Sói trong tiếng Hán là gì

*Nếu cần bấm hai lần vào tựa bài để mở bài.

Phải tuân thủ luật Tác quyền Copyright.

NGƯỜI BẠN SÓI CON VÀ LANG BẠT KỲ HỒ.

Nguyễn Xuân Quang.

Vườn nhà tôi thuộc khu vùng quê giữa thành phố, vùng có thể nuôi ngựa, gia súc, gia cầm, không có lề đường, không dây điện, dây điện thoại trên trời, không có đèn đường, có nhà không có hàng rào Đây là vùng an cư của nhiều loài chim thú. Người, động vật, thực vật và thiên nhiên sống hòa đồng bên nhau. Thỉnh thoảng có những loài thú hoang lớn ghé thăm vườn. Có lần hàng xóm báo động cho biết có báo núi [mountain lion] xuống xóm. Tôi không tin. Mèo rừng thì có. Thường nhất là sói cỏ [coyote]. Có lẽ vườn nhà là chỗ còn có thể tìm được thức ăn vì vườn bốn bên hàng xóm đều làm sân tennis, sân bóng rổ, sân bóng chầy [baseball], sân khấu ngoài trời hoặc làm vườn cảnh. Chỉ còn có vườn nhà tôi là vườn cam [tôi giữ lại vườn cam của vị bác sĩ chủ cũ trồng các giống cam đặc biệt. Vì ở Quận Cam tôi thích nhà phải có vườn cam], ngoài cam ra là cây ăn trái, cỏ hoa dại thiên nhiên và chỉ làm một lỗ golf [putting green].

Cây cam sành [phải bao che gốc ngăn ngừa sóc ăn].

Trong vườn có nhiều thỏ đuôi bông gòn trắng, sóc đất, chồn, chuột hang [gopher], con túi mặt trắng opossum [thuộc loài có túi marsupial, tiếng Thổ dân Mỹ châu Opossum có nghĩa là Mặt Trắng], chim, thằn lằn, rắn-chuột hang [gopher snake] [loài rắn này không độc rất hữu ích vì diệt trừ chuột hang gopher]

Trước mùa dịch siêu vi Vũ Hán, một gia đình sói cỏ thường ghé thăm vườn nhà. Bây giờ có lẽ lũ sói con đã tới tuổi phải lìa mẹ đi kiếm ăn một mình nên chỉ còn thấy một con sói cỏ con thường tới thăm vườn nhà. Không rõ là cậu hay cô. Tôi gọi là chú vì từ chú hàm nghĩa là còn non, còn trẻ. Chú sói con.

Chú sói con nằm trên sân lỗ golf đang chờ, dường như muốn nhắc nhở tôi đánh golf mỗi chiều trong mùa dịch này cho khỏe người.

Mùa dịch này trông chú gầy còm, ốm yếu hơn, có lẽ các chủ nhà trong xóm theo lệnh cách ly ở nhà, họ canh chừng các thú cưng và gia súc kỹ càng hơn. Hồi trước tôi được bệnh nhân tặng một cặp gà tre. Buổi trưa hè nằm võng dưới hàng tre nghe gà gáy te te, trong lơ mơ ngủ tưởng mình đang ở quê hương nhà. Một cuối tuần đi dự đình đám quên lùa gà vào chuồng. Sáng hôm sau chỉ còn lại đám lông gà. Thủ phạm là họ sói cỏ nhà chú chứ không còn ai khác nữa.

Đường trong xóm giờ vắng tanh, không xe qua lại. Chẳng có một con thú hoang nào bị xe cán như xẩy ra hàng đêm lúc trước. Ban đêm không có đèn đường, nhiều thú hoang băng qua đường thấy đèn xe, sững sờ, dừng lại trên đường vì bị ánh đèn thôi miên nên thường bị cán chết. Bây giờ chú không có nhiều cơ may tìm được thức ăn nhất là chú vừa mới bước vào đời tự lập nuôi thân còn vụng về. Đi tới đâu là chó ở xóm đó sủa ầm lên báo động khiến chú khó mà vào nhà ăn trộm thức ăn.

Chú sói con thường tới vườn nhà thích nhìn mấy quả banh golf giống trứng chim cho bớt cơn đói chăng? Dần dần thành thân quen. Trước đây chú sợ sệt nằm trong bụi cây nhìn tôi chơi golf. Giờ không còn nữa. Chú đã nhìn thẳng vào mắt tôi, mắt nhìn mắt, tiếng Anh gọi là eye contact và nhìn rất thân thiện gần như một con chó nhà, không còn thấy cái bản chất sài lang.

Chú có vẻ thích thú khi thấy những quả golf lăn rơi vào lỗ biến mất. Có lần khi tôi vào nhà thấy chú leo lên sân quan sát lỗ golf xem những quả banh biến mất đi đâu và ngửi mấy quả banh. Có lẽ cái bao tử đói ăn khiến chú tưởng là những trái trứng. Chú dùng mũi hất mấy quả banh lăn cù. Gió đưa hòn đá lăn cù, Con chị còn thiếu thì bù con em. Vì thế người Việt mới gọi đánh golf là đánh cù, sân golf là sân cù. Chứ không phải là ai thua thì bị cùléc! Theo g = c, ta có golf = còn, chòn, tròn. Quả banh golf là quả tròn, lăn tròn, lăn cù. Cù biến âm với cầu [khối cầu tròn].Đánh golf là đánh cù là vậy. Dĩ nhiên chú đâu có ý đánh cù, không một quả banh nào rơi vào lỗ. Rồi chú nhận biết ra sự thật phũ phàng. Không phải là trứng. Đôi mắt thật buồn. Nhìn thân hình ốm đói, xác xơ tôi biết chú đói ăn. Cặp mắt nhìn nhiều khi như xin ăn. Tôi có thể làm ảo thuật biến các quả banh cù thành các quả trứng gà ăn được. Nhưng không làm. Ở đây làm cho chú ăn là phạm luật. Hàng xóm thấy, họ báo cáo ngay cho giới hữu trách. Tôi chỉ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của chú. Nếu thấy tới độ nguy hại tới sinh mạng sẽ gọi báo cho Sở Kiểm Soát Thú Vật biết để họ chăm sóc cho chú.

Về sau dù đã biết rõ những quả banh không phải là thức ăn nhưng chú vẫn tới vườn xem tôi đánh golf, có lẽ cho quên bớt đói. Chú không còn sợ hãi, không còn chui vào bụi dậm nằm nhìn ra. Tôi không cũng không còn e ngại vì trong tay có cây gậy đánh cù.

Những bữa không thấy tôi đánh golf như chiều nay chú leo lên sân nằm chờ. Thấy tôi ra chú nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn tỏ một điều gì? Chú nằm lấy kiểu, tạo dáng, nhìn về phía ông kính, nghiêm và buồn cho tôi chụp một tấm ảnh kỷ niệm.

Có hôm không thấy tôi, chú nằm chờ rất lâu rồi mới rời sân lỗ golf. Chú để lại một bãi chất thải.

Dường như có ý báo cho biết chú có tới thăm? hay bầy tỏ một thất vọng hay bất mãn? Hay chỉ có mục đích xí đất, khoanh vùng lưỡi bò.

Sau khi để lại xí vật mấy ngày nay không thấy chú trở lại [xí có một nghĩa là shit, kít như chuồng xí]. Có lẽ chú đã lang bạt kỳ hồ theo tiếng gọi của cái bao tử.

Nói tới câu Lang bạt kỳ hồ lại nhớ tới có nhiều tranh luận về nghĩa câu này.

.Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển viết: con lang đạp cái bọc da trước cổ nó lung túng không đi được­ Người mình lại thường dùng mấy chữ ấy theo nghĩa trái hẳn là: đi nơi này nơi khác, không định chỗ nào.

.Truy tìm thấy câu chữ Hán này có nguồn gốc từ một bài ca Mân phong trong Kinh Thi với hai câu đầu Lang bạt kỳ hồ, tái trí kỳ vỹ. Lang: con sói; bạt: đạp lên; kỳ: đại danh từ: của nó; hồ: cái yếm thịt dưới cổ loài động vật như yếm bò; tái: là, ắt, tất; trí: vấp; vỹ: đuôi. Hai câu nghĩa là con sói bước tới dẫm vào yếm trước cổ lui lại vấp phải cái đuôi của mình, nghĩa bóng là lúng túng, tiến thối lưỡng nan. Rồi về sau rút gọn lại chỉ còn thành ngữ lang bạt.

.Tác giả An Chi cho rằng dân dã Việt Nam hiểu méo mó, sai lệch đi đã đưa hai tiếng lang bạt và cả câu lang bạt kỳ hồ đi xa hàng dậm so với nghĩa gốc của nó trong tiếng Hán [Lang bạt và lang bạt kỳ hồ, Petrotimes.vn].

.Có người nói rằng chẳng thấy loài chó sói nào có cái yếm dưới cổ cả. Mà cái yếm lại dài tới độ làm vướng chân đi.

.Có tác giả bào chữa lại nêu ra tài liệu xưa nói rằng có loài sói khi về già lông dưới cổ dài ra như cái yếm.

