Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguồn gốc xã hội của ý thức là gì?

Đáp án:

Vấn đề nguồn gốc và bản chất của ý thức là vấn đề rất phức tạp của triết học, là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, giữa khoa học và thần học. Nếu chủ nghĩa duy tâm – tôn giáo đồng nhất ý thức con người với linh hồn cá nhân, rồi đồng nhất linh hồn cá nhân với linh hồn thế giới, và tìm kiếm nguồn gốc, bản chất của chúng trong cái siêu nhiên, phi lịch sử – xã hội, thì chủ nghĩa duy vật – khoa học coi ý thức con người là đời sống tâm lý – tri thức – tinh thần của họ, và dựa vào các thành tựu khoa học cùng cơ sở thực tiễn để tìm kiếm nguồn gốc, làm rõ bản chất của nó trong cái tự nhiên, cái lịch sử – xã hội của chính con người.

1. Nguồn gốc của ý thức

Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, bộ óc người cùng với sự tác động của thế giới vật chất lên bộ óc người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức. Nhưng nguồn gốc tự nhiên mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để ý thức ra đời. Ý thức chỉ xuất hiện thật sự khi sự hình thành bộ óc người và sự tác động của thế giới vật chất lên bộ óc người gắn liền với các hoạt động lao động, ngôn ngữ xảy ra trong các quan hệ xã hội của họ.

a] Nguồn gốc tự nhiên

+ Bộ óc người: Bộ óc của con người hiện đại là sản phẩm của quá trình tiến hóa lâu dài về mặt sinh vật – xã hội. Về mặt sinh vật, óc người là kết quả của sự tiến hóa sinh học từ óc vượn. Nó là một tổ chức vật chất sống đặc biệt, có cấu trúc tinh vi và phức tạp, bao gồm khỏang 14 tỷ tế bào thần kinh có liên hệ nội tại và với các giác quan tạo thành một mạng lưới thu nhận, điều chỉnh hoạt động của cơ thể trong quan hệ với thế giới bên ngoài qua các phản xạ. Hoạt động sinh lý thần kinh trong bộ óc người thống nhất trong mình hai quá trình khác nhau nhưng ràng buộc với nhau: quá trình sinh lý và quá trình ý thức. Cũng giống như mọi tín hiệu điều mang nội dung thông tin, thì trong bộ óc người mọi quá trình sinh lý đều mang nội dung ý thức. Các thành tựu của khoa học tự nhiên mà trước hết là sinh lý học của hệ thần kinh cho phép khẳng định quan điểm duy vật biện chứng cho rằng, ý thức chỉ là thuộc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc người. Bộ óc người là cơ quan vật chất của ý thức, còn ý thức là chức năng của bộ óc người. Hoạt động ý thức của con người diễn ra trên cơ sở hoạt động sinh lý thần kinh của bộ óc người. Ý thức phụ thuộc vào hoạt động bộ óc người, do đó, khi bộ óc bị tổn thương thì hoạt động của ý thức sẽ không bình thường.

+ Sự tác động của thế giới vật chất lên bộ óc người: Dựa trên lý luận phản ánh , chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định rằng, ý thức là hình thức phản ánh cao nhất thế giới hiện thực, ý thức chỉ nảy sinh ở giai đoạn cao của thế giới vật chất, cùng với sự xuất hiện của con người. Ý thức là ý thức của con người, nằm trong con người; còn con người nằm trong thế giới vật chất. Ý thức không chỉ bắt nguồn từ thuộc tính phản ánh của vật chất mà còn là kết quả phát triển lâu dài của nó. Nội dung của ý thức là thông tin về thế giới vật chất. Ý thức là sự phản ánh của vật chất bên ngoài – vật được phản ánh – vào bên trong bộ óc người – cơ quan phản ánh.

Tóm lại, ý thức không thể diễn ra bên ngoài hoạt động sinh lý thần kinh của bộ óc người, không thể tách rời ý thức ra khỏi bộ óc người, và nếu không có sự tác động của thế giới vật chất lên giác quan và qua đó lên bộ óc người thì ý thức không thể xảy ra.

b] Nguồn gốc xã hội

+ Lao động: Loài vật là sinh thể hoạt động theo bản năng và sống chủ yếu thích nghi với môi trường tự nhiên để khai thác các sản phẩm tự nhiên có sẵn cần thiết cho sự sống còn của mình. Nhưng loài người lại là sinh thể hoạt động thực tiễn, sống chủ yếu cải tạo môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội để tạo ra các sản phẩm và các quan hệ cần thiết cho sự sống còn của chính mình. Cốt lõi của hoạt động thực tiễn là quá trình lao động. Thông qua lao động cải tạo thế giới khách quan có chủ đích mà con người tác động vào các đối tượng hiện thực một cách năng động, bắt chúng phải bộc lộ những thuộc tính, kết cấu, quy luật vận động của mình ra thành những hiện tượng nhất định. Những hiện tượng này tác động vào giác quan, và sau đó đi đến bộ óc người tạo thành những hình tượng của ý thức phản ánh về chúng. Khi hoạt động thực tiễn này càng được mở rộng và đào sâu thì ý thức con người càng phong phú và sâu sắc.

