Mua giống nho cự phong ở đâu

Thông qua kết quả nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình trồng nho Tảo Hồng và Cự phong tại Cao Bằng” của Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định điều kiện tự nhiên của tỉnh Cao Bằng phù hợp với việc trồng các giống nho: Tảo Hồng và Cự Phong. Để người dân có thể nghiên cứu trồng các giống nho này, chúng tôi xin giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nho Tảo Hồng và nho Cự Phong tại Cao Bằng:

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG NHO TẢO HỒNG VÀ NHO CỰ PHONG PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA TỈNH CAO BẰNG

Đặc điểm thực vật học nho Tảo Hồng và nho Cự Phong: Cây sinh trưởng nhanh, thời gian từ trồng đến lên giàn khoảng 90 - 100 ngày, độ dài lên giàn là 70 - 80 cm. Trọng lượng trung bình chùm quả 351g – 415g, chùm quả Nho Cự Phong hình nón cụt nho Tảo Hồng hình nón dài. Quả hình ô van, dễ rời cuống. Vỏ quả dày, màu tím đen, dễ tách ra khỏi thịt quả. Thịt quả mềm, nhiều nước có mùi hương đặc trưng, độ đường đạt 17,6 Brix.
Chọn đất, làm đất: Yêu cầu đất phải có nhiều mùn, có độ PH 5,5 - 7,0 chủ động tưới tiêu nước; Cày bừa làm nhỏ đất, lên luống rộng 2,5m và đào hố 50 x 50 x 50 cm; Bón lót phân chuồng hoai mục + lân trước khi trồng; Ủ phân trong hố từ 15 đến 30 ngày.
 Trồng cây: Thời vụ trồng phù hợp với khí hậu tại Cao Bằng là trồng vào vụ Xuân – Hè; Khoảng cách trồng: Cây cách cây 1,0m; hàng cách hàng 2,5m; Mật độ trồng: 4.000 cây/h; Đào 1 lỗ chính giữa hố, cho cây giống nho xuống sau đó lấp đất lại, tránh cho rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân. Yêu cầu cây trồng phải thẳng hàng, rễ cây không bị gấp khúc.
Tưới nước: Sau khi trồng cần tưới đẫm nước, trời nắng 5 - 7 ngày tưới một lần. Thường xuyên giữ ẩm cho cây, chú ý không được để đất khô. Sau đó tưới thưa dần tùy vào độ ẩm của luống cây. Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày để làm tăng chất lượng cho nho, làm cho quả không bị mềm sau khi thu hoạch.
Làm cỏ, xới đất: Để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng giữa cây nho và cây cỏ, nhằm chủ động phòng trừ sâu, bệnh cần phải làm cỏ thường xuyên và xới đất làm cho đất tơi, thoáng khí.
Cắm cọc và buộc cây: Sau khi trồng để giúp cây giai đoạn đầu phát triển thẳng và khi lớn phân bố đều trên giàn cần phải cắm cọc buộc cây ngay. Dùng loại dây mềm có thể tự hủy hoặc dây vải mềm để buộc.
 Bấm ngọn, tỉa chồi nách, tạo cành: Để làm chậm quá trình phát triển về chiều cao của cây, tập trung chất dinh dưỡng nuôi thân và lá, cần bấm ngọn, tỉa chồi nách, tạo cành cho cây. Sau khi cây con mọc mầm, chọn ngọn mới, to khỏe để lại, ngắt bỏ hết các nhánh khác. Khi cây cao khoảng 70 - 90cm thì ngắt ngọn. Chọn 2 cành cấp 1 khỏe để lại và chia theo hai hướng ngược nhau, để nho leo và phân bố đều lên giàn. Khi cành cấp 1 có 4 - 5 lá bấm thì tiếp tục ngắt ngọn. Chọn 2 cành cấp 2 khỏe để lại các mầm khác tỉa hết. Khi cành cấp 2 được  3 - 4 lá thì ngắt ngọn.Các cành để lại được buộc chặt vào giàn để tránh gió lay làm rách lá, rụng mắt và tránh để cành đè lẫn lên nhau. Dây để buộc cố định cành vào giàn sử dụng những loại dây mềm có khả năng tự phân hủy.

