So sánh đà nẵng và sài gòn

Đà Nẵng – một thành phố năng động đang lột xác và đổi thay từng ngày. Được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi về vị trí địa lý, con người miền trung cần cù, thân thiện, ban lãnh đạo có tầm nhìn, dám nghĩ dám làm. Đà Nẵng dường như đã hội tụ đủ các yếu tố Thiên thời – Địa lợi và Nhân hòa. Nhưng vẫn còn đó những hạt sạn, khiến những tranh cãi về Đà Nẵng là chủ đề khá sôi động thời gian gần đây…


Đà Nẵng thực sự đáng sống như người ta vẫn đồn đại? Vấn đề việc làm? Hướng phát triển kinh tế? Trong các quan điểm chỉ trích Đà Nẵng gần đây, một số ý kiến trích dẫn khá đúng về Đà Nẵng, nhưng góc nhìn của nhiều người vẫn tương đối phiến diện và tiêu cực. Bài viết này đứng dưới góc nhìn chủ quan của cá nhân tôi, một người con của Đà Nẵng, có hơi hướng tích cực nhiều hơn. Nhưng với 8 năm trên đất Sài Gòn, một thành phố có nền kinh tế thị trường phát triển và sôi động hơn hẳn Đà Nẵng [cái này khỏi bàn cãi], từ những quan sát và chiêm nghiệm đó tôi muốn đưa ra những luận điểm của mình về định hướng và phát triển kinh tế của thành phố quê hương mình hiện nay. Bài viết này lan man nhiều chủ đề: từ con người, việc làm và quy luật phát triển kinh tế thị trường. Mặc dù góc nhìn còn nhiều hạn chế nhưng nếu bạn đọc nào quan tâm, có thể tham khảo cho biết.

Về con người

Con người Đà Nẵng và miền trung nói chung cần cù, thật thà và thân thiện, cùng với đó là khả năng chống chọi với thiên tai, bão lũ cũng khiến con người nơi đây càng kiên cường, chịu khó. Do đặc tính địa lý nằm giữa đất nước nên văn hóa và con người nơi đây có sự pha tạp giữa Miền Bắc và Miền Nam. Có thể đó là lý do, hầu hết các khách du lịch dù là ở Bắc hay Nam khi đến Đà Nẵng đều đánh giá con người nơi đây thân thiện. Nhưng có một cái dở của con người Đà Nẵng nói riêng và con người Miền Trung nói chung là bảo thủ – cố chấp. Hầu hết trong việc bàn luận về vấn đề nào đó, người Miền Trung rất khó ngồi lại với nhau để bàn bạc thống nhất. Nếu nhìn dưới góc nhìn địa lý và so sánh giữa Sài Gòn và Đà Nẵng tôi thấy thế này. Xung quanh Sài Gòn là các thành phố vệ tinh, nếu xem mỗi thành phố là mỗi con người và Sài Gòn là nơi diễn ra “Hội nghị bàn tròn” thì việc đó tương đối thuận lợi, việc giao thương, lợi ích của các thành phố trong việc hợp tác với nhau là rất lớn. Sài Gòn tập hợp con người tứ xứ đổ về nên nền văn hóa giao thoa để hòa hợp với tất cả tính cách đó nên thành ra con người trên đất Sài Gòn cởi mở, dễ gần, và việc tranh luận, bàn bạc về các định hướng phát triển kinh tế của cả khu vực trở nên dễ dàng và thuận lợi. Nhưng ở Miền Trung vì địa lý các thành phố trải dọc nên thành ra việc tập hợp các lãnh đạo thành phố để bàn bạc về định hướng phát triển kinh tế khu vực tương đối khó khăn, Đà Nẵng – Quảng Nam thì gần gũi nhưng nếu họp thêm Quãng Ngãi thì sao? Rõ ràng khoảng cách địa lý khá xa, cách biệt về giọng nói, kinh tế và địa lý càng khiến việc đó càng khó khăn. Kết quả là mỗi tỉnh – thành phố nơi đây mạnh ai nấy phát triển, cô lập với nhau. Về điểm này cố Bí Thư thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Bá Thanh đã từng đề cập đến. Đặc tính đó xét về phương diện vi mô hơn là tính cách của những con người nơi đây, nó ăn sâu vào khiến con người Đà Nẵng trở nên cố chấp – bảo thủ trong vấn đề tranh luận giữa các cá nhân và trong một nhóm. Lấy ví dụ, nếu bạn đem kênh đầu tư chứng khoán để thuyết phục người dân Đà Nẵng đầu tư, kể cả những người có tri thức, thì việc đó vô cùng khó khăn, nó đi đôi với hình ảnh “lừa đảo – rủi ro – cờ bạc”. Ở Sài Gòn thì người ta sẵn sàng cởi mở bàn bạc với bạn hơn và nghiêm túc xem đó là kênh đầu tư có thể xem xét, ở đây người ta thoải mái bàn bạc về các ý tưởng kinh doanh và đầu tư. Về đầu tư, thì đặc trưng người Đà Nẵng cũng có đầu cơ [cò đất] nhưng chỉ manh nha ở số ít, kênh truyền thống tập trung chính là gửi tiết kiệm và bất động sản [có thể xem đây là tiềm năng cho ngành dịch vụ tài chính – chứng khoán khai thác]. Đó là điểm dở của người Miền Trung.

