Thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Ngày phát hành: 06/03/2022 Lượt xem 693

I. Đặt vấn đề

Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.

Sau 35 năm thực hiện đường đối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển vượt bậc theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đời sống của nông dân, diện mạo của nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đặc biệt, sau hơn 10 năm kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, nông sản của Việt Nam đã có mặt ở thị trường của 180 quốc gia trên thế giới, ngành nông lâm thủy sản trong giai đoạn 2013 – 2020 tăng trưởng bền vững, ổn định theo chiều hướng tích cực; tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt bình quân 2,65%/năm mặc dù luôn phải đối mặt với những thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh.

Trong thành công đó, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo [KHCN&ĐMST] đã thực sự là một trong các giải pháp quan trọng, đã đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu... phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sồng của nông dân. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KHCN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống cây vật nuôi với giá trị gia tăng đạt 38%.

II. Chủ trương, chính sách về KHCN&ĐMST đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn

1. Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển KHCN&ĐMST

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã sớm có định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của KHCN đối với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để KHCN phát triển. Quan điểm coi KHCN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới[1]. Nghị quyết Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của KHCN&ĐMST đó là “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”; “Phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng về KHCN&ĐMST hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST đã được tạo lập và từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và xu thế hội nhập toàn cầu với nhiệm vụ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho đến nay, hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST ngày càng được hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến hoạt động KHCN với nhiều nội dung đổi mới, đột phá đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST phục vụ kinh tế -xã hội[2]. Đặc biệt, Luật Khoa học và Công nghệ [KHCN] 2013 [thay thế Luật KHCN số 21/2000/QH10 năm 2000] có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2014 với nhiều nội dung đổi mới căn bản, toàn diện mang tính đột phá trong chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển KHCN&ĐMST trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KHCN 2011-2020 đã đề cập nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để thực hiện các Chương trình, đề án KHCN&ĐMST quốc gia và nâng cao năng lực KH&CN quốc gia.

2. Quan điểm, chủ trương, chính sách KHCN&ĐMST phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chủ trương của Đảng về KHCN&ĐMST phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm xuyên suốt trong nhiều năm qua. Cụ thể, từ năm 1996, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển KHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nhấn mạnh "đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ở các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ sinh học, sản xuất lương thực, chế biến nông-lâm-hải sản...". Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn [Nghị quyết 26], tại mục Quan điểm của Nghị quyết đã chỉ rõ “.. tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân”. Nghị quyết 26 cũng đã chỉ rõ "Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn ...". Theo đó nhiệm vụ và giải pháp về hoạt động KHCN được xác định là động lực để tạo đột phá “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn. Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất”. Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã nhấn mạnh: “Phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “...tiếp tục phát triển KHCN nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất nông nghiệp tiên tiến, sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới". Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục nhấn mạnh vai trò của KHCN&ĐMST “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và ĐMST, nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã nêu “Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, vai trò của KHCN&ĐMST tiếp tục được được khẳng định “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”; “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Bộ KHCN đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý quan trọng phục vụ phát triển sự nghiệp KHCN nói chung và KHCN trong nông nghiệp nói riêng. Tính từ năm 2008 đến năm 2018, Bộ KHCN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng và trình Quốc hội ban hành 04 Luật, trình Chính phủ 03 Nghị định, 17 Quyết định về Chương trình, Đề án; Bộ đã ban hành 28 Thông tư hướng dẫn thực hiện các hoạt động KHCN liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gồm các nhóm chính sách cơ bản sau đây: [i] Chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng và sử dụng đất đai; [ii] Chính sách hỗ trợ liên kết xác định và thực hiện nhiệm vụ KHCN; [iii] Chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; [iv] Chính sách hỗ trợ hình thành các tổ chức khoa học công nghệ để thực hiện các hoạt động KHCN mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu; [v] Chính sách hỗ trợ thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; [vi] Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển tiềm lực KHCN; [vii] Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ; [viii] Chính sách phát triển thị trường KHCN.

Như vậy, cho đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KHCN đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, toàn diện, cơ chế, chính sách tiếp tục được sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho việc thực hiện các hoạt động KHCN. Hệ thống thể chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp đã tạo lập toàn diện và đồng bộ một môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo; từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu; gắn kết nhiệm vụ nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn và thị trường; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KHCN công lập; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư mạnh cho KH&CN.