+ Ngôn ngữ: Trong quá trình sống cộng đồng, mọi cá thể trong giống loài đều cần phải giao tiếp với nhau và truyền những hiểu biết cho nhau. Loài vật – sinh thể hoạt động theo bản năng giao tiếp và truyền những kinh nghiệm, hiểu biết cho nhau chủ yếu bằng hệ thống tín hiệu thứ nhất được mã hóa [bẩm sinh] trong bản năng loài vật. Nhưng loài người – sinh thể hoạt động thực tiễn giao tiếp và truyền những kinh nghiệm, hiểu biết cho nhau chủ yếu bằng hệ thống tín hiệu thứ hai được hình thành và phát triển trong hoạt động thực tiễn lao động của con người, xảy ra trong cộng đồng xã hội. Đó là ngôn ngữ – hệ thống tín hiệu vật chất mang nội dung ý thức. Nhờ vào ngôn ngữ mà ý thức tồn tại và thể hiện được. Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Nó vừa là phương tiện giao tiếp vừa là công cụ tư duy. Với tính cách là công cụ tư duy, ngôn ngữ cho phép tách ra khỏi sự vật cảm tính để phản ánh thế giới một cách trừu tượng, khái quát, đồng thời tiến hành các hoạt động suy nghĩ về thế giới một cách gián tiếp để nắm bắt những cấp độ bản chất chi phối các lĩnh vực hiện tượng xảy ra trong thế giới.

Ý thức con người tồn tại trong các con người cá nhân nhưng nó không phải là hiện tượng thuần tuý cá nhân mà là hiện tượng mang tính lịch sử – xã hội, được hình thành và thể hiện qua các quan hệ xã hội mà cá nhân luôn bị chi phối.

Tóm lại, không phải hễ thế giới khách quan tác động vào bộ óc con người là trong con người có ngay ý thức về thế giới, mà ý thức được hình thành từ trong quá trình hoạt động lao động và giao tiếp cộng đồng của con người. Ý thức là sự phản ánh năng động sáng tạo thế giới khách quan vào trong bộ óc người thông qua lao động, ngôn ngữ và diễn ra trong các quan hệ xã hội. Ý thức là sản phẩm của sự phát triển xã hội, phụ thuộc vào xã hội và mang tính chất xã hội.

2. Bản chất của ý thức

Khi khắc phục cả sự tuyệt đối lẫn sự coi thường tính năng động sáng tạo của ý thức, khắc phục việc tách ý thức ra khỏi vật chất hay đồng nhất ý thức với vật chất , chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, ý thức là hình thức phản ánh xã hội – phản ánh một cách năng động sáng tạo hiện thực khách quan vào trong bộ óc con người có lợi ích. Vì vậy, tính phản ánh, tính sáng tạo, tính xã hội là những mặt tạo nên bản chất của ý thức.

Ý thức không phải là bản sao thụ động, giản đơn, máy móc của sự vật. Ý thức thuộc về con người – một sinh thể xã hội mà hoạt động bản chất là hoạt động thực tiễn sáng tạo lại thế giới theo nhu cầu của xã hội. Ý thức phản ánh thế giới khách quan trong quá trình hoạt động thực tiễn sáng tạo đó của con người. Ý thức “chẳng qua là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó” . Vì vậy, ý thức là hình ảnh phi cảm tính của các đối tượng vật chất có sự tồn tại cảm tính, là thực tại chủ quan không mang tính vật chất phản ánh sáng tạo thực tại khách quan – thế giới vật chất.

Tính sáng tạo của ý thức thể hiện rất phong phú. Từ trong các quan hệ xã hội, từ các cơ sở hiện thực khách quan và chủ quan hiện có, ý thức có thể tạo ra các sắc thái cảm xúc, những khao khát, những hiểu biết mới; ý thức có thể đưa ra các dự báo, tiên đoán về tương lai, xây dựng các giả thuyết, lý thuyết khoa học rất trừu tượng và khái quát; tuy nhiên ý thức cũng có thể tạo ra những ảo tưởng, huyền thoại hoang đường. Ngoài ra, ở một số người còn có một năng lực ý thức rất đặc biệt như tiên tri, thôi miên, ngoại cảm, thấu thị… Điều này nói lên tính phức tạp của đời sống tâm lý – ý thức của con người. Dù sáng tạo là một mặt rất cơ bản của bản chất ý thức, nhưng từ bản thân mình, ý thức không thể sáng tạo ra vật chất; bởi vì, sáng tạo của ý thức chỉ là sáng tạo theo quy luật và trong khuôn khổ của sự phản ánh, sáng tạo ra các khách thể tinh thần.

Quá trình phản ánh sáng tạo của ý thức xảy ra theo cơ chế sau: Xuất phát từ sự trao đổi thông tin hai chiều có chủ đích và mang tính chọn lọc giữa chủ thể và khách thể – đối tượng phản ánh mà chủ thể mô hình hóa đối tượng trong tư duy dưới dạng hình ảnh hay ý tưởng tinh thần phi vật chất, thông qua hoạt động thực tiễn có chủ đích, chủ thể lựa chọn các phương tiện, công cụ hiệu quả để vật chất [hiện thực] hóa mô hình tinh thần trong tư duy thành các sự vật quá trình thực sự tồn tại trong hiện thực cuộc sống. Ý thức là một hiện tượng xã hội không chỉ do nó bắt nguồn từ thực tiễn xã hội, mà còn do nó phản ánh những quan hệ xã hội và sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần theo nhu cầu, quy luật xã hội cho phép.

Tóm lại, tính phản ánh và tính sáng tạo của ý thức thống nhất với nhau trong hoạt động thực tiễn xã hội của con người. Ý thức là hình thức phản ánh xã hội – phản ánh một cách năng động sáng tạo hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người có lợi ích.

3. Kết cấu của ý thức

Ý thức có kết cấu phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố và quan hệ thâm nhập vào nhau. Nếu dựa theo “chiều ngang” thì ý thức được chia thành tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí…, còn nếu dựa theo “chiều dọc” thì ý thức được chia thành tự ý thức, tiềm thức, vô thức…

a] Tri thức, tình cảm…

Tri thức là kết quả của quá trình con người nhận thức thế giới. Tri thức thuộc nhiều lĩnh vực [về tự nhiên, xã hội, con người…] và có nhiều cấp độ [cảm tính và lý tính, kinh nghiệm và lý luận, thông thường và khoa học…]. Tri thức là yếu tố cơ bản và cốt lõi của ý thức, là phương thức mà theo đó ý thức tồn tại và theo đó một cái gì đó nảy sinh ra đối với ý thức. Con người là một sinh thể có ý thức, sống bằng phương thức hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới.

Nhưng muốn cải tạo hiệu quả thế giới con người phải dựa trên những hiểu biết về thế giới để vạch ra phương hướng, cách thức hành động. Ý thức không chứa tri thức chỉ là sự trừu tượng trống rỗng, nó không giúp gì cho con người trong hoạt động thực tiễn. Quá trình hình thành và phát triển của ý thức cũng là quá trình con người tìm kiếm và tích lũy tri thức về thế giới xung quanh. Sự hiểu biết càng nhiều thì ý thức càng sâu sắc.

Tình cảm là những rung động tâm lý khá bền vững ổn định của cá nhân con người phản ánh thái độ của mình trước hiện thực cuộc sống. Tình cảm thúc đẩy mọi hoạt động của con người. Sự thành công hay thất bại trong hoạt động của con người phụ thuộc không ít vào tình cảm – tức thái độ của con người trước hoạt động đó. Tình cảm có thể là chỗ mạnh nhất nhưng cũng có thể là chỗ yếu nhất trong mỗi con người, vì vậy nó có thể là động lực quan trọng nhưng cũng có thể là lực cản lớn đối với tiến trình phát triển của xã hội.

Quan hệ giữa tri thức và tình cảm. Tri thức và tình cảm là hai cái đối lập nhưng thống nhất với nhau. Tri thức là hình ảnh chủ quan thể hiện hiểu biết của con người về hiện thực khách quan; còn tình cảm là hình ảnh chủ quan thể hiện rung cảm của con người trước hiện thực khách quan đó. Tri thức có khả năng phản ánh tất cả sự vật, hiện tượng hay đặc điểm, tính chất của chúng mà giác quan con người tiếp nhận; còn tình cảm chỉ gắn liền với những sự vật, hiện tượng hay đặc điểm, tính chất nào đó nếu chúng thỏa mãn hay không thỏa mãn một nhu cầu xác định của cá nhân con người. Quá trình hình thành tình cảm lâu dài và phức tạp hơn quá trình hình thành tri thức… Dù có sự khác nhau rất cơ bản, nhưng tri thức và tình cảm có liên hệ mật thiết với nhau. Tình cảm được nảy sinh dựa trên cơ sở tri thức, thường thì tri thức như thế nào tình cảm như thế nấy. Khi tình cảm được hình thành thì nó chi phối lại tri thức giúp đào sâu hay xuyên tạc tri thức. Vì vậy, tình cảm không dựa trên tri thức là tình cảm mù quáng, tri thức mà không chứa tình cảm là tri thức “sách vở”. Sự thống nhất của chúng tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ đối với mọi hoạt động của con người.

b] Tự ý thức, tiềm thức, vô thức…

Tự ý thức là quá trình con người tự phản ánh chính mình [thế giới bên trong] trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Đó là ý thức của con người về hành vi, tình cảm, tư tưởng, động cơ, lợi ích, địa vị… của mình trong xã hội, nghĩa là con người cố nhận thức mình như một cá nhân trong cộng đồng xã hội. Trình độ tự ý thức phản ánh trình độ phát triển nhân cách, mức độ làm chủ chính mình của mỗi cá nhân. Nó là cơ sở để con người tự điều chỉnh hành vi của mình theo các chuẩn mực xã hội. Tự ý thức có thể là tự ý thức của một cá nhân, của một giai cấp, của một tập đoàn xã hội…

Tiềm thức – ý thức dưới dạng tiềm năng là những hoạt động tâm lý – nhận thức tự động diễn ra bên ngoài sự kiểm soát của chủ thể nhưng có liên hệ trực tiếp đến các hoạt động tâm lý đang diễn ra dưới sự kiểm soát của chủ thể ấy. Do là những tri thức đã biến thành kỹ năng, bản năng nằm trong tầng sâu ý thức của chủ thể, nên tiềm thức có thể tự động gây ra các hoạt động tâm lý – nhận thức mà chủ thể không cần hay không thể kiểm soát một cách trực tiếp. Tiềm thức giúp giảm sự quá tải trong hoạt động nhận thức khoa học, giảm sự căng thẳng trong hoạt động tâm lý thường ngày.

Vô thức là những hiện tượng tâm lý không do lý trí điều khiển, không bị ý thức kiểm soát, nghĩa là xảy ra bên ngoài phạm vi lý trí hay chưa được ý thức chú ý đến. Dù là một thực thể xã hội có ý thức nhưng không phải mọi hành vi của con người đều do ý thức chỉ đạo. Có những hành vi do bản năng chi phối hay do thói quen thực hiện vẫn tự động xảy ra, nghĩa là chúng không do lý trí chỉ đạo mà là do vô thức điều khiển. Là những trạng thái tâm lý ở chiều sâu, vô thức điều chỉnh sự suy nghĩ, hành vi, thái độ ứng xử của con người mà chưa có sự tranh luận nội tâm, chưa có sự truyền tin bên trong, chưa có sự suy tính của lý trí. Dù thể hiện rất đa dạng, – ham muốn bản năng, giấc mơ, bị thôi miên, sự mặc cảm, trực giác, nói lỡ lời…-, nhưng nói chung, vô thức luôn thực hiện chức năng giải tỏa những ức chế vượt ngưỡng trong hoạt động thần kinh, do đó nó góp phần lập lại thế cân bằng mới trong hoạt động tinh thần của con người để tránh tình trạng ức chế hay căng thẳng quá mức do thần kinh làm việc quá tải gây ra.

Ngoài ra, vô thức còn có vai trò quan trọng trong hoạt động giáo dục, khoa học, nghệ thuật… nhưng không vì vậy mà chúng ta tuyệt đối hóa, thần bí hóa nó. Không nên tách vô thức ra khỏi hoàn cảnh xã hội và cô lập nó với hoạt động ý thức của con người; bởi vì, con người là một thực thể xã hội có ý thức, vô thức nằm trong con người có ý thức, do đó hành động vô thức của con người sẽ bị ý thức can thiệp đến để hướng hành vi con người đến các chuẩn mực mà xã hội kiến tạo nên. Vô thức chỉ là một mắt xích trong cuộc sống có ý thức của con người.

Video liên quan

Chủ Đề