Về việc làm

Trước đây từng có quan điểm tranh luận “Đà Nẵng có thực sự là thành phố đáng sống?”. Cuộc tranh luận này diễn ra gay gắt xuất phát từ vấn đề việc làm. Tác giả bài viết đó [người này thất nghiệp ở Đà Nẵng, sau đó kiếm được việc làm tại Sài Gòn và viết bài chỉ trích Đà Nẵng] đặt ra câu hỏi: liệu Đà Nẵng có thực sự đáng sống không nếu thanh niên không có việc làm? Nếu đơn thuần nhìn Đà Nẵng dưới góc độ du lịch – nghỉ dưỡng thì Đà Nẵng xứng đáng với danh hiệu đó [những người đã có tiền, muốn sống cuộc sống hưởng thụ thì Đà Nẵng thích hợp với điều đó], không khí trong lành, an ninh trật tự đảm bảo, ít tệ nạn xã hội. Còn về vấn đề việc làm, tác giả bài viết đó hoàn toàn đúng, nhưng nếu chỉ nhắm vào tiêu cực để chỉ trích 1 cách phiến diện thì tôi ko đồng tình. Thứ nhất, văn hóa Đà Nẵng giao thoa giữa Bắc và Nam, nên trong vấn đề việc làm có yếu tố “quan hệ” khiến cho quá trình tìm việc tương đối khó khắn. Hơn nữa, quy mô địa lý không thực sự thuận lợi để nền kinh tế công nghiệp phát triển, khiến số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tương đối ít; thay vào đó là xu hướng phát triển dịch vụ – du lịch càng khiến cho đầu ra việc làm ngày càng khó khăn hơn. Nhưng lựa chọn phát triển nền “Công nghiệp không khói” của Đà Nẵng là hoàn toàn đúng. Nó mang đến giá trị gia tăng lớn cho thành phố. Phần này sẽ được tôi phân tích kỹ hơn trong phần dịnh hướng phát triển. Do đó, ở góc độ nào đó Đà Nẵng vẫn là thành phố đáng sống, và nếu kinh tế và dịch vụ du lịch ngày càng phát triển hơn sẽ phần nào giải quyết được vấn đề việc làm tại nơi này.

Về quy luật phát triển kinh tế

Chiến lược và định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng hiện nay dẫn đến những hệ quả gì? Đó là sự phân hóa giàu nghèo, quy luật muôn thuở của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào.

Chiến lược phát triển kinh tế của Đà Nẵng 10 năm qua, khá tương đồng với chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam cùng thời kỳ. Đó là thu hút mạnh dòng vốn bên ngoài đổ vào, tạo nguồn thu thúc đẩy cơ sở hạ tầng, phát triển mọi mặt kinh tế xã hội. Thoạt đầu, việc này khiến thành phố thay da đổi thịt, nhưng một phần nó cũng dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo. Vì sau lại vậy?

Kinh tế Đà Nẵng lột xác thực sự từ năm 2006 đến nay, trong suốt thời kỳ đó lượng vốn từ bên ngoài, đặc biệt là từ Hà Nội và phía Bắc, Sài Gòn đổ vào khá lớn, khiến BĐS thành phố tăng nóng thời gian dài. Người dân từ đó được hưởng lợi. Nếu xét về mặt vĩ mô của thành phố, đó là điểm tích cực, nó giúp thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng phát triển và năng động hơn. Nhưng xét về mặt vi mô, thì sẽ chia thành 2 tầng lớp với 2 thái cực: lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Đứng ở góc độ của người đầu tư đổ vốn vào [tôi giả định là người Hà Nội], thì họ thấy tiềm năng phát triển của Đà Nẵng, những người này với tầm nhìn đầu tư của họ, họ chấp nhận rót vào 10 đồng để đầu tư. Trong đó, có 5 đồng mua đất, 5 đồng xây dựng cơ sở đầu tư [kinh doanh, buôn bán, sản xuất] để sinh lợi sau này.

Đứng ở góc độ người dân Đà Nẵng, sẽ chia làm 2 tấng lớp. Tầng lớp thứ nhất, là tầng lớp những người khá giả, giàu có, đất đai tập trung tại khu vực trung tâm. Những người này, vì điều kiện kinh tế khá giả nên họ không cần thiết phải bán đất lấy tiền [ko bàn đến những người đầu cơ BĐS]. Một số trong đó có điều kiện mở các loại hình kinh doanh để tạo thu nhập. Do đó, khi cơ sở hạ tầng thành phố ngày càng phát triển, dù là trung tâm hay ngoại thành, vùng ven thì cũng sẽ thúc đẩy giá nhà đất tăng cao nhanh chóng, đặc biệt là đất trung tâm có tốc độ tăng giá mạnh hơn đất vùng ven. Xét ở mặt này, những người giàu ngày càng giàu hơn. Tầng lớp còn lại, những người sở hữu đất ở vùng ven hơn một chút, những người không có tư duy nhiều về kinh tế và làm ăn. Khi giá đất tăng lên, họ cảm nhận được sức nóng của nó, chưa bao giờ họ nghĩ lại “có thời” trúng đất, và cầm trong tay số tiền lớn như vậy. Họ quyết định bán nhà và đất của mình đi để đổi lấy tiền [nếu lấy tiền kinh doanh thì quá tốt], nhưng những người này vì tư duy kinh tế thấp nên hiệu quả sử dụng đồng tiền không cao, thường thì như tôi quan sát, sau khi Đà Nẵng sốt đất, nhiều người chấp nhận bán đất ở trung tâm để dạt về vùng ven, số tiền thu được gia đình, con cái họ chi tiêu vào việc mua sắm, xe cộ, điện thoại. Thoái quen chi tiêu đó ăn sâu vào tầng lớp này tạo nên 1 tầng lớp quen với việc chi tiêu hơn là đầu tư. Rõ ràng, lợi ích trước mắt là có thực nhưng về lâu dài điều đó đang làm hại họ. Kết quả là người nghèo ngày càng nghèo hơn, vốn liếng ngày càng teo tóp họ càng khó cạnh tranh với những người có óc kinh doanh đầu tư từ Miền Bắc và tầng lớp có tư duy kinh tế của thành phố. Nó tạo thành vòng xoáy trôn ốc ngày càng đẩy tẩng lớp này ra xa thành phố.

Cuối cùng, ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng những tầng lớp “tinh hoa” hơn về trình độ [gồm những nhà đầu tư từ miền Bắc – Nam và người giàu Đà Nẵng] chiếm giữ khu vực trung tâm. Quá trình đó, đương nhiên vẫn đang âm ỉ diễn ra.
Đó cũng là lý do vì sao, hiện nay ở Đà Nẵng người già thì ngồi quán nhậu, còn người trẻ thì đổ xô ngồi cafe chém gió thứ 2 cũng như thứ 7. Họ đang “Chi Tiêu” tương lai của mình.

Về định hướng phát triển kinh tế

Gần đây, một đồng chí đã chỉ trích rằng: “hướng phát triển dịch vụ và du lịch Đà Nẵng đang khiến thành phố này tụt hậu, cần phải đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp,…xyz???” Quan điểm này đúng hay sai! Theo tôi đây là quan điểm phiến diện, tiêu cực.

Nếu xét về diện tích Đà Nẵng tương đối nhỏ, đặc điểm địa lý miền trung là trải dọc, các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi diện tích gấp 10 lần, có lợi thế hơn hẳn về công nghiệp. Với hoàn cảnh đó, việc Đà Nẵng tận dụng lợi thế về địa lý, thiên nhiên và bãi biển để đẩy mạnh du lịch là hoàn toàn đúng. Cùng với đó, là phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhiều chất xám.

Thứ nhất, nếu nhìn vào lợi ích của ngành dịch vụ không khói thì giá trị gia tăng mà nó mang lại không thể bàn cãi, giá cả các sản phẩm đầu ra trong ngành dịch vụ – du lịch luôn gấp 3-4 lần so với giá vốn sản xuất. Nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới dựa vào định hướng phát triển du lịch – dịch vụ đã gặt hái được những bước phát triển thần kỳ. Ví dụ điển hình là Singapore, từ một đất nước mà nguồn “tài nguyên thiên nhiên” chỉ là “không khí”. Dân số ít ỏi thời kỳ sơ khai độc lập. Vậy mà quốc gia này, với định hướng phát triển du lịch – dịch vụ, thương mại đã gặt hái được những thành công rực rỡ. Tất cả đều dựa vào sự thuận lợi của vị trí địa lý, đó cũng là hướng đi của Đà Nẵng hiện nay. Hoặc như Macao, thành phố “không ngủ” với dịch vụ du lịch – casino, giá cả để thuê nhân công ở thành phố này đang trở nên thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Do đó, với đặc trưng địa lý của mình [diện tích nhỏ – hẹp] – nằm ở trung độ cả nước, thiết nghĩ định hướng phát triển kinh tế dịch vụ – du lịch và thương mại là hoàn toàn đúng.

Vì sao tôi yêu Sài Gòn
Là một người con của Đà Nẵng, mặc dù thành phố đang đổi thay từng ngày nhưng lý do tôi chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp và gắn bó đơn giản chỉ vì: “Ở Sài Gòn, đặc biệt trong lĩnh vực Tài chính – chứng khoán có quá nhiều người giỏi hơn tôi, để tôi có thể học hỏi hoàn thiện bản thân mình,đối với tôi đó là niềm Hạnh Phúc và Lẽ Sống!

VIET EURO

Ads by Adpia


Video liên quan

Chủ Đề