Nhà nước hồi giáo is là ai

Theo hãng tin Mỹ AP, IS-K là một nhóm Hồi Giáo gồm hàng trăm tay súng, được biết đến từ cách nay 6 năm, thuộc thành phần còn cực đoan hơn cả Taliban. Hình thành tại miền đông Afghanistan, nhóm này đã nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố lớn, là thủ phạm nhiều vụ tấn công cực kỳ đẫm máu, bất chấp nhiều năm trời bị liên quân do Mỹ lãnh đạo tìm diệt.

Ngay sau vụ tấn công ngay giữa đám đông, khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương tại Kabul vào hôm qua, các nhà quan sát đã tìm hiểu trở lại xem nhóm IS-K, tức là Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan là gì, và bao gồm những phần tử nào.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan là gì?

Theo AP, nhóm IS-K này là chi nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo [tiếng Ả Rập gọi là Daech, tiếng Anh là ISIS hay IS], đã từng hoành hành tại Syria và Irak vào mùa hè năm 2014, chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, và lập ra một đế chế Hồi Giáo. Các chính quyền địa phương và lực lượng quốc tế phải mất 5 năm chiến đấu liên tục mới phá được “đế chế Hồi Giáo” đó.

Chi nhánh Afghanistan của Nhà Nước Hồi Giáo đã nổi lên vài tháng sau khi Daech xuất hiện, lấy tên từ tỉnh Khorasan, một khu vực bao gồm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Iran và Trung Á thời Trung Cổ.

Được gọi theo tên tắt tiếng Anh là IS-K, thoạt đầu nhóm này chỉ có vài trăm chiến binh Taliban người Pakistan, đã chạy qua Afghanistan lánh nạn tại vùng biên giới với Pakistan sau các chiến dịch tấn công của Quân Đội Pakistan.

Sau đó, nhóm này đã kết nạp thêm nhiều phần tử cực đoan khác, cùng chí hướng, trong đó có cả những chiến binh Taliban người Afghanistan bất mãn với những hành động mà họ cho là quá ôn hòa của phong trào Taliban nói chung.

Trong bối cảnh Taliban đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phần tử Taliban bất mãn đầu quân vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan hơn, giúp IS-K gia tăng quân số. Hầu hết những phần tử bất mãn này dều cho rằng giới lãnh đạo Taliban sai lầm khi đàm phán với Mỹ vào lúc mà phong trào này đang trên đà chiến thắng về mặt quân sự.

Ngoài ra IS-K còn thu hút được một số lớn chiến binh đến từ Phong Trào Hồi Giáo Uzbekistan, một nước láng giềng, từ tỉnh Hồi Giáo Sunni duy nhất của Iran và các thành viên của Đảng Hồi Giáo Turkistan trong đó có người Duy Ngô Nhĩ từ miền Tân Cương Trung Quốc.

Kẻ thù không đội trời chung của Taliban

Nhìn chung, các chiến binh IS-K đều bị hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thu hút, cũng như lời hứa về một vương quốc Hồi Giáo để thống nhất thế giới Hồi Giáo, một mục tiêu mà lực lượng Taliban không hề tán thành.

Trong khi Taliban giới hạn cuộc đấu tranh của phong trào trong nội bộ Afghanistan, nhóm Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan và Pakistan đã hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mở thánh chiến trên toàn thế giới, chống lại những người không theo đạo Hồi.

Theo thống kê của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, IS-K là tác giả hàng chục cuộc tấn công vào thường dân ở Afghanistan và Pakistan, trong đó có cả người Hồi Giáo hệ phái Shiite thiểu số. Nhóm này cũng đã có hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Afghanistan, Pakistan và Mỹ kể từ tháng 1 năm 2017.

Cho đến lúc này, IS-K vẫn chưa có cuộc tấn công nào ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tuy nhiên chính phủ Mỹ cho rằng IS-K là một mối đe dọa trường kỳ đối với các lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh ở khu vực Nam và Trung Á.

Trên hiện trường, IS-K đã trở thành kẻ thù của Taliban. Trong thời gian qua, lực lượng Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, có phối hợp chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan. Chiến binh Taliban đôi khi đã kết hợp với cả quân đội Mỹ lẫn quân đội chính phủ Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đánh bật nhóm Nhà Nước Hồi Giáo Khorosan ra khỏi các vùng phía đông bắc Afghanistan.

