Sự kiện dấu ấn pháp trận liên quân là gì

Đồng chí Lê Đức Thọ là vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị và trên lĩnh vực công tác được giao, đồng chí cũng đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết, luôn nỗ lực phấn đấu hết mình và có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trên lĩnh vực đấu tranh ngoại giao, đồng chí Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao tài ba, có tư duy chiến lược sắc sảo, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris [1968 - 1973].

Lê Đức Thọ - “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris

Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại Nam Định. Trải qua những năm tháng hoạt động với bề dày thành tích, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là để chuẩn bị cho việc mở mặt trận ngoại giao “vừa đánh, vừa đàm” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 [khóa III, 1967], trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 22-4-1968, khi bàn về việc đàm phán với Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự định: “Việc tiếp xúc với Mỹ phải chuẩn bị kỹ, lấy anh Sáu [tức Lê Đức Thọ] tham gia đoàn, có thể làm Cố vấn”[1]. Sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết thư gửi Bộ Chính trị yêu cầu đồng chí Lê Đức Thọ bàn giao cho đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam những công việc được Bộ Chính trị phân công về cách mạng miền Nam để nhận nhiệm vụ mới.

Với quyết định trên, chỉ sau thời gian ngắn vào miền Nam [tháng 2-1968] cùng Trung ương Cục tham gia lãnh đạo cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công nhiệm vụ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phân công đồng chí Lê Đức Thọ cùng đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách mặt trận ngoại giao. Đồng chí Lê Đức Thọ đặc trách chỉ đạo đàm phán Paris với vai trò công khai là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn.

Khi chọn người làm “Cố vấn đặc biệt” cho Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đàm phán với Đoàn đàm phán Chính phủ Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị nhận thức sâu sắc rằng: Đàm phán với các chính khách chuyên nghiệp, lọc lõi và cơ mưu của Hoa Kỳ - siêu cường hùng mạnh, có ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự so với Việt Nam là việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Đây là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go ở một trung tâm của phương Tây, xa Trung ương, nên lãnh đạo đàm phán trực tiếp không chỉ cần tinh thần cách mạng tiến công và ý thức kỷ luật mà còn phải có tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương pháp sáng tạo, khôn khéo. Đồng chí Lê Đức Thọ là người thích hợp nhất khi đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị lựa chọn, vì ở đồng chí có sự hội tụ đầy đủ các yêu cầu của một nhà ngoại giao đàm phán quốc tế về mọi vấn đề liên quan tới chiến tranh và hòa bình của Việt Nam thời điểm bấy giờ.

Vai trò của đồng chí Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris

Tại Hội nghị Paris, với tư cách là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua hoạt động trong các cuộc đàm phán công khai và bí mật, trong các buổi họp báo, chỉ đạo ra “Thông cáo báo chí”, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam. Đặc biệt, trong tất cả các cuộc đàm phán bí mật với Kissinger hay trên bàn Hội nghị, đồng chí Lê Đức Thọ đều nêu rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam mong muốn chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Thực hiện phương châm chỉ đạo “Thắng từng bước” của Đảng, trên cơ sở phân tích một cách khoa học về tình hình thế giới, các mối quan hệ quốc tế chồng chéo, có tác động đến cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ chủ trương kiên trì đấu tranh, vừa đấu tranh vừa vận động tìm kiếm sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng, ngoại giao là con đường, là phương tiện để kết nối sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Do đó, phải có chiến lược, sách lược ngoại giao thích ứng, bước đi phù hợp, từng bước làm phân hóa kẻ thù, tập hợp lực lượng, huy động được sức mạnh của dân tộc và thời đại làm hậu thuẫn cho đấu tranh trên bàn đàm phán. Để đạt được mục tiêu đó, đồng chí Lê Đức Thọ đã vận dụng nghệ thuật đàm phán hết sức linh hoạt, đầy trí tuệ, “vừa đánh, vừa đàm”, vừa đàm phán công khai, vừa đàm phán bí mật; lấy kết quả đạt được trong đàm phán bí mật để đấu tranh công khai.

