Lập biên bản là gì

Quy định pháp luật về lập biên bản vi phạm hành chính

Khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao, người có thẩm quyền nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính [VPHC] đang diễn ra thuộc lĩnh vực quản lý của mình thì phải kịp thời yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm chấm dứt hành vi VPHC và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính [BBVPHC] trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính [XPVPHC] không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính [XLVPHC] hoặc ngay khi xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm trong trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ. Trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập BBVPHC thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Như vậy quy định trên cho thấy BBVPHC là một văn bản rất quan trọng là căn cứ để ban hành quyết định XPVPHC. Việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng đúng chế tài đối với đối tượng vi phạm hay không phụ thuộc phần lớn vào những thông tin được thể hiện trong BBVPHC. Chính vì tầm quan trọng của BBVPHC trong công tác XPVPHC do đó Luật XLVPHC cũng như các nghị định có liên quan về công tác XLVPHC đã có nhiều điều khoản quy định chặt chẽ về công tác này để áp dụng trong thực tiễn XPVPHC, cụ thể:

1. Về thẩm quyền lập BBVPHC:

Điều 58 Luật XLVPHC, Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ thì những người sau đây có thẩm quyền lập BBVPHC: [1] Người có thẩm quyền XPVPHC; [2] Công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; [3] Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

Theo đó người có thẩm quyền lập BBVPHC nhưng không có thẩm quyền xử phạt thì chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản. Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập BBVPHC đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC. Như vậy có thể thấy, thẩm quyền lập BBVPHC của những chức danh không có thẩm quyền XPVPHC bị giới hạn hơn, họ chỉ được lập BBVPHC đối với những hành vi vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao, trong khi những chức danh có thẩm quyền XPVPHC khi phát hiện vụ việc VPHC thì những người này có thẩm quyền lập biên bản đối với tất cả hành vi mà trong đó có những hành vi không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền của họ.

2. Về hình thức của BBVPHC:

Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định rất rõ về các biểu mẫu áp dụng trong XLVPHC, trong đó có Mẫu MBB01 - Biên bản vi phạm hành chính được sử dụng cho XPVPHC có lập biên bản. Theo đó, mẫu BBVPHC có ít nhất 12 thông tin yêu cầu người có thẩm quyền lập biên bản cần phải ghi đầy đủ, chính xác ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; phục vụ cho việc ra quyết định XPVPHC. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng đã phát sinh nhiều trường hợp biên bản lập bị sai sót ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng vi phạm khi bị XPVPHC, do đó Luật XLVPHC hiện hành cũng như Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC [có hiệu lực từ 01/01/2022] tiếp tục quy định trường hợp BBVPHC được lập có sai sót, không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định thì người có thẩm quyền XPVPHC phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc VPHC theo quy định tại Điều 59 Luật XLVPHC hiện hành, việc xác minh phải thể hiện bằng Mẫu MBB15 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, biên bản xác minh phải được lưu trong hồ sơ xử phạt, là căn cứ để xem xét ban hành QĐXPVPHC, người có thẩm quyền xử phạt được kéo dài thời hạn ban hành QĐXPVPHC để thực hiện xác minh theo quy định tại Điều 66 Luật XLVPHC. Do đó người có thẩm quyền lập BBVPHC cần lưu ý biên bản lập bị sai sót không được hủy bỏ, bãi bỏ hoặc thay thế bằng một BBVPHC khác bởi Luật và các nghị định về XLVPHC không có điều khoản quy định xử lý đối với vấn đề này mà chỉ có thể lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính làm cơ sở để ban hành quyết định XPVPHC được chính xác.

3. Nguyên tắc và số lượng BBVPHC được lập:

Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định rõ một hành vi VPHC chỉ bị lập BBVPHC và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đãbị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổchức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cốý thực hiện hành vi vi phạm đó, thìngười có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp quy định tại Điều 119 Luật XLVPHC để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng theo quy định hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra QĐXPVPHC nhưng cá nhân, tổchức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới và tiến hành lập biên bản, xử phạt. Tuy nhiên, thực tiễn xử phạt hiện nay việc xác định thế nào là hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt để XPVPHC đối với hành vi này còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định XPVPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự; an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chấy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có quy định hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ vì vậy người có thẩm quyền xử phạt có thể vận dụng quy định đối với hành vi cụ thể để xử phạt bằng hình thức phù hợp.

Về số lượng BBVPHC được lập, Luật XLVPHC quy định rất rõ ít nhất là 02 bản, giao cho đối tượng vi phạm 01 bản. Nếu đối tượng vi phạm là người chưa thành niên thì biên bản còn được giao cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó 01 bản. Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức hoặc một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản chỉ cần lập một BBVPHC trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm của từng người để ban hành quyết định xử phạt.

BBVPHC phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; nếu biên bản gồm nhiều tờ, thì phải ký vào từng tờ biên bản. Theo đó, Luật cũng quy định rõ chỉ khi đối tượng vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan không ký vào biên bản thì biên bản mới cần có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của người chứng kiến, không phải trong mọi trường hợp đều cần phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở hoặc của người chứng kiến như cách hiểu hiện nay của một số chức danh có thẩm quyền lập biên bản.

Tóm lại, những nội dung trên là các quy định pháp luật hiện hành, thực tiễn áp dụng và vướng mắc trong thực hiện lập BBVPHC hiện nay ở một số ngành, địa phương. Hy vọng, mỗi chức danh có thẩm quyền XPVPHC, lập BBVPHC hiểu rõ, nắm chắc, vận dụng đúng quy định pháp luật để ban hành một QĐXPVPHC áp dụng đúng hình thức, mức xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC gây ra là hết sức quan trọng và cần thiết, tránh việc XPVPHC không đúng gây những hậu quả bất lợi ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng vi phạm dẫn đến phát sinh khiếu nại, xử lý trách nhiệm trong thi hành pháp luật XLVPHC đánh mất niềm tin của cá nhân, tổ chức vào hiệu quả quản lý của Nhà nước./.

Lan Anh

Video liên quan

Chủ Đề