.Còn riêng tôi thì tôi đã thấy con Lang Trời, Lang Việt thần thoại, vật tổ của Hùng Langcó cái túi hú dưới cổ trên trống đồng Đông Sơn[xem dưới].

.Một hôm ngồi uống cà phê với anh bạn Đỗ Thành, Nhạn Nam Phi, người nghiên cứu về chữ Nôm Bách Việt, anh nói câu này trong Kinh Thi, mà Kinh Thi được cho là của Bách Việt, thì phải hiểu theo tiếng nôm Bách Việt. Câu ca này có nghĩa đại khái là con sói chui vào lỗ, lòi cái đuôi ra ngoài ý nói dấu đầu lòi đuôi [hồ hiểu là hố, lỗ]. Không biết anh có viết lên blog Nhạn Nam Phi không?

.Còn tôi, tôi cho rằng người Việt hiểu lang bạt trong câu lang bạt kỳ hồ theo nghĩa lang thang đây đó, phiêu bạt là hiểu theo tiếng nôm, tiếng Hán Nôm hóa hay ngay cả theo tiếng Hán khác. Không hẳn là lấy từ lang bạt kỳ hồ trong Kinh Thi. Nhưng vô hình chung nó dính dáng tới Hán Việt lang bạt trong câu lang bạt kỳ hồ trong Kinh Thi.

Vậy ta thử nhìn về hướng dân dã Việt khác Kinh Thi xem sao.

Từ lang bạt có:

1. Lang.

-Hiểu theo nôm na hay nôm hóa thì lang có nghĩa là không ở một nơi, một chỗ của mình, không đúng nơi đúng chỗ của mình như ngủ lang, gà đẻ lang, lang chạ.

Lang đi với thang: lang thang, lang bang

-Lang hiểu theo tiếng Hán khác với nghĩa sói lang.

Từ điển Thiều Chửu:

lang :

-Sóng.

-Ngước lãng: phóng túng [đùa bỡn vô lễ].

-Phóng lãng, kẻ chỉ chơi bời lêu lổng không chăm chỉ làm một nghề chánh đáng gọi là lãng tử.

-Lang lang: nước chẩy băng băng.

.

2. Bạt

Bạt hiểu theo tiếng nôm nghĩa là gió như thấy qua từ đôi đồng nghĩa bạt gió, nghĩa là ta có bạt = gió như cánh chim bạt gió. Bạt là gió như phiêu bạt, bạt ngàn, tiếng gió thổi bần bật Theo b = m, bạt = mát [có gió mới mát]. Theo b = v, bạt = Phạn ngữ vát, to fan [quạt]. Việt ngữ vát có một nghĩa là quạt, ở Hà Đông có làng nghề Vát chuyên làm quạt. Vát, quạt thì mát: mát mặt anh hùng khi tắt gió [Hồ Xuân Hương]. Vát ruột thịt với Phạn ngữ vâta, gió.

Như vậy hiểu theo nôm nalang bạt là gió không nhà, không ở một nơi nhất định, gió lang thang, lang thang như gió, phiêu bạt, nay đây mai đó Gió hay đi vắng lúc nao có nhà? [Đố Ai? Phạm Duy], đúng như trong từ điển của Đào Duy Anh: đi nơi này nơi khác, không định chỗ nào.

Tại sao lang bạt nôm na lại đi với kỳ hồ?

Dĩ nhiên kỳ hồ ở đây không phải là kỳ hồ trong Kinh Thi [khác mặt chữ]. Như trên ta thấy lang có nghĩa là sóng, nước chẩy băng băng, cuồn cuộn, lêu lổng, phiêu bồng [lãng tử]. Nói tớiSóng nghĩ ngay tớiGió là chuyện bình thường. Sóng Gió. Lang bạt sóng gió lênh đênh,trôi nổi, không bờ không bến, lang bạt là sóng gió ba đào Gió to sóng cả. Như thế lang bạt sóng gió đi với kỳ hồ sông nước [hồ Lãng Bạc, sông Thương Lang] thì có gì là nghịch lý?

Như vậy cả câu lang bạt kỳ hồ hiểu theo nôm na dân gian Việt khác và khác nghĩa với câu Hán Việt trong Kinh Thi, là chuyện hợp lý. Tự nhiên.

Câu hỏi kế tiếp là hai câu có hai nghĩa khác sau sao lại giống nhau như đúc? Và gây ra lầm lẫn với nhau?

Tạo sao các nhà nhiều chữ thánh hiền cứ gán ghép là lang bạt nôm na mách qué của dân gian lấy từ lang bạt con sói trong Kinh Thi? Phải có một cái gì dính líu dây mơ rễ mái ở đây. Chính cái rễ, cái gốc này là nguyên nhân gây ra tranh luận.

Thật vậy, cả hai câu đều có chung một gốc, một cội nguồn. Đó là Gió. Tại Gió. Con Nang, con Lang thuộc cùng họ nhà Chó, loài thú có tiếng tru, tiếng hú đặc thù như gió hú. Con chó nhà hiện nay là con cháu của sói lang có DNA hú của sói lang nên có loài còn hú như sói lang. Con chó là con chú, con chu, con tru. Mường ngữ cóo, chó, Cổ ngữ Ái Nhĩ Lan cú [hound, wolf] là con hú [c = h như cùi = hủi], Việt ngữ cún, gốc tái tạo Ấn-Âu ngữ *kuon-, kun-, Ngôn ngữ của chúng ta Nostratic *küjna: wolf [Illic-Svytic p.361] có ku- ku- = chu, hú. Rõ như ban ngày chữ nôm lang bạt là con nang gió, con có túi gió còn giữ nguyên gốc nghĩa hú, tru của cả ngôn ngữ loài người.

Người Hán gọi là con Lang. Tôi chưa đọc thấy lang có nghĩa là gió qua mấy quyển từ điển chữ Hán. Tuy nhiên tôi biết rõ từ lang chính là từ nang của cổ Việt. Như đã biết L là âm mang tính dương, âm kim của N, âm cổ Việt mang tính âm [Tiếng Việt Huyền Diệu]. Người Hán gốc võ biền macho nên ngôn ngữ cũng như xã hội của họ theo duy dương vì thế các âm cổ Việt N mang âm tính khi chuyển qua Hán Việt đều thành âm L mang dương tính. Ví dụ cổ ngữ Việt nang là cau [mo nang là mo cau] chuyển qua Hán Việt là lang, binh lang là cau, Việt ngữ nỏ [ná] chuyển qua Hán Việt là lỏ, ông tổ làm Nỏ họ Cao chuyển qua Hán Việt là Cao Lỗ, Việt ngữ nọc là con hươu nọc [có sừng, hươu đực] chuyển qua Hán Việt là lộc như Lộc Tục là con Nọc đực. Lộc Tục là con Hươu Nọc, Hươu Đực có vương hiệu là Kì Dương Vương. Cổ ngữ Việt Kì [kèo, kè, que] là cây, cọc và dương là đực, mặt trời. Kì Dương Vương là Vua Hươu Nọc, Vua Hươu Mặt Trời. Hán Việt con Lang chính là dạng dương của con Nang Việt.

Nang biến âm với nông [chim nông có túi nang dưới mỏ để xúc cá]. Theo n = kh như nỏ [khô] = khỏ [khô như bưởi khỏ] = kho [thức ăn nấu cho cạn hết nước, cho khô. Ta có từ đôi đồng nghĩa kho khô], Pháp ngữ non [không] = Việt ngữ không Vậy lang = nang = nông = không [khí, gió].

Như vậy lang có một nghĩa là nang, nông, không khí, gió. Con nang, con lang có túi tru hú như gió hú là thú biểu của bầu trời, gió. Trong vũ trụ giáo dùng con thú, con chim biết hú [như chim tu hú] làm vật biểu tượng cho gió, bầu trời. Con Lang Trời, Thiên Cẩu là thú biểu cùa Hùng Vương nhánh bầu trời, gió là vậy. Ngày nay ở Hội An múa Thiên Cẩu thay cho múa lân vào các dịp lễ tết.

Hình ảnh vật tổ Nang Trời, Lang Trời, Thiên Cẩu, Lang Việt còn thấy ghi khắc lại trên trống đồng nòng nọc [âm dương] Đông Sơn. Trên trống Miếu Môn I có con Sói Lang đã thần thoại hóa một phần thành vật tổ Lang Trời, Thiên Cẩu có cái nang da ở dưới mõm [đúng như Đào Duy Anh nói là cái bọc da] mà các nhà khảo cổ học gọi là cái mồi.

Lang Trời đang ngửa cổ lên trời giống hệt con sói đứng ở tư thế đang tru hú trên trống Miếu Môn I.

Hình bóng con Lang Trời này cũng thấy trên một trống khác, trống Số 14 Trong Bộ Sưu Tập Chan Kieu [Echoes From Dong Don Drums].

Trống số 14 [nguồn: Chan Kieu, Echoes From Dong Son Drums, NXB Thế Giới Hà Nội, 2018].

Theo tác giả Kiều Quang Chẩn con thú này lai giống giữa chồn và loài bò sát giống con thú trên trống Phú Xuyên. Theo tôi các con thú này giống con Lang Trời trên trống Miếu Môn I thuộc họ nhà sói lang, không thể là loài hươu sủa [barking deer] ở trống Phú Xuyên [tác giả Kiều Quang Chẩn đúng một phần cho là giống chồn. Chồn cùng họ nhà sói, lang, chó] [xem Trống Kì Việt Phú Xuyên].

Ở đây cái túi nang phát ra tiếng hú, tiếng tru thấy ở bên ngoài, dưới cổ những con Lang Trời là do thần thoại hóa của cơ cấu cơ thể học ở trong cổ con vật giống như một cái túi hơi giúp phát ra tiếng hú, tiếng tru như gió hú [để ý con sói đang hú ở hình trên, cổ phình ra]. Vì người xưa nghĩ là con vật có nang hú ở cổ nên đặt tên là con nang.

Tóm lại con nang, con lang là con có bọc hú, tru, biểu tượng cho Gió. Con nang, con lang là con Gió.

Như thế Hán Việt lang bạt là con lang dẫm lên cái hồ ở cổ thì đúng ra phảii hiểu hồ là cái bao, cái bọc, cái nang ví dụ như hồ bao là túi tiền. Cái hồ bao này bắt nguồn từ cái nang hú của con lang. Hiểu hồ là cái yếm da là hiểu sai lạc. Hiểu theo cái yếm da không tạo ra tiếng hú thì con lang Trung Quốc không phải là loài sói lang. Rõ ràng người Hán hiểu khác đi. Người Hán thay đổi nghĩa lang bạt chứ không phải người Việt.

Như thế lang bạt hiểu theo nghĩa con Túi Gió, con Nang, con Gió đâu có sai. Hiểu theo Hán Việt con lang có cái yếm da, yếm lông dưới cổ mới là hiểu theo nghĩa đã mất gốc.

Như vậy hiểu lang bạt với Gió liên hệ với con Nang Gió và hiểu lang bạt với nghĩa là con lang đạp lên [cái yếm hồ] đều có nguồn gốc liên hệ với Gió, với con sói lang. Đây là lý do hai câu nói nôm na và Hán Việt tạo ra tranh luận.

..

Nói lông bông lang bang như thế để thấy rõ lang bạt Ta và Tầu khác nhau, có nghĩa khác nhau. Từ đôi nôm lang bạt không lấy từ Hán Việt lang bạt trong câu lang bạt kỳ hồ trong Kinh Thi. Vì thế không thể nói dân gian Việt Nam không hiểu chữ thánh hiền, bóp méo ý nghĩa chữ thánh hiền

Nói nôm na lang bạt theo dân dã là đi đây đi đó như gió bay khắp bốn phương trời, không có gì là sai trái cả.

..

Trở về với chú sói con. Không biết giờ này lang bạt nơi đâu? Tôi tin chú sói phải sống đời lang bạt, đi lang bạt kỳ hồ để kiếm ăn một thời gian trong mùa dịch Vũ Hán khó khăn này. Rồi thể nào cũng trở lại vườn nhà vui thích với những trái trứng giả lăn cù rơi xuống lỗ. Kiếp sau biết đâu chú thành người và có thể trở thành một thứ Tiger Wood. Có đêm nghe tiếng sói hú gần nhà, chó sủa vang bên hàng xóm, không biết có phải là chú không, hay một con sói nào khác.

Cầu cho mùa dịch siêu vi Vũ Hán chóng qua để người bạn sói con kiếm được đủ thức ăn sống qua ngày trong cái xóm nhỏ quê mùa ở giữa rừng bê tông phố thị này.

Tản mạn vài dòng trong mùa dịch siêu vi Vũ Hán cho người bạn sói con lang bạt kỳ hô.

Share this:

Related

  • MƯƠI ĐIỀU VỀ CÔNG VIÊN QUỐC GIA THUNG LŨNG TỬ THẦN, [Phần 3 và hết].
  • December 17, 2021
  • In "USA: California Công Viên TL Tử Thần [3 hết],"
  • MƯƠI ĐIỀU VỀ CÔNG VIÊN QUỐC GIA THUNG LŨNG TỬ THẦN [DEATH VALLEY NATIONAL PARK] [Phần 2].
  • December 3, 2021
  • In "USA: California Công Viên TL Tử Thần [2],"
  • Ý NGHĨA NHỮNG TỪ THÔ TỤC TRONG VIỆT NGỮ.
  • July 29, 2011
  • In "Ý Nghĩa Những Từ Thô Tục"

Video liên quan

Chủ Đề