Tại sao cần tư duy phản biện

Nguồn ảnh: //www.onemoveforward.com

Giả sử một quan chức có một bài phát biểu, trong đó ông nói, “Chính phủ không cần tham gia vào việc dọn dẹp ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp có thể lo liệu việc này hiệu quả hơn”. Phản ứng của bạn là gì?

Bạn có thể đặt nhiều câu hỏi ở đây, trong đó có một số câu có thể bạn đã biết câu trả lời từ trước. Thứ nhất, các giả định đằng sau tuyên bố của ông ta là gì? Chẳng hạn, ông ta quan niệm chính phủ có vai trò như thế nào? Thái độ của ông đối với các hoạt động kinh doanh là gì? Ông có tin rằng ô nhiễm là một mối đe dọa thực sự đối với môi trường không?

Tiếp đó, bạn có thể muốn xem xét các xu hướng, định kiến của quan chức đó. Vị chính trị gia này thuộc đảng nào, và quan điểm của đảng này đối với quy định về ô nhiễm là gì? Ông ta từ quốc gia nào đến — một quốc gia với nền công nghiệp góp phần nhiều vào việc gây ra mưa axit và các loại ô nhiễm khác? Lịch sử bỏ phiếu của ông về các vấn đề môi trường là gì? Có phải ông đang nhận đóng góp từ những phía gây ô nhiễm chính? Ông có sống ở một nơi bị ô nhiễm làm ảnh hưởng nghiêm trọng không? Ông biết gì về ngành khoa học liên quan? [Bạn biết gì về ngành khoa học liên quan này?] Ông có kiến ​​thức hoặc chuyên môn về lĩnh vực này không?

Cuối cùng, bạn có thể cần biết về bối cảnh cảnh của tuyên bố đó. Chẳng hạn như suốt 10 năm qua, ngành công nghiệp tư nhân đã xử lý vấn đề làm sạch chất ô nhiễm mà nó thải ra như thế nào, khi không có sự can thiệp của chính phủ? Ô nhiễm thể hiện ra bên ngoài như thế nào so với trước khi chính phủ quy định về nó? Đối với việc đó thì quy định của chính phủ bắt đầu từ khi nào? Đã có tác dụng gì? Một câu hỏi có phần còn quan trọng hơn là ai sẽ hưởng lợi nếu các ý tưởng này được chấp nhận? Ai sẽ thua thiệt? Kết quả sẽ ra sao nếu mọi thứ thay đổi theo hướng mà chính trị gia này gợi ý? Những kết quả đó có tốt cho đất nước không?

Nếu bạn hỏi các loại câu hỏi gợi ý ở đây khi bạn gặp thông tin mới, hoặc cân nhắc một hoàn cảnh, một vấn đề hay sự việc, thì bạn đang dùng lối tư duy phản biện. Tư duy phản biện rất quan trọng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ dân sinh và cộng đồng vì nó cho phép bạn nắm được các sự việc thực tế liên quan và phát hiện được một cách tiếp cận rất có thể giải quyết được chúng một cách hiệu quả.

TƯ DUY PHẢN BIỆN LÀ GÌ?

Có nhiều định nghĩa về tư duy phản biện. Một số định nghĩa coi đó là một cách xử lý thông tin. Số khác coi nó như là một tập hợp các kỹ năng và khả năng đặc thù. Những người quan tâm đến việc thay đổi về chính trị và xã hội xem đó như là sự thách thức và đưa ra các phương án cho những niềm tin và giá trị được thừa nhận chung của cơ cấu quyền lực. Tất cả những cách nhìn đó đều đúng ở một mức độ nào đó: tư duy phản biện là tất cả những thứ này, và hơn thế nữa.

Tư duy phản biện là quá trình kiểm tra, phân tích, đặt câu hỏi và các hoàn cảnh, sự việc có tính thách đố, và thông tin các loại. Chúng ta sử dụng tư duy phản biện khi đặt các câu hỏi về:

  • Kết quả khảo sát
  • Lý thuyết
  • Bình luận cá nhân
  • Các câu chuyện trên truyền thông
  • Các mối quan hệ cá nhân của chính chúng ta
  • Lịch sử
  • Nghiên cứu khoa học
  • Các phát ngôn chính trị
  • Và [nhất là] những suy luận, các giả định phổ biến, và các tuyên bố của những người có thẩm quyền

Tư duy phản biện là một công cụ quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng và trong việc phát triển các hoạt động can thiệp hoặc sáng kiến ​​dân sự về y tế, dịch vụ dân sinh và phát triển cộng đồng.

CÁC YẾU TỐ CỦA TƯ DUY PHẢN BIỆN

Có một số cách để nghiên cứu quá trình của tư duy phản biện. Brookfield trình bày một số cách, và cách này có lẽ là đơn giản nhất.

  • Nhận biết vấn đề/mục tiêu: Vấn đề thực sự ở đây là gì?
  • Chẩn đoán: Với tất cả các thông tin chúng ta đã có, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là gì?
  • Khám phá: Chúng ta tiến hành như thế nào với cái mà chúng ta đã quyết định, và ai sẽ thực hiện?
  • Hành động: Hãy thực hiện điều đó!
  • Phản hồi: Nó có tác dụng không? Nếu có, cách nào làm nó có thể tác dụng tốt hơn? Nếu không, có điều gì đó không ổn, và chúng ta làm cách nào để sửa chữa? Chúng ta đã học được điều gì ở đây mà có thể có giá trị sau này?

Phản hồi dẫn bạn đến việc cân nhắc một vấn đề hoặc mục tiêu khác, và chu trình đó bắt đầu lại.

Tư duy phản biện bao gồm việc bị “ném vào” trạng thái nghi vấn bởi một sự kiện hoặc ý tưởng mâu thuẫn với sự hiểu biết của bạn về thế giới và làm cho bạn không yên. Bạn sẽ cố gắng tìm hiểu xem nó đến từ đâu và phát hiện ra những cách khác để nắm bắt được tình hình. Rút cuộc, nếu bạn kiên trì, bạn sẽ có một cách nhìn mới về chính sự kiện đó và sẽ thu được một sự hiểu biết quan trọng hơn.

CÁC MỤC TIÊU CỦA TƯ DUY PHẢN BIỆN

  • Sự thực: Phân biệt rạch ròi cái nào đúng, cái nào sai, hoặc đúng một phần, hoặc không hoàn chỉnh, hoặc thiên kiến, hoặc dựa trên nền tảng sai lầm, hoặc giả định là đúng vì “ai cũng nói thế.”
  • Bối cảnh: Cân nhắc bối cảnh và lịch sử của sự việc, vấn đề hoặc hoàn cảnh.
  • Giả định: Để nắm được các giả định và mục đích phía sau các thông tin hoặc hoàn cảnh.
  • Các lựa chọn khác: Tạo ra các cách tiếp cận vấn đề, sự việc và các hoàn cảnh giải quyết các yếu tố thực tế chứ không phải là các yếu tố giả định hay tưởng tượng làm nền tảng hay trực tiếp gây ra chúng – kể cả khi những yếu tố đó khác so với những gì bạn mong đợi.

Thuật ngữ “phản biện” ở đây có nghĩa là việc tiếp cận mọi thứ như thể bạn là một nhà phê bình – đặt câu hỏi, phân tích, đưa vào bối cảnh, nghiên cứu nguồn gốc của nó. Mục đích là để hiểu nó sâu sắc nhất. “Mọi thứ” gồm cả chính bạn: Tư duy phản biện bao gồm việc nhận biết, thừa nhận và kiểm tra lại các giả định và thành kiến ​​của chính bạn và hiểu được cách chúng làm thay đổi các phản ứng đối với thông tin và cách diễn giải của bạn về thông tin. Nó cũng có nghĩa là sự sẵn sàng thay đổi các ý tưởng và kết luận – cả các hành động của bạn – nếu một quan điểm khách quan cho thấy chúng là sai lầm hoặc không hiệu quả.

Điểm cuối cùng này là quan trọng. Trong y tế, dịch vụ dân sinh, và dịch vụ cộng đồng, mục tiêu chính của tư duy phản biện hầu như luôn luôn là để nhất trí chọn một hành động mà sẽ có hiệu quả mong muốn nào đó. Việc kiểm tra nghiêm ngặt tình hình và thông tin sẵn có sẽ có thể dẫn đến bất cứ điều gì, từ việc nghiên cứu thêm cho đến việc tổ chức một cuộc đình công, nhưng nó phải dẫn đến một điều gì đó. Một khi bạn áp dụng tư duy phản biện đối với một vấn đề, sao cho bạn hiểu được những gì có thể có tác dụng, bạn phải hành động để thay đổi hoàn cảnh.

TẠI SAO TƯ DUY PHẢN BIỆN LẠI QUAN TRỌNG?

Không có tư duy phản biện, bạn chỉ nhìn được bề ngoài mọi vật. Khi bạn tình cờ thấy một tuyên bố của một chính trị gia trên báo chí truyền thông, bạn có chấp nhận nó theo giá trị bề ngoài của nó? Bạn có chấp nhận một số tuyên bố của một vài người nhưng không phải của một vài người khác? Những dịp đó là bạn đã đưa ra ít nhất một phán xét nào đó dựa trên điều mà bạn biết về một con người cụ thể, và dù bạn nói chung có đồng ý với người đó hay không.

Việc bạn biết có đồng ý với ai đó hay không cũng không nhất thiết giống với tư duy phản biện. Phản ứng của bạn có thể dựa trên cảm xúc [“Tôi ghét ông ta!”], hay với thực tế là quan chức được bầu này ủng hộ các chương trình mà bạn quan tâm, mặc dù có thể các chương trình đó không đem lại lợi ích lắm cho những người khác. Điều quan trọng về tư duy phản biện là nó giúp bạn phân loại những gì là chính xác và những gì không, và cho bạn một nền tảng vững chắc, thực tế để giải quyết vấn đề hoặc xử lý sự việc.

Vậy tại sao tư duy phản biện lại quan trọng, đó là vì:

  • Nó xác định ra những tư duy thiên vị. Tư duy phản biện giúp chỉ ra cả những tư duy thiên vị trong những vấn đề mà nó quan sát [đối tượng của nó] và những thiên vị mà chính bạn đem tới. Nếu bạn giải quyết được những sự​​ thiên vị này một cách công bằng, và điều chỉnh lại tương ứng tư duy của bạn, bạn sẽ nhận ra được đối tượng đó trên phương diện mà nó thiên lệch, và hiểu được những​ thiên vị ​​của bạn qua phản ứng của bạn đối với nó.

Thiên vị không nhất thiết là xấu: đơn giản đó chỉ là một cách nhìn vào sự vật. Bạn có thể thiên vị về chủng tộc, nhưng bạn cũng có thể có thiên hướng xem tất cả con người đều như một gia đình. Bạn có thể bị thiên vị theo quan điểm chính trị tự do hay bảo thủ, hướng đến hay chống sự khoan dung. Ngay cả khi hầu hết chúng ta sẽ coi một sự thiên kiến cụ thể nào đó là tốt hay xấu, thì việc không nhìn nó sẽ có thể hạn chế cách chúng ta giải quyết một vấn đề hoặc sự việc.

  • Nó được định hướng đến vấn đề, sự việc hoặc hoàn cảnh mà bạn đang giải quyết. Tư duy phản biện tập trung vào phân tích và nắm bắt đối tượng của mình. Nó loại bỏ, với chừng mực có thể, các phản ứng cảm xúc, trừ khi chúng trở thành một phần của cách tiếp cận hoặc giải pháp.

Thực sự không thể loại bỏ được cảm xúc, hoặc cách ly chúng khỏi các giả định và niềm tin sâu sắc của chính bạn. Tuy nhiên bạn có thể cố gắng hiểu rằng chúng tồn tại, và cố gắng phân tích các phản ứng cảm xúc của chính bạn và của những người khác trong hoàn cảnh đó.

Có nhiều loại phản ứng cảm xúc khác nhau. Nếu toàn bộ các bằng chứng cho thấy điều gì đó là đúng đắn thì phản ứng cảm xúc của bạn mà không đúng thì vô ích, dù bạn muốn tin tưởng nó đến mức nào. Mặt khác, nếu một giải pháp đề xuất liên quan đến việc gây hại đến một nhóm người cụ thể “vì lợi ích của đa số”, thì một phản ứng cảm xúc mà cho rằng “chúng ta không thể để điều này xảy ra” có lẽ là cần thiết để làm thay đổi hoàn cảnh sao cho các lợi ích của nó có thể được thừa nhận mà không làm hại ai cả. Những cảm xúc mà cho phép bạn phủ nhận hiện thực nói chung đem lại các kết quả không mong muốn; những cảm xúc khuyến khích bạn tìm ra các phương án dựa trên các nguyên tắc ngay thẳng và công bằng có thể mang lại các kết quả đang rất mong muốn.

  • Nó cho bạn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Tư duy phản biện không bao giờ xem xét thứ gì một cách biệt lập. Đối tượng của nó luôn phải có một lịch sử, một nguồn gốc, một bối cảnh. Tư duy phản biện cho phép bạn phát huy, do đó nhận được nhiều hơn những đặc điểm chính của thứ mà bạn đang xem xét, và làm cho một giải pháp thực tế và hiệu quả đối với một vấn đề có tính khả thi hơn.
  • Nó mang các nhân tố cần thiết khác vào. Một số thứ mà ảnh hưởng đến đối tượng của tư duy phản biện – các hoàn cảnh trước đó, lịch sử cá nhân, các giả định phổ biến về một vấn đề – có thể cần được kiểm tra chính chúng. Tư duy phản biện sẽ xác định chúng và cũng chất vấn chúng.

Trong cuộc tranh luận hồi giữa những năm 1990 ở Mỹ về cải cách hệ thống phúc lợi xã hội, nhiều phiền phức đã xảy ra về khoản tiền liên bang dành cho phúc lợi. Tuy nhiên rất ít người nhận ra rằng toàn bộ chương trình trợ cấp chỉ chiếm chưa tới 2% ngân sách liên bang hàng năm. Vào lúc cao trào của cuộc tranh luận, người Mỹ đã khảo sát ước tính khoản tiền thuế của họ được dùng vào hệ thống an sinh xã hội chiếm đến 60%. Nếu họ kiểm tra các giả định phổ biến mà họ đang sử dụng, có thể họ đã nghĩ khác về vấn đề này.

  • Nó xem xét cả tính đơn giản và tính phức tạp của đối tượng của nó. Một hoàn cảnh hoặc sự việc có thể có một lời giải thích hoặc giải quyết có vẻ đơn giản, nhưng nó có thể dựa trên một sự kết hợp phức tạp của các yếu tố. Tư duy phản biện sẽ làm sáng tỏ các mối quan hệ giữa chúng và xác định mức độ phức tạp nào cần phải xử lý để đi đến kết luận mong muốn.
  • Nó cho bạn cái nhìn gần như chính xác về hiện thực. Toàn bộ ý nghĩa của tư duy phản biện là để xây dựng nên quan điểm khách quan nhất có thể có. 100% khách quan có lẽ là không thể, nhưng bạn càng đến gần được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
  • Quan trọng nhất, đối với toàn bộ các lý do trên đây, là rất có thể nó giúp bạn đạt được kết quả mong muốn. Bạn càng xử lý sát sao những thứ như chúng thực sự là chúng, bạn càng có hy vọng giải quyết thành công một vấn đề hoặc sự việc.

Nhìn chung, giá trị thực sự của tư duy phản biện là ở chỗ nó chính là gốc rễ của mọi tiến bộ nhân loại. Tổ tiên đầu tiên của con người tự nhủ “Chúng ta lúc nào cũng chế tạo ra các dụng cụ bằng xương, nhưng chúng lại quá dễ vỡ. Kiểu gì chúng ta cũng làm ra được công cụ từ những thứ khác. Tôi thử loại đá này xem sao nhỉ?” là đã sử dụng tư duy phản biện. Do đó, hầu hết các nhà tiên phong đặt nền móng về xã hội, nghệ thuật và công nghệ đã làm theo. Bạn hẳn là rất khó để tìm ra một tiến bộ ở bất kỳ lĩnh vực phát triển nào của con người mà không bắt đầu với việc một người nào đó quan sát các sự vật hiện tượng và nói “Đâu cần phải như vậy. Nếu chúng ta nhìn nó từ một góc độ khác thì sao nhỉ?”

AI CÓ THỂ [VÀ NÊN] HỌC CÁCH TƯ DUY PHẢN BIỆN?

Câu trả lời ở đây là bất cứ ai, từ trẻ em đến người già. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể học những thứ như quan hệ nhân – quả — một sự kiện cụ thể có kết quả cụ thể – thông qua sự kết hợp giữa thử nghiệm/ trải nghiệm của chính mình với việc được giới thiệu cho những ý tưởng phức tạp hơn của những người khác.

Đôi khi người ta dễ dàng chấp nhận ngay ý kiến của những người được thừa nhận về trí tuệ [giáo viên] hay có thẩm quyền trong lĩnh vực liên quan. Điều này thực ra trái ngược với tư duy phản biện, vốn dựa vào việc chất vấn.

Nhiều người trưởng thành có thói quen thực hành tư duy phản biện như lẽ tự nhiên. Nhiều người biết cách, nhưng vì những lý do khác nhau –sợ hãi, tư lợi, định kiến ​​sâu sắc hoặc những niềm tin không được kiểm chứng – lại không chọn cách đó. Hơn nữa, có lẽ phần lớn là có khả năng học cách tư duy phản biện, nhưng chưa được dạy hoặc tiếp xúc với những kinh nghiệm mà lẽ ra sẽ cho phép họ tự học được.

Đây chính là nhóm cuối cùng mà vừa cần nhất, lại vừa dễ học hỏi nhất về cách tư duy phản biện. Nó thường bao gồm những người có trình độ học vấn và thu nhập tương đối thấp, những người tự thấy mình không có quyền lực. Một khi họ nắm được khái niệm tư duy phản biện thì tư duy phản biện có thể làm thay đổi toàn bộ quan điểm của họ về thế giới. Thường thì trải nghiệm tham gia vào một sáng kiến ​​hoặc can thiệp của cộng đồng sẽ tạo ra động cơ học tập đó.

Tư duy phản biện đòi hỏi khả năng tư duy trừu tượng. Đây là khả năng tư duy về những thứ không có ở đó – trông thấy trước các hậu quả và khả năng trong tương lai, tư duy về chính tư duy của bạn, mường tượng ra các kịch bản chưa từng tồn tại. Hầu hết mọi người đều có khả năng học tư duy theo cách này, nếu được khuyến khích và có cơ hội.

Nguồn bài dịch và biên tập:Thinking Critically

Video liên quan

Chủ Đề