Trên thực tế, Hội nghị Paris có 4 đoàn đại biểu [Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính quyền Sài Gòn] tham gia, nhưng các cuộc đàm phán bí mật chỉ có Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger [Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ]. Tuy là hai đoàn, nhưng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một, đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị. Về phía ta, dù đàm phán công khai hay bí mật chúng ta luôn có sự chủ động, phối hợp nhịp nhàng và thống nhất. Còn về phía Mỹ, vượt ra ngoài sự tính toán của Chính phủ Mỹ, các cuộc thương lượng bí mật đã làm tăng thêm mâu thuẫn, nghi ngờ giữa Oasinhtơn và chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn cho rằng: “Cách thức Hoa Kỳ dẫn dắt các cuộc đàm phán đã làm mất thể diện của Việt Nam Cộng hòa”; “Kissinger và Nixon đã phạm phải một sai lầm chiến lược khi họ tìm cách kết thúc chiến tranh thông qua những cuộc đàm phán bí mật”[2]. Trên thực tế, đây là những cuộc đấu trí căng thẳng, thăm dò lập trường của nhau, đấu tranh trên những vấn đề thực chất để đi đến thỏa thuận, đưa ra các giải pháp phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa hai bên.

Trong đấu tranh ngoại giao với Mỹ tại Hội nghị Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng là phối hợp chặt chẽ với mặt trận đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị để nhằm mục tiêu đầu tiên là đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá miền Bắc. Đấu tranh thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đây như kỹ thuật nấu cơm, nếu sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy”[3]. Đồng chí Lê Đức Thọ đã vận dụng một cách mềm dẻo sách lược đấu tranh ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để đưa Mỹ vào cục diện vừa đánh, vừa đàm. Trong Hội nghị, đoàn ngoại giao ta khéo léo dẫn phía Mỹ có những nhân nhượng về vấn đề Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Đoàn đàm phán và tận dụng được ý đồ của Mỹ sẵn sàng chấm dứt ném bom miền Bắc [từ vĩ tuyến 20 trở ra] để tranh thủ công chúng Mỹ, phục vụ cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra.

Sau thành công trên, đồng chí Lê Đức Thọ cùng đoàn đàm phán của ta đấu tranh ở Hội nghị Paris nhằm mục tiêu là ép Mỹ rút quân nhanh, góp phần đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Giai đoạn này có các cuộc đấu tranh công khai ở những phiên họp chính thức xen kẽ những cuộc thương lượng bí mật giữa Việt Nam và Mỹ, từ tháng 1-1969 bắt đầu các cuộc họp 4 bên. Thời kỳ này, Việt Nam tuy có nhiều thắng lợi vang dội về quân sự nhưng chưa có đòn quyết định xoay chuyển tình thế. Trong điều kiện như vậy, đoàn đàm phán của ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ đã dùng nhiều phương thức đấu tranh kết hợp khuếch trương chiến quả, vận dụng sách lược mềm dẻo, lựa chọn đúng thời điểm như dịp vận động bầu cử tổng thống, quốc hội, đầu năm học của các trường đại học hoặc những vấn đề nước Mỹ quan tâm như tù binh, ngân sách... để đoàn ta đưa ra những đòn tấn công tác động mạnh đến dư luận Mỹ và dư luận thế giới, làm phân hóa sâu sắc nội bộ chính quyền Mỹ, nội bộ chính quyền Sài Gòn, nội bộ Mỹ, ngụy, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị tại miền Nam.

Dấu ấn quyết định trong đấu tranh ngoại giao là đồng chí Lê Đức Thọ cùng Đoàn đàm phán của ta ở Hội nghị Paris đã tích cực, chủ động đấu tranh nhằm mục tiêu buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Hội nghị Giơnevơ [1954], khi ta chỉ là một thành phần tham gia với tiếng nói hạn chế, lần này ta chủ động mở một mặt trận ngoại giao mạnh mẽ, kết hợp đàm phán với chiến trường và quốc tế, kết hợp đàm phán ở Paris với trong nước cùng chung sức hiệp đồng tác chiến. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Duy Trinh, các cơ quan ở trong nước đã quán triệt quan điểm của Bộ Chính trị và thông qua thảo luận tập thể, có sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, hình thành văn bản “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và một số Nghị định thư cần thiết trình Bộ Chính trị thảo luận và thông qua. Còn tại Paris, ta đã phối hợp nhịp nhàng giữa Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, “tuy hai mà một” và “tuy một mà hai”.

Bị thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngày 22-12-1972, Mỹ nêu vấn đề gặp lại ở Paris và Mỹ sẽ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra từ ngày 30-12-1972. Bộ Chính trị đã thảo luận suốt ba ngày. Nhiều ý kiến được đưa ra, cuối cùng nhất trí cao với ý kiến do đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ đề xuất: Phía ta nên gặp lại phía Mỹ để đi đến ký Hiệp định. Ngày 23-1-1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger ký tắt bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Với tư cách là Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 26-1-1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh lên đường sang Paris ký chính thức Hiệp định vào ngày 27-1-1973. Đây là thắng lợi chung của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp to lớn của “binh chủng ngoại giao” được đồng chí Lê Đức Thọ trực tiếp bồi dưỡng và rèn luyện, có đủ bản lĩnh và trí tuệ để đấu trí, đấu lý với một đối thủ dày dạn kinh nghiệm và lão luyện về ngoại giao như Kissinger; biết tiến và biết lui đúng lúc để đạt được kết quả cao nhất.

Nhìn chung, cuộc đàm phán Paris là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX; là tâm điểm đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng non trẻ. Sau gần 5 năm đấu trí, đấu bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc thắng lợi. Việc ký Hiệp định Paris [27-1-1973] là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao. Nhưng, với nhiệm vụ kết thúc chiến tranh bằng những văn kiện pháp lý quốc tế thì vai trò thương lượng của người đứng đầu ở bàn đám phán có vị trí vô cùng quan trọng. Theo đồng chí Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: “Trong suốt 5 năm đàm phán ở Paris, đồng chí Lê Đức Thọ được ví như vị tướng ngoài biên. Đồng chí thực hiện rất nghiêm túc đường lối chiến lược trong đàm phán mà Bác Hồ đã trực tiếp căn dặn và những chủ trương Bộ Chính trị đã đề ra. Những phần đóng góp của cá nhân đồng chí thật là to lớn. Đồng chí đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn luôn dành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình. Đã có lúc Kissinger phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ, đàm phán với ông Thọ quả là cân não”[4].

Trên cương vị là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, với bản lĩnh của một nhà chính trị già dặn, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí Lê Đức Thọ đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam[5].

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cả thế giới ca ngợi tài trí ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ. Hình ảnh của ông tràn ngập trên các trang báo lớn ở Mỹ, phương Tây. Ngay trong năm 1973, Ủy ban Giải thưởng Nobel quyết định trao “Giải Nobel Hòa bình” cho đồng chí Lê Đức Thọ. Nhưng, với bản lĩnh và sự nhạy cảm của mình, đồng chí Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải.

Năm tháng trôi qua, nhưng dấu ấn của đồng chí Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris [1968 - 1973] vẫn hết sức đậm nét. Thành quả đó là dấu son chói lọi trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

[1] Nhớ anh Lê Đức Thọ, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.415

[2] Từ tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr.160, 174.

[3] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, Tập 9, tr.486.

[4] Kỷ yếu Hội thảo Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định, tháng 10/2011, tr.85 - 86

[5] Với cống hiến xuất sắc trong cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Paris nói riêng và với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung, đồng chí Lê Đức Thọ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco.

Chủ Đề