Tại sao hiện này các quốc gia trên thế giới cần phải chống nạn khủng bố

Truyền hình trực tiếp khắp thế giới

Tối 11-9-2001 [giờ Hà Nội], nhiều học viên chúng tôi, Lớp 8A, Học viện Khoa học quân sự đang tập trung trên tầng 3 Khoa tiếng Anh để xem trực tiếp trận bóng đá nam giữa Việt Nam và Malaysia trong khuôn khổ SEA GAMES 2001. Đó là một trận đấu mà đội tuyển Việt Nam chơi không tốt [thua Malaysia 0-2], nhưng 90 phút trên sân không đáng nhớ và đáng sợ bằng 15 phút nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu.

Hình ảnh chuyến bay số hiệu 175 củahãng United Airlinesđâm vào tòa tháp phíaNam của Trung tâm thương mại thế giới. Nguồn: CNN.

Khi tiếng còi trọng tài kết thúc hiệp 1 trận đấu cất lên, thầy trò Khoa tiếng Anh nhanh chóng chuyển sang kênh CNN để tranh thủ nghe thời sự tiếng bằng Anh bởi 2001 là thời điểm Internet còn chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Tất cả những gì nhìn thấy trên màn hình là hình ảnh khói bốc lên nghi ngút từ tòa tháp phía Bắc của Tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới. CNN chạy tít “Plane crashes into World Trade Center Tower” [Máy bay đâm vào tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới]. Nhưng chỉ ít phút sau, khi một chiếc máy bay thương mại nữa đâm vào tòa tháp phía Nam của tòa tháp đôi thì CNN nhanh chóng chuyển sang dòng tít “America under attack” [Nước Mỹ bị tấn công]. Toàn bộ quá trình tòa tháp phía Nam bị đâm và cả hai tòa tháp sụp đổ chỉ ít giờ sau đó đã được truyền đi trực tiếp trên toàn thế giới.

Ngày 11-9-2001 đi vào trí nhớ chúng tôi theo cách đó. Nhưng dù nó có được ghi nhớ theo cách nào thì chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng đó là một ngày đen tối khi bóng ma khủng bố bao trùm. Hai mươi năm đã đi qua, nhưng những gì chứng kiến ngày hôm đó vẫn luôn rõ nét và có cảm giác như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu

Sau đó không lâu, ngày 20-9-2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố tấn công nhóm khủng bố al-Qaeda và những quốc gia mà nước Mỹ cho là che giấu nhóm khủng bố này. Chính quyền Mỹ nhanh chóng thực thi hàng loạt chính sách chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, những biện pháp được cho là sẽ đem lại sự an toàn cho nước Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố nước Mỹ phát động thậm chí còn được ví như một cuộc thánh chiến với tất cả những mức độ nhạy cảm của nó. Tổng thống Bush tuyên bố “Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta bắt đầu với mạng lưới al-Qaeda, nhưng đó không phải là nơi để kết thúc. Cuộc chiến của chúng ta sẽ chỉ kết thúc khi tất cả các nhóm khủng bố trên thế giới được tìm ra, ngăn chặn và đánh bại”.

Lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: RT.

Cuộc xâm lược Afghanistan của chính quyền Mỹ chính thức bắt đầu vào tháng 10-2001 với cáo buộc Taliban hậu thuẫn và che giấu al-Qaeda và kết thúc chóng vánh khi Kabul thất thủ vào tháng 11-2001. Tàn quân Taliban và nhóm khủng bố al-Qaeda rút vào vùng núi hiểm trở phía Đông Afghanistan trong khi trùm khủng bố Osamar bin Laden trốn sang Pakistan.

Hoạt động quân sự chống khủng bố tiếp tục được chính quyền Mỹ đẩy lên một cao trào mới khi nước này cáo buộc Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và tấn công chiếm đóng Iraq vào năm 2003 và gọi đây là một phần của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong suốt thời gian 10 năm chiếm đóng Iraq, tin tức người ta thường xuyên nhận được từ khu vực này là những cuộc tấn công khủng bố gây ra cái chết của hàng nghìn người. Năm 2004, các lực lượng nổi dậy chống Mỹ tại Iraq phát triển mạnh khiến Mỹ phải triển khai nhiều cuộc hành quân trấn áp và tăng cường quân số vào năm 2007 dựa trên học thuyết Chống nổi dậy của Tướng David Petraeus.

Năm 2011, cuộc chiến ở Iraq bước sang một bước ngoặt khi Tổng thống Obama ra lệnh rút hầu hết quân về nước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS [Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, thường gọi tắt là IS] khiến Mỹ buộc phải tái bố trí lực lượng ở Iraq vào năm 2014. Hiện tại vẫn còn khoảng 2.500 lính Mỹ ở lại Iraq thực hiện nhiệm vụ chống các hoạt động của tàn dư IS.

Ngoài những cuộc chiến lớn đó, Mỹ còn tiến hành hàng loạt các hoạt động quân sự với mục đích chống tàn dư al-Qaeda và các nhóm khủng bố ở nhiều nước và khu vực khác như Pakistan, Yemen, Lybia… Chính quyền Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt hàng trăm nghìn và bắt giữ hàng trăm nghìn đối tượng khủng bố khác. Hàng nghìn binh lính Mỹ cũng đã thiệt mạng, hoặc mang thương tích suốt đời, nhưng đáng nói hơn cả là người ta không khỏi nghĩ rằng sự an toàn của nước Mỹ một phần được đánh đổi bởi sự hỗn loạn của những vùng chiến sự khác. Theo báo cáo của Dự án nghiên cứu “Cái giá của chiến tranh” do Viện nghiên cứu Watson thuộc Đại học Brown [Mỹ] tiến hành cho thấy từ 11-9-2001 cho đến năm 2021, đã có khoảng từ 363.939 cho đến 387.072 thường dân tại Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, Yemen, và các vùng chiến sự khác thiệt mạng vì những hoạt động chống khủng bố của Mỹ.

Cái chết của Osamar bin Laden và việc rút quân khỏi Afghanistan

Chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011 tại Abbottabad, Pakistan diễn ra chóng vánh trong đêm ngày 2-5 với việc trùm khủng bố nhận 2 phát đạn vào trán và một phát vào vùng ngực. Phát đạn đầu tiên tách đôi hộp sọ, giết chết bin Laden ngay trước khi viên đạn thứ hai và thứ ba tìm tới mục tiêu.

Đội 6 đặc nhiệm Hải quân Mỹ [SEAL Team Six] chính là những người trực tiếp thực hiện chiến dịch này. Khi Đội 6 đột nhập phòng ngủ, bin Laden đang núp phía sau người vợ trẻ nhất của hắn, có ý định dùng vợ mình làm lá chắn sống. Hắn không đứng yên một chỗ mà liên tục di chuyển, đẩy vợ mình về phía trước. Dù phòng tối đen do điện toàn bộ khu vực đã bị cắt, nhưng Osama bin Laden vẫn nhận đủ 3 phát đạn vào đầu và ngực, chấm dứt mạng sống của một trùm khủng bố khét tiếng của mạng lưới al-Qaeda.

Cái chết của Osamar bin Laden tưởng như sẽ dẫn đến hồi kết tốt đẹp cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của nước Mỹ. Nhưng không! Trong nhiều năm sau đó, bất chấp những nỗ lực quân sự của Mỹ và đồng minh, bóng ma khủng bố tiếp tục lởn vởn và đe dọa tính mạng, sự an toàn của người dân trên khắp thế giới. Mạng lưới al-Qaeda vẫn tiếp tục tồn tại và lan rộng ra 17 quốc gia trên thế giới. Các nhóm khủng bố không còn tập trung ở một vài nơi trên thế giới mà lan rộng ra khiến việc theo dõi và ngăn chặn các hoạt động của chúng trở nên khó khăn hơn. Dẫu có rất ít khả năng chúng có thể thực hiện được một cuộc tấn công quy mô vào nước Mỹ như 11-9-2001, nhưng sự lan rộng của chúng cho thấy còn rất nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đã nêu của Tổng thống Bush.

Theo ông Seth G Jones, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, “Các tổ chức khủng bố đang xuất hiện ở nhiều nơi hơn so với năm 2001. Đây là điều không có gì phải bàn cãi”.

Hai năm sau vụ ám sáttrùm khủng bố Osama bin Laden, Tổng thống Barack Obama phát biểu trước Quốc hội: “Chúng ta không được nhầm lẫn, những kẻ khủng bố vẫn đe dọa đất nước chúng ta. Ở Afghanistan, chúng ta sẽ hoàn tất quá trình chuyển đổi sang một chính quyền Afghanistan tự chịu trách nhiệm đối với an ninh đất nước của họ... Ngoài Afghanistan, chúng ta phải xác định nỗ lực của mình không phải là một ‘cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu’ không biên giới mà là hàng loạt những nỗ lực bền bỉ, có mục tiêu nhằm phá hủy các mạng lưới và các phần tử cực đoan đe dọa nước Mỹ. Trong nhiều trường hợp, những nỗ lực này liên quan đến quan hệ đối tác với các nước khác”.