Một quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ xin ẩn danh từng tiết lộ với hãng tin Mỹ AP là sở dĩ chính quyền Trump tìm kiếm thỏa thuận rút quân năm 2020 với Taliban, đó một phần là vì hy vọng sẽ hợp lực với Taliban để triệt hạ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, bị coi là mối đe dọa thực sự ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Nguy cơ trước mắt đến từ ISK là gì?

Theo các chuyên gia phân tích, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ngày càng trở thành một mối đe dọa to lớn đối với Hoa Kỳ, nhất là khi Mỹ không còn lực lượng tại chỗ để theo dõi và tiêu diệt đối thủ ngay khi phát hiện.

Trong một báo cáo của Trung Tâm Chống Khủng Bố thuộc trường võ bị Mỹ West Point, hai nhà nghiên cứu Amira Jadoon và Andrew Mines đã lưu ý rằng, ngay cả khi Hoa Kỳ có quân đội, máy bay và máy bay không người lái vũ trang đóng trên mặt đất ở Afghanistan để theo dõi và tấn công Nhà Nước Hồi Giáo, các chiến binh của nhóm này vẫn có thể tiếp tục hoành hành dù đã có hàng nghìn người thương vong.

Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đang tước đi năng lực tấn công trên bộ của Hoa Kỳ ở nước này, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu khả năng theo dõi Nhà Nước Hồi Giáo, cũng như các kế hoạch tấn công của tổ chức này.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden cho rằng nhóm IS-K chỉ là một trong nhiều mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối phó trên toàn cầu, và nhấn mạnh rằng Washington hoàn toàn có thể giám sát tổ chức này bằng những phương tiện tình báo và quân sự đặt tại các quốc gia vùng Vịnh, trên tàu sân bay hoặc các địa điểm khác xa hơn.

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của Hoa Kỳ sau khi rút quân ra khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ hiện diện là, dưới sự cai trị của Taliban, nước này một lần nữa trở thành lại trở thành thỏi nam châm thu hút các phần tử cực đoan từ khắp nơi trên thế giới, về đấy lập cứ địa để từ đó tung ra những cuộc tấn công vào phương Tây.

Các tay súng IS tiến vào thành phố Mosul tháng 6/2014. Ảnh: Reuters.

Giữa một đêm đông lạnh giá đầu tháng 1, Abu Bakr al-Baghdadi, tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, bước vào căn nhà trong ngôi làng Baghouz gần biên giới Syria để thực hiện cuộc gặp hiếm hoi với những thân tín còn sống sót. Không khí cuộc gặp khác hẳn với khí thế tưng bừng cách đây gần 5 năm, khi Baghdadi đích thân dẫn các tay súng tiến đánh thành phố Mosul ở miền bắc Iraq.
Trong cuộc tấn công vào Mosul bắt đầu từ ngày 4/6/2014, Baghdadi nắm trong tay 1.500 tay súng, nhưng chỉ sau 6 ngày đã đánh bại đội quân 30.000 lính chính quy và 30.000 cảnh sát vũ trang Iraq, chiếm được thành phố lớn thứ hai ở nước này. Ngày 29/6, tại một giáo đường ở Mosul, Baghdadi tuyên bố mình là thủ lĩnh tối cao của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo [IS] tự xưng được hắn lập ra từ ngày 8/4/2013, sau khi đơn phương sáp nhập phong trào Jabhat al-Nusra thân al-Qaeda, theo Guardian.

Baghdadi cùng các thuộc hạ khi đó tin rằng từ thành trì ở Mosul, chúng sẽ mở rộng "đế chế" tới ba châu lục, chinh phục Rome, Paris và Washington, xóa bỏ đường biên giới quốc gia ở Trung Đông, tạo ra một vương quốc Hồi giáo khổng lồ với khẩu hiệu trung tâm là "Không ngừng duy trì và mở rộng".

Sự trỗi dậy của IS lúc đó tưởng như không có gì cản nổi. Trước khi tiến đánh Mosul, IS khởi đầu chỉ là một chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq và đóng vai trò quan trọng trong việc kích động xung đột giữa người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni ở quốc gia này sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Tổ chức của IS lớn mạnh dần lên và mở rộng hoạt động sang Syria, lợi dụng những cuộc xung đột liên miên để gây dựng lực lượng.