III. Hoạt động KHCN&ĐMST phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn

1. Những vấn đề đặt ra

Tại Nghị quyết 26, đã xác định vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó, những yêu cầu về KHCN đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được xác định gồm: [i] Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao KHCN tiên tiến, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng KHCN hiện đại, công nghệ sinh học, thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, thông tin hoá, thay thế lao động thủ công, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; [ii] Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; [iii]Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao KHCN để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; [iv] Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao KHCN; thu hút thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá; [v] Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở…

Triển khai Nghị Quyết 26, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động với các yêu cầu về KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được chỉ rõ, đó là: Phát triển KH&CN phải trở thành khâu đột phá để phát triển nông nghiệp hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển nhanh việc ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tập trung vào việc phát triển giống cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản. Nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, chính sách quản lý KHCN để nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao nhanh tiến bộ KHCN vào sản xuất. Đây là những yêu cầu và là kim chỉ nam cho hoạt động KHCN&ĐMST nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 26 góp phần thiết thực hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Một số kết quả đạt được

Với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KHCN đã bám sát các mục tiêu, nội dung của Nghị quyết của Đảng, Chính phủ để tổ chức triển khai các hoạt động KHCN&ĐMST phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể:

- Kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, nhất là việc triển khai ứng dụng thông qua các chương trình KHCN quốc gia và các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, chuyển giao tiến bộ KHCN, xây dựng các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia theo chuỗi giá trị đã tăng lên rõ rệt. Các kết quả này đã có tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp; góp phần tạo thêm việc làm, tạo thêm ngành hàng trong nông nghiệp, tạo thêm nghề mới ở nông thôn nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động KHCN&ĐMST cũng đã góp phần tích cực vào việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, đặc biệt là việc thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST ở các doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng thể hiện được vai trò to lớn hơn trong nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, từng bước thay đổi quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn đáp ứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nông dân đã phát huy vai trò làm chủ sản xuất, ứng dụng KHCN, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mớ; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; dân chủ được phát huy theo hướng người dân là chủ thể và là người hưởng lợi trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và hội nhập.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng tiêu chuẩn, đo lường chất lượng: Hoạt động sở hữu trí tuệ như xây dựng chỉ dẫn địa lý..., xây dựng tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đã đóng góp có hiệu quả đối với sản phẩm nông sản, các thương hiệu được xây dựng đã tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong hơn 10 năm qua, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã triển khai nhiều nội dung hỗ trợ nông dân và hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể là: [i] Xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản của địa phương dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; [ii] xây dựng danh mục địa danh dùng cho trên 1.200 đặc sản định hướng hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh; [iii] hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 977 đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của các địa phương trên cả nước ; [iv] có 55 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được cấp văn bằng bảo hộ liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp. Về xây dựng tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, đến năm 2020 có 1000 TC và 250 QC; trong đó có 462 TC và 142 QC[3] phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Thông qua hoạt động KHCN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ giúp giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng nông lâm sản, thay đổi các tập quán canh tác, từng bước đổi mới hạ tầng nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho khu vực nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng, mà còn góp phần nâng cao trình độ KHCN của người nông dân, thu hẹp phần nào khoảng cách cả về kinh tế và công nghệ giữa vùng nông thôn và thành thị, góp phần quan trọng trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. KHCN&ĐMST đã đóng góp quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng trưởng ổn định đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và đưa Việt Nam tiếp tục trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản. KHCN&ĐMST đã đóng góp 30% giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam từ quốc gia là nước nhập khẩu lương thực, nay trở thành nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, và một số mặt hàng nông sản khác. Kim ngạch xuất khẩu toàn khu vực nông lâm thủy sản đã tăng mạnh, từ 27,76 tỷ USD [năm 2013] lên 41,25 tỷ USD vào năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,92%/năm, đây là một bức tranh hiện thực hóa lý luận, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nó khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả và đi vào hiện thực đời sống của Nghị quyết 26.

3. Một số hạn chế

Bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, hoạt động KHCN&ĐMST phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26 cũng còn một số tồn tại, hạn chế đó là:

[1] Cơ chế chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhìn chung vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

[2] Nguồn nhân lực KHCN nói chung cũng như nhân lực KHCN trong nông nghiệp nói riêng có xu hướng suy giảm về chất lượng nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

[3] Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế nông hộ đang là lực cản cho quá trình đầu tư ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp.

[4] Trình độ KH&CN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, ngành, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn.

[5] Các doanh nghiệp ít quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu khoa học để thực hiện quá trình chuyển giao và đổi mới công nghệ còn rất hạn chế.

[6] Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn là khó khăn về vốn, về điều kiện đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Nếu không chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất quy mô lớn, có sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm nông nghiệp thì rất khó để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp.

IV. Đề xuất quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá về KHCN&ĐMST phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045

1. Bối cảnh và thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ đã và đang tạo nên những đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của nhiều nước như Israel, Mỹ, Hà Lan, Đức, Isarel, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc. Ở Isarel, Mỹ… Với những đặc điểm và xu hướng hoàn toàn mới, cuộc cách mạng này tạo ra cả cơ hội và thách thức mạnh mẽ đối với nông nghiệp Việt Nam trên các khía cạnh về nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, thay đổi hành vi và cách thức tiêu thụ lương thực thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị, cơ hội việc làm và phân hóa xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Hội nhập quốc tế mạnh mẽ mở ra cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận KHCN tiên tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI nhưng cũng là thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Cùng với quá trình phát triển kinh tế và đời sống, yêu cầu của thị trường về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ ngày càng cao ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa mạnh mẽ thu hút các nguồn lực trong xã hội, bao gồm cả nguồn lực từ nông nghiệp nông thôn. Nhu cầu vốn đầu tư để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng tăng cao. Ngành nông, lâm, ngư nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao. Do vậy, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành ngày càng tăng trong khi vốn đầu tư công có hạn, các nguồn vốn viện trợ ODA ngày càng giảm. Biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro trong kinh doanh nông nghiệp nhưng là cơ hội cho các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp Việt Nam ngày càng nghiêm trọng [thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do nước biển dâng, tăng nguy cơ thiệt hại do giảm lượng mưa, xâm mặn, thay đổi nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tăng nguy cơ dịch bệnh]. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu ở mọi lĩnh vực gồm cả nông nghiệp trong thời gian tới.

2. Quan điểm, chủ trương

Trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 có cả thách thức và cơ hội với nền nông nghiệp Việt Nam, phát triển KHCN&ĐMST trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh dựa trên chủ trương, quan điểm sau:

Phát triển KHCN&ĐMST trong thời gian tới cần phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI và nghị quyết của Đại hội Đảng XII coi “phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể”, “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế; phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về KHCN&ĐMST “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”; “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN&ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Phát triển KHCN&ĐMST cần thực hiện đồng bộ với “đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất” tập trung ưu tiên “thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia”.

Phát triển KHCN&ĐMST cần phát huy lợi thế cạnh tranh, dựa trên nền tảng CMCN4.0 để tối ưu hóa quá trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, hướng đến các mô hình nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh để bước lên tầm cao mới, nằm trong top những nước xuất khẩu hàng đầu nông sản, xây dựng được thương hiệu trên các thị trường lớn trên thế giới và khu vực. Tăng cường tiềm lực KHCN&ĐMST trong đó coi trọng phát triển nguồn nhân lực; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN&ĐMST và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển KHCN&ĐMST, hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác công - tư và phát triển dịch vụ KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện và cụ thể hóa các quan, điểm, chủ trương về KHCN&ĐMST trong bối cảnh mới, KHCN&ĐMST trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ phát triển nền nông nghiệp thông minh, an toàn, sinh thái, tuần hoàn, hiệu quả và bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, đó là:

[1] Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học để tạo các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với sâu bệnh, dịch bệnh và thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.

[2] Nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học có nguồn gốc bản địa để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản, bảo quản, chế biến nông sản. Ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng và tăng độ che phủ của rừng trồng, tạo nguồn cung ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

[3] việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

[4] Nghiên cứu nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu quốc gia cho một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, thủy hải sản, sản phẩm chế biến từ gỗ… đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm của các thị trường khác nhau, nhất là các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

[5] Ứng dụng thành tựu cuộc CMCN 4.0 [công nghệ số, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo,…] để điều khiển quá trình canh tác tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh; hỗ trợ ĐMST để phát triển các chuỗi giá trị nông sản nội địa, các doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong nông nghiệp.

[6] Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các nhóm sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thực thi các Hiệp định thương mại tự do [FTA] thế hệ mới và cuộc CMCN lần thứ tư.

[7] Xây dựng và nâng cao năng lực các hệ thống ĐMST trong nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức, nông dân để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

4. Một số giải pháp

[1] Giải pháp về đổi mới thể chế tạo động lực cho phát triển KHCN&ĐMST

Tập trung vào cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá tạo động lực nhằm tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách,… làm cản trở phát triển và đóng góp của KH,CN&ĐMST vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

[2] Giải pháp về xây dựng năng lực KHCN&ĐMST

- Xây dựng năng lực ĐMST của các doanh nghiệp [doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp lớn]. Xây dựng năng lực của các viện nghiên cứu; các trung tâm ĐMST.

- Xây dựng năng lực KHCN của các viện nghiên cứu, trường đại học; các tổ chức hỗ trợ [tổ chức cung cấp thông tin KHCN, tổ chức trung gian môi giới chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ].

[3] Giải pháp hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST

- Chủ động, tích cực xây dựng ký kết Chương trình, kế hoạch hợp tác liên kết nghiên cứu, ứng dụng về KHCN với một số nước, tổ chức quốc tế. Tăng cường hợp tác song phương nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế; đa dạng hình thức hợp tác đa phương với các tổ chức nghiên cứu, phát triển KHCN quốc tế.

- Tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tìm kiếm đối tác, hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ của các nước và tổ chức khoa học quốc tế, tạo điều kiện phát triển các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hợp tác công - tư.

[4] Giải pháp về đầu tư cho KHCN&ĐMST

- Tăng mạnh đầu tư để KHCN&ĐMST đáp ứng được yêu cầu là một giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng.

- Huy động và phát huy tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao phục vụ phát triển ngành nông nghiệp.

- Xây dựng chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ KHCN; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

V. Thay lời kết

KHCN&ĐMST ngày càng có vị trí vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng. Hoạt động KHCN&ĐMST nông nghiệp đã góp phần đáng kể vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, đặc biệt các vùng còn nhiều khó khăn.

Triển khai Nghị quyết 26 đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng và hiệu quả đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Sau hơn 10 năm Nghị quyết 26 được ban hành, nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong khu vực nông nghiệp đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và đóng góp thiết thực vào cải tiến sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất cao; gia tăng chuỗi giá trị nông sản và cải thiện đáng kể thu nhập của người dân nông thôn từ đồng bằng đến miền núi cao.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng thành công nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; đồng thời để có thể phát triển nền nông nghiệp thông minh, an toàn, sinh thái và tuần hoàn, hiệu quả và bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, kiến nghị:

Một là, nghiên cứu ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình mới của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ CMCN 4.0 để đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đạt được mục tiêu và Đảng đã đề ra đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới.

Hai là, tiếp tục giành sự quan tâm, ưu tiên cho phát triển KHCN&ĐMST trong các ngành, lĩnh vực nói chung và KHCN&ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Có cơ chế chính sách đặc thù cho hoạt động KHCN&ĐMST để phục vụ trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

TS. Nguyễn Hoàng Giang

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.


[1] Trước Đại hội VI, Đảng ta đã xác định cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt trong ba cuộc cách mạng của thời kỳ khôi phục và kiến thiết đất nước sau thống nhất. Đại hội VI [1986] coi KH&CN là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VII [1991] khẳng định KH&CN là nền tảng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đại hội VIII [1996] và Đại hội IX [2001] coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đại hội X [2006] nhấn mạnh vai trò động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế tri thức. Đại hội XI [2011] đề ra đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Đại hội XIII [2021] khẳng định coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững, đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”

[2] Luật Khoa học và Công nghệ [2013]; Luật Sở hữu trí tuệ [2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009]; Luật Chuyển giao công nghệ [2006]; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật [2006]; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa [2007]; Luật Năng lượng nguyên tử [2008]; Luật Công nghệ cao [2008]; Luật Đo lường [2011].

[3] [Trồng trọt 53 QC và 35 TC, Phân bón 66 TC, Bảo vệ thực vật 72 QC và 56 TC, Chăn nuôi 25 QC và 85 TC, Thú y 18 QC và 126 TC, Thủy sản 27 QC và 63 TC, Nông sản thực phẩm 10 QC và 89 TC, Cơ điện NN và công nghệ sau thu hoạch 01 QC và 69 TC, Thủy lợi 04 QC và 151 TC, Lâm nghiệp 60 TC]

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề