Top 10 quốc gia đầu tư vào việt nam

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài [FDI] đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính lũy kế đến ngày 20/10, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

10 tháng qua, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm, song số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ.

Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD, gấp 61,4 lần và gần 907 triệu USD, tăng 6,3%. Còn lại là các ngành khác.

Về đối tác đầu tư, 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,65 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 3,93 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Hong Kong [Trung Quốc] đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm hơn 13,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan [Trung Quốc],...

Liên quan đến địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2023.

Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu về vốn đầu tư thu hút được với việc cấp mới thêm 2 dự án đầu tư lớn trong tháng 10, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,09 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang…

Các dự án đầu tư mới tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI [cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…] như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương…/.

Theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển [UNCTAD] mới công bố, dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%. UNCTAD cho rằng việc tăng cường đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch đang là một ưu tiên chính sách toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các quốc gia và chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo đầu tư 2021 nêu trên cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài [FDI] toàn cầu năm 2020 đã giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD từ mức 1.500 nghìn tỷ USD năm 2019. Việc đóng cửa biên giới trên khắp thế giới để đối phó với đại dịch COVID-19 đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có và triển vọng suy thoái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia [MNE] phải đánh giá lại các dự án mới. Sự sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển, nơi vốn FDI đã giảm 58%, lý do một phần vì tái cơ cấu doanh nghiệp và các dòng tài chính ổn định. FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu là do chu chuyển linh hoạt ở châu Á. Kết quả là, các nền kinh tế đang phát triển hiện chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019.

Tác động của đại dịch đối với FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm 2020. Tất cả các thành phần của FDI đều giảm. Sự thu hẹp tổng thể trong hoạt động dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới [M&As], đã dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50%. Với lợi nhuận của các MNE giảm trung bình 36%, thu nhập tái đầu tư của các công ty liên doanh nước ngoài - một phần quan trọng của FDI trong những năm trước - cũng giảm. Trong nửa sau năm 2020, các thương vụ M&A xuyên biên giới và các giao dịch tài chính dự án quốc tế phần lớn đã phục hồi. Tuy nhiên, đầu tư mới GI [greenfield investment] – vốn quan trọng hơn đối với các nước đang phát triển - tiếp tục xu hướng tiêu cực trong suốt năm 2020 và kéo sang quý đầu của năm 2021. Các khoản đầu tư mới vào ngành công nghiệp và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mới ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xét theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á. Dòng vốn FDI giảm không đồng đều ở các khu vực đang phát triển, ở mức -45% ở Mỹ Latinh và Caribe, và -16% ở châu Phi. Ngược lại, dòng FDI chảy sang châu Á tăng 4%, khiến khu vực này chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020. FDI vào các nền kinh tế đang chuyển đổi giảm 58%. Đại dịch tiếp tục làm suy giảm nguồn vốn FDI ở các nền kinh tế có cấu trúc yếu và dễ bị tổn thương. Mặc dù dòng vốn vào các nước kém phát triển nhất [LDCs] vẫn ổn định, các thông báo về đầu tư mới [GI] đã giảm một nửa và các giao dịch tài chính dự án quốc tế giảm 1/3. Dòng vốn FDI vào các quốc đảo nhỏ đang phát triển [SIDS] cũng giảm 40%, dòng chảy vào các nước đang phát triển không giáp biển [LLDCs] cũng giảm 31%. Dòng vốn FDI vào châu Âu giảm 80% trong khi dòng vốn đầu tư vào Bắc Mỹ giảm ít hơn [-42%].

Hoa Kỳ vẫn là nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc. Tiếp theo là Hồng Kông [Trung Quốc], Singapore, Ấn Độ, Luxembourg, Đức, Ai Len, Mexico, Thụy Điển, Brazil và Israel. Đáng chú ý, với tổng số vốn 16 tỷ đô la FDI, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2020, được xếp thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019.

Theo chiều ngược lại, Trung Quốc, Luxembourg và Nhật Bản theo thứ tự là ba nước có đầu tư lớn nhất ở nước ngoài. Các vị trí từ thứ 4 đến 10 bao gồm Hồng Kông [Trung Quốc], Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Singapore.

Dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%. Điều này sẽ vẫn khiến vốn FDI thấp hơn khoảng 25% so với mức của năm 2019 và hơn 40% so với mức đỉnh gần đây vào năm 2016. Các dự báo hiện tại cho thấy sự gia tăng hơn nữa vào năm 2022 có thể đưa FDI trở lại mức năm 2019 là 1.500 tỷ đô la.

Sự phục hồi dự kiến tương đối khiêm tốn của FDI toàn cầu trong năm 2021 phản ánh sự không chắc chắn kéo dài về khả năng tiếp cận vắc-xin, sự xuất hiện của các biến thể vi-rút mới và sự chậm trễ trong việc mở cửa trở lại của các ngành kinh tế. Việc gia tăng chi tiêu cho cả tài sản cố định và tài sản vô hình sẽ không trực tiếp dẫn đến sự phục hồi nhanh chóng của FDI, điều này được xác nhận bởi sự tương phản rõ rệt giữa dự báo khả quan cho chi tiêu vốn và dự báo vẫn còn thấp đối với các dự án đầu tư mới [GI]. Các chỉ số ban đầu - các dự án FDI trong những tháng đầu năm 2021 – cho thấy những quỹ đạo khác nhau giữa các dự án M&As xuyên biên giới và các dự án đầu tư mới. Hoạt động M&As xuyên biên giới nhìn chung vẫn ổn định trong quý đầu tiên của năm 2021 và số lượng các thương vụ M&As được công bố ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng tăng đột biến vào cuối năm nay. Ngược lại, đầu tư GI được công bố vẫn còn yếu.

Theo UNCTAD, việc thu hút vốn FDI sẽ không đồng đều. Các nền kinh tế phát triển được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng FDI toàn cầu, với mức tăng trưởng năm 2021 dự kiến ở mức 15%, cả do hoạt động M&A xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ và hỗ trợ đầu tư công quy mô lớn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào châu Á sẽ vẫn duy trì ổn định [8%]; khu vực này đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư quốc tế trong suốt thời kỳ đại dịch. FDI vào Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribe sẽ không thể phục hồi đáng kể trong tương lai gần. Các khu vực này có nhiều điểm yếu về cơ cấu, không gian tài chính ít hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư GI, vốn dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp vào năm 2021.

Trong bối cảnh đó, UNCTAD cho rằng việc tăng cường đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch hiện là một ưu tiên chính sách toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các quốc gia và chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe./.

Chủ Đề