Baghdadi xuất hiện công khai lần đầu tiên tại một giáo đường ở Mosul năm 2014. Ảnh: Reuters TV.

IS ban đầu áp dụng chiến thuật "luồn sâu", cử các thành viên cấp cao tới Iraq để lôi kéo người dân đi theo, sau đó đưa lực lượng tiến đánh những ngôi làng ở miền bắc Syria. Nhóm đối địch Jabhat al-Nusra ban đầu là mục tiêu chính của IS, sau đó là bất cứ nhóm vũ trang nào cản đường.

Từ Aleppo ở Syria tới Mosul ở Iraq, IS quét sạch mọi thứ trên đường đi. Các sư đoàn thiết giáp tinh nhuệ của quân đội Iraq hoảng hốt bỏ lại xe tăng, vũ khí, quân phục tháo chạy khi vừa thoáng thấy bóng của quân "cờ đen". Lực lượng duy nhất dám đối đầu với IS ở Iraq lúc đó là dân quân người Kurd [Peshmerga], khi họ hối hả chạy đua với đà tiến quân của phiến quân để bảo vệ các mỏ dầu ở Kirkuk. Chỉ có các cuộc không kích của Mỹ mới có thể cứu thành phố Erbil, thủ phủ của người Kurd, khỏi cuộc tấn công chinh phạt của IS, vốn có thể đã làm thay đổi số phận của vùng đất rộng lớn ở miền bắc Iraq.

Số tiền khổng lồ trong nhà băng và các vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp bị quân đội Iraq bỏ lại ở Mosul đã nhanh chóng biến IS thành tổ chức khủng bố giàu có và được trang bị tốt nhất khu vực. Chúng kiểm soát các mỏ dầu, bán lậu dầu thô tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi áp đặt các loại thuế với người dân trong khu vực cai trị, có lúc thu về tới gần một triệu USD mỗi ngày.

Chỉ vài tháng sau khi Baghdadi xuất hiện ở Mosul, những phần tử cực đoan nước ngoài ồ ạt đổ về Iraq để gia nhập "đế chế Hồi giáo", tiếp thêm sức mạnh cho phiến quân nhằm liên tục tiến đánh nhiều khu vực ở Iraq và Syria trong nửa cuối năm 2014.

Người Yazidi tháo chạy khỏi thị trấn Sinjar ở tỉnh Nineveh để thoát khỏi cuộc thảm sát của IS. Ảnh: Reuters.

Sự bành trướng chóng vánh của IS khiến diện mạo khu vực Trung Đông biến đổi hoàn toàn, khi vùng đồng bằng Nineveh trù phú, đa sắc tộc của Iraq gần như bị bỏ hoang bởi những người thiểu số gốc Turk, Công giáo hay Yazidi đều phải bỏ xứ ra đi để thoát khỏi họa diệt chủng của IS.

Thất bại đầu tiên

Vào tháng 1/2015, ở thời kỳ đỉnh cao, IS kiểm soát khu vực rộng lớn ở cả Iraq và Syria có diện tích tương đương nước Anh và thu hút tới 40.000 tay súng nước ngoài chiến đấu cho mình. Nhưng cũng từ lúc đó, đà mở rộng lãnh thổ của IS bị chững lại.

Không quân Mỹ dội bom xuống cứ điểm của IS trên quả đồi bên ngoài thị trấn Kobane tháng 10/2014. Ảnh: AFP.

Với mong muốn chiếm được thị trấn Kobane của người Kurd ở biên giới phía bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phô trương sức mạnh, IS triển khai đến đây hàng nghìn tay súng, tấn công dồn dập trong nhiều ngày. Đáp lại, Mỹ điều các chiến đấu cơ liên tục dội bom xuống phiến quân đang áp sát thị trấn.

"Tôi là một trong những người chuẩn bị cho các tay súng đó và đưa họ tới Kobane", một cựu thành viên IS kể lại. "Đợt nào được đưa tới đó là chết sạch đợt đấy. Có lần tôi cử 30 tay súng người Tunisia đến và họ đều bị giết trước khi đặt được chân tới Kobane. Đó là lần đầu tiên các thành viên IS phải đắn đo trước khi tham chiến".

