Người được nhà Lương cử làm Thứ sử Giao Châu đầu thế kỉ VI là ai

Southeast Asia in the 5th century.

Đặng Thanh Bình

Tôi đã có những nhận thức lờ mờ về nhà Tiền Lý, cho đến khi đọc Việt Nam khai quốc của học giả K W Taylor, thì nhận thức đã trở nên sáng rõ hơn, tôi sẽ trình bày trong bài viết này.

Trong bài Khảo sát dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn của tác giả Nguyễn Việt có viết: “Hơn nữa, Lý thị [Lý thị tác kính] không chỉ đúc gương mà còn làm gốm, đúc các đồ đồng thông dụng khác. Trên một đồ đựng bằng đồng khai quật tại Quảng Đông còn nguyên dòng minh văn: “Nguyên Sơ ngũ niên thất nguyệt trung Tây Vu Lý Văn Sơn trị xạ trước [chú] hữu”. Tạm dịch: Vào trung tuần tháng bảy năm thứ năm đời Nguyên Sơ [năm 143 sau Công nguyên] Lý Văn Sơn người Tây Vu điều hành việc đúc đồng. Huyện Tây Vu khi này đã là huyện nhỏ do Mã Viện tách ra từ huyện Tây Vu cũ thành ba huyện: Tây Vu, Phong Châu và Vọng Hải. Huyện Tây Vu đời Nguyên Sơ bao gồm cả vùng đất Bắc Ninh, Bắc Giang trọng tâm là các vùng Quế Võ, Phả Lại, Thiên Thai […].  Trên một chiếc vò sành đời Hán được Clemant Huet sưu tầm tại Thanh Hóa trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hiện trưng bày tại gian Việt Nam của Bảo tàng Hoàng gia Bỉ về Nghệ thuật và Lịch sử [Brussel] có khắc dòng chữ: “Kiến hòa tam niên nhuận nguyệt trấp nhật Lý thị tác”. Tạm dịch: Họ Lý sản xuất ngày hai mươi tháng nhuận năm thứ ba đời Kiến Hòa [năm 149 sau Công nguyên]”.

Trong bài Họ Lý trong mộ gạch đầu công nguyên ở Yên Hưng [Quảng Ninh] viết: “Tháng 11 vừa qua [2013], Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với các cơ quan Văn hóa, Bảo tàng huyện Yên Hưng tiến hành làm vệ sinh, bảo tồn một hầm mộ gạch lớn có tên gọi dân gian là “Hố Của” tại Thôn Năm, xã Song Khoai, huyện Yên hưng, tỉnh Quảng Ninh. Hầm mộ này có niên đại thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, tức là cách chúng ta ngày nay hơn 1800 năm. Qua chỉnh lý những đồ sành sứ bị vỡ vứt lại từ những lần khai đào cổ vật trước đó, nhóm nghiên cứu có một phát hiện đặc biệt có ý nghĩa trong việc xác định chủ nhân ngôi mộ. Đó là một chiếc đĩa vỡ có khắc chìm dưới men mỏng hai chữ “Lý thị” – Họ Lý. Điều này cho phép giả định hoặc chính chủ nhân ngôi mộ là một quý tộc họ Lý hoặc dòng họ Lý đã cúng viếng người chết chiếc đĩa này. Dù thế nào thì chủ nhân ngôi mộ cũng là một nhân vật quan trọng đương thời gắn bó mật thiết với dòng họ Lý”.

Qua những sử liệu của người Hán, chúng ta biết rằng có rất nhiều người họ Lý sinh sống và làm quan từ rất sớm ở Giao Châu. Do vậy có thể khẳng định họ Lý là một dòng họ có thế lực ở phương nam, ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình châu Giao. Tôi giả thuyết rằng người Lí được các sách sử phương bắc chép lại chính là để chỉ nhóm người họ Lý.

Nam Tề thư chép: “Giao Châu xa cách ở biển đảo, liền nối với nước ngoài, cho nên dựa vào chỗ hiểm trở nhiều lần không thần phục. Đầu năm Thái Thủy[năm 468] thời Tống, Thứ sử Trương Mục chết, người quận Giao Chỉ là Lí Trường Nhân giết bộ khúc của Mục đến từ phương bắc đến, chiếm Giao Châu làm phản. Được vài năm thì bệnh chết. Em họ là Thúc Hiến nối nghiệp chủ việc, hiệu lệnh chưa ban ra, sai sứ giả đến xin làm Thứ sử. Nhà Tống lấy Nam Hải Thái thú Thẩm Hoán làm Giao Châu Thứ sử, lấy Thúc Hiến làm Ninh Viễn Tư mã, Vũ Bình, Tân Xương Thái thú của Hoán. Thúc Hiến nhận lệnh của triều đình, lòng người phục theo, bèn phát binh giữ chỗ hiểm yếu không đón Hoán vào, Hoán ở lại quận Uất Lâm rồi mắc bệnh chết. Năm Kiến Nguyên đầu tiên [năm 479] thời Thế Tổ, vẫn lấy Thúc Hiến làm Giao Châu Thứ sử, đến vỗ về ông ta. Thúc Hiến nhận lệnh, rồi lại chia cắt làm nước ngoài, cống nạp thiếu ít. Thế Tổ muốn đánh Thúc Hiến, năm Vĩnh Minh thứ ba [năm 485], lấy Tư nông Lưu Khải làm Giao Châu Thứ sử, phát binh của các quận Nam Khang, Lư Lăng, Thủy Hưng đánh Giao Châu. Thúc Hiến nghe tin, sai sứ giả đến xin tha cho vài năm, nạp 12 cái mũ trụ bạc ròng cùng lông chim trĩ, Thế Tổ không cho. Thúc Hiến sợ bị Khải đánh úp, ngầm đi đường từ Tương Xuyên vào chầu. 

Năm thứ sáu [năm 488], lấy Thủy Hưng Thái thú Phòng Pháp Thặng nối chức Khải. Pháp Thặng đến giữ, mắc bệnh không coi việc, chỉ ưa đọc sách. Trưởng sử Phục Đăng Chi nhân đó nắm lấy quyền, thay đổi các tướng, quan lại, không để Pháp Thặng biết. Lục sự Phòng Tú Văn báo cho Pháp Thặng. Pháp Thặng giận lắm, bắt trói Đăng Chi vào ngục. Hơn 10 ngày, Đăng Chi đem của hối lộ cho chồng của em Pháp Thặng là Thôi Cảnh Hiến mới được ra, đem bộ khúc đánh úp lấy châu bắt được Pháp Thặng, bảo Pháp Thặng nói: “Sứ quân đã có bệnh, không nên khổ sở”. Bắt giam ở nhà riêng. Pháp Thặng không có việc gì làm, lại đến Đăng Chi xin đọc sách, Đăng Chi nói: “Sứ quân ở yên một chỗ còn sợ mắc bệnh, há lại xem sách”. Rồi không cho. Lại tấu lên nói Pháp Thặng mắc bệnh tim, không thể làm việc, Thế Tổ vẫn lấy Đăng Chi làm Giao Châu Thứ sử. Pháp Thặng trở về đến núi Ngũ Lĩnh thì chết. Pháp Thặng, người huyện Thanh Hà. Giữa năm Thăng Minh[năm 478] làm Kiêu kị Trung binh của Thái Tổ, làm đến Tả Trung lang tướng. Tính ngay thẳng giản dị, người cao 8 thước 3 tấc, đi ra cao hơn người khác, thường tự mình cúi xuống. Thanh Châu Thứ sử Minh Khánh Phù cũng cao sánh với Pháp Thặng, triều đình chỉ có hai người này”.

Như vậy là năm 468 nhân việc Thứ sử Trương Mục chết, người quận Giao Chỉ là Lý Trường Nhân giết bộ khúc của Mục đến từ phương bắc, chiếm cứ Giao Châu, tuy nhiên được vài năm thì mất, em họ là Lý Thúc Hiền nối nghiệp, sai sứ đi phương bắc để xin làm Thứ sử. Phương bắc không cho lấy Nam Hải Thái thú Thẩm Hoan làm Giao Châu Thứ sử, Thúc Hiền chống lệnh. Nhà Nam Tề thế nhà Lưu Tống cho Hiền làm Thứ sứ, vỗ về Giao Châu. Phương bắc sau thời kỳ tam quốc, tiếp tục bị chia cắt, các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên giữa các thế lực, các triều đại dựng lên nhưng chỉ kiểm soát được một phần của lãnh thổ Tây Hán thời trước. Đây chính là thời điểm mà phương nam thoát ra khỏi phương bắc để trở thành vùng lãnh thổ độc lập.

Có một câu hỏi xung quanh cái chết của vị Thứ sử Trương Mục là có liên quan gì tới thổ nhân Giao Chỉ Lý Trường Nhân hay không? Mục thực chết vì bệnh hay vì bị ám hại bằng độc? Nhưng rõ ràng sau cái chết của vị Thứ sử này, bộ khúc mà Mục đến từ phương bắc cũng bị giết. Rõ ràng là Trường Nhân đã chuẩn bị kỹ càng cho tình huống này và chắc chắn rằng, trong chính quyền đô hộ tại địa phương, Trường Nhân cũng có một vị thế nhất định. Việc Trường Nhân và Thúc Hiền chiếm châu làm phản cho thấy ý đồ thoát phương bắc, ý đồ này trở nên rõ ràng hơn khi Thúc Hiền chia cắt với lãnh thổ, bất tuân chiếu lệnh, cống nạp thiếu, ít. Tuy nhiên, tại thời điểm của anh em họ Lý chiếm cứ châu Giao, ý tưởng về một quốc gia độc lập vẫn còn là một điều mới mẻ, nên việc sai sứ sang bắc triều xin làm Thứ sử có thể phản ánh nếp cũ trong nhận thức hoặc có thể là sự khôn ngoan trong ngoại giao. Nhưng dù là gì thì ý tưởng về một vùng lãnh thổ ở phương nam độc lập đã xuất hiện, nhận biết được điều này, phương bắc đã tiến hành một cuộc hành quân do Tư nông Lưu Khải làm chủ tướng với mục đích đập tan ý tưởng ấy của người Giao Châu năm 485. Sau khi không được nhà Nam Tề đồng ý cho quy thuận lại, Thúc Hiền đã đích thân vào triều, từ đây thông tin về Thúc Hiền cũng không còn được ghi chép. Chỉ biết rằng Lưu Khải vào trấn được khoảng 3 năm thì đến năm 488 Phòng Pháp Thặng nối chức Khải làm Thứ sử Giao Châu.

