Mục đích học tập tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến việc học tập của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, Người coi học tập cũng là một vấn đề cách mạng, song hành với việc hoạt động cách mạng: “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương tự học sáng ngời cho chúng ta noi theo. Lý luận về vấn đề học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh [thông qua các bài viết, bài nói của Người] và thực tiễn tự học của Người đã hình thành nên “tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập gồm các nội dung cơ bản sau đây: 

Trong cuộc sống, bất kỳ làm việc gì cũng đòi hỏi phải có mục đích. Học tập cũng phải có mục đích. Nói một cách dễ hiểu hơn theo cách diễn đạt của Bác thì mục đích của việc học tập là câu trả lời cho các câu hỏi: “Học để làm gì?”, “Học để phụng sự ai?”, “Học để phục vụ ai?”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập không phải là vì mục đích cá nhân mà là vì mục đích của xã hội, của đất nước. Mục đích của học tập bao gồm các mục đích sau đây: 

1.1. Một là, học tập để hiểu biết, để tiến bộ, để theo kịp sự phát triển của thời đại, của nhân dân

Trong buổi nói chuyện với anh chị em công chức ở Thủ Đô vào ngày 30/11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đich của học tập là để theo kịp sự biến đổi vô cùng tận của khoa học, kỹ thuật và tình hình thế giới: “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập. Nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật”[1]. Người cũng chỉ ra mục đích của học tập không chỉ là để theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của thế giới mà mục đích của học tập còn để theo kịp tiến bộ của nhân dân; phải học tập vì không thể “biết đủ, biết hết”, trong buổi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học nhân dân Việt Nam, Người nói: “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng học tập là để không bị lạc hậu, không bị đào thải. Người cho rằng người nào không học tập là tự mình đào thải mình, Người nói: “chúng ta phải học nhiều, phải cố gắng học. Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”[3].

Đó là mục đích học tập nói chung của tất cả mọi người. Riêng đối với thanh niên, Bác chỉ ra rằng mục đich học tập của thanh niên không chỉ là để tiến bộ mà còn học tập để xứng đàng với vai trò người chủ tương lai của nước nhà. Người căn dặn thanh niên: “Phải cố gắng hoc tập… để tiến bộ mãi”[4], “nói chung thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học”[5].

1.2. Hai là, học tập để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, để xây dựng chủ nghĩa xã hội

Theo Hồ Chí Minh, học tập là để hiểu biết, để tiến bộ nhưng sự hiểu biết, sự tiến bộ từ việc học tập không phải là để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, không phải phụng sự cho cá nhân mà là học tập để phụng sự cho đất nước, cho nhân dân, học tập để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương [nay là học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh] vào tháng 9/1949, Người viết: “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân; Tổ quốc và nhân loại”[6]. Tại Đại hội thanh niên tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác dạy: “phải cố gắng học hỏi … để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[7]. Người còn nói rõ: “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh”[8].

Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân cũng là phụng sự cách mạng. Cách mạng mà nhân ta đang tiến hành là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng mục đich học tập cũng là để xây dựng chủ nghĩa xã hội: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác – Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”[9].

Và Người cũng dạy muốn đạt được mục đich này của việc học tập thì phải: “Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công, vô tư”.[10]

1.3. Ba là, học tập để “sửa chữa tư tưởng”, để “tu dưỡng đạo đức cách mạng”

Một mục đích to lớn nữa của học tập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra là học tập “để sửa chữa tư tưởng” và “tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, ngày 06/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đích của học tập thông qua việc nêu vấn đề “Học để làm gì?”. Và người đã trả lời câu hỏi này để chỉ ra mục đich của học tập là “sửa chữa tư tưởng” và “tu dưỡng đạo đức cách mạng”:

“a] Học để sửa chữa tư tưởng: Hăng hái theo cách mạng, điều đó rất hay. Nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế cần phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được.

  1. b] Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tuỵ với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn”[11].

Học để sửa chữa tư tưởng là học để “uốn nắn tư tưởng không đúng” , “phát huy tư tưởng đúng”. Tư tưởng không đúng có tư tưởng mẹ của nó là chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng đúng là tư tưởng đạo đức cách mạng. Trong buổi nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ quốc phòng và các lớp trung cấp của các Tổng cục, Người dạy: “Phải học để phát huy tư tưởng đúng, uốn nắn tư tưởng không đúng. Tư tưởng không đúng, cũng còn có nhiều. Nhưng có một tư tưởng mẹ: đó là chủ nghĩa cá nhân”[12]. Như vậy học tập cũng là để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. 

1.4. Bốn là, “học để tin tưởng” và “học để yêu”:

Nói cách khác, học tập là để bồi đắp lý tưởng cách mạng, bồi đắp tình cảm cách mạng, tình cảm xã hội chủ nghĩa. Học tập để tin yêu vào tương lai của dân tộc, vào chủ nghĩa xã hội.

Bác nói: “Học để tin tưởng:

Tin tưởng vào Đoàn thể.

Tin tưởng vào nhân dân.

Tin tưởng vào tương lai của dân tộc.

Tin tưởng vào tương lai cách mạng.

Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh”[13].

Nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương [Hà Nội], 18/12/1954, Người đã dạy chúng ta là “học để yêu”: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu khoa học, yêu đạo đức, Người dạy:

“Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để:

– Yêu Tổ quốc: cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.

– Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.

– Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.

– Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.

– Yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xoá bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động”[14]. 

1.5. Năm là, “học để làm”: làm việc, làm người, làm cán bộ

Mục đích cuối cùng của học tập là để ứng dụng tri thức đã học được vào thực tiễn, học là để “làm”. Nếu như các mục đich nêu trên của học tập thiên về tình cảm, tinh thần thì mục đich này của học tập thiên về hành động. Bác dạy: “Học là để áp dụng vào việc làm”[15]. Trong trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương [nay là học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh] vào tháng 9/1949, Bác cũng viết:

“Học để làm việc,

Làm người,

Làm cán bộ”[16]

Trong buổi nói chuyện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam [02/11/1956], Người cũng nói: “phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”[17].

Với quan điểm đào tạo con người phát triển toàn diện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nội dung học tập cũng phải toàn diện, bao quát trên nhiều lĩnh vực. Đó là:

– Học tập văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật, quân sự và nghề nghiệp*: Người dạy: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật”[18], phải “ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ”[19], “phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”[20], “phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[21], “ra sức học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”[22], “phải cố gắng học tập kỹ thuật, văn hoá, chính trị. […] Nếu không học tập văn hoá, không có trình độ văn hoá thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hoá, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”[23], “phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”[24].

– Học tập về thể chất**: Với tầm quan trọng của sức khỏe và thể chất của mỗi cá nhân đối với dân tộc là: “Mỗi một người dân yêu ớt tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe”[25], Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi công dân cần phải học tập thể chất để nâng cao sức khỏe. Người cho rằng việc rèn luyện sức khỏe là bổn phận của người dân yêu nước: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được”[26]. Người cũng căn dặn: “phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân”[27].

– Học tập lý luận, học tập lý luận, chủ nghĩa Mác – Lênin: Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một trong những nội dung học tập cần thiết và quan trọng là lý luận, chủ nghĩa Mác – Lênin. Có thể khi nói đến nội dung học tập chính trị thì đã bao hàm nội dung này rồi nhưng trong quá trình nghiên cứu, tác giả thấy rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh giành rất nhiều lời dạy riêng về việc học tập lý luận, chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy tác giả cho rằng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là nội dung học tập có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, tác giả đưa ra thành một nội dung nghiên cứu riêng trong phần này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”[28], “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chinh”[29]. Người cũng đánh giá vai trò của lý luận giống như “kim chỉ nam” giúp chúng ta xác định được phương hướng trong công việc thực tế: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[30].

Người căn dặn chúng ta phải học tập lý luận vì nếu không học lý luận, kém lý luận, coi khinh lý luận hoặc lý luận suông thì “gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[31].

Học tập lý luận là cần thiết và quan trọng. Học tập lý luận, chủ nghĩa Mác – Lênin càng quan trọng và cần thiết. Phải học tập lý luận, chủ nghĩa Mác – Lênin vì “Đảng cần phải có chủ nghĩa làm nòng cốt” và bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin. Người nêu rõ: “Chúng ta phải học chủ nghĩa Mác – Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”[32]. Người cũng dạy: “Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác – Lênin. Có học tập lý luận Mác – Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[33].

Và để học tập tốt, để hiểu lý luận, chủ nghĩa Mác – Lênin, Người dạy chúng ta phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”[34]; “học sách vở Mác – Lênin, nhưng không học tinh thần Mác – Lênin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó cũng là chủ nghĩa cá nhân”.

Sau khi xác định được mục đích học tập, nội dung học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định về thái độ học tập. Người nói: “cần phải có thái độ học tập cho đúng”[35], “Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng”[36]. Thái độ học tập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến là thái độ học tập tích cực, tự học và thái độ khiêm tốn, thật thà trong học tập và học tập không ngừng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao đến thái độ tự học tập. Người dạy: “Phải lấy tự học làm cốt”[37], “Phải biết tự động học tập”[38].

Người đòi hỏi thái độ học tập “phải khiêm tốn, thật thà”[39]. Đối lập với sự khiêm tốn là kiêu ngạo. Người nói: “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” [40].

Thái độ học tập tích cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong việc tự giác học tập, nêu cao tác phong suy nghĩ độc lập. Người dạy: “Phải tự nguyện, tự giác, xem học tập cũng là một nhiệm vụ”[41]. Người còn dạy: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”[42]. Thái độ học tập tích cực còn là việc học tập mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ học tập: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”[43].

Về thái độ học tập tích cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra quan điểm về học tập không ngừng. Đây là sự phát triển quan điểm của Lênin về “Học, học nữa, học mãi”. Bác dạy: chúng ta “còn phải học nữa, học mãi khi đi làm việc”[44], “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”[45], “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân[46].

 Và chính Người cũng là tấm gương về thái độ học tập tích cực, tinh thần tự học và học tập không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Trong buổi nói chuyện ở lớp huấn luyện Đảng viên mới [14/5/1966], Người nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[47].

“Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”[48]. Phương pháp học tập là nhân tố quan trọng có tính quyết định đối với kết quả học tập. Phương pháp học tập đúng phải đi cùng với thái độ học tập tích cực. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra các phương pháp học tập là học đi  đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn.

Người nói: “Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế... Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông”[49]. Người cũng nói: “phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”[50], “lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”[51], “lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên [hoặc viên đạn]. Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, chỉ đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng học, đồng thời học thì phải hành”[52]. Người cũng dạy rằng: “Học để hành: học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[53].

Kiều Anh Vũ.

_________________

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 392

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 215

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 562

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 263

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 318

[6] ThS. Vũ Kim Yến – Nguyễn Văn Dương, 2010, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, Nxb. Văn hóa thông tin,  tr. 28

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 106

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 399

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 306

[10] ThS. Vũ Kim Yến – Nguyễn Văn Dương, 2010, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, Nxb. Văn hóa thông tin,  tr. 28

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 50

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 392

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 50

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 398 – 399

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 47

[16] ThS. Vũ Kim Yến – Nguyễn Văn Dương, 2010, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, Nxb. Văn hóa thông tin,  tr. 28

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 263

* Nội dung này đã được trình bày trong chương I: nhiệm vụ của thanh niên về học tập cũng như về giáo dục thanh niên nên ở đây tác giả chỉ điểm lại để chứ không đi sâu để tránh sự trùng lặp.

[18] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 306

[19] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 441

[20] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 263

[21] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 106

[22] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 507

[23] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 221

[24] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 214

** Nội dung này đã được trình bày trong chương I: nhiệm vụ của thanh niên về học tập cũng như về giáo dục thanh niên nên ở đây tác giả chỉ điểm lại để chứ không đi sâu để tránh sự trùng lặp.

[25] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 212

[26] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 212

[27] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 263

[28] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 499

[29] X.Y.Z, 2008, Sửa đổi lối làm việc, tái bản lần thứ 3, Nxb. Trẻ, tr. 11

[30] X.Y.Z, 2008, Sửa đổi lối làm việc, tái bản lần thứ 3, Nxb. Trẻ, tr. 11

[31] X.Y.Z, 2008, Sửa đổi lối làm việc, tái bản lần thứ 3, Nxb. Trẻ, tr. 11

[32] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 499

[33] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 299

[34] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 299 – 300

[35] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 501

[36] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 96

[37] X.Y.Z, 2008, Sửa đổi lối làm việc, tái bản lần thứ 3, Nxb. Trẻ, tr. 68

[38] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 50

[39] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 61

[40] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 61

[41] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 61

[42] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 502

[43] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 30

[44] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 8

[45] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 39

[46] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 215

[47] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 94

[48] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 96

[49] Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 97

[50] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 13

[51] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 12

[52] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 14

[53] Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, 2007, Nxb. Trẻ, tr. 30

Video liên quan

Chủ Đề