IS mất hơn 1.500 tay súng cho chiến dịch tấn công Kobane, dù thị trấn này không mang nhiều ý nghĩa chiến lược. "Kobane là trận đọ sức thực sự đầu tiên giữa IS với một nhóm bộ binh đối phương, trong trường hợp này là dân quân người Kurd, được Mỹ yểm trợ hỏa lực từ trên không", Shiraz Maher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan hóa Quốc tế tại Đại học King London, nói. "Tôi cho rằng số quân IS nướng vào chiến dịch này cho thấy khát khao thể hiện với người Mỹ rằng chúng đã sẵn sàng chiến đấu tới cùng. Nhưng đó rốt cuộc chỉ là một chiến dịch tốn công vô ích".

Cai trị 'đế chế'

Sau thất bại đầu tiên trước hỏa lực không quân Mỹ, IS tìm cách giữ địa bàn trong hai năm 2015 và 2016. Trước sức ép của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng dần thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài kéo tới gia nhập IS. Đây cũng là thời kỳ IS gây kinh hoàng trên khắp thế giới bằng cách tung ra những đoạn video ghê rợn quay cảnh chặt đầu, hành quyết các con tin phương Tây bị chúng bắt cóc.

Gieo rắc nỗi sợ hãi cho thế giới phương Tây trở thành công thức chủ yếu trong chiến dịch tuyên truyền của IS, khi các đao phủ, quay phim đều là người nước ngoài, trong đó có bộ tứ đến từ Anh chuyên tra tấn và chặt đầu con tin trước camera. Cuối năm 2015, làn sóng tấn công khủng bố bùng lên ở châu Âu, khởi đầu bằng vụ đánh bom tự sát ở Paris, sau đó là sân bay Brussels của Bỉ. Những "con sói đơn độc" lấy cảm hứng từ IS tấn công buổi hòa nhạc ở Manchester, chợ Borough ở London, gieo rắc kinh hoàng khắp châu Âu.

Trong "đế chế" của mình, IS cũng lấy nỗi kinh hoàng làm công cụ cai trị chính, khi áp dụng những biện pháp trừng phạt tàn khốc và man rợ nhất đối với người bất đồng chính kiến. Samer, một người dân Syria từng sống dưới ách cai trị của IS, vẫn không thể quên ngày phiến quân hành hình một người bạn của anh rồi treo xác tại quảng trường Raqqa vào mùa hè 2015, theo Al Jazeera.

"Không ai được phép chạm vào thi thể cậu ấy, người thân cũng không được đưa cậu ấy đi chôn cất tử tế", Samer nói về người bạn bị IS chặt đầu vì có những hoạt động chống đối. "Tôi không thể tả lại những gì mình thấy, vì đơn giản là không từ ngữ nào có thể tả xiết. Tôi ngất đi giữa đám đông và lập tức bị đưa ra ngoài".

Những vụ hành hình, bêu xác công khai như vậy diễn ra thường xuyên tại những vùng đất IS kiểm soát, được phiến quân coi là chiến thuật hiệu quả để bóp nghẹt ý chí chống đối của người dân và gieo rắc nỗi sợ hãi để cai trị. Tuy nhiên, chúng cũng làm gia tăng sự phẫn nộ trong dư luận quốc tế, thúc đẩy nhiều nước tham gia vào cuộc chiến chống IS.

Đao phủ IS đứng cạnh James Foley, con tin bị phiến quân hành quyết. Ảnh chụp màn hình.

"Từ năm 2016, liên quân do Mỹ dẫn đầu tăng cường chiến dịch yểm trợ quân đội Iraq tái chiếm lãnh thổ từ tay IS, khiến phiến quân bắt đầu phải lui về cố thủ ở những nơi như Mosul", Maher cho biết. "Lãnh đạo cấp cao của IS đề nghị các chiến binh nước ngoài không tới Iraq để nhập nhóm mà khuyến khích chúng thực hiện các vụ khủng bố ở quê nhà".

Từ cuối năm 2016, quân đội Iraq và dân quân người Kurd bắt đầu chiến dịch phản công chiếm lại Mosul. Họ đã thành công trong việc đánh đuổi phiến quân khỏi thành trì này, dù phải trả cái giá rất đắt về sinh mạng dân thường và cơ sở hạ tầng của thành phố. Cuộc chiến sau đó diễn ra tại những ngôi làng ở khu vực biên giới phía tây Iraq, khi phiến quân dần bị đẩy lùi sang Syria, quốc gia đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu. Tháng 12/2017, Iraq tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn IS khỏi lãnh thổ.

Mất địa bàn kiểm soát ở Iraq, IS tập trung lực lượng tại thành trì Raqqa ở đông bắc Syria. Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria cũng khiến phiến quân mất dần các vùng kiểm soát quan trọng và co cụm tại các khu vực ở miền nam, đông bắc nước này.

Chiến dịch tái chiếm Raqqa được lực lượng dân quân người Kurd tiến hành từ giữa năm 2017 với sự yểm trợ hỏa lực của không quân Mỹ. Cuộc chiến kéo dài tới 6 tháng với những đợt vây hãm kéo dài và tình thế bế tắc trên chiến trường, buộc người Kurd phải đi đến thỏa thuận mở đường cho tàn quân IS rút khỏi Raqqa.

Suy vong

Dân quân người Kurd [phải] trao đổi với một phụ nữ vừa rời khỏi sào huyệt cuối cùng của IS ở Syria. Ảnh: AFP.

Kể từ đây, các thành viên IS và gia đình bắt đầu bị dồn ép dần về miền đông Syria, đối mặt với cả dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và quân đội chính phủ Syria được yểm trợ bởi hỏa lực không quân Nga. Các cuộc rút lui ngày càng được thực hiện liên tục hơn, khi khoảng 15.000 tay súng còn lại của IS kéo theo vợ con lũ lượt tháo chạy khỏi những ngôi làng bị vây hãm.

Sau gần 5 năm, ảo vọng về một đế chế hàng triệu km vuông lụi tàn và bị dồn ép vào khu vực chỉ rộng khoảng 50 km vuông sát biên giới Syria – Iraq và ngày một thu hẹp. Trong cuộc họp bí mật hồi tháng 1, xung quanh Baghdadi chỉ còn vài chục tay sai trung thành và dày dạn kinh nghiệm trận mạc nhất. Xung quanh ngôi nhà, tiếng súng vẫn rộ lên từng đợt, xen lẫn tiếng nổ của những quả bom do máy bay Mỹ trút xuống nhằm yểm trợ đà tiến công của dân quân người Kurd.

Phía trên làng Baghouz, hai máy bay không người lái của Mỹ liên tục quần thảo, tìm kiếm mục tiêu bên dưới. Cách đó vài ngôi làng, dân quân người Kurd đang chiếm lĩnh vị trí chiến đấu giữa những đống đổ nát còn sực mùi khói súng, sẵn sàng cho trận quyết chiến vào sào huyệt cuối cùng của phiến quân.

Những tay súng IS đến được làng Baghouz đều là những kẻ may mắn, khi không phải bỏ mạng dưới bom đạn của Mỹ và liên quân như hàng nghìn thành viên khác của nhóm. Trong ngôi nhà nhỏ ở ngôi làng sát bờ sông Euphrates, thủ lĩnh Baghdadi gầy yếu trở nên giận dữ khi "đế chế" của mình đối mặt với thất bại không thể tránh khỏi.

Cũng chính trong ngôi nhà đó, các tay súng nước ngoài thân cận với Baghdadi đã suýt thành công trong âm mưu ám sát lãnh đạo tối cao đang ngày càng trở nên hoang tưởng này, theo các nguồn tin tình báo và những người có mặt ở làng Baghouz. Trong cuộc họp đêm đó, Baghdadi và các vệ sĩ đã phải hối hả rời đi khi một số kẻ phản loạn nổ súng trong ngôi nhà. "Chúng tôi chắc chắn về điều này", một quan chức tình báo châu Âu nói. "Chúng tôi không rõ Baghdadi có bị thương hay không, nhưng rõ ràng là đã có âm mưu ám sát nhắm vào hắn".

IS sau đó ban hành truyền đơn, kêu gọi các thành viên truy lùng và xử tử ngay lập tức Abu Muath al-Jazairi, thủ lĩnh của các chiến binh nước ngoài trong tổ chức. "Chúng tôi lúc đó không được phép rời làng", Jumah Hamdi Hamdan, người tháo chạy khỏi Baghuz hồi tháng 2, cho hay. "Phe của Baghdadi đánh nhau với phe châu Phi và hiểm họa là rất lớn".

Nhiều nhân chứng khác cho hay hai phe bắt đầu hục hặc với nhau từ khi rút về làng Keshma vài tháng trước đó. "Trong tổ chức có rất nhiều tay súng gốc Nga và Tunisia, trong khi IS đã tra tấn và hành quyết hai giáo sĩ nước ngoài. Chúng lúc đó tìm cách loại trừ bất cứ ai lên tiếng chỉ trích", Hoda Muthana, cô gái gốc Mỹ gia nhập IS, khai tại một trung tâm giam giữ ở miền đông Syria.

Các sĩ quan tình báo nước ngoài và trong khu vực cho hay sau vụ ám sát hụt, Baghdadi rời khỏi làng Baghouz để tiến vào sa mạc Syria từ hôm 7/1. Rất ít người biết được Baghdadi đã đi đâu, nhưng giới tình báo phỏng đoán hắn ta đã vượt biên trở về tỉnh Anbar của Iraq, nơi hắn đã khởi xướng phong trào IS.

Thành viên IS bị dân quân người Kurd bắt làm tù binh ở làng Baghuz. Ảnh: AFP.

Sào huyệt mà Baghdadi bỏ lại phía sau cuối cùng cũng thất thủ vào cuối tuần trước, sau gần hai tháng giao tranh dữ dội giữa phiến quân và dân quân người Kurd. Các tay súng người Kurd đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến 50.000 người, gồm các tay súng IS và vợ con, lũ lượt kéo ra hàng từ những hầm ngầm, địa đạo vốn chỉ có thể chứa tối đa vài trăm người.

Lực lượng Dân chủ Syria [SDF] do người Kurd đóng vai trò là nòng cốt hôm 23/3 tuyên bố giải phóng hoàn toàn Baghouz, xóa sổ vùng đất cuối cùng mà IS kiểm soát, đánh dấu sự lụi tàn của đế chế Hồi giáo do Baghdadi xây dựng. Nhưng sự kiện này không đồng nghĩa với việc IS bị xóa sổ hoàn toàn, khi Baghdadi cùng một số thủ lĩnh cấp cao của IS vẫn đang trốn chạy và phiến quân phát đi thông điệp mới giải thích cho thất bại của mình.

Giờ phút hấp hối của IS trước khi bị tiêu diệt hoàn toàn

Giờ phút hấp hối của IS tại làng Baghouz, Syria. Video: BBC.

"IS cho rằng chúng đánh mất đế chế là do Thượng đế đang trừng phạt hoặc thử thách tín đồ", Maher nói. "Chúng thuyết phục những kẻ ủng hộ rằng cách thích hợp nhất là cống hiến gấp đôi cho đế chế, bởi đó là điều Thượng đế muốn".

Nguy cơ trỗi dậy

Lý lẽ này của IS dường như đã thuyết phục được một số tín đồ. "Nhà nước Hồi giáo rồi sẽ tiếp tục trỗi dậy", hai phụ nữ mặc trang phục niqab kín mít từ đầu đến chân hét lớn khi bị dân quân người Kurd áp giải từ làng Baghouz tới trại giam.

Joshua Landis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, lo ngại rằng sau khi thoát khỏi vòng vây của liên quân, Baghdadi cùng các tay sai sẽ tiếp tục hoạt động ngầm, lợi dụng những bất ổn ở Iraq và Syria để hồi sinh IS và phát động một cuộc chiến tranh du kích mới. "Những cuộc tấn công kiểu đánh và chạy sẽ được các phần tử IS nằm vùng tiếp tục thực hiện ở cả Iraq và Syria. Bởi vậy, tổ chức khủng bố IS vẫn chưa thể bị hủy diệt", Landis nói.

Một thành viên SDF cầm lá cờ của IS khi tấn công sào huyệt Raqqa ở Syria năm 2017. Ảnh: Reuters.

Masrour Barzani, quan chức an ninh của người Kurd, cho rằng sự kiểm soát địa lý của IS đã bị xóa sổ, nhưng những mâu thuẫn về chính trị, kinh tế giữa người Sunni và Shiite từng khiến nhóm khủng bố này trỗi dậy vẫn chưa được xử lý. Ở những khu vực vừa được giải phóng ở miền bắc Iraq, những phần tử cài cắm của IS đã xuất hiện để gieo rắc hoảng loạn và sợ hãi cho người dân. "Nếu chính quyền các quốc gia, các địa phương chưa giải quyết triệt để những mâu thuẫn đó, IS một ngày nào đấy sẽ lại trỗi dậy dưới hình thức mới", Barzani nhấn mạnh.

Video liên quan

Chủ Đề