Giao Châu dưới thời của Trường Nhân và Thúc Hiền độc lập khoảng 20 năm, khoảng thời gian này, đủ để Giao Châu có lực khoẻ. Trước và sau khi Khải vào trấn đã không xảy ra cuộc chiến nào, vậy thì những tổn thất của châu Giao là không có. Trước khi Thúc Hiền vào triều hẳn là đã sắp xếp nhân sự cũng như chuẩn bị mọi trường hợp khi xảy ra biến. Thế nên bộ tướng của Thúc Hiền và họ Lý [người Lý] ở châu Giao vẫn còn rất mạnh. Pháp Thặng tuy làm Thứ sử nhưng toàn bộ quyền bính ở châu Giao lại nằm trong tay của Trưởng sử Phục Đăng Chi. Tôi đồng ý với học giả K W Taylor rằng vị Trưởng sử này là Giao Châu thổ nhân, Việt Nam khai quốc chép: “Sử sách không nói rõ Đặng Chi là một thủ lãnh sinh quán địa phương hay là một người miền Bắc di dân xuống. Nhưng dựa trên những chứng cứ khác, có lẽ ông là người địa phương vì ông giữ chức Trưởng Sử trước. Giống như Cố Thọ, ngày xưa ở thế kỷ thứ 4, muốn nắm quyền Giao Châu, hành động của ông đầu tiên là giết chết viên Trưởng Sử Hồ Triệu. Trong hành chánh Trung Quốc, ở cấp địa phương, Trưởng Sử chỉ dưới Thứ Sử về quyền hành, và trên thực tế điều hành tất cả mọi công việc hàng ngày. Ở Giao Châu, nơi mà quyền hành của triều đình đặt vào một xã hội phi Trung Quốc, Trưởng Sử rõ ràng là cấp lãnh đạo có tăm tiếng đại diện cho các quyền lợi địa phương để thi hành chính sách triều đình. Đặng Chi có thể điều động những người thuộc phe mình vào các chức vị cao cấp ngay trước mũi một ông Thứ Sử lơ là như Pháp Thừa. Và khi ông Thứ Sử có phản ứng thì Trưởng Sử lại có cách mua chuộc, hối lộ, để ra khỏi khám đường và mộ quân. Nếu ông là một người Bắc được bổ nhiệm đến, khó mà ông có thể làm được những việc ấy”.

Sau khi ra ngục, Chi tụ tập quân sĩ, lên kế hoạch đánh úp, Thặng bị bắt giam, Chi chủ quản việc trong châu, tấu báo với triều đình tình hình, xin lĩnh giữ chức Thứ sử, đến năm 490 thì nhận chiếu lệnh. Pháp Thặng được gọi về, nhưng chết dọc đường do bệnh [Thặng vốn là người ốm yếu, ham mê đọc sách] tuy nhiên nếu Thặng về triều đình, tâu báo sự tình thì kế hoạch của Chi sẽ bị lộ, do vậy trong trường hợp này, có cơ sở để tin rằng Chi có liên quan tới cái chết của Thặng.

Nam tề thư chép: “Năm Long Xương [năm 494] […] tháng 1 […] Thân Hi Tổ làm Giao Châu Thứ sử […]. Năm Diêm Hưng [năm 494] […] tháng 8 […] quan quân ti mã Tang Linh Trí làm Giao Châu Thứ sử […] tháng 9 tân tị, lấy tiền Thái thú Cửu Chân là Tống Từ Minh làm Thứ sử Giao Châu”.

Việt Nam khai quốc chép: “Năm 494, Trung Quốc lại rơi vào cảnh nội chiến và ba vị vua liên tiếp đổi ngôi chỉ trong một thời gian một năm. Cùng với ba vị vua là việc ba lần bổ nhiệm Thứ Sử Giao Châu được ghi lại năm ấy, chỉ là trên giấy tờ để tưởng thưởng cho công lao của những người đã tranh đấu cho ngai vàng, nhưng chả có vị nào đến nhiệm sở cả. Có một lần dưới triều vua Tề Minh Đế [494-498], Lý Khai vốn thuộc một gia đình địa phương, được lên thay thế Đặng Chi làm Thứ Sử”.

Lương thư chép: “Thiên Giản năm thứ 4 [năm 505] […] tháng 2 […] Thứ sử Giao Châu Lý Khải làm phản chiếm cứ châu, Trưởng sử Lý Tắc đánh dẹp. Xá tội cho châu Giao […]. Thiên Giản năm thứ 15 [năm 516] […] tháng 11 […] Thứ sử Giao Châu Lý Tắc chém Nguyễn Tông Hiếu làm phản, đưa đầu về kinh. Xá tội cho châu Giao”

Tư trị thông giám chép: “Thiên Giản năm thứ 4 [năm 505] […] tháng 2 […] Thứ sử Giao Châu Lý Khải làm phản chiếm cứ châu, Trưởng sử Lý Tắc đánh dẹp […]Thiên Giản năm thứ 15 [năm 516] […] tháng 11 […] Thứ sử Giao Châu Lý Tắc chém Nguyễn Tông Hiếu làm phản, đưa đầu về Kiến Khang”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Năm Ất Dậu [505]. [Lương, Vũ đế, năm Thiên Giám thứ 4]. Tháng 2, mùa xuân. Thứ sử Giao Châu nhà Tề là Lý Khải chiếm giữ Giao Châu, chống lại nhà Lương, bị trưởng sử Lý Tắc giết chết.

Lý Khải thay Đăng Chi làm thứ sử. Khải thấy nhà Lương mới được nhà Tề truyền ngôi vua cho, bèn giữ Giao Châu, chống lại nhà Lương. Đến đây, Lý Tắc đem quân giết Lý Khải. Nhà Lương dùng Lý Tắc làm thứ sử Giao Châu.

Lời cẩn án – Lý Khải, Sử cũ chép lầm là Lý Nguyên Khải.

Năm Bính Thân [516]. [Lương, năm Thiên Giám thứ 15]. Tháng 11, mùa đông. Thứ sử Giao Châu nhà Lương là Lý Tắc đánh dư đảng của Lý Khải là bọn Nguyễn Tôn Hiếu, chém được Tôn Hiếu, dẹp yên được đất Giao Châu. Nhà Lương tha hết tội cho tất cả người theo đảng làm loạn ở Giao Châu.

Lời chữa – Tôn Hiếu: Sử cũ chép lầm là Tôn Lão.

Năm Quý Mão [523]. [Lương, năm Phổ Thông thứ 4]. Nhà Lương chia đất Giao Châu, đặt ra Ái Châu.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, từ đời Hán trở về sau, cho đơn vị châu kiêm quản các quận. Suốt đời Lục triều1 vẫn theo như thế, hễ gọi là Giao Châu tức là lỵ sở của thứ sử, thống lĩnh cả Thái thú bảy quận; các quận thú không được gọi là châu.

Lời chữa – Ái Châu: Tức là đất quận Cửu Chân”.

Chúng ta không biết chính xác thì Lý Khải làm Thứ sử châu Giao khi nào, nhưng chắc chắn là ông có làm Thứ sử vì cả Lương thư và Tư trị thông giám ghi nhận.  Năm 502 nhà Lương lên thay nhà Nam Tề, theo tôi việc này đã tác động trực tiếp tới sự kiện Lý Khải chiếm châu làm phản. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chẹp rằng: Khải thay Đăng Chi, K W Taylor cũng đồng ý với điều này! Và vì Khải thay Chi nên việc Khải làm phản được cho rằng có nguyên nhân từ việc nhà Lương chưa có uy đức gì. Chúng ta có thể nghĩ rằng Lý Khải muốn chiếm châu là vì ý muốn tự chủ. Như Taylor viết trong Việt Nam khai quốc Lý Khải vốn là người địa phương, tôi cũng đồng ý với giả thuyết này, vì nếu là người phương bắc khi làm Thứ sử Giao Châu, chắc chắn là Hán sử sẽ chép lại ngày tháng. Nhưng sử phương bắc lại không có ghi chép gì về ông nên rất có thể họ không biết gì về Khải. Thời điểm năm 494 Đăng Chi đang làm thứ sử, tuy rằng có chiếu lệnh cho 3 vị khác làm Giao Châu Thứ sử nhưng các vị này quả thực chỉ nhận chức trên danh nghĩa, thực quyền ở châu Chi vẫn nắm. Chi có hướng tự chủ nhưng về bên ngoài vẫn quy thuận triều đình. Do vậy mà khi nhà Nam Tề mất, danh chính của Đăng Chi cũng không còn và đây là thời điểm cho một cuộc binh biến thay đổi châu Giao là hợp lý.

Câu hỏi là: Thế lực nào ở châu Giao có khả năng làm việc này? Tôi đang nghĩ đến gia tộc họ Lý của Trường Nhân và Thúc Hiền đã từng làm chủ Giao Châu cách đó 20 năm. Như chúng ta biết, tại thời điểm Thúc Hiền vào triều, sức mạnh có họ Lý vẫn còn y nguyên. Trong trường hợp Lý Khải là người bản địa thì vì sao phương bắc lại bãi nhiệm một Thứ sử có chính sách quy thuận triều đình bằng một người bản địa khác? Tôi cho rằng dưới triều đại nhà Nam Tề, Khải không được làm Thứ sử, nhưng đến khi Nam Tề mất, Lý Khải đã hợp binh, nhân sự kiện này, làm cuộc binh biến tại Giao Châu, phế Đăng Chi, nắm giữ Giao Châu, xưng là Thứ sử, bắc triều nhìn nhận hành động của Khải là chiếm châu làm phản, năm 505 Khải bị Trưởng sử là Lý Tắc chém. Nhà Lương mới dựng, chưa thể sắp đặt được Giao Châu nên Lý Tắc làm Trưởng sử phải từ thời Phục Đăng Chi. Bản thân Phục Đăng Chi là người bản địa thì khả năng cao Lý Tắc cũng là người bản địa. Nhưng nếu Lý Tắc và Lý Khải là người bản địa lại cùng họ Lý, thì có khi nào cùng họ hàng không? Nếu vậy thì vì sao lại sát hại nhau? Lý Tắc là người có chính sách quy thuận bắc triều và ngay sau khi giết Lý Khải vị Trưởng sử này được nhận chức Thứ sử, ông nắm giữ Giao Châu một thời gian dài, tới khi Tiêu Tư sang thay, trong thời gian giữ chức Thứ sử Giao Châu, có Nguyễn Tôn Hiếu làm phản và bị vị Thứ sử này giết, Tôn Hiếu là người bản địa, do vậy mà Taylor nhìn nhận thời gian này, châu Giao diễn ra sự xung đột giữa các thế lực địa phương. Nếu như Lý Khải làm Thứ sử dưới thời Nam Tề thay cho Phục Đăng Chi, thì chức Trưởng sử của Lý Tắc có khả năng là do Khải cân nhắc, nếu vậy 2 người này phải có mối quan hệ tốt đẹp, như thế việc xung đột giữa 2 người là rất khó giải thích. Có khi nào sau những năm tháng thăng trầm, họ Lý ở châu Giao đã lớn mạnh và phân tách thành các gia tộc khác nhau, cứ những vùng lãnh thổ khác nhau. Hoặc có khi nào, việc bất tuân ra mặt nhà Lương của Lý Khải không phải là một chính sách ngoại giao khôn ngoan, có thể làm tổn hại tới sự độc lập của Giao Châu nên họ Lý đã bày ra kế sách này để lừa gạt phương bắc, thành thử họ đã gửi về kinh sư đầu giả của Lý Khải, với việc ấy, Lý Tắc có cơ hội ngồi vào cái ghế Thứ sử Giao Châu càng lớn.

Lương thư [Diêu Tư Liêm người đời Đường] chép: “Niên hiệu Đại Đồng thứ 7 [năm 541] […] tháng 12, Lý Bôn ở Giao Chỉ đời đời là Hào hữu [Hào trưởng] làm quan bất đắc chí. Có Tinh Thiều, là người giỏi về từ chương, đến [kinh đô] xin tuyển làm quan, Thượng thư Lại bộ là Sái [Thái] Tốn cho rằng họ Tinh trước không có ai làm quan, cho giữ chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục. Bôn cùng với Thiều trở về làng xóm, mưu nổi loạn. Gặp khi Vũ lâm hầu Tiêu Tư tàn bạo, hà khắc, mất lòng dân chúng. Lúc này, Lý Bôn đang là Giám quân ở Đức châu [châu Cửu Đức], liền liên kết với hào kiệt ở các châu cùng nhau làm phản. Tiêu Tư đưa hối lộ cho [Lý] Bôn, chạy trốn về Quảng Châu. Nhà vua bèn sai Tiêu Tư cùng Thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh. Tư là con của [Tiêu] Khôi […]. Niên hiệu Đại Đồng thứ 11 [năm 545] […] Mùa hè tháng 5, Lương Vũ đế sai Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu đi đánh dẹp Lý Bôn, cho Trần Bá Tiên giữ chức Tư mã, lệnh cho Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột dẫn quân hội họp tại Tây Giang. Bột biết quân lính sợ đi xa đánh trận, liền dụ dỗ [quân lính], khéo léo nói với Dương Phiêu dừng quân không tiến nữa. Phiêu tập hợp các tướng lĩnh đến hỏi kế sách. Trần Bá Tiên nói: ”Giao Chỉ nổi loạn, tội đáng trách ở các ông tôn thất, vì thế khiến cho một số châu hỗn loạn, tùy ý bắt bớ, giết chóc người nhiều năm. Thứ sử Định Châu muốn cầu an trước mắt, không nghĩ được kế lớn. Tiết hạ [chi Dương Phiêu] là người phụng mệnh đi dẹp yên kẻ có tội, phải nên bất chấp sống chết, sao có thể dừng lại không tiến được. Như thế sẽ khiến cho kẻ địch phấn khích mà làm tiêu diệt uy phong của quân ta”. Nói xong, Trần Bá Tiên dẫn đoàn quân của mình xuất phát đầu tiên. Dương Phiêu cho Trần Bá Tiên làm tiên phong. Đến Giao Châu, Lý Bôn dẫn ba vạn quân kháng cự, bị đánh thua ở Chu Diên, sau lại bị đại bại ở cửa sông Tô Lịch. Lý Bôn phải trốn đến thành Gia Ninh, các quân lính bao vây thành. Tiêu Bột là con của Tiêu Bính […]. Niên hiệu Trung Đại Đồng thứ 1 [năm 546] […] Mùa thu, tháng 7, Nhâm Dần, Lý Bôn lại đưa 2 vạn tướng sĩ từ trong động Khuất Liêu [Lão] ra đồn trú tại hồ Điển Triệt, đóng hàng loạt các chiến thuyền, chật kín trong hồ. Quân sĩ [của Bá Tiên] sợ hãi, dồn ứ ở cửa hồ, không dám tiến. Trần Bá Tiên nói với các tướng lĩnh: ”Quân ta sang đây đã lâu ngày, tướng sĩ đều mỏi mệt, hơn nữa lại là quân cô không có cứu viện, lại đã vào sâu trong đất tâm phúc của người ta, nếu đánh một trận không thắng, khó lòng bảo toàn mạng sống. Nay ta nhân giặc [chỉ quân Lý Bôn] đã mấy lần tháo chạy, lòng người chưa được ổn định, [chúng] lại là đội quân Di, Lão ô hợp, rất dễ tiêu diệt. Chính giữa lúc này cùng nhau quyết chiến một phen để giành chiến thắng. Vô cớ dừng lại, thời cơ sẽ đi qua mất”. Các tướng đều im lặng không ai hưởng ứng. Đêm hôm đó, nước sông dâng lên đến 7 trượng, tràn vào hồ. Bá Tiên thúc giục quân lính thừa cơ tiến vào, quân lính đánh trống reo hò cùng tiến. Quân của [Lý] Bôn đại bại, lẩn vào trong động Khuất Lão”.

Lương thư chép: “Niên hiệu Đại Đồng năm thứ 7 [năm 541] mùa xuân, tháng Giêng. Năm đó, Thổ nhân Giao Châu là Lý Bôn tiến đánh Thứ sử Tiêu Tư, Tiêu Tư phải hối lộ [cho Lý Bôn] mới về được Việt châu […]. Niên hiệu Đại Đồng năm thứ 8 [năm 542] mùa xuân, tháng 3, sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La Châu là Ninh Cự, Thứ sử An Châu là Lý Trí, Thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, cùng nhau đi chinh phạt Lý Bôn ở Giao Châu […]. Niên hiệu Đại Đồng năm thứ 9 [năm 543] mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp đánh phá Đức Châu, tiến đánh Lý Bôn. Tướng của Bôn là Phạm Tu lại đánh tan vua Lâm Ấp tại Cửu Đức, vua Lâm Ấp thua chạy […]. Niên hiệu Thái Thanh năm thứ 2 [năm 548] tháng 3, ngày Kỷ Mùi, động Khuất Lão chém được Lý Bôn, chuyển thủ cấp về Kinh sư”.

Trần thư [Diêu Tư Liêm người đời Đường] chép: “Đầu đời Đại Đồng, Tân Du hầu Tiêu Ánh làm Thái thú Ngô Hưng, rất quý trọng Cao Tổ [chỉ Trần Bá Tiên], thường nhìn Cao Tổ nói với liêu thuộc: người này đường đường làm tướng triển vọng to lớn”. Đến khi Tiêu Ánh giữ chức Thứ sử Quảng Châu, Cao Tổ là Trung trực binh Tham quân, trấn giữ theo phủ. Tiêu Ánh sai Cao Tổ chiêu tập sĩ nhân lên đến nghìn người, vẫn giao cho Cao Tổ là Giám quân của quận Tống Long… Trước đây, Vũ lâm hầu Tiêu Tư làm Thứ sử Giao Châu vì tham tàn mất lòng dân chúng. Thổ nhân là Lý Bôn liên kết hào kiệt mấy châu đồng thời làm phản. Vua sai Thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh. Bọn Quýnh không tiến quân ngay, đều bị trị tội ở Quảng Châu.

Mùa đông năm đó, Tiêu Ánh chết. Năm sau, nhà vua làm lễ tang đưa về kinh đô, đến núi Đại Dũ, có Chiếu cho nhà vua [Trần Bá Tiên] làm Tư mã Giao Châu kiêm lĩnh Thái thú Vũ Bình cùng Thái thú Dương Phiêu đi đánh dẹp phương nam. Nhà vua chiêu mộ nhiều người dũng cảm và khí giới tinh nhuệ. Dương Phiêu mừng nói: Có thể thắng được giặc chính là Trần tư vũ, giao cho làm Kinh lược. Nhà vua đưa quân lính xuất phát từ Phiên Ngung [Quảng Đông]. Khi đó Tiêu Bột là Thứ sử Định Châu đem quân hội tụ tại Tây Giang, Bột biết quân sĩ sợ đi chiến đấu, ngấm ngầm dụ dỗ [binh lính], khéo léo nói với Dương Phiêu [dừng chân không tiến nữa]. Dương Phiêu tập trung các tướng lĩnh hỏi mưu kế. Nhà vua [Trần Bá Tiên] nói: Giao Chỉ nổi loạn, tội đáng trách ở tôn thất, vì thế khiến cho một số châu hỗn loạn, tùy ý bắt bớ, giết chóc người nhiều năm. Thứ sử Định Châu muốn cầu an trước mắt, không nghĩ được kế lớn. Ông là người phụng mệnh đi dẹp yên kẻ có tội, phải nên bất chấp sống chết, sao có thể dừng lại không tiến được. Như thế sẽ khiến cho kẻ địch phấn khích mà làm tiêu diệt uy phong của quân ta. Nói xong, Trần Bá Tiên thúc giục quân lính của mình đánh trống hò reo xuất hành.

Tháng 6 năm thứ 11 [545] quan quân đến Giao Châu. Quân của Lý Bôn vài vạn người lập thành trại đóng ở cửa sông Tô Lịch để chống lại. Dương Phiêu cho Trần Bá Tiên làm tiên phong vây hãm. Lý Bôn vào địa giới Khuất Lão lập trại, cho đóng nhiều thuyền chiến, chật kín trong hồ. Quân sĩ [của Bá Tiên] sợ hãi, dồn ứ ở cửa hồ, không dám tiến. Trần Bá Tiên nói với các tướng lĩnh: ”Quân ta đã già, tướng sĩ đều mỏi mệt, giằng dai nhiều năm, e không phải kế sách hay. Hơn nữa lại là quân cô, không có cứu viện, lại vào sâu trong đất tâm phúc của người ta, nếu đánh một trận không thắng, khó lòng bảo toàn mạng sống. Nay ta nhân giặc [chỉ quân Lý Bôn] đã mấy lần tháo chạy, lòng người chưa được ổn định, [chúng] lại là đội quân Di, Lão ô hợp, rất dễ tiêu diệt. Chính giữa lúc này cùng nhau quyết chiến một phen giành chiến thắng. Vô cớ dừng lại, thời cơ sẽ đi qua mất”. Các tướng đều im lặng không ai hưởng ứng. Đêm hôm đó, nước sông dâng lên đến 7 trượng, tràn vào hồ, nước chảy xiết mạnh. Bá Tiên thúc giục quân lính thừa cơ tiến vào, quân lính đánh trống reo hò cùng tiến. Quân của [Lý] Bôn đại bại, lẩn vào trong động Khuất Lão. Chém được Lý Bôn trong hồ, truyền đưa thủ cấp về Kinh sư. Năm đó là năm Thái Thanh thứ nhất [547].

Anh trai của Lý Bôn là Thiên Bảo trốn vào đất Cửu Chân cùng với Lý Thiệu Long thu thập hơn hai vạn quân lính giết Thứ sử Đức Châu là Trần Văn Nhung, tiến quân bao vây Ái Châu. Nhà vua lại đem quân đánh dẹp, được phong làm Trấn viễn tướng quân, Đốc hộ Tây Giang, Thái thú Cao Yếu, phụ trách mọi việc quân của 7 quận”.

Trần thư chép: “Đỗ Tăng Minh tên tự là Hoằng Chiếu, người Quảng Lăng, Lâm Trạch… Khi Thổ hào Giao Châu là Lý Bôn làm phản, đuổi đánh Thứ sử Tiêu Tư, Tư chạy về Quảng Châu. Nhà vua lệnh cho Tử Hùng và Thứ sử Cao Châu Tôn Quýnh đi dẹp Bôn. Khi đó vào mùa xuân, cỏ cây đã sinh sôi, chướng khí đang thịnh, Tử Hùng xin đợi mùa thu sẽ đi dẹp Bôn, Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Du hầu Tiêu Ánh không cho, Tiêu Tư lại thúc giục thêm, bọn Tử Hùng bất đắc dĩ phải tiến quân. Đến Hợp Phố, số chết chiếm đến 6, 7 phần 10, quân lính lại sợ ra trận nên tan vỡ tán loạn, ra lệnh cấm cũng không được, bọn Tử Hùng đành phải dẫn số quân còn lại lui về. Tiêu Tư dâng bản khải lên vua cho rằng Tử Hùng cùng Tôn Quýnh thông đồng với giặc, dừng lại không tiến, Lương Vũ đế ban sắc [bọn Tử Hùng] phải chết ở Quảng Châu”.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua họ Lý, tên húy là Bí, người Thái Bình [phủ] Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên .

Tân Dậu, năm thứ 1 [541], [Lương Đại Đồng năm thứ 7]. Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, vì hà khắc tàn bạo, mất lòng người. Vua vốn con nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý. Lại có người là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến [kinh đô nhà Lương] xin được chọn làm quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang. Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo vua mưu việc dấy binh. Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức , nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về. Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành [tức là Long Biên].

Nhâm Tuất, năm thứ 2 [542], [Lương Đại Đồng năm thứ 8]. Mùa đông, tháng 12, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang xâm chiếm. Quýnh lấy cớ là chướng khí mùa xuân đương bốc, xin đợi đến mùa thu. Bấy giờ Thứ sử Quảng Châu là Tân Dụ hầu Hoán không cho, Vũ Lâm hầu cũng thúc giục. Bọn Tử Hùng đi đến Hợp Phố, 10 phần chết đến 6, 7 phần, quân tan rã mà về. Tiêu Tư tâu vu [với vua Lương] rằng Quýnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi, đều bị buộc phải tự tử.

Quý Hợi, năm thứ 3 [543], [Lương Đại Đồng năm thứ 9]. Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.

Giáp Tý, [Thiên Đức] năm thứ 1 [544], [Lương Đại Đồng năm thứ 10]. Mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là

Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Năm Giáp Tí [544]. [Lý, Nam Việt đế Bôn, năm Thiên Đức thứ 1; Lương, năm Đại Đồng thứ 10]. Tháng giêng, mùa xuân. Lý Bôn tự xưng là Nam Việt đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân.

Lý Bôn nhân thắng quân địch, tự xưng đế, đặt niên hiệu gọi tên nước là Vạn Xuân, có ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời; dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội.

Lời chữa – Vạn Xuân: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử triều Tống, huyện Long Biên có đài Vạn Xuân. Đài này của Lý Bôn ở Giao Chỉ làm năm Đại Đồng triều Lương. Nay ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, có hồ Vạn Xuân, còn gọi là đầm Vạn Phúc. Vậy điện Vạn Xuân có lẽ ở đấy. Đặt ra trăm quan. Dùng Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ”.

Thời Lương Vũ Đế cải cách hành chính trong nước, miền Giao – Quảng được chia tách, đặt quận huyện. Năm 541 Tiêu Tư đang làm Thứ sử Giao Châu, những người tài giỏi ở Giao Châu như Tinh Thiều, Lý Bôn không được trọng dụng, Tư lại tham lam hà khắc do đó Lý Bôn đã khởi binh, liên kết với các hảo trưởng, những người biết đến gồm có Tinh Thiều, Phạm Tu và Triệu Túc. Tư phải chạy về phương bắc [Việt Châu, Quảng Châu]. Bôn chiếm giữ Giao Châu.

Có một điểm khác biệt khá lớn giữ sử bắc và sử nam. Hán sử thì không đề cập việc Lý Bôn xưng đế, lập quốc hiệu Vạn Xuân trong khi sử Việt thì lại đồng nhất trong việc ghi chép này. Thế nhưng sử Việt, những bộ ghi chép gần nhất với sự kiện cũng cách quá xa, tuy nhiên lại có một nguồn tham khảo khác mà Hán sử không có là nguồn tư liệu dân gian, thế nhưng nguồn tư liệu này rất khó để đánh giá độ xác tín. Hán sử không ghi chép, nhưng rõ ràng những sử gia phương bắc ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm thế tự tôn. Do đó thật khó để xác định sự kiện xưng đế lập nước quốc hiệu của Lý Bôn. Tôi cho rằng với những chiến thắng lớn trước cả thế lực phương bắc và phương nam, việc xưng đế cũng hoàn toàn có thể. Có một câu hỏi ở đây là: Thời của Lý Thúc Hiền về cơ bản là độc lập với phương bắc và bản thân vị Thứ sử này cũng có ý đồ độc lập, vậy ông có xưng đế hay không?

Lý Bôn được cho là có tổ tiên từ phương bắc, sinh sống ở Giao Chỉ từ nhiều đời, luôn là hào trưởng một vùng. Bôn được cho làm Giám quận ở Đức Châu, châu Đức là châu mới thành lập thời Lương Vũ Đế, tách ra từ Cửu Đức. Đức Châu có lẽ là vùng đất khó quản lý, dân bản địa bất tuân triều đình. Việc Bôn được làm Giám quận, lại là hào trưởng, có thể kêu gọi các hào trưởng, thì thực thế lực của Bôn rất mạnh. Lý Bôn có quan hệ gì với anh em Lý Trường Nhân hay Lý Khải, Lý Tắc không? Họ đều là thổ nhân Giao Chỉ, đều là những người có thế lực và đều mang họ Lý. Dù có hay không nhưng rõ ràng họ Lý đã mang đến sự độc lập cho Giao Châu một khoảng thời gian dài với những cái tên: Lý Trường Nhân, Lý Thúc Hiền, Phục Đăng Chi, Lý Khải, Lý Tắc, Lý Bôn, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử.  Dẫu có những thời điểm bị gián đoạn bởi những hoạt động quân sự của phương bắc tại châu Giao, song về cơ bản những hoạt động này không làm mất đi tính độc lập. Thời kỳ độc lập này khác hẳn với thời kỳ tự trị trước đó, ở thời kỳ tự trị, những điều động nhân sự ở phương bắc có ảnh hưởng khá lớn tới châu Giao, thế nhưng ở thời kỳ độc lập này, những cất nhắc của bắc triều không có ý nghĩa gì, châu Giao hoàn toàn tự quyết vấn đề nhân sự, việc thông qua bắc triều chỉ là mang tính hình thức và cuối cùng. Châu Giao vẫn “xin” phương bắc là bởi chính sách ngoại giao và cũng là nhận thức tư tưởng độc lập vẫn đang ở mức độ phôi thai, chưa rõ ràng, rõ rệt như thời kỳ sau này.

Tính độc lập biểu hiện rõ nét hơn khi xảy ra xung đột giữa bắc triều và phương nam, khi phương nam đề bạt, phương bắc gạt đi thì việc chiếm giữ châu, bất tuân xảy ra. Đó chính là biểu hiện của độc lập. Biểu hiện này rõ ràng hơn khi Tiêu Tư được phương bắc cử làm Thứ sử Giao Châu, việc này chính là lời tuyên bố của bắc triều về quản lý châu Giao và nó được đáp trả bằng một hành động khác [khởi binh tiến đánh chiếm giữ châu Giao] và một tuyên bố khác [lập quốc đặt niên hiệu] mà bắc triều đã cố lờ đi. Chúng ta nên nhìn nhận sự kiện Lý Bôn xuất binh đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư dưới góc nhìn của một cuộc chiến bảo vệ sự độc lập của vùng lãnh thổ, chứ không phải là một cuộc nổi dậy đánh đuổi một thứ sử tham lam hà khắc. Rõ ràng là có một sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức độc lập của dân tộc ở thời kỳ này.

Sau cuộc nam tiến của Trần Bá Tiên, gánh nặng được đặt lên vai của người anh họ Lý Thiên Bảo và Lý Thiệu Long. Họ Lý vẫn tiếp tục cự giữ vùng Cửu Chân và sau này là toàn bộ châu Giao.   

Video liên quan

Chủ Đề