 Làm giàn cho nho leo: Nho là cây thân gỗ dạng dây leo, do vậy trong quá trình chăm sóc nho cần phải làm giàn cho nho leo. Làm giàn nho có nhiều cách như: Giàn hình chữ T; chữ V. Các cột giàn được làm bằng cột bêtông, đầu cột có 2 thanh ngang để căng dây cho nho leo. Có 3 tầng dây thép được buộc vào cột và các thanh ngang, mỗi thanh ngang được căng 3 dây cách đều nhau.


Cắt tỉa cành: Khi các cành đã hóa gỗ, cần phải cắt tỉa cành, nhằm đảm bảo cho cây ra cành quả tập trung và khỏe mạnh.
          Thời kỳ cắt tỉa: Tiến hành cắt tỉa cành từ tháng 1 - 2, khi nhiệt độ ổn định 120C trong 4 -5 ngày.Chọn các cành để lại phải đạt tiêu chuẩn có đường kính ≥0,7 cm, cành có màu nâu, gióng ngắn, mắt mầm cao, mẩy, cành tròn, không có sâu bệnh. Cành đã chọn để lại cắt ở vị trí mắt 4 - 5, vết cắt cách mắt mầm 1 - 1,5 cm. Cắt bỏ các cành không đạt tiêu chuẩn. Sau khi hoàn tất việc cắt tỉa, buộc giữ các cành ở tầng dây thép thứ nhất, mặt trên giàn. Sử dụng chế phẩm điều tiết sinh trưởng chấm các mầm hữu hiệu trên cành nho. Chú ý chấm đủ cho thuốc ngấm vào mầm nho. Khi cây ra cành quả, ở mỗi vị trí mầm mọc ra 2 - 3 nhánh, tỉa bỏ cách nhánh yếu, sâu bệnh giữ lại cành khỏe. Các cành quả giữ lại được ngắt ngọn để lại 8 - 9 lá. Trước khi ra hoa, tỉa mầm ở những cành cho quả, giữ lại 8 lá. Các mầm phụ mọc ở nách lá chỉ để lại 1 mầm ở đỉnh cành, các mầm còn lại tỉa hết, chỉ giữ lại 2 - 3 lá.

Bón phân: Lượng phân thay đổi tuỳ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây để bổ sung cho phù hợp.


+ Năm thứ nhất:
Bón lót: Trước khi trồng đào hố bón 15 - 20 kg phân chuồng hoai + 0,3 – 0,5 kg Supe lân lấp đất trước khi trồng 15 ngày
        Bón thúc: Giai đoạn cây còn nhỏ bón định kỳ 10 ngày/lần trong khoảng thời gian 3 tháng, lượng phân cho mỗi cây 10g Ure + 10g N:P:K loại [12:5:10]. Sau 3 tháng định kỳ bón phân 12-15 ngày/lần. Sử dụng phân Ure và K2SO4 hoặc KCl, pha nước tưới với nồng độ 0,2%, lượng phân mỗi loại/cây từ 20 - 40g. Lượng phân cũng thay đổi tuỳ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây để bổ sung cho phù hợp.
 + Năm thứ hai và năm thứ ba: [Giai đoạn cây cho quả] sử dụng phân chuồng, Ure, Supe Lân, KCl, hoặc K2SO4 bón vào các đợt: Sau khi thu hoạch xong, trước khi cắt cành 1 tháng và bón định kỳ 10 – 15 ngày/lần khi cây ra hoa và nuôi quả. Phân Supe Lân và phân chuồng được chia làm 2 lần bón trong năm ở thời kỳ sau khi thu hoạch xong và trước khi cắt cành 1 tháng, bón theo hàng hoặc theo hốc. Phân Ure và Kali pha nước tưới với nông độ 0,3%, lượng bón 50 - 70 g/cây.Trong thời kỳ cây nuôi quả bón bổ sung thêm một số loại phân khoáng như: Be, MgSO4, Ca2H2PO4... Lượng phân bón trong năm cho 1 cây: Ure 0,8kg, Supe Lân 1kg, KCl hoặc K2SO4 0,6 kg, phân chuồng 25kg.

Tỉa hoa, nhúng thuốc đậu quả, tỉa quả:


Tỉa hoa: Tiến hành tỉa hoa khi bắt đầu nở để cho phù hợp với sức chịu của cành và khả năng của cây. Tùy khả năng sinh trưởng của mỗi cành và cây mà tỉa chùm hoa chỉ để lại 1 - 2 chùm hoa/cành, đối với cành quả có đường kính ≥1cm thì có thể để 2 chùm hoa. Trên mỗi chùm hoa tỉa 1 - 2 nhánh gốc và các nhánh ngọn chỉ để lại 12 - 15 nhánh hoa.
Nhúng, phun thuốc đậu quả: Sau khi tỉa hoa xong nhúng hoặc phun thuốc đậu quả ngay để tăng khả năng đậu quả. sử dụng thuốc:  Sistep VN.
Tỉa quả: Cần tỉa quả sớm để tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Khi quả có đường kính khoảng 0,5 - 1cm thì tiến hành tỉa quả để tạo khoảng không, và tập trung dinh dưỡng cho quả phát triển to đều, chùm nho thông thoáng hạn chế sâu bệnh. Chú ý tỉa đều 4 phía chùm quả. Sau khi tỉa quả tiến hành nhúng thuốc thúc quả và thuốc phòng bệnh để hạn chế bệnh tấn công chùm nho. Dùng gáo hoặc bình đựng chế phẩm, nhúng từng chùm quả vào thuốc, yêu cầu nhúng ướt đều chùm quả.Sử dụng thuốc: Sistep VN + Linsuannerqingjia + Karen.

Bao quả nho: Việc bao quả nho rất quan trọng nhằm hạn chế côn trùng và sâu, bệnh hại quả nho, làm đẹp mã quả, hạn chế rám quả. Yêu cầu có túi chuyên dụng có khả năng thấm nước và trao đổi khí. Mỗi chùm được bao một túi chuyên dụng, chú ý thắt miệng túi vừa đủ chặt để tránh côn trùng, song không ảnh hưởng đến cuống chùm nho.


Phòng trừ sâu bệnh hại:
Sâu hại: Phòng trừ sâu hại chính như: sâu xám ở giai đoạn cây con, nhện đỏ, sâu xanh, sâu đục thân, bọ cánh cứng… sớm và kịp thời. Yêu cầu phun thuốc phòng trừ bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Bệnh hại: Bệnh chủ yếu là bệnh mốc sương [sương mai] và gỉ sắt. Bệnh gây hại nhiều nhất vào mùa mưa, trời ẩm, giai đoạn cuối tháng 7, tháng 8, 9 hàng năm. Bệnh rất nguy hiểm và đáng sợ nhất là bệnh sương mai, bệnh lây lan nhanh, rất khó trị nếu không phát hiện sớm, phun thuốc đúng lúc và điều trị triệt để thì nấm có thể làm tàn lụi giàn lá, đọt non trước khi cắt cành, làm giảm diện tích quang hợp ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.
Bệnh Mốc Sương [sương mai]: Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp [IPM], Ngắt bỏ lá bệnh đem đi tiêu hủy, Sử dụng một số loại thuốc như sau: Đồng oxi, Đồng sun phát.
         Bệnh gỉ sắt: Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp [IPM], sử dụng một số loại thuốc như sau: Anvil 5SC; Topsin M 70 WP, đồng oxi, Carzate….
Bệnh thối quả: Bệnh xuất hiện khi quả gần thu hoạch, mức độ hại không nhiều, cần loại bỏ cả chùm tránh lây lan.
          Nứt quả: Hiện tượng nứt quả nho xuất hiện trong thời gian quả lớn và sắp chín, ảnh hưởng lớn tới năng suất và phẩm chất nho. Giống nho Tảo Hồng mẫn cảm với hiện tượng nứt quả mạnh hơn giống nho Cự Phong. Chùm nho bị nứt quả cần tháo túi bao quả để tỉa bỏ các quả bị nứt, rồi bao chùm quả lại.
Thời gian thu hoạch: Vào khoảng tuần cuối của tháng 6 đến trung tuần tháng 7 dương lịch, khi kiểm tra thấy chùm quả đã đạt độ chín [có màu tím]. Trước khi thu hoạch cần ngừng tưới nước khoảng 1 tuần, thu hái khi trời nắng ráo, tháo túi bao quả đối với những chùm quả đã đạt độ chín, dùng kéo cắt cành cắt cuống chùm quả sát với chùm quả để tránh tổn thương cho chùm quả khác.
Bảo quản: Loại bỏ những quả quả nứt, thối hỏng sẽ làm hạn chế sự lây nhiễm sang các đơn vị sản phẩm khác. Chùm quả được rửa sạch trước khi tiến hành đóng gói. Nho được đóng gói vào túi ny lon có lỗ thoát khí hoặc khay xốp có bao màng dẻo, yêu cầu thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng đảm bảo quả nho không bị dập và thâm.

Tác giả bài viết: HK [biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề