Tại sao dũng thiên lôi chết

Song Lang với bối cảnh Sài Gòn cuối những năm 1980 theo chân Dũng “thiên lôi” là một tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Gã sống lặng lẽ tại căn tập thể cũ, không ai thân thích. Dũng gặp Linh Phụng, kép chính trong đoàn cải lương Thiên Lý, khi đang đòi tiền nợ của đoàn. Sau đó mối lương duyên lạ lùng nảy sinh và khiến số phận của họ thay đổi mãi mãi.

Trong bài viết này, mình sẽ đi sâu vào những cảm nhận của mình vào cặp nhân vật chính Dũng – Linh Phụng của phim.

Cặp nhân vật chính Dũng – Linh Phụng được xây dựng hoàn toàn trái ngược nhau, ngoại trừ nỗi cô đơn không ai thấu. Linh Phụng đam mê cải lương từ bé đến nỗi dù ba mẹ cấm cản nhưng anh vẫn nhất quyết theo đoàn hát để rồi ngày được làm kép chính cũng là ngày bố mẹ anh qua đời vì tai nạn giao thông. Còn Dũng trở nên ghét cải lương do mất niềm tin vào con người và cho rằng cải lương là thứ giả dối. Mẹ Dũng vốn là nghệ sĩ cải lương. Trên sân khấu mẹ hát về tình nghĩa thủy chung nhưng ngoài đời mẹ rời bỏ bố con Dũng nhưng ẩn khuất sau vẻ ngoài lầm lì đó là trái tim tổn thương và một một mối nặng lòng với cải lương. Mối lương duyên kì lạ này khiến Dũng phải đối mặt với những góc khuất mà gã luôn muốn quên đi, cũng như lựa chọn trước những quyết định thay đổi đang chờ đợi gã ở phía trước.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn.

trích thư Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ

Song Lang kết thúc với hoàn cảnh hai người không bao giờ có thể gặp lại nhau. Nhát dao định mệnh kết liễu cuộc đời mới thức tỉnh của Dũng rồi tất cả bị xóa nhòa nhanh chóng sau một cơn mưa đã khiến mình buồn đến mức mặt bần thần, không nói không rằng. Kết buồn và đau đớn như vậy, mình vẫn tin ít nhất Dũng cũng đã thấy được tia sáng cho cuộc đời bất hạnh và trơ trọi của gã dẫu cho đó chỉ là những tia sáng chợt lóe lên rồi nhạt nhòa.

Trong bài viết Song Lang: Cõi nhân sinh ngắn ngủi và gặp nhau dù chỉ một ngày cũng là sinh mệnh đăng tải trên tạp chí Tia Sáng, tác giả Lê Hồng Lâm viết: “Nếu có chút gì đó giống nhau giữa Song Lang và Bá Vương Biệt Cơ (Farewell, my concubine) của Trần Khải Ca, một bộ phim về số phận trắc trở của hai diễn viên kinh kịch, tôi nghĩ nó nằm ở điểm đó. Cả hai đều mượn câu chuyện sân khấu để nói về câu chuyện cuộc đời, và thân phận con người. Cốt truyện của bộ phim được lồng song song với cốt truyện của vở kịch trên sân khấu. Và cả hai bộ phim đều mượn cái chết ở đoạn kết và để lại cho khán giả sự hẫng hụt, day dứt”. Song Lang có một kết thúc theo mình là khá dễ đoán. Ngay từ đầu hồi một của phim, nhân vật Linh Phụng diễn khúc cuối của vở cải lương Chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy đã gợi trước cho người xem về sự chia ly, sinh tử. Ở đây, montage so sánh đã được sử dụng cho đoạn kết. Montage là một thuật ngữ sử dụng trong ngành ngành kiến trúc ở Pháp, nghĩa gốc là lắp ráp. Một cách nôm na nhất thì montage là sự ghép nối các cảnh quay với nhau trong một bộ phim. Montage so sánh nghĩa là đặt bên cạnh nhau hai cảnh quay đối lập buộc người xem tìm ra mối liên hệ và sự thống nhất giữa chúng. Đoạn kết của Song Lang, với nhát kiếm kết liễu cuộc đời Mỵ Châu lụy tình và cả tin trên sân khấu và nhát dao định mệnh kết thúc cuộc đời Dũng – gã giang hồ chuyên đòi nợ thuê phiêu bạt khắp thành phố vừa mới thức tỉnh ở bên ngoài sân khấu.

Nếu Bá Vương Biệt Cơ là một bộ phim về “đại tự sự” thì Song Lang là một bộ phim về “tiểu tự sự”. Nếu Bá Vương Biệt Cơ là câu chuyện của cả một giai đoạn lịch sử thăng trầm mà nhân vật trải qua, thì Song Lang chỉ là câu chuyện nhỏ của hai kẻ vô tình gặp nhau chỉ trong một vài ngày.

trích Song Lang: Cõi nhân sinh ngắn ngủi và gặp nhau dù chỉ một ngày cũng là sinh mệnh, Lê Hồng Lâm, tạp chí Tia Sáng

Một “tiểu tự sự” mang trong đó là những câu chuyện bạc bẽo của kiếp người và nỗi cô đơn không ai thấu. Quan điểm của đạo diễn Leon Quang Lê cũng được thể hiện tinh tế qua những thước phim. Leon cho rằng nghệ thuật mang các thế giới hoàn toàn đối lập lại gần nhau. Nếu Dũng u tối, lầm lì bao nhiêu thì Linh Phụng lại kiêu hãnh và trong sáng bấy nhiêu nhưng cả hai đều mang trái tim nặng lòng với cải lương. Nghệ thuật cải lương như sợi dây vô hình kết nối hai con người cô đơn này. Mình nghĩ sẽ rất khó để có thể gọi tên mối quan hệ đặc biệt của Dũng – Linh Phụng. Mình không cho rằng đó là tình yêu của hai người đàn ông đa cảm mà hơn như thế, đó là phức cảm khi tìm thấy tri âm tri kỉ trong cuộc đời. Cả hai thấu hiểu nhau chỉ bằng ánh mắt.

Song lang (song loan) là một nhạc cụ vốn dùng để giữ nhịp không để độc tấu. Nhịp phim bất ổn, rề rà xuyên suốt nửa đầu của phim như chính con người của nhân vật Dũng. Hoàn toàn vô định. Do nửa đầu của phim chậm, thú thực mình có phần buồn ngủ khi chỉ thấy những cảnh quay Dũng lái xe phiêu bạt khắp thành phố và thực hiện công việc đòi nợ thuê của mình. Dũng như một bài cải lương không có song lang giữ nhịp. Sự xuất hiện của Linh Phụng trong nửa đầu của phim cũng không nhiều nhưng cho đến nửa sau, khi Dũng gặp Linh Phụng, đối diện với những thứ gã không muốn nhắc đến, thì cuộc sống của gã mới được định hình trở lại. Những cuộc đối thoại trong căn nhà cũ của Dũng và Linh Phụng được diễn ra thì bộ phim cũng dần có được một nhịp độ rõ ràng hơn. Linh Phụng, một anh kép hát cải lương cô độc với ánh nhìn luôn lảng tránh hay che giấu một điều gì đó. Càng về cuối phim, sự thăng hoa trên sân khấu, những biến động cảm xúc, sự bồn chồn nôn nao với món quà trên tay trong cánh gà và ánh mắt tìm kiếm khi nhìn về khán giả, ta thấy được cái nỗi niềm của một anh nghệ sĩ, một người đàn ông khát khao được thấu hiểu, khát khao được tìm thấy một tri kỷ trong cuộc đời. Còn Dũng là một gã giang hồ đòi nợ thuê cô độc, vô cảm nhưng mang trong mình một tư chất nghệ sĩ chờ được đánh thức; gã là một kẻ đa cảm cố ẩn giấu và cũng khao khát tìm thấy một tri âm.

Mối lương duyên đứt đoạn giữa Linh Phụng và Dũng cũng tương tự như cách mà Hà Bảo Vinh và Lê Diệu Huy đã biến mất khỏi cuộc đời nhau không còn vết tích trong Xuân Quang Sạ Tiết (1997) của đạo diễn Vương Gia Vệ. Một đoạn kết bất ngờ, gãy ngang khiến người xem phải đắm chìm trong day dứt đến khó chịu. Với một kết thúc đầy suy ngẫm có lẽ đã phần nào dã khiến mình nhận ra một sự thật đắng cay. Đôi lúc, chúng ta sẽ phải trả giá thật đắt vì những gì chúng ta chọn. Dũng từ bỏ nghề đòi nợ thuê độc ác với một trái tim nghệ sĩ nhưng việc quay trở lại trên con đường lương thiện chưa bao giờ là dễ dàng. Linh Phụng không quay lưng với những gì Linh Phụng chọn. Cải lương là đam mê của anh. Anh theo đuổi ước mơ đến cùng song cũng phải đánh đổi bằng một cái giá đắt đỏ là sự cô đơn. Sự cô độc lẻ loi của Linh Phụng khi rời khỏi nhà hát khi không còn một bóng người khiến mình suy ngẫm nhiều.

Kết thúc phim, trong khung hình tỷ lệ 3:2 ngập nắng, mang màu sắc cổ điển, giọng đọc của Dũng vang lên: “Đừng luyến tiếc quá khứ! Có thể chính sự lưu luyến ấy là ta buồn. Việc gì xảy ra đã xảy ra rồi, còn làm lại sao được nữa. Hãy gắng sức hoàn thành công việc của ngày hôm nay và hưởng những niềm vui của ngày hôm nay”. Song Lang đẹp trong ánh sáng dịu dàng của sự hoài niệm về một thời xa nhớ, đẹp trong những rung động mới chớm, sự thấu cảm của những tâm hồn đồng điệu. Bộ phim với câu chuyện của Dũng, câu chuyện của Linh Phụng hay không phải chuyện riêng ai, rằng: sau những biến cố, trong giai đoạn hỗn loạn và bất ổn ấy, con người khó có thể kiên định đi giữa cuộc đời. Đôi lúc, ta sẽ phải trả giá thật đắt vì những gì ta chọn.

Nhưng ở một lẽ nào đó, bộ phim là liều thuốc chữa lành cho tâm hồn tổn thương, là song loan giữ nhịp phách ta ổn định sau những bộn bề cuộc sống.

1. Lê Hồng Lâm (2018), Song Lang: Cõi nhân sinh ngắn ngủi và gặp nhau dù chỉ một ngày cũng là sinh mệnh, Tạp chí Tia Sáng

2. Trần Hinh, Hoàng Cẩm Giang (2014), Bài giảng Nghệ thuật học đại cương, Khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn.