Tóm tắt truyền thuyết ju mông

Có thể nói, "Truyền thuyết Jumong" là một hiện tượng của điện ảnh Hàn Quốc năm 2007 về đề tài lịch sử dài đến gần 150 tập có sức lôi cuốn đông đảo khán giả trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều gì đã làm nên sự thành công của bộ phim? Những nhà làm phim Việt Nam có thể học tập những gì ở bộ phim này để áp dụng vào dự án làm phim "Lý Công Uẩn" kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long?

Sự thật lịch sử và sáng tạo nghệ thuật

Jumong là một nhân vật có thật trong sử sách Triều Tiên. Ông được gọi là Ko Jumong hay Đông Minh Thánh vương, là vị vua đầu tiên của triều đại Koguryo và là vị anh hùng khai quốc của nước Triều Tiên xưa. Theo thần thoại, Jumong là con trai của Hae Mosu (nghĩa là Đứa trẻ thiên đường) và nàng Yuhwa (con gái thủy thần Habaek).

“Tam quốc di sự”, một quyển sử Triều Tiên xưa còn ghi rằng Hae Mosu là thủ lĩnh tài ba của nghĩa quân Damul. Hae Mosu gặp Yuhwa tại con sông mà nàng vẫn thường tắm ở đó. Hai người phải lòng nhau nhưng thủy thần Habaek không chấp nhận vì Hae Mosu đã trở lại thiên đường. Thủy thần đuổi Yuhwa đến Ubalsu, nơi nàng đã gặp và trở thành thiếp của Vua Geumwa nước Đông Puyo.

Yuhwa có mang bởi ánh nắng và sinh ra một quả trứng. Vua Geumwa tìm cách tiêu diệt quả trứng, quăng nó cho dã thú nhưng chúng lại bảo vệ quả trứng. Geumwa đành trả nó lại cho Yuhwa. Quả trứng nở ra một đứa trẻ và nàng đặt tên cho nó là Jumong, nghĩa là “thần tiễn”.

Năm 20 tuổi, Jumong cưới Ye Soya, con gái một quý tộc Đông Puyo. Họ có một người con trai sau này là Vua Yuri. Jumong nổi tiếng vì tài bắn cung. Con trai Vua Geumwa là Daeso ghen ghét với Jumong và chàng bị buộc rời Đông Puyo. Theo truyền thuyết, Jumong tìm đến một dòng nước chảy xiết. Tại đây, ông được Go Museo Dangun - thủ lĩnh Jolbon - chào đón. Go Museo Dangun đã gả con gái mình là So Seono cho Jumong.

Sau khi cha vợ chết, năm 38 TCN, Jumong trở thành thủ lĩnh thứ bảy của Jolbon và đã thống nhất 5 bộ lạc Jolbon thành một quốc gia độc lập gọi là Koguryo. Năm 37 TCN, Jumong lên ngôi hoàng đế Koguryo. Cùng năm đó, Vua Songyang của Biryu đầu hàng sau khi được Jumong giúp đỡ đánh bại quân xâm lược Malgal.

Năm 32 TCN, Jumong ra lệnh cho hai đại tướng Oyi và Bu Bunno đi chiếm nước Haeng In. Năm 28 TCN, chiếm nước Okjeo. Trong năm đó, thân mẫu Jumong là Vương phi Yuhwa qua đời trong cung điện ở Đông Puyo và được cử hành tang lễ theo nghi thức hoàng hậu dù bà chỉ là vương phi. Jumong đã gửi một thông điệp và nhiều quà tặng đến Vua Geumwa để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình.

Năm 19 TCN, Ye Soya cùng con trai mình là Yuri rời bỏ Puyo đến Koguryo. Ye Soya trở thành hoàng hậu, gây sức ép lên vợ thứ là So Seono. Bà lo lắng cho vị trí của con trai mình trong hoàng thất nên đã rời bỏ Koguryo để đi về phía nam. Ở đó, So Seono dựng lên nước Baekje. Cùng năm đó, Jumong băng hà ở tuổi 40.

Sự thật về cuộc đời Jumong là như vậy nhưng các tác giả làm phim đã sáng tạo ra chàng hoàng tử Jumong ham chơi, rồi một chiến trường giữa một bên là Puyo với viên Tổng trấn thành Hyangthoe (Huyền Thỏ), và những cuộc đấu đá nội bộ giữa Daeso với Jumong, giữa Geumwa với hoàng hậu có các Sachuntoe chống đỡ... và trên hết là một mối tình lãng mạn giữa Jumong và con gái thủ lĩnh Jolbon là So Soeno. Chính sự sáng tạo đó đã lôi cuốn người xem theo dõi bộ phim từ đầu đến cuối với một niềm say mê không cưỡng lại được.

Hơi thở thời đại của tác phẩm

Vượt ra ngoài tầm vóc của một bộ phim thương mại, “Truyền thuyết Jumong” còn thành công trên lĩnh vực nghệ thuật. Nó không đơn thuần là bộ phim nói về một vị vua tên là Jumong, mà còn là một bức tranh sinh động về những con người Triều Tiên trong một thời đại phải đương đầu với nhiều biến động lịch sử.

Jumong được sinh ra khi mà lịch sử đòi hỏi dân tộc Triều Tiên phải tập hợp nhau lại, đánh đuổi quân Hán, thành lập một quốc gia thống nhất và khôi phục vinh quang của Choson cổ. Nhiệm vụ đó, Hae Mosu đã không làm được và nó được trao lại cho người kế tục là Jumong và Jumong đã không phụ lòng mong mỏi của trăm họ.

Thế còn Lý Công Uẩn và thời đại của ông? Lý Công Uẩn sinh năm 947, dưới thời nhà Đinh. Đất nước vừa giành được độc lập 9 năm. Trong nước, các thế lực sứ quân cát cứ chỉ mới dẹp xong về cơ bản. Phía bắc, nhà Tống lớn mạnh đang nuôi mộng bành trướng trở lại Giao Châu; phía nam, nước Champa cũng thích sự tồn tại của một châu quận yếu ớt hơn là một quốc gia mạnh mẽ. Cả hai đều lăm le tiêu diệt nước Đại Cồ Việt nhỏ bé. --PageBreak--

Miền rừng núi phía tây, các bộ lạc vẫn thường xuyên chống đối. Họ Khúc, họ Dương, họ Ngô, thay nhau sụp đổ. Nhà Đinh sau cái chết của Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn cũng rơi vào khủng hoảng. Vận nước như chỉ mành treo chuông.

Nhà Tiền Lê được xây dựng nhằm giải quyết tình thế khó khăn ấy nhưng với đường lối nặng về quân sự của mình, nó lại đưa nước Đại Cồ Việt non trẻ vào những cuộc nam chinh tây phạt liên miên. Lê Đại Hành nằm xuống, hỗn chiến giữa các con ông lại nổ ra.

Lý Công Uẩn, một người lớn lên từ cửa Phật, chứng kiến những biến động lịch sử dưới hai triều Đinh, Lê đã tự nhận ra nhiệm vụ xây dựng nước Đại Cồ Việt hòa bình và phát triển. Cuộc đời Lý Công Uẩn từ chỗ là một chú tiểu ăn vụng xôi trong chùa, đến vị Tứ Sương quân Chỉ huy sứ rồi Thân Vệ Điện tiền tướng quân và cuối cùng là Lý Thái Tổ là một chặng đường dài tự khẳng định mình.

Phải gắn cuộc đời Lý Công Uẩn với vận mệnh dân tộc Việt Nam trong thế kỷ X đặc biệt ấy, phải đặt Lý Công Uẩn vào trong cuộc đấu tranh với nhà Tống, với Champa, với các bộ lạc phía tây, với những hào trưởng địa phương mơ mộng làm sứ quân và với chính người anh hùng Lê Hoàn, đó là điều các nhà làm phim cần quan tâm tới.

Xây dựng nhân vật điển hình

Ngoài nhân vật Jumong, bộ phim “Truyền thuyết Jumong” còn rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh của các nhân vật khác. Số nhân vật phụ trong phim có thể nói là khá nhiều, nhưng nhìn kỹ lại, mỗi người đều có một cá tính, một cách hành xử rất riêng, không thể lẫn lộn với bất kỳ ai khác.

Bộ phim còn làm nổi bật lên hình ảnh của 5 người phụ nữ. Đó là Vương phi Yuhwa hiền từ nhưng cứng cỏi, là hoàng hậu nhỏ nhen nhưng yếu đuối. Tính cách họ trái ngược nhau, nhưng cùng có một điểm chung: họ đều là những người mẹ hết mực thương yêu con và là người vợ hết lòng yêu chồng. Tình cảm của Vương phi Yuhwa dành cho Geumwa đằm thắm và đầy nghĩa tình.

Ba người phụ nữ trẻ: So Seono thông minh, mạnh mẽ; Ye Soya kiên cường, cam chịu khó khăn, khổ nhọc mà không hề than vãn; Ang Selan ích kỷ, cay độc, mỗi người đều có một cá tính đặc trưng của mình.

Mỗi người trong số họ đều để lại một dấu ấn riêng. Daeso cao ngạo, thù dai. Eunfo vô dụng, thích dựa vào các mối quan hệ thân thuộc. Mary chững chạc; Oyi lầm lỳ, bộc trực; Hokbo khờ khạo, chân chất; Mousong ba hoa; thần nữ Maorieun nhu nhược, xu phụ cường quyền, buôn thần bán thánh; đại tướng Hokchi cương trực, ghét cái ác... Họ đã góp phần làm cho “Truyền thuyết Jumong” trở thành một bức tranh đầy màu sắc. Nên chăng, bộ phim “Lý Công Uẩn” nên bắt đầu bằng việc “gia công” các nhân vật (có thật hoặc tưởng tượng) của mình?

Bài học về sự tiết kiệm

Bộ phim "Lý Công Uẩn" được dự trù kinh phí 200 tỉ - một con số chưa từng có trong lịch sử làm phim Việt Nam. Số tiền đó một phần lớn sẽ chi cho đạo cụ, trang phục, cảnh trí- vốn là những thứ mà nước ta không hề có sẵn. Có tin đoàn làm phim sẽ sang tận Trung Quốc để quay.

Nhưng nếu như ai đã xem phim “Truyền thuyết Jumong” sẽ thấy rằng, đoàn làm phim cũng không cần quá nhiều cảnh trí phức tạp. Họ chỉ dùng một vài cảnh trí cung điện, hành lang, đền đài, bố trí góc quay, cách bài trí khác đi là nó sẽ trở thành cung Puyo, thành Hyangthoe hay Jolbon và không cần phải tìm kiếm ở đâu xa xôi... Đây là một kinh nghiệm hay, có thể học tập và áp dụng.

Tại sao phải tìm ở đâu xa tít bên Trung Quốc trong khi những di tích ở cố đô Hoa Lư có thể đáp ứng một phần nhu cầu về khung cảnh? Hơn nữa, có thể tìm ở đâu trên đất Trung Quốc một nơi có hình thế hùng vĩ giống như Hoa Lư?

Trên đây là một số bài học nhỏ rút ra từ một bộ phim lịch sử dài tập của nước ngoài. Những kinh nghiệm đó cho thấy có một số tiền lớn để làm phim chưa chắc đã cầm chắc thành công. Nó còn đòi hỏi nhiều ở sự dụng tâm của nhà biên kịch, đạo diễn và dàn diễn viên cũng như nhiều người khác. Chúng ta đã từng làm một số phim dài hơi về lịch sử các triều đại phong kiến nhưng đáng tiếc đều không thành công vì cả lỗi mang tính sơ đẳng.

Vấn đề quan trọng là, sau mỗi lần thất bại, chúng ta phải biết rút ra bài học để làm tốt hơn trong lần sau. Phim lịch sử của nước ngoài được trình chiếu tại Việt Nam là rất nhiều, chúng ta có thể xem đó mà rút ra bài học về biên kịch, đạo diễn, diễn xuất... để “Lý Công Uẩn” có thể trở thành một bộ phim thực sự thành công

Trần Hoàng Vũ

Truyền thuyết Jumong kể về cuộc đời gian khổ của chàng hoàng tử Jumong, tức Đông Minh Thánh Vương Cao Chu Mông, vị vua và cũng là anh hùng dân tộc của đất nước Triều Tiên đã chiến đấu với hàng ngàn quân giặc để lập nên đất nước Cao Câu Ly (Kokorea) một thời lừng lẫy.

Sau khi vua của nhà nước Đông Phù Dư (동부여 – Dongbuyeo) là Giải Phu Lũ (해부루- 解夫婁– Haeburu) chết, con trai ông là Kim Oa (금와- 金와- Geumwa) lên ngôi. Khi đó vua Kim Oa đã gặp Liễu Hoa (유화- 柳花– Yuhwa) là con gái của thần sông Hà Bạch (하백- 河白– Habaek) ở Ubalsu (우발수) phía Nam núi Taebaek (태백산).

Người con gái đẹp như hoa là Liễu Hoa ấy có cảm tình với Giải Mộ Sầu (해모수- 解募漱– Haemosu) là con trai của Thiên đế nhưng bố mẹ biết chuyện, đuổi cô đi đày. Yêu quý cô, vua Kim Oa đưa nàng về sống trong cung thất. Thế rồi ánh mặt trời vẫn tiếp tục đi theo và chiếu vào phòng của Liễu Hoa. Nàng Liễu Hoa có thai và sinh ra một quả trứng to bằng 5 đấu nước. Vua Kim Oa cho rằng đây là điềm gở nên đã vứt quả trứng cho chó và heo nhưng các loài này không ăn. Vua lại đem vứt cho gia súc, chúng cũng không dám ăn.Vua thấy vậy đem vứt ra đường nhưng những con chim đã bay đến và ấp ủ cho quả trứng. Vua định đập vỡ quả trứng nhưng không được nên đành đem về trả lại cho Liễu Hoa.

Sau biến cố ấy, Liễu Hoa bọc kĩ quả trứng lại đem đặt ở một nơi ấm áp, sau đó quả trứng nứt ra và đứa bé sinh ra từ đó chính là vua Dongmyeongseong (동명셩). Vua Dongmyeongseong sinh ra vốn đã có tướng mạo khác thường. Năm lên 7 tuổi đã tự làm cung tên, bộc lộ tài bắn cung thần kỳ bách phát bách trúng nên người đời đã gọi ông là Chu Mộng (주몽- 朱夢– Jumong) theo tiếng Buyeo (부여) có nghĩa là ‘Người bắn cung tên giỏi’. Bảy người con trai khác của vua Kim Oa thường chơi đùa cùng với Chu Mộng nhưng không theo kịp tài nghệ.

Hoàng tử Đái Tố (대소- 帶素– Daeso) của vua Kim Oa đem lòng đố kỵ đã tâu với vua: “Chu Mộng không do con người sinh ra nên lập tức trừ khử để tránh hậu họa về sau”. Theo như lời cảnh báo của mẹ Liễu Hoa, ông đã rời Đông Phù Dư cùng với 3 thuộc hạ thân tín là Oyi (오이), Mari (마리) và Hyeopbo (협보), vượt qua cây cầu huyền bí do cá và ba ba tạo nên để đặt chân đến Jolbon (졸본) an toàn và lập nước Goguryeo (고구려- 高句麗) vào năm 37 trước công nguyên.

http://www.youtube.com/watch?v=ZkktDpVfjTA