Thuốc điều trị viêm cầu thận mạn

Sau này tôi được biết (tư vấn từ một BS khác) là do trong thuốc đau lưng có “thuốc kháng viêm không steroid”. Khám ở khoa tiết niệu một BV uy tín khác thì được kết luận bị viêm cầu thận cấp. Sau 20 ngày điều trị bằng prednisone, xét nghiệm thấy niệu đạm âm tính, BS giảm liều và sau 20 ngày nữa thì dừng hẳn thuốc.

Sau đó vào các tháng 3, 7 và 10-2008 vợ tôi có dấu hiệu phù lại (phù nhẹ). Vợ tôi tái khám lại với cùng 1 BS đã điều trị trước đó thì được chẩn đoán là hội chứng thận hư. Trong các lần tái khám đó, cứ sau 1 đợt điều trị 10 ngày bằng prednisone thì niệu đạm âm tính. BS giảm liều và 10 ngày sau đó thì dừng hẳn thuốc.

Tháng 3-2009, dù không bị phù và có hiện tượng gì bất thường nhưng vợ tôi vẫn chủ động tái khám nhưng với BS khác. Kết quả xét nghiệm:

Máu: glucose 94 mg/dL, Pro toàn phần 7.4, Albumin 3.5, Ure 23, Creatinin 0.7, Cholesterol 240 (HDL 61.3, LDL 159.9), Trigliycerit 94; Nước tiểu: Cặn Addis /NT: HC 413/phút và BC 1130/phút, Đạm niệu 24h 1.06 g/24h (V=2.5L); Huyết áp: 12/8; ngoài ra còn một số XN khác cho kết quả âm tính như: Strongyloides, SLE, ANA.

Dựa vào kết quả trên, BS chẩn đoán vợ tôi bệnh viêm cầu thận mạn. BS kê toa IRBESARTAN 150 và MORIAMIN FORT. Tôi rất lo lắng, mong nhận được sự tư vấn của Phòng mạch Online:

1. Xin giải thích vì sao BS không tiếp tục điều trị bằng prednisone như trước đó trong khi vợ tôi đáp ứng rất tốt với thuốc này (khoảng 10 ngày là hết niệu đạm)?

2. Triệu chứng không phù khi tái khám lần 4 có phải vợ tôi đang trong tình trạng tốt hơn trước?

3. Với kết luận viêm cầu thận mạn, nếu vợ tôi tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và phác đồ điều trị của BS, bệnh có chữa dứt được không?

4. Thời gian thông thường từ lúc viêm cầu thận mạn đến bắt đầu suy thận và đến lúc chạy thận nhân tạo là bao lâu?

Nguyễn Khắc Thy

Cảm ơn câu hỏi cùng những chi tiết về tình hình bệnh của bà xã mà độc giả đã gửi.

Trước hết tôi muốn lưu ý rằng với một bệnh lý cần điều trị kéo dài, việc thay đổi bác sĩ điều trị là không nên nếu như không có lý do thật sự xác đáng.

Tôi xin trả lời theo 3 ý mà độc giả đã hỏi.

1. Xin giải thích vì sao BS không tiếp tục điều trị bằng prednisone như trước đó trong khi vợ tôi đáp ứng rất tốt với thuốc này (khoảng 10 ngày là hết niệu đạm)

Prednisone là thuốc tác dụng không chỉ lên thận, mà sẽ gây phản ứng toàn thân với liều cao như liều thuốc vợ của anh đã được dùng. Và nếu dùng kéo dài thì có thể gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Do vậy, tùy nguyên nhân gây viêm thận mà bác sĩ điều trị sẽ dùng liều điều trị khác nhau (nếu là hội chứng thận hư thì phải dùng Prednisone ở liều cao). Sau đó bác sĩ điều trị sẽ gia giảm liều và thời gian điều trị tùy theo đáp ứng của bệnh nhân với thuốc cũng như phản ứng của bệnh nhân với các tác dụng phụ của thuốc.

2. Triệu chứng không phù khi tái khám lần 4 có phải vợ tôi đang trong tình trạng tốt hơn trước?

Có nhiều khả năng xảy ra.

Nếu chỉ dựa vào triệu chứng là không phù thì không thể kết luận được tình trạng vợ anh tốt hơn lần trước. Cần xét đến nhiều triệu chứng để có kết luận chính xác, trong đó quan trọng là đạm niệu.

Tình trạng vợ anh được gọi là tốt hơn nếu cùng ở 2 lần hết phù, đạm niệu lần này là ít hơn lần trước. Lần tái khám thứ 4 này, kết quả đạm niệu là 1.06g/24h. Nếu lần hết phù trước đó đạm niệu nhỏ hơn 1.06g/24h thì kết quả lần này không tốt hơn mà xấu hơn.

Tương tự, nếu khi hết phù vợ anh có kết quả đạm niệu về 0g/24h, thì đạm niệu hiện tại là dấu hiệu sớm báo hiệu bệnh của vợ anh tái phát.

Do vậy, nếu khi đã hết phù vợ anh không kiểm tra lại đạm niệu thì khó có thể nói là tình trạng tốt hay xấu hơn.

3. Với kết luận viêm cầu thận mạn, nếu vợ tôi tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và phác đồ điều trị của BS, bệnh có chữa dứt được không?

Bệnh thận có thể chữa dứt hay không còn tùy vào mức độ tổn thương thận, thời gian điều trị và đáp ứng của bệnh với thuốc. Vì vậy, BS chuyên khoa thận có thể trả lời câu hỏi trên của anh sau khi vợ anh được theo dõi điều trị trong ít nhất 6 tháng.

4. Thời gian thông thường từ lúc viêm cầu thận mạn đến bắt đầu suy thận và đến lúc chạy thận nhân tạo là bao lâu?

Muốn theo dõi diễn tiến bệnh có suy thận hay không, bệnh nhân phải được theo dõi đánh giá chức năng thận liên tục mỗi tháng trong 3 tháng đầu tiên từ lúc phát hiện bệnh và lúc đang điều trị. Khi bệnh đã khỏi hẳn thì vẫn phải theo dõi chức năng thận mỗi 3-6 tháng, nếu ổn định hơn thì theo dõi mỗi năm. Điều này cũng không khác với các bệnh lý mãn tính khác.

Nếu chức năng thận còn tốt, chưa suy vào lúc phát hiện và điều trị bệnh, bệnh đáp ứng với điều trị , bệnh nhân tuân thủ chặt chẽ chế độ sinh hoạt, điều trị và đạm niệu về âm tính hoàn toàn, thì có nhiều loại viêm thận mạn không tiến đến suy thận.

Trân trọng kính chào.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: .

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện