chế, chính quyền  - cũng là một kết luận không chính xác.

Cũng như những dân tộc khác, dân tộc Việt có nhiều điểm yếu cố hữu và tất nhiên chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nước Nhật trước Fukuzawa Yukichi cũng vậy, chỉ từ Minh Trị duy tân với trào lưu Thoát Á, họ mới thực sự mạnh mẽ. Nhưng sự Thoát Á của họ thành công là dựa trên sự thay đổi về thể chế, từ thể chế quân chủ sang thể chế quân chủ lập hiến. Có lẽ, đó là một trong những khác biệt gắn với sự nghiệp của 2 con người Fukuzawa Yukichi với Nguyễn Trường Tộ? Sự khác biệt giữa Nhật Bản với Việt Nam lúc đó?

Vào lúc này, việc thay đổi thể chế, thoát vòng kiềm tỏa của Trung Cộng, xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, hòa với chuẩn mực chung của các nước văn minh ... là nhu cầu cấp thiết. Đó cũng là tiền đề để khắc phục rất nhiều điểm yếu cố hữu mà trong những điểm yếu đó có vài điểm được tác giả Đỗ Cao Bảo đề cập?

___________

[1]. Sách Tục tư trị thông giám trường biên chép: “Tháng 6, Giáp Tý, niên hiệu Đại Trung Tường Phù thứ 5 đời Tống Chân Tông [1012], Chuyển vận sứ của Lộ Quảng Nam Tây tâu rằng: Lý Công Uẩn ở Giao Châu xin được đưa người và thuyền đến thẳng Ung Châu để buôn bán”.

[2]. Sách Lĩnh ngoại đại đáp chép: “Tất cả các thứ doanh sinh của Giao Chỉ, đều trông cả vào Khâm Châu, thuyền bè đi lại không ngớt. Trường bác dịch ở trạm Giang Đông ngoài thành. Những người đem cá, trai đến đổi lấy đấu gạo, thước vải gọi là dân Đãn ở Giao Chỉ. Phú thương nước ấy lại đổi chác, tất phải từ châu Vĩnh Yên ở biên nước ấy đưa điệp sang Khâm thì gọi là “tiểu cương”; nước ấy sai sứ đến Khâm, nhân tiện để đổi chác, thì gọi là “đại cương”. Các thứ họ mang đều là vàng, bạc, đồng, tiền, trầm hương, quang hương, thục hương, chân châu, ngà voi, song tê. Tiểu thương của ta [Trung Hoa] ở gần bán cho các thứ bút, giấy, gạo, vải”.

[3]. John K. Whitmore - Vietnam and the Monetary flow of Easter Asia, thirteenh to eighteeth centuries, in: Precious metals in the later medieval and early Modoer worllds, Carolina Academic Press, 1986.

[4]. Momoki Shiro - Đại Việt và thương mại ở biển Đông từ thế kỷ X  đến XV.

[5]. Li Tana - A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast.

[6]. Li Tana - An Alternative Vietnam? The Nguyen Kingdom in the 17th and 18th Century.

[7]. Bùi Quang Vinh –  Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Page 2

Video liên quan

Chủ Đề