Đây có thể coi là một tuyên bố mở đường cho việc nước Mỹ giảm dần cường độ cuộc chiến chống khủng bố của mình. Tuy nhiên, cái cách mà nước Mỹ rút quân khỏi Afghanistan lại khiến người ta phải cho rằng đó không phải là cách kết thúc êm đẹp một cuộc chiến kéo dài 20 năm với hàng nghìn tỷ đô la phải chi ra và hàng trăm nghìn thường dân cũng như quân nhân thiệt mạng và mang thương tích suốt đời.

Câu chuyện còn dang dở

Với việc rút quân khỏi Afghanistan, người ta đang đặt ra câu hỏi là liệu rằng nước Mỹ có đang từ bỏ cuộc chiến chống khủng bố của mình? Việc rút quân liệu có khiến cho các nhóm khủng bố phát triển mạnh thêm? Việc Taliban tái kiểm soát Afghanistan sau khi Mỹ rút quân rất có thể là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố chống Mỹ sinh sôi và phát triển theo cái cách mà nước Mỹ đã cố gắng tìm cách ngăn chặn trong nhiều năm qua.

Bảo tàng quốc gia 11-9 của Mỹ được xây lên ngay tại nơi hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới sụp đổ. Ảnh: USA Today.

Dẫu còn chưa rõ liệu các nhóm khủng bố có phát triển trở lại ở Afghanistan hay không, nguy cơ nước này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những thế lực chống Mỹ đã tăng lên đáng kể. Hai mươi năm sau tuyên bố của Tổng thống George W. Bush, hàng chục nghìn binh lính và thường dân đã thiệt mạng cùng với hàng nghìn tỷ đô la hóa ra tro bụi, nhưng nguy cơ bị tấn công vẫn hiển hiện với nước Mỹ. Mặc dù các nhóm khủng bố có vẻ như đã suy yếu nhưng việc xóa bỏ hoàn toàn những nhóm khủng bố này vẫn chưa thể thực hiện.

Suốt 20 năm qua, Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Afghanistan, Iraq, và thực hiện hàng loạt các hoạt động quân sự được cho là có mục đích chống khủng bố ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, phương thức sử dụng chiến tranh đã trở thành lịch sử. Sự sụp đổ của Kabul là chỉ dấu cho thấy việc nước Mỹ cần phải từ bỏ chiến lược sử dụng hoạt động quân sự quy mô lớn để tái thiết quốc gia khác. Nó cũng cho thấy sự phá sản của việc áp đặt mô hình nhà nước của mình vào một quốc gia khác để duy trì ảnh hưởng và thực hiện ý đồ của mình. Mỹ đã xây dựng và mong muốn duy trì một chính quyền như vậy tại Afghanistan nhằm thực hiện mong muốn chống khủng bố của mình, và có thể là nhiều mong muốn khác. Nhưng kết quả ra sao thì sự tháo chạy hỗn loạn ở Kabul tháng 8 vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ.

Trên thực tế, để hiệu quả cần phải có hàng loạt chính sách kết hợp tất các nỗ lực ngoại giao, hỗ trợ phát triển, thông tin tình báo và hoạt động quân sự. Phương thức chống khủng bố cần phải thay đổi và các quốc gia như Mỹ cần phải nhận ra được những gì là hiệu quả và những gì là không.

Hai mươi năm sau sự kiện 11-9, thế giới và nước Mỹ đã trải qua nhiều thay đổi. Dẫu mối đe dọa từ bên ngoài không còn lớn, nhưng nước Mỹ lại đang phải đối mặt với mối đe dọa từ “chủ nghĩa cực đoan” trong nước đang ngày càng gia tăng. Các mối đe dọa trong nước kết hợp với sự lan rộng của các nhóm có quan hệ với mạng lưới al-Qaeda và IS cùng sự bất ổn ở Afghanistan khiến người ta khó có thể nói rằng nước Mỹ hiện nay, 20 năm sau sự kiện 11-9, đã trở nên an toàn hơn. Và 41% người Mỹ hoàn toàn có lý do khi cho rằng nước Mỹ hiện nay không an toàn như trước 11-9-2001.

